Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1370391

LƯƠNG THỰC

Lương thực

 

Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ goá chồng, mang theo một đứa con thơ còn đang bú sữa mẹ. Sau khi đi được một tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột bườm bị gẫy. Từ đó, con thuyền phải lênh đệnh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên tàu hầu như cạn kiệt. Nhiều người trên thuyền bị chết đói và bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ kia đã bị chêt đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà này trước khi chết đã dùng dao cắt đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu mình thay cho dòng sữa.

Câu chuyện trên là hình ảnh tuyệt hảo diễn tả tình thương của Chúa Giêsu khi lập Bí tích Thánh Thể. Ngài là Tấm Bánh được ban cho loài người: Bánh là một thứ lương thực có thể ăn được và cho người ăn được sống. Bánh không sống cho mình, mà luôn sống vì người khác và cho người khác. Chúa Giêsu tự xưng mình là Bánh, nghĩa là Ngài tự huỷ chính mình, hy sinh bản thân mình để cho loài người được sống.

Rước Mình máu Chúa là đón nhận chính sự sống của Chúa Giêsu: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”. Chính khi rước lễ, là chúng ta được sống nhờ Chúa Giêsu, sống trong Chúa Giêsu và sống cho Chúa Giêsu, như cành nho chỉ sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây nho.

Để việc rước lễ mang lại lợi ích thiêng liêng, thì không phải chỉ cần có sự chuẩn bị trước, mà còn phải gặp gỡ thân tình với Chúa sau khi đón rước Ngài. Cần tránh thái độ lên rước lễ do thói quen, do sự thúc bách của hoàn cảnh, nên thiếu sự chuẩn bị trước và thiếu đối thoại đối thoại kết hiệp với Chúa sau khi rước lễ. Ngày nay nhiều người rước lễ, nhưng phần đông rước lễ cách khô khan: Bỏ giây phút Thinh Lặng Thánh sau khi rước lễ, vội vàng ra ngoài lấy xe để còn lo chuyện làm ăn hay vui vẻ ăn nhậu với bè bạn. Vì thế mà việc rước lễ trở thành nhàm chán, một lễ nghi hình thức bên ngoài: rước lễ chỉ là việc đi lên đón nhận và ăn một tấm Bánh Thánh, thay vì để được gặp Chúa Giêsu Thánh Thể. Thật ít có vị khách quý nào lại bị chủ nhà tiếp đón cách lạnh nhạt như Ngài! Vì thế, dù siêng năng rước lễ, nhưng người tín hữu vẫn không gặp được Chúa, không nhận được sức sống thần linh của Ngài, để được ơn biến đổi nên con người mới. Vì vậy, sau nhiều năm theo đạo, chúng ta cảm thấy mình vẫn chỉ là mình với những thói hư và tội lỗi như cũ!

 

 

 

 

 

2. Rước lễ

 

Có một cô sinh viên, được đặc ân mỗi tuần mang Mình Thánh Chúa đến cho một cụ già sống lẻ loi và cô quạnh. Cô sinh viên đã kể lại như thế này: Sau khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, đọc lại bài Phúc Âm ngày Chúa nhật cho cụ nghe, rồi bàn bạc trao đổi với cụ về một vài điểm mà đoạn Phúc Âm ấy đã gợi lên. Tiếp đến là giây phút cụ trông đợi cả tuần lễ. Tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Rồi tôi giờ Mình Thánh lên và nói với cụ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Con Thiên Chúa. Và cụ đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ. Sau một vài phút thinh lặng, tôi giúp cụ cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Mình Thánh Chúa mà cụ vừa lãnh nhận, mang lại cho cụ sức khoẻ phần hồn cũng như phần xác. Xin Chúa giải thoát cụ khỏi mọi khổ đau và bệnh tật, xin hãy dùng sức mạnh của Chúa mà nâng đỡ, chở che để cụ cũng sẽ được phục sinh trong cuộc sống mới vào ngày sau hết. Sau đó, hai người ngồi nói chuyện một lúc rồi tôi tạm biệt và hứa sẽ cầu nguyện cho nhau và hẹn gặp lại vào Chúa nhật tuần tới.

Câu chuyện đơn sơ trên cho chúng ta thấy loại đức tin mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có như lời Ngài đã nói qua đoạn Phúc Âm sáng hôm nay: Ta là bánh Hằng Sống từ trời xuống. Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì kẻ ấy sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy. Cụ già và cô sinh viên đều chứng tỏ đức tin của họ vào lời nói ấy của Chúa, bằng cách trao ban cũng như nhận lãnh Mình Thánh Chúa Giêsu, bằng cách cùng cầu nguyện chung với nhau.

Và như thế, việc rước lễ phải là một cảm nghiệm của đức tin, được thực hiện kèm theo lời cầu nguyện. Lúc rước lễ là như một viên kim cương. Còn thời gian trước và sau rước lễ là như một sợi dây vàng. Tự bản tính, viên kim cương vốn đã xinh đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng đẹp đẽ hơn nếu được gắn vào giữa sợi dây vàng và trở thành trung tâm điểm. Cũng thế, tự bản tính việc rước lễ là một cảm nghiệm tuyệt đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp nếu được kèm theo những tâm tình cầu nguyện. Vậy chúng ta đã cầu nguyện thế nào trước và sau khi rước lễ? Tâm hồn chúng ta nghĩ gì khi tiến lên bàn thánh Chúa. Chúng ta có tâm sự với Chúa như với người bạn thân hay không? Chúng ta có biết cảm tạ Ngài, xin Ngài tha thứ và hướng dẫn chúng ta trên vạn nẻo đường đời?

Điểm thứ hai câu chuyện trên cho thấy đó là thứ tình thương Chúa muốn chúng ta phải có với tư cách là những Kitô hữu. Thực vậy, tình thương giữa cụ già và cô sinh viên là loại tình thương mà mỗi người chúng ta cần phải cố gắng vun trồng cho nhau. Và Bí tích Thánh Thể chính là một phương tiện giúp chúng ta sống gắn bó mật thiết với nhau hơn như lời thánh Phaolô đã viết: Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vậy việc rước lễ có làm cho đời sống chúng ta dồi dào tình thương mến, nhất là đối với những người khổ đau và bất hạnh hay không? Nói cách khác, việc rước lễ có lôi kéo chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hay không?

 

 

 

 

 

3. Mình Máu Thánh Chúa.

 

Nếu hôm nay có ai đến bảo chúng ta rằng: Bạn hãy ăn thịt và uống máu tôi đi, bạn sẽ sống mãi không chết bao giờ, thì chắc chúng ta sẽ cho là người ấy mắc bệnh tâm thần.

Người Do Thái ngày xưa, kể cả các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời lẽ tương tự cũng đã bảo nhau: Lời ấy chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi.

Thực ra người Việt Nam chúng ta có một cách nói khác: Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Thực vậy, chén cơm là kết quả của công lao khó nhọc nơi người nông dân: từ lúc gieo xạ, tới lúc chăm sóc, phân bón, làm cỏ, trừ sâu và gặt hái. Bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu nhọc nhằn, có khi còn phải tủi nhục, đoạ đày dưới ánh mắt của những chủ điền độc ác. Chính nhờ mồ hôi nước mắt, nhờ những cay đắng nhọc nhằn ấy mà chúng ta được sống.

Mà không phải chỉ có mồ hôi nước mắt của nhà nông mà thôi. Khi cha mẹ tôi đổ mồ hôi kiếm sống nuôi tôi thì chén cơm trên bàn ăn mẹ xới cho tôi chính là một phần của máu thịt cha mẹ tôi sẻ bớt cho tôi. Tôi sống nhờ thịt máu các ngài.

Chúa Giêsu khi cầm tấm bánh bẻ ra và nói: Tất cả hãy cầm lấy mà ăn, thì Ngài đã nghĩ ngay đến cái chết của mình vì nhân loại, nên đã nói tiếp: Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.

Nếu sau việc làm này, nghĩa là nếu sau khi đã bẻ bánh và nói những lời ấy Chúa Giêsu không bị giết thì việc làm của Ngài chỉ là một chuyện đùa và không ai nhắc lại làm gì. Nhưng thật sự Ngài đã bị giết, bị mai táng và đã sống lại, bởi thế tấm bánh Ngài bẻ ra thực sự có ý nghĩa. Đó là chính thân thể Ngài bị giết để có thể trở thành của ăn của uống cho chúng ta.

Thật vậy, khi chúng ta ăn cái gì thì cái đó biến thành máu thịt chúng ta. Chúng ta ăn thịt và uống máu Con Người thì thịt máu ấy trở thành thịt máu chúng ta. Người nên một với ta, ta nên một với Người hay nói cách khác, ta ở trong Người và Người ở trong ta. Và như thế, nếu Người sống đời đời thì ta cũng phải được sống đời đời như Người và với Người.

Do đó, nhờ Bí tích Thánh Thể chúng ta nhận được từ nơi Người chính sự sống của Người để có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi. Nếu thực sự Đức Kitô sống trong tôi thì điều đó phải được tỏ hiện qua tâm tình, lời nói và hành động của tôi. Bởi thế ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô mà không sống như Người đã sống, nghĩa là không yêu thương anh em như Người đã yêu thương thì kẻ đó đã thực sự rước lễ chẳng nên vì thịt máu Đức Kitô không biến thành thịt máu kẻ ấy. Người đã không ở trong họ và họ cũng chẳng ở trong Người và như vậy họ chẳng bao giờ được sống đời đời.

Bí tích Thánh Thể không được lập ra chỉ để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành những kẻ đạo đức, mà chủ yếu đây là bí tích của yêu thương và hợp nhất. Bí tích mời gọi chúng ta biết chia sẻ cuộc sống với người khác. Bởi đó, kẻ chỉ biết ngồi ở bàn tiệc Thánh Thể mà không bao giờ biết ngồi vào bàn ăn với anh em, nhất là không biết dọn bàn ăn cho anh em mình, thì đó là kẻ chưa hiểu được ý nghĩa của bí tích này và cũng chẳng hưởng được hồng ân nơi bàn tiệc của Chúa.

 

 

 

 

 

4. Hồng ân Thánh Thể – Lm. Ignatiô Trần Ngà

 

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà

Không gì trên đời quý bằng sự sống. Dù có bị thiên tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì vẫn còn may.

Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Theo nhà văn Jack London thì “thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết”. Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng”.

Vì yêu thương con người trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban sự sống thần linh

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha. Người thông ban Sự Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con). Chúa Giêsu xác nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6,57)

Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.

Thế nên, Chúa Giêsu lập nên Bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”

Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54)

Thế là thông qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giêsu, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ.

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu

Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:

“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)

Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa:

“Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)

Lạy Chúa Giêsu,

Hồng ân Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.

Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

 

 

 

 

 

5. Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

 

Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta nên Ngài muốn ban cho chúng ta món quà cao quý nhất.

Nhưng thưa ông bà anh chị em, nếu giờ đây Chúa hiện ra và phán với mỗi người rằng: “Ta sẽ ban cho các con món quà quý báu nhất”, thì chúng ta sẽ xin Ngài điều gì? Xin vài tấn gạo? Có nhiều điều khác giá trị hơn gạo. Xin tiền? Vài tỉ bạc cho mỗi gia đình? Còn nhiều điều khác quý hơn tỉ bạc. Xin một tấn vàng ròng? Còn có điều quý hơn vàng bạc, hơn bảo ngọc trân châu. Đó là sự sống! Ông bà chúng ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng”. Được sống là một may mắn vô cùng, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Nhà văn Jack London nói: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết”. Đúng vậy. Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Dù mất hết tiền bạc của cải, nhưng còn được sống thì cũng còn may.

Nhưng sự sống cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau.

Sự sống của cây cỏ vốn thấp kém, hầu như vô tri vô giác. Cây cối không biết khóc, không biết cười, không biết đau đớn cũng như mừng vui, lại phải chôn chân một chỗ cho đến lúc lụi tàn.

Sự sống của các loài côn trùng như giun, như sâu bọ, như kiến… tuy cao hơn loài thảo mộc một chút nhưng còn ở đẳng cấp thấp.

Sự sống của cá nước, chim trời, của loài cầm thú cao hơn sự sống của cỏ cây, của côn trùng, nhưng vẫn chưa phải là mức sống cao.

Sự sống của con người cao vượt hơn cả: hơn sự sống của hoa lá cỏ cây, hơn sự sống của côn trùng, hơn sự sống của chim trời cá nước, hơn sự sống của các loài muông thú, nhưng dù vậy vẫn còn thua sự sống của các thiên thần và còn thua xa sự sống của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa là sự sống cao quý vô song.

Sự sống con người cao quý thật, nhưng tiếc thay, sự sống ấy đã bị tội nguyên tổ làm cho tổn thương, làm cho khiếm khuyết và giới hạn. Khiếm khuyết vì bệnh tật, vì già yếu, và giới hạn bởi cái chết.

Thế nên Thiên Chúa nhân lành tiên liệu ban thêm cho loài người sự sống khác, vô cùng phong phú, vô cùng cao quý, và không bao giờ cùng tận, đó là sự sống của chính Ngài. Thiên Chúa lấy chính sự sống của Mình làm quà tặng cho loài người khốn hèn tội lỗi! Có ai hiểu nổi không?

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta điều đó.

Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Phẩm chất của sự sống Chúa ban là vĩnh cửu, không thể lụi tàn.

Và sự sống nầy chính là sự sống của Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng Sự Sống mà Ngài đã nhận được từ nơi Chúa Cha, thì Ngài thông ban lại cho chúng ta. Sự sống thần linh bắt nguồn từ Chúa Cha, thông truyền cho Chúa Con và Thánh Thần, giờ đây lại được Chúa Giêsu khơi dòng để chảy tràn vào mỗi người chúng ta, nếu chúng ta ăn Ngài, tức là đón nhận Ngài, rước lấy Ngài trong Bí tích Thánh Thể.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Thật tuyệt vời không thể tưởng tượng được. Thiên Chúa thông ban sự sống cao quý của chính Ngài cho chúng ta qua Chúa Giêsu.

Món quà vô cùng quý báu, vượt xa tất cả mọi món quà đã được Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho chúng ta. Chúng ta hãy mau mau nhận lãnh món quà quý báu nầy với tất cả tấm lòng cảm tạ tri ân, đồng thời hãy cầu xin Chúa cho sự sống thần linh ấy thực sự trổ sinh hoa trái dồi dào trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

 

 

 

 

 

6. Đức Kitô mẫu gương tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Ngày 24/6/2009, tại phòng trọ ở thành phố Tuy Hòa, 2 bình gas loại du lịch đã phát nổ khiến Tuyên và một bạn cùng phòng bị bỏng. Với tình trạng bỏng nặng tới 65%, các bác sỹ đã dự đoán cô gái này khó có thể qua khỏi, đặc biệt là ở thời điểm sau 10 ngày nằm viện, Tuyên được chẩn đoán là bị nhiễm trùng máu khá nặng.

Thương con, người cha là Lê Thanh Tuấn đã năn nỉ các bác sỹ lóc da đùi của mình để cấy ghép vào phần da bị mất do bỏng của con, dù chuyện này rất có thể sẽ đem đến biến chứng nguy hiểm cho người bị huyết áp cao như ông. Nếu những chuyên gia phẫu thuật của bệnh viện Chợ Rẫy không từ chối, thì có lẽ ông Tuấn đã sẵn sàng để họ lấy cả phần da từ bụng, ngực… trên người mình để đắp sang con.

Sự hy sinh của người cha đã được phần nào đền đáp khi sức khỏe của ‘bé Út’ dần khá hơn. Cô nữ sinh đã tỉnh táo hơn và có thể trò chuyện được đôi lời. Còn ông Tuấn, sau nhiều ngày rất khó khăn trong từng bước đi vì toàn bộ lớp da hai bên đùi đã bị lấy hết, cũng đã dần ổn định và có thể cử động được.

Đến phòng bệnh tại khoa Bỏng của Bệnh viện Chợ Rẫy vào những ngày này, gần như ở thời điểm nào trong ngày, người ta cũng sẽ nhìn thấy cảnh một cô gái băng bó trắng toàn thân nằm trên giường. Bên cạnh cô là người cha bó quanh đùi bằng những sợi băng y tế bị nhuộm đỏ. Ông luôn ngồi đó, động viên chăm sóc cho cô con gái vẫn mang trong mình mong muốn được thi đại học, khối C.

Vâng, nếu chúng ta được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh đó, có lẽ chúng ta cũng để cho dòng nước mắt của tình người dạt dào tuôn trào nơi chúng ta. Nước mắt cảm thông. Nước mắt của trái tim hoà nhịp với trái tim yêu thương của người cha lóc thịt cho con. Khóc vì ngưỡng mộ một con người giầu lòng quảng đại. Yêu tha nhân không chỉ yêu như chính mình mà còn quên cả bản thân. Một tình yêu quá cao vời. Nước mắt đồng cảm với một con tim không chỉ biết nói lời yêu thương mà còn thể hiện bằng tình yêu trao ban chính thịt máu mình để cấy trồng lại sự sống cho con.

Đó cũng là tình yêu mà Đức Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống của Ngài. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng rồi cũng chết. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn đời.

Tình yêu luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Tình yêu đã làm phát sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc làm để cho người mình yêu được vui lòng. Tình yêu là một quà tặng vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món qùa được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối và nhẹ hơn chỉ là sự trao đổi qua lại theo lẽ công bằng với nhau.

Thế giới hôm nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Bởi thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng.

Thế giới không có tình yêu sẽ hoang tàn đổ nát tựa như cơn lũ đã tàn phá môi trường chỉ để lại sự dơ bẩn và chết chóc. Đó chính là thảm cảnh mà chúng ta đang phải đối diện. Bởi thiếu vắng tình yêu đã đẩy sự dữ ngày một gia tăng. Sự dữ ẩn chứa khắp nơi. Sự dữ luôn đe doạ hủy diệt địa cầu bất cứ giờ nào. Kẻ dữ luôn gia tăng sự ác. Kẻ lương thiện ngao ngán sự đời. Kẻ khôn ngoan né tránh. Người dại dột thì lãnh đủ. Người ta nói rằng: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống”. Biết để né tránh. Biết để thủ thế. Biết để an phận thủ thường. Một lối sống “biết để sống” đến nỗi bỏ quên đồng loại, chỉ lo toan cho mình nên không có sự sáng tạo trong yêu thương. “Biết để sống” dẫn đến đa nghi nên thế giới chẳng ai tin ai. Thế giới đã chết vì thiếu vắng tình yêu.

Mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình yêu Chúa tuôn chảy trong con tim của chúng ta để chúng ta dám hiến dâng chính mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi người biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chắc chắn cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

 

 

 

 

 

7. Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Khi nói về thân phận phụ nữ tần tảo “một nắng hai sương”, người ta thường nhớ đến câu thơ bất hủ của Tú Xương đã nói về vợ mình như sau:

“Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Và những ai thích ca cổ cải lương, sẽ nhớ mãi câu chuyện huyền thoại thật cảm động về Thoại Khanh – Châu Tuấn. Chuyện kể về một người vợ chung thủy, một nàng dâu hiếu thảo. Nàng lấy chồng nhưng không phải để được sống sung sướng hạnh phúc. Nàng lấy chồng không phải để có chỗ nương tựa như bao người phụ nữ khác. Nàng lấy chồng để được “nâng khăn sửa túi” cho chồng, và nhất là thay chồng để gánh lấy “giang sơn nhà chồng”. Nàng cặm cụi dệt cửi thêu thùa để lo cho chồng ăn học. Và rồi tai hoạ đã đổ ập xuống trên cuộc đời nàng, khi chồng đang mãi ứng thí trên kinh thành, thiên tai lũ lụt đã tàn phá quê nhà đến nỗi nhiều gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đói khổ bần cùng. Nàng cùng mẹ chồng sống lây lất qua ngày. Lương thực thiếu thốn. Mẹ chồng già yếu, lại thêm mù loà. Nàng đã hằng ngày róc thịt mình cho mẹ ăn. Nàng đã chấp nhận róc từng thớ thịt của mình để nuôi mẹ già sống cho tới ngày chồng trở về để “vinh quy bái tổ”.

Xem tuồng cải lương về Thoại Khanh – Châu Tuấn, nhiều người đã rơi nước mắt. Nước mắt cảm thông. Nước mắt của trái tim hoà nhịp với trái tim yêu thương của nàng dâu lấy thịt nuôi mẹ chồng. Khóc vì ngưỡng mộ một con người giầu lòng quảng đại. Yêu tha nhân không chỉ yêu như chính mình mà còn quên cả bản thân. Một tình yêu quá cao vời. Nước mắt đồng cảm với một con tim không chỉ biết nói lời yêu thương mà còn thể hiện bằng tình yêu trao ban chính thịt máu mình cho mẹ già được sống trong an vui hạnh phúc.

Chuyện kể về Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay không phải là huyền thoại, mà là sự thật. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng rồi cũng chết. Người mẹ chồng đã từng sống nhờ từng thớ thịt nàng dâu nhưng rồi cũng từ giã cõi trần. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn đời.

Tình yêu luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Tình yêu đã làm phát sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc làm để cho người mình yêu được lớn lên trong tình yêu. Tình yêu là một quà tặng vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món qùa được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối và nhẹ hơn chỉ là sự đổi trác qua lại theo lẽ công bằng với nhau.

Thế giới hôm nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Ngay lúc này tại vùng trung đông luôn có biết bao sự xung đột bom đạn và hoả tiễn giết chết hàng vạn người. Bởi thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng. Ngay lúc này có hàng ngàn thai nhi bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ và có hàng triệu người chết vì đói khổ và thiên tai lũ lụt.

Thế giới không có tình yêu sẽ hoang tàn đổ nát tựa như cơn lũ đã tàn phá môi trường, chỉ để lại sự dơ bẩn và chết chóc. Đó chính là thảm cảnh mà chúng ta đang phải đối diện. Bởi thiếu vắng tình yêu đã đẩy sự dữ ngày một gia tăng. Sự dữ ẩn chứa khắp nơi. Sự dữ luôn đe doạ hủy diệt địa cầu bất cứ giờ nào. Kẻ dữ luôn gia tăng sự ác. Kẻ lương thiện ngao ngán sự đời. Kẻ khôn ngoan né tránh. Người dại dột thì lãnh đủ. Người ta nói rằng: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống”. Biết để né tránh. Biết để thủ thế. Biết để an phận thủ thường. Một lối sống “biết để sống” đến nỗi bỏ quên đồng loại, chỉ lo toan cho mình, nên không có sự sáng tạo trong yêu thương. “Biết để sống” dẫn đến đa nghi, nên thế giới chẳng ai tin ai. Thế giới đã chết vì thiếu vắng tình yêu.

Mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình yêu Chúa tuôn chảy trong con tim của chúng ta để chúng ta dám hiến dâng chính mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi người biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chắc chắn cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Con người sẽ hạnh phúc và lạc quan hơn. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Xin đừng bao giờ biến mình thành ác qủy luôn đe doạ sự sống tha nhân và trở thành mối lo của xã hội. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

 

 

 

 

 

8. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

 

Đức Giêsu nói “thịt Ngài là thật của ăn và máu Ngài thật là của uống”, và hơn nữa, “ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”.

Kitô hữu tin rằng bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép trong thánh lễ, thực là mình và máu Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Với giác quan, con người vẫn thấy đó là tấm bánh và rượu, nhưng với con mắt đức tin, đó là mình máu Chúa Giêsu Kitô. Đây không là phép lạ, vì nếu là một phép lạ, thì mọi người đã nhận biết đó là thịt máu Đức Giêsu, và con người không thể chối cãi được; chẳng hạn một số người nhận được phép lạ chữa lành bệnh tật ở Lourdes, người ta không thể phủ nhận điều này. Bánh rượu sau truyền phép là một bí tích, nghĩa là, là một dấu chỉ hữu hình để Thiên Chúa ban ơn sủng thiêng liêng cho con người.

Bí tích Thánh Thể không đơn thuần là dấu chỉ hữu hình Thiên Chúa dùng để ban ơn thiêng liêng, nhưng còn là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa. Biểu tượng là dấu chỉ liên hệ mật thiết với điều dấu chỉ trỏ tới, và cũng là chính thực tại, chẳng hạn thân xác là biểu tượng của con người toàn diện. Bánh rượu nuôi sống và làm hoan lạc con người, Bí tích Thánh Thể, mình và máu Đức Giêsu Kitô, cũng nuôi sống và làm hoan lạc con người, thể chất và tinh thần.

Bí tích Thánh Thể cho thấy Lời Thiên Chúa tiếp tục tự hủy cho con người được sống. Lời Thiên Chúa đã tự hủy, nhập thể làm người, giờ đây Đức Giêsu Phục Sinh đã được tôn vinh, thế nhưng Ngài vẫn tiếp tục tự hủy nơi Bí tích Thánh Thể. Bánh rượu trở thành mình máu Đức Giêsu Kitô: ôi vật chất sao được diễm phúc đặc biệt này. Lời Thiên Chúa tự hủy cho con người thấy nét đẹp và cao quý của thân xác, điều mà nhiều người tưởng rằng thân xác là cái gì kém giá trị. Bí tích Thánh Thể cho thấy vật chất cũng là cái gì tuyệt vời, vì Lời Thiên Chúa nhập thể đã dùng để làm nên mình máu thánh Ngài.

Bí tích Thánh Thể, mình máu thánh Đức Giêsu Kitô, là bánh ban xuống bởi trời. Là lương thực ban cho con người sự sống vĩnh cửu. Bí tích Thánh Thể là bánh hằng sống đối với những người tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Với những người này, chính qua Bí tích Thánh Thể mà các tín hữu được quy tụ, để họ được nghe Lời Chúa và được rước mình và máu Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi sống đời sống thiêng liêng của họ, củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, giúp họ sống bình an hạnh phúc trong những ngày ở dương gian này.

Bí tích Thánh Thể là biểu tượng tình yêu của Đức Giêsu cho con người, vì Thánh Thể là chính mình máu Ngài. Nơi Bí tích Thánh Thể, người ta đọc thấy tình yêu của Đức Giêsu đã hiến mạng sống cho con người, cho những ai tin vào Ngài. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình (Ga 15,13). Đức Giêsu đã hiến mạng cho con người, và điều này được thấy một cách cụ thể qua qua Bí tích Thánh Thể khi Đức Giêsu nói: “các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em…. Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Bí tích Thánh Thể là chính mình máu thánh Người, được ban tặng cho con người, để trở thành bánh ban sự sống, để trở thành giá cứu chuộc con người. Con người thật là tạo vật được Thiên Chúa quý trọng biết bao, vì nó đã được Đức Giêsu hiến mình cứu chuộc.

Với Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đang hiện diện với con người một cách bí tích nhưng thật cụ thể đối với những người tin. Thiên Chúa ở với con người qua Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu; giờ đây Đức Giêsu Phục Sinh đã được siêu tôn ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài đang ở với con người tuy dù con người không thể thấy Ngài bằng mắt trần, và rồi Ngài đang hiện diện với tín hữu cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện cụ thể với con người. Thiên Chúa luôn ở với con người, và Ngài còn luôn ở lại với con người một cách cụ thể qua bí tích tình yêu này.

Khi một người nhận lãnh lương thực nuôi thân xác, lương thực được biến hóa thành thịt máu người nhận; khi một Kitô hữu đón nhận mình và máu Đức Giêsu Kitô vào lòng, Đức Giêsu Kitô làm cho người lãnh nhận được trở nên một với Ngài, được thần hóa nhờ Ngài. Mình máu Đức Giêsu Kitô thánh hóa Kitô hữu, làm Kitô hữu trở nên thánh một khi họ rước mình và máu Ngài. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Bí tích Thánh Thể, thần lương quy tụ, gầy dựng, và nuôi dưỡng Giáo Hội. Ước gì mỗi Kitô hữu nhận biết giá trị vô lường của Bí tích Thánh Thể, để trân trọng và hân hoan đón nhận bí tích cao quý này mỗi ngày, để Bí tích Thánh Thể trở thành nguồn sống cho cá nhân và cộng đoàn.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bí tích Thánh Thể có giúp bạn sống hạnh phúc không?

2. Theo kinh nghiệm sống, Bí tích Thánh Thể ảnh hưởng trên đời bạn thế nào?

 

 

 

 

 

9. Đức Kitô hiện diện.

 

Thân xác cần phải ăn uống thì mới sống được. Một chút thực phẩm dự trữ cũng đủ để người bị lạc trong rừng sống thêm đôi ba ngày. Một chút nước trong sa mạc cũng giúp kéo dài thêm sự sống.

Con người, như chúng ta đã biết, không chỉ là thân xác mà còn là tinh thần. Và tinh thần cũng cần phải được nuôi dưỡng để tồn tại và phát triển. Người ta đã nói đến những món ăn tinh thần như sách báo, nghệ thuật… Chúa Giêsu còn muốn cung ứng cho chúng ta một món ăn tinh thần cao quí và tuyệt hảo hơn nhiều, đó là chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài muốn trở nên lương thực nuôi sống nhân loại.

Thế nhưng, làm sao Ngài lại có thể cho chúng ta ăn thịt Ngài và uống máu Ngài? Tôi xin thưa Ngài đã dùng quyền năng mà biến đổi tấm bánh và chén rượu trở thành thịt và máu thánh Ngài, để khi ăn tấm bánh và uống chén rượu, chúng ta được kết hiệp với chính con người của Ngài. Như thế, khi rước lễ, chúng ta không lãnh nhận một Đức Kitô đã chết và nay chỉ còn là một cái xác không hồn. Trái lại, chúng ta đón nhận một Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại, hiện đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Thánh Gioan đã diễn tả:

– Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.

Mà ở trong Chúa, chắc hẳn cuộc đời chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái. Cũng vì xác tín như vậy, mà Giáo Hội luôn tỏ lòng kính trọng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi truyền phép, vị linh mục nâng cao mình và máu thánh Chúa, để chúng ta thờ lạy.

Ngoài ra, Giáo Hội còn tổ chức những cuộc rước kiệu, chầu phép lành, các đại hội Thánh Thể trên toàn thế giới. Đức Kitô đến với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng còn đến với chúng ta dưới nhiều hình thức khác nữa.

Khi tham dự thánh lễ cùng với cộng đoàn, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài giữa lòng Giáo Hội:

– Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Thân mình này được nuôi dưỡng bởi mình và máu thánh Ngài. Như thế, chúng ta cần ý thức về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Giáo Hội.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn hiện diện khi chúng ta lắng nghe lời Ngài. Chính ngài nói với chúng ta, khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội. Nơi Thánh lễ, chúng ta thấy bàn tiệc mình máu thánh Chúa và bàn tiệc lời Chúa. Đó không phải là haibàn tiệc tách biệt, vì trong Thánh lễ, cả lời Chúa lẫn mình Chúa được dọn ra trên một bàn ăn, để giáo dân được hướng dẫn và bổ sức.

Chúa Giêsu không phải chỉ ở ngoài chúng ta, nhưng Ngài còn ở trong chúng ta. Ngài ở trong trái tim, Ngài ở trong cõi lòng chúng ta. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta quên đi sự hiện của Ngài nơi chính bản thân mình. Chúng ta quên rằng bản thân mình cũng là một nhà tạm, một đền thờ cho Chúa ngự trị. Không phải chỉ khi lên rước lễ, Ngài mới bắt đầu hiện diện trong chúng ta và lúc đó chúng ta mới có thể gặp gỡ Ngài. Thật ra Chúa luôn ở với chúng ta, và lúc nào ta cũng có thể trở về với lòng mình để gặp gỡ Ngài.

Sau cùng, Chúa Giêsu còn hiện diện ở bên ngoài nhà thờ, nhất là nơi những người bất hạnh, đau khổ, đói khát, ốm yếu, trần trụi… Họ cũng là những bí tích của Đức Kitô. Ẩn dưới tấm bánh là mình thánh Chúa. Còn ẩn dưới những kẻ sống bên lề xã hội là Đức Kitô thiếu thốn đang xin trợ giúp. Cần phải có cặp mắt đức tin để khám phá ra sự hiện diện của Chúa nơi những thực tại của đời thường. Ngài không quen đến với sự hào nhoáng và vinh quan hiển hách. Ngài đến với chúng ta với thận phận của một con người yếu đuối.

Hãy khiêm nhường để tìm thấy sự hiện diện khiêm tốn của Chúa, nhờ đó biến đời mình trở thành một cuộc gặp gỡ liên tục với Ngài.

 

 

 

 

 

10. Thịt Ta là của ăn – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống Bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?

2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?

3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?

4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?

 

 

home Mục lục Lưu trữ