Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 25
Tổng truy cập: 1374010
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Mầu nhiệm tình yêu - Lm. Jos. Quốc Phong SDB
Lễ Chúa Ba Ngôi bắt đầu đưa chúng ta vào mùa Thường Niên, không phải vì mùa thường niên là mùa ít quan trọng hơn trong các mùa phụng vụ. Nhưng chúng ta có thể nói rằng Lễ Chúa Ba Ngôi bao trùm và chiếu sáng trên tất cả hành trình của con người. Quả thật mọi hành động của Chúa Cha, Chúa Con và của Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện từ thời tạo dựng vũ trụ, nghĩa là trong thời khắc của sự tạo dựng, ta luôn nhìn thấy dấu ấn của sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nói rằng, mỗi một thực tại con người chúng ta luôn được tạo ra bởi sự hiệp thông và cho sự hiệp thông. Sau khi sáng tạo ra con người, Thiên Chúa phán: “con người ở một mình thì không tốt”. Đúng vậy, chính Thiên Chúa không bao giờ ở một mình. Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô độc, mà là một “Gia Đình” gồm ba nhân vị. Ba Ngôi yêu thương và hiệp thông với nhau đến mức trở nên “Một”.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của “Tình Yêu” không bị giới hạn chỉ trong Ba Ngôi, không giữ lại cho chính mình, mà đổ tràn xuống trên con người. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến mức ban Con Một, để bất cứ ai tin vào Ngài, sẽ không phải chết, nhưng có được sự sống đời đời” (Gioan 3,16). Chúa Cha không buộc phải ban Con Một, nhưng vì yêu thương thế gian quá đỗi, nên Ngài đã ban Con Một cho thế gian, để thế gian được sống. Thiên Chúa Ba Ngôi không có gì khác hơn chính là “Mầu Nhiệm Tình Yêu” tràn đầy từ trời đổ xuống cho thế gian, vượt qua tất cả mọi rào cản, mọi ranh giới. Tình yêu ấy như là một nguồn năng lượng đầy tràn không thể hãm lại được đối với người biết mở lòng mình ra đón nhận.
“Gia Đình” của Thiên Chúa Ba Ngôi, mọi thành viên đã chọn lựa đi vào lịch sử của loài người để mời gọi tất cả chúng ta, từng người một, trở nên người nhà của Gia đình đặc biệt này, trở nên một với Ngài. Đó chính là viễn tượng cuối cùng, là mong muốn duy nhất mà Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi biểu lộ và mạc khải cho con người. Và viễn tượng này quả thật trở nên một sự “thách đố” đối với tất cả những giáo hội tin vào Chúa Kitô, đối với tất cả các tôn giáo và đối với tất cả loài người. “Sống hòa hợp trong tình yêu” quả thật là một thách đố lớn lao trong xã hội ngày hôm nay, khi mà con người ngày hôm nay đang tăng cường và cổ võ cho các chủ nghĩa ích kỷ và cá nhân. Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi và thúc đẩy chúng ta vượt qua tất cả các rào cản, và Ngài luôn hiện diện và nâng đỡ chúng ta vì “Ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa”.
Thánh Augustino diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi bằng một ý niệm rất là thực tế, đó là ý niệm về một “Cộng Đoàn”. Ba Ngôi Thiên Chúa tạo ra giữa các Ngài một “Cộng Đoàn cuả Tình Yêu”, trong đó, chính Tình yêu là nền tảng cốt yếu của sự tương quan và của sự hiện hữu Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Tình yêu này đã, đang và sẽ mãi mạc khải cho con người. Mối liên hệ tình yêu luôn luôn đòi hỏi một chủ thể yêu và một đối tượng được yêu và ngược lại. Giữa hai người, hiện diện tình yêu, và chính “tình yêu này” nối kết họ lại với nhau, cũng vậy trong Chúa Ba Ngôi, mối liên hệ này đã trở nên nhân vị. Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và ngược lại, Chúa Con được Chúa Cha yêu thương: Tình yêu đã liên kết Cha – Con chính là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần được yêu từ Chúa Cha và Chúa Con.
“Cộng Đoàn Tình Yêu” là Thiên Chúa Ba Ngôi không thể được hiểu và đón nhận bởi con người chúng ta, nếu con người chúng ta không cảm thấy mình được yêu mến từ Thiên Chúa. Chính vì vậy, việc cử hành Thánh Lễ Trọng Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, không chỉ là để ca ngợi và tán tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, mà điều quan trọng đối với chúng ta đó là “Tình Yêu” của Thiên Chúa đổ trên chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự trở nên “Kiểu Mẫu” cho mọi tương quan tình yêu của chúng ta trong chính cuộc sống chúng ta. Trong những mối tương quan cảm xúc, tình yêu đối với tha nhân, nếu như chúng ta không có đủ khả năng để tạo ra những mối liên hệ ngang bằng: không kỳ thị, không phân cấp trên dưới, chúng ta có đang làm chứng cho thế giới “sức mạnh” của Tình Yêu Thiên Chúa chăng? Hay trong phạm vi gia đình nhỏ bé, trong đời sống của vợ chồng, hai người yêu nhau mà lại hiện diện một sự “cao hơn” ở bên một phía chồng hay vợ, chúng ta có thật là đang thực thi tình yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta không?
Không hiện hữu một tình yêu đích thật, đối với chúng ta là những kitô hữu, mà không phải mang hình ảnh và giống với tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi: một tình yêu không phân biệt, không cấp bậc, một tình yêu bởi sự tôn trọng sâu thẳm lẫn nhau, và tình yêu luôn rộng mở đến mỗi người và mọi người. Vì thế Thánh Lễ hôm nay giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa và tình yêu bao la của Ngài luôn tuôn đổ dồi dào trên chúng ta, và đặc biệt hơn là giúp chúng ta hiểu và xích lại gần nhau hơn để yêu nhau hơn, trong gia đình, trong giáo xứ, trong sở làm việc, và trong xã hội, … nhờ vào Tình Yêu mà trong Đức Kitô, qua ơn của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn đầy xuống trong trái tim của mỗi người chúng ta. “Ý nghĩa ở đâu, nếu chúng ta biết Thiên Chúa là ai, mà rồi chúng ta không biết yêu thương anh chị em mình”?
12. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Thiên Chúa Ba Ngôi là một tín điều và là một trong những mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Là mầu nhiệm nên chúng ta không thể thấu hiểu được. Là tín điều nên buộc mỗi người kitô hữu phải tin. Không hiểu nhưng chúng ta tin vì đã được Đức Giêsu mạc khải và được Giáo hội định tín. Để thêm sự xác tín và sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xin được gợi ý chia sẻ một số điểm sau đây.
Trong cuộc sống hằng ngày, có những điều chúng ta không thể thấu hiểu hết nhưng chúng ta vẫn tin. Chẳng hạn, cơm cá chúng ta ăn vào làm sao lại trở nên xương thịt ta? Cùng một chất đất mà cây cối hấp thụ lấy thì làm ra sản phẩm khác nhau: cây lúa làm ra gạo, cây lạc làm ra dầu, cây mía làm ra đường...mỡ bỏ vào nồi rán lên thì chảy ra nước, trứng bỏ vào thì đông lại...Chúng ta không thấu hiểu hết vì trí khôn chúng ta có hạn, nhưng chúng ta tin vì những điều đó là có thật. Những vấn đề này thường gọi là những mầu nhiệm tự nhiên.
Trong đời sống đức tin, ngoài ba mầu nhiệm chính (Một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngôi Hai chuộc tội cho nhân loại), còn có vô số các mầu nhiệm khác, đặc biệt những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời của Đức Giêsu, đó gọi là những mầu nhiệm siêu nhiên. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết, cả cuộc đời của Đức Giêsu là một mầu nhiệm (x. số 512-570): Mầu nhiệm Giáng sinh; những mầu nhiệm của tuổi thơ ấu như sự cắt bì, lễ Hiển linh, sự dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, sự trốn sang Ai-cập; những mầu nhiệm của đời sống ẩn dật như sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Đức Maria và Thánh Giuse, sự kiện tìm lại được Chúa Giêsu trong đền thờ; những mầu nhiệm liên quan đến cuộc đời công khai như việc Đức Giêsu chịu phép rửa, Ngài bị cám dỗ, sự biến hình; những mầu nhiệm liên quan đến sự chết và sống lại, lên trời...
Ngoài ra, các Bí tích cũng là những mầu nhiệm. Chúng ta thường gọi là các Bí tích hay các Nhiệm tích. Bởi vì, Bí tích hay Nhiệm tích là dấu chỉ bề ngoài Chúa Giêsu đã lập để ban ơn bề trong. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận được các Bí tích nhờ đức tin mà thôi. Cho nên, trong thánh lễ, sau khi truyền phép, linh mục đọc: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Và trong bài “Đây Nhiệm Tích” chúng ta hát “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.”
Trở lại với Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, tuy chúng ta không thấu hiểu nhưng qua mạc khải chúng ta biết được đây là mầu nhiệm của tình yêu:
Từ thời Cựu Ước, dân Chúa chỉ biết có một Thiên Chúa độc nhất. Ngài là một vị Thiên Chúa yêu thương. Ngài yêu thương con người “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”(x. Lc 13,34). Ngài yêu thương con người đến nỗi “dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì Ngài vẫn không bỏ rơi con người” (x. Tv 26,10). Chúng ta thấy rõ hơn điều này nơi nội dung của bài đọc I hôm nay: Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín. Chính Ngài đã giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập, nhưng dân Israel lại phản bội Ngài. Thay vì thờ lạy Ngài, họ đúc con bò vàng để thờ lạy. Dầu vậy, nhờ lời chuyển cầu của ông Mô-sê, Thiên Chúa không những đã tha thứ cho họ mà còn lập giao ước đối với họ nữa (x. Xh 34, 4-6.8-9).
Sang thời Tân Ước, qua Đức Giêsu nhân loại mới biết rõ ràng về một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng nhau: không có ngôi nào có trước, ngôi nào có sau; không có ngôi nào hơn, ngôi nào kém vì cả Ba Ngôi có tự đời đời và có cùng một bản tính thần linh.”(x. bài Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, http://www.simonhoadalat.com). Đức Giêsu đã nhiều lần nói về Chúa Cha. Ngài cũng mạc khải về Ngài là Ngôi Hai, là Chúa Con và Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Vì yêu thương, Chúa Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật cho con người hưởng dùng. Vì yêu thương, nên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu xuống thế làm người chuộc tội cho nhân loại. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3,16-18). Cũng vì yêu thương nhân loại nên Chúa Con đã vâng phục Chúa Cha để chấp nhận làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Thánh Phaolô đã diễn tả sự vâng phục của Chúa Con rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Vì yêu thương, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã ban Thánh Thần xuống để thánh hóa nhân loại. Chúng ta thấy vai trò thánh hóa của Chúa Thánh Thần qua những thay đổi nơi các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần và trong Giáo hội sơ khai. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục vai trò thánh hóa trong Giáo hội và nơi mỗi người Kitô hữu mãi cho tới tận thế.
Tóm lại, trong thực tế cuộc sống có nhiều vấn đề chúng ta không hiểu nhưng chúng ta vẫn chấp nhận, đó là những mầu nhiệm tự nhiên. Trong đời sống siêu nhiên, có những vấn đề vượt quá trí hiểu của chúng ta, chúng ta không thấu hiểu nhưng nhờ mạc khải mà chúng ta biết, đó là mầu nhiệm siêu nhiên. Đặc biệt, trong số các mầu nhiệm siêu nhiên đó, có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính hôm nay. Vậy, sứ điệp nào mời gọi chúng ta trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay?
Thứ nhất, luôn luôn tin kính, mến yêu và cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy siêng năng đọc Kinh Sáng Danh, làm dấu thánh giá một cách sốt sắng. Không chỉ cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi cho mình, mà còn nhân danh Chúa Ba Ngôi để cầu nguyện cho người khác như lời cầu chúc của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay: “Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” (2Cr 13,13).
Thứ hai, Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu. Vì vậy, đời sống của chúng ta phải phản chiếu đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu thương hết mọi người. Tình yêu đó phải có hành động cụ thể trong đời sống gia đình và xã hội: giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa mỗi thành viên trong gia đình, giáo xứ, và những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật, cô thế cô thân. Tình yêu đó được diễn tả qua sự hy sinh mà cao điểm của sự hy sinh là “chết cho người mình yêu.” Khi chúng ta yêu thương nhau là chúng ta đang làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi ta thiếu bác ái yêu thương là chúng ta đang chối từ niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thứ ba, Thiên Chúa Ba Ngôi là hiệp nhất. Hiệp nhất đến nỗi Đức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.” (x. Ga 14,7-14). Mặc dầu giáo lý phân biệt các công việc của Ba Ngôi: Chúa Cha là Đấng tạo dựng; Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc; Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Nhưng trong thực tế thì trong việc tạo dựng vẫn có công của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong việc Cứu chuộc vẫn có công của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và trong việc Thánh Hóa vẫn có công của Chúa Cha và Chúa Con. Nghĩa là, cả Ba Ngôi cộng tác với nhau để Tạo dựng, Cứu chuộc và Thánh hóa nhân loại. Ước mong rằng, trong mọi phương diện của đời sống mỗi thành viên trong gia đình, Giáo hội và xã hội biết phát huy tinh thần cộng tác, hiệp nhất như Chúa Ba Ngôi.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin thêm lòng tin, cậy, mến cho chúng con và giúp chúng con biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau. Amen.
13. Thiên Chúa tình yêu – Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà.
Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gang – ngoại trừ một mảng có tí tẹo còn sót trong góc sân.
Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
***
Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm Tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của tình yêu.
Chỉ những ai sống yêu thương mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chỉ những ai thực thi đức ái mới sống trọng ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Chỉ những ai biết sống trao ban mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa tình yêu.
Nếu Thiên Chúa đã hiến trao Con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi, là không muốn cho con người phải chết nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim để chối từ chia sẻ trao ban.
Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính ta ơn gọi sống yêu thương.
Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu chính là tha thứ trong yêu thương.
Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu. Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Vì “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, mới được ở lại trong Thiên Chúa. Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình yêu.
***
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra được sự hiện diện của Chúa tận thẳm sâu tâm hồn chúng con và của từng nười chứng con gặp gỡ, để chúng con biết quảng đại trao ban và yêu thương chúng con đời đời. Amen.
14. Lễ Chúa Ba Ngôi - Ngày Lễ Tình Yêu
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi luôn là chân lý vượt quá sự hiểu biết của con người. Câu chuyện của thánh Augustine với cậu bé bên bờ biển năm nào khiến không ít người trong chúng ta nghĩ rằng tín điều này sao mà khô khan khó hiểu, quanh đi quẫn lại cũng chỉ “Một - Ba”, “Ba- Một”. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. Tin mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm về một Thiên Chúa không quá khô khan, không quá khó hiểu và rắc rối như chúng ta vẫn nghĩ.
Thánh sử Gioan trong tác phẩm của mình có nhắc đến một khái niệm về Thiên Chúa khi ngài định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1, Ga 4, 8). Đây là một khái niệm rất rõ ràng và được cụ thể hoá trong câu đầu tiên của Tin mừng hôm nay, diễn tả Thiên Chúa tình yêu trong việc sai Con của Người xuống thế gian, làm của lễ dâng hiến hầu đem lại sự sống cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. 1Ga 4, 9).
Chúng ta thấy tình yêu có sức mạnh phi thường mà hiệu quả của nó chính là việc làm cho con người khỏi phải chết và sống đời đời nếu họ tin vào Đấng là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương thế gian không bằng những lời nói suông, nhưng bằng hành động cụ thể. Vì yêu thương con người, muốn cho họ được hưởng tình yêu cứu độ, Chúa Cha đã không tiếc ngay cả người Con Một dấu yêu của mình. Tình yêu của Chúa Con đối với Cha cũng vậy. Vì tình yêu đối với Cha cũng như với thế gian mà Chúa Con đã vâng lời, chấp nhận thân phận con người, hoà mình trọn vẹn vào thân phận kiếp người để sẻ chia kiếp “sinh- lão- bệnh- tử” mỏng giòn của họ. Chúa Thánh Thần luôn âm thầm làm công việc hướng dẫn, thánh hoá con người để họ ngày một nên hoàn thiện trong tình yêu với Thiên Chúa.
Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa không tự mình vẽ hay phác hoạ ra một mô hình về tình yêu để rồi bắt chúng ta áp dụng, còn Người thì ngồi đó để đúc kết hay báo cáo thành tích. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi đã đi bước trước, nghĩa là các Ngài đã sống, đã cảm nghiệm, đã chia sẻ cho nhau từ trước muôn đời và giờ đây các Ngài vì muốn cho con người cũng được chiêm ngưỡng, được sống và chia sẻ tình yêu ấy nên đã sai Con Một và Chúa Thánh Thần xuống thế để làm mẫu gương sống động cho con người noi theo.
Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu đó chân chính và đích thực. Tình yêu đích thực đòi buộc cần phải có nhiều thành phần. Lý do là bởi vì một con người cô độc, luôn tự mãn thì không thể nào có tình yêu được, vì anh ta không có “đối tác” để yêu thương. Tình yêu đích thực cần đuợc đón nhận và trao ban qua “đối tác”, tức qua tha nhân. Chúng ta còn thấy một tình yêu trao ban thực sự khi nó loại bỏ được sự chiếm đoạt, tính ích kỷ và mưu đồ. Tình yêu trao ban đích thực chỉ xảy ra khi và chỉ khi cả hai đều hướng về nhau, cùng lãnh nhận và trao ban, cùng yêu và được yêu. Tình yêu đó không làm cho bên nào phải nghèo đi, phải mất mát nhưng nhờ thế cả hai đều thực sự phong phú và có ích cho nhau. Trong mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta thấy một bản tính Thiên Chúa và Ba ngôi vị phân biệt nhau là thực sự cần thiết, bởi nhờ đó, tình yêu đích thực trao ban và lãnh nhận giữa Ba ngôi thực sự sống động, thực sự hiệu quả và phong phú mà nếu mất đi một trong ba, chỉ sẽ dẫn đến tình trạng ích kỷ, chiếm hữu và tự mãn mà thôi.
Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng Một Thiên Chúa tình yêu, đào sâu thêm về tình yêu giữa Ba Ngôi cũng như tình yêu mà Ba Ngôi đã trao ban cho chúng ta. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta tự vấn lương tâm về các mối quan hệ của chúng ta giữa vợ chồng, bố mẹ con cái, gia đình, xã hội, Giáo hội cũng như những mối tương quan khác,… để xem đó có thực sự là mối quan hệ dựa trên tình yêu vô vị lợi mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu thương cũng như tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ bày cách cụ thể nhất khi Người xuống thế, chịu chết và sống lại vì nhân loại.
Ước mong đây là dịp thuận lợi để chúng ta xin Ba Ngôi Thiên Chúa tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn ngõ hầu mỗi người chúng ta được nên hoàn thiện trong tình yêu và ân sủng của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
15. Thiên Chúa yêu thế gian
(Trích trong ‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa.
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người..."
Không phải chỉ là trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.
Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô.
Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân Ngài.
Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để nhân loại được sống.
Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc cho người mình yêu: "... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời."
Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này.
Được sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do con người.
Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.
Thánh Gioan đã dám định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu.
Một Tình Yêu chia sẻ chan hoà giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.
Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hóa khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.
Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu.
"Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa" (1Ga 4,8). Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16).
Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu.
Ước gì chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.
Gợi Ý Chia Sẻ
Tình yêu là hai từ được sử dụng khắp nơi. Điều mà người ta thường gọi là tình yêu, thực ra chỉ là sự chiếm đoạt của bản năng ích kỷ. Theo bạn, thế nào là tình yêu thực sự đáng tin? Làm sao nhận ra tình yêu đó?
Có khi nào bạn cầu nguyện với từng Ngôi Cha, Con và Thánh Thần không? Bạn biết gì về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng.
Xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam