Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 70

Tổng truy cập: 1366101

MẺ LƯỚI CÁ LẠ VÀ GỌI SIMON PHÊRÔ

MẺ LƯỚI CÁ LẠ VÀ GỌI SIMON PHÊRÔ

Bản văn đóng khung ở dưới đây sẽ cho thấy: việc kêu gọi Simon là đối tượng của một sự chuyển vị. Thực vậy, đối với Luca lời kêu gọi này giả thiết Chúa Giêsu và Simon đã quen biết nhau; lời đáp của Simon sẽ dễ hiểu hơn khi ông biết Chúa Giêsu như một người giảng dạy và chữa bệnh cách lạ lùng.

Lc 5,1-11 không đơn giản, vì nó không chỉ vay mượn ở cảnh kêu gọi các môn đệ trong Mc 1,16-20. Lúc đầu, vì quá đông dân chúng, Chúa Giêsu phải lên một chiếc thuyền để giảng dạy, đó là cảnh ở Mc 4,1-2. Nhưng đặc biệt, bản văn này kết hợp trình thuật về mẻ lưới lạ đến từ truyền thống và cụng thấy việc đánh cá trong cả hai trường hợp đều ám chỉ sứ mệnh của Giáo Hội. Việc gắn liền phép lạ này vào trình thuật kêu gọi môn đệ không có mục đích cung cấp cho Simon một dấu hiệu mới về quyền năng của Chúa Giêsu, nhưng trước hết phép lạ đó làm cho kẻ đánh lưới cá trở thành kẻ đánh lưới người. Như vậy, toàn bộ trình thuật được cấu trúc trên ẩn dụ này.

Việc đặt vị trí cho câu chuyện (c. 1-3), việc giảng dạy của Đức Giêsu – mà Luca có ý nhấn mạnh nhiều – bị cản trở do chính thành công của mình = đám đông chen lấn Người để nghe lời Thiên Chúa – Lời Thiên Chúa mà về sau Phêrô và nhóm Mười Hai cũng sẽ không bỏ quên được (Cv 6,2). Hai chiếc thuyền và đoàn thủy thủ đang sẵn sàng – nếu họ giặt lưới là vì công việc đã xong. Hơn nữa, Chúa Giêsu và Simon đã biết nhau. Chiếc thuyền của ông không chỉ giúp cho Thầy tách ra khỏ đám đông và tiếp tục việc giảng dạy một cách thỏa đáng hơn.

Vì liền sau đó, Chúa Giêsu bảo Simon đưa thuyền ra chỗ nước sâu và, cùng với cả đoàn ngư phủ thả lưới (c. 4-7). Đã từng trải trong nghề, ông chủ thuyền bực bội trước lệnh của một người sống ở nông thôn và trước một kết quả hết sức là bấp bênh. Tuy nhiên, nếu ông thả lưới, không phải vì ông thử bắt cá – bởi lẽ ông đã vất vả suốt đêm và đã thất bại – mà vì muốn vâng theo một lời nói mà ông đã có kinh nghiệm về hiệu quả. Mà, trong trường hợp này, hiệu quả còn ở điểm hẹn: hiệu quả vượt hẳn qua sức chứa của những chiếc lưới của Simon đến nỗi sắp rách. Không thể rách lưới được, vì bằng một dấu hiệu ngầm, đoàn ngư phủ khác đã đến giúp: như vậy chiếc thuyền thứ hai nêu rõ sự vĩ đại của phép lạ. Nhưng Luca còn nhấn mạnh thêm đến hiệu quả của Lời Chúa Giêsu: dưới sức nặng của mẻ cá bắt được: hai chiếc thuyền suýt gần như chìm.

Với các câu 8-11, mọi chú ý đều hướng về Simon Phêrô, bằng cách ghép hai tên mà Chúa Giêsu đặt người đứng đầu nhóm Mười Hai (6,14). Thấy phép lạ, Simon cùng có một phản ứng như Isaia (Is 6,5-6): một con người, tất nhiên là tội nhân, không thể sống được khi tiếp cận với quyền năng thần linh của Thiên Chúa. Sự kinh hãi thánh thiêng chiếm ngự cả các bạn đồng nghiệp của Phêrô. Để làm nổi vai trò của Phêrô, mãi đến bây giờ Luca mới nhắc đến Giacôbê và Gioan, Anrê được nói đến ở Mc 1,16 với ba vị khác, ở đây bị bỏ qua – như ở 4,38. Chính vì Luca đặt nổi bộ ba Phêrô, Gioan và Giacôbê, sẽ là những nhân chứng về hai dấu chỉ của quyền năng thần linh khác nữa (8,51; 9,28).

Nhưng trở ngại mà Phêrô đặt ra đã được giải tỏa: cũng giống như các sứ giả thần linh trong các cảnh mặc khải (x. 1,13-30; 2,10). Chúa Giêsu vượt qua khoảng cách khi bảo Phêrô đừng sợ. Rồi, không gọi rõ tên Simon như đã xảy ra cho ông và anh của ông ở Mc 1,17, Chúa Giêsu chỉ nói lên một lời hứa cho mình ông thôi. Luca viết lại lời hứa này để giải tỏa ẩn dụ của việc đánh cá khỏi khía cạnh tiêu cực của nó – những con cá chết – và nhắc tới việc phán xét của Chúa (Gr 16,16): “Từ nay, anh sẽ là kẻ cứu sống người ta”. Động từ mà Luca chọn có nghĩa đen là “bắt sống”. Bởi đó chúng ta hiểu mẻ lưới lạ tiên báo lời rao giảng Kitô giáo có mục đích quy tụ những con người lại – hình ảnh chiếc lưới bắt cá – để họ được sống. Cũng có những tiếng “từ nay” – một diễn ngữ quen thuộc của Luca (xem trong kinh Mangificat 1,48), mở ra giai đoạn mới của ơn cứu độ. Thời tương lai được mở ra bởi câu 10, đó là hiện tại của Giáo Hội đã bắt đầu từ ngày ấy.

Simon Phêrô không chỉ là phát ngôn viên của nhóm người quy tụ xung quanh Chúa Giêsu (Lc 9,20); ông sẽ còn giữ một nhiệm vụ tương tự trong cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem sau Phục Sinh (Cv 1,15). Nhất là ông sẽ rao giảng lời Chúa, như vậy là thả một mẻ lưới lớn quy tụ nhiều người để họ được sống (Cv 2,14-41).

Chúa Giêsu không có một lời kêu gọi nào cho các bạn đồng nghiệp của Simon; phép lạ và lời Chúa nói với Simon đã là một tiếng gọi và tất cả sẽ theo Người. Được mượn ở ngôn ngữ của các Kinh sư, thuật ngữ này chỉ điều kiện của người môn đệ chấp nhận đi theo bước chân của Thần mình (x. Lc 5,27-28). Sau cùng, một nét đặc trưng nữa của Luca; những môn đệ mới bỏ tất cả, không chỉ bỏ lưới như ở Mc 1,18. Theo Chúa Giêsu, đó làm một chọn lựa triệt để.

 

56.Chú giải của Noel Quesson

Trang Tin Mừng này, như nhiều trang khác, dưới vẻ bề ngoài hời hợt kể về một giai thoại của đời sống Đức Giêsu thật ra là một trang về giáo hội học hay thần học về Giáo Hội.

Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa

Trước tiên, tôi nhìn ngắm quang cảnh cụ thể. Rồi tôi thử tưởng tượng. Đức Giêsu ở giữa một đám đông. Người nói. Đám đông lắng nghe Người. Người không nói bất kỳ điều gì: Người nói Lời Chúa. Nhà thần học Luca nói với chúng ta đó là vai trò đầu tiên của Giáo Hội: việc rao giảng! Điều mà Giáo Hội cố gắng thực hiện chính.Đức Giêsu đã bắt đầu điều đó. Sự rao giảng của Giáo Hội là sự kéo dài việc rao giảng của Đức Giêsu và có cùng một nội dung.

Lạy Chúa, xin cho con lòng yêu mến Lời Chúa, lòng khao khát được lắng nghe Lời Ngài.

Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông

Quang cảnh cụ thể và hiện thực. Nhưng cũng là quang cảnh có tính tượng trưng sâu sắc. Chiếc thuyền tạo ra một khoảng cách; giữa Đức Giêsu và đám đông, như thế nhấn mạnh vẻ uy nghi nào đó của Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy. Và "thuyền đó là thuyền của Simon "tức Phêrô” Giữa đám đông các môn đệ, Luca thong thả nhận ra một vài người sẽ trở thành "nhóm mười hai mà Đức Giêsu gọi là các Tông Đồ." (Lc 6,12)...và trong nhóm mười hai này, Luca còn nhận ra Simon là trọng tâm của bài tường thuật và được gọi đích danh sáu lần trong trang Phúc âm này. Vì thế, đây là cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội mà Đức Giêsu mong muốn.

Cơ cấu tổ chức của Giáo Hội có thể làm cho chúng ta vui mừng hay khó chịu. Dọc dài theo lịch sử, các giáo hoàng và các giám mục có thể đã đóng những vai trò trần tục theo hình ảnh các ông hoàng của thế gian này, hỡi ôi! Nhưng về mặt thần học, chính Đức Giêsu thiết lập cơ cấu tông truyền của Giáo Hội. Trong Giáo hội, các vị có chức tránh trước tiên không phải là một thủ lĩnh, một bề trên trong phẩm trật, một người chấp chính, mà là một người phục vụ đại diện cho Đức Kitô, Đấng Phục vụ trong bí tích. Giáo sĩ là một dấu chỉ, một Bí tích của Đức Giêsu Kitô. Giữa đám đông các môn đệ có linh mục là dấu chỉ rằng chúng ta không chinh phục ân sủng và Lời Chúa, nhưng chúng ta tiếp nhận Lời từ một Đấng khác. Thánh chức đại diện cho Đức Kitô quả là một trách nhiệm đáng sợ. Ngày hôm nay, chẳng phải chúng ta có khuynh hướng nguy hiểm là đánh giá thấp "lời giảng dạy" của Giáo Hội, là bác bỏ khỏi Giáo Hội khía cạnh bí tích, mầu nhiệm, thiêng liêng đó sao? Để chỉ nhìn thấy con người đang nói mà quên đi Đấng mà người ấy đại diện và biểu thị một cách hiệu lực đó sao? Công đồng dám khẳng đinh: "Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội nhất là trong các hoạt động phụng vụ Người hiện diện trong con người thừa tác viên. Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh. Ai rửa tội chính là Đức Kitô rửa. Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác" (S.C 7). Chúng ta có cầu nguyện để các Giáo hoàng, các Giám mục, các linh mục đóng đúng vai trò ấy hay không?

Chiếc thuyền ấy của Simon, neo trong cái vũng nhỏ ở Ca-phác-na-um; tôi thích tưởng tượng nó như một chiếc thuyền cũ kỹ tồi tàn mà khắp mọi chỗ có những mảnh ván đóng đinh chong vào để lấp kín những chỗ hư hại... một chiếc thuyền rất phàm nhân, rất bình thường, rất nghèo hèn! Nhưng Đức Giêsu đã bước lên chiếc thuyền ấy và từ đó Người nói! Ôi! Chiếc thuyền mẫu nhiệm, Giáo Hội của Người, và Lạy Chúa, nó vừa rất con người và cũng rất thánh thiêng…

Giảng xong, Người bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá

Bản dịch theo mặt chữ thì tốt hơn và nói rằng: Ra chỗ nước sâu hay đúng hơn: "Ra chỗ nước trên vực thẳm "eis to bathos" ' tiếng Hy Lạp. Từ tiếng Bathos có nghĩa là vực thẳm, mà có từ tiếng Pháp "bathiscaphe": Chiếc tàu lặn của Cousteau để thám hiểm các vực sâu dưới đáy biển. Đối với dân Sêmít, dân cư của các vùng đất khô cằn, biển là nơi đáng ngại nhất, biểu tượng của các vực thẳm nội tâm, nơi ở của các quái vật trong hỏa ngục (St 7,17; Tv 74,13-24,2; Gr 38,16; Gn 2,2; Kh 9,l-3-20,3-13,1). Nghề biển là một nghề nguy hiểm. Oi có biết bao thủy thủ, thuyền trưởng “bị nuốt chửng, nhận chìm" vào cái hàm mở rộng của biển cả!

Như thế, Đức Giêsu nói một cách tượng trưng điều này: "Con thuyền của Simon, Giáo Hội của Ta, hãy tiến vào nơi hiểm nghèo của biển cả, vào nơi hiểm nghèo của thế gian, hãy rời bỏ sự an toàn của bờ bến; hãy tiến lên trên vực thẳm". Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết mạo hiểm.

Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.

Sứ mạng của Giáo Hội hoàn toàn vượt quá những sứ mạng của con người: Người môn đệ chân chính lắng nghe "lời" Chúa dù lời đòi hỏi người ấy những điều xem ra phi lý.

Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm

Luca nhấn mạnh đến tính chất phi thường của việc đánh cá siêu phàm ấy: Lưới rách, một sự giúp đỡ cần thiết, người ta đổ cá đầy "hai" thuyền, thuyền sắp chìm!

Giáo Hội chỉ có thể thành công nhờ tin vào Lời của Đức Giêsu. Thế thì Simon tư tế phải nhớ lại thôi! Trên mảnh đất chuyên môn của mình Simon tưởng mình có khả năng, nhưng Đức Giêsu đã đánh trúng ông, đã chỉ cho ông những giới hạn của mình: Vì thế, ông không là gì cả nếu không có Người. “Chúng tôi đã vất vả mà không bắt được gì cả!" Chúng ta cũng thế, trong chiếc thuyền của chúng ta, chúng ta thường phải nhường chỗ cho một Đấng Khác, để thả lưới ở nơi mà chúng ta không tự mình làm được.

Đó là ý nghĩa mẫu nhiệm của sự thất bại: giai đoạn đau khổ và khiêm hạ để chúng ta từ bỏ chính mình và đem lại cho chúng ta cơ hội giải phóng mình khỏi những ảo tưởng vẫn làm cho chúng ta tin tưởng vào giá trị của mình. Như thế, có chẳng lúc, chúng ta được mời gọi phải thực hiện một bước liều của đức tin: để hoàn thành các bổn phận nghề nghiệp của chúng ta, để yêu thương chồng mình để chấp nhận một đứa con, để chịu đựng một thử thách... hay hoàn toàn đơn giản, để chịu đựng một ngày của cuộc sống khô cằn trong đó chúng ta vất vả mà không thu hoạch được gì. Chúng ta phải tiến lên trên vực thẳm", phải liều mình với một cử chỉ điên rồ mà Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta! Hỡi Giáo Hội! Tại sao bạn còn nghi ngại?

Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc

Ở đây Luca đùng trước biệt danh "Phêrô" mà sau này Đức Giêsu sẽ đặt cho ông Simon (Lc 6,14). Cũng vậy, Luca dùng trước danh hiệu "Chúa" ("Kurios" trong tiếng Hy Lạp) sẽ là danh hiệu của Chúa phục sinh trong vinh quang (Lc 24,3 - 24,34).

Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy một sự run sợ lạ lùng, đây là nền tảng hầu như phổ biến của tình cảm tôn giáo trong mọi tôn giáo trên thế giới. “Khốn cho tôi, tôi là một con người có đôi môi ô uế". Isaia đã nói (6, 1) khi nghe thấy các thiên sứ kêu lên: “Thánh! Thánh! Thánh! Lạy Chúa là Thiên Chúa hoàn vũ" Chúng ta còn nhớ những người dân ở Nadarét xin Thiên Chúa làm những phép lạ! Còn người môn đệ chân chính lại sợ hãi trước phép lạ và cầu khẩn Thiên Chúa tránh xa mình. Xin Chúa trách xa con, Phêrô khẩn khoản nài xin. Con là kẻ tội lỗi. Sau này khi nghe tiếng gà gáy, ông sẽ còn khám phá một cách sâu xa hơn tình trạng tội lỗi của mình! à thì ra người ta không thờ phụng nhân cách trong Giáo Hội, cũng không tôn thờ giáo hoàng. Con người mà Đức Giêsu đã yêu cầu đại diện Người tức vị giáo hoàng đầu tiên là một "con người tội lỗi". Trước đó, Phêrô là trưởng nhóm", ông tin tưởng vào kiến thức và kinh nghiệm của mình. Nhưng cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đã cho ông thấy sự nhỏ bé của ông. Đức Giêsu chuẩn bị ông trở thành thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Người bằng cách làm cho ông ý thức sự vô nghĩa của mình. Thánh Gioan khi kể lại sự đánh cá mầu nhiệm đã đặt nó sau sự Phục Sinh (21,1,19) và câu chuyện chấm dứt bằng việc nhắc đến Phêrô đã ba lần chối Chúa, và bằng sự tín nhiệm của Đức Giêsu đem lại cho người tội lỗi ấy một sứ mệnh!

Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy

Ở đây trong quá trình câu chuyện, Luca kể lại cho chúng ta tên những người khác như để làm nổi bật Phêrô trước đó.

Và các người bạn ấy của Phêrô được kể ra để nói rằng họ chia sẻ niềm kinh ngạc lạ lùng của Phêrô là cũng là những người sẽ có đặc ân đáng sợ là bộ ba chứng kiến (Phêrô, Giacôbê và Gioan) sự sống lại của một bé gái (Lc 8,51), sự biến hình trên núi (Lc 9,28), sự hấp hối trong vườn cây dầu (Mt 26,37).

Ngày nay, sự sợ hãi mà điều thánh thiêng gây ra dường như biến mất. Nhưng đó không phải là sự biến mất. Đó là một sự di chuyển: Khi người ta mất đi sự kính sợ Thiên Chúa, thì người ta bị mọi thứ hốt hoảng và sợ hãi xâm chiếm: nguy cơ nguyên tử, sự mất quân bình đủ loại sự mỏng dòn mới về tâm lý, sự lo lắng trước tương lai.

Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: Đừng sợ

Đó là lời an ủi mà trong Kinh Thánh các thiên sứ luôn luôn nói với những con người sững sờ vì sự hiện diện thánh thiêng (Lc 1,13-30 - 2,10). Đó cũng là lời mà Đức Giêsu sẽ luôn luôn nói sau khi Người sống lại (Mt 28,10; Kh 1,17).

Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.

Theo hình ảnh tượng trưng của biển cả được khai triển bên trên, vấn đề là "cứu sống những con người khỏi vực thẳm quỷ quái": Đó là vai trò của Giáo Hội. Nhân loại là mồi ngon của những sức mạnh đáng sợ muốn nuốt trửng nhân loại. Bạn"hãy là "kẻ đánh lưới người", bạn hãy cứu họ!

Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người

Phép lạ thật sự không phải là đánh cá ngoài khơi xa mà là đánh cá trong các tâm hồn; họ đã chọn lựa sự liều lĩnh ấy của Đức tin để theo Đức Giêsu và bỏ hết mọi sự.

 

57.Chú giải của Fiches Dominicales

BÊN BỜ HỒ GHEN-NÊ-XA-RÉT, NGƯ PHỦ SIMON

ĐƯỢC CHÚA KÊU GỌI TRỞ THÀNH PHÊRÔ,

KẺ BẮT NGƯỜI NHƯ BẮT CÁ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Một chiếc thuyền đánh cá.

Một lần nữa, chúng ta lại sắp được thấy Luca vẽ nên bức tranh này một cách rất tài tình. Khi đặt việc Đức Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên trong bối cảnh một mẻ lưới lạ lùng, mà ta sẽ gặp lại Phúc âm Gioan 21, 1-11, Luca có ý lấy Simon-Phêrô làm một nguyên mẫu, và dùng chiếc thuyền làm biểu tượng Giáo Hội truyền giáo.

Theo Phúc âm Máccô và Matthêu, hành động đầu tiên của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ là kêu gọi các môn đệ. Còn trong Phúc âm Luca, đầu tiên Đức Giêsu lại được giới thiệu xuất hiện một mình đứng trước đám đông, rồi chỉ sau đó Người mới kêu gọi các môn đệ.

+ Trước tiên là "Simon", chủ chiếc thuyền mà lát nữa Đức Giêsu sẽ ngồi vào vị trí của ông. Chỉ trong có ít dòng mà tên ông được nói tới năm lần, trong đó có một lần và là lần đầu tiên ông được gọi là Simon-Phêrô Lúc này ông là târn điểm của bài tường thuật, mà cũng sẽ là tâm điểm trong Phúc âm của Luca nữa.

+ Rồi đến "hai con ông Zêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon"

+ Cả ba ông, được kêu gọi trước tiên, sẽ là những chứng nhân đặc tuyển được chứng kiến việc hồi sinh cho con gái ông Giai-rô, việc Chúa biến hình sáng láng trên núi Taborê (Lc.9,28).

- Khung cảnh là "ven bờ Biển hồ Ghennêxarét": Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau "để nghe lời Thiên Chúa ". Có hai chiếc thuyền đậu gần đó. Còn "những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới", sau khi đã đi đánh cá trở về.

R. Meynet nhận xét: "Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau. Trong khi đó, những người dân chài đang lo toan công việc thường ngày của họ: họ đang giặt lưới. Đám đông có đó, nhưng họ lại không tham dự cùng với đám đông. Đám đông lắng nghe lời Chúa, còn họ đang lao dộng" (Lévangile se lon saint Luc. Phân tích tu từ ", tập 2 trg 70).

2. Trở thành toà giảng

Bỗng dưng mọi sự bắt đầu đảo lộn. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, "thuyền đó của ông Simon và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút ".

Thế là từ đây hai người, Đức Gìêsu và ông Simon, là những kẻ "đồng hội đồng thuyền" dấn thân vào cùng một cuộc phiêu lưu: Simon, người dân chài của Biển hồ sát cánh liền kề với Đức Giêsu, người đang "ngồi" trong tư thế của một vị tôn sư dạy dỗ các môn sinh của mình, để ngỏ lời với đám đông. "Con thuyền của Phêrô đã trở thành tòa để giảng dạy" (Sđd).

3….và cũng là biểu tượng Giáo Hội truyền giáo.

“Hãy chèo ra chỗ nước sâu, mà thả lưới bắt cá”, giờ đây Đức Giêsu lệnh cho ông Phêrô như vậy. "bắt cá", chuyện đó các ông đã vất vả "suốt đêm rồi mà không bắt được gì cả”dù rằng đêm tối vẫn là thời điểm thích hợp nhất cho việc đánh cá. Vậy mà, đang lúc các bạn chài người Nadarét của ông từ chối đề nghị kia của Đức Giêsu, thì Simon lại đầu hàng trước lệnh của người dân quê miền đồi núi ấy vốn không biết gì về chuyện chài lưới cả, ông đáp: “Thưa Thầy, dựa vào lời Thầy tôi sẽ thả lưới".

- Lời của Đức Giêsu tỏ ra rất hữu hiệu, vì mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới hầu như bị rách; họ phải "làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp", dẫu sao hai thuyền đều đầy cá đến gần chìm.

- Đối với người dân chài chân chất kia, chẳng có gì phải nghi ngờ nữa: trong Đức Giêsu Nadarét này, đúng là Thiên Chúa đã đột nhập vào đời sống của Người. Thế là ông liền quỳ gối sấp mặt dưới chân Người hành khách trên thuyền của mình như sấp mặt trước Đức Chúa" vậy. Con người ông giờ đây bỗng dưng giống như Isaia xưa khi được thị kiến ở trong Đền Thờ (bài đọc thứ nhất), đang ý thức được khoảng cách tách biệt ông với Đấng, mà như ông thấy, đang thực hiện những việc lạ lùng trong con thuyền của ông: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi".

- Câu trả lời Simon nhận được từ Đức Giêsu sẽ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá".

+ "Đừng sợ ": kiểu nói thường đi theo sau mọi loan báo quan trọng trong Kinh thánh: loan báo cho Apraham trong sách Sáng thế 15, 1; loan báo cho Zacaria trong Luca 1,13; loan báo cho Đức Maria trong Luca 1,30.

+ "Từ nay" cuộc đời của Simon, vị quan thầy-ngư dân bắt đầu mở sang trang mới. Cuộc đời của ông xoay chiều đổi hướng để hướng đến một bến bờ khác.

+ "Từ nay": một giai đoạn mới của chương trình cứu độ, giai đoạn truyền giáo, được mở ra ngay tức thì.

+ "Anh sẽ bắt người": sát nghĩa là: anh sẽ bắt những con người sống, có nghĩa là anh sẽ giựt lên những con người đang sống, anh sẽ kéo họ ra khỏi thế lực của sự ác để bảo đảm cho họ được sống an lành. Là "ngư dân", Simọn-Phêrô vẫn sẽ giữ nghề đánh cá, nhưng cái nghề đi tìm cá ban đêm của ông, một khi thay đổi đối tượng, thì cũng sẽ thay đổi ý nghĩa.

"Từ nay", sứ mệnh của ông sẽ là lôi kéo người ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của sự ác và cái chết, mà thời đó người ta vốn dùng hình ảnh biểu tượng là chỗ nước sâu, để đưa họ đến cõi sống nên R. Meynet có thể viết: "Mẻ lưới lạ lùng hôm nay chỉ là hình ảnh báo trước mẻ lưới lạ lùng đích thực. Giống như mẻ lưới lạ lùng xưa, mẻ lưới lạ lùng đích thực cũng sẽ diễn ra dựa vào Lời của Đức Giêsu" (Sđd, tr.68).

- Thế rồi, sau khi đã đưa thuyền vào bờ, Simon-Phêrô, Giacôbê và Gioan "bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu" để dấn thân vào con đường mà theo kiểu nói của Ph. Bossuyt và J. Radermakers sẽ là một cuộc thả lưới lâu dài nhất và phi thường nhất trong cả cuộc đời của các ông ("Đức Giêsu, Lời ban ân sủng theo thánh Luca” tr. 183).

BÀI ĐỌC THÊM.

1. “Tin là dám liều”

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu kêu gọi ông Phêrô. Chúa xuống thuyền của ông; Người đi vào đời ông. Đúng là sáng kiến từ phía Chúa. Mà điều Chúa yêu cầu Phêrô làm cũng không có chi là hoàn toàn mới lạ cả. Người đòi Phêrô hành nghề của ông. Phêrô làm nghề đánh cá. Nghề này thì ông rành quá rồi; ông biết phải đánh bắt khi nào, đánh bắt ở đâu. Nên ông chẳng sợ hãi gì khi phải thưa với Chúa rằng ông gặp ngày không hên thôi. Dựa vào sự hiểu biết và tay nghề của mình, Phêrô thành thực nói cho Thầy biết rằng điều Thầy yêu cầu là hoàn toàn sai lầm. Vậy mà điều Chúa yêu cầu ông thực hiện lại là điều mới lạ: tin cậy vào lời của Người. Và thế là Phêrô, dù bụng dạ chẳng vững chút nào, ông vẫn mạnh dạn thả lưới" Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Phêrô dám đặt cọc vào sự tin tưởng hơn cả uy tín của mình. Và cá đang ở điểm hẹn.Vai trò chủ động của con người trước sáng kiến của Chúa được Phúc âm mô tả như vậy đó. Nó hệ tại ở một lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng ấy không phải là thái độ thụ động, mà đôi khi là sự anh hùng và luôn luôn là sự dám liều táo bạo. Lòng tin tưởng thường là một thái độ tình nguyện can đảm nhất, bởi lẽ lòng tin tưởng không bị ai chỉ huy nhưng là một sự tặng ban, một hành vi tự do.

2. "Một bài tường thuật lúc nào cũng có tính thời sự"

Nếu bài tường thuật của Luca, chỉ là kể lại một phép lạ tỏ tường, thì chúng ta chỉ cần vỗ tay ca ngợi, và bày tỏ vẻ ngỡ ngàng cùng cảm tạ Chúa vì quyền năng của Người đã được biểu lộ ra trong Đấng Mêsia của Người, thiết tưởng cũng đủ rồi. Nhưng còn hơn một phép lạ nữa."Mẻ lưới lạ lùng" chính là một ẩn dụ mà mỗi chi tiết của câu chuyện đều quy chiếu về một thực tại thiêng liêng", và mỗi nét biểu hiện đều đòi hỏi phải được cắt nghĩa bằng biểu tượng". Không chỉ là một cú ngoạn mục diễn ra trên Biển hồ Ghennêxarét cách đây gần hai ngàn năm mà thôi, mà chính là một vấn đề lúc nào cũng mang tính thời sự.

Ở thế kỷ XX hôm nay cũng như ở thế kỷ đầu, Đức Kitô vẫn luôn bồn chồn đi lại dọc theo các bờ sông, bờ biển và các nẻo đường của chúng ta. Người hòa mình với dân chúng, đi vào các nhà, năng lui tới các nơi làm việc hay các khu vui chơi giải trí. Gặp lúc thuận tiện hay không thuận tiện, Đấng Mêsia vẫn không mệt mỏi loan báo, đề nghị Tin Mừng kêu gọi sám hối, Tin Mừng chữa lành, Tin Mừng giải thoát. Như thời ngôn sứ Isaia, Người là Thiên Chúa làm cho những người mắc bệnh cùi dơ bẩn được lành sạch. Người tha thứ tội lỗi và muốn cho những người hối cải đáp ứng lời người kêu gọi và tự nguyện hiến thân phục vụ Người.

Hôm nay vị Tôn sư ấy vẫn còn gặp gỡ "những ngư phủ" do ơn gọi, có năng lực, giầu kinh nghiệm và đảm đang; họ đã neo thuyền không người của họ ở bến an toàn. Họ đã được huấn luyện rất sâu và kỹ, đã theo những lớp đào tạo lại, đã phác thảo một cách ý thức và thông minh những chương trình và kế hoạch, đã chọn nơi và những hoàn cảnh thuận lợi. Họ đã trở về tay không và chán nản; lưới chẳng dính lấy được một con tép; trái tim họ bị đâm xiên và lòng trí thật ê chề.

Nhưng con thuyền của Phêrô không thể cứ trú ẩn mãi ở cảng, cũng chẳng được bỏ neo an toàn ở một vùng vịnh thanh bình không còn sợ gì nguy hiểm. Cùng với Chúa và theo lệnh Người, Giáo hội phải ra khơi, bất chấp những hiểm nguy của miền nước sâu gợi lên bao loài thủy quái cùng những hang sâu vực thẳm là vương quốc của những hung thần, của Satan và sự chết.

Không thể nào đánh cá được, những chuyên viên từng tuyên bố và lặp đi lặp lại như vậy. Còn các vị "quân tử gàn" mà lòng tin đã què quặt, nỗi sợ đã làm họ tê liệt và phần họ lại chỉ muốn được an thân thì tuyên bố: thật là sự điên rồ giết người, là sự thiếu khôn ngoan và lệch lạc, là muôn vàn khó khăn nguy hiểm không sao tính được.

Nhưng ta phải tin tưởng vào Thầy chứ.

Phêrô, các bạn đường của ông và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cuối cùng đều đã hiểu rõ lời kêu gọi của Đấng Phục-sinh là phải rời bỏ cái nôi của buổi ấu thơ đã được những truyền thống và luật lệ lỗi thời và trì trệ bao kín. Với sự can đảm, nếu không muốn nói là anh hùng, họ đã cất đi những hàng rào bao quanh khu vực khép kín của họ để liều lĩnh đi vào miền đất dân ngoại, đối đầu với thế gian, bất chấp những cám dỗ bị lây nhiễm, bị hiểu lầm, phải thất bại hay phải chết vì đạo.

Hôm nay đức tin vẫn đủ để đương đầu với những khu vực nguy hiểm, dám đối thoại, mở toang những cánh cửa vẫn đóng kín, từ bỏ lối độc quyền cao ngạo về chân lý, về độc quyền rao giảng Tin Mừng và sự thánh thiện. Hãy tách những con thuyền của các bạn ra! Hãy ra xa bờ! Hãy tiến ra khơi và thả lưới ngay nơi mà bạn đã vất vả và thất bại ê chề!

Tuy nhiên, ẩn dụ về mẻ lưới không phải là một công cuộc đi chinh phục để chiếm đất đai, hay quyền lợi hoặc bổng lộc. Không phải là vấn đề lôi kéo những con cá ra khỏi thiên đường của chúng, để cắt xẻ thịt nó, mà ăn cho thỏa, hoặc đem đi buôn bán. Những kẻ đánh bắt người như bắt cá phải là những con người cứu nhân độ thế, những người giải phóng nô lệ và tù nhân khỏi bóng tối, giải phóng những ai bị trói buộc vì những dục vọng mù quáng, hay bị bầm dập vì những bất công, những ai ngụp lặn trong dòng tư lợi nhỏ nhen bẩn thỉu, những ai bị chới với vì những thử thách gian truân. Chính trong những vực sâu tăm tối này, chính trong những ngục tù không chắn song kia mà lưới của nhà giải phóng ấy làm nên những việc thần kỳ. Nghĩa là một bầu khí tự do, một vùng trời đầy ánh sáng, một niềm hân hoan trở về miền đất hứa, nhưng luôn luôn là có các bạn chài của chiếc thuyền kia đến giúp".

 

58.Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

GỌI BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

1. Luca biên soạn đoản văn này từ những chất liệu văn chương khác nhau (xem ghi chú của BJ), nhưng cách tác giả dùng để tổng hợp chúng lại thành một trình thuật mới, đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa truyền giáo của trình thuật (hay giáo hội học) hơn là phương tiện thần thiêng của nó: trước tiên, phép lạ trở thành một biểu tượng về sự phong phú của Lời Chúa (c.1) do Chúa Giêsu và sau đó là Simon Phêrô (c.5). Luca làm cho độc giả chú ý tới chính công việc tông đồ hơn là điều kiện để làm tông đồ; ông muốn người ta phải tìm xem trước biến cố phục sinh (x. Cvsđ 1,21-22) đã có sứ mệnh và những ràng buộc của công việc truyền giáo. Lời hứa với Phêrô ở đây, ngay từ đầu sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu ("từ đây con sẽ là kẻ chài lưới người” c.10) tương ứng với lời uy quyền tại bàn tiệc ly. Khi hoàn tất sứ mệnh của Chúa Giêsu, quyền đó đã được ủy thác cho Phêrô thi hành sau phục sinh ("khi con người trở lại, hãy củng cố anh em con” Lc 22,31-32). Chính mối ưu tư đó đã hướng dẫn Luca trong trình thuật tuyển chọn (6,12-16) và ban sứ mệnh cho nhóm 12 (9,1-6) mà không cần phải ban lại cho họ sau biến cố phục sinh. Tuy nhiên, để họ có thể thi hành tốt bổn phận, Thánh Thần còn phải “mặc cho họ sức mạnh từ trời cao” trước khi họ có thể “làm chứng nhân cho Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất” (Lc 24,49; Cvsđ 1,8).

2. Địa vị trọng yếu của Phêrô trong trình thuật cho thấy chủ tâm của Luca, và tác giả còn làm nổi bật (Phêrô) ở nhiều đoạn khác trong phúc âm (x. Lc 45 nghịch với Mc 14,13; Lc 22,31-34; 24,34) địa vị này tương ứng với chức vụ của vị lãnh đạo công việc truyền giáo cho người Do thái, rồi sau đó cho dân ngoại mà tác giả phúc âm đã gán cho Phêrô trong phần đầu của công vụ sứ đồ (chương 1-12).

Vậy, cùng với Chúa Giêsu, Simon là nhân vật chính của trình thuật này: ông được gọi trước là Simon - Phêrô một lần (c.8) vì chỉ về sau (6,14) Simon mới được Chúa đổi tên là Phêrô. Nơi Mt 4,18-22 và Mc 1,16-20 chúng ta thấy cả hai anh em Simon và Anrê cùng thả lưới với nhau. Đây không phải chỉ có mình Phêrô (chính vì cách dùng số nhiều các câu 4,5,6,7) còn những người khác, tác giả chỉ nhắc đến một cách lờ mờ, có thể họ chỉ là những người làm thuê. Hình như Luca tránh gọi tên Anrê, và lời loan báo ơn gọi làm chài lưới người ta, chỉ nhắc đến Simon, không đả động gì đến Anrê, trong lúc Matthêu và Maccô nói đến cả hai anh em Simon và Anrê.

Chiếc thuyền là thuyền của Simon (c.3); chính với Simon mà Chúa Giêsu nói: “Hãy ra khơi” (c.4); và cũng chính Simon đáp lại Ngài (c. 5). Chính Simon còn kêu lên: “Xin thày tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (c.8). Tất cả điều gì làm cho Chúa Giêsu: đón Chúa xuống thuyền thì cũng do Simon làm; tất cả những điều gì Chúa Giêsu làm cũng để làm cho Simon; và tất cả những lời khác là lời của Simon.

Simon cũng làm lu mờ 2 con ông Giêbêđê: thuyền của họ cũng được đề cập ở câu 2, nhưng không có nói đến họ. Thuyền của họ còn được nói ở câu 7, còn họ thì được gọi trống là bạn chài của Simon. Tên của họ chỉ được nói đến ở cuối trình thuật, nơi câu 10, như là một sự vớt vát, trong đó giải thích là họ ngạc nhiên như Simon bạn của họ. Luca trì hoãn nhắc đến họ cốt để Simon độc diễn hầu như trong suốt cả trình thuật. Tuy nhiên tác giả cũng nói đến Giacôbê và Gioan ngoại trừ Anrê, chắc hẳn là ba người là nhóm được biệt đãi, là nhóm được mục kích con gái ông Gia-ia sống lại (8,51), biến cố biến hình (9,28). Anrê không được gọi tên có lẽ vì ông là bạn chài của Simon là người mà Luca muốn lưu tâm. Vì Luca liệt hai con Giêbêđê vào màn cuối của trình thuật, người ta dễ dàng hiểu rằng tác giả ít bận tâm đến trường hợp và thời gian Chúa gọi họ. Tác giả chỉ thu tóm những gì liên hệ đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu và việc mau mắn đáp trả trong một câu kết luận vắn gọn ở cuối trình thuật (c.11).

3. Khi các nhà chú giải đã phân vân trong việc nghiên cứu ý hướng của Luca khi đặt câu chuyện này ở đây. Một số cho rằng mục đích bài tường thuật phép lạ là để giải thích hay “nêu lý do” việc các ngư dân đáp trả lời kêu gọi của Chúa Giêsu: một khi đã chứng kiến sức mạnh phi thường của Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tin tưởng vào Ngài. Có lẽ Luca đã làm cho sự mau mắn, mà nhờ đó nhóm dân chài Galilêa trở thành môn đệ. Chúa Giêsu từ lúc khởi đầu sứ mệnh của Ngài, được dễ chấp nhận và dễ hiểu hơn. Chắc hẳn, Luca đã biên soạn theo ý hướng này. Và dù tác giả có những ý hướng khác, thì cũng không nhất thiết phải loại trừ ý hướng này.

Nhưng nhiều nhà chú giải nhìn thấy trong trình thuật này một biểu tượng về giáo hội học: lệnh thả lưới và mẻ cá gợi đến khắp thế giới và thành quả họ sẽ thâu lượm được đối với nhân loại. Có nhiều lý chứng mạnh mẽ xác quyết giả thuyết này. Trước hết sự kiện Luca đã liên kết mẻ lưới lạ lùng này với trình thuật về ơn gọi của các môn đệ. Tiếp đến Luca ưu tư đến vấn đề truyền giáo cũng như lưu tâm đến thuyết phổ quát về ơn cứu chuộc, thường được diễn tả trong phúc âm thứ ba và Cvsđ. Cũng có sự kiện là về sau Gioan đã dùng (ch.21) trình thuật về mẻ lưới lạ lùng này để dẫn đưa vào trình thuật thiết lập chức mục tử tối cao của Phêrô nghĩa là trong bối cảnh có tính cách phi thường về giáo hội - điều này giả thiết rằng trên bình diện truyền khẩu, thì các tác giả khác ngoài Luca đã liên kết cách tự nhiên mẻ lưới kỳ lạ và biểu tượng về giáo hội. Cũng có thể là dụ ngôn về chiếc lưới (Mt 13,47-50) nếu thực sự dụ ngôn này có ý nghĩa về giáo hội, dẽ dàng liên kết chài lưới - giáo hội. Nhưng lý chứng quan trọng nhất là chính Chúa Giêsu liên kết tương quan giữa việc đánh cá và việc chinh phục người ta: trong những bản văn song song của Matthêu và Maccô, sự liên kết này ám chỉ rõ ràng về bản tính giáo hội. Vậy có thể khẳng định rằng tất cả khung cảnh này có thể rất nhiều điểm biểu tượng và là tiền ảnh của sứ vụ tương lai của các tông đồ cũng như sự thành công của sứ mệnh đó.

KẾT LUẬN

Lời Chúa Giêsu kêu mời thật đầy uy quyền, Ngài gọi người Ngài muốn và làm điều Ngài thích. Thiên Chúa cũng đã làm như vậy đối với các tiên tri. Nếu không thì Giacobê và Gioan đưa thuyền lên bờ và từ chối không làm ngư phủ: họ bỏ tất cả. Một sức sống mới tràn đầy trong đời sống của họ. Họ theo Chúa Giêsu với tư cách là môn đệ. Bây giờ họ bước theo Chúa Giêsu như các học trò đi theo thày rabbi để đồng hóa các lời dạy bảo, cách sống của họ. Từ đây điều làm cho các môn đệ tràn đầy sức sống, chính là Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa và việc truyền giáo. Simon đã có một kinh nghiệm về thần tính của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, ông được nhìn nhận là kẻ chài lưới và được trao nhiệm vụ cứu độ. Thời cứu độ đã bắt đầu: nhận biết ơn cứu độ qua việc thú nhận tội lỗi (1,77). Nước Thiên Chúa được tỏ hiện trong việc tiếp nhận các tội nhân.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chính từ Thiên Chúa mà Giáo hoàng, các giám mục (hàng giáo phẩm) cũng như các linh mục lãnh nhận ơn gọi, trách nhiệm và quyền hành của mình. Các Ngài có nhiệm vụ tiếp tục công việc của Chúa Kitô để rao truyền Lời Chúa và tuyển chọn các môn đệ, giáo sĩ, cũng như giáo dân. Nhờ ân sủng của Chúa, các Ngài là những kẻ chài lưới người.

2. Ơn gọi của những người được thánh hiến phải bắt chước gương của Simon và các bạn đồng nghiệp, từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu. Thiên Chúa quan phòng sắp đặt mọi ơn gọi trong giáo hội. Điểm then chốt là đáp trả ơn gọi đó một cách quảng đại. Để được vậy, giáo dục đức tính quảng đại trong một gia đình Kitô giáo là một phương thế chuẩn bị tốt nhất. Phêrô đã chuẩn bị tiếng gọi của Chúa bằng sự quảng đại và sẵn sàng giúp đỡ của mình; ông đã cho Chúa Giêsu mượn thuyền để rao giảng; đã ý thức sự bất công của mình trước mặt Chúa.

3. Trình thuật này của Phúc âm nhắc nhở chúng ta rằng việc tông đồ trong giáo hội phải được thực hành trong những điều kiện nào. Lúc Chúa chưa có mặt trong thuyền thì Simon thả lưới cũng không bắt được gì hết. Nhưng khi có Chúa Giêsu, ông bắt được một mẻ lưới kỳ lạ. Đó là mộ ví dụ minh chứng chân lý này là không có Chúa không thể làm gì được (Gio 15,5) với ân sủng Ngài thì không gì là không có thể ("tôi có thể chịu đựng mọi sự trong đấng ban sức mạnh cho tôi” Phil 4,13).

4. Simon nói: “thưa thầy, chúng tôi đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết”. Cũng một cám dỗ ấy thường làm ta nản chí. Đó là đêm tối những tình trạng đầy mặc cảm, người ta chỉ thấy mình làm quá sức; một công việc đã gắng hết sức mà hình như không có được một kết quả nào, và người ta đâm ra buồn bực vì những cố gắng bền tâm của mình xem ra vô hiệu. Lúc đó muốn bỏ tất cả: có lẽ có những lúc nào đó người ta mơ đến một mẻ lưới kỳ lạ. Lúc đó hãy biết nghe lời Chúa mời gọi ta ra khơi: Hãy tiếp tục! Bắt đầu lại! Và nếu cuối cùng được thành công thì hãy biết khiêm nhượng nhận rằng những cố gắng của ta đã nỗ lực không đáng được thành công ấy, nó vượt quá những cố gắng của ta. Hãy thú nhận như Simon - Phêrô rằng chúng ta là những người tội lỗi và những thành công thu đạt được là do Chúa quảng đại ban phát cho ta.

5. Thuyền của Phêrô chính là giáo hội. Chúa Giêsu vẫn luôn tiếp tục dậy dỗ ta từ trong chiếc thuyền này. Nhất là trong lúc cử hành Thánh lễ, đặc biệt trong phần phụng vụ lời Chúa, cũng chính Chúa Giêsu bây giờ vẫn còn tiếp tục dậy chúng ta.

6. Dù Phêrô là người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng chọn làm môn đệ của Ngài. Chúng ta khiêm nhường thú nhận tội lỗi thì Chúa không lìa xa ta. Chỉ có óc bè phái, tưởng rằng mình thánh thiện và không thể chê trách trước mặt Thiên Chúa là dựng nên một hàng rào ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người.

 

home Mục lục Lưu trữ