Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1372906

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Mến Chúa yêu người

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy sự chống đối dai dẳng của bọn biệt phái đối với Chúa Giêsu. Họ không ngừng tìm cách giăng những cái bẫy để hại Ngài. Họ đã bắt lỗi Ngài trong các việc Ngài làm. Đồng thời họ còn muốn bắt lỗi Ngài trong các lời Ngài nói. Vì giáo huấn của Ngài luôn đi ngược lại với những điều họ giảng dạy, nên họ đã cố gắng tìm cách đưa Ngài trở về với con đường mòn họ đã vạch ra và muốn mọi người noi theo. Họ muốn Chúa Giêsu lặp lại chính những điều họ thường giảng dạy. Họ hỏi Ngài về điều răn trọng nhất. Làm sao có thể nói khác điều luật dạy: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Nếu như Ngài dừng lại ở đây thì có lẽ họ đã toại nguyện, bởi vì Ngài dạy như họ đã dạy.

Thế nhưng, Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà Ngài còn nói thêm: Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất. Giống ở đây không có nghĩa là hai giới răn là một và có thể hoán đổi cho nhau, mà muốn nói đến tầm quan trọng ngang nhau của hai giới răn. Giới răn thứ hai đó là ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi, nghĩa là yêu thương kẻ khác một cách trọn vẹn, một cách hết lòng. Đây chính là nét độc đáo của Chúa Giêsu. Điều Ngài muốn khẳng định ở đây không phải là việc mến Chúa và yêu người, bởi vì những tư tưởng này cũng khá quen thuộc trong Cựu Ước, nhưng chính là việc Ngài đặt hai giới răn này gắn chặt với nhau, cũng có một tầm quan trọng ngang nhau, và hơn thế nữa, theo Ngài thì toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn này.

Giáo huấn của Chúa Giêsu hẳn đã làm cho kẻ thù của Ngài phải sửng sốt. Nhưng sự sửng sốt này, thay vì lay tỉnh họ, đặt họ trong tư thế sẵn sàng tìm hiểu cái mới trong giáo huấn của Chúa, thì đã làm cho họ thêm chai cứng và thêm quyết tâm trong ý định triệt hạ Ngài. Một cách nào đó có thể nói rằng tình yêu giữa con người với con người là công việc của con người, thế nhưng đây lại là một nỗi bận tâm lớn của Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài đã đặt tình yêu này thành mệnh lệnh, thành giới răn và Ngài không ngần ngại tự đặt mình làm trọng tài lo việc thực thi giới răn này: Nếu các ngươi hà hiếp cô nhi quả phụ, làm phiền lòng khách ngoại kiều, bắt người nghèo khó vay tiền phải chịu lãi nặng, họ sẽ kêu thấu đến ta và chính ta sẽ nghe tiếng họ kêu van, sẽ nổi cơn thịnh nộ và sẽ dùng gươm giết chết các ngươi.

Người Kitô hữu vào mọi thời đã đón nhận giới luật yêu thương đồng loại như là một trong hai giới răn quan trọng nhất của Kitô giáo. Mến Chúa yêu người đó là tất cả chương trình sống của người tín hữu. Những công việc chúng ta quen gọi là bác ái từ thiện như giúp đỡ người tàn tật, bệnh hoạn hay gặp phải tai ương đã từng là những hình thức quen thuộc để thực thi giới luật yêu thương.

 

2. Mến Chúa yêu người

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho thấy một bầu khí tranh chấp và đố kỵ của người Do Thái. Kẻ thì theo nhóm biệt phái, người thì theo nhóm Sađốc. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ lâm nạn. Từ lãnh vực chính trị xã hội cuộc tranh chấp lan sang phạm vi tôn giáo. Luật pháp có tới 613 khoản, gồm 248 lệnh truyền và 365 lệnh cấm. Những khoản nào là quan trọng nhất. Đó là một vấn đề nóng bỏng.

Tuỳ theo lập trường nghiêng về phụng vụ hay xã hội, đền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ của mình, biệt phái hay Sađốc, chống đối hay cộng tác với ngoại bang. Ai cũng muốn tranh thủ người khác về phe mình. Người ta muốn biết ý kiến của Chúa Giêsu, bởi vì lập trường của Ngài rất quan trọng, dân chúng sẽ tuỳ đó mà biểu lộ cảm tình của mình với phe nào, thế nhưng tuyên bố lập trường của mình cũng là điều nguy hiểm cho Ngài, bởi vì phe đối nghịch có thể dựa ào đó mà kết án Ngài.

Tuy nhiên, đó chỉ là những suy tính của người ta. Đã nhiều lần họ gài bẫy Ngài. Nhưng chẳng có lần nào họ đã thành công. Hôm nay cũng vậy. Được hỏi ý kiến về giới răn quan trọng nhất, Ngài đã trả lời như hết mọi người Do Thái đạo đức: Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng. Thế nhưng không dừng lại ở đó mà Ngài còn nói tiếp: Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất đó là ngươi phải thương yêu anh em như chính mình ngươi. Ngài không đồng hoá hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và vì thế không được xao lãng nhiệm vụ nào. Đó là nét độc đáo của Chúa Giêsu.

Người ta vẫn nói phải mến Chúa và yêu người, phải có thiên đạo và nhân đạo, nhưng bình thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ xa rời nhau, không liên hệ gì với nhau. Người ta có thể mến Chúa trong nhà thờ và không thương người ở ngoài xã hội. Hoặc thương người ở ngoài xã hội nhưng lại không mến Chúa ở trong nhà thờ. Hơn nữa, người ta coi việc thương người chỉ là thứ yếu sánh với việc mến Chúa. Đối với Chúa Giêsu thì khác. Phải mến Chúa cũng như yêu người. Ưu tiên là mến Chúa, nhưng đồng thời cũng phải yêu người. Hay như thánh Gioan đã viết: Không thể có lòng mến Chúa, Đấng vô hình, nếu không thương người. Và khi dạy phải yêu người như chính bản thân, thì Chúa Giêsu không có ý bảo phải thương mình trước. Câu nói của Chúa Giêsu có nghĩa là phải yêu người hết lòng cũng như phải kính mến Chúa hết lòng.

Cuối cùng một nét độc đáo khác nữa trong câu trả lời của Chúa Giêsu là tất cả luật pháp và các tiên tri đều quy về sự mến Chúa và yêu người. Như vậy, không những tất cả 613 khoản luật, mà toàn thể lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến Chúa yêu người. Như thế vấn đề tranh chấp đã được giải quyết. Chẳng phe nào thắng. Phe nào cũng phải nỗ lực hơn để giữ trọn lề luật. Phe nào cũng đã lầm lạc vì đã không cọi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa yêu người như nhau, cho nên đã làm mất quân bình, gây ra những lệch lạc trong đời sống. Đức Kitô đã đến để mang lại ơn cứu độ. Ai đón nhận Ngài thì phải mến Chúa. Ai đã mến Chúa thì cũng phải yêu người.

 

3. Mến Chúa

Có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh cô đơn. Thực vậy, giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố. Thế nhưng, dân số thành phố càng gia tăng thì chứng bệnh cô đơn lại càng trầm trọng. Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi của nhau. Trong một chung cư, kẻ ở lầu trên, ra vào cùng một lối mà chẳng biết đến kẻ ở lầu dưới. Mỗi người trở thành như một hòn đảo, một pháo đài biệt lập. Đời sống càng xô bồ chen chúc, thì con người lài càng cảm thấy cô đơn. Mặt trời dường như mỗi ngày một thêm nóng bức và oi ả, mà lòng người thì mỗi ngày một thêm lạnh lùng và băng giá. Thiên hạ đối xử với nhau ngày càng thêm hờ hững và xa lạ. Vậy đâu là phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh cô đơn này?

Theo tôi nghĩ chúng ta không có một phương thuốc nào hiệu nghiệm cho bằng hãy mến Chúa và yêu người. Hay như Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Giới răn thứ nhất là hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng, còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Tuy nhiên, đây không phải là hai giới răn riêng biệt, nhưng chỉ là một giới răn duy nhất. Yêu người chỉ là sự biểu lộ và hậu quả tất nhiên của lòng mến Chúa. Có yêu người thì mới có thể mến Chúa. Và ngược lại, có mến Chúa thì mới có thể yêu người.

Từ đó chúng ta suy ra: nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên chứng bệnh cô đơn, chínhy là vì con người đã xa lìa Thiên Chúa. Thực vậy, cùng với những thành quả của khoa học, con người đã muốn truất phế Thiên Chúa, họ muốn nói lên như dân Do Thái ngày xưa: Chúng tôi không muốn nó cai trị trên chúng tôi. Hẳn chúng ta còn nhớ khi phi thuyền Spoutnick được phóng lên không gian và trở về địa cầu, phi hành gia Gargarine đã tuyên bố với báo chí: Từ nay sẽ không còn ai dám nói rằng có một Thiên Chúa điều khiển trăng sao nữa. Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy dăm ba chiếc phi thuyền nhỏ xíu di chuyện trong một khoảng thời gian nào đó trên không trung, làm sao có thể sánh ví với hàng triệu triệu vì sao quay cuồng trên bầu trời, không bằng một hạt cát trong sa mạc, không bằng một giọt nữa giữa biển khơi. Chính vì thế, Carnégie đã nói: Về phương diện khoa học kỹ thuật, loài người đã tiến được những bước khá cao, nhưng về phương diện tinh thần và tôn giáo, họ vẫn còn dậm chân trong một tình trạng ấu trĩ. Chúng ta có tiền nhiều, có áo tốt, có nhà cao, có xe xịn…nhưng lại thiếu bồi dưỡng về tình thần vì con người thời nay đã mất niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin sẽ là như khí trời, thiếu nó chúng ta sẽ bị ngột ngạt và căng thẳng. Không tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình thương, chúng ta cũng không thể nào tin vào tình người một cách chân thành và bền bỉ. Vì lòng yêu người chỉ là hoa trái của tình mến Chúa mà thôi.

Bởi đó, ngày nay hơn bao giờ hết, con người phải quay trở về cùng Thiên Chúa, như lời bác học Von Braun đã tuyên bố: Nhờ những hiểu biết về không gian, nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta cần phải tin có Thiên Chúa hơn cả những người sống trong thời trung cổ. Bởi đó, những kẻ coi khoa học là chủ tể của con người, thì chỉ biểu lộ sự nông cạn, hẹp hòi của mình mà thôi. Chính vì thế, Pascal đã nói: Khoa học nông cạn làm cho con người xa lìa Thiên Chúa, nhưng khoa học khôn ngoan sẽ dẫn đưa con người tới gần Ngài.

Một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta sẽ không còn cô đơn và tuyệt vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm hy vọng như lời Thánh Vịnh 17 đã diễn tả: Dù có đi giữa bóng tối hãi hùng của sự chết, tôi không còn lo sợ, vì Chúa ở cùng tôi. Hơn thế nữa, một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta mới tìm thấy được cái nền tảng vững chắc, cũng như những giá trị siêu nhiên cho vệc yêu người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại phải yêu thương người khác? Vì có chung một Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta là anh em. Bởi đó phải yêu thương nhau. Ngoài ra những hành động bác ái và yêu thương còn có một giá trị vĩnh cửu, bởi vì khi giúp đỡ người khác là chúng ta đã giúp đỡ cho chính Chúa vậy. Trong ngày phán xét, Ngài sẽ tra hỏi chúng ta về vấn đề này, và rồi dựa vào đó mà ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.

 

4. Giới răn tối thượng – Lm. Ignatiô Trần Ngà

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Người Do-Thái ngày xưa bị trói buộc bởi 613 khoản luật, gồm 365 luật buộc và 248 luật cấm. Tuân giữ bấy nhiêu khoản luật là một ách nặng không ai mang nổi, và giữa một rừng luật lệ như thế, việc tìm cho ra đâu là giới luật quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải ưu tiên thực hiện là vấn đề không dễ. Đây cũng chính là vấn nạn mà một người thông luật đặt ra với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?"

Chúa Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình."

1. Giới răn yêu thương, tuy hai mà một

Nhiều người vẫn tưởng rằng giới răn mến Chúa và giới răn yêu người là hai giới răn khác biệt, nhắm về hai đối tượng khác nhau: điều răn mến Chúa quy về Thiên Chúa và điều răn yêu người quy về con người.

Thực ra, hai giới răn nầy cùng đều quy về một mối: đó là yêu mến Thiên Chúa đang hiện diện nơi những con người đang sống chung quanh, hay nói khác đi, yêu thương phục vụ những người chung quanh là phụng sự Thiên Chúa.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận hai giới răn nầy không khác biệt nhau khi Người nói: "điều răn thứ nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 39).

Qua dụ ngôn về "cuộc phán xét cuối cùng", Chúa Giêsu đồng hoá giới răn yêu người với giới răn mến Chúa: những ai cho những kẻ đói khát vất vưởng đầu đường xó chợ một bữa ăn thì Chúa Giêsu nói là họ cho Người ăn; những ai cho những kẻ rách rưới hay mình trần một vài tấm áo thì Chúa Giêsu tuyên bố là họ đã cho Người mặc; những kẻ giúp đỡ những người phiêu cư, lang bạt không nhà có chỗ trọ qua đêm thì Chúa Giêsu gọi họ là đã cho Người trú ngụ... (Mt 25, 35-36) và những người đó được Chúa Giêsu khen ngợi là "những kẻ được Cha Ta chúc phúc" và được Người mời "đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho họ từ thuở tạo thiên lập địa" (Mt 25, 34).

Chúa Giêsu cũng long trọng khẳng định rằng khi người ta làm bất cứ điều gì cho những anh em chung quanh là làm cho chính Người. (Mt 25,40)

Thế nên, hai giới răn nầy không khác biệt nhau, vì thực thi giới răn yêu người (giới răn thứ hai) cũng là hoàn thành giới răn mến Chúa (giới răn thứ nhất). Vậy thì tuy được kể là hai, nhưng hai giới răn nầy cũng quy về một mối: tuy hai mà một.

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô tái khẳng định điều đó: "Ai yêu thương người (điều răn thứ hai) thì đã chu toàn Lề Luật" (tức là đã giữ trọn tất cả các điều răn, kể cả điều răn thứ nhất là mến Chúa) (Rm 13, 8).

2. Giới răn yêu thương là trung tâm của các giới răn khác

Hai giới răn nầy là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng nầy; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn nầy thì được xem là đã giữ tròn tất cả các điều răn khác.

Thánh Phao-lô khẳng định như thế trong thư gửi tín hữu Rô-ma: "Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10)

Và Chúa Giêsu, qua trang Tin Mừng hôm nay, cũng xác nhận như thế: "Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy". (Mt 22, 40)

* * *

Xưa kia, đang khi quân binh Israel và quân binh Phi-li-tinh giàn binh bố trận để giao chiến với nhau, thì Gô-li-át, một chiến sĩ khổng lồ vô địch trong hàng ngũ Phi-li-tinh đứng ra thách thức với toàn chiến binh Israel: "Các ngươi hãy chọn lấy người khoẻ nhất ra đây giao chiến tay đôi với ta, (không cần hai phe phải dốc toàn quân giao chiến làm gì cho hao binh tổn tướng). Nếu nó hạ được ta thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bây. Còn nếu ta hạ được nó, thì chúng bây sẽ làm nô lệ hầu hạ chúng tao" (I Samuen 17, 9-10)

Sau đó, Đavít đã thay mặt toàn quân Israel chiến đấu tay đôi với Gô-li-át và đã hạ sát được y ngay từ phút đầu bằng một phát ná bắn đá rồi giật lấy gươm của y mà chặt đầu y.

Thắng được tên Gô-li-át là chiến thắng toàn thể quân binh Phi-li-tinh.

Sự kiện nầy minh họa cho vấn đề nầy là: nếu chúng ta chu toàn giới răn chủ chốt là giới răn yêu thương thì chúng ta đã giữ tròn các giới răn khác.

Muốn chế ngự rắn độc, phải cố tóm cho được cái đầu.

Muốn chinh phục toàn quân thì phải chiếm được bộ chỉ huy.

Muốn giữ tròn lề luật, hãy bắt đầu tuân giữ giới răn yêu người, vì "yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 10).

 

5. Vị thế tối thượng của tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giorgio Zevini SDB – Trung Hoàn SDB chuyển ngữ)

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN A xoáy vào chủ đề then chốt: vị thế tối thượng của tình yêu, con tim và cốt tủy của người kitô hữu. Chúng ta dừng lại chia sẻ về hai bài đọc để nhấn mạnh trọng tâm của giới răn Chúa, đó là Tình yêu.

Chúng ta cùng cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng ta chiêm ngắm Lời Chúa: "Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm mọi sự bởi vì tình yêu. Chính Chúa Giêsu để lại cho chúng con sứ điệp Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này xoay quanh người nghèo khổ, bé nhỏ, hèn mọn.... Xin ban cho chúng con trái tim tự do thoát khỏi mọi ngẫu tượng thế gian, thoát khỏi sự nặng nề cám dỗ thế giới để phụng thờ Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và duy nhất nhằm phục vụ anh chị em đồng loại với tinh thần xả thân như chính Chúa Giêsu đã sống giữa chúng con. Đó là giới luật sống duy nhất mà Chúa chúng con muốn dấn thân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con."

Chúng ta khởi đi từ bài trích thư thứ nhất của thánh Phaolo tông đồ gởi tín hữu Thesalonica. Ngay những câu đầu của chương thứ nhất (1Tx 1,5c-10), thánh Phaolô nhấn mạnh đến 3 điểm then chốt cho mọi cộng đoàn kitô hữu. Cha muốn cùng chúng con đọc lại lá thư mà chính thánh Phaolô gởi cho cộng đoàn Thesalonica, thánh nhân nói rằng: các tín hữu Thesalonica đã bắt chước Đức Kitô trở nên gương sáng cho các tín hữu thuộc cộng đoàn Makêđônia và Akhaia. Đó là ý tưởng đầu tiên về hiệu năng truyền giáo của cộng đoàn Thesalonica.

Ý tưởng thứ hai nói về gương sáng của các tín hữu Tx không chỉ cho 2 cộng đoàn Makêđônia và Akhaia mà thôi, mà chính đức tin vào Thiên Chúa của cộng đoàn đã vang dội khắp nơi. Thật là tốt đẹp khi cộng đoàn đặt lời Chúa vào trung tâm của cuộc sống cách sâu xa và lan tỏa Tin Mừng ra ngoài cộng đoàn.

Trong sứ điệp thứ 3 của lá thư, thánh Phaolô khen ngợi các tín hữu đã hoán cải từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa để phục thờ Thiên Chúa hằng sống và là Thiên Chúa thật. Sứ điệp thứ ba này nhấn mạnh đến sự hoán cải trở về sau khi từ bỏ ngẫu tượng.

Như vậy, qua bài trích thư ngắn, thánh Phaolô nhắn gởi chúng ta 3 sứ điệp quan trọng: sứ điệp về truyền giáo như trung tâm của đời sống kitô giáo, như thế cộng đoàn Thesalonica không phải là cộng đoàn đóng kín mình mà là mở ra cho các cộng đoàn khác thông truyền cho các cộng đoàn khác về đức tin sống động, đức tin xây dựng trên Lời Chúa. Thật vậy, Lời Chúa không chỉ làm phong phú cộng đoàn Tx mà lan tỏa đến các cộng đoàn khác; sứ điệp thứ 2 trình bày một cộng đoàn được sinh ra bởi nhờ Lời, cộng đoàn đã lắng nghe, được nuôi dưỡng và hiện thực hóa nhờ Lời, Lời không chỉ để nói mà là để làm chứng cho người khác; sứ điệp thứ 3 của đoạn trích thư chú tâm vào Lời Chúa tạo nên sự hoán cải dẫn đến sự từ bỏ ngẫu tượng và gắn kết cuộc đời chỉ với mình Thiên Chúa. Đây là sức mạnh phi thường của Lời tác động đến mọi cộng đoàn kitô hữu.

Giờ đây, cha mời gọi anh chị em đào sâu về sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, Đoạn Tin Mừng Mt chương 22 mô tả đời sống của cộng đoàn Do thái - Kitô giáo đã thật sự biết sứ điệp của Thiên Chúa, đã sống kinh nghiệm đức tin vào Thiên Chúa. Đức tin của cộng đoàn được thêm xác tín khi chứng kiến một nhà thông luật tra hỏi Đức Giêsu. Cộng đoàn muốn sống thánh ý Chúa ngang qua câu trả lời của Đức Giêsu đối với nhà thông luật. Đâu là câu hỏi mà nhà thông luật đặt ra cho Ngài, câu hỏi rất đơn giản: "Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giêsu trả lời, Ngài liệt kê hai điều răn, Ngài nói: yêu mến Thiên Chúa là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất, kế đến là yêu mến tha nhân là điều răn thứ hai cũng quan trọng như điều răn thứ nhất. Như vậy, Đức Giêsu liên kết lại hai giới răn trọng đại yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Do đó, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sứ điệp Tin Mừng.

Trước hết là sự gắn kết chặt chẽ hai giới răn: mến Chúa yêu người. sự gắn kết chặt chẽ này được đo lường bằng chính mệnh lệnh của Đức Giêsu "yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" và rồi tình yêu dành cho tha nhân đồng loại được đo lường bằng chính tình yêu bản thân. Hai điều răn này không phải là chênh lệch hơn thấp mà chính điều răn thứ hai thật sự ngang bằng với điều răn thứ nhất. Tình yêu Thiên Chúa chỉ được minh chứng bằng tình yêu dành cho đồng loại cách thật tình, tình yêu mang chiều kích xã hội loài người diễn ra trong đời sống cộng đoàn diễn đạt đặc tính tình yêu mà người ta đang sống với Thiên Chúa. Sự ưu việt của tình yêu Thiên Chúa hiện thực hóa nơi sự ưu tiên tình yêu con người. Và đây, cha muốn gợi lên suy tư trong đời sống chúng ta: nhiêu khi chúng ta tách hai hình thái tình yêu, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân trong một vài cách thế nào đó. Chúng ta nhấn mạnh tình yêu tối hậu nơi Thiên Chúa trong khung cảnh nhà đạo, qua kinh nguyện, qua kinh nghiệm với Ngài, qua tương quan đối thoại với Ngài và sự cùng với tâm tình sám hối... chỉ mang chiều kích thuần thiêng liêng mà quên đi tha nhân; hay nhiều khi ta chỉ thuần đề cao tương quan với thực trạng con người mang chiều kích nhân chủng học hay chính trị mà quên đi vị thế ưu việt của Thiên Chúa. Do đó, thái độ sống của người kitô hữu phải nghĩ đến sự công bình, cuộc chiến đấu cho một thế giới đích thực công bằng, đúng hơn cho một khuôn mẫu đúng đắn, là tự do sống hai giới răn.

Chúng ta thường gặp hai nguy cơ. Tin Mừng thúc đẩy chúng ta dấn thân cho con người mà không được quên vị trí tối thượng của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi thăng trưởng chiều kích nhân loại cho công bằng, hòa bình, hòa giải cho mọi trạng huống con người mà không thể quên tính ưu việt của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta phải luôn nói về Thiên Chúa mà không quên con người. Như vậy, chúng ta thấy rằng một kitô hữu đích thực là người luôn nói với Thiên Chúa về con người. Đó là điều hết sức căn bản. Thật vậy, Thiên Chúa nói rằng ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa cho con người. Như vậy chúng ta được khích lệ bởi phụng vụ hôm nay trình bày thánh Phaolô nói cho các tín hữu Tx cũng là cho mỗi chúng ta cách rõ ràng rằng người kitô hữu phải dấn thân hai xác tín: mến Chúa yêu người. Một suy tư nền tảng của thánh Phaolô cho các tín hữu đã từ bỏ ngẫu thần để quay về phụng sự Thiên Chúa Hằng sống, là Thiên Chúa thật. Chúng ta phải phụng thờ Thiên Chúa và hoán cải để trở về cùng Người, xa rời mọi ngẫu tượng để phục vụ cho những giá trị nhân loại đưa ta đến với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta phải dành chỗ ưu việt cho tình yêu nhằm thực hiện hai giới răn.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta dễ dàng nói yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, nhưng như thánh Gioan nói rằng, làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến những người anh em mà chúng ta thấy. đó luôn là thực tế của con người, chúng ta kinh nghiêm Thiên Chúa ngang qua tình yêu nhân loại. Đó là hai điều gắn kết chặt chẽ và thâm sâu. chúng ta cùng khẩn khoản nài xin Thiên Chúa hồng ân để sống hai giới răn trọng đại này hầu nên chứng nhân cho nhân loại về giới răn của Thiên Chúa cho một thế giới công bằng, hòa bình và hòa giải cho người nghèo khổ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ