Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 27
Tổng truy cập: 1374781
MEN MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI
Men muối và ánh sáng cho đời
(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng)
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Matthêu của Chúa Nhật thứ năm mùa Thường Niên năm A nhắc đến lời mời gọi của Đức Giêsu. Ngài kêu mời mỗi người trong chúng ta hãy trở nên muối ướp trái đất và ánh sáng chiếu soi trần gian. Đức Giêsu đã dùng hai hình ảnh rất thực tiễn trong cuộc sống, vì muối đem lại vị mặn cho món ăn, và ánh sáng có tác dụng đẩy lui bóng tối. Muối và ánh sáng là những thứ không thể thiếu đối với nhân loại. Vai trò tham gia biến đổi môi trường xung quanh của chúng hết sức tích cực: muối có thể hòa tan vào toàn bộ món ăn để ướp mặn cho món ăn, còn ánh sáng lại có thể chiếu giãi hết mọi ngóc ngách của khoảng không gian xung quanh mình.
Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta có thể thực hiện vai trò men muối và ánh sáng mà Đức Giêsu đề cập đến trong Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay như thế nào? Có thể nói Ngài nhấn mạnh ở đây vai trò làm chứng được thể hiện qua việc làm cụ thể của chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta giữ được nơi mình nhiệt huyết đối với sứ mạng này giống như bản chất của muối, hay như một chiếc đèn vốn luôn được thắp sáng: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Quả thật, nguồn ánh sáng đích thực đến từ Thiên Chúa. Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta tiếp nhận từ nơi Thiên Chúa nguồn ánh sáng giúp soi đường chỉ lối cho chúng ta trong suốt cả cuộc hành trình trần thế. Đến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi phản chiếu lại ánh sáng này cho môi trường sống chung quanh. Theo chiều hướng đó, chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời, là Đấng Toàn Năng; được mời gọi sống như những người con của ánh sáng; và làm điều tốt lành như Thiên Chúa nhân từ, vì Người chiếu sáng mặt trời và tuôn đổ mưa móc xuống cho hết thảy mọi người, cho người lành cũng như kẻ dữ.
Những ai làm được như thế cho tha nhân sẽ trở nên ánh sáng cho thế gian giúp người khác có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Họ sẽ được gọi, theo như lời của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, là những người kính sợ Thiên Chúa, hằng yêu mến thánh ý của Người, là người công chính và biết cảm thương. Họ cũng biết thực thi sát với lời dạy bảo của Thiên Chúa nêu lên trong bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaia: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, […] ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Xét cho cùng, khi chúng ta bước đi trong huấn lệnh của Thiên Chúa, thực thi những điều Người chỉ bảo, là chúng ta đã phản chiếu được sự tốt lành của Người cho môi trường sống của mình và đời sống của mình trở nên lời chứng hữu hiệu nhất cho việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Cách thức loan báo này, theo kinh nghiệm của thánh Phaolô Tông Đồ trong bài đọc thứ hai, hoàn toàn không dựa vào sức riêng của cá nhân, cũng chẳng “cậy dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng của Người”.
Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội và là sứ mệnh của mỗi Kitô hữu. Ngày nay, Giáo Hội cần nhiều đến những chứng nhân sống Tin Mừng. Các đấng bậc chủ chăn luôn luôn quan tâm đến công cuộc Tân Phúc Âm hóa để đem Tin Mừng thấm nhập vào môi trường thực tiễn của nhân loại. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh để mỗi người biết sống những giá trị đích thực của Tin Mừng. Ở đó vốn đã chứa đựng lời rao giảng sống động nhất. Xin Ngài nung nấu bầu nhiệt huyết của mỗi người để chúng ta luôn luôn ý thức được vai trò làm men muối và ánh sáng cho trần gian mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống trong bài Tin Mừng hôm nay.
42. Gần đèn thì rạng!
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Thi sĩ Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa) viết bài thơ “Đừng thích làm mặt trời”. Lời thơ thật nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhiều hình ảnh so sánh rất gần gũi thân thương của đời thường.
Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Hãy cố gắng con ơi.
Làm những điều nhỏ mọn
Chỉ vì mến Chúa thôi.
Tặng người con không thích
Một nụ cười thế thôi.
Đôi mắt nhìn trìu mến
Để chia sẽ tâm tình
Với một người đau khổ.
Viếng thăm và giúp đỡ
Người bệnh tật già nua.
Đừng ngại nắng ngại mưa.
Thấy Chúa trong người họ
Không mắng la nạt nộ.
Đừng giận dữ một ai.
Chút mật bắt nhiều rồi
Hơn giấm chua từng hũ.
Hiền lành và tha thứ
Biết rộng rãi khoan dưng.
Theo Chúa ở khiêm nhường
Và sẵn sàng phục vụ.
Việc làm tuy bé nhỏ
Giá trị thật vô cùng
Làm mặt trời đừng mong.
Cũng đừng mơ làm sao sáng…
Đọc thơ, tôi liên tưởng đến hình ảnh Muối và Ánh Sáng của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.
Khoan mộng làm mặt trời.
Đừng mơ làm sao sáng.
Chỉ mong làm muối đất.
là ánh sáng Chúa thôi.
Hiến chương Nước trời được Chúa Giêsu công bố trong Tin mừng Chúa nhật vừa qua. Tiếp theo bài giảng trên núi, Chúa Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ: “Anh em là muối cho đời... anh em là ánh sáng thế gian”.
1. Anh em là muối cho đời, một định nghĩa tuyệt vời về Kitô hữu.
Sử gia Pliny viết: "Không gì bằng hữu dụng bằng muối và ánh sáng". Không có ánh sáng, cỏ cây sẽ úa tàn. Không có muối, sơn hào hải vị cũng sẽ ra nhạt phèo. Chúa Giêsu ví các môn đệ của Ngài như muối đất và ánh sáng của trần gian. Đây là một vinh dự cho các môn đệ vì họ được mời gọi tham dự vào sứ mệnh làm muối đất, ánh sáng của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu Kitô chính là Ánh Sáng soi chiếu trần gian u mê (Mt 4,16; Pl 2,15; Ep 5,8). Ngài đến để giảng dạy cho thế gian biết đâu là hạnh phúc chân thật: "Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Chúa Giêsu đã chữa lành những kẻ bị tật nguyền, xoa dịu những tâm hồn đau khổ. Như muối đất, tình yêu của Ngài được biểu lộ qua những nghĩa cử bác ái và cái chết, đã làm cho trần gian tẻ nhạt và khổ đau thêm mặn mà, ý vị.
"Muối đất". Muối được dùng để khử trùng, gìn giữ thức ăn và để nêm vào các món ăn cho thêm hương vị mặn mà. Nếm một món ăn thiếu muối sẽ thấy nhạt nhẽo. Nhưng chỉ cần thêm vài hạt muối, món ăn trở nên đậm đà và dễ ăn. Người bị bệnh cao huyết áp phải ăn lạt nên thường mất ngon khi ăn. Người Việt thường dùng nước mắm để nêm các món ăn, nhưng vẫn phải thêm muối, món ăn mới hấp dẫn.
Vào thời Chúa Giêsu, muối tượng trưng cho tính hiếu khách. Khách đến nhà thường được tặng bánh mì và muối, biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.
Ngày xưa, khi chưa khám phá ra phân bón hóa học, người ta dùng muối để làm đất đai thêm phì phiêu. Khi chưa có tủ lạnh, muối còn được dùng để ướp cá, thịt và thức ăn, cất giữ được lâu ngày hơn. Chúa Giêsu sai các môn đệ đến trong thế gian như người ta nêm muối vào thức ăn để thêm hương vị và giữ được lâu. Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối.Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng. Vị mặn là tình yêu tha nhân mặn mà. Yêu Chúa mặn nồng, yêu tha nhân mặn mà, đời sống Kitô hữu sẽ ướp hương vị tình yêu mặn mòi cho cuộc đời.
2. Anh em là ánh sáng cho trần gian, một định nghĩa quá cao trọng về Kitô hữu.
Chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga1,5), chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). “Anh em là ánh sáng” vì anh em gần Thầy “gần đèn thì sáng”.
"Ánh sáng thế gian". Một hình ảnh rất quen thuộc với người Việt đó là đèn dầu. Một căn nhà có đèn sáng báo hiệu đang có người ở, có sự sống. Một người đi lạc trong đêm tối hẳn sẽ rất sung sướng khi thấy có ánh đèn. Ánh đèn đem lại niềm vui và thu hút mọi người.“Các con là ánh sáng thế gian”, đây là lời mời gọi truyền giáo, qua đời sống, qua lời nói và hành động, Kitô hữu được mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang lần bước trong bóng tối tuyệt vọng, dẫn dắt họ đến với Chúa. Trong bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có thể được nhìn thấy từ xa.
Chúa Giêsu không nói: các con hãy cố gắng làm muối đất và trở nên ánh sáng cho thế gian nhưng lại nói: “Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian”, bởi vì các con là môn đệ của Thầy, vì các con đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.
"Các con là sự sáng thế gian", sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: "Ta là sự sáng thế gian" (Ga 8,12). Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Chúa: "Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".
Muối đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh cùng diễn tả một lời mời gọi. Tiên tri Isaia, trong Bài đọc 1 đưa ra những phương cách để giữ muối khỏi "lạt" và ngọn đèn luôn chiếu sáng. Đó là sống bác ái, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo những người không đủ mặc... Khi ấy, "ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".
Có lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình có khả năng và xứng đáng làm muối đất và sự sáng cho mọi người? Nắm muối gồm những hạt muối nhỏ dồn lại, đèn sáng được nhờ những giọt dầu góp lại. Những hạt muối nhỏ đó, những giọt dầu đó là những việc bé nhỏ mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày: những nụ cười, lời nói lịch thiệp, những cử chỉ bác ái khiêm nhường, thái độ biết lắng nghe, sống tha thứ biết nghĩ đến người khác...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến chứng từ muối đất và ánh sáng trần gian của Kitô hữu. Nếu chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương thì chính đời sống, việc làm, việc bác ái sẽ mang lại hương vị cuộc đời, hương thơm cho mọi người, chiếu tỏa ánh sáng giúp nhiều người đến với Chúa là "nguồn ánh sáng và ơn cứu độ" (Tv 2,1). Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để rồi chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình bác ái. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là muối thêm hương vị đức ái cho đời, là những ánh sáng đức tin soi đường truyền giáo.
43. Hãy trở nên “vị mặn tình yêu Giêsu”
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Chúa Nhật tuần trước, thánh Mátthêu tường thuật việc Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy và mời gọi những người đang nghe Ngài đi theo con đường Bát Phúc thì được sống hạnh phúc đời đời. Hôm nay, như một sự tiệm tiến mang tính cấp thiết, Đức Giêsu không ngần ngại khẳng định: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng“Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13).
Vậy vai trò của muối trong đời sống thường ngày và ý nghĩa mà Đức Giêsu dùng để chỉ về các môn đệ là gì?
1. Muối trong sinh hoạt đời thường
Khi nói đến muối, chúng ta cũng nhớ ngay đến những cánh đồng muối. Muối được tích tụ từ lượng nước biển, khi nước biển dâng lên, người ta đắp đập, be bờ để giữ nước, rồi chờ cho ánh nắng mặt trời chiếu vào và sau đó, nước biển se lại thành muối. Từ một khối nước khổng lồ, nhưng khi thành muối, ta thấy nó trở thành những hạt li ti. Như vậy, muối là một hạt nhỏ nhoi trong muôn ngàn những loại khổng lồ. Nó nhỏ đến độ nhiều người không cần quan tâm đến nó nữa, chỉ biết được nó nặm mà thôi. Tuy nhiên, để cho mọi người thưởng thức được ngon miệng thì bản chất của nó phải hòa tan ra giữa thức ăn. Nếu không tan ra thì muối chỉ trơ trọi một mình và không phát huy được tác dụng của nó. Khi nhắc đến muối, người ta cũng nhớ đến màu sắc của nó là màu trắng, gợi lại cho chúng ta màu của sự tinh khiết, trong sạch. Khi nghĩ về muối, người ta cũng cảm nghiệm ngay đến vị mặn của nó.
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây... không ai nói là tôi không cần đến muối. Vì thế, người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối, tăng hương vị. Chẳng thế mà cha ông ta thường có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”. Muối làm cho thức ăn thêm đậm đà. Muối cũng làm cho vị ngọt đã ngọt lại càng ngọt hơn. Người ta cũng dùng muối để trị bệnh, sát trùng và diệt khuẩn. Muối còn có chức năng giúp tiêu hóa tốt, dung hòa i - ốt trong cơ thể, và ngăn ngừa bệnh tật. Muối là một trong những khoáng chất quan trọng nơi sinh hoạt của con người và súc vật. Muối trở nên quan trọng và phát huy tác dụng là vì nhờ vào vị mặn của nó. Nếu nó không còn mặn thì chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta chà đạp lên mà thôi.
2. Muối của người môn đệ
Khi ví người môn đệ như là muối ướp, Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của người môn đệ là phải mặn. Người môn đệ phải mang trong mình vị mặn của tình yêu, tha thứ, bao dung và liên đới. Nếu không có vị mặn như thế thì không còn đóng giữ vai trò của mình nữa. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng tiếp theo sau đó, Ngài nói ngay: “Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13). Thật vậy, người môn đệ trở nên muối trước tiên là ướp chính mình; sau là ướp cho đời.
Khi nói người môn đệ phải có trách nhiệm ướp đời, Đức Giêsu ngầm muốn nói đến một xã hội đang bị hư hỏng vì sự bê tha, suy đồi và trụy lạc về luân lý... Vì thế, để khỏi hư thối, người môn đệ phải trở nên muối mặn của nhân đức, và phải mang trong mình “vị mặn Giêsu” thì mới mong ướp cho đời được. Có thế, người môn đệ mới hy vọng đem lại cho xã hội một mùi vị thơm ngon... thay cho lạt lẽo, gian dối.
Cũng như những hạt muối được làm từ một khối nước biển tràn vào thế nào, thì người môn đệ cũng phải biết đón nhận nguồn “vị mặn Giêsu”, để rồi trở nên muối và góp phần ướp cho đời như vậy. Nếu hạt muối phải tan chảy ra thấm nhập vào từng thớ thịt, con cá... để tăng hương vị, để khỏi hư thối thế nào, thì người môn đệ cũng phải hòa mình vào trong cuộc sống nhân loại như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm biến chất vì những thói đời hư hỏng, mà vẫn luôn giữ được vị mặn như muối.
Thật vậy, vị mặn của mỗi chúng ta chính là mặn vì yêu mến Chúa, mặn vì yêu thương anh em, mặn vì lòng bao dung và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.
Lạy Chúa, giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, coi thường những giá trị đạo đức, và đang trên đà xuống dốc vì những giá trị tầm thường. Xin Chúa cho chúng con được trở nên muối ướp cho đời để xã hội này ấm hơn nhờ “vị mặn của tình yêu Giêsu”. Amen.
44. Muối cho đời - Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về muối và ánh sáng. Đó là hai hình ảnh xác định rất rõ và đúng bản chất cũng như sứ mạng của người môn đệ Chúa Giêsu là chúng ta. Chúng ta phải là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Chúng ta là muối cho đời nghĩa là gì? Thời Chúa Giêsu, muối được dùng để làm cho đất được tốt, trộn lẫn với phân nên được gọi là muối đất. Ngày nay, muối luôn luôn được sử dụng để giữ cho các thức ăn khỏi bị ôi thối, ngăn chặn hay làm chậm lại sự tan rã hay hư hỏng của thịt cá. Nhưng vai trò thường tình nhất của muối là tạo ra vị ngon: có muối đủ mặn thì ngon, không đủ thì lạt quá, không ngon hay mất ngon. Ngoài tác dụng tạo ra vị ngon, muối còn là một yếu tố rất cần cho cơ thể. Cơ thể chúng ta sống không thể thiếu muối. Ngoài muối thường, ngày nay còn có muối i-ốt, loại muối này vừa dùng để nêm nếm thức ăn, vừa rất có lợi cho sức khỏe trong việc ngừa bệnh bướu cổ. Muối i-ốt hoàn toàn không có mùi vị khác muối thường.
Đó là hình ảnh nói về phẩm chất của người Kitô hữu. Chúng ta là muối cho đời, mang lại mùi vị cho đời, nghĩa là vai trò của chúng ta là phải mang lại niềm vui và phấn khởi cho mọi người, mang lại ý nghĩa cho các thực tại tầm thường đang trở nên nhạt nhẽo. Dùng muối làm hình ảnh: "Anh em là muối cho đời", rõ ràng Chúa Giêsu muốn đề cao tầm quan trọng đời sống thấm nhuần Tin Mừng của người Kitô hữu đối với thế giới.
Thứ hai, chúng ta là ánh sáng cho trần gian nghĩa là gì? Ai cũng biết: ánh sáng rất quan trọng và cần thiết, không có ánh sáng, con người và vũ trụ vạn vật không thể sống được, bởi lẽ không có ánh sáng tức là không có mặt trời. Mặt trời là nguồn mạch duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng hiện hữu trên hành tinh của chúng ta. Không có mặt trời thì không có than đá, không có chất đốt, không có điện lực, bởi vì sẽ không có rừng, không có thủy triều. Như vậy, ánh sáng rất cần thiết, không có ánh sáng thì không có sự sống. Cũng thế, không có ánh sáng thì cũng không có mầu sắc, không có vẻ đẹp.
Đó cũng là một hình ảnh nữa nói về phẩm chất của Kitô hữu. Chúng ta phải chiếu giãi sự sáng ra trước mặt người ta, tức là phải nêu gương sáng đời sống đạo đức, thánh thiện, phải làm việc lành trước mặt người ta, để họ xem thấy những việc lành đó mà ngợi khen Cha trên trời. Cho nên, mang danh hiệu là tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải có đời sống tốt lành thánh thiện hơn những người khác, để trở nên ánh sáng chiếu soi cho họ, giúp họ nhận biết Cha trên trời.
Như vậy, với hai hình ảnh muối đất và ánh sáng đã được Chúa Giêsu phát biểu theo chiều hướng truyền giáo rõ rệt, khó có thể hiểu khác đi được. Chúng ta minh chứng mình là môn đệ của Chúa Giêsu qua cuộc sống đức tin, lối sống yêu thương, tinh thần Tin Mừng. Chúng ta làm chứng cho Chúa, cho đạo bằng đời sống chứng nhân của chúng ta. Thế giới chúng ta đang sống đã bị quá nhiều ô nhiễm bởi những cái xấu và tiêu cực: tin tức thế giời trên truyền hình mỗi ngày để lại những ấn tượng đau xót cho người xem: chiến tranh, hận thù, chém giết, bạo lực, khủng bố...diễn ra khắp năm châu. Những thảm kịch ấy làm cho thời đại hôm nay trở thành điểm nóng thôi thúc người Kitô hữu diễn đạt cuộc sống yêu thương bằng những hành vi cụ thể, thực tế trong cuộc sống cá nhân, gia đình và nơi môi trường xã hội.
Theo ý Chúa Giêsu, thì vị mặn của muối và ánh sáng của đèn là những việc lành, nghĩa là những công việc phù hợp với lòng tin của chúng ta hay với Tin Mừng của Chúa, đó là những công việc thể hiện các nhân đức thương xót, từ bi, nhân hậu, những công việc thể hiện công bình, quảng đại, bác ái. Nhiều người tưởng rằng việc lành phúc đức chỉ là những việc đạo đức đối với Chúa, như đọc kinh lần hạt, đi nhà thờ dự lễ, ăn chay kiêng thịt... Những việc ấy tuy rất tốt, nhưng nếu thiếu các việc lành đối với tha nhân như công bằng, bác ái thì cũng trở thành vô ích. Có biết bao người đi nhà thờ, dự lễ đọc kinh thật nhiều, nhưng lại thiếu công bằng bác ái. Họ có ngờ đâu họ đã trở thành muối nhạt, muối vô dụng hay chiếc đèn không còn ngọn lửa chiếu sáng nữa. Thật đáng sợ, vì đời họ đã không làm cho ai ngợi khen Thiên Chúa.
Nhưng có điều này đáng an ủi là trong thiên nhiên, muối đã nhạt thì không thể nào trở thành mặn, đèn đã tắt thì không thể tự mình đốt lên ngọn lửa khác. Nhưng trong thế giới siêu nhiên, điều đó có thể xảy ra: người tội lỗi có thể ăn năn trở lại, người khô khan có thể trở nên sốt sắng, người lười biếng có thể trở nên siêng năng.
Chúng ta sống trong xã hội là chúng ta sống với, sống cùng, sống cho và sống vì người khác. Không ai là một hòn đảo, không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một ảnh hưởng nào đó với người khác. Riêng với người Kitô hữu, thì vai trò ảnh hưởng ấy càng quan trọng hơn. Cuộc sống chứng tá của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà chúng ta luôn phải thể hiện có khả năng thuyết phục và lôi kéo được nhiều người đến với Chúa.
Như vậy, nếu mỗi người Kitô cố gắng thực hiện vai trò ướp muối đất vào soi sáng cho người bằng những việc lành, tức là bằng những việc công bằng, bác ái, thì thế giới này, xã hội này sẽ tốt đẹp hơn và Thiên Chúa sẽ được nhiều người ca tụng ngợi khen. Như thế, đời sống chứng tá của chúng ta còn có tác dụng tông đồ, truyền giáo nữa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam