Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 85

Tổng truy cập: 1365462

MIỆNG NÓI NHỮNG ĐIỀU ĐẦY Ứ TRONG LÒNG

MIỆNG NÓI NHỮNG ĐIỀU ĐẦY Ứ TRONG LÒNG- Lm. Micae Võ Thành Nhân

  Trên các phương tiện truyền thông hàng ngày như là báo chí, rađiô, truyền hình, mạng xã hội, internet…, chúng ta đọc, chúng ta nghe, chúng ta thấy các quốc gia lên án chỉ trích nhau, các chế độ lên án chỉ trích nhau, các tổ chức lên án chỉ trích nhau, các cá nhân con người chúng ta cũng lên án chỉ trích nhau. Sở dĩ có tình trạng này vì con người chúng ta không thấy lầm lỗi, nết xấu của mình mà chỉ thấy toàn là lầm lỗi, nết xấu của người khác. Như người đời thường hay nói: “ Việc mình thì quáng, việc người thì sáng “, lầm lỗi, nết xấu của bản thân thì chúng ta không thấy, dù lầm lỗi, nết xấu đó rất lớn, nhưng lầm lỗi, nết xấu của người khác, dù là nhỏ bé thôi, qua cái nhìn của chúng ta, chúng ta thấy nó rất lớn, thật đúng như lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “ Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh “ trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi ( Cái rác là lầm lỗi, nết xấu nhỏ, cái đà là lầm lỗi, nết xấu lớn ). 

      Chúa dạy chúng ta hãy lấy cái đà trong con mắt của chúng ta ra trước đã. Nghĩa là chúng ta hãy trở về với chính bản thân mình, tự xét mình để nhìn thấy những tội lỗi, tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, và những khuyết điểm để mà sửa đổi bản thân mình trước, rồi từ đó mới có thể giúp đỡ người khác sửa lỗi. Muốn làm được điều này, chúng ta phải noi gương Chúa là  sống khiêm nhường, hạ mình xuống, cần có ơn thánh của Chúa và sau đó là sự trợ giúp của mọi người để rồi chúng ta mới sửa mình mỗi ngày. Chúng ta cần phải cố gắng, kiên trì, bền đỗ, thực hiện, không nao núng, để luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa, vì công lao khó nhọc chúng ta sẽ không phải là uổng phí trong Chúa ( Bđ II ).

      Chúng ta là môn đệ của Chúa, là con cái của Chúa, sống trong gia đình của Chúa, chúng ta cần giúp nhau sửa lỗi để sống mỗi ngày tiến bộ hơn, đặc biệt là giúp nhau nên thánh. Tự bản thân chúng ta phải sống thánh trước rồi mới giúp đỡ người khác, kẻo không thì như Lời Chúa nói: “ Người mù có thể dẫn người mù được chăng ? Cả hai lại không sa xuống hố ư “.

      Trong thực tế cuộc sống, đôi khi chúng ta còn huênh hoang, tự đắc, kiêu ngạo, tự cho rằng mình hơn mọi người để rồi chẳng chịu sửa mình mà cứ sửa lưng người khác, và rồi từ đó làm cho cuộc sống chung trở nên xáo trộn, mất bình an …Sở dĩ có tình trạng này là vì chúng ta chưa thực hiện những Lời Chúa dạy bảo. Chúng ta nghe Lời Chúa nói rất nhiều với chúng ta như mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta nghe công bố Lời Chúa, chúng ta nghe linh mục chia sẻ Lời Chúa, nhưng mà Lời Chúa chẳng thấm nhập vào lòng chúng ta là bao. Nghe lời Chúa rồi, chúng ta quên mất vì khả năng trí óc chúng ta có giới hạn, lại thêm bao nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền, danh, lợi, thú ….Tất cả những thứ đó nó choáng hết tâm trí chúng ta, không còn chỗ cho Lời Chúa đọng lại.

      Vì thế, để cho Lời Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta; trước hết và trên hết, chúng ta cần phải nghe Lời Chúa bằng cả trí óc, cả trái tim, cả tấm lòng, nghĩa là chúng ta nghe bằng tình yêu, và rồi một khi chúng ta đã yêu mến Lời Chúa, chúng ta sẽ ấp ủ Lời Chúa , gẫm suy Lời Chúa. Lời Chúa lúc đó sẽ đi vào trong xương tủy, trong máu thịt, trong tư tưởng, nghĩ suy của chúng ta. Chúng ta đã có chất Lời Chúa bên trong rồi, lúc này Lời Chúa sẽ điều khiển lời nói và việc làm của chúng ta, giúp chúng ta chỉ nói và làm các điều lành, điều thiện, điều tốt mà thôi. Những người khác khi thấy lời nói và các việc lành, việc thiện, việc tốt chúng ta làm, họ sẽ tìm đến với Chúa là nguyên nhân các lời nói và các việc lành chúng ta làm “ Người tốt phát ra điều tốt, từ kho tàng tốt của lòng mình.., lòng đầy thì miệng mới nói ra “, hoặc như Lời Chúa được trích từ sách Đức Huấn Ca ở bài đọc một: “ Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thế “ và rồi họ cũng trở thành con của Chúa như chúng ta.

      Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết sống khiêm nhường, biết đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình “ Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và cùng anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa thiên Chúa, Chúa chúng ta “, mà sửa đổi bản thân, phải lo trao dồi nhân đức chúng con trước, và xin Chúa cũng giúp chúng con biết lấy tình thương mà đối xử với nhau, cảm thông với nhau, cầu nguyện cho nhau, tha thứ cho nhau, không phê bình chỉ trích anh chị em chúng con khi họ có những thiếu xót, lầm lỗi, xin cho chúng con biết giúp nhau nên thánh, để cùng nhau đạt đến hạnh phúc đời đời sau này. Amen

 CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- C

HÃY BIẾT MÌNH- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Tin mừng tuần trước lời Chúa dạy sống tương quan với tha nhân theo tinh thần Phúc âm, là ứng xử như lối sống của Chúa. Còn tuần này, Chúa dạy chúng ta hãy nhìn thẳng vào con người của mình, có nghĩa là biết thân phận con người “nhân vô thập toàn”, nên khiêm tốn chứ đừng cho mình là mẫu mực mà lên án hay phê bình xét đoán người khác.

 Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Thần Du-pi-te khi dựng nên con người thì ngài đeo cho họ hai cái túi: Một cái trước ngực, đựng những lỗi lầm của người khác, một cái sau lưng đựng những lỗi lầm của mình. Như vậy, người ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác mà không nhìn thấy những khuyết điểm của mình ở sau lưng.

Câu chuyện ngụ ngôn trên thật đúng câu tục ngữ cha ông mình nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Và đây cũng là chuẩn mực để có khả năng hướng dẫn, chỉ bảo, xét đoán người khác, trước hết phải tự xét mình, phải biết mình trước đã, nhưng biết mình không dễ chút nào, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó biết bao.

 Chính vì thế triết gia Socrate rất chí lý khi nhắn nhủ các môn sinh của mình “Hỡi ngươi, hãy tự biết mình”. Còn tác giả Thánh vịnh đã nói: “Người công chính mỗi ngày còn sai lỗi tới bảy lần, huống hồ là chúng ta”. Cho nên, người xưa có câu: “Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Có nghĩa là biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.

Vậy, để biết rõ mình hơn, chúng ta cần phải khiêm tốn hồi tâm xét mình. Dù mình có tài giỏi đến đâu đi nữa, nhưng vẫn còn có nhiều lãnh vực mù mờ và đầy khuyết điểm.

Vì thế, điều quan trọng là phải biết nhìn nhận những giới hạn và khuyết điểm của mình, để rồi cố gắng nỗ lực sửa đổi, thăng tiến bản thân mình trước.

Bởi lẽ, con người chúng ta thật là yếu đuối như chiếc bình sành mong manh dễ vỡ. Hôm nay có thể chúng ta đứng vững, nhưng biết đâu ngày mai lại vấp ngã. Sở dĩ chúng ta được như ngày hôm nay, tất cả đều do ân sủng và tình thương Chúa giữ gìn mà thôi.

Vậy mà, đôi khi chúng ta rất chủ quan sửa lỗi người khác, vì nghĩ rằng muốn cho người khác được nên hoàn thiện hơn. Trong khi đó, chúng ta rất khó chịu khi bị người khác góp ý sửa lỗi cho mình.

Lẽ ra chúng ta phải cư xử nghiêm khắc với bản thân mình mà rộng rãi với tha nhân, thì chúng ta hành động trái ngược lại, là cư xử nghiêm khắc với tha nhân, nhưng lại rộng rãi với chính bản thân mình.

Đáng lẽ ra, chúng ta phải lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới lấy cái rác ra khỏi mắt người ta, nhưng trái lại, chúng ta chỉ thấy cái rơm, cái rác trong mắt người khác, mà quên đi cái xà chà bá ở trong mắt mình.

Mặc khác, chúng ta thường thích người khác khen thưởng hơn là biết lắng nghe những lời người khác nói về mình, nhất là khi chúng ta có chút chức quyền. Hơn nữa, muốn biết rõ về mình nhiều hơn, chúng ta cần phải can đảm, khiêm tốn lắng nghe những lời góp ý chân thành của người khác, để biết sửa mình mỗi ngày nên tốt hơn.

Tiếp đến, Chúa bảo muốn cho lời dạy của mình có sức thuyết phục được người khác, thì trước tiên phải sống những điều mình dạy trước đã “Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà còn trong mắt của mình. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”(Lc 6,42).

Chẳng hạn như: cha mẹ muốn con cái siêng năng đạo đức, thì chính cha mẹ hãy siêng năng đạo đức trước. “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người” thì không phải lẽ.

Vì thế, kẻ muốn làm thầy người khác thì trước hết phải “Tiên trách kỷ”, có nghĩa là biết mình với những giới hạn và yếu đuối, để chấn chỉnh bản thân mình. Rồi mới “hậu trách nhân”, có nghĩa là mới có thể sửa dạy người khác. Vì “Nếu không biết mình để tu thân thì giống như lời Đức Giêsu nói: “Mù dắt mù” cả hai sẽ lăn cù xuống hố.

Anh chị em thân mến,

Những lời Chúa dạy hôm nay không đơn thuần là bài học có tính cách luân lý khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, nhưng còn mời gọi chúng ta xác tín rằng: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có toàn quyền xét xử con người mà thôi. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là Chúa không trao quyền xét đoán cho chúng ta, vì chúng ta có là gì đâu là lên mặt xét đoán.

Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta bắt chước thánh Augustinô cầu nguyện với Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa. Biết con để con khiêm tốn sống đúng bản ngã của mình, là không ngừng hoán cải mỗi ngày để nên hoàn thiện hơn”. Amen.

 CHÚA NHẬT  VIII THƯỜNG NIÊN-C

CÁI RÁC, CÁI XÀ-  Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng một hôm, con tê giác đang đi uống nước thì nghe tiếng một con chích choè đang hót trên cành cây. Nó bực mình thét to: “Im đi, cái con chim xấu xa. Mầy không thấy tao đang uống nước sao?”

Con chích choè không chịu thua, cãi lại: “Bộ ông đẹp đẽ lắm sao? Ông thử soi mặt ông trên mặt nước rồi sẽ biết”.

Con tê giác nghĩ trong bụng: “Soi thì soi. Ai mà không biết ta là người hoàn hảo”. Nhưng vừa nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta bỗng giật mình vì khám phá một chiếc sừng quái dị nằm ngay trên mũi mình. Biết mình còn xấu xí hơn tất cả các con vật có sừng khác, nó xấu hổ quá.

Anh chị em thân mến,

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình; thấy lỗi nho nhỏ của người khác mà không thấy lỗi lầm to lớn nơi bản thân mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải.

Chúa Giêsu không cấm ta góp ý, sửa lỗi cho người khác, nhưng Ngài dặn ta trước hết hãy lấy xà khỏi mắt mình, để thấy rõ mà lấy rác nơi mắt anh em. Khi chúng ta lấy cái xà ra khỏi mắt mình rồi thì chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn với tha nhân.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng.

Lạy Chúa, “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa; biết con để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của con, nhờ đó con sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử cách đại lượng với con. Amen.

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- C

HÃY TỰ BIẾT MÌNH, ĐỪNG XÉT ĐOÁN- Lm. Giuse Quang Nguyễn

Ông bà ta dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Lời dạy này hàm nghĩa: Cẩn trọng khi phát ngôn hay xét đoán người ta. Vì sao phải dạy như vậy? Theo quan niệm của ông bà, trong ứng xử hàng ngày, việc phát ngôn và xét đoán rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến người khác. Nói, là một trong những kỹ năng phải học từ lúc vỡ lòng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Phát ngôn không chỉ là việc truyền tin, còn là nghệ thuật giao tiếp: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Cho nên, trong đời sống chung, người ta rất tối kỵ việc buông lời xấu hay xét đoán cho người khác vì ông bà dạy: “Ngậm máu phun người trước dơ miệng mình”. Cho nên, khi nói hay xét đoán người khác, ta phải có trách nhiệm rõ ràng, trong sáng, tránh nói lửng lơ dẫn người ta đến tâm lý lo âu, hiểu sai lạc nên ông bà dạy: “Trách ai ăn nói lưng chừng. Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Có lẽ, đó là lý do vì sao Thiên Chúa dựng nên con người có hai con mắt để nhìn cho kỹ, hai cái tai để nghe cho rõ, hai lỗ mũi để cảm nhận cho đúng mà chỉ có một cái miệng để nói hay xét đoán cho đúng.

Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay dạy: “Anh chị em đừng xét đoán, sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”. Những lời Chúa nói hôm nay không đơn thuần chỉ là bài học có tính cách luân lý rằng Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác. Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Khi chỉ chúng ta nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước rồi mới xét đoán người ta.

Qủa thế, ngày xưa, nhà hiền triết Hy Lạp Socrate đã đề ra khẩu hiệu như bài học vỡ lòng cho các môn sinh của mình: “Hỡi người, hãy tự biết mình”. Chúa Giêsu của chúng ta cũng đề cao sự sám hối: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. “Hãy sám hối” trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn đầy dẫy những lỗi lầm thiếu xót của mình, để rồi từ đó chúng ta sẽ biết sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác hơn. Sống như thế, chúng ta mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và rồi xét đoán phạt anh chị em mình không thương tiếc.

Cho nên, Chúa Giêsu dạy hãy tự sửa mình nhiều hơn sửa người khác. Vâng, con người thường có tính tự nhiên quan tâm phô trường, khoe khoan tới hành động, thành công, việc làm của mình luôn luôn là tốt hơn người ta cho nên dễ xét nét hành động của người khác. Chúng ta hay tự cho mình là hoàn hảo hơn người khác trong khi đó mình còn thiếu sót sai lầm, cần phải sửa đổi trước đã rồi hẳn phê phán, xét đoán anh chị em khác. Cho nên, chúng ta dễ thấy những lầm lỗi của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất nhỏ. Còn những lầm lỗi của chính mình thì mình lại không thấy, cho dù rất lớn. Nếu một tập thể hay một gia đình mà trong đó ai cũng đều có tính chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất khó chịu, dễ dàng trách móc, bực bội, hờn giận người khác. Thật là thật đau khổ khi phải sống chung với những người không có tự biết mình, không biết uốn lưỡi 7 lần trước khi nói và không nhìn lại mình trước khi xét đoán. Cho nên, Lời Chúa trong bài đọc 1, Sách Huấn Ca dạy: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay. Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng”. Vì thế, Chúa Giêsu khẳng định: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.

Vì vậy, việc nhìn thấy và sửa đổi chính bản thân mình thì dễ thực hiện vì điều ấy tùy thuộc vào chính mình, do mình làm chủ, nên hễ mình muốn sửa là sửa được. Còn sửa lỗi người khác thì khó hơn rất nhiều vì điều ấy không tùy thuộc vào mình, không do mình làm chủ. Vả lại, chính mình nên thánh trước đã rồi thì cảm hóa hay sửa chữa người khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Cho nên, ông bà ta bảo: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy mình đã, đừng làm theo kiểu chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, là những Kitô hữu chúng ta hãy hãy tự xét lỗi chính bản thân mình đã, chứ đừng vội xét lỗi người khác. Lạy Chúa, nhân vô thập toàn, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm của mình. Đứng trước những khuyết điểm của người khác, xin Chúa cho chúng con biết cảm thông và tha thứ, như Chúa đã từng cảm thông và tha thứ cho chúng con cũng như cho những kẻ tội lỗi trong Phúc âm. Còn đứng trước những sai lỗi của bản thân, xin Chúa giúp chúng con biết nhận lỗi, xin lỗi và nhất là sửa lỗi, để nhờ đó chúng con thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời và luôn làm đẹp lòng Chúa. Amen.


CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN- C

BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI Lm. Fx. Lê Văn Nhạc

Chuyện kể rằng: Có một người mù đi trong đêm tối, tay xách chiếc đèn, đầu đội cái bình sành. Một người đi đường trông thấy cho là anh mù nầy ngốc nghếch, liền cười nhạo và hỏi anh mù:

– “Này anh ngốc kia, đối với anh thì ban ngày cũng như ban đêm. Vậy anh cầm đèn để làm gì?”

Người mù ôn tồn đáp:

– “Đèn nầy không cần đối với tôi nhưng lại cần thiết đối với anh, để trong đêm tối anh không làm vỡ cái bình sành của tôi”.

Người xưa đã nói: “Biết người, biết mình, trăm trận trăm thắng”. Các nhà đạo đức cũng thường nói: “Biết mình là đầu mối khôn ngoan”, là điều kiện trước tiên của mọi sự cải tiến. Nhưng làm sao để biết được người và làm sao để biết được mình?

Tác giả sách Huấn ca dùng nhiều hình ảnh so sánh để dạy chúng ta biết người như sau:

“Sàng rồi, trấu lại ở sàng.

Nói ra, cái dỡ rõ ràng thấy ngay.

Có thử lửa, mới biết bình thợ gốm.

Có chuyện trò, biết ai rởm ai hay.

Xem quả thì biết vườn cây.

Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng.

Muốn đo lòng, thì nghe miệng nói năng.”

Những châm ngôn ấy dạy chúng ta muốn biết người thì hãy nghe người ấy nói đã. Đừng vội vàng phê phán, đánh giá, khen chê người nầy người khác trước khi đích thân tiếp xúc trao đổi với họ:

“Xem quả thì biết vườn cây.

Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người”.

Cây tốt thì sinh quả tốt, và cây xấu tất nhiên sẽ sinh quả xấu. Những lời gian dối không thể phát ra từ miệng của một vị thánh. Đúng hơn, đó là lời từ miệng của một người có tâm hồn gian ác: “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra”. Ở đây cũng cần lưu ý đến những người “Khẩu phật tâm xà” (Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm) – những người giả hình, nói một đàng làm một nẻo. Nói bác ái, nhưng chỉ một chiều: người khác bác ái với mình, hay mình lợi dụng người khác. Vì thế, trái tốt cũng là những việc làm. Nói và làm phải đi đôi với nhau và cả hai là hoa trái cho biết phẩm chất tốt xấu thầm kín bên trong lòng người.

Có lẽ trong quan hệ với tha nhân, nhiều lần ta đã vội vàng phê phán, đánh giá, khen chê người nầy người khác trước khi đích thân tiếp xúc trao đổi với họ, rồi sau đó mới thấy mình đã không bé cái lầm. Sự thực không đúng như thế ! Hại cả cho mình, hại cả cho người.

Tuy nhiên, biết người thì dễ hơn là biết mình. Muốn biết mình, chúng ta cần phải thành thật và khiêm tốn qua việc tự kiểm, luyện tập và sửa chữa. Phải sáng suốt nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình. Chúa dạy: Đừng có liều lĩnh lên mặt dạy đời khi mình chưa có một cái nhìn trong sáng về chính mình. Kẻo “mù mà dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”.

Tại sao chúng ta lại khó biết mình? Người ta thường nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Thần thoại Hy Lạp ví con người như một kẻ mang hai cái túi: một cái trước ngực và một cái sau lưng. Cái túi chứa những tật xấu của mình thì đeo đằng sau, nên không thấy gì cả. Còn cái túi đựng những khuyết điểm của những kẻ khác thì đeo phía trước, nên nhìn thấy rõ ràng. Một trong những nguyên nhân làm chúng ta mù quáng đó là có một vật cản lớn ngay trước mắt: cái xà. Cái xà ấy làm cản trở tầm nhìn. Cái xà ấy làm không thấy rõ chính mình cũng như người khác. Cái xà ấy làm không nhìn thấy sự ghê tởm, nhớp nhúa, xấu xa nơi bản thân, để chỉ nhìn thấy vài khiếm khuyết nơi người khác. Đó là thái độ của người giả hình thực sự. Giả hình khi mạnh miệng chỉ trích người khác để người ta tưởng mình là hoàn thiện, trong khi thực chất chỉ là mồ mã tô vôi. Vì thế, Đức Giêsu mời gọi bạn hãy nhanh chóng “lấy cái xà trong mắt bạn ra trước đã rồi bạn sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt anh em”.

Nói như thế, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng ai muốn tiến bộ cũng như muốn giúp anh em tiến bộ thì chính mình phải tự kiểm tra chính mình và sửa mình trước đã. Có sửa được mình thì mới sửa được người.

Như thế, để biết mình, trước hết cần phải liệu cho mình có được sự khôn ngoan sáng suốt chân thật, tức là sự hiểu biết về đường lối của Chúa, chân lý của Chúa và phải sống theo giáo lý của Ngài. Đó là cuộc sống của những người chọn Đức Giêsu làm Thầy, làm Người Hướng Đạo.

Anh chị em thân mến,

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên “cây tốt” để sinh “trái tốt”. Cây tốt là người lắng nghe Lời Chúa, người để ánh sáng Lời Chúa chiếu vào tâm hồn mình, để sinh ra hoa trái tốt bằng các việc bác ái cụ thể, và có thể giúp cho người khác sống điều mình đã sống. Người tốt có lấy “cái rác trong mắt anh em” cũng là vì tình yêu – chứ không vì hận thù, vì ghen tuông – Vì yêu, người tốt sẵn sàng đến với người khác, dùng Lời Chúa để hướng dẫn người khác thoát khỏi đường lầm lạc quay về con đường sống. Lời Chúa có thấm nhập vào thâm sâu cõi lòng thì tư tưởng, lời nói, hành động mới sinh hoa trái tốt. Mỗi người phải là một cây tốt và đem lại hoa trái tốt cho người khác: cha mẹ cho con cái, anh chị cho các em, thầy cho trò, bạn bè cho nhau, và như thế sẽ tạo nên một vườn cây tốt, một xã hội tốt.

“Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với chứ không phải sống một mình. Quan hệ với tha nhân là điều không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Do đó, cần phải hiểu biết người một cách sáng suốt thận trọng để có thể quan hệ tốt và ích lợi cho nhau, nhất là về mặt tinh thần.

Tuy nhiên, muốn biết người và biết mình một cách rõ ràng, chân thật, thẳng thắn thì lại phải có sự trong sáng của con mắt, của tâm hồn. Và nếu muốn giúp người lại cần phải có tinh thần phục vụ thật khiêm tốn, tế nhị và phải có đời sống gương mẫu có sức thuyết phục nữa.

Tất cả những điều cần thiết phải có trên đây, đều được thể hiện nơi Đức Kitô. Lời Ngài, việc làm của Ngài, thái độ của Ngài thật là ánh sáng dẫn dắt chúng ta, thật là gương mẫu cho chúng ta bắt chước. Ngài còn là niềm tin, hy vọng và sức mạnh giúp ta vượt thắng tất cả những khó khăn.

Thánh lễ được cử hành với Lời Chúa và với Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là dịp cho chúng ta được Ngài soi sáng, là dịp cho chúng ta được chiêm ngưỡng gương sáng của Ngài, là dịp cho chúng ta được Ngài nâng đỡ.

Chúng ta nhận lấy ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cũng hãy sốt sắng lãnh nhận nguồn sinh lực dồi dào của Mình Chúa và tin tưởng cố gắng tiến lên cùng với anh em chúng ta. Có Chúa giúp đỡ, chúng ta sẽ đạt được kết quả thiêng liêng mỗi ngày một phong phú hơn.

home Mục lục Lưu trữ