Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1364534

MỌI SỰ CHÚA CHA CÓ ĐỀU LÀ CỦA THẦY

MỌI SỰ CHÚA CHA CÓ ĐỀU LÀ CỦA THẦY (*)  Chú giải của Noel Quession

 

Kinh Thánh không công bố lần nào từ trừu tượng, “Chúa Ba Ngôi” cả. Kinh Thánh cũng không bao giờ định nghĩa như ngôn ngữ duy lý Hi Lạp sẽ làm, là có “Ba Ngôi vị trong Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm cố yếu nhất trong Thiên Chúa không được mạc khải bằng những công thức nhưng nhờ các sự kiện Cựu ước chỉ nói về Thiên Chúa Người Cha” (Đnl 32,6 – Tv 67, 6 – Is 63, 16 Gr 2, 4.1). Và các “con cái” của Thiên Chúa là dân tộc Israel (Xh 4,22 -Hs 11,1), hay hiện thân là ông Vua (2 Sm 7,14 – Tv 110,3) hơn những người công chính (Kn 2, 18 – 5,5 – 18, 13). Sau cùng, ta nhận thấy Thần Khí của Thiên Chúa xâm nhập một số người (St 41, 38 – Ti 6, 34 -Is 11,2 – Ed 39, 29 – Ge 3, 1).

Đúng vậy Cựu ước đã không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi trong Thiên Chúa. Nhưng ngay các tác giả Tân ước cũng lập lại thứ ngôn ngữ Kinh Thánh trên, để diễn tả tính hoàn toàn mới lạ của “hiện tượng Giêsu”: Ngài trực diện với Chúa Cha, và loan báo việc thông ban Thần Khí. Khi cắt nghĩa những sự kiện đó, Kitô giáo còn phải dò dẫm suy tư rất lâu, trước khi xác định một kiểu diễn tả đức tin đầu tiên nhớ những quan niệm triết học HiLạp, từ Công đồng Ni-xê năm 325 đến Công đồng Kan-xê-Đoan năm 451.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, Đức Giêau nói về Thánh Thần.

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.

Đó là một kinh nghiệm mà con người chúng ta thường gặp thấy Ngay cả với những người thân yêu, chúng ta cũng khó mà “thông truyền” hết những gì mà chúng ta mang trên mình và muốn chia sẻ cho họ. Như vậy, trước khi chịu chết Đức Giêsu đã không nói hết mọi điều. Nhưng đây không chỉ là khó khăn ta quen gặp trong vấn đề diễn tả. Đây chính là mầu nhiệm đức tin mà ta chỉ dần dần bước vào. Ngay cả những bạn hữu thân thiết nhất, đã sống kề cạnh lâu ngày với Đức Giêsu, cũng không nhận thức được điều gì đã xảy ra, Người là “Ai”. Họ mang quá nhiều ý kiến có sẵn về Thiên Chúa và Đấng Mê-xi-a đã được hứa ban. Họ cần phải tự lột bỏ, thay đổi ý kiến, và lớn lên trong đức tin. Chỉ có thập giá và sự Phục sinh của Người, như một thứ va chạm điện mãnh liệt, mới phá được những xác tín của họ và bó buộc họ phải tiến triển.

Phải, đức tin là một sự “tiến triển”. Đó là một sức sống cần phải phát triển. Trong Thiên Chúa, luôn có những điều mới lạ cần phải khám phá, cũng như trong sự phát triển của một tương quan yêu thương với một người nào đó: hôn phu, người chồng, bạn hữu, đồng nghiệp… Biến cố bi đát của tông đồ, là những người hầu như không: hiểu biết gì về Đức Giêsu trước lúc Người ra đi, cảnh giác chúng ta không nên biến đức tin thành một Đức tin tĩnh, chỉ đắc thủ một lần là xong… “Tôi có đức tin rồi…” “Tôi không thể mất đức tin…”

Cũng như các tông đồ tôi mới chỉ ở bước đầu của một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Lạy Chúa, đối với con, cũng có nhiều điều con chưa chịu nổi, Thần Khí của Chúa sẽ mạc khải cho con sau này, nếu con biết chăm chú lắng nghe. Xin giữ gìn thần trí con luôn thức tỉnh để đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa! Chớ gì đừng bao giờ con tự mãn, coi mình là hiểu biết tất cả, vênh vang trước những mảnh vụn Đức tin tầm thường mà con đang sống.

Dĩ nhiên, con cũng nghĩ đến những người con đang chung sống. Họ cũng gặp một tình trạng như thế: Họ đang bước đi trên cùng “con đường đức tin” đó. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói, có những chân lý, những thái độ họ chưa khám phá ra cách sống động… Giờ đây họ chưa có thể “chịu nổi”? Lạy Chúa, xin ban cho con sự kiên nhẫn của Chúa. Chớ gì con biết tiến bước nhịp nhàng với Chúa, với những mạc khải yêu thương của Chúa… cùng đồng hành với anh em con trong bước tiến riêng của họ.

Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

Tôi ghi nhận từ đẹp trên đây: “dẫn tới” Tôi hình dung ra một người dẫn đường lên núi cao. Đó là người biết rõ mọi lối đường là người yêu thích và thưởng ngoạn ngọn núi đó mà anh muốn làm cho người khác càng thích thú… Là người đi trước và giúp ta tiến lên. Nhưng như bạn biết, người dẫn đường không thay thế bạn được: chính bạn phải bước theo. Nếu vì quá mệt lả, bạn từ chối bước cao hơn… Anh ta không thể cưỡng chế tự do của bạn. Anh ta hiện diện ở đó, là để “hướng dẫn” bạn. Lạy Thần Linh Thiên Chúa, ánh sáng dịu dàng. Xin hướng dẫn con, để con không từ chối việc lên núi… một bước…. rồi thêm một bước nữa! để trên bước đường con đi tới, con gặp được những người dẫn đường tình nghĩa huynh đệ mà Thần Khí Chúa đang tác động.

Bởi vì, đúng vậy, đúng là một cuộc “chạy đua lên núi cao”: Đức tin là cuộc tìm kiếm mầu nhiệm Thiên Chúa! Đó là chóp đỉnh không ai có thể một mình đạt tới: cần phải có một “người nào đó” dẫn lên. Cần phải có một ông thầy, một người dẫn đường biết rõ bí mật.

Trong suốt nhiều thế kỷ, các Công đồng cố gắng tìm hiểu những lời trên đây của Gioan…và kết thúc bằng cách quả quyết rằng, thực sự’ Thần Khí là một “Đấng nào đó “…là một Ngôi vị… là Đấng hiểu biết mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa từ bên trong, để hướng dẫn con người đạt tới đó Trong bức ảnh diễn tả Chúa Ba Ngôi của Roublev, Thánh Thần là ngôi thứ ba, với khuôn mặt tuyệt đối giống hai ngôi kia, Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng trong tư thế đầu Ngài hoàn toàn nghiêng về hai Ngôi kia cách âu yếm để hoàn thành chuyển động của “vòng tròn hoàn hảo” , thì mắt Ngài thực tế lại nhìn về phía trái đất, hướng đến con người đang cầu nguyện trước ảnh tượng, để “mở ra” và “thông truyền” cho con người chính sự chuyển động của Thiên Chúa: đó là Tình Yêu!

Thần Khí sự thật! Sự thật toàn vẹn!

Nhưng coi chừng! khi bàn về Thiên Chúa, sự thật không phải là thái độ tri thức… cũng như’ sự hiểu biết về một con người mà ta muốn yêu thương. Trước hết, không phải là học biết, quan sát, đo nghiệm, đặt dưới ống kính hiển vi… nghiên cứu cách khoa học, như thể ta nghiên cứu một “sự vật” ở đây, thuộc về một lãnh vực khác. Hiểu biết một “Người nào đó” là bước vào mối tương quan với họ.

Nói rằng mình là “tín hữu không thục hành”… thì đó là một lời thú nhận quan trọng, nếu người đó ý thức và thực sự đã suy nghĩ kỹ. Một tình yêu nếu không được “thực hành” thì sẽ là gì? Một tương quan với một người nào đó, nếu không thể sống động và thể hiện, thì sẽ ra sao? Lạy Thần Khí sự thật, xin hướng dẫn con tới sự thật “toàn vẹn”!

Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.

Đó là hình ảnh của tiếng phản dội vào thần trí ta. Giữa Chúa Cha, Đức Giêsu và Thánh Thần, luôn có sự liên tục hoàn hảo. Đó là cùng một tiếng nói lập lại nhiều lần, với cách thức khác nhau. Thánh Thần không nói gì khác về Đức Giêsu cả! Sự thật duy nhất và xác thực về Thiên Chúa, là Đức Giêsu. Mọi sự người ta đã nói trước, và mọi điều Người ta đã nói sau… về Thiên Chúa, mà không phù hợp với những gì Đức Giêsu của Thiên Chúa tỏ lộ cho ta, thì đều sai lầm! Đó là một Thiên Chúa giả! và với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải điều chỉnh nhiều ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa. “Nếu Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, thì ân sủng và sự thật nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17) “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sáng (Ga 14,6)

Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Như chúng ta đây biết, Đức Giêsu là Người con hoàn hảo, hoàn toàn hướng về Chúa Cha. Đức Giêsu “không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu Người Con và cho Người Con thấy mọi điều mình làm” (Ga 5,19-20). Đó là mầu nhiệm thâm sâu của Chúa Ba Ngôi: Mỗi Ngôi là sự thấu suốt trọn vẹn của Ngôi khác. Ở đây, Đức Giêsu mạc khải cho thấy, Thánh Thần bước vào hoạt động thẩm chiếu trọn vẹn đó. Những tương quan yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa không có gì là giấu ẩn, là che đậy đóng kín: Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi không giữ cái gì làm của riêng mình”. Mọi sự đều được chia sẻ, thông ban, hiến tặng… và mọi sự đều được tiếp đón, nhận lãnh! Những lời nói trần gian của chúng ta đều trở yếu kém, để diễn tả tính chất phi thường của mối liên quan liên kết Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Thần. Mọi tương quan nhân loại của ta đều bắt nguồn từ mối tương quan đó! Đỉnh cao không thể vượt qua được về Thiên Chúa, đó là: mạc khải về Chúa Ba Ngôi.

Nhưng trước hết, Chúa Ba Ngôi không phải là một thứ ẩn ngữ, một thứ siêu phương trình toán học dành cho những nhà trí thức ưu hạng… Đó chỉ là một thực tại hoàn toàn giản đơn bị che giấu đối với các bậc khôn ngoan thông thái nhưng lại được mạc khải cho những người ‘bé mọn” (Mt 11,25). Bởi vì, nói về Thiên Chúa cũng là nói về con người, “được tạo dựng theo hình ảnh và hòa ảnh của Thiên Chúa”. Bé thơ, trẻ mới sinh không biết rằng nó có một gia đình. Nhưng ngay từ những tuần lễ đầu tiên, mơ hồ nó thấy mình được che chở trong một tình yêu thương… Nó cảm thấy quanh mình một tình âu yếm, luôn đáp lại mọi cơn đói khát, mọi tiếng kêu la của nó. Trước hết nó cảm nghiệm tình yêu đó như “một” cái gì lờ mờ, nhưng hoàn toàn mạnh mẽ và thích thú. Bé chỉ cần bật tiếng khóc, là “nó” có mặt ở đó…

Với thời gian, cuối cùng thì bé cảm nhận được rằng, sự hiện diện đó có nhiều dạng không hẳn chỉ là “một” tiếng cao và giọng trầm, khuôn mặt mịn như nhung và khuôn mặt lởm chớm những rầu, bàn tay mềm mại và bàn tay sắt thép… Nhiều người đang phải sống cùng một tình thương đó quanh bé, vì bé…” (Rey-mermet). Bằng cách đó, những người đơn sơ cũng khám phá ra mầu nhiệm của Gia đình Thiên Chúa: nhờ “thực tập” ngày này qua ngày khác…cho tới lúc ở trong Gia đình.

Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy , vì thế Thầy đã nói: “Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Một lời phát biểu gây ngạc nhiên. Trước hết chúng ta hãy để cho lời đó gây bối rối nơi ta.

Một anh thợ mộc làng Nadarét tầm thường, một con người cũng mang xương thịt thấp hèn, thế mà trước ngày bị kết án tử hình bởi những nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo của đất nước anh, đã dám cả quyết rằng “mọi sự Thiên Chúa có đều là của anh”.’ Và không chỉ một lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã gợi lên sự hiệp nhất lạ lùng như thế giữa Người và Thiên Chúa: Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa hữu hình (ta có thể nói được như thế! bởi vì quả thực Thần Khí của Đức Giêsu, biểu lộ cách vô biên ngoài tầm mắt của ta). Và Thần Khí, chính là Đức Giêsu – tiếp tục và được lập lại mãi mãi trong tâm hồn con người. Thần Khí phản chiếu Đức Giêsu. Và Đức Giêsu phản chiếu Đức Chúa Cha vô hình. Tôi chiêm ngưỡng sự duy nhất và tính khác biệt này… Đó là sự hiệp thông các ngôi vị “nhiều mà chỉ là một”: nguyên mẫu của con người! chương trình hành động cho mọi xí nghiệp, mọi gia đình, mọi xã hội. Đó là một “chóp đỉnh” thực sự mà một phần không thể đạt thấu. Chúng ta có để cho Người “hướng dẫn” ta tới đó không? Lạy Thánh Thần xin hãy đến!

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM C

MỐI LIÊN HỆ YÊU THƯƠNG- Chú giải của Fiches Dominicales

CHÚA CON ĐÃ SAI THÁNH LINH ĐỂ TIẾP TỤC CÔNG TRÌNH CỦA NGƯỜI Ở TRẦN GIAN

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

*1. Từ thời kỳ của Đức Giêsu.

Vào, giờ Đức Giêsu sắp “phải bỏ thánh giá mà về với Chúa Cha”, ta thấy có hai giai đoạn trường bài diễn từ sau bữa Tiệc Ly.

– Thời kỳ của Đức Giêsu, thì các môn đệ không làm sao có sức chịu nổi ” những lời Người.

– Thời kỳ của Thánh Linh ” thì chính Người sẽ dẫn dắt các ông tới sự thật toàn vẹn”.

X Léon-Dutour quảng giải: “Bấy giờ” của bữa tiệc ly đối tương phản với thời kỳ Đấng Bảo Trợ đến; là việc đến này tùy thuộc vào lễ vượt Qua của Chúa Con” (“Lecture de L’Evangile de St. Jean “, cuốn 3, Seuil, trg 231).

*2. Đến thời kỳ của Chúa Thánh Thần.

Thần Khí này, Đức Giêsu hứa với các tông đồ: “sẽ dẫn các ông đến sự thật toàn vẹn “. Việc Chúa Thánh Thần đến soi sáng vào quá khứ của Đức Giêsu, sẽ khiến cộng đoàn các môn đệ của Người hiểu sâu thêm những lời nói và việc làm của người, hiểu để áp dụng và đi vào cuộc sống. Hơn nữa, Người còn cho các môn đệ thông hiệp vào hiện tại của Đức Giêsu, người Con đã được tôn vinh nơi Thiên Chúa và đang muốn thông ban cho các môn đệ chính con người vinh quang của mình.

– Thần Khí này, Đức Giêsu phán tiếp “sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Để dẫn đến sự thật, Thần Khí “sẽ nói lên” hay là “sẽ diễn tả” điều mà Người nhận từ Chúa Con… X. Léon-Dufour giải thích thêm: “Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Người nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải”) vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Thần Khí. Quả vậy Thần Khí không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thần Khí sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8, 26). Tiếng nói của Thần Khí chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tận tâm hồn. Như vậy Chúa Con tiệp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước, cách thế thần linh”… Chúa Thánh Linh sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu vậy”:

BÀI ĐỌC THÊM:

*1. “Nguồn suối không hề cạn”

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”. Vào lúc ly biệt, những lời kín đáo này phát ra từ môi miệng Đức Giêsu để kết thúc buổi hàn huyên đầy tình hiệp thông. Vấn đề không tại điều muốn nói, mà tại ý nghĩa thẳm sâu nằm ở những lời ấy. Sánh với những gì nằm sâu trong lòng biển cả bao la, thì lời nói cũng chỉ như đám bọt biển trắng xoá trên mặt mà thôi. Điều mà Thầy muốn ban cho anh em, chia sẻ với anh em là những gì tự đáy lòng Thầy, là những gì là sâu xa nhất từ nội tâm Thầy.

Không phải là Thầy không còn thời giờ, cũng chẳng phải là Thầy còn nói thêm nhiều điều khác. Thầy chỉ mong muốn lặp đi lặp lại mãi mãi điều cốt lõi. Ước chi điều cốt lõi được lặp lại hoài này, luôn có được vẻ tươi mát của buổi bình minh đang xuất hiện.

Nội tâm Thầy như mạch nước muốn vọt lên nhưng lại không vọt lên được. Điều Thầy muốn nói ra thì lại không thể diễn tả được. Và người nghe không bao giờ có thể hiểu, cũng không thể cảm nghiệm được với ánh sáng và cường độ mà Thầy mong muốn vì điều đó thuộc về Thầy một cách quá lạ thường. Cái “tôi” thẳm sâu này không sao tả xiết.

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”. Nhưng lúc này, như thế là đủ rồi. Không thể nói thêm nữa, là người nghe cũng không thể tiếp thu hơn. Sự truyền đạt từ người này sang người kia kết thúc, vào lúc mối hiệp thông không còn có thể hiệp nhất thêm nữa.

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”. Khi Đức Giêsu tâm sự điều này với các bạn hữu của Người, thì tình Thầy trò thân mật trước lúc chia ly rất phong phú đến nỗi không có thể nói gì hơn nữa.

Vả lại Người còn có thể mạc khải gì hơn về Người hoặc về Chúa Người chăng? Người chẳng phải là mạc khải đầy đủ về Thiên Chúa rồi đấy sao? Đây không phải một “món hàng tàng trữ” ngủ yên trong tủ sắt, hoặc được nâng niu giữ gìn trong hộp quý. Không đâu, đây là một dòng suối không hề cạn kiệt.

Thần Khí, trong khi giúp người ta hiểu biết và nhìn nhận Đức Gtêsu, sẽ khiến người ta không ngừng đói khát muốn hiểu biết hơn nữa. Thần Khí khơi dậy nơi lòng người tín hữu sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Người giúp khám phá sự hiện diện đó là gì, có hệ quả gì trong cuộc sống thường nhật cũng như trong những giờ phút trọng đại của lịch sử.

Một sự hiện diện kín đáo và mãnh liệt.

Một sự hiện diện đầy bình an và tình thương.

Và sự hiện diện này là Sự sống. “

*2. Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải, Người là ai?

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cũng như tất cả những mầu nhiệm đặc biệt kitô giáo, không tự nhiên dễ hiểu đối với những trí tuệ thích lý luận của con người. Mới đây một đứa trẻ đã nói với cha nó rằng: “Ba mà cũng còn tin những chuyện ấy à? Phản ứng của đứa trẻ này minh họa rõ ràng cái não trạng vụ khoa học mà ta đã bị thấm nhiễm, và não trạng đó có khuynh hướng chủ trương cái gì có thể kiểm nghiệm được, mới được coi là có thật.

Tuy nhiên, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm đáp ứng được những ước mơ thâm sâu nhất của nhân loại. Bí mật của thế giới chúng ta không phải là cái gì trừu tượng, hoặc một sức mạnh vô danh tăm tối, nhưng là một tình thương… , có thể nói được rằng: ” đó là nhịp đập của ba trái tim thương yêu nhau ” hoặc nói theo ngôn ngữ truyền thống hơn, nhưng cùng một thực lại lạ lùng đó, ta nói: Thiên Chúa là ba ngôi vị, nhưng Ba Ngôi là một Chúa duy nhất.

Thật vậy bạn hãy mở sách Tin Mừng bất kể trang nào, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu không khi nào đóng vai giáo sư dạy môn tôn giáo hoặc môn triết học. Người đã không hề giảng bài về Chúa Ba Ngôi. Người cũng không bao giờ nói ra từ ngữ đó. Không! Nhưng đơn giản là Người đã sống. Người đã sống như một Người Con. Người chỉ mang trong tim, chỉ nói ra nơi cửa miệng cái tên của lòng yêu thương, các tên của Đấng mà, các trẻ nhỏ Do Thái ngày nay vẫn còn dùng để gọi cha của chúng trên các đường phố Giêrusalem.

Chúng ta vừa mới nghe những lời rất đơn sơ của Tin Mừng: Mọi sự thuộc về Cha, do thánh Gioan kể lại (Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu phiên dịch cách hồn nhiên là: à Papa le Bon diêu”: thuộc về “Ba” Chúa Trời) những gì thuộc về Cha Thầy, là của Thầy. Rồi Người nói tiếp liền: ” Thần Khí sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Như vậy, cách sử sự và những lời của Đức Giêsu đưa ta vào làm quen với “Ba Ngôi” vừa hoàn toàn tách biệt, tuy nhiên, lại vừa hoàn toàn liên kết nên một. Vâng, Đức Giêsu là Đấng luôn “qui hướng về Đấng khác”.

Quả thật, trong suốt lịch sử của nhân loại đi tìm kiếm từ tôn giáo, Đức Giêsu và chỉ một mình Đức Giêsu là người đủ bạo dạn để dám nghĩ rằng: Thiên Chúa không phải là Đấng cô đơn, xoay tròn chung quanh mình, giam hãm mình trong một thứ ích kỷ thánh thiêng…, nhưng Thiên Chúa là Đấng khởi nguồn và làm nẩy sinh mối liên hệ yêu thương.

home Mục lục Lưu trữ