Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1370770
MỖI THÂN TÌNH
Người ta kể lại như sau: đang khi phi hành gia Amstrong chuẩn bị đổ bộ xuống mặt trăng, thì phi hành gia Aldrin ở lại phi thuyền Apollo. Ông ta mở gói bánh mì và chai rượu nho, đặt chúng lên máy vi tính. Và ông ta cho biết:
– Tôi đổ rượu nho vào ly… Vì tại mặt trăng, trọng lượng chỉ bằng 1/6 ở trái đất, nên rượu nho từ từ dâng lên thành ly trông rất đẹp mắt. Thật là thú vị khi nghĩ rằng chất lỏng đầu tiên được rót và uống trên mặt trăng cũng như thực phẩm đầu tiên được ăn tại đó lại là những chất liệu làm nên Mình và Máu Thánh Chúa.
Ngay trước khi dùng những món này, ông ta đã đọc đoạn Phúc âm hôm nay: Ta là cây nho, các con là cành nho. Bất cứ ai ở trong Ta và được Ta ở trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Bởi vì không có Ta, các con sẽ không làm được gì.
Câu chuyện trên không phải chỉ gợi ý cho đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, mà còn nhấn mạnh đến cách thức chúng ta hiệp nhất với Đức Kitô, giống như cành nho hiệp nhất với cây nho. Chúng ta có ba cách đặc biệt để hiệp nhất với Chúa Giêsu.
Cách thứ nhất đó là tụ họp với nhau nhân danh Ngài. Đây là điều chính Ngài đã nói với các môn đệ:
– Ở đâu có hai hay ba người tụ họp với nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ.
Đức Kitô đã hứa rằng Ngài sẽ hiện diện với chúng ta khi chúng ta tụ họp lại với nhau, hay khi chúng ta cùng cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài.
Cách thứ hai đó là hãy lắng nghe lời Ngài. Chính Ngài cũng đã nói với các môn đệ:
– Ai nghe các con là nghe Thầy.
Chúa Giêsu hứa với chúng ta rằng hễ chúng ta nghe người khác đọc và giải thích Tin Mừng là chúng ta nghe chính Ngài vậy.
Sau cùng, cách thứ ba đó là chia sẻ Thịt Máu Ngài. Sau khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều Chúa Giêsu đã giới thiệu với dân chúng một thứ của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta, đó là Mình và Máu Thánh Ngài. Hơn nữa, Ngài còn xác quyết:
– Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, người ấy sẽ ở trong Ta và Ta ở trong ngươi ấy.
Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ hiệp nhất với chúng ta nếu chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài.
Hãy cầu nguyện với nhau nhân danh Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài và hãy tham dự bàn tiệc Thánh Thể của Ngài, đó là ba cách thức giúp chúng ta kết hiệp, gắn bó mật thiết với Chúa, để rồi như ngành nho có dòng nhựa sống thế nào, thì chúng ta cũng sẽ được đón nhận dòng ân sủng của Chúa như vậy.
57. Cây nho.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Người trong một biểu tượng là cây nho và cành nho.
Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Cây nho là biểu tượng Kinh Thánh rất nổi tiếng trong dân Thiên Chúa. Biến cố dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai cập và được đưa vào ở trong Đất Hứa đã được Thánh Vịnh mô tả như sau: “Gốc nho này, Chúa bưng từ Ai cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng”.
Chúng ta cũng biết khi cây nho sum xuê, um tùm quá thì việc tỉa cành là cần thiết. Chúng ta cũng biết cành nho thì chẳng làm được gì, bởi vì nó quá mềm, chỉ còn có cách quẳng vào lửa mà thôi. Chúng ta cũng biết “Cành nào không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho”.
Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta hãy ở lại trong Chúa. Nhưng “Ở lại trong Chúa” nghĩa là gì?
Trước hết, ở lại trong Chúa là lắng nghe và tuân giữ lời của Chúa. Trên thực tế, chúng ta có thể từ chối việc lắng nghe lời Chúa, hay chúng ta có thể lắng nghe nhưng chẳng thực hành lời Chúa dạy. Chúng ta cũng có thể đón nhận Đức Giêsu như là Chúa rồi lại chối bỏ Người khi chúng ta gặp phải những cơn thử thách, những chước cám dỗ.
Thứ hai, ở lại trong Chúa là nhận biết Chúa Kitô chính là cây nho thật, không có Người, chúng ta không thể làm một điều gì có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Thứ ba, ở lại trong Chúa là sống trong Giáo Hội của Chúa vì đó là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Thứ bốn, ở lại trong Chúa là nhìn thấy Chúa hiện diện trong tất cả mọi người và mọi biến cố, ngay cả trong các kẻ thù của chúng ta và trong những điều mà chúng ta không thích.
Thứ năm, ở lại trong Chúa là tích cực lãnh nhận các bí tích và sống đời sống cầu nguyện.
Cuối cùng, ở lại trong Chúa là xác tín có một nhu cầu cần cắt tỉa những cơ cấu, những phương pháp, những lối tiếp cận và những điều khác nữa khi chúng ta trở nên già cỗi, lỗi thời để mở ra một con đường cho những điều mới, và việc đổi mới cứ phải diễn ra mãi dựa trên nền tảng là chính Chúa Kitô là cây nho thật.
Lạy Chúa, khi con bị thử thách cám dỗ xin Chúa giữ chặt con, đừng để con xa lìa Chúa bao giờ.
58. Cây nho
Ở nước Do Thái, cây nho là một loại cây rất quen thuộc như cây lúa, cây bắp ở Việt Nam. Nghề trồng nho là một trong những nghề chính và là một trong những nông phẩm chính của miền Palestine, là nơi có khí hậu và đất đai rất thích hợp với cây nho. Vì thế, đối với dân Do Thái, vườn nho và cây nho là hình ảnh rất lâu đời, được dùng để tượng trưng cho dân tộc, một dân riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để áp dụng vào Ngài và chúng ta: Ngài là cây nho, chúng ta là cành.
Một cây nho thì gồm rễ, thân, cành và lá. Một cây nho có đẹp là nhờ có hoa lá cành, nếu chỉ có thân không thôi thì xác xơ, trơ trụi. Dù sao thì mọi phần trong một cây nho đều cần nhau: cây cần phải có cành, nếu không có cành làm sao mang được hoa trái, và hoa trái cũng cần lá cành để che nắng, che sương và dự trữ nước. Nhưng có một điều chắc chắn là cành phải hoàn toàn cần tới thân, nếu cành cắt lìa thân nho thì cành sẽ khô héo và chết.
Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người cần phải liên kết với Chúa Giêsu thì mới sống và sống mạnh. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, chúng ta cần hiệp nhất với Chúa, như Chúa đã nói: “Không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Thực vậy, chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong, sống nhờ và sống với Chúa Giêsu. Yếu tính của con người là luôn vươn lên, tìm về tuyệt đối. Con người có nhiều bậc thang giá trị sống: khi bụng đói, họ chỉ nghĩ tới ăn trước tiên. Khi no bụng, dư dả để giải quyết vấn đề bao tử rồi, họ lại thấy cần cái khác là may mặc. Dư dả về ăn uống và may mặc rồi, họ bắt đầu thấy thiếu những nhu cầu tri thức, nghệ thuật, và tiến đến nhu cầu tâm linh. Con người bấy giờ thấy rằng không thể hài lòng với cuộc sống hiện tại, không thể chấp nhận bị tiêu tan vô lý theo với cái chết kết thúc cuộc đời, họ muốn vượt khỏi những giới hạn của trần gian, muốn tung vũ trụ này để “du hành” vào một cõi thần thiêng. Thế nhưng con người không thể tự giải phóng mình, phải nhờ Thiên Chúa, nhờ một nhân vật ở cõi thần thiêng. Thì chính Chúa Giêsu là mầm giống siêu nhiên được Chúa Cha cấy vào sự sống tự nhiên của con người, để họ có khả năng phát triển và trưởng thành vào cuộc sống thần thiêng.
Nói rõ hơn, chúng ta phải kết hợp với Chúa Giêsu, là huyết mạch duy nhất để chúng ta thực hiện và hoàn thành ước mơ được vào cuộc sống thần thiêng, phạm vi cứu rỗi, điều này phải hiểu một cách tuyệt đối. Chúng ta lấy vài thí dụ: có bao giờ chúng ta thấy một bóng đèn điện bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không? Một nhánh sông cắt đứt với con sông cả mà còn nước không? Một nhành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng khô héo, bề ngoài có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể, nhưng chúng ta đang đi đến chỗ hư hỏng. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa cách nào? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bí tích quan trọng và hiệu năng nhất để chúng ta thường xuyên duy trì mối tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là về phía Chúa và chúng ta, tức là giữa thân cây nho và cành nho, còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, nâng đỡ nhau, kết hiệp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, bất cứ cái gì và phạm vi nào cũng cần cộng tác, hòa hợp với nhau: một viên thuốc cũng là do phân lượng các chất hợp lại thứ nhiều thứ ít; một bức tranh có đẹp cũng là do các mầu sắc khác nhau dung hòa nhau; một bản nhạc hay cũng là do các nốt gom lại trầm bổng khác nhau mà thành. Vậy thì trên đường về nước trời, chúng ta thật sự phải cộng tác với nhau, giúp đỡ nhau, lá lành đùm bọc lá rách bằng đời sống cầu nguyện, đời sống bí tích, đời sống bác ái.
Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống ấy sẽ cằn cỗi khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống chuyển sang cho những cành khác. Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình cũng được ví như thế, được sánh ví như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông sự sống của Chúa cho anh em bà con của mình, để tất cả cùng sống tốt đẹp. Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong một cây nho, các cành khác chết khô, úa tàn, còn lại một cành xanh tươi, thì hỏi cành đó có gì đẹp không? Hay nói khác đi, đời sống mà chỉ một mình ta sung sướng, còn anh em mình khổ, bất hạnh, thì hạnh phúc của mình có thực là hạnh phúc không?
Tóm lại, chúng ta là các cành nho, chúng ta cần phải liên hệ, liên kết mật thiết với thân cây nho là Chúa Giêsu để nhận được nhựa sống. Liên hệ và liên kết với Chúa bằng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đồng thời chúng ta cũng phải liên hệ và liên kết với nhau. Rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với anh em. Vì không để ý “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, nên chúng ta đã sống “mình vì mình và mọi người vì mình”, như thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh xem, thật đáng buồn: người ích kỷ nhiều hơn người vị tha. Ai cũng thấy “cái tôi” của mình là lớn hơn cả và coi người khác không ra gì. Chính vì chỗ chung ta coi người khác không ra gì mà chúng ta nghĩ rằng mình sống không cần tới người nào khác, nhưng trên thực tế, trong bất cứ lãnh vực nào chúng ta cũng cần đến nhau. Cho nên, dù chúng ta là ai, chúng ta vẫn cần có nhau, giúp đỡ nhau.
59. Kitô hữu công chức.
Qua phần chia sẻ sáng hôm nay, tôi xin trình bày hai hình ảnh sai lạc về người tín hữu.
Hình ảnh thứ nhất đó là hạng người tín hữu vay mượn, giả nhân giả nghĩa, tựa như quạ mượn lông công, cáo mượn oai hùm.
Thực vậy rảo bước trên đường phố, chúng ta có thể đọc được những tấm bảng quảng cáo, tại đây có cho mướn áo quần, cho mướn xe hơi và nhiều thứ phụ tùng lỉnh kỉnh khác. Những ai không có khả năng tài chánh có thể đến đây thuê mướn.
Chẳng hạn như cô dâu vào ngày cưới, muốn cho mình được mô đen nên phải vận soirée, nhưng may một cái jupe kiểu này vừa tốn kém, lại vừa chẳng sẵn tiền. Hơn nữa, cả đời không biết mặc được mấy lần. Vì thế để cho tiện lợi mọi bề, bèn đến tiệm thuê luôn một cái. Hay như khi chưa có đủ tiền sắm xe hơi, chúng ta cũng có thể đến thuê trong một thời gian nào đó cần phải sử dụng. Chúng ta có thể xuất hiện trong những bộ quần áo sang trọng, ngồi trên một chiếc xe đắt tiền, đầy đủ tiện nghi, có tài xế đưa đón như một ông chủ. Thế nhưng đó chỉ là một sự xuất hiện chóng qua với một chút hư danh. Người ngoài nhìn vào tuy cũng biết đó là những đồ đi mượn, đi thuê, nhưng họ vẫn sẵn sàng cất lời khen ngợi. Còn chúng ta, mặc dù biết rằng đó chỉ là những lời khen ngợi xã giao và bôi bác, nhưng lắm lúc chúng ta vẫn thích, vẫn tự hào và hanh diện.
Trên phương diện đức tin, cũng có những người Kitô hữu giả danh. Họ mượn danh nghĩa là Kitô hữu, để đi lễ, đọc kinh mà che dấu những ý đồ đen tối, như tục ngữ đã diễn tả:
– Miệng nam mô bụng bồ dao găm.
– Bên ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không gươm…
Đây là một kiểu đạo đức giả hình mà Chúa Giêsu đã từng lên án. Trái lại Ngài muốn chúng ta thật lòng quay trở về với Ngài, với Tin mừng để lãnh nhận ơn tha thứ và cứu độ.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh người Kitô hữu công chức.
Báo chí đã nhiều lần đăng tải những vụ bê bối của các vị tai to mặt lớn, chẳng hạn như tổng thống, bộ trưởng, nghị sĩ hay dân biểu. Có người thì kết án gay gắt vì cho rằng thiếu tác phong đạo đức và đòi buộc phải từ chức. Nhưng cũng có người lại tỏ ra thông cảm, bởi vì ngoài giờ làm việc, những nhân vật này, dù có tai to mặt lớn đến đâu, thì cũng chỉ là một người và có quyền làm những việc riêng theo ý muốn, miễn sao không phương hại tới quyền lợi quốc gia.
Từ sự kiện trên, chúng ta hãy đi vào đời sống đạo đức. Liệu chúng ta có được phép là những Kitô hữu công chức hay không? Liệu chúng ta có được phép chia đời sống thành những ô nhỏ, mỗi ô là một việc chẳng hạn: ô làm việc, ô ăn uống, ô ngủ nghỉ, ô du hí và đức tin cũng như đạo đức chỉ là một ô nhỏ mà thôi?
Chắc chắn là không, bơi vì chúng ta phải là Kitô hữu ở mọi nơi và trong mọi lúc, như lời thánh Phaolô: “Dù làm bất cứ việc gì, anh hãy làm vì Đức Kitô cho danh Chúa được cả sáng”.
Vì vậy không được phép có loại người tín hữu vay mượn, loại người tín hữu công chức, bởi vì hễ giây phút nào chúng ta xa lìa Chúa thì chúng ta sẽ bị tàn úa: Thầy là cây nho, các con là ngành… ngành nào lìa cây sẽ khô héo dần. Trái lại, ngành nào kết hiệp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái.
Điều đó nghĩa là có kết hợp cùng Chúa thì bản thân chúng ta mới an bình hạnh phúc và cuộc đời chúng ta mới đem lại thành quả tốt đẹp.
60. Sống liên đới.
Trước Công đồng Vatican II, nói đến tổ chức cơ cấu của Hội thánh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một kim tự tháp: ở chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng, dưới là các Hồng Y, Giám mục, Linh mục, phó tế, tu sĩ, và cái đáy dưới cùng là giáo dân. Hình ảnh này đưa đến một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cấp trên.
Nhưng từ Công đồng Vatican II, hình ảnh trên đã được thay thế bằng hình ảnh có một tâm điểm là Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn đồng tâm: một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục có Đức Giáo Hoàng đứng đầu, và các cộng sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ; và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh này cho thấy mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Đức Giêsu.
Một hình ảnh khác sâu sắc hơn, thánh Phaolô đã nói tới và nay được chú ý, đó là hình ảnh một thân thể, có Đức Giêsu là đầu, mọi người Kitô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ… đều là các chi thể của thân thể. Mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, không ai thay thế được. Hình ảnh này diễn tả rõ hơn và đúng hơn mối hiệp thông giữa các thành phần với nhau và với Đức Giêsu; và cũng cho thấy rằng tất cả đều cùng có trách nhiệm thi hành sứ vụ mà Đức Giêsu trao phó để xây dựng sự hiệp thông trong Hội thánh.
Nhưng tất cả những điều trên đây đã được chính Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là hình ảnh cây nho. Đối với dân Do thái, vườn nho và cây nho là một hình ảnh rất lâu đời, rất quen thuộc, được dùng để tượng trưng cho dân tộc, một dân riêng được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc đặc biệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc này để áp dụng vào Ngài và chúng ta: Ngài là cây nho, chúng ta là cành. Sự liên kết và hỗ tương giữa thân cây với cành, và giữa các cành với nhau, đó là hình ảnh sự liên kết và hỗ tương giữa Chúa Giêsu với chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.
Một điều hiển nhiên và rõ ràng là cành cây phải hoàn toàn cần tới thân cây mới sống được. Nếu cắt lìa thân nho, thì cành sẽ khô héo và chết. Đó là hình ảnh cho chúng ta biết: mỗi người chúng ta cần phải liên kết với Chúa Giêsu, thì chúng ta mới sống và sống mạnh được. Chúng ta cần tới Chúa để đạt ơn cứu rỗi, nghĩa là chúng ta không thể thành toàn, tự giải thoát, thần hóa con người của mình, nếu không sống trong Chúa, nhờ Chúa và với Chúa. Điều này phải hiểu một cách tuyệt đối. Cũng giống như bóng đèn điện: có bao giờ một bóng đèn bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không? Hay một nhánh sông cắt đứt với con sông cả mà còn nước không? Hay một cành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Có lẽ nó có thể sống một vài ngày tạm bợ rồi sẽ chết khô.
Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ chết khô. Bên ngoài chúng ta có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể… nhưng trước mặt Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa Giêsu cách nào? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, bí tích quan trọng và hiệu năng nhất, để chúng ta thường xuyên duy trì mối tương quan huyết mạch với Chúa Giêsu.
Đó là về phía giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa thân nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hiệp với nhau trên con đường cứu rỗi. Ở đời này, không ai chủ trương “mỗi người là một hòn đảo” mà sống tốt được. Cũng như một thân cây nho chuyển thông sức sống, nhựa sống cho các cành, thì Chúa Giêsu cũng làm như thế. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống thì sẽ cằn cỗi, khô héo và rụng gẫy đi. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác.
Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình, cũng được ví như thế, được so sánh như một cây nho. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông cho nhau để tất cả chúng ta cùng sống và sống tốt đẹp. Thế mà trong cuộc sống rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với anh em. Vì không để ý “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, nên chúng ta đã sống” mình vì mình và mọi người vì mình”. Như thế là ích kỷ. Chúng ta cứ thử nhìn chung quanh chúng ta xem, thật đáng buồn: người ích kỷ nhiều hơn người vị tha. Ai cũng thấy “cái tôi” của mình là lớn hơn cả và coi người khác không ra gì. Là con cái Chúa, chúng ta không được sống như thế. Chúng ta cần có nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy thông cảm nhau. Đó chính là đạo bác ái của chúng ta vậy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam