Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 22

Tổng truy cập: 1376019

MÓN VẬT CAO QUÍ TRƯỚC THIÊN CHÚA

MÓN VẬT CAO QUÍ TRƯỚC THIÊN CHÚA

Có một chuyện cổ tích thời Trung cổ. Câu chuyện này kể lại một người đã về bên kia thế giới. Cuộc đời trên thế gian của cô thì thật là tầm thường. Khi đến cửa thiên đàng, cô được cho biết là nếu muốn vào thiên đàng thì phải trở về thế gian và tìm cho được món vật gì mà giá trị nhiều nhất trước mặt Chúa. Cô đã trở về thế gian để tìm kiếm.

Một ngày nọ, cô gặp một người bị tđạo vì danh Chúa Kitô. Cô nghĩ: “Máu tđạo chắc là món quà mà Thiên Chúa đánh giá cao trọng nhất.” Thế rồi, cô liền lấy một giọt máu tđạo và đem về thiên đàng. Khi dâng lên, cô được biết là món vật đó chưa phải là cao trọng nhất. Cô lại trở về thế gian và tìm kiếm.

Rồi một ngày nọ, cô gặp một nhà truyền giáo đang rao giảng Lời Chúa giữa những người nghèo khổ. Cô nghĩ rằng, “Đây rồi, ta tìm được món vật quí nhất rồi, đó là giọt mồ hôi của người rao giảng Tin Mừng.” Khi đem về thiên đàng, cô lại được cho biết là món vật ấy chưa phải là quí nhất trước mặt Chúa. Cứ như vậy nhiều lần, cô đã tìm đủ mọi vật để đem về thiên đàng, nhưng vẫn không được gọi là vật quí giá nhất trước mặt Chúa.

Bất chợt, cô thấy một người đàn ông cưỡi ngựa đến cạnh hồ nước của thành phố. Ông xuống ngựa và định tâm uống nước. Khi người đàn ông nhìn thấy đứa bé đang chơi gần đấy, ông chợt nhớ lại tuổi thơ ấu của ông. Khi ông cúi xuống nước thì bỗng ông nhìn thấy dung nhan phản chiếu của ông trên mặt nước. Đó là một khuôn mắt xấu xí và dày dạn. Nhìn chòng chọc vào khuôn mặt của mình, ông nhận ra rằng ông đã uổng phí cuộc đời mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Bất chợt, những giọt lệ bắt đầu lăn xuống trên má ông. Cô đã vội hứng lấh một giọt nước mắt thống hối đó và đem về thiên đàng. Khi cô dâng hạt nước mắt ấy lên thì cả thiên đàng vui mừng hớn hở. Thì ra món quà mà Thiên Chúa đánh giá trị cao nhất là giọt nước mắt thống hối của tội nhân.

Câu chuyện cổ tích trên rất phù hợp với bài Phúc Âm hôm nay. Bài Phúc âm cho chúng ta biết lời cầu nguyện được Chúa coi là cao trọng nhất, là lời cầu nguyện của một kẻ tội lỗi thống hối. Chúa Giêsu đã phán: “Cả thiên đàng sẽ vui mừng khi một tội nhân trở lại còn hơn là chín mươi chín người công chính không cần trở lại.” (Lc 15,7)

Lòng thống hối thường được hiểu là ăn năn vì đã trót phạm tội. Thật ra lòng thống hối còn phải hiểu rộng rãi hơn nữa. Đó là chúng ta dốc lòng muốn cải sửa những gì đã làm sai.

Cách đây nhiều năm, nhóm “Broadway” đã trình diễn một vở kịch nói về một người con trai mới lớn đã bỏ học, bỏ gia đình và trở thành con mồi ngon cho ma túy. Những thứ đó đã đưa câu đến chán chường. Cậu đã nhìn trời và thầm thĩ rằng: “Tôi ước ao cuộc đời nầy như là một cuốn vở để tôi có thể xé bỏ đi những trang nào mà tôi đã lầm lỗi.”

Tạ ơn Chúa Giêsu, chúng ta có thể xé đi bất cứ phần nào mà chúng ta đã làm sai và liệng đi. Chúa Giêsu nhân từ đã lập nên Bí tích Xá giải. Qua Bí tích này, chúng ta có thể bỏ đi những gì là xấu xa và làm lại từ đầu.

Đó là sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Tin vui đó là chúng ta biết được món quà cao quí nhất trước mặt Chúa là những giọt lệ thống hối.

 

42. Người thu thuế ra về được khỏi tội

(Suy niệm của Br. JB. Đức Hiền)

Bài Phúc âm hôm nay, Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế, để dạy chúng ta là những người tin theo Chúa, chúng ta cần phải có thái độ và tâm tình nào khi cầu nguyện.

Có phải từ chỗ tự cao, tự mãn của tính kiêu ngạo như của người biệt phái khi ông ra trước mặt Chúa, không nói một lời cầu xin, trái lại ông còn coi Chúa như người mắc nợ để nghe ông say sưa kể công về những thành tích đạo đức của ý riêng; mà ông đã làm trong quá khứ, hoặc tuân giữ một vài điều luật để khỏi lỗi luật bên ngoài, rồi đem mình ra so sánh với những người khác và tự cho mình là công chính mà khinh bỉ kẻ khác? Hoặc từ chỗ thẳm sâu (Tv 130:1) của một tâm hồn tan nát khiêm cung (Tv 50:19) của người thu thuế: ông không dám đến gần Chúa, không dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực mình để bày tỏ lòng ăn năn thống hối mà nâng lòng mình lên chúng Thiên Chúa ở trên trời cùng với lời cầu nguyện chân thành vắn tắt như một kẻ ăn xin, khẩn nài lòng thương xót Chúa tha thứ cho mình là kẻ tội lỗi?

Chính sự kiêu hãnh, tự tán dương và nhìn về mình một cách tự mãn qua việc bày tỏ vẻ công chính trước mặt người đời của người biệt phái khi cầu nguyện, để rồi khinh thị kẻ khác mà không cần đến lòng thương xót của Chúa...một cách nào đó ông đã phỉnh gạt chính mình và ăn cướp vinh quang của Thiên Chúa (Mk 2:9) vì ông có gì mà lại đã không chịu lấy từ nơi Thiên Chúa? Mà nếu đã chịu lấy, sao lại vinh vang không chịu lấy? (1Cr 4:7). Chính lòng kiêu ngạo này đã khiến cho Thiên Chúa nhờn tởm (Lc 16:15) bởi Ngài biết rõ lòng con người suy tính (Gr 17:9-10) và người ta ai cũng ghét (Hc 10:7). Do đó Chúa chống lại người kiêu ngạo (Gc 4:6) và khiến ông không được công chính hóa.

Còn người thu thuế với lòng khiêm nhượng thống hối nhìn nhận những yếu đuối của mình, không xấu hổ khi nghe người khác tố cáo tội trạng mình (Hc 4:26; Tv32:5) để rồi tín thc cho tình thương nhân hậu của Chúa và kết quả ông đã đạt được sự tha thứ của Thiên Chúa (Cn 28:13), khiến ông được công chính hóa và ra về được khỏi tội. Bởi thú tội ra thì còn đâu trách móc nữa (Hc 20:3). Thật vậy, lòng khiêm nhường quả là nền tảng của việc cầu nguyện và còn là tâm trạng để nhận được hồng ân của việc cầu nguyện (Gc 4:6).

Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy những người Kitô hữu chúng ta không những phải sống trung thành trong việc tuân giữ lề luật tôn giáo, mà còn phải ý thức về sự yếu đuối khốn cùng của mình và biết phó thác tin cậy vào lòng nhân hậu của Chúa nữa. Ngoài ra, chúng ta không nên có thái độ tự kiêu lầm tưởng như người biệt phái nghĩ; bởi vì sự công chính của chúng ta không nguyên chỉ cần liên hệ với Thiên Chúa mà thôi, nhưng sự công chính của chúng ta còn có liên đới với những người xung quanh nữa. Do đó chúng ta cần phải có tinh thần trách nhiêm xây dựng, tiếp nhận nâng đỡ nhau trong cuộc sống (Rm 14:1; 15:7; Cl 3:13) không nên tỏ thái độ khước từ và khinh bỉ những người hèn kém xấu số sống chung quanh mình, vì Thánh Phaolô nói: “Chúng ta phải vác gánh nặng của nhau, và như thế chúng ta sẽ làm trọn luật của Đức Kitô. Vì nếu ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực là không, thì chỉ lừa gạt chính mình đó thôi. Vậy ai nấy hãy hạch sách lấy mình, và bấy giờ sẽ có lý mà vinh vang, mình đọ với mình, chứ không đọ với ai khác; vì mỗi người phải mang gánh nặng riêng mình” (Gl 6:3-5)

 

43. Cầu nguyện: chiếc cầu hiệp thông

(Suy niệm của Lm. Bùi Quang Tuấn)

Dụ ngôn "Người Biệt Phái và Người Thu Thuế" Chúa Giêsu đưa ra cho thấy sự tương phản giữa 2 thái độ của con người đứng trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa.

Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đạo đức bác ái hơn hẳn người ta. Riêng anh thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát khinh chê, vì là hạng "cõng rắn cắn gà nhà," tước đoạt tài sản "nhân dân," làm lợi cho ngoại bang. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào đền thờ và cùng làm một công việc: cầu nguyện. Nhưng tại đây sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét, khi tâm tình và thái độ sâu kín được bộc bạch trước Nhan Giavê.

Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng và cầu nguyện: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không giống các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi." Khách quan thì người này không bịa chuyện. Ông chỉ nói điều ông làm. Và những gì ông làm thì không chê trách vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi. Thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy. Thường thì người ta chỉ phải ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông thi hành chuyện đó mỗi tuần hai lần. Luật buộc các nông dân phải nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân trên tất cả mọi thứ hàng hoá mua về.

Hành động của ông thật đáng tuyên dương nhưng thái độ của ông đã làm mất toi công phúc. Tạ ơn Chúa là điều cần thiết, nhưng kể lể công đức như ngầm bảo Chúa đang mắc nợ với tôi là điều chẳng đúng tí nào. Tệ hại hơn là khi ông dùng công nghiệp hay lòng đạo của mình để đè bẹp tâm hồn kẻ khác.

Đáng lẽ cầu nguyện là để gia tăng sự gắn bó giữa mình với Giavê, thì đây, người biệt phái lại làm lung lay nhịp cầu tiến đến với Ngài.

Không những đã không làm chắc thêm nhịp cầu đến với Thiên Chúa, người biệt phái còn làm tan tành nhịp cầu đến với tha nhân. Anh hăng hái lên án phường tham lam, bất chính, ngoại tình, thu thuế. Anh nhất quyết không thoả hiệp với tội lỗi, điều này rất đáng khâm phục. Nhưng anh thiếu cảm thương những người có tội và điều này đã làm cho anh khác xa Thiên Chúa.

Vì không làm vững nhịp cầu đến với Chúa và tha nhân mà lời cầu nguyện của người biệt phái đã rơi vào giòng sông hư không. Anh ra về chẳng nên công chính, cũng chẳng được sạch tội.

Trong khi đó, người thu thuế đi cầu nguyện nhưng lại "không dám ngước mặt lên trời," anh "đứng xa xa," đâu đó phía cuối đền thờ, lại còn "đấm ngực" và nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội." Anh nhìn rõ chính mình trong tình thương của Thiên Chúa. Trước tấm gương của tình thương, anh thấy mình là kẻ tội lỗi. Có lẽ anh đã bao lần cố gắng vươn lên nhưng vẫn cứ bị ngã xuống đau thương. Thế nên lời cầu nguyện của anh chất chứa tâm tình thống hối, khiêm nhu, khẩn thiết, cậy trông, chân thành: "Lạy Chúa, xin thương tôi…." Không dám ngước mắt lên trời nhưng lại thấy được tình Chúa bao la vẫn còn hơn đứng thẳng ngước cao mà chẳng khám phá sự yêu thương đâu cả.

Nhìn vào tha nhân để tự mãn là thất sách. Nhưng nhìn vào Chúa để khẩn nài và bước theo là lối đường tôi được mời gọi đi tới. Bao người thu thuế đã nhìn vào Đức Kitô, gặp gỡ được tình thương, sau đó "ra về và được nên công chính," như Mathêu và Giakêu. Họ đã làm chắc nhịp cầu với Thiên Chúa khi bước theo Đức Kitô và nối kết nhịp cầu với tha nhân khi "xin bố thí cho kẻ khó nửa phần của cải, và đền bù gấp bốn cho kẻ bị thiệt oan" (Lc 19:8).

Cầu nguyện để tiến sâu hơn vào tình thương và mối hiệp thông với Thiên Chúa và con người chính là bài học mà Đức Kitô muốn trao ban cho nhân loại hôm nay.

 

44. Biệt phái và thu thuế

Qua đoạn Tin mừng vừa nghe, chúng ta cùng nhau dừng lại ở hình ảnh người Biệt phái và kẻ thu thuế.

Cứ bề ngoài người Biệt phái đầy vẻ đạo đức và công chính, đồng thời được mọi người kính nể, vì ông là người cầm cân nảy mực mọi nghi lễ và lề luật. Hằng ngày ông cặm cụi vào từng chi tiết của lề luật. Ông tuân giữ ngày Sabbat, rửa tay chân trước khi ăn uống. Ông đeo thẻ kinh, đứng cầu nguyện và ăn chay nghiệm ngặt. Ông đóng mọi thứ thuế… Đời sống của ông được dệt bằng trăm ngàn khoản luật, và ông cho đó là phương tiện để nên thánh.

Thế nhưng trước mắt Chúa, ông chỉ là một con số không mà thôi. Tại sao thế?

Lý do thứ nhất vì ông cho mình là kẻ vô tội và thánh thiện. Còn những kẻ khác chỉ là những kẻ xấu xa tội lỗi đáng sa hỏa ngục. Từ niềm xác tín ấy, ông trở thành người kiêu ngạo, cố chấp và cứng lòng.

Lý do thứ hai vì ông không hề cầu nguyện. Nếu có thì cũng chỉ là khoe khoang và cầu danh mà thôi. Bên ngoài ông tỏ ra cám ơn Chúa, nhưng cái lõi bên trong nhằm mục đích chứng tỏ ông xứng đáng là một người biệt phái có khả năng, có đạo đức.

Nếu ông thực sự cầu nguyện thì tại sao ông không tạ ơn về những điều đã có, đã làm và đã thất bại. Ông không thể cầu xin vì ông tự mãn, cho mình đầy đủ quá rồi. Cách cầu nguyện của ông chỉ là một hình thức đóng kịch, lấy vải thưa mà che mắt thánh. Đáng lý ra cầu nguyện phải là hơi thở của linh hồn, thì linh hồn của ông đã chết từ lâu.

Và như thế chúng ta thấy cầu nguyện chính là thước đo sự sống. Không cầu nguyện, linh hồn trở nên yếu đuối và có thể chết đi, nghĩa là sa vào vòng tội lỗi. Cầu nguyện không phải chỉ là kể lể, van xin nhưng còn là ca ngợi, ăn năn và sống theo ý Chúa. Cầu nguyện không phải là độc thoại giữa ta và Chúa nhưng là đối thoại giữa Chúa và ta. Cầu nguyện như thế thì hậu quả gấp trăm lần hoạt động vì chúng ta kéo Chúa về phe mình, để Chúa giải quyết những khó khăn và hành động qua đời sống chúng ta.

Rất nhiều người đã cầu nguyện nhưng lòng không đi theo hay tệ hơn nữa còn đi ngược chiều. Có khi chúng ta cầu nguyện chỉ để đánh lạc hướng một dư luận, để ru ngủ mình trong chốc lát, để chửi xéo hay tâng bốc người khác, để khoe khoang công đức của mình. Xét cho cùng, lối cầu nguyện không quan trọng cho bằng đối tượng cầu nguyện. Chúng ta nói chuyện với ai trong khi cầu nguyện, đó mới là vấn đề. Có thể chúng ta đã nói với chính mình hay với một tạo vật nào khác trong lúc cầu nguyện và như vậy lời cầu nguyện của chúng ta chẳng ích lợi gì,

Trái lại, cầu nguyện phải là nói chuyện với Thiên Chúa Đấng ngập tràn quyền năng và yêu thương. Và chúng ta có thể tìm thấy mẫu gương của sự cầu nguyện qua hình ảnh người thu thuế.

Trước mặt mọi người ông chỉ là một kẻ tội lỗi, liên hệ với ngoại bang để bóc lột đồng bào. Chính vì nhận biết thân phận tội lỗi của mình mà ông chỉ dám đứng ở đằng xa, gục đầu xuống và đấm ngực ăn năn.

Với tâm tình khiêm nhu ông đã kêu cầu Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi. Ông ý thức tội lỗi ông nặng nề mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thứ tha. Ông tin vào uy quyền của Thiên Chúa khả dĩ làm ông đổi mới. Ông là người đáng khen hơn đáng khinh. Chính vì thế mà ông đã được tha thứ và lời van xin của ông được Thiên Chúa chấp nhận.

Biết cầu nguyện là biết sống và lời cầu nguyện đích thực có thể biến đổi được cả tâm hồn.

 

45. Chúa Nhật 30 TN

(Suy niệm của Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân)

Có thể nói một trong những hoạt động chính của người có niềm tin là cầu nguyện. Cầu nguyện là hình thức giúp người tín hữu gắn kết với Đấng mình đang tôn thờ. Cho nên, không riêng gì những tôn giáo khác, người Công giáo chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện với Chúa một cách kiên trì và liên lỉ, như Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên C nói tới. Hơn nữa, với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện một cách chân thành khiêm tốn. Đó là cách thức cầu nguyện đẹp lòng Chúa bởi vì những ai chân thành nhận ra mình mỏng dòn tội lỗi trước mặt Chúa, mong được Chúa đoái thương, thì Chúa là Đấng Nhân Từ không ngoảnh mặt làm ngơ trước tâm hồn như thế.

Trong bài đọc I, sách Huấn Ca nói rằng “ lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây, … và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn.” (Hc 35,21). Thiên Chúa không nhìn đến vinh quang trần thế của con người nhưng Ngài nhìn đến nỗi nhục nhằn của người nghèo khó, kẻ bị áp bức, kẻ khốn cùng. Lời cầu nguyện của họ được Chúa nhận lời bởi họ biết nhìn lên Chúa là Đấng hay thương xót. Họ biết dâng chính con người của họ cũng những gì họ có để tôn thờ Thiên Chúa là Chúa của mình. Vì thế, những ai khoe khoang về thành quả của mình, vinh quang mà mình đang hưởng thì không được Chúa ghé mắt nhìn xem, họ đã được trả công rồi.

Với bài đọc II, thánh Phaolô đã tin tưởng Thiên Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ ban cho ngài phần thưởng Nước Trời. Bởi lẽ, thánh nhân đã hoàn toàn dùng chính cuộc đời của mình để rao giảng về Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường đến cứu chuộc nhân loại trong thân phận người phàm, ngoại trừ tội lỗi. Thánh nhân đã khiêm nhường nhận ra mình chỉ là rơm rác vậy mà được Chúa mời gọi làm việc lớn lao là loan báo Tin Mừng cứu độ - khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng. Và ngài đã khẳng định rằng mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Giêsu, Đấng cứu độ. Nếu không phải có lòng khiêm nhường thì Phaolô cũng vẫn còn ở trong tình trạng Pharisêu tự cao tự đại về sự công chính của mình. Quả thật, với ơn Chúa, thánh Phaolô đã để Thiên Chúa chiếm trọn con tim; với lòng khiêm nhường, thánh nhân trở nên khí cụ mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Con đường khiêm nhường được khẳng định một cách chắc chắn trong Tin Mừng hôm nay. Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng một người được Chúa nhận lời còn người kia thì không. Người biệt phái vào đền thờ với thái độ tự mãn vì ông tự cho mình công chính hơn người khác: đạo đức hơn, thánh thiện hơn, giữ luật Chúa tốt hơn, không phạm tội gì. Vì thế, ông chỉ muốn khoe với Chúa nhiều hơn là tạ ơn Ngài về những gì mình đã làm. Cho nên, tâm tình tạ ơn của ông không được Thiên Chúa chấp nhận. Người thu thuế vào đền thờ với thái độ mong được thứ tha, được đón nhận. Ông không dám ngước lên vì mình quá tội lỗi. Ông không dám ngước lên vì mình quá bất xứng. Ông không dám ngước lên trước những lời khinh chê của thế gian. Ông chẳng biết thưa gì với Chúa cho phù hợp, chỉ biết đấm ngực xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của mình. Chắc ông cũng không ngờ rằng tâm tình thống hối của ông lại được Thiên Chúa tỏ lòng khoan dung. Tuy tác giả Tin Mừng không nói tới khi ông về thì lòng ông như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể tưởng nghĩ rằng hẳn ông sẽ thấy tâm hồn mình tràn ngập niềm vui. Quả thật, một người tự mãn khi nâng mình lên để rồi quên rằng mình chỉ là thụ tạo của Chúa, thì họ đã tự đánh mất lòng thương xót của Chúa. Còn người khiêm nhường nhận ra mình chỉ là thụ tạo, xác đất vật hèn, chỉ biết tựa nương vào lòng thương xót của Chúa, thì họ lại được Chúa dủ lòng thương mà tha thứ mọi lỗi lầm.

Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng vào tận đáy lòng chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại nơi chính bản thân mình trong đời sống đạo. Có thể, đôi khi, chúng ta là người biệt phái vì mình đọc kinh sớm hôm đầy đủ, tham dự thánh lễ không bỏ bữa nào, giữ chay vào ngày thứ sáu hằng tuần, nhưng chúng ta lại khoe khoang so đo với người khác, lắm lúc còn khinh chê họ. Tệ hơn nữa, đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ chỉ vì để người ta biết mình là người đạo đức thánh thiện chứ không phải thờ phượng Chúa thực sự. Khi đến nhà thờ chúng ta hiện diện bằng thân xác nhưng lòng trí thì bận lo toan công những việc khác. Và như thế, Thiên Chúa trở thành Đấng để trang trí cho đời sống chúng ta đối với mọi người. Tâm tình sống đạo như thế quả là giả hình, giả hình đến mức không còn nhận ra mình là gì trước mặt Chúa. Để rồi từ đó, chúng ta lại vênh vang cho người này khô đạo, người kia tội lỗi. Với tâm tình như thế, cho dù ta có đọc kinh nhiều đi nữa, một ngày hai ba thánh lễ, công đức đầy dẫy cũng chẳng là gì đối với Chúa. Nếu không kịp thức tỉnh ắt chúng ta khó lòng đón nhận tình thương của Chúa.

Vậy chúng ta thức tỉnh bằng cách nào? Thưa, chúng ta thức tỉnh bằng cách mặc lấy tâm tình của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Với thân phận yếu hèn, chúng ta dễ vấp phạm. Với bản tính yếu đuối, chúng ta dễ sa ngã. Vì thế, tâm tình đến với Chúa là khiêm nhường nhận ra những lỗi lầm thiếu sót của thân phận con người; đến với Chúa bằng sự thống hối chân thành cần đến ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa bằng lời cầu nguyện đượm lòng tin tưởng Chúa là Cha và là Đấng khoan dung. Chúng ta hiệp dâng thánh lễ với ước mong được kết hợp một cách sâu xa với Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Nhất là chúng ta luôn biết cảm tạ vì mình chỉ là không không trước mặt Chúa, nhưng lại được Chúa dựng nên để hưởng hạnh phúc với Người.

Hơn nữa, trong đời sống đức tin, chúng ta đừng nhìn sang người khác mà so sánh, hãy nhìn lên Chúa để xem mình đã xứng đáng với ơn Chúa tuôn đổ xuống trên ta mỗi ngày. Hãy nhận ra trong từng giây phút sống, chúng ta được Chúa tỏ tình thương và không chấp nhất những lỗi lầm thiếu sót của ta, nhưng lại yêu thương dắt dìu ta trở về bên Chúa. Có như thế, những giây phút cầu nguyện của ta với Chúa là những giây phút ta được ấp ủ trong vòng tay yêu thương của Cha và chúng ta là người con thảo.

Đặc biệt trong đời sống đức cậy, chúng ta không còn phải ngã lòng vì Thiên Chúa thánh thiện nhưng không ngoảnh mặt với tội nhân. Nếu chúng ta vững lòng trông cậy vào Người, Người sẽ đỡ nâng ta khi ta ngã quị vì sa ngã. Người khiêm tốn đến với ta bằng bí tích để ta có thể hòa giải với Người. Và cũng với lòng khiêm tốn chúng ta chân thành gặp gỡ Chúa Giêsu để được chữa lành.

Ước gì với ánh sáng Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta nhận ra mình cần phải làm gì để đời sống đạo thực sự là thờ phượng, yêu mến Chúa. Đồng thời, chúng ta không còn mặc cảm vì tội lỗi mà không dám đến giao hòa với Chúa và tha nhân. Chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa luôn che phủ cho những ai khiêm nhường nhận ra chính mình cần phải lệ thuộc vào Chúa, hầu chúng ta can đảm đấm ngực thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Amen.

home Mục lục Lưu trữ