Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1371781

MỘT GIÁO HUẤN, MỘT SỨ ĐIỆP

MỘT GIÁO HUẤN, MỘT SỨ ĐIỆP (*)- Chú giải của Noel Quession

Họ (Đức Giêsu và các môn đệ) đi vào thành Ca-phác-na-um.

Đó là bản văn chính xác của Thánh Maccô. Đại danh từ “họ” ở số nhiều trên đây, có vẻ bất định, nhưng rất có ý nghĩa Đức Giêsu vừa mới kêu gọi được bốn môn đệ. Đó là trang Tin Mừng ta đã suy niệm Chúa nhật vùa qua. Như thế, Đức Giêsu không còn cô lẻ nữa. Đã có một nhóm gồm năm người “đi vào” một thành trên bờ hồ Galilê. Từ đây trở đi, Maccô sẽ giới thiệu cho ta những con người đó luôn cùng sống với nhau. Họ tạo thành một nhóm “Đức Giêsu và các môn đệ của Người”.

Sau này, bằng một thứ ngôn ngữ thần học hơn, Thánh Phaolô sẽ nói đến “Thân Thể Đức Kitô” mà chúng ta là các chi thể. Với một cách nói khác, cụ thể hơn, Máccô cũng gợi lên một thực tại như thế. Điều mà Đức Giêsu sắp làm, thì lát nữa đây, chính “Người và các môn đệ” sẽ cùng thực hiện! Đó cũng là công trình của Giáo hội.

Thành Ca-phác-na-um

Ca-phác-na-um chính là biểu tượng cho xứ “Galilê của dân ngoại”, miền đất sẽ trở nên nơi thuận lợi cho công việc truyền giảng Tin Mừng. Xưa kia người ta nhắc đến Ca-phác-na-um, cũng như ngày nay người ta nói với Marseille, Amsterdam hay Hồng Kông! Đó là một hải cảng, một nơi vãng lai, pha tạp nhiều chủng tộc. Bước vào thành Đức Giêsu và các môn đệ sẽ nhận ra ngay các thủy thủ, thương gia, nông dân… Những khuôn mặt sạm nắng của dân du mục đến từ sa mạc gần đó, những người nghèo khó với quần áo tả tơi, cũng như những nhà tư sản Rôma quần là áo lượt, những binh lính làm nhiệm vụ cảnh sát cho người ngoại quốc và có Matthêu, người thu thuế bị dân chúng nhục mạ, vì thu thuế cho bọn xâm chiếm. Đó là thế giới hỗn tạp. Đức Giêsu biết như thế, nhưng Người vẫn chọn lựa. Ngày nay, để diễn tả một đống đồ lộn xộn, người Pháp đã thường nói: thật  là một “Ca-phác-na-um”!

Ngày Sabát kế đó, Người vào Hội đường giảng dạy.

Sau khi quay chung cả “nhóm”, giờ đây Máccô giơ máy quay phim, ghi hình cảnh chính, tập trung vào con người có vẻ đang dẫn đầu nhóm, một người làng Na-da-rét thì phải, cho đến lúc này anh ta mới chỉ là một thợ mộc quèn trong một thôn xóm, có tên là Giêsu.

Maccô sắp diễn tả cho ta một “Ngày tiêu biểu” của ông Giêsu và nhóm này, một ngày hiển hách tại Ca-phác-na-um, bằng cách kể lại bốn “hành động” đặc trưng của toàn thể tác vụ Đức Giêsu (cũng như tác vụ của Giáo hội): 1. Đức Giêsu giảng dạy, 2. Đức Giêsu xua trừ quỷ 3. Đức Giêsu chữa lành người bệnh, 4. Đức Giêsu cầu nguyện. Tất cả những việc làm đó diễn ra trong một ngày: từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau, từ sáng hôm nay đến sáng ngày mai (Mc 1,21,35). Tôi có nhận thấy mình sống như thế trong ngày sống của Đức Giêsu? trong ngày sống tiêu biểu của người Kitô hữu không? Mỗi ngày tôi có thực thi như thế cùng với Đức Giêsu không?

Một hoạt động tiêu biểu và ý nghĩa như thế, không phải ngẫu nhiên đã bắt đầu “trong Hội đồng vào một ngày Sa-bát”. Hội đường vẩn là nơi hội họp chính thức của Do Thái giáo là Ngôi nhà chung cho mọi người, là Nhà thi hành Lề luật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đến ngay nơi mà có nhiều người tụ họp đông nhất. Người mong được tiếp xúc.

Người vào Hội đường giảng dạy. Thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên về cách Người giảng dạy, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Chỉ trong cùng một câu nói mà Máccô đã ba lần sử dụng từ “didakê”, “giảng dạy”. Đối với Đức Giêsu, chính giáo huấn hay “lời dạy” phải đứng hàng đầu! Thực ra, việc trừ quỷ đã hàm ẩn trong hai khẳng định của lời giáo huấn Đức Giêsu. Do đó, giảng dạy là vai trò đầu tiên của Đức Giêsu, cũng như của Giáo Hội. Tôi cố tưởng tượng xem. Tôi cứ nghĩ như mình thuộc cử tọa đang lắng nghe: Hôm nay, chính Đức Giêsu đang thuyết giảng. Maccô không nói tới nội dung bài diễn giảng. Trong trang Tin Mừng trước, Người đã phát biểu nội dung đó qua bốn câu: “Thời kỳ đã mãn… Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi… Anh em phải sám hối… Anh em hãy tin vào Tin Mừng”. Điều làm cho Máccô quan tâm, đó là phản ứng của thính giả: Họ say mê thực sự… Đức Giêsu là một nhà thông biện vĩ đại đúng nghĩa… Người ta “kinh ngạc” vì lời Người. Trước hết, không phải giọng điệu nhằm  tạo hiệu quả bề ngoài; nhưng chính là lời nói đi thẳng vào tâm hồn, nên những câu hỏi đích thực mà mỗi người đều tự đặt ra cho mình; và mang đến lời đáp trả mà người ta đang mong đợi, bởi vì nó “đúng thực” tận thâm sâu con người!

Một cách long trọng hon, Thánh Gioan đã bắt đầu Tin Mừng của ông, bằng cách nói về Đức Giêsu như sau: “Lúc khởi đầu, vẫn có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa… và Ngôi Lời đã làm người”. Còn Maccô, bằng một kiểu nói khác, cũng diễn tả đích xác cho ta cùng một thực tại đó. Đức Giêsu, Lời của một Thiên Chúa tự mạc khải, Lời gây ngạc nhiên, Lời mang tính quyết liệt… Đối với lời của Đức Giêsu, là chính sự mạc khải của Thiên Chúa tôi đã dành tình yêu như thế nào? Tôi đã dành thời gian để suy gẫm lời nói, giáo huấn của Đức Giêsu ra sao?

Những “kinh sư ” theo truyền thống chỉ biết lặp lại bài vở đã học. Còn Đức Giêsu được người ta chú ý ngay do “uy quyền” của lời Người, uy quyền phát xuất tự bên trong Người. Đức Giêsu nói về Thiên Chúa, Đúng vậy! Nhưng Thiên Chúa, cũng chính là đời sống của Người. Và điều đó dễ được người ta cảm nhận, khi ai đó nói với vẻ xác tín: “anh ta tin như thế?”, rồi anh ta sống thiết thân với lời nói của mình. Đó không phải là nói “ba láp”, nói “ba hoa chích chòe”… nhưng là nói sụ thật. Đúng vậy, Đức Giêsu luôn sống thiết thân với lời Người nói. Đó là điều khác với hạng kinh sư. Còn tôi, khi nói về Thiên Chúa, về Giáo hội, tôi có làm cho người ta cảm thấy tôi tin như thế không? Tôi là một “kinh sư” hay là một “chứng nhân? Tôi có thích lặp lại những bài đã học cách bề ngoài, hay muốn Lời Thiên Chúa trở nên “của tôi”, được nội tâm hóa, là chính “thịt xương của xương thịt tôi” không?

Đúng lúc đó, trong Hội đường, có một người bị quỷ ám la lên…

Chúng ta đang đứng trước bối cảnh phương Đông. Cuốn phim của Zefflrelli đã mô tả rất đúng cảnh này, trong đó thật là náo động, la hét, bạo lực bùng lên. Máccô không ngần ngại tỏ vẻ cho cảnh bùng nổ trên thêm màu sắc: Trước hết, đó là “tiếng la hét” vang lên trong khi Đức Giêsu đang giảng! Rồi Đức Giêsu quát mắng nó”: bầu khí thật sôi động kịch liệt! Chính khi “lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng” quỷ mới xuất khỏi anh ta.

Tân ước đã 23 lần bàn tới “thần ô uế” mà sách bài đọc dịch là “thần xấu’, bởi vì thực ra, từ “ô uế” ở đây không có nghĩa “tình dục” như hiện nay, nhưng sự ô uế chỉ được hiểu như điều gì đổi nghịch với sự “thánh thiện”. Riêng Maccô, ông sử dụng tới 11 lần từ “thần ô uế “. “Thần xấu”, chính là “đứa chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa”: chúng ta thấy rõ điều này được mô tả ở đây, Nó “quấy phá” con người! Nó ngăn cản con người không sống đích thực là người. Con người “bị quấy phá” trên đây, đó là chính biểu tượng của con người “bị tha hóa”. “Bị chiếm đoạt”, vì một thứ sức mạnh ngoài nhân loại khi chinh phục được con người, đã hoàn toàn thống trị nó.

Trước việc “trừ quỷ” của Đức Giêsu trên đây, chúng ta có thể phân vân giữa hai thái độ, thực ra cũng khá giống nhau, khiến chúng ta khó “hiểu biết sâu xa” cảnh tượng này: thái độ thứ nhất làm ta dễ chán nản và nuốn bác bỏ bản văn kỳ dị trên như đã cũ rích và lỗi thời.. Ngược lại thái độ thứ hai gây cho ta thích thú nhìn xem vẻ kỳ diệu bề ngoài của bản văn (theo kiểu nhà đạo diễn phim “Người trừ quỷ”, khai triển mọi vẻ khủng khiếp có tính kịch trên màn ảnh).: Thực ra, Maccô bắt đầu hoạt động của Đức Giêsu bằng một việc trừ quỷ, bởi vì ông nhận thấy ở đó bản “tóm lược” trọn vẹn mọi hoạt động của Chúa: Đức Giêsu đến giải phóng con người  nô lệ khỏi những quyền lực đang tha hóa họ… Thế giới thay đổi chủ… Nước Thiên Chúa đang bắt đầu!.

Này ông Giêsu Na-ra-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Tôi biết ông là ai rồi: “ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Thực sự cần phải khám phá ra căn tính đích thực của Đức Giêsu. Cần khởi đi từ danh hiệu bình thường “Giêsu, người Na-da -rét”, đến tước hiệu kỳ diệu: “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đức Giêsu không phải là kẻ trù quỷ tầm thường ở làng thôn, như một số ít người lúc đó đang hoạt động rải rác khắp nơi, trong thế giới Do Thái cũng như trong thế giới dân ngoại: một loại ma thuật hay phù thủy. Hoàn toàn không thể có sự tương hợp giữa “Thần ác” và “Thiên Chúa” được: thế nên Sa-tan đã công khai tuyên chiến. ông muốn gây chuyện gì đây? Có liên quan gì giữa ông và tôi? ông muốn gì? Đó là “tiếng la hét của quỷ”. Còn chúng ta thì sao? Cùng với Đức Giêsu, chúng ta có quan niệm đời sống Kitô hữu của chúng ta như một cuộc giao chiến lớn lao nhằm giải phóng không? Những người thuộc nhóm của Đức Giêsu cần phải sẵn sàng ứng chiến. Những lực lượng thù địch luôn nổi đậy chống lại Người. Tôi có cùng chiến đấu với Đức Giêsu không? Tôi phải giải thoát anh em tôi, và chính bản thân tôi khỏi sự tha hóa, sự ác nào?

Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”.

Từ Hi Lạp được dùng ở đây, có nghĩa gì “bịt miệng”, “đe dọa”, “quát mắng”. Trước giông bão nổi lên trên biển hồ, Đức Giêsu cũng sử dụng từ này (Mc 4,39). Quyền năng của Đấng Phục sinh chiến thắng mọi quyền lực ma quỷ được diễn tả qua câu: sự ác bị đánh bại Thiên Chúa xuất hiện.

Chúng ta nên lưu ý một chi tiết có ý nghĩa: đó là khi mọi người hỏi nhau và ngạc nhiên về “nhân cách” của Đức Giêsu… thì ma quỷ đã biến mất rồi. Nhờ bản tính thiêng liêng, có lẽ quỷ tinh thông hơn con người chăng? Nhưng Đức Gíêsu truyền cho chúng phải im lặng: câm miệng lại? hãy im đi! Căn tính đích thực của Đức Giêsu chỉ có thể được mạc khải dần dần: Tuyên bố quá sớm Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, là.”Con Thiên Chúa”, có thể chỉ là một việc làm của ma quỷ. Chỉ đến khi đứng trước thập giá một “con người, một kẻ ngoại, viên đội trưởng hành quyết, mọi công bố những tước hiệu trên một cách hợp thức (Mc 15,39).

Mọi người đều kinh ngạc, bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo”.

Đó là những Lời”, một giáo huấn, một sứ điệp… một điều gì “mới lạ” cho nhân loại.

Đó là những “Dấu chỉ”, những “hành động của Đức Giêsu, các bí tích… quyền năng của Thiên Chúa”. Đừng quên rằng, trong bí tích Rửa tội, chính chúng ta đã được Chúa Giêsu “trừ quỷ và “dấu chỉ bí tích” này luôn hiện diện: Nó được hiện thực hơn mỗi khi ta cử hành Thánh Thể… trong đó Đức Giêsu “nói” với ta, và “cứu độ” ta khỏi sự dữ.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- B

CHÚA GIÊSU BẮT ĐẦU SỨ VỊ CỦA NGÀI- Chú giải mục vụ của William Barclay

Câu chuyện Maccô kể lại vạch rõ một loạt nhiều bước hợp lý và tự nhiên. Qua sự xuất hiện của Gioan, Chúa Giêsu nhận biết tiếng gọi của Chúa Cha để Ngài phải hành động. Chúa Giêsu chịu phép rửa và nhận dấu ấn của Chúa Cha chứng tỏ Chúa Cha tán thành và trang bị cho Ngài để thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu chịu ma quỷ thử thách và đã chọn lấy phương pháp phải làm, con đường phải đi. Ngài chọn một số người để có một nhóm nhỏ những tâm hồn đồng lòng hiệp ý nhau, để Ngài có thể viết lên đó những sứ điệp của Ngài. Nếu ai có một sứ điệp của Chúa cần rao giảng, địa điểm tự nhiên người ấy nhắm vào phải là Hội Thánh, là nơi họp mặt những người thuộc về Chúa. Đó chính là việc Chúa Giêsu đã làm, Ngài bắt đầu sứ vụ của mình từ hội đường.

Có vài điểm khác nhau căn bản giữa hội đường và nhà thờ theo chúng ta được biết ngày nay.

(a) Trước hết hội đường là nhà trường để dạy đạo. Một buổi học trong hội đường chỉ gồm ba việc: Cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải Lời ấy. Không có cử nhạc, ca hát, cũng không có dâng của lễ. Có thể nói Đền thờ là nơi thờ phượng và dâng của lễ, còn hội đường là nơi dạy dỗ, chỉ bảo, là chỗ có ảnh hưởng lớn lao hơn hết, vì chỉ có một Đền thờ duy nhất, Đền thờ tại Giêrusalem. Luật quy định rằng bất cứ nơi nào có 10 gia đình Do Thái thì phải có một hội đường, do đó, bất kỳ nơi nào có một nhóm người Do Thái định cư thì có hội đường. Nếu ai đó có một thông điệp mới muốn truyền đạt thì hội đường đúng là nơi để người ấy trình bày.

(b) Hội đường tạo cơ hội cho người ta truyền rao một thông điệp như thế. Hội đường có một số chức sắc. Có ông trưởng hội đường, ông ta có nhiệm vụ quản trị mọi việc và thu xếp các buổi học. Có những người phân phát của bố thí. Hằng ngày có việc thu góp tiền mặt và hiện vật do nhiều người đóng góp, sau đó được phân phát cho người nghèo. Những người nghèo nhất được cấp thực phẩm đủ 14 bữa ăn một tuần. Có vị Chazzan vẫn gọi là người phục vụ. Vị này có nhiệm vụ lấy ra và cất vào những cuốn sách thánh. Vị ấy cũng quét dọn hội đường, thổi kèn (loa bằng bạc) để loan báo ngày sabát, dạy lớp vỡ lòng cho trẻ em trong cộng đồng. Những có một chức vị mà hội đường không có, đó là người rao giảng hay thầy dạy thường xuyên. Khi mọi người họp lại và buổi họp bắt đầu thì người trưởng có nhiệm vụ chỉ định người giảng dạy. Không có người chuyên nghiệp làm việc này. Chính vì thế, Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ vụ của Ngài trong hội đường. Việc chống đối vẫn chưa bùng lên thành thù ghét. Ngài được mọi người biết như một người có một thông điệp muốn rao truyền, do đó, bất cứ hội đường nào của các cộng đồng đều thành tòa giảng cho Ngài dạy dỗ.

Khi Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường, cả phương pháp lẫn bầu khí giảng dạy của Ngài đều như một mặc khải mới mẻ. Ngài không giảng dạy như các Kinh sư là các chuyên viên về luật. Các Kinh sư này là ai? Theo người Do Thái, điều thiêng liêng nhất trên đời là Luật, Tora. Trái tim của Luật là Mười Điều Răn, nhưng người Do Thái hiểu Luật là năm quyển đầu của Cựu Ước mà họ gọi là Ngũ kinh (Pentateuch). Theo người Do Thái, Luật ấy hoàn toàn từ Đức Chúa Trời đến. Họ tin rằng Luật vốn được Chúa trực tiếp trao cho Môsê, hoàn toàn thánh và có tính cách ràng buộc tuyệt đối. Họ bảo: “Ai nói Tora không từ Chúa đến thì chẳng có phần gì trong thế giới tương lai cả”, “Kẻ nào bảo Môsê đã viết Luật theo hiểu biết của riêng ông, dầu chỉ một câu thôi, cũng là người chối bỏ và khinh khi Lời Chúa”.

Nếu Luật vốn thiêng liêng như thế thì có hai việc nẩy sinh. Một là Luật phải trở thành luật lệ tối cao cho đời sống và đức tin; hai là Luật phải hàm chứa tất cả những gì cần thiết để hướng dẫn, điều khiển đời sống. Nếu vậy, Luật chỉ đòi hỏi hai điều, một là phải được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ cẩn thận, hai là Luật chỉ phát biểu những nguyên tắc quan trọng, tổng quát mà thôi. Nếu Luật hàm chứa phần chỉ dẫn và điều khiển cả đời sống, thì những gì chứa đựng trong đó có tính cách mặc nhiên chứ chưa phải là minh nhiên, nên cần được làm cho sáng tỏ. Các điều luật quan trọng phải được biến thành luật lệ và quy tắc, như vậy lý luận mới được khai triển. Nhằm nghiên cứu và khai triển Luật, có một giai cấp học giả, đó là những Kinh sư, các chuyên viên về Luật, danh xưng dành cho những người cao trọng nhất trong họ là Rabi. Các Kinh sư này có ba nhiệm vụ:

(a) Họ căn cứ vào các nguyên tắc đạo đức trọng đại trong Luật để khai triển thành luật lệ và quy tắc hầu ứng dụng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong đời sống. Thật đây là một nhiệm vụ không cùng. Do Thái giáo bắt đầu bằng các nguyên tắc đạo đức quan trọng, nhưng kết thúc bằng hằng hà sa số luật lệ và quy tắc. Bắt đầu là một tôn giáo, nhưng kết thúc là chủ nghĩa duy luật.

(b) Nhiệm vụ của các Kinh sư là truyền dạy Luật và khai triển. Các luật lệ và quy tắc lấy ra từ đó và suy diễn ra chẳng bao giờ viết trên giấy trắng mực đen, chúng được gọi là Luật truyền miệng. Tuy chẳng bao giờ được viết ra nhưng chúng lại có tính cách trói buộc hơn cả luật thành văn. Chúng được lưu truyền thuộc lòng từ thế hệ Kinh sư này đến thế hệ Kinh sư khác. Người học trò giỏi là người có trí nhớ giống như “một cái giếng được lót bằng đá vôi không làm mất đi một giọt nước nào cả”.

(c) Sau cùng, các Kinh sư có nhiệm vụ xét xử các vụ kiện tụng mà, mỗi vụ kiện tụng như vậy lại tạo ra những luật lệ mới.

Vậy lời dạy dỗ của Chúa Giêsu khác với các Kinh sư chỗ nào? Ngài giảng dạy có uy quyền. Không có Kinh sư nào dám tự mình quyết định việc gì cả. Ông ta chỉ nói: “Căn cứ theo lời dạy rằng…” rồi lấy từ đó ra tất cả uy quyền cho mình. Hễ nói ra một lời là ông ta dựa vào câu này, câu nọ được ông trích dẫn lại, từ những bậc thày về luật mà thiên hạ đã coi trọng trong quá khứ. Việc cuối cùng mà ông ta chẳng bao giờ làm được là đưa ra một phán đoán cá nhân, độc lập. Thật khác xa với Chúa Giêsu! Khi Chúa phán dạy, Ngài nói như trên Ngài không còn thẩm quyền nào khác. Ngài hoàn toàn độc lập khi phát biểu. Ngài không trích dẫn, không dựa vào uy quyền của một chuyên viên nào cả. Ngài nói bằng giọng dứt khoát của chính Thiên Chúa. Đối với dân chúng, nghe một người giảng dạy như vậy thật chẳng khác gì được một làn gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới. Những lời lẽ hết sức khẳng định và tích cực của Chúa Giêsu trái ngược hẳn lời trích dẫn thận trọng của các Kinh sư. Giọng nói đầy uy quyền cá nhân cứ vang vang, và chính giọng nói ấy đã tác động mọi người.

Chiến thắng đầu tiên đối với các thế lực của ma quỷ (Mc 1,23-28)

Nếu lời Chúa Giêsu khiến dân chúng trong hội đường lấy làm lạ thì việc làm của Ngài càng khiến họ vô cùng kinh ngạc. Trong hội đường có một người bị tà ma ám. Anh ta gây rối và được Chúa Giêsu chữa lành. Qua suốt các sách Phúc Âm, chúng ta vẫn thấy những người bị tà ma và ma quỷ ám như thế. Vậy có gì ẩn sau việc ấy? Người Do Thái, và nói chung cả thế giới thời xưa tin ma quỷ. Hamack nói: “Cả thế giới và cả bầu không khí bao quanh đều đầy dẫy ma quỷ, không phải chỉ có việc thờ ngẫu tượng, mà mọi việc, mọi hình thức của đời sống đều bị chúng cai trị. Chúng ngự trên các ngai vàng, bay lượn trên những chiếc nôi, thật ra thì cả địa cầu là một hỏa ngục”. Tiến sĩ A. Rendle Short kể lại một sự việc chứng tỏ người thời xưa tin ma quỷ mạnh mẽ như thế nào. Trong nhiều nghĩa địa thời xưa người ta tìm thấy những sọ người bị xoi lỗ. Trong một nghĩa địa nọ người ta thấy trong 120 xương sọ có sáu cái bị đục thủng như vậy. Với kỹ thuật giải phẫu giới hạn thời xưa, làm như vậy không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, căn cứ vào việc chỗ xương ấy còn phát triển, người ta kết luận rằng chỗ đục ấy được thực hiện lúc người ta kết luận rằng chỗ đục ấy được thực hiện lúc người ta hãy còn sống. Điều cũng rõ ràng là lỗ đục xương sọ nhỏ đến nỗi nó không thể có giá trị điều trị hay giải phẫu nào và người ta biết rằng cái vòng tròn được lấy ra đó thường được đeo vào cổ như một thứ bùa chú. Lý do đục thủng như vậy là để ma quỷ có lối thoát ra khỏi thân thể một người. Nhưng nếu các nhà giải phẫu thời xưa sẵn sàng thực hiện một công cuộc giải phẫu như vậy, và nếu người ta cũng sẵn sàng chịu để cho đục như vậy, thì ta thấy niềm tin vào việc bị ma quỷ ám vốn có thật đến độ nào.

Vậy các ma quỷ ấy từ đâu ra? Có ba giải pháp cho vấn đề này. (1) Có người tin rằng chúng cũng xưa như công cuộc tạo thành trời đất vậy. (2) Có người tin rằng chúng vốn là linh hồn của những kẻ ác đã chết nhưng vẫn tiếp tục làm những công việc gian ác của nó. (3) Phần đông liên kết ma quỷ với câu chuyện xưa chép trong Sáng Thế 6,1-8 (đối chiếu với 2Pr 2,4-5). Người Do Thái phóng đại câu chuyện như thế này: Có hai thiên thần trốn Chúa để xuống địa cầu vì bị sắc đẹp của con gái loài người quyến rũ. Tên họ là Asên và Simsai. Một trong hai thiên thần này quay về với Chúa, còn người kia ở lại thế gian để thỏa mãn tham dục của mình và ma quỷ là hậu duệ từ con cháu vị ấy sanh ra. Từ chỉ ma quỷ Mazzikin có nghĩa là kẻ làm hại. Vậy ma quỷ là các hữu thể thích làm ác trung gian giữa Chúa và loài người, gây tai họa cho loài người.

Theo tin tưởng của dân Do Thái thì ma quỷ có thể ăn uống và sinh con đẻ cái. Chúng đông khủng khiếp. Có người cho rằng có đến bảy triệu rưỡi ma quỷ, một người có thể có một vạn ma quỷ ở bên phải và một vạn ở bên trái. Chúng sống tại những nơi ô uế như mồ mả và những nơi có nước dơ, chúng sống trong sa mạc là nơi người ta có thể nghe tiếng hú của chúng. Chúng đặc biệt nguy hiểm cho các lữ khách cô đơn, phụ nữ có con, các cô dâu, chú rể và cho trẻ con ra ngoài sau khi trời tối và cho những người đi đường ban đêm. Chúng hoạt động đặc biệt trong sức nóng oi ả giữa trưa và giữa thời gian mặt trời lặn và mặt trời mọc lên. Có một con quỷ làm cho người ta đui, một con quỷ gây bệnh phong cùi, một con quỷ gây chứng đau tim. Chúng có thể truyền các khả năng làm ma quỷ của chúng cho người ta nữa. Chẳng hạn ma quỷ có thế biến may thành rủi và mọi người tin rằng của cải là do ma quỷ ban cho họ. Chúng cũng làm việc với một số các loài thú như rắn, bò mộng, lừa và muỗi. Theo Lilith thì quỷ đực gọi là shedim và quỷ cái là lilin. Các quỷ cái có tóc dài và là kẻ thù của con trẻ. Chính vì thế mà trẻ con có các Thiên thần bảo vệ (18,10).

Vấn đề không phải là chúng ta tin hay không tin mọi điều vừa kể, cũng không phải là chuyện ấy có thật hay không. Vấn đề là vào thời Tân Ước, người ta tin như vậy. Ngày nay, chúng ta vẫn nói “đồ quỷ”, đó là di tích của niềm tin cổ xưa. Khi có người tin mình bị ma quỷ ám ảnh thì người ấy “ý thức về mình và về một hữu thể khác ở bên trong thúc đẩy, điều khiển mình”. Điều đó giải thích tại sao những kẻ bị quỷ ám tại Palestine thường kêu to lên khi thấy Chúa Giêsu. Chúng biết dù sao cũng có một số người tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, chúng biết khi Chúa Giêsu trị vì thì ma quỷ bị thanh toán, và kẻ tin rằng chính mình đã bị quỷ ám thì nói như chính con quỷ nói khi gặp Chúa Giêsu. Có nhiều kẻ làm thầy đuổi quỷ, tự xưng là có thể đuổi được quỷ. Việc ấy có thật đến độ vào khoảng năm 340 SCN, Hội Thánh Chúa thật sự có một dòng đuổi quỷ. Nhưng còn một chỗ khác nhau này: thấy đuổi quỷ thông thường của dân Do Thái và dân ngoại thường dùng thần chú, gào thét, và nghi lễ có tính cách ma thuật. Chúa Giêsu đuổi quý ra khỏi người ta chỉ bằng một tiếng phán rõ ràng, đơn giản, ngắn gọn đầy quyền năng. Chưa hề có ai thấy việc như vậy trước đó, quyền năng không tại tiếng gào thét, đọc thần chú hay trong lời kêu khấn vái theo công thức, bằng nghi lễ công phu, nhưng quyền năng vốn có ở trong Chúa Giêsu, cho nên mọi người đều kinh ngạc sững sờ.

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- B

DẤU CHỈ KÈM THEO (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Trong Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B, Bài Đọc I và Tin Mừng minh chứng rằng Đức Giê-su đến để thực hiện một trong những niềm mong đợi của dân Ít-ra-en: chính Ngài là vị Ngôn Sứ tuyệt hảo xuất thân từ họ và ở giữa họ.

Đnl 18: 15-20

Theo sách Đệ Nhị Luật, ông Mô-sê cảnh giác dân Ít-ra-en coi chừng những “ngôn sứ mạo danh”, nhưng đồng thời ông cũng loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban cho dân Ngài một vị ngôn sứ đích thật. Vị Ngôn Sứ này sẽ là “Phát Ngôn của Thiên Chúa” bên cạnh dân Ngài.

1Cr 7: 32-35

Trong đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân đề cập đến đời sống hôn nhân và đời sống độc thân.

Mc 1: 21-28

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô giới thiệu Đức Giê-su có quyền năng trong lời nói cũng như việc làm; Ngài là Phát Ngôn của Thiên Chúa bên cạnh dân Ngài, đồng thời là Phát Ngôn của dân Ngài bên cạnh Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I (Đnl 18: 15-20)

Sách Đệ Nhị Luật là cuốn sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư mà dân Do thái gọi là sách “To-ra”, nghĩa là sách “Luật”.

Nhan đề: “Đệ Nhị Luật”, có nghĩa “luật thứ hai” (“Thứ luật”). Quả thật, sách nầy được đặt vào trong bối cảnh ông Mô-sê nhắc lại những lời dạy của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en như những lời trăn trối sau cùng, bản di chúc của ông, trước khi qua đời. Sách được soạn thảo vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Như vậy, việc khai triển Luật được định vị vào trong việc nối dài giáo huấn của ông Mô-sê. Điều nầy muốn nói rằng có một sự liên tục và trung thành với Luật; uy quyền của Luật luôn luôn được đặt dưới sự bảo lãnh của người khởi xướng. Thật ra, sách Đệ Nhị Luật phản ảnh bối cảnh dân Ít-ra-en định cư lập nghiệp ở xứ Ca-na-an hơn năm thế kỷ rồi. Vì thế, bầu khí hăng say nhiệt thành thuở ban đầu đã lắng xuống. Tuy nhiên, nhờ độ nhạy bén của những sấm ngôn, tâm tình tôn giáo lại được hâm nóng trở lại.

*1.Định chế ngôn sứ.

Đoạn văn nầy được trích từ một diễn từ dài của ông Mô-sê trong đó ông tiên báo định chế quân chủ và định chế ngôn sứ. Đoạn trích hôm nay nêu lên định chế ngôn sứ. Theo văn mạch, trong một đoạn văn trước đó, ông Mô-sê vừa mới căn dặn rằng nếu dân chúng muốn tôn một người lên làm vua, thì người đó không phải là một người ngoại quốc, nhưng phải là một người trong số họ, được Thiên Chúa chọn (Đnl 17: 14-15).

Trong đoạn trích hôm nay, cũng một cách đề phòng như vậy đối với một ngôn sứ. Dân chúng không được đi tìm kiếm một nhân vật ngoại quốc nào khác thực hành ma thuật, bùa chú, bói toán, hay gieo quẻ xem xăm, vân vân. Chính “từ giữa đồng bào của anh em” mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện ngôn sứ của Ngài, người ấy sẽ là phát ngôn của Ngài bên cạnh dân Ngài: “Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy”.

Đây không phải là lời tiên báo về một ngôn sứ độc nhất, nhưng về những ngôn sứ mà mỗi lần dân chúng cần đến một người trung gian như ông Mô-sê. Vì thế, ông Mô-sê đã tiên báo trào lưu ngôn sứ một cách khái quát, như câu trích sau cùng nói lên cách rõ ràng hơn: “Ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết”.

Sau nầy, khi trào lưu ngôn sứ đã biến mất, người ta sẽ đọc lại bản văn này theo một cách khác và người ta sẽ hiểu lời tiên báo nầy về một vị ngôn sứ vĩ đại vào thời Thiên Sai, một Mô-sê mới. Đó là lý do tại sao những người được Giáo Quyền Giê-ru-sa-lem cử đến hỏi ông Gioan: “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” (Ga 1: 21).

*2.Thấy Thiên Chúa mà vẫn sống.

Lời tiên báo nầy đáp lại nguyện ước của dân chúng. Trên đỉnh núi Xi-nai, Thiên Chúa đã tỏ mình ra và phán dạy trực tiếp với dân chúng khiến họ khiếp sợ nên cầu xin ông Mô-sê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20: 19).

Đây là sự sợ hãi linh thánh rất phổ biến vào thời đó, vì người ta tin rằng không ai thấy thần linh mà có thể vẫn sống. Giữa thần linh và phàm nhân có một khoảng cách vô tận đến mức con người như bị tan biến vào trong cõi hư vô. Vì thế, khi đặt của dâng cúng trên bàn thờ, tín đồ không được nhìn ngoái lại đằng sau kẻo chẳng may nhìn thấy thần linh đến nhận của lễ mà mình phải chết chăng. Có rất nhiều giai thoại cấm nhìn lại đằng sau như bà vợ của ông Lót vì “ngoái lại đằng sau mà hóa thành cột muối” (St 19: 26) hay ngôn sứ Ê-li-a lấy áo choàng che mặt khi gió hiu hiu thổi báo hiệu sự hiện diện của Đức Chúa; vì thế, ông chỉ nghe tiếng chứ không nhìn thấy hình (1V 19: 12-13).

Bản văn Đệ Nhật Luật nầy, được đọc trong ánh sáng Tân Ước, mặc lấy tất cả mọi chiều kích của nó. Đức Giê-su là vị Ngôn Sứ đã được ông Mô-sê tiên báo. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, Phát Ngôn trung thành của Chúa Cha, Đấng Trung Gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con người. Ngoài ra, Đức Giê-su chính là hiện thân của Thiên Chúa ở giữa loài người mà con người có thể tiến lại gần, chẳng những không phải chết, trái lại được đón nhận “hết ân nầy đến ân khác” của Ngài nữa (Ga 1; 16).

BÀI ĐỌC II (1Cr 7: 32-36)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Trong đoạn trích hôm nay, thánh nhân ca ngợi đời sống độc thân trổi vượt trên đời sống hôn nhân, vì người sống đời độc thân mới có thể tận tâm tận lực “chuyên lo việc Chúa”. Có hai cách giải thích thái độ của thánh nhân trong việc đề cao đời sống độc thân và giảm nhẹ đời sống hôn nhân.

*1.Kinh nghiệm bản thân.

Cách giải thích thứ nhất từ chính kinh nghiệm bản thân của thánh nhân. Với tư cách là người lữ hành của Thiên Chúa, thánh Phao-lô rong ruỗi trên khắp mọi nẽo đường, tận tâm tận lực chu toàn “sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. Vì thế, trong một đoạn văn trước đó, thánh nhân không ngần ngại viện dẫn đời sống độc thân của mình ra làm gương: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi” (1Cr 7: 7).

*2.Quan niệm văn hóa và xã hội.

Cách giải thích thứ hai từ quan niệm văn hóa thời đó, đặc biệt vị thế của người phụ nữ trong xã hội xưa. Thánh nhân vừa mới nói một cách tế nhị về đời sống hôn nhân và những bổn phận hỗ tương giữa chồng và vợ, cũng như nhắc nhở họ mối giây ràng buộc bất khả phân ly của hôn nhân. Từ đó suy ra rằng đời sống độc thân giải phóng chúng ta khỏi những mối dây ràng buộc trong đời sống vợ chồng và con cái, vì thế chúng ta được hoàn toàn tự do trong việc “chuyên lo phục vụ Chúa”.

Chuyện vợ chồng giúp nhau thăng tiến đời sống tâm linh trong việc chuyên lo phụng sự Chúa không thể không nẩy sinh trong tâm trí thánh nhân. Tuy nhiên, theo quan niệm văn hóa và xã hội vào thời thánh nhân, chủ nghĩa thượng tôn nam giới tạo nên rào cản cho sự phát triển về quyền bình đẳng giữa chồng và vợ trong đời sống gia đình Ki-tô giáo. Thật ra, môi trường Cô-rin-tô thấm nhuần văn hóa Hy lạp, vì thế những người phụ nữ hưởng được một sự tự do khiến thánh nhân kinh ngạc. Chính trong bức thư nầy, thánh nhân nhắc nhở các người phụ nữ phải trùm khăn che đầu và không được lên tiếng trong các buổi hội họp cộng đồng, vì người nữ phải giữ thái độ im lặng và phục tùng, vân vân. Về quan điểm nầy, thánh Phao-lô vẫn chịu ảnh hưởng rất sâu đậm những quan niệm Do thái giáo kém tiến bộ. Tuy nhiên, thánh nhân biết công bố quyền bình đẳng của tất cả con cái Thiên Chúa: “Trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam” (1Cr 11: 11).

TIN MỪNG (Mc 1: 21-28)

Sau khi kêu gọi các môn đệ đầu tiên và được họ đáp trả một cách quảng đại và mau mắn (Chúa Nhật vừa qua), Đức Giê-su tiếp tục con đường của mình. Ngài đi dọc theo bờ hồ đến thành Ca-phác-na-um.

*1.Thành Ca-phác-na-um.

Thành Ca-phác-na-um hưởng được một vị thế địa lý đặc biệt: giáp ranh giới với ba nước: Sy-ri, Phê-nê-xi, Pa-lét-tin, và có một đại lộ chạy từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mát. Vì thế, thành phố được mệnh danh là “Ngã Tư Quốc Tế”. Chính thành này Đức Giê-su sẽ thiết lập cứ điểm truyền giáo của Ngài, dấu chỉ hàm ẩn chiều kích phổ quát sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, Đức Giê-su bắt đầu giảng dạy trong các hội đường như sau nầy các Tông Đồ và cả thánh Phao-lô cũng sẽ theo gương Ngài.

Hội đường là nơi các tín hữu tụ họp và cầu nguyện. Chỉ ở Giê-ru-sa-lem mới có đền thờ và hàng giáo sĩ, ở đó các tín hữu mới có thể dâng hy lễ lên Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Vào ngày Sa-bát, các tín hữu tụ họp ở hội đường, luôn luôn vào buổi sáng, để cử hành phụng vụ Lời Chúa (các bản văn Luật và các sách ngôn sứ), hát thánh thi chúc tụng, ngâm thánh vịnh và cầu nguyện. Mọi tín hữu, hoặc tự nguyện hay được chỉ định, có thể công bố và giải thích những bản văn Kinh Thánh. Chính như vậy mà Đức Giê-su được mời công bố và giải thích Kinh Thánh vào một buổi phụng vụ sa-bát ở hội đường Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng.

Thánh Mác-cô tường thuật cho chúng ta hai hoạt cảnh diễn ra trong hội đường Ca-phác-na-um. Một mặt, thánh ký bận tâm phác thảo diện mạo của Đức Giê-su, nêu bật uy quyền đặc biệt mà người ta nhận ra ở nơi Ngài: Đức Giê-su xuất hiện không chỉ với uy quyền của Ngôi Lời Thiên Chúa, chủ tể của Kinh Thánh, nhưng cũng với uy quyền của một con người thanh khiết và hoàn hảo đến nổi không bất kỳ sự thâm hiểm gian ác nào có thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Ngài. Mặt khác, ngay từ đầu, thánh Mác-cô cũng nêu bật hai phương cách tiến hành thường hằng mà Đức Giê-su sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ của Ngài: giảng dạy và dấu chỉ kèm theo, qua đó người ta nhận ra mầu nhiệm của Ngài: Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm, hay đúng hơn Đấng có uy quyền trong lời nói được minh chứng qua việc làm.

*2.Cách thức Đức Giê-su giảng dạy:

“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư thường nhất là những người có bằng cấp học vị, được đào tạo trường lớp về những cách thức giải thích Kinh Thánh một cách tinh tế và uyên bác. Vì thế, những giáo huấn của họ dựa trên những truyền thống của các bậc kinh sư danh tiếng của họ. Riêng Đức Giê-su, Ngài không xuất thân từ bất cứ trường lớp nào và cũng không quy chiếu đến bất kỳ “bậc kinh sư” nào. Ngài giải thích và khai triển Kinh Thánh từ uy quyền của riêng Ngài và loan báo rằng mọi điều Kinh Thánh loan báo đều được ứng nghiệm ở nơi Ngài.

*3.Dấu chỉ kèm theo:

Không ai có thể buộc tội Ngài về bất cứ điều gì, đây là một sự mới lạ khiến Xa-tan phải tò mò muốn biết. Rồi, trong hoang địa, nó đã thử hiểu mầu nhiệm của con người nầy; ở Ca-pha-na-um, nó bày tỏ qua một người bị quỷ ám khốn khổ. Đối mặt với Đức Giê-su, tên hiểm ác phải công khai nhìn nhận sự thật và sự thật khiến nó phải nao lòng chột dạ: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Đức Giê-su buộc nó phải câm lặng.

Hoạt cảnh Ca-pha-na-um không là duy nhất, nhưng còn xảy ra nhiều lần ở những nơi khác nữa. Chính thánh ký nói với chúng ta: “Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1: 34).

*4.Mầu nhiệm của Đức Giê-su.

Đức Giê-su vẫn còn muốn giữ riêng bí mật về con người Ngài, vì sợ người ta hiểu lầm sứ mạng của Ngài. Thánh Mác-cô nhấn mạnh nhiều lần Đức Giê-su muốn bảo vệ mầu nhiệm của Ngài. Đó là điều mà các nhà chú giải gọi “bí mật Đấng Thiên Sai” theo Tin Mừng Mác-cô. Quả thật, trong suốt Tin Mừng nầy, Đức Giê-su kiên quyết bắt ma quỷ không được hé lộ chân tính của Ngài, cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và ngay cả các môn đệ của Ngài không được tuyên xưng phẩm tính Thiên Sai của Ngài.

Thật không khó để hiểu được thái độ nầy của Đức Giê-su. Đấng Thiên Sai mà dân chúng biết bao mong đợi khác với hình ảnh mà Ngài sắp thực hiện: một Đấng Thiên Sai “nhân hậu và khiêm hạ tận mức”, theo hình ảnh của một Người Tôi Trung chịu đau khổ. Mầu nhiệm nầy chỉ có thể được bày tỏ một cách rực rỡ ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

home Mục lục Lưu trữ