Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1375486

MỘT NGÔI SAO ĐỂ ĐI THEO

Một ngôi sao để đi theo

(Suy niệm của Jean-Yves Garneau)

Một ngày lễ đầy màu sắc.

Có lễ nào mang nhiều màu sắc hơn lễ Hiển linh? Có những nhân vật (người ta nói là ba nhưng Tin Mừng không khẳng định điều này) không biết chính xác đến từ đâu (thánh Matthêu viết rằng từ phương Đông; nhưng phương Đông lớn lắm!). Người ta không biết tên của họ (dù họ mang tên Mechior, Balthasar và Gaspar, theo một truyền thống rất cổ xưa mãi từ thế kỷ thứ 5, nhưng đó không phải là một điều chắc chắn mang tính khoa học). Và có ngôi sao! Ngôi sao mà người ta đã nói và viết nhiều về nó. Nó hướng dẫn các vị hiền sĩ của chúng ta (có lẽ là những nhà chiêm tinh và chúng ta đã gọi họ là vua) và nó đã dừng đúng chỗ, đúng lúc: Trên ngôi nhà có Đức Maria và Hài Nhi Giêsu! Lại có vàng, nhũ hương và mộc dược nữa…

Hai sứ điệp.

Lễ Hiển linh thật là hấp dẫn, tuy nhiên chúng ta đừng để mình quá bị chi phối bởi những chi tiết dù có quan trọng đi nữa. Ta hãy quan tâm tới điều chính yếu: hãy chú ý đến sứ điệp, sứ điệp này gồm hai điều:

Một là, lễ hiển linh nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu không đến trong thế gian vì một số người mà thôi (những người thân cận với Ngài), rằng Ngài không nhập thế duy chỉ vì một dân tộc (dân tộc Do Thái), nhưng vì tất cả các dân tộc trên trần thế và vì tất cả mọi người sống trên quả đất này. Thậm chí quốc gia bé nhỏ nhất cũng không thể bị quên lãng. Không ai, thực sự không người nào bị loại trừ khỏi những bận tâm của Chúa Giêsu. Ngài sinh ra cho hết thảy mọi người. Tất cả mọi người, đàn ông đàn bà, lớn bé, giàu nghèo ở khắp mọi nơi chốn và mọi thời đại đều được mời gọi đến lãnh ơn cứu độ. Chúa Giêsu đến để soi sáng và cứu vớt toàn thể nhân loại. Những bản văn Thánh Kinh được công bố hôm nay khẳng định rõ ràng điều đó (x. Ep 3,6: “Mầu nhiệm này là những kẻ ngoại giáo được thông phần cùng một di sản, cùng một thân thể…” Is 60,3-4: “Chư dân sẽ bước đi hướng về ánh sáng của Ngài… hết thảy họ đều tụ họp lại…”).

Điều thứ hai của sứ điệp dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu đã bị những kẻ thuộc về Ngài không biết đến, thậm chí còn ruồng bỏ, nhưng lại được những kẻ xa lạ, các hiền sĩ, tìm kiếm, khám phá, đón nhận và tôn thờ. Không có chỗ cho Ngài nơi những kẻ thuộc chủng tộc Ngài, nơi quán trọ, ngày Ngài chào đời! Không có những người trong làng tìm đến máng cỏ đến Giáng Sinh, chỉ có các mục đồng thôi! Còn Hêrôđê, ông vua thời đó, người ta biết rằng ông muốn giết Đấng đến để cứu ông!

Hai áp dụng cụ thể.

Ta có thể rút ra từ sứ điệp trên đây hai áp dụng cụ thể.

Trước hết, ta phải tự nhủ rằng bao giờ cũng có thể sống bên cạnh Chúa Kitô mà không quan tâm đến Ngài, và cũng có thể biết tên của Ngài mà không thực sự biết chính Ngài. Lúc đó ta có thể mang nhãn hiệu Kitô nhưng kỳ thực ta không phải là Kitô hữu. Về mặt lý thuyết, ta khẳng định Chúa Kitô hiện diện trên thế giới, nhưng ta không rút ra được từ đó một kết luận thực tiễn nào cả cho những ứng xử của cá nhân mình và cho cách điều khiển xã hội.

Sau đó ta phải tự nhủ –đây là áp dụng cụ thể thứ hai- rằng ta luôn luôn phải để cho một ngôi sao hướng dẫn mình, phải luôn luôn lên đường tìm kiếm Chúa Kitô, luôn luôn cố gắng hiểu rõ Ngài hơn… vì nơi chúng ta bao giờ cũng còn lại một cái gì ngoại giáo! Ở đây tôi nghĩ đến tất cả những ngẫu tượng mà ít nhiều chúng ta còn tôn thờ hoặc để cho mình bị chúng thôi miên mà không hay biết. Những ngẫu tượng này là; tham tiền bạc, cá nhân chủ nghĩa thúc đẩy chúng ta quên đi số phận của kẻ khác. Ta cũng có thể gọi là ngẫu tượng óc tiêu thụ quá đáng rất thường điều khiển chúng ta và nhất là cái nhìn hoàn toàn duy vật của chúng ta về cuộc sống.

Tìm ngôi sao dẫn đến nơi có Chúa Giêsu và Mẹ Ngài, từ bỏ xứ sở, đi đến một nơi xa lạ, dám sống một cuộc mạo hiểm thiêng liêng trong đó ta dấn thân hoàn toàn và vì đó ta cho đi cái tốt nhất nơi mình, đấy là những gì các hiền sĩ đã làm. Còn chúng ta, quá thường sống như người ngoại đạo trong một đất nước còn mang tên Kitô, chúng ta có can đảm lên đường tìm kiếm Chúa Kitô không? Chúng ta có biết đi theo ngôi sao của các hiền sĩ còn đang chiếu sáng cho những kẻ đói khát Thiên Chúa không?

 

69. Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra.

(Trích từ “Sống Tin Mừng” của Radio Veritas Asia)

Các bài đọc của lể Hiển Linh đều hướng về một chủ đề chính: "Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn dân". Nơi bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia: "Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra" (Is 60,1-6).

Anh chị em thân mến!

Đó là lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy, được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với Chúa. Giêrusalem ngày xưa là hình ảnh của Giáo Hội, vì Giáo Hội là nơi qui tụ tất cả mọi dân tộc.

Lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Luca ghi lại (x.Lc 2,1-12).

Anh chị em thân mến!

Gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài, đó là mục đích cuối cùng của đời người chúng ta, và đó cũng là trung tâm của bài Tin Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay. Các mục tiêu cuối cùng trên, chúng ta thấy có những nhân vật nổi bật như vua Hêrôđê, các trưởng tế và luật sĩ tại Giêrusalem, các đạo sĩ từ Phương Đông. Mỗi một người trong hoàn cảnh riêng của họ đều được Chúa mạc khải cho, được Chúa mời gọi đến với Ngài bằng những con đường khác nhau. Các đạo sĩ nhờ ngôi sao sáng của thiên nhiên trong vũ trụ, một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Các trưởng tế và luật sĩ thì qua con đường mạc khải của Kinh Thánh, qua lời dạy của các tiên tri mà họ biết nằm lòng. Vua Hêrôđê thì qua chứng tá của những kẻ qua con đường gặp Chúa, qua chứng tá của các đạo sĩ và các trưởng tế, luật sĩ tại Giêrusalem. Nhưng rồi chỉ có các đạo sĩ là đi đến cùng con đường, là gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.

Chúa ban cho mỗi người, cho mọi người con đường để gặp Ngài, nhưng chỉ có những ai thành tâm thiện chí và can đảm đi đến cùng, đi trọn con đường thì mới thành công trong việc gặp gỡ được Chúa.

Trong ngày Lễ Ba Vua hay Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta trước nhất vui mừng vì thấy rõ hành động Thiên Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu gọi tất cả mọi người đến với Ngài, đồng thời chúng ta cần tự vấn chính mình về thái độ trước Chúa Kitô, chúng ta đã thực sự gặp Chúa và tôn thờ Ngài hay chúng ta cũng có thái độ giống như vua Hêrôđê xem Chúa như là kẻ thù, như là người cản trở sự thành đạt của mình, vì đó mà hành động ngấm ngầm chống lại Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được bắt chước thái độ của các đạo sĩ ngày xưa muốn ra đi khỏi nơi an toàn tự nhiên của mình để gặp Chúa và tôn thờ Chúa tại nơi mà Chúa muốn dùng để mạc khải cho chúng con về Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa và tôn thờ Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất đời con. Amen.

 

70. Gặp được Chúa Cứu Thế

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

Hôm nay chúng ta mừng lễ ba Vua, tức lễ Hiển Linh. Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền kể lại việc tìm kiếm Chúa của Ba Vua từ Phương Đông miền đất Palestina, theo sự hướng dẫn của một vì sao lạ. Các ngài đã khám phá ra dấu lạ, rủ nhau lần mò dò dẫm tìm đến Bethlem, và cuối cùng sau cuộc lộ trình đường xa nhiều gian khổ và nguy nan, các ngài đã gặp được Chúa Cứu Thế.

Như ngày lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh biểu lộ một niềm vui, đó là những hình ảnh, những gói quà, lạc đà, Ba Vua, ngôi sao, nhưng còn vui hơn vì ý nghĩa quan trọng chứa đựng trong ngày lễ này, đó là việc Chúa tỏ mình ra cho các dân, các nước. Ngài là Vua các vua và mọi dân tộc khắp bờ cõi trái đất đều phải tôn thờ Ngài.

Nơi bài đọc I, Giáo hội dùng bài ca trở về của dân Do Thái nơi sách tiên tri Isaia để diễn tả niềm vui của người được cứu thoát khi vinh quang của Chúa bừng dậy. Một số những người nô lệ ở Babylon thuộc dân Do Thái nghĩ mình đang sống trong đêm tối, họ mất hết niềm vui, không còn hứng thú gì để đàn ca xướng hát. Họ đặt những nhạc khí, họ treo những cây đàn nơi gốc cây, nơi cành cây dọc bên bờ sông Babylon, và nơi bờ sông họ ngồi khóc nhớ Sion, nhớ về Thành Thánh Jérusalem.

Nhưng vui mừng biết bao ngày cứu thoát đến, ngày trở về quê hương, ngày được gặp lại Jérusalem, được lên đền thờ dâng lễ tạ ơn Chúa. Và điều đặc biệt là ánh sáng bừng lên ở Jérusalem. Đây không phải là ánh sáng của trần gian mà là ánh sáng của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng và khi Chúa là ánh sáng thì Ngài không phải chỉ là ánh sáng của Israel mà thôi nhưng Ngài còn là ánh sáng của muôn dân, muôn nước. Từ đó những kho tàng bể khơi tuốn đến Jérusalem, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới Jérusalem. Tất cả muôn người lũ lượt từ các nơi tuôn đến Jérusalem. miệng cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa.

Nếu bài đọc I trình bày một hình ảnh vui tươi của Jérusalem ngày đại lễ, ngày muôn dân tiến đến trong huy hoàng rực rỡ sang trọng, thì nơi bài đọc II thánh Phaolô đưa hình ảnh ấy lên hàng siêu nhiên. Nơi bài I sự giàu sang phú quí từ các nơi được đưa về để tung hô Chúa, thì nơi bài đọc II đáp lại ân sủng Chúa ban phát dư tràn cho mọi người qua các tông đồ, các tiên tri, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhờ lòng thương xót bao la ấy của Thiên Chúa, tất cả dân tộc trên mặt đất đều trở nên người thừa tự, trở nên người cùng một thân thể và thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

Nhìn chung cả hai bài đọc đều diễn tả tình yêu thương hài hòa giữa Thiên Chúa và con người với nhau. Con người một lòng một dạ nhìn nhận Thiên Chúa là Vua. Chúa ban ơn cho con người, nhất là ơn được làm nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô, không phân biệt ai cả.

Bài Phúc Âm diễn tả rõ ràng hơn, cụ thể hơn và sinh động hơn trước mắt ta cuộc tìm kiếm Chúa, rồi được Chúa giúp đỡ ban ơn hướng dẫn. Con người không ngại gian lao cực nhọc và cuối cùng gặp được Chúa. Con người quì gối sụp lạy và dâng lễ vật cho Ngài. Xong trở nên con người mới, đi con đường khác, trở nên với đời sống hằng ngày của mình.

Dựa vào đoạn Phúc Âm duy nhất của thánh Matthêu diễn tả cuộc viếng thăm kỳ diệu này, người ta hay trưng bày vao hang đá trong ngày lễ Hiển Linh ba vị vua. Thật ra, không có chỗ nào nói đó là các vị vua, cũng không có chỗ nào cho biết con số của họ là bao nhiêu. Nhưng truyền thống gọi là ba, vì dựa vào ba lễ vật thánh Matthêu kể ra: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Về tên của ba vua là: Kalbar, Manthior và Bankasa, nhưng đến thế kỷ IX người ta mới đề cập đến. Thật ra, tất cả những chi tiết nhỏ này không có nền tảng trong Kinh Thánh và ngôi sao lạ hiện vẫn còn là đối tượng của những giải thích khác nhau. Dầu vậy những điểm chính đã dễ cho chúng ta suy niệm đó là những con người đến từ những xứ xa xôi để tìm vị Vua Do Thái mới sinh ra và khi gặp được Ngài, họ quì gối xuống sụp lạy Ngài.

Hình ảnh ấy cho chúng ta thấy mãi mãi bao lâu Phúc Âm còn rao giảng đều luôn luôn có những đạo sĩ, đó là những người tìm kiếm Chúa bằng cách này hay bằng cách khác. Và khi đã gặp được Chúa, thì thành tâm thực lòng thờ lạy Chúa, nhìn nhận Người là Vua, là Chúa của mình, của đời sống mình, của gia đình mình và cuối cùng là của toàn thể nhân loại.

Cùng với Ba Vua bên máng cỏ, chúng ta hãy tôn thờ uy quyền tối cao của Hài Nhi Giêsu và xin cho chúng ta luôn nhạy cảm đối với những cảm hứng khích lệ của quyền năng Chúa trong tâm hồn mình.

Để có việc làm cụ thể, trong tuần này tôi hình dung ra những tác động của Ba Vua trên con đường tìm Chúa. Đó là để tâm, để ý tìm hiểu sự kiện. Dám chấp nhận dấn thân quyết chí tìm gặp cho được Chúa. Khi gặp được Người thì phủ phục tôn thờ và dâng lễ vật. Rồi sau cùng, từ bỏ con đường cũ, đi theo con đường mới, con đường của tin yêu và hy vọng, con đường của sự sống bất diệt trên thiên quốc.

 

71. Lý do Chúa làm người

(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Có anh chàng trai chẳng hề tin hay nghĩ tưởng gì đến Chúa. Chàng cũng làm ngơ các thánh lễ hằng tuần. Vợ chàng trái lại rất sùng đạo. Nàng cố gắng nuôi dạy con cái thấm nhuần lòng tin vào Chúa, mặc kệ những lời xỏ xiên của người chồng cứng lòng.

Đêm vọng Giáng Sinh, khi nghe vợ con ngỏ ý mời mình đi dự lễ đêm, chàng càu nhàu: “Vô nghĩa! Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân sống đời khổ sở như thế! Nghe như chuyện khôi hài!”

Vợ con đi rồi, chàng ở nhà một mình. Qua khung cửa sổ, chàng thấy những mảng tuyết đang đổ xuống theo từng đợt gió giật. Nhìn ra khoảnh sân, chàng thấy cả một bầy ngỗng trời ở đâu kéo tới. Chắc hẳn, trên đường xuôi nam, bọn ngỗng gặp bão thành ra lưu lạc chốn này. Chúng như mất hướng, bay lòng vòng quanh quẩn, chắc đang tìm thức ăn và chỗ nào đó kín khuất để tá túc. Chàng bỗng động lòng, nghĩ đến dãy trại sau nhà, nơi được coi là ấm cúng và yên ổn cho chúng tạm trú qua đêm chờ cơn bão tan. Nghĩ thế, chàng mò ra phía sau nhà, đến đầu dãy trại, mở toang cánh cửa lớn ra như để đón chào đàn ngỗng lưu lạc. Thế nhưng, dường như mắt chúng ra như mù loà, không hề nhìn thấy cánh cửa trại đã mở toang hoác, càng không hề biết đến hảo ý của chàng. Chúng cứ tiếp tục bay nhảy vô định, lại chạm vào khung kính, và đụng vào hàng giậu thưa. Càng cố làm cho chúng chú ý đến mình, thì chúng lại càng tỏ ra hoảng sợ chàng, và tản ra xa hơn. Càng cố lùa chúng hướng về phía cửa trại thì chúng lại càng đi sang hướng khác. Thì ra chúng vẫn sợ chàng, vẫn không dám theo chàng, bởi vì chàng đâu phải đồng loại của chúng đâu. Nghĩ thế rồi, chàng bước vào trại, ôm lấy một con ngỗng đang nuôi trong trại, mang ra nhử nhử rồi thả chung với đàn ngỗng trời. Con ngỗng của chàng đã quen thuộc với đường đi lối về, liền lăm lăm đi trở vào cổng trại để trốn giá lạnh mùa đông. Thế là từng con ngỗng trời nối đuôi theo nó, đi dần vào bên trong trại, ấm áp và an toàn.

Như chợt nhận ra điều gì đó, chàng suy nghĩ về lời mình đã càu nhàu với vợ: “Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân sống đời khổ sở như thế!”. Rồi chàng bỗng thấy đây không còn là chuyện khôi hài nữa. Lần đầu tiên trong đời, chàng hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh.

Ngoài trời, bão tuyết đã ngừng, và gió đã lặng. Trong tâm tư chàng, cơn bão hoài nghi cũng biến tan. Có một chút yên lành len lỏi vào tâm hồn chàng. Bỗng dưng, chàng quỳ gối xuống, chắp đôi tay lại. Lời kinh từ thuở tấm bé mà chàng đã được học bỗng nhiên khe khẽ rung trên bờ môi: “Con cám ơn Đức Chúa Trời… đã cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết vì con…”.

Thiên Chúa làm người để cho con người làm con Thiên Chúa. Chúa cúi xuống thân phận loài người để dẫn loài người về bến bờ bình yên là hạnh phúc Nước Trời. Đàn ngỗng cần lắm một con ngỗng quen thuộc đường đi lối về mới có thể dẫn cả đàn thoát giông bão hiểm nguy. Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ trời xuống trần, thế nên, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn con người về với trời cao. Cũng như chiếc phi cơ phải hạ cánh thì mới đưa hành khách bay bổng lên trời. Không có sự xuống thế của Ngôi Hai Thiên Chúa thì không có cuộc về trời của con người.

Nhưng đâu là dấu chỉ về Con Thiên Chúa làm người? Làm sao con người có thể nhận ra đâu là Thiên Chúa qua thân phận con người? Năm xưa, các mục đồng đã nhờ thiên thần loan báo mà biết Con Thiên Chúa hạ sinh. Ba vua từ phương đông đã nhờ ánh sao dẫn đường để tới bái kiến Vua Trời giáng sinh. Chúa Giêsu đã nhờ Gioan để dọn đường và giới thiệu khi người đến.

Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta. Ngài đang cần chúng ta là những mục đồng loan tin Chúa cứu thế hạ sinh. Ngài đang cần niềm tin của chúng ta phải tỏa sáng như ánh sao dẫn lối tha nhân đến với Chúa. Ước mong niềm vui giáng sinh được lan tỏa đến mọi người và mọi nhà nhờ vào ánh sáng niềm tin của chúng ta. Một niềm tin được tỏa sáng qua đời sống thanh thoát khỏi những đam mê tội lỗi, những trào lưu tục hóa đang thống trị thế giới. Một niềm tin trung kiên để từ khước những bổng lộc trần gian để sống trung tín với giới luật của Chúa. Một niềm tin sắt son để luôn lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc sống.

Chính nhờ đức tin ấy,lối sống đạo ấy mà chúng ta trở thành ánh sao dẫn lối cho muôn dân tìm gặp và tôn thờ Chúa. Amen.

 

72. Thắp đèn cho ai? - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có một anh mù đến nhà cậu bạn chơi. Khi trời tối, anh muốn về nhà, người bạn liền thắp một chiếc đèn lồng, đưa cho anh rồi bảo: “Ngoài trời tối rồi, anh cầm cái đèn này đi cho sáng nhé”.

 Anh mù nghe vậy tức giận nói: “Sao cậu lại nói vậy. Rõ ràng ai cũng biết tôi bị mù. Tôi cầm đèn lồng để soi đường không phải để người đời cười nhạo sao?”.

Người bạn nhẹ nhàng giải thích: “Anh hiểu lầm ý của tôi. Vì tôi nghĩ giờ này rất nhiều người cũng đi trên đường. Anh cầm đèn lồng, người khác có thể nhìn thấy anh, vì vậy sẽ không thể đụng vào anh được”.

Anh mù nghĩ một lát rồi nói: “Ừ, cậu nói có lý. Cảm ơn nhé! Tôi về đây”.

Hóa ra thắp đèn sáng không hẳn cho mình mà còn cho người khác. Ở đâu đó trong một góc khuất có ánh đèn sáng sẽ làm cho khách bộ hành an tâm. Ở đâu đó có ngọn hải đăng sẽ làm cho người đi biển biết hướng về bình an.

Nếu hiểu rằng mỗi người là một ánh sao thì cuộc đời chúng ta cũng cần được thắp lên để mang lại bình an hạnh phúc cho tha nhân. Ở tuổi thiếu niên chúng ta vẫn hát với nhau về một niềm mơ ước rằng:

"Đếm ánh sao đêm tôi gọi người,

Hồng xanh xanh hồng xanh xám xanh.

Ngôi sao xanh chính là anh đó,

Ngôi sao vàng đó của chị đây.

Không có ngôi sao nào là ngôi sao đen."

Chúng ta mơ ước mình là một ánh sao. Ánh sao thì có đủ màu. Ánh sao thì luôn tỏa sáng. Không bao giờ có ánh sao đen. Nếu ý thức mình là những vì sao trên trời, chúng ta phải sống cuộc sống của những vì sao: thoải mái trong một không gian mênh mông và chiếu tỏa ánh sáng ra chung quanh tùy theo sức sáng mình có. Đất đáthì sống cuộc đời chật hẹp, tăm tối, kèn cựa nhau, nhưng những vì sao thì sống thanh thoát, vừa thi đua tỏa sáng vừa tôn trọng sự sáng của nhau.

Hành trình Ba Vua đến gặp hài nhi Giê-su cũng cần một ánh sao dẫn lối. Tuy hành trình cũng có lúc bế tắc vì không có ánh sao nhưng với sự kiên nhẫn họ đã vượt qua. Họ từng lần mò trong thành phố nhưng chỉ gặp những người chỉ đường đầy toan tính, vụ lợi. Họ thất vọng vì giữa thủ đô lại thiếu một ánh sao thanh thoát tô thêm vẻ đẹp cho bầu trời. Nhưng họ không bỏ cuộc. Họ tiếp tục lần mò trong bóng đêm của thế giới đầy tội ác. Và rồi sự kiên trì đã được đền đáp. Ánh sao lại xuất hiện dẫn họ đến triều bái Hài Nhi mới giáng sinh nơi hang đá Belem.

Cuộc đời hôm nay vẫn có những người đang đi tìm chân lý, tìm lẽ sống. Có rất nhiều người đang mong mỏi có một ánh sao dẫn lối đưa đường cho họ. Họ cần nơi người tín hữu hãy sống thanh thoát như những vì sao không bon chen ngụp lặn trong bóng tối tham lam, ghen ghét, lừa đảo. Họ cần người tín hữu tỏa sáng giữa bầu trời ích kỷ này một ánh sáng bác ái vị tha.

Vâng giữa một thế giới mà bóng tối của thù hận, ghen ghét, tham lam, lừa đảo và hưởng thụ thì rất cần một ánh sao sáng giúp con người biết nhìn nhận nhau là anh em để rồi biết sống kính trọng và yêu thương nhau hơn. Giữa một thế giới đang khao khát gương sáng cũng đòi hỏi người ky-tô hữu hãy tỏa sáng phúc âm để mang tình yêu và hy vọng cho nhân gian.

Ước gì từng người chúng ta hãy trở thành ánh sao sáng để xóa tan bóng đêm của tội lỗi. Xin đừng vì ích kỷ và đam mê mà dập tắt ánh sáng tình thương nơi họa ảnh Thiên Chúa là con người chúng ta. Amen.

 

73. Mỗi tín hữu là một Ánh Sao dẫn đường

(Suy niệm của Giuse Đỗ Văn Phi, OP)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay cho chúng ta biết: Bê-lem là nơi Hài Nhi Giêsu đã cất tiếng khóc chào đời, thời vua Hêrôđê trị vì. Như thế, thánh Mátthêu đã gián tiếp khẳng định: Đức Giêsu là người của lịch sử, cách riêng Ngài là người của lịch sử dân tộc Do-thái – dân riêng của Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu là con người chiếu sáng cho cả quá khứ và đem lại ý nghĩa cho cả giòng lịch sử dân Chúa. Chính Ngài sẽ căn cứ vào lịch sử quá khứ dân tộc mình để từng bước nhận ra được ý nghĩa sứ mạng của mình và cách thức hoàn thành sứ mạng ấy.

Sau khi xác định nơi chôn nhau cắt rốn của Đấng Cứu Thế, thánh Mátthêu tiếp tục kể lại biến cố các đạo sĩ phương Đông tới bái lạy Hài Nhi Giêsu. Đó là những nhà chiêm tinh, có thể họ đã đọc được dấu lạ do thấy ánh sáng của hành tinh sao mộc và sao thổ lồng vào nhau. Hay nói một cách đơn giản: lời loan báo về ngôi sao phát xuất từ nhà Gia-cóp đã được ứng nghiệm với biến cố sinh ra của Đức Giêsu là vị cứu tinh. (x. Ds 24,17)

Nhưng điều được nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay là dân ngoại mà các đạo sĩ là người đại diện, đã đến bái lạy Hài Nhi Giêsu. Trái ngược với sự hăng say nhiệt thành của các đạo sĩ phương Đông là sự bàng quan của các nhà lãnh tụ đạo và đời tại thành thánh Giêrusalem, họ không hề nhúc nhích. Riêng vua Hêrôđê có nói đến việc vua sẽ đến bái lạy Hài Nhi mới sinh, nhưng thực ra ông ta chỉ muốn đến để mưu sát Ngài mà thôi.

Các nhà chiêm tinh là dân ngoại. Họ đại diện cho mọi dân tộc, cho chính chúng ta. Họ khao khát tìm ơn cứu độ. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nghe thấy lời mời gọi lên đường. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả và sẵn sàng bước đi trong đêm tối. Các nhà chiêm tinh không dựa vào điều gì khác ngoài ánh sao khi tỏ khi mờ. Cần có đức tin cứng cáp mới dám dựa vào một dấu chỉ mong manh như thế. Cũng cần có đức tin mạnh mẽ lắm mới dám tin rằng vị vua mới sinh đang khiêm tốn sống trong một hang bò lừa ở Bêlem, chứ không uy nghi ngự giữa hoàng cung lộng lẫy. Cần có một đức tin khiêm tốn biết chừng nào mới có thái độ sấp mình bái lạy trước Hài Nhi, và tiến dâng lễ vật quý giá.

Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao, mà là ánh sáng Ngài gieo vào lòng người. Mỗi người chúng ta phải trung thành với ánh sáng đó, và bước vào cuộc hành trình đức tin đầy mạo hiểm, như các nhà chiêm tinh ngày xưa.

Đôi khi chúng ta có nét giống Hêrôđê, sợ hãi bối rối trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ. Hãy để Chúa làm lung lay ngai vàng của chúng ta, đưa chúng ta vào sự bấp bênh, mong manh, để rồi cuối cùng chúng ta gặp được sự vững vàng trong Chúa.

*

Cuộc sống ngày hôm nay đặt con người trước nhiều thách đố phải chọn lựa. Thách đố phải sống cho sự công bằng trong một xã hội có quá nhiều bất công. Thách đố phải sống tình liên đới và yêu thương trong một xã hội có quá nhiều chiến tranh và hận thù. Chúa Kitô đã đến và chiếu tỏa ánh sáng của Ngài vào thế gian. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy bước theo ánh sáng của Ngài, ánh sáng của yêu thương, hoà bình và xây dựng.

‘Giáng Sinh’ gợi lại cho chúng ta một biến cố trọng đại: biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người. Ngài đến với tất cả mọi người, thuộc mọi quốc gia và ngôn ngữ. Ngài đến để mang lại niềm vui và bình an, mạc khải cho con người một vương quốc vĩnh cửu, mời gọi chúng ta bước theo ánh sáng của Ngài, ánh sáng dẫn vào sự sống.

Trong giây phút thinh lặng này, chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa chiếu tỏa tâm hồn chúng ta, hầu nhận ra Chúa đang hiển linh trong chính cuộc sống của mình.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đã đến thế gian để con người được sống và sống dồi dào. Xin cho mọi người luôn biết tôn trọng sự sống là ân huệ Chúa ban, để không còn cảnh các thai nhi bị từ chối quyền được sinh ra nhưng các em sẽ được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa một thế giới mà nhiều người chưa nhận biết Chúa, nhiều người đang đánh mất niềm tin vào Chúa, sống như thể không có Thiên Chúa. Xin biến đổi cuộc đời chúng con thành ánh sao dẫn đưa những ai đang lầm đường lạc lối trở về với Chúa để họ được sống và sống dồi dào trong tình thương của Chúa. Amen.

 

74. Mỗi người là một ánh sao cho nhau

(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Người ta vẫn thường ví von mỗi người là một ánh sao. Mỗi một con người sẽ tương ứng với một ánh sao trên trời. Bài hát sinh hoạt thiếu nhi cũng ví von: con người là một ánh sao, có ánh sao xanh, có ánh sao hồng nhưng không có ngôi sao nào là ngôi sao đen. Bởi vì công dụng của sao là toả sáng, là soi dẫn, thế nên phải là ánh màu lung linh, không thể là ngôi sao đen giữa đêm tối nên sẽ chẳng có tác dụng gì với con người.

Hôm nay, ba vua cũng nhờ một ánh sao dẫn lối đưa đường đến triều bái Đấng cứu tinh nhân loại. Ánh sao đã dẫn họ đến hang Belem, nơi hài nhi, Con Vua Trời mới hạ sinh. Họ đã tin vào ánh sao để nhận ra thân phận vị cứu tinh nhân trần từ chính khung cảnh nghèo nàn của kiếp người. Họ đã tin vào ánh sao để có thể cúi mình thờ lạy một hài nhì yếu ớt con của một gia đình nghèo khó. Họ đã nhờ ánh sao để tìm thấy chân lý trong nghịch cảnh đời sống.

Vâng, Đấng cứu tinh mà họ mong gặp là một hài nhi được bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ. Đấng ấy đáng lẽ phải được toàn dân Giê-ru-sa-lem đón chào như vị cứu tinh duy nhất của họ, nhưng lạ lùng thay, họ không chỉ thờ ơ mà còn muốn loại trừ. Ngay cả những con người được coi là người quyền cao chức trọng vẫn không thể gặp được Ngài. Các luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các kỳ lão chỉ lo về truyền thống. Hê-rô-đê thì tìm kiếm nhưng không phải để triều bái mà là để tìm cách huỷ diệt.

Chỉ có các mục đồng và các đạo sĩ đã tìm gặp được Đấng Cứu Thế. Họ là đại diện cho những con người thành tâm thiện chí đi tìm chân lý và khao khát an bình. Họ đã nhận ra thân phận hài nhi yếu đuối nằm trong máng cỏ lại là Vua Cả Trời Đất. Đấng phải đến trong thế gian để đem lại công lý và hoà bình cho trần gian.

Ánh sao từ trời cao hôm nay vẫn chiếu xuống nhân trần. Ánh sao hôm nay vẫn là ý Chúa mà con người phải thực hiện, vẫn là tiếng nói lương tâm mời gọi con người sống ngay lành, đừng làm điều dữ, đừng sống quanh co giả dối. Hãy từ bỏ lối sống đam mê lầm lạc của bóng tối tội lỗi để bước đi trong ánh sáng lề luật. Nhưng tiếc thay, nhiều người vẫn sống chai lỳ trong bóng tối tội lỗi. Biết bao bạn trẻ vẫn lao mình trong những đam mê lầm lạc của xì-ke ma tuý và thác loạn. Biết bao người vì danh lợi thú trần gian mà đánh mất lương tri con người. Biết bao người vì đam mê bất chính mà sống thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân. Biết bao người vẫn tìm kiếm thú vui trần thế mà bán rẻ nhân cách, nhân phẩm của chính mình.

Sứ điệp của ngày lễ hiển linh còn là tiếng mời gọi con người hãy là ánh sáng của nhau. Ánh sáng của con người ngay thẳng, không gian tham, xảo quyệt. Ánh sáng của bác ái yêu thương để đối xử khoan dung nhân ái với nhau. Thế giới hôm nay rất cần ánh sáng của niềm tin để xoá tan nghi kỵ, hiểu lầm. Ánh sáng của tình yêu để cảm thông nâng đỡ nhau. Ánh sáng của bao dung để xoá bỏ hận thù, chiến tranh. Ánh sáng ấy cần tỏ hiện trong từng gia đình. Nơi mà các thành viên cần phải là ánh sáng để dẫn dắt nhau. Nơi gia đình không thể thiếu ánh sáng niềm tin, tình yêu và tha thứ. Cần có ánh sáng của niềm tin để mọi người tin tưởng lẫn nhau. Không có niềm tin gia đình sẽ không có thuận hoà, chỉ có đố kỵ và ghen tương. Gia đình cần có ánh sáng tình yêu và tha thứ để mọi người biết cảm thông và nâng đỡ nhau, hầu giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.

Ước gì đời sống của người ky-tô hữu chúng ta luôn toả sáng những hành vi bác ái, yêu thương, những nghĩa cử nhân ái bao dung để nâng đỡ những ai đang cô đơn, thất vọng, đang sống trong cảnh lầm than tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Amen.

 

75. Gặp Chúa – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền.

Một cậu bé lần nọ quyết định sẽ đi gặp bằng được Thiên Chúa. Cậu biết rằng chuyến đi sẽ dài và vất vả lắm nên xếp vào túi xách bánh và thức uống.

Khi đã đi qua ba dãy phố, cậu bé gặp một bà lão. Bà ngồi trong công viên, đôi mắt dừng lại ở những chú chim bồ câu. Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở túi xách của mình. Hình như bà lão đang đói, cậu bé nhận ra điều này và mời bà một chiếc bánh. Bà lão cười với cậu. Nụ cười dịu dàng đến nỗi cậu bé muốn nhìn thấy nó hiện ra một lần nữa. Cậu lại mời bà thức uống. Nụ cười lại hiện ra trên khuôn mặt phúc hậu của bà làm cậu cảm nhận được sự ấm áp. Họ ngồi suốt buổi chiều ăn uống và không nói một lời.

Mãi đến khi trời sụp tối cậu bé mới rời chỗ. Rồi bất ngờ cậu quay lại, chạy đến chỗ bà lão và ôm lấy bà từ biệt. Món quà mà bà lão đã tặng cho cậu là nụ cười đẹp và rộng mở nhất của mình.

Khi cậu bé mở cửa vào nhà, người mẹ vô cùng ngạc nhiên vì nét rạng rỡ còn ngập tràn trong ánh mắt cậu: - Điều gì hôm nay đã làm con hạnh phúc vậy?

Cậu bé đáp:

- Con đã ăn trưa với Chúa. Mẹ biết không, Chúa có nụ cười tuyệt đẹp trên đời!.

Trong khi đó bà lão cũng bừng tỉnh với niềm vui và trở về nhà. Đứa con trai nhận ra vẻ thanh thản trên gương mặt mẹ và hỏi:

- Điều gì hôm nay đã làm mẹ hạnh phúc?

Bà lão đáp:

- Mẹ đã ăn bánh cùng với Chúa bên cạnh những chú chim bồ câu. Con biết không, Chúa trẻ trung hơn chúng ta ngỡ rất nhiều.

Khi làm người, Con Thiên Chúa đã sinh ra trong thân phận người nghèo. Ngài đã chọn chốn hang bò lừa làm nơi để sinh. Ngài đã chọn gia đình nghèo làm gia đình của mình. Ngài đã hoà mình như bao người lao động nghèo làng quê Nagiaret. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó đến độ không có nơi gối đầu. Ngài còn tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Ngài còn hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai đón nhận Ngài qua những người đói, rách, tù đầy...

Cậu bé trong câu chuyện đã tìm gặp Chúa nơi bà lão nghèo ngoài công viên. Và bà lão cũng tìm gặp được Chúa qua tình yêu của cậu bé dành cho bà. Có thể nói tình yêu đã nối kết họ nên một trong tình yêu Chúa. Tình yêu đã giúp họ nhận ra Chúa nơi người mình đang tiếp xúc. Ước mơ của cậu bé là mong được nhìn thấy Chúa đã thành hiện thực khi cậu trao ban miếng bánh thơm ngon cho bà lão. Cậu cũng đâu ngờ rằng tình yêu của cậu làm cho bà lão nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tấm lòng nhân ái của cậu.

Năm xưa, ba nhà đạo sĩ đã tìm gặp Chúa không phải nơi cung điện nguy nga, nhưng lại là nơi đồng hoang mông quạnh. Họ đã gặp vị quân vương vừa mới hạ sinh nơi máng cỏ hôi tanh của đám bò lừa. Họ đã bái quỳ trước một hài nhi bé nhỏ con của một gia đình nghèo khó. Họ đã dâng cho hài nhi những lễ vật quý giá là vàng, nhũ hương và mộc dược, tượng trưng cho quyền bính của vị quân vương.

Hôm nay, Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta qua tha nhân là hình ảnh của Chúa. Chúa còn hiện diện cách đặc biệt qua những người nghèo khó, những người già neo đơn, những người đau yếu đang sống trong cô đơn tuyệt vọng. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta dâng cho Chúa tình yêu hiến thân phục vụ tha nhân một cách quảng đại. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi anh em đang sống bên cạnh chúng ta. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy dâng tặng cho Chúa món quà quý hoá nhất chính là tấm lòng biết yêu thương.

Ước gì mỗi người chúng ta biết dâng tặng cho Chúa món quà của yêu thương để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Amen.

 

76. Một vì sao xuất hiện

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Tình cờ tôi được nghe hai cô gái nói chuyện

Cô A: Hình như bạn và anh ấy đã chia tay?

Cô B: Chúng mình không hợp nên chia tay rồi

Cô A: Thế cái thai trong bụng của bạn thì sao?

Cô B: Mình bỏ rồi...

“Mình bỏ rồi” sao nghe dễ dàng thế! Yêu nhau có thai - không cưới - rồi bỏ. Hóa ra thai nhi chỉ là một vật bên ngoài tình yêu. Còn yêu nhau thì giữ nếu chia tay thì bỏ. Hóa ra sự sống thai nhi chẳng có giá trị gì khi họ không còn yêu nhau. Xem thường giá trị sự sống người ta cũng lạnh lùng vứt bỏ nếu không thấy có lợi cho bản thân của họ. Cho dù thai nhi vô tội nhưng để trả thù người yêu, để che dấu người đời, để tránh nghèo đói... người ta vẫn đang tâm vứt bỏ các thai nhi.

Tại Bình Lâm có nghĩa trang Thai Nhi mà chúng tôi đặt tên là “Vườn Thánh Thai Nhi”. Vườn thánh được thành lập ngày 04.03.2011 tới nay đã chôn cất gần 3000 thai nhi. Đây là một làng quê rất yên bình gồm những con người nông dân hiền hòa chất phác sao bỗng dưng lại ác độc đến lạ thường. Mỗi ngày trung bình có 10 bà mẹ giết hại các thai nhi. Nhìn các thai nhi có khi chỉ là một giọt máu bọc trong khăn cũng khiến chúng ta đau lòng. Sao lại nhẫn tâm thế. Các thai nhi là giọt máu của họ cơ mà? Sao lại cạn tình đến vứt bỏ giọt máu đào của mình!

Có đôi lần tôi hỏi một vài bà mẹ: Tại sao lại bỏ con. Người thì bảo tại nhà đông con quá rồi. Người thì bảo tại nhà nghèo. Kẻ thì bảo tại chồng không thương. Hóa ra chỉ vì trẻ nhỏ này sinh ra không có lợi cho mình nên cam tâm dứt bỏ.

Chúa Giê-su cũng từng là tâm điểm để người ta chống đối, gạt bỏ. Họ là những Hê-rô-đê sợ mất ngai vàng. Họ là những biệt phái luật sĩ sợ bị phơi bày ra ánh sáng việc làm giả hình của họ. Họ là những người dân quê thiếu hiểu biết lại hùa theo đám đông để kết án Chúa.

Hoàn cảnh của Chúa Giê-su cũng giống như hoàn cảnh của các thai nhi hôm nay. Người đời có muôn ngàn lý do để gạt bỏ quyền sống của các thai nhi vô tội! Người đời cũng có muôn vàn cách để loại trừ một mầm sống thật thánh thiện trong sáng như các vì sao trên trời.

Thế nhưng, giữa một không gian đầy sự dữ ấy vẫn còn có những con người lặng lẽ đi tìm hài nhi Giê-su. Họ là các đạo sĩ từ phương đông. Họ nhìn thấy hài nhi không phải là một gánh nặng mà là một quân vương. Họ đến để triều bái hài nhi.

Ở Mỹ người ta nói: “Mỗi một trẻ nhỏ đều có thể là một tổng thống Hoa Kỳ”. Nếu ở đời người ta đều nhìn trẻ nhỏ với một tương lai tốt như thế có lẽ sẽ không còn những nghĩa trang thai nhi đông đảo như hôm nay. Nếu con người biết nhìn các thai nhi với cái nhìn tích cực thì sẽ bớt đi những tội ác giã man mà con người hôm nay đang hành động trên sự sống của các thai nhi.

Chúa hiển linh trong thân phận một hài nhi. Ngài muốn mời gọi con người hãy tôn trọng sự sống, hãy bảo vệ sự sống. Ngài muốn nhắc nhở rằng chính Ngài vẫn đang hiển linh nơi những hài nhi nhỏ bé đang hiện diện trước mặt chúng ta. Ước gì chúng ta biết nhìn các thai nhi như các vì sao trên trời luôn chiếu sáng, luôn mang lại lợi ích cho cuộc sống để nhờ đó chúng ta yêu quý sự sống, bảo vệ sự sống và đón nhận sự sống như món quá Chúa ban. Xin đừng nhìn các thai nhi là gánh nặng để rồi tẩy chay hay vứt bỏ. Amen.

 

77. Thiên Chúa cho ai nhận biết Người?

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Như đã nói, thật là dại dột nếu muốn xem ký sự của thánh Matthêu như một phóng sự lịch sự tuyệt đối chính xác. Sự kiện đã xảy ra thật, được thánh chép sử- hoặc cựu truyền mà ông nhắc lại lồng trong một hình thái ký sự hoà hợp với văn hoá Cựu Ước và não trạng người đương thời. Những sự kiện rất thật lẫn lộn với những yếu tố được rút ra từ ký ức tôn giáo của dân tộc và cả từ Kinh Thánh nữa. Đối với chúng ta, điều chủ yếu là thu lượm ký sự này lời giáo huấn mà thánh sử muốn truyền đạt. Vả lại ông cũng không chú ý đến sự kiện lịch sử vì bản chất của nó, chỉ cốt soi sáng để làm nổi rõ tầm mức của sự kiện.

1) Sự kiện ba nhà Đạo sĩ đến thờ lạy ‘Vua của người Do Thái’ làm cho Hêrôđê động tính hiếu kỳ, rốt cục nổi giận, sự kiện đó cho thấy Đức Giêsu được thụ phong một vương quyền thời đó, thánh Matthêu đem đối chiếu thái độ các đạo sĩ nó tương phản với cách xử sự của Hêrôđê. Một bên là những người tìm kiếm Chúa – bên kia là một ông vua chuyên chế bị tư lợi và kiêu ngạo làm mờ mắt. Điều này mời chúng ta nhớ lại tính chất của Vương quyền Chúa. Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh, và đã vào trong Vinh Quang Nước Người. Mọi vật điều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi người. Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện, hơn nữa, để khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhượng và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng Đức Vua, Đấng mà những kẻ phụng sự cũng là những kẻ thống trị có quyền bính. Triều đại Chúa là một triều đại của Chân Lý và sự sống của ân sủng và thánh thiện, của công lý tình yêu và hoà bình’ (Ánh sáng muôn dân, 36). Sự phủ phục của các đạo sĩ dưới chân Hài Nhi Giêsu nhắc chúng ta nhớ lại điều này: muốn nhận biết Thiên Chúa thì phải ao ước thánh thiện, công lý, tình yêu và hoà bình. Ngược lại, hướng của Hêrôđê chứng minh rằng khi lòng bị sa lầy trong tham vọng, khắc nghiệt, bất công, thì trí sinh mù quáng.

2) Tại sao sau khi cho tin đúng, cấp lãnh đạo dân tộc và những ký lục không chịu khó đi tìm ‘Vua của người Do Thái’. Chắc là vì họ không cho rằng công phu tìm kiếm của các đạo sĩ là quan trọng. Có thể đây là hạng người thần cảm – họ nghĩ vậy – còn mình là cấp hữu trách, mình phải sáng suốt. Bất hạnh thay, lý trí họ đã biến thành chủ trương hệ thống hoá cứng rắn. Đa số trong bọn họ thành tâm muốn trung thành với Thiên Chúa, nhưng lại dựng lên giữa Thiên Chúa và họ một hệ thống chủ thuyết – lý luận, định kiến – hệ thống đó khiến cho trí tuệ họ không thể hấp thụ được cái chưa từng thấy, cái bất ngờ. Đó là tình trạng của bất cứ khoa học nào không quan tâm trước hết đến sự cởi mở do cầu nguyện đem lại. Càng thu thập về kiến thức vế trí tuệ, càng phải phát triển kiến thức về tâm hồn, là loại kiến thức giữ cho tâm khảm trong tư thế sẵn sàng nghênh tiếp những sự can thiệp của Thiên Chúa. Cấp lãnh đạo dân Do Thái đã không nhận ra Đức Giêsu vì họ muốn Đấng Cứu Thế hiển linh ở trình độ họ, trong uy thế của quyền bính, thông tuệ, hành động. Nhưng Đấng Cứu Thế đó lại xuất hiện với nét mặt một đứa trẻ, con nhà nghèo. Những kẻ khiêm nhượng và những kẻ nghèo hèn đã nhận ra Ngài. Chúng ta tự hỏi: chúng ta đi tìm kiếm Đức Giêsu ở đâu?

home Mục lục Lưu trữ