Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1374940
MỘT TÌNH YÊU KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC
Một Tình Yêu không thể tin được
(Chú giải và Suy niệm của Lm Px. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh và Bố cục
Sách các Dấu lạ của TM IV (2,1–12,50) nói về các dấu lạ lồng vào một cái khung thời gian nhằm giới thiệu chân tính của Đức Giêsu, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô (3,1-21) nằm trong phần đầu (2,1–4,54), phần này có bố cục như sau:
A (2,1-11.12): Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước thành rượu (c. 12 là câu chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian]sang đoạn sau).
B (2,13-22.23-25 +): Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối thoại với người Do-thái về Đền Thờ mới (cc. 23-25 là những câu “làm cầu” nối 2,13-22 với 3,1-21).
C (2,23-25; 3,1-21): Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.
C’(3,22-36; 4,1-3 +): Đối thoại của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông về chú rể đến từ trên cao và diễn từ về sự sống (Đoạn 3,22-24 là dẫn nhập chuyển tiếp. Đoạn 4,1-3 là những câu “làm cầu” nối [vì kết] 3,22-36 với [vì chuẩn bị cho] 4,4-42; đoạn này minh nhiên quy chiếu về 3,22-23 và hướng tới 4,43-45).
B’(4,1-3.4-42): Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng sống và việc phụng tự đích thật.
A’(4,43-45.46-54): Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một quan chức nhà vua (cc. 43-45 là đoạn chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian] từ 4,4-42 sang 4,46-54).
Chúng ta thử xác định cấu trúc của phân đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị trí của cc. 14-21). Về hình thức bản văn, chúng ta ghi nhận rằng Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba câu nói của ông, Đức Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo thật ông” (cc. 3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]). Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8 liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc. 11-15 liên hệ đến Con Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha. Nếu tổng hợp hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố cục của 3,1-21 như sau:
* Câu 3,1: Dẫn nhập cho toàn bài (nối 2,23-25 với ch. 3).
1. Phân đoạn 1 (cc. 2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần thiết để được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.
(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.
(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi Thần Khí.
2. Phân đoạn 2 (cc. 9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên cùng Cha, và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.
- cc. 9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.
(a) cc. 11-15: Con phải lên cùng Cha (để ban Thần Khí).
(b) cc. 16-21: Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ này.
Theo R.E. Brown, tác giả TM IV đã để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra lược đồ ngài theo để tổ chức bản văn.
Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân Israel, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).
Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):
(a) Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn kết thúc với đề tài người ta phải bỏ bóng tối để đến với ánh sáng.
(b) Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư từ Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian (c. 17) như là ánh sáng cho thế gian (c. 19).
(c) Nếu chúng ta coi 2,23-25 như là phần mở đưa vào “xen” Nicôđêmô, chúng ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến những người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa đáng vì họ không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức Giêsu nhấn mạnh rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
2.- Vài điểm chú giải
- Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.
- ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
- Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapaô ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapaô được diễn tả ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.
- đã ban (16): Đông từ didomi không chỉ nhắm đến cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidomi, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didomi ở Gl 1,4.
- Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellô này song song với “ban” (didomi) ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempô (26 lần) và apostelô (18 lần).
- Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong Ga thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.
- không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.
- được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).
- vì đã không tin (18): Mê pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.
- tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức Giêsu.
- làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ “làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu nói Sê-mít.
3.- Ý nghĩa của bản văn
* Con phải lên cùng Cha (11-15)
Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính bản thân chúng ta.
Làm thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.
* Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết (16-21)
Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.
Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa, nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài? Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa! Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh sáng của tình yêu Ngài.
+ Kết luận
Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!
4.- Gợi ý suy niệm
1. Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).
2. Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.
3. Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.
4. Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).
44. Chú giải của Noel Quesson
Phải mất ba thế kỷ, các Công đồng của Giáo Hội mới định nghĩa chính xác Ba Ngôi. Nhưng ngay từ lúc khởi đầu, mọi sự đã được đem đến trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng của Thánh Gioan. Cuộc đàm thoại với Nicôđêmô mà chúng ta đọc hôm nay là một đoạn trích ngắn, thật sự đã làm cho chúng ta khám phá một điều gì đó chủ yếu: “tranh luận" hẳn là không đi tới đâu, phải đi theo Đức Giêsu và dấn thân với Người. ông Nicôđêmô đại diện cho các môi trường trí thức Do Thái ông là bậc thầy trong dân Israel (Ga 3,10)... Tuy nhiên ông không hiểu! trước tiên Ba Ngôi không phải là một vấn đề hóc búa của trí tuệ mà một thực tại đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu! Và tình yêu này mang một khuôn mặt: Đức Giêsu trên thập giá. Gioan là tông đồ duy nhất đã dám đối mặt với cảnh tượng ấy của tình yêu điên rồ của Thiên Chúa, khi tham dự vào bi kịch trên đồi Golgotha, cả cuộc đời Ngài, thánh Gioan đã suy niệm trước Đức Giêsu “được gương cao” khỏi mặt đất trước mắt Ngài. Thánh Gioan đã nói với chúng ta sự suy niệm ấy. Đồng thời nó cũng là chân lý sâu xa nhất về căn tính của Đức Giêsu.
“Thiên Chúa yêu đến nỗi..."
Trước khi đi xa hơn trong câu này, tôi để cho những chữ ấy thấm vào người tôi.
Vậy ra đây là vấn đề tình yêu. Và một tình yêu sẽ làm những chuyện điên rồ người ta đã đoán ra điều đó trong trạng từ "đến nỗi"...
Israel biết rằng Thiên Chúa yêu thương. Toàn bộ Cựu ước là một chung cư về điều đó. Bài đọc đầu tiên cho chúng ta nghe lại mặc khải với Môsê trong sa mạc Sinai:"Ta là Đức Chúa Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,4-9). Vâng, toàn bộ Kinh Thánh đều biết tình yêu của Thiên Chúa nhưng không một ai có thể đoán được tình yêu ấy đi tới mức nào?
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi..."
Từ thế gian mà trong tiếng Hy Lạp là “kosmos", trong Tin Mừng Thánh Gioan thường có nghĩa xấu, ở đây cần biết rằng thế gian, toàn vũ trụ được Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương thế gian mà Người đã làm ra. Người ta thương yêu cái gì mình đã làm ra. Nhưng cần biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương một ‘anh nọ’ và một ‘chị kia’. Và tôi đặt những khuôn mặt cụ thể được yêu thương hoặc không... trên những từ ấy. Thiên Chúa đã yêu thương anh X. đến nỗi... Thiên Chúa yêu thương chị Y đến nỗi.
'Thiên Chúa yêu thế gian đến nối đã ban..."
Hai động từ này: ‘yêu’ ‘ban’ ở thì quá khứ bất định trong ngôn ngữ Hy lạp và dịch thì quá khứ trong tiếng Pháp (trong tiếng Việt là “đã yêu” và “đã ban”). Thiên Chúa đã yêu và đã ban. Đây là một hành động chính xác, có ngày giờ nơi chốn. Quả thật! Đức Giêsu Nagiaret con của Bà Maria, con người thật đã can thiệp vào lịch sử cách nay hai mươi thế kỷ trong một xã hội của Đế quốc La mã đồng thời đó cũng là một biến cố của hoàn vũ đã biến đổi triệt để lịch sử của nhân loại. Kinh Tin Kính của chúng ta không phải là một chuỗi các ý tưởng, nhưng là một chuỗi "sự kiện": Thiên Chúa đã sáng thế, Đức Giêsu đã được trinh thai bởi Chúa Thánh Thần; Người đã đau khổ, đã chết đã sống lại...
Phụng vụ của chúng ta không phải là những ngày lễ các ý tưởng: Chúng ta không mừng lễ công lý, tình huynh đệ và cả đức tin. Cách nói: "lễ đức tin tạo ra sự lẫn lộn. Tin Mừng không phải là sách bàn về học thuyết, là một "tường thuật kể lại các biến cố... mà tác giả là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là "chủ thể" của hành động: Người yêu... Người ban...
“Người đã ban Con Một...”
Nếu đọc lướt qua nhanh câu này, người ta có thể chỉ nghĩ đến sự Nhập Thể: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người! Nhưng có một tính từ nhỏ: Con "Một" tính từ ấy xem ra có thể tầm thường với bất cứ người nào không biết Kinh Thánh. Vả lại, đối với thính giả Do Thái, hai từ ấy (Con, Con Một) nhắc đến một đoạn văn của Cựu Ước trong trí nhớ của mọi người: vị đại tổ phụ sáng lập đức tin, Abraham đã chấp nhận hiến tế con trai, con duy nhất của ông (St 22,2-22,16). Đối với Gioan điều này ám chỉ đến sự “tận hiến” trên đồi Golgotha, chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Trong một câu trước, Gioan đã nói với chúng ta rằng: “Con Người phải được giương lên như con rắn đồng trong sa mạc” (Ga 3,14). Thánh Phaolô cũng đã viết: ‘Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Tình yêu ấy là vô cùng tận! sự điên rồ của tình yêu.
“Để ai tin vào con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng như chúng ta biết rõ, để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ … mà phải có sự tương ứng, đón nhận, đáp trả, … đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa: người ta trao đức tin cho người khác, người ta làm cho người ấy tin tưởng, tín thác cho nhau, người ta được “đính hôn”!
Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Đó là một song luận khắc nghiệt: hoặc là …hoặc là.. đó là một chọn lựa quyết định: trong trường hợp này người ta không sống, trong trường hợp kia người ta được sống… không có con đường trung bình mà là sự phân đôi triệt để khốc liệt. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa. Và theo nhà văn Bernanos, Xatan muốn làm chúng ta trở thành “Ông Ouinn”… là ông vừa nói “có” (oui) và “không” (nn.. non) ông nước đôi đó nói “có” khi bắt đầu nói “không”.
“Quả vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”.
Tư tưởng này của Đức Giêsu rất cách mạng. Trong đạo Do Thái cùng thời với Đức Giêsu, người ta thường loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đến tiêu diệt thế giới tội lỗi. Các thủ bản ở Qumran chứa đầy quan niệm ấy của phái Manikêu: con cái của ánh sáng sẽ tiêu diệt con cái của bóng tối trong một cuộc chiến đấu một mất một còn, không khoang nhượng. Gioan Tẩy Giả gần với tâm thức đó, cũng chờ đợi một Đấng Mêsia trả thù và xét xử (Mt 3,10-12).
Nhưng quan điểm của Kitô giáo về thế gian thì hoàn toàn quân bình hơn. Không phải là một quan điểm lạc quan, bịt mắt trước sự xấu ác và không nghe thấy khát vọng bao la về một “thế giới tốt đẹp hơn”… cũng không phải là quan điểm bi quan luôn luôn lặp lại rằng thế giới thì xấu xa… nhưng là một quan điểm “cứu độ” thừa nhận sự xấu ác của thế gian nhưng không phải lên án nó, nhưng để cứu nó! Đức Giêsu cứu thế thật tuyệt vời!
Còn chúng ta thì sao? có phải chúng ta là những môn đệ của Đức Giêsu ấy không? chúng ta có yêu thương thế gian như Thiên Chúa không? nghĩa là bằng sự đấu tranh chống lại điều ác và tội lỗi của thế gian để cứu độ nó. Tình yêu thương của chúng ta có tính “cứu chuộc” không? nghĩa là trước hết phải thực hiện và sáng suốt trên những khuyết điểm và tội lỗi của anh em chúng ta (cả chúng ta nữa) bị lệch lạc méo mó nhưng chúng ta cũng phải có đủ lòng nhân hậu để cứu giúp họ ra khỏi tình trạng ấy và ban cho họ cơ hội để đổi mới…
Tôi còn phải cầu nguyện nhiều về hai từ: ‘không nên đoán xét’ mà hãy ‘cứu’.
“Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án…”
Đối với Đức Giêsu, đức tin thoát khỏi sự phán xét. Như thể sự phán xét đã “hiện đại hoá” vào ngày hôm nay, và đặt vào đôi tay của con người: chính con người tự phán xét mình. Và Đức Giêsu nói rằng đức tin là sự phán xét ấy: “ai tin là người được cứu, còn ai không muốn tin đã bị lên án rồi…”
“Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”.
Chúng ta thấy những lời này rất nghiêm khắc, bởi vì chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người không tin, trong vòng bà con hoặc trong chính gia đình chúng ta, và trong thế giới bao la đó những nền văn minh lớn hoàn toàn không có được khả năng biết Đức Giêsu. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ ra khỏi Tin Mừng các công thức căn bản ở đó con người bị thúc bách phải chọn lựa “theo” hoặc “chống”…”có” hoặc “không”…tuy nhiên phải có sự phân biệt chủ yếu:
1. Khi gởi đến các Kitô hữu đã thật sự tuyên xưng đức tin, thì lời cảnh báo nghiêm khắc ấy tức là không được chối bỏ đức tin mà mình đã tuyên xưng là một lời mời gọi không ngừng lặp lại sự tuyên xưng ấy bằng cách mỗi ngày canh tân sự chọn lựa sống theo Đức Giêsu Kitô của mình: nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!".
2. Về phần mọi người khác, chưa bao giờ có cơ hội chọn lựa Đức Giêsu một cách thật sự có ý thức, cá nhân là trưởng thành... thì điều mà chúng ta biết về tình yêu Thiên Chúa (Đấng đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian mà để cứu độ nó), cho phép chúng ta hy vọng rằng nhiều người trong số những người thực tế 'không theo Đức Giêsu cũng đã theo Người dù họ không biết điều đó (và quả là thiệt thòi cho họ) bằng cách sống làm người của họ "theo Đức Giêsu Kitô" nghĩa là "phó dâng đời sống mình bởi tình yêu như Người!"
"Vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa"
Và một lần nữa chúng ta biết chọn lựa ấy khẩn thiết như thế nào... ngay từ bây giờ. Nhưng trong một đoạn văn song song khác, Đức Giêsu sẽ nói rằng một "kỳ hạn của ân sủng" sẽ được ban cho con người, bởi vì chỉ đến ngày sau hết mà "lời của Đức Giêsu sẽ xét xử những kẻ từ chối Người (Ga 12,47-50). Điều đó không loại bỏ sự khẩn thiết của ngày hôm nay... nhưng tất cả đời sống của chúng ta mỗi ngày là sự phán xét của chúng ta...
Để kết thúc sự suy niệm này, chúng ta biết rõ hơn tại sao trang Tin Mừng này được chọn cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề mà người ta đề cập như một sự trình bày lý thuyết và trừu tượng... đó là một thực tại của tình yêu người ta bước vào thực tại ấy để sống tình yêu ngay từ HÔM NAY bởi đức tin trong Đức Giêsu.
45. Dấu Thánh nhiệm mầu.
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này hàng ngày.
1. Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.
ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.
Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.
2. Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.
Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.
Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.
Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.
Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).
Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.
Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.
Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.
3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.
Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.
- Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.
- Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.
- Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.
- Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.
Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.
Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen.
46. Dấu Thánh Giá
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Te-tu-li-a-nô, đã viết: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phao-lô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu Thánh giábên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trước hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệmvề đời sống thấm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha.
Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩ, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.
Khó hiểu quá phải không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, công đồng Côn-tăng-ti-nốp năm 381, công đồng La-trăng IV năm 1215, công đồng Li-ông II năm 1274, công đồng Fơ-lo-ren năm 1439.
Mầu nhiệm Ba ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam