Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Tổng truy cập: 1365427

MÙA CHAY ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG

MÙA CHAY ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG –  Lm. Đan Vinh HHTM

 I/. HỌC LỜI CHÚA

1/. TIN MỪNG : Lc 9,28b-36.

(28b) Hôm ấy Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (30) Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. (31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (32) Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Ê-li-a, và một cái cho ông Mô-sê”. Ông không biết mình đang nói gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh. Và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

2/. Ý CHÍNH : CHÚA HIỂN DUNG TRƯỚC MẶT MÔN ĐỆ.

Cuộc hiển dung của Đức Giê-su xảy ra vào khỏang tám ngày sau khi Người tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp trải qua. Ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được theo Đức Giê-su đi lên núi. Đã được chứng kiến Thầy Giê-su biểu lộ dung nhan Thần Tính và đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a về “cuộc Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (c.31). Các ông cũng được nghe lời Chúa Cha tuyên phán : “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người”.

3/. CHÚ THÍCH :

– C 28b-29 : + Đức Giê-su lên núi : Đây có thể là núi Héc-mon, cao 2.795 mét ở gần thành Xê-da-rê Phi-líp. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải cho núi đó là Tha-bo, cao 562 mét, cách thành Xê-da-rê Phi-líp một đoạn đường, đi bộ mất từ 6 đến 8 ngày. Cầu nguyện Tin mừng Lu-ca đã ghi lại nhiều lần Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 10,21; 22,41-42; 33,34.46). + Đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê : Đây là ba môn đệ thân tín nhất, sau này ba ông cũng sẽ được chứng kiến giờ đau khổ tột cùng của Thầy trong vườn Cây dầu trước khi bị bắt (x. Mt 26,37). Vì thế hôm nay Đức Giê-su cho các ông thấy trước vinh quang của Người, hầu có thể vượt qua thử thách ấy.

– C 30-31 : + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a Mô-sê là một vị mục tử tài ba, sống vào thế kỷ XII trước công nguyên. Ông có công cứu con cháu Gia-cóp thóat ách nô lệ cho dân Ai cập, biến dòng tộc Gia-cóp trở thành một dân tộc có luật pháp, tôn giáo và quân đội… Cuối cùng Mô-sê đã thành công trong việc đưa dân tộc Ít-ra-en về tới hứa địa là xứ Ca-na-an. Mô-sê là tiền ảnh của Đức Giê-su sau này.- Ê-li-a : là một ngôn sứ sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên vào thời các Vua. Ông có công chấn hưng tôn giáo, giải thóat dân Ít-ra-en khỏi sự tôn thờ thần tượng của dân ngoại. Ông là tiền ảnh của Gio-an Tiền sứ, có sứ vụ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai sau này (x Ga 1,21; Mc 9,11).- Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển : Vì được tham phần vào công trình cứu độ, nên Mô-sê và Ê-li-a cũng được tham phần vào vinh quang của Đức Giê-su.- Nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem : Cuộc “Xuất hành” của Đức Giê-su gồm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, sắp được Người hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem.

– C 32-33 : + Ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt : Sự kiện các môn đệ ngủ mê cho thấy cuộc biến hình xảy ra vào ban đêm. Sự kiện này tương tự như sau này, ba ông cũng ngủ mê khi Đức Giê-su cầu nguyện trước khi bị bắt trong vườn cây Dầu (x Mt 26,40.43.45). Chúng con xin dựng ba cái lều : một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê và một cái cho ông Ê-li-a : Câu này cho thấy người Do thái đang mừng lễ Lều trại tại Giê-ru-sa-lem (x. Lv 23,33-34 ; Ds 29,12-38).

– C 34-36 : + Có một đám mây bao phủ các ông : Nhắc lại đám mây bao phủ dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất hành (x. Xh 40,35). Khi truyền tin, sứ thần cũng đề cập tới quyền năng Thiên Chúa sẽ bang trợ cho Ma-ri-a như sau : “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). + “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn” : Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Con, và là “Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 49,7). Trong cuộc khổ nạn, các thủ lãnh Do thái cũng nói rằng : “Nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Người được tuyển chọn” (Lc 23,35). + “Hãy vâng nghe lời Người!” : Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14). Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho loài người (x. Ga 3,34) và Lời Người cần phải được đón nhận. Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su : Cuộc hiển dung chấm dứt sau lời tuyên phán của Chúa Cha. Các môn đệ im lặng, chờ ngày các mặc khải kia được ứng nghiệm.

4/. CÂU HỎI : 1) Đức Giê-su đã biến hình trên núi cao là núi nào ? 2) Tại sao Đức Giê-su cho ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được chứng kiến việc biến hình vinh quang của Người ? 3) Hai nhân vật nào của Cựu ước đã hiện ra khi Đức Giê-su hiển dung và ba vị đã nói chuyện nội dung về vấn đề gì ? 4) Cuộc biến hình xảy ra vào ban ngày hay ban đêm ? Bằng chứng ? 5) Đám mây bao phủ ba môn đệ nói lên điều gì ? 6) Chúa Cha đã giới thiệu Đức Giê-su là ai ?

I/. SỐNG LỜI CHÚA

1/. LỜI CHÚA : “Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29).

2/. CÂU CHUYỆN :

1) ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG LÀ BẰNG CHỨNG CỦA MỘT ĐỨC TIN THỰC SỰ :

Tân là một thanh niên chuyên bán thịt bò tại một cửa hàng thịt trong chợ An Đông. Anh nổi tiếng là người bán hàng gian dối khi thỉnh thoảng lại bán thịt heo giả làm thịt bò và còn thường hay cân thiếu cho khách hàng. Một ngày nọ, có người thấy anh theo học khóa giáo lý dự tòng để chuẩn bị kết hôn với một cô gái công giáo và sáu tháng sau anh đã được lãnh ba bí tích khai tâm gia nhập đạo. Nghe tin anh theo đạo, nhiều người quen biết tỏ vẻ không tin vì cho rằng anh chỉ giả bộ theo đạo để lấy vợ như câu người đời thường mỉa mai : “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”. Nhưng sau nhiều ngày thấy anh cùng vợ thường xuyên đi dự lễ Chúa Nhật và luôn tỏ thái độ vui vẻ thân thiện với mọi người, nhất là sau khi kiểm tra thấy việc buôn bán của anh không còn cảnh cân thiếu hay lừa đảo như trước thì họ mới tin anh đã thực tâm tin theo Chúa.

Lời Chúa Giê-su : “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,15-20).

2) SÁM HỐI NHẬN LỖI VÀ QUYẾT TÂM TRỞ THÀNH NGƯỜI TỐT :

LISZT là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng khắp nước Hungary vào cuối thế kỷ 19. Nhưng càng nổi danh ông lại càng bị nhiều người mạo danh lợi dụng.

Một hôm tại một thành phố bên Đức, một thiếu nữ đã quảng cáo sẽ trình diễn một buổi độc tấu dương cầm và cô ta tự xưng mình là học trò của nhạc sĩ Liszt nổi danh. Nhưng một ngày trước buổi biểu diễn, cô rất lo lắng khi nghe tin nhạc sĩ đại tài đó sẽ có mặt tại nơi cô sắp biểu diễn. Như thế sự mạo danh học trò của nhạc sĩ Liszt của cô sẽ bị mọi người hay biết và một tương lai đen tối đang chờ đón cô. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô gái này đã can đảm đến xin gặp nhạc sĩ và thú nhận tội đã mạo danh học trò nhạc sĩ của cô. Sau khi nghe xong, nhạc sĩ thay vì nổi giận, đã ôn tồn nói như sau :

– Cháu đã phạm lỗi mạo danh học trò của ta. Nhưng trên đời mấy ai mà không phạm phải sai lầm. Hôm nay cháu đã khiêm tốn nhận lỗi và xin tha. Như vậy là tốt lắm rồi. Bây giờ cháu hãy biểu diễn thử cho bác xem tài năng của cháu đến đâu.

Cô liền ngồi lên dương cầm, đánh các bài sắp biểu diễn vào ngày mai cho nhạc sĩ kiểm tra. Sau khi nghe xong, nhạc sĩ đã sửa lại một ít sai sót của cô rồi cuối cùng ông nói với cô như sau :

– Dù bác mới chỉ dạy cho cháu một thời gian ngắn, nhưng bác vẫn công nhận cháu chính là học trò của bác. Ngày mai cháu cứ tiếp tục trình diễn và loan báo cho mọi người như sau : Chính nhạc sĩ LISZT sẽ đích thân trình tấu bản nhạc cuối cùng.

Cách ứng xử khoan dung nhân hậu của nhạc sĩ Liszt nói trên minh hoạ phần nào về lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa đối với những sai lỗi của chúng ta. Mùa Chay chính là thời gian thuận tiện để chúng ta hồi tâm sám hối và quyết tâm sửa đổi trở nên người mới đẹp lòng Thiên Chúa noi gương Chúa Giê-su.

3) ƯỚC MUỐN TẨY TRẮNG LÀN DA :

Trên một khu đất ven rừng có một gia đình người da đen sinh sống. Gia đình gồm hai vợ chồng và một cậu bé trai 9 tuổi. Cậu bé được đi học tại một trường tiểu học cách nhà không xa. Giữa đám học sinh da trắng, chỉ mình cậu là da đen. Cậu bé da đen thường bị bạn học trêu chọc bắt nạt nên cảm thấy rất khó chịu và muốn cho da mình trở thành da trắng như các  bạn khác.

Một hôm, đầu giờ học thầy giáo điểm danh thấy vắng mặt cậu học sinh da đen. Một em cho biết đã thấy trò da đen bên bờ suối nước gần trường. Thầy giáo liền cùng mấy em khác đi tìm và đã thấy cậu bé da đen đang ngồi bên dòng suối, lấy tay xúc cát ướt và ra sức kỳ cọ lên hai cánh tay da đen của mình. Thỉnh thoảng cậu lại dừng lại kiểm tra xem da đã bớt đen chưa. Nhưng dù đã cố gắng, cậu vẫn không sao tẩy sạch đi mầu đen trên làn da được. Bấy giờ thầy giáo liền đến gần hỏi : “Em đang làm gì vậy ?” Cậu giật mình thưa : “Con đang cố kỳ sạch hết màu đen trên da của con, để nên giống chúng bạn. Nhưng từ sáng đến giờ con cố kỳ cọ mà vẫn không sao tẩy trắng được làn da đen của con !

Cậu bé da đen muốn tẩy đi mầu đen trên da để dễ hòa nhập với chúng bạn nhưng không thể được. Còn đối với các tội nhân chúng ta nếu muốn tẩy sạch các vết nhơ trong tâm hồn lại có thể làm được dễ dàng nhờ lòng ăn năn sám hối tội lỗi và thành tâm xưng thú nơi tòa giải tội.

4) TÔN KÍNH VÀ VÂNG LỆNH ĐỨC VUA :

Có một nhà vua kia, một hôm cho triệu tập các cận thần lại. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi :

– Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu ?

– Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.

– Ông hãy đập bể nó ra cho ta !

– Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể đang tâm phá nát một báu vật như thế ạ!

Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.

Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, và cũng hỏi :

– Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu ?

– Bằng nửa vương quốc.

– Hãy đập bể nó ra cho ta !

– Đập vỡ viên ngọc này ư ? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho ÁP-ĐUN (Abdul) là một tên cận vệ tầm thường.

– Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không ?

– Muôn tâu, đẹp không thể nói được.

– Hãy đập nát nó ra cho ta.

Lập tức ÁP-ĐUN lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nát nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự bạo gan của anh ta.

Họ hỏi :

– Tại sao nhà ngươi dám làm như thế ?

ÁP-ĐUN bình tĩnh đáp :

– Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.

Nhà vua khen ngợi thái độ kính trọng tôn kính ngài của ÁP-ĐUN và thưởng chàng còn trọng hậu hơn hai vị quan kia.

Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta nói : “Sự thánh thiện không hệ tại làm được những công việc phi thường, nhưng là vui vẻ đón nhận những gì Chúa gửi tới. Trọng tâm của cuộc đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa”. 

3/. THẢO LUẬN: Cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo là 3 việc cần làm trong mùa chay này để được ơn biến đổi. Vậy mỗi người chúng ta sẽ làm ba việc đó thế nào trong những ngày Mùa Chay  này ?

4/. SUY NIỆM:

1) Hai cuộc biến hình của Đức Giê-su :

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hiển dung trước mắt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi cao (x. Lc 9,28b-29). Về sau cũng ba ông này sẽ được chứng kiến Đức Giê-su thay đổi hình dạng trong Vườn núi Cây Dầu vào đêm trước cuộc khổ nạn (x. Mc 14,33). Ở trên núi cao hôm nay, trước mặt ba môn đệ thân tín, Đức Giê-su lại hiển dung và được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu và là người được tuyển chọn. Sau này trong vườn núi Cây Dầu Người sẽ lại thay đổi hình dạng trở nên buồn sầu và nói với các môn đệ : “Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được” (Mc 14,34).

2) Ý nghĩa hai cuộc biến hình của Đức Giê-su :

– Đức Giê-su hiển dung trên núi để cho thấy thân xác loài người chúng ta sau này cũng sẽ được biến đổi trở nên sáng láng, cho dù hiện tại thân xác ấy có mỏng dòn yếu đuối và dễ sa ngã phạm tội. Rồi khi chịu chết đau thương trên cây thập giá, toàn thân Đức Giê-su bị biến dạng với đầy nhứng vết thương do bị hành hạ trong cuộc thương khó. Nhưng sau khi phục sinh thân xác của Người sẽ biến đổi trở nên tốt đẹp đến nỗi Ma-ri-a Ma-đa-len-na đã không nhận ra Người vào sáng sớm ngày Phục Sinh (x. Ga 20,14-16), hoặc như hai môn đệ làng Em-mau đã không nhận ra Người khi cùng đi đường đàm đạo với Người (x. Lc 24,14-16).

– Đức Giê-su sau Phục Sinh và Đức Giê-su trước cuộc Tử Nạn vẫn là một nhưng mang hai khuôn mặt khác nhau. Điều này cho thấy : Thân xác con người ở trần gian và sau khi sống lại trong ngày Tận Thế chính là một, nhưng khác biệt nhờ sự biến đổi như thánh Phao-lô đã nói : “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này : không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; Còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15,51-53).

3) Bài học từ câu chuyện Chúa biến hình :

Các cuộc biến đổi từ xấu xa tội lỗi nên tốt lành thánh thiện đều nhờ sự cầu nguyện và vâng nghe Lời Chúa :

* Nhờ sự cầu nguyện : Cũng như Đức Giê-su đã thay hình đổi dạng khi đang cầu nguyện, thì các tín hữu cũng chỉ được biến đổi nếu ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và xin Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giê-su : “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5).

* Nhờ sự vâng nghe Lời Chúa : Trong cuộc hiển dung, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Đức Giê-su là Người Con yêu dấu được tuyển chọn, và dạy môn đệ : “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Lời Chúa như thanh gươm sắc bén sẽ tỉa sạch các thói hư và biến chúng ta nên tạo vật mới của Thiên Chúa (x. Ga 15,2).

4) Chúng tôi phải làm gì ? :

Trong Mùa Chay , chúng ta cần gặp gỡ Chúa để được ơn biến đổi nên tốt lành thánh thiện hơn.

– Cần tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay để thêm lòng ăn năn sám hối tội lỗi và quyết tâm tu sửa thói hư bằng việc thực hành nhân đức đối lập như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” dạy…

– Cần năng dâng lời nguyện tắt lên Chúa như người thu thuế trong Đền thờ : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).– Như ông Si-mon Phê-rô : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8).- Hay như người trộm lành trên thập giá : “Lạy ông Giê-su khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến con cùng” (Lc 23,42).

– Mỗi ngày hãy làm một việc hãm mình đền tội như : nhịn uống một tách cà-phê, một ly rượu bia, nhịn hút một điếu thuốc lá; Nở nụ cười hoặc bắt chuyện trước với một người bạn đang giận mình; Cho một người bạn gặp khó khăn vay số tiền theo khả năng của mình; Đi thăm một người già neo đơn quen biết hay tại viện dưỡng lão để lắng nghe và động viên an ủi họ…

5/. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU.

Xin biến đổi con nên con người mới nhờ năng suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày :

Xin biến đổi cái nhìn của con nên nhân từ bao dung sau mỗi lần con chiêm ngắm Chúa;

Xin thanh tẩy môi miệng con tránh nói những lời xấu xa lỗi bác ái sau mỗi lần rước Chúa;

Xin biến đổi đôi tai con sau mỗi lần con lắng nghe Lời Chúa phán dạy;

Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời ánh sáng tin yêu mỗi lần con được gặp gỡ Chúa.

Ước gì mọi người chung quanh nhìn thấy niềm vui của Chúa qua nụ cười rạng rỡ của con; Thấy sự ân cần cảm thông của Chúa qua lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con.

(X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 CHÚA NHẬT II MÙA CHAY- C

CHÚA BIẾN HÌNH- Lm. Micae Võ Thành Nhân

   Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.

         Chúa là Chân lý, là Lẽ sống, là Tình yêu, là sự Thánh thiện vô cùng, là vẻ Đẹp tuyệt trần.

         Vẻ Đẹp của Chúa làm say đắm, ngất ngây triều thần thánh thiên quốc và muôn loài, muôn vật ở dưới bầu trời này. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chúa, không bao giờ buồn chán, không bao giờ vơi cạn.

         Khi Chúa nhập thể làm người, vẻ đẹp của Chúa lại ẩn dấu trong thân phận con người của Chúa mà không ai trong chúng ta có thể khám phá ra được. Bởi lẽ Chúa sống quá khiêm nhường, Chúa không muốn cho ai biết vẻ đẹp ấy. Còn chúng ta, thường thì là “ Xấu che, tốt khoe “, Chúa khác với chúng ta mọi sự.

          Hôm nay, trước khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn, một cuộc khổ nạn quá đớn đau, quá tủi nhục, quá xấu hổ, quá tàn nhẫn, quá khủng khiếp….., Chúa đã dẫn ba thánh tông đồ là thánh Phêrô, thánh Giacôbê và thánh Gioan lên núi Tabo và Chúa đã biến hình trước mặt các ngài. Chúa cho các ngài thấy một phần nào vinh hiển rạng ngời sáng láng của Chúa: “ Và đang khi cầu nguyện, diện mạo người biến đổi khác thường, và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng “.

           Các ngài ngây ngất chiêm ngưỡng đến nỗi quên mất những gì đang xảy ra trong đời thường. Thiên đàng là đây rồi, quá sung sướng, quá hạnh phúc. Các ngài thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Chúa là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị này hiện ra uy nghi, nói về sự chết của Chúa sẽ thực hiện tại Giêrusalem.

          Các ngài mong muốn thời gian dừng lại, không gian ngừng trôi để rồi được ở mãi trong khung cảnh thiên đàng ấy, cho nên thánh Phêrô mới thưa với Chúa: “ Chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba cái liều, một cho Thầy, một cho Môsê, một cho Êlia “. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì.

          Nhưng mà rồi phải trở về với thực tại, với sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Chúa và Chúa cần phải chu toàn trọn vẹn sứ mạng này. Đó là Chúa sẽ phải đi lên Giêrusalem, Chúa sẽ chịu chết trên thập giá để cứu chúng ta khỏi chết đời đời. Điều này đẹp lòng Chúa Cha, cho nên Chúa Cha tuyên phán: “ Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người “.

         Chúng ta muốn được vinh hiển sáng láng như Chúa thì giờ phút này chúng ta cần phải nghe lời Người ( Chúa ), chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Phía trước của sự tin tưởng ấy là một tương lai mịt mù, là bóng tối của những thử thách bao phủ cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta đừng nản lòng mà phải kiên trì trong Chúa. Chúng ta cũng giống như tổ phụ Abraham ngày xưa trong bài đọc một được trích từ sách Sáng Thế, ông Abraham nói: “ Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao tôi có thể biết tôi sẽ được xứ đó làm gia nghiệp “, còn chúng ta ngày nay, chúng ta sẽ nói: “ Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao chúng con có thể biết được chúng con có Chúa làm gia nghiệp cuộc đời chúng con “. Chúa hứa với ông Abraham là ông sẽ được một xứ sở rộng lớn, tốt tươi, màu mỡ làm gia nghiệp khi ông bỏ thành Ur, xứ Canđê để ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Và để bảo đảm cho lời hứa, Chúa dạy ông chuẩn bị lễ vật: “ Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non…” để Chúa thiết lập giao ước với ông. Thế mà vẫn có thử thách xảy đến, Chúa ở đâu mà để cho những mãnh thú xà xuống trên những con vật bị giết làm cho ông phải vất vả đuổi nó đi, và còn nữa là cơn sợ hãi khủng khiếp ập đến ông, bóng tối mịt mù phủ xuống…Chúa ở đâu mà chúng ta phải chịu những thử thách đớn đau như thế này, đang khi đó Chúa hứa Chúa là gia nghiệp cuộc đời chúng ta.       

          Nghe lời Người là chúng ta phải đi con đường thập giá, vác thập giá đời mình theo Chúa, đóng đinh tính xác thịt vào thập giá với Chúa thì mới được sống lại vinh quang: “ Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Ta “.

          Đi con đường thập giá là con đường hẹp, con đường của sự hy sinh, hãm mình, từ bỏ tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, cởi bỏ con người cũ tội lỗi, mặc lấy con người mới hoàn hảo, luyện tập các nhân đức, dấn thân bước theo Chúa mỗi ngày và bằng lòng chấp nhận bao gian nan, vất vả, thử thách, khổ cực, đớn đau, bệnh tật, thất bại… trên đôi vai của chúng ta trong tinh thần vui tươi, phấn khởi.

          Vác thập giá theo Chúa thì đừng ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Những cái trên cõi đời này là đặt vinh quang chúng ta trong những điều ô nhục, coi cái bụng chúng ta là chúa tể, sống nuông chiều xác thịt, thù nghịch với thập giá của Chúa ( Bđ II ).

          Nếu chúng ta làm theo ý Chúa là chúng ta đi con đường thập giá của Chúa, chúng ta cũng giống ông Abraham là ngang qua những thử thách, đau thương, Chúa đã thiết lập giao ước với ông: “ Ta ban xứ sở này cho miêu duệ ngươi, từ sông Aicập cho đến sông Euphrát”, chúng ta cũng thế, Chúa sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Chúa.

         Lạy Chúa, Chúa biến hình sáng láng trong lúc Chúa cầu nguyện, khi chúng con cầu nguyện với Chúa, lãnh ý của Chúa, vâng lời Chúa vác thập giá theo Chúa, chúng con sẽ trở nên xinh đẹp trước mặt Chúa. Chúng con muốn đi trọn con đường thập giá với Chúa, chúng con cần phải gắn bó với Chúa mỗi ngày sống, xin ơn Chúa mỗi bằng lời cầu nguyện để rồi từ đó chúng con mới chia sẻ hạnh phúc, mới sống lại hiển vinh với Chúa sau này, chúng con mới được Chúa làm gia nghiệp. Xin Chúa thêm sức mạnh, niềm tin, hy vọng trên đường thập giá theo Chúa của chúng con. Amen.

 CHÚA NHẬT II MÙA CHAY- C

LÊN NÚI VỚI CHÚA- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Lịch sử cứu độ được tiếp nối bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn con người dậm chân tại chỗ.

 Để thành lập một dân riêng, Thiên Chúa kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở đi đến một nơi mà ông không hề hay biết, đó là vùng đất Hứa mà sau này Thiên Chúa sẽ ban cho Tổ phụ và dòng tộc của ông.

 Ngài ra lệnh cho thủ lãnh Môisen dẫn đưa dân Israel ra khỏi đất Aicập, để trở về miền đất Hứa. Ngài kêu gọi ngôn sứ Êlia hãy đến ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài.

Tin Mừng hôm nay kể lại, Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín nhất riêng biệt lên núi cao vắng vẻ, để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông.

 Theo truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh và con người, những mặc khải quan trọng trong Thánh kinh thường được diễn ra trên núi cao.

Từ trên núi cao, Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ Abraham một dòng tộc đông như sao trời, như cát biển.

 Từ trên núi Sinai, Thiên Chúa ban lề luật cho Môisen, để ông truyền lại cho dân Israel. Đức Giêsu cũng công bố Tám mối phúc thật trên núi.

Từ trên núi Tabor, Đức Giêsu hé mở cho các môn đệ thấy trước vinh quang của Ngài trong ngày phục sinh. Đồng thời, cũng hé lộ cho các ông thấy trước cuộc khổ nạn và cái chết đau thương mà Ngài sắp trải qua.

 Qua cuộc biến hình này, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ và báo cho các ông thấy con đường Ngài sẽ đi, đi từ sự sống đến sự chết, rồi mới tới vinh quang phục sinh, và đó cũng là con đường tất yếu dành cho những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô.

Trên đỉnh núi Tabor, đang lúc Chúa Giêsu biến hình, có tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống: “Đây là Con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Tiếng nói ấy không chỉ dành riêng cho ba môn đệ, nhưng còn dành cho tất cả những người tin theo Đức Kitô.

Thế thì, trong đời sống đức tin chúng ta đã đọc lời Chúa rất nhiều lần. Đã thường xuyên nghe lời Chúa dạy mỗi khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, hay khi cử hành phụng vụ lời Chúa. Thế nhưng, dường như chúng ta vẫn chưa thực hiện được những gì gọi là đáng kể. Dường như chúng ta vẫn còn dậm chân tại chỗ trên hành trình đức tin.

Từ trên núi cao, ba môn đệ đã ngất ngây trong niềm hạnh phúc, muốn cắm lều ở lại đó. Thế nhưng, Đức Giêsu không có ý đưa các ông lên núi cao để ở lại đó, mà là để các ông nhìn thấy rõ hơn con đường Chúa sẽ đi, đó là chu toàn sứ mạng thánh ý Chúa Cha trao phó.

 Sau cuộc biến hình, Đức Giêsu lại đưa các môn đệ xuống núi, để các ông trở lại với đời thường, trở lại với những thử thách, những đau khổ mà sau này các ông sẽ phải đối diện, khi làm chứng cho Chúa.

Anh chị em thân mến,

Trên hành trình đức tin, có những giây phút chúng ta cũng được lên núi cao với Chúa. Núi cao là những giờ tĩnh tâm; núi cao của những chuyến hành hương; núi cao trong những giây phút cầu nguyện thân mật với Chúa và nhất là núi cao khi tham dự Thánh lễ. Tại nơi đây, Đức Giêsu vẫn tiếp tục biến hình: từ tấm bánh, Chúa biến thành Mình thánh Chúa; từ chén rượu, Chúa biến thành Máu thánh của Ngài. Và rồi chúng ta không lên núi cao để ở lại đây mãi, mà phải về lại với gia đình, về lại với bổn phận, về lại với cuộc sống thường ngày, đối diện với những thách đố trong cuộc đời. Nếu chúng ta biết đón nhận với tinh thần lạc quan, vui lòng đón nhận những thánh giá do Chúa an bài gửi đến, sống được như thế, là chúng ta đang bước đi trên con đường theo Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: tôi có thực sự muốn lên núi với Chúa không? Nếu muốn thì trong Mùa chay thánh này, chúng ta siêng năng đến nhà thờ hơn trong việc tham dự thánh lễ và cầu nguyện. Tôi có thực sự muốn làm môn đệ Đức Kitô không? Nếu muốn thì gắng bước theo con đường Chúa đã đi, đó là con đường hi sinh và từ bỏ, con đường đau khổ thập giá mới bước tới vinh quang đời sau.

 Chúng ta không thể làm con yêu dấu của Chúa Cha, nếu chúng ta không cùng lên núi với Đức Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta lên núi với Đức Giêsu và được ơn Chúa biến đổi mỗi ngày, lúc đó chúng ta mới hi vọng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha.

Xin Chúa tăng thêm sức mạnh thiêng liêng nâng đỡ chúng ta, để những vất vả khổ đau chúng ta gặp phải trên đường đời, là những thánh giá do Chúa an bài gửi đến, nếu chúng ta vui lòng đón nhận tất cả vì lòng yêu mến Chúa, thì hi vọng rằng ngày mai đây chúng ta cũng được vào số những người Chúa chọn, và lúc bấy giờ sẽ nghe được lời Chúa Cha mời gọi: Đây con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta, hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta. Amen

home Mục lục Lưu trữ