Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1366470

MÙA TỈNH THỨC

Mùa tỉnh thức – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào năm mới với khởi đầu là Mùa Vọng.

Từ Chúa Nhật I mùa vọng đến ngày 16.12, Phụng vụ nói lên niềm mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian. Tám ngày cuối cùng, trực tiếp nói đến ngày Giáng Sinh.

Mùa Vọng âm vang những lời loan báo mời gọi tỉnh thức và hy vọng.

  1. Mùa Vọng – Mùa loan báo.

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo. Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này được công bố rõ ràng trong các bài đọc Sách Thánh ngày Chúa Nhật.

Bài đọc 1, trích trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bêlem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đavit và Ngài sẽ được gọi là Emmanuel.

Bài Phúc Âm: Chúa nhật I mùa vọng nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức; Chúa nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời gọi: Dọn đường cho Chúa; Chúa nhật IV là Chúa nhật Truyền tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Các bài đọc 2 là các bài Thánh thư Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô trở lại lần thứ hai.

  1. Mùa Vọng – Mùa chờ đợi

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Từ ngữ “Chúa đến” thường được hiểu bằng bốn cách:

– Chúa đến trong lịch sử nhân loại.

– Chúa đến trong ngày phán xét chung.

– Chúa đến trong giờ chết của mỗi người.

– Chúa đến trong ơn thánh hằng ngày.

Chúa đến lần thứ nhất: Chúa đã làm người trong nghèo hèn và đau khổ. Chúa được sinh hạ tại hang đá Belem. Chúa đến thế gian để trao ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngày nay nhân loại đợi chờ và hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh.

Chúa đến lần thứ hai: Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai để hoàn tất công cuộc cứu độ, gọi là Tận Thế hoặc Cánh Chung. Lần này Chúa đến trong vinh quang với tư thế là Vua Thẩm phán để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Không ai biết được ngày đó sẽ xẩy ra khi nào. Chỉ biết chờ đợi trong hy vọng.

Một lần nữa nhiều người lại bàn cãi về ngày tận thế, lần này thì thời điểm sẽ là ngày 21 tháng 12 năm 2012…

Sự ồn ào về ngày tận thế đã không khỏi vang đến tai Đức Giáo Hoàng. Ngày 18/11 vừa qua, Ngài đã lên tiếng kêu gọi chúng ta nên dừng lại “sự tò mò về thời điểm và các lời dự báo” mà nên “suy ngẫm một cách sâu sắc hơn và đúng nghiã hơn”.

Đề cập đến đoạn Phúc âm mô tả “bầu trời trở nên âm u” và “các vì sao rơi rụng từ trời xuống”, Đức Giáo Hoàng cho biết Chúa Giêsu đã không mô tả “ngày tận thế” theo như cách chúng ta nghĩ là một “lời tiên tri”, mà thực ra là Chúa muốn giải thoát vĩnh viễn các môn đệ khỏi những đồn đoán về thời điểm thế giới sẽ bị tận diệt. Chúa “muốn cho chúng ta một chiếc chìa khóa để suy ngẫm sâu sắc hơn, đúng nghĩa hơn, và chỉ cho chúng ta con đường phải đi để bước vào cuộc sống vĩnh cửu”. (x.Vietcatholic.org, ngày 11/23/2012).

Chúa đến giữa hai lần: Chúa đến với từng người. Đó là giờ chết. Không ai biết được Chúa gọi mình lúc nào và ở đâu. Không ai có thể chọn cho mình ngày giờ ra đi. Lần giữa này là lần thật quan trọng với từng người.

Chúa đến trong ơn thánh: Hàng ngày Chúa đến với ta trong ơn thánh qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

Mùa Vọng chính là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi Chúa đến.

  1. Mùa Vọng – Mùa tỉnh thức

Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.

– Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.

– Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả.

Chúng ta sống cuộc đời hiện tại trong tinh thần tỉnh thức. Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.

Không bao giờ được quên ngày Chúa đến trong thời gian kết thúc của thế giới và đến trong ngày cuối cùng của đời ta. Tích cực dùng thời gian hiện tại để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cữu của mình.

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải tỉnh thức.

Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn minh hoạ bài học tỉnh thức.

  1. Dụ ngôn người đầy tớ đợi chủ về:

Tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới không biết về lúc nào. Thái độ tỉnh thức là “thắt lưng cho gọn” và “thắp đèn cho sẵn”. Luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ. Như thế, tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhẹn. Tỉnh thức để “đợi chủ về”. Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm, chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời một cách hết sức tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay bây giờ.

  1. Dụ ngôn người quản gia trung thành.

Quản gia chỉ là quản lý mà “ ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa. Cần phải trung thành trong nhiệm vụ được giao. Sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng. Những gì mà ta có đều là của Chúa. Người quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa, làm sao cho sự sống, trí tuệ, tài năng… giúp ta hướng tới những giá trị vĩnh cửu.

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?”- “Khoảng 40 năm rồi” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông có thư từ gì với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?” – “Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên”.

Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, làm việc với một tinh thần trách nhiệm. Ông coi việc của chủ như việc của mình nên làm việc hết tấm lòng. Ông thực là một gia nhân tốt, một quản lý trung thành.

Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về.

Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành.

Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.

Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cữu.

Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.

Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen.

 

62. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn

MINH HỌA LỜI CHÚA – Nguyễn Hiếu

  1. Chúng ta làm gì?

Đêm 15 tháng tư năm 1912, chiếc tàu khổng lồ titanic đang vung vút chạy trên cùng biển Bắc Đại Tây Dương… Mọi người vững dạ an tâm vì đang ở trong một chiếc tàu to lớn vĩ đại, nên tha hồ đàn hát, nhậu nhẹt, vui chơi…

Bỗng tàu đụng vào tảng băng vỡ tan chìm xuống đáy biển, hơn 1.500 người thiệt mạng !…

***

Nếu có mặt chúng ta trong tàu lúc chìm xuống biển, chúng ta làm gì? Đàn hát nhậu nhẹt chăng?.. Thật đúng như “chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu” chúng ta. Ngày chúa đến trong uy nghi vinh hiển cũng thế, liệu chúng ta có “đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì được Chúa giải thoát, hay ngã quỵ và gục đầu xuống vì phải khốn khổ muôi đời. Thế nên chúa mới bảo chúng ta ngay từ hôm nay: “Hãy đề phòng, chớ để lòng mình đắm say lửa tửu sắc, đa mang sự đời”…

  1. Hãy tỉnh thức cầu nguyện

Tại Hollywood có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám bệnh cho anh, bác sĩ nói: Tình trạng sức khỏe của anh rất nguy kịch, cần giải phẫu ngay mới hy vọng cứu được, và cuộc giải phẫu có thể kéo dài 36 tiếng đồng hồ.

Nghe bác sĩ nói thế, người nhà của tài tử đều lo buồn khiếp vía, nhưng riêng anh, anh vẫn bình thản đi vào phòng giải phẩu, làm cho mọi người ngạc nhiên.

Sau khi sức khỏe bình phục, người nhà mới hỏi: Lúc sắp giải phẩu sao anh không lo sợ gì hết vậy? Anh không sợ chết à? Anh thú thật:

– Trong 36 tiếng đồng hồ đó, tôi học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi. Tôi chẳng hề sợ chết, vì trước đó mỗi ngày tôi đều cầu nguyện với Chúa, để phòng khi gặp gian nan nguy hiểm, Chúa cứu giúp tôi…” (Theo cha M. Linnk).

***

Ước gì ngày Chúa đến trong vinh quang, Chúa cũng thấy chúng ta hành động như anh tài tử điện ảnh này.

  1. Tận thế

Vào đầu tháng 10 năm 1992, hàng chục ngàn tín đồ ở Nam Hàn tập hợp về các nhà thờ để chờ đón chúa quang lâm và phán xét mọi người. Theo giới lãnh đạo của giáo phái này thì giờ tận thế sẽ xảy ra đúng nửa đêm 28 tháng 10. Trong khi chờ đợi, họ trương các biểu ngữ, đại để nói: “Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”.

Trong khi đó, hàng ngàn cảnh sát được đặt trong tình trạng báo đông, đề phòng một cuộc tàn sát tập thể, nếu ngày tận thế không xảy ra; vì mọi người đã bỏ cửa nhà tài sản để chuẩn bị biến cố này.

Cuối cùng, ngày tận thế đã không xảy ra… (Theo sách “Như lòng Chúa khoan dung”)

***

Chớ gì mọi người biết lìa bỏ tội lỗi, và tính nết xấu, để chuận bị cho ngày Chúa quang lâm như nhóm tín hữu mê tín trên đây đã bỏ hết tài sản đợi ngày cánh chung. Và vì Chúa đến bất ngờ nên việc chuẩn bị này phải thực hiện hằng ngày, chứ không phải vào ngày tháng nào như số tín đồ lầm lạc nầy.

  1. Tỉnh thức đích thực

Trong truyện các thánh ẩn tu nơi sa mạc ở các thế kỷ đầu Kitô giáo, có câu chuyện sau:

Một ông vua vừa lên ngôi muốn vào sa mạc tìm gặp các vị ẩn tu để học hỏi nhân đức cai trị dân. Ông ăn mặc giả làm thường dân, đến trước lều của một vi ẩn sĩ. Vừa mở cửa, vị ẩn sĩ đã biết nhà vua, nhưng giả làm như không biết là ai, và đón tiếp như mọi người. Nhà vua thăm sức khỏe các tu sĩ và hỏi các vị đang làm gì? Vị ẩn sĩ trả lời:

– Tất cả chúng tôi luôn cầu nguyện cho anh và mọi người.

Nhà vua nhìn xung quanh túp lều không có gì, trừ cái giỏ đựng bánh mì khô. Và vị ẩn sĩ mời vua:

– Mời anh ăn.

Nói xong, ngài cầm lấy bánh mì khô nhúng nước lã trao cho nhà vua. Ăn xong, nhà vua hỏi:

– Ngài biết tôi là ai không?

Vị ẩn sĩ đáp không một chút do dự:

– Chỉ có Chúa mới biết thôi.

Nhà vua liền tiết lộ tông tích của mình. Lúc đó vị ẩn sĩ mới cúi chào. Nhưng nhà vua đỡ dậy và nói:

– Ngài thật có phước vì không phải lo lắng chuyện đời. Còn tôi phải lo đủ thứ việc cho dân.

***

Nhà vua lo đủ thứ việc cho dân. Mùa Vọng, Chúa chỉ bảo chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện để Chúa đến cứu chúng ta. Chúng ta có lo thực hành chưa? Người đang đến trong từng giây phút của cuộc sống mỗi người chúng ta. Tỉnh thức và cầu nguyện là sống sung mãn từng giây phút của cuộc sống. Nhà vua trong câu chuyện trên đây đã tìm thấy ý nghĩa của sự tỉnh thức và cầu nguyện với các ẩn sĩ đó.

  1. Tinh thần cầu nguyện

Cha Anthony de Mello, giảng viên nổi tiếng người Ấn Độ kể:

Một hôm con trai của Giáo chủ đạo Bà hai bên Ấn Độ được mời vào một gia đình khá giả. Bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, trổ tài nấu ăn cho vui lòng khách quý.

Tiếc thay khi dọn cơm lên, bà khiêm tốn xin lỗi khách, vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần:

– Vì muốn bữa cơm thật ngon nên trong khi nấu nướng, tôi lo cầu nguyện nên quên chú tâm vào việc nấu ăn.

Vị khách mỉm cười đáp:

– Việc cầu nguyện là điều rất cần và rất tốt. Nhưng lần sau khi làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn hơn là cuốn Kinh Thánh.

***

“Câu nói của vị khách diễn tả một sự thật rất thực tế. Cầu nguyện không phải bỏ trách nhiệm, cũng không ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa rồi khoanh tay lười biếng. Cầu nguyện giúp cúng ta đạt được những gì mà sức hạn hẹp của chúng ta không thể thành công được.

Mùa Vọng, Chúa kêu gọi chúng ta cầu nguyện để xin Chúa giúp chúng ta thấy thân phận hèn mọi tội lỗi của mình và hỗ trợ chúng ta sám hối canh tân, để được đứng vững trong ngày Chúa đến thẩm xét.

(Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày” tập I).

 

63. Suy niệm của JKN.

Chúa đến để khai mạc một kỷ nguyên mới: một trời mới, đất mới

Câu hỏi gợi ý:

  1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn bình thường không? Tại sao?
  2. Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức.
  3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?

Suy tư gợi ý:

  1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến nhà tôi, thì …

Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn một bọn trộm cướp đã dự định đến “thăm” nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? – Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ?

  1. Cách sống hiện tại quyết định số phận vĩnh cửu

Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương Mại tại Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: “Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống” (1Tx 5,3). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào?

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là “hình ảnh của Thiên Chúa” cũng là “con cái Thiên Chúa”, thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: “Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu” (Mt 7,17). Tương tự như một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy.

  1. Ngày của Chúa

Đối với mỗi cá nhân, Ngày của Chúa – hay ngày Chúa đến – chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Đối với toàn thế giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể… Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới trong tất cả mọi lãnh vực đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ… Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.

Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.

  1. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng

Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Điều tôi cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần tôi làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên “mê ngủ”, mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công…), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết người…) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở thích…), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện…) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is 1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn… có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm… Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.

 

64. Hãy coi chừng!

Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta phải đề phòng. Bắt đầu bài Phúc Âm, Chúa Giêsu phán: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện.”

Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta phải đề phòng ngày tận thế hoặc là ngày cuối đời của chúng ta, bất cứ cái nào đến trước.

Ngài cảnh cáo chúng ta rằng khi Ngài đến thì có thể sẽ bắt gặp chúng ta đang hững hờ. Lúc Ngài đến có thể là lúc mà chúng ta không chuẩn bị.

Nói một cách khách quan hơn, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta bắt đầu cuộc sống mà chúng ta phải sống. Ngài kêu gọi chúng ta đừng trì hoãn và hãy bắt đầu sống như là tối hôm nay Ngài sẽ đến gặp chúng ta. Ngài nhắc chúng ta hãy đề phòng cuộc sống có thể đưa đẩy làm cho chúng ta không làm những gì mình phải làm.

Chúng ta lấy câu chuyện của Tom Anderson ở Bernardsville, NJ làm ví dụ. Tom mướn một căn phòng tại một bãi biển khi anh đi nghỉ hè. Khi anh lái chiếc xe ra biển với người vợ, anh đã tự làm một lời hứa trịnh trọng rằng trong hai tuần này, anh sẽ cố gắng để làm một người chồng tốt.

Trong hai tuần đó, anh đã không gọi điện thoại về hãng, hãm lại cái lưỡi của anh khi anh muốn nói những lời bực tức. Trong hai tuần đó, Tom là người suy nghĩ chín chắn, dễ thương, và biết quan tâm đến người khác.

Vợ của Tom nhận ra điều khác thường đó nên tối cuối của hai tuần nghỉ, chị nhìn thẳng vào anh một cách âu yếm và gương mặt đượm một nỗi lo âu. Thấy thế, anh hỏi chị: “Em ơi, chuyện gì vậy?”

Nước mắt từ từ trào ra trên má, chị đáp: “Có phải anh biết điều gì đó mà em không biết?”

“Em nói như vậy có nghĩa gì?” anh hỏi lại.

“Thì,” chị trả lời, “tuần trước khi em đi gặp bác sĩ để khám tổng quát. Xin anh hãy nói sự thật cho em biết đi. Có phải ông bác sĩ đã nói với anh là em có chuyện gì phải không? Có phải ông đã nói là em sắp chết? Có phải vì lý do đó mà anh đã đối xử rất tử tế với em?”

Tom đã lăn ra cười. Đặt vòng tay vào lưng vợ, Tom trả lời: “Em ơi, em không chết đâu! Chỉ là vì bây giờ anh mới bắt đầu sống.”

Câu truyện đó diễn tả một cách sống động sứ điệp mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay. Ngài khuyến khích chúng ta hãy bắt đầu sống. Ngài khuyến khích chúng ta đừng bỏ qua những điều mình phải làm. Ngài khuyến khích chúng ta hãy đề phòng đừng để cho cuộc sống này qua đi một cách vô ích.

Nói một cách trực tiếp hơn nữa là Ngài khuyến khích chúng ta hãy bắt đầu Mùa Vọng này giống như là Tom đã bắt đầu hai tuần nghỉ của anh.

Ngài khuyến khích chúng ta hãy lợi dụng Mùa Vọng này để bắt đầu sống cuộc sống mới. Ngài khuyến khích chúng ta hãy lợi dụng cơ hội này để yêu thương tha nhân như là chúng ta phải yêu.

Nói một cách tóm tắt, bài Phúc Âm hôm nay là một sự nhắc nhở của Chúa Giêsu rằng cuộc sống của chúng ta đang từ từ trôi qua mà chúng ta đã không làm điều mà chúng ta phải làm.

Chúng ta hãy kết thúc với những lời của Mẹ Têrêsa: “Mỗi người có một sứ mệnh để thi hành, sứ mệnh đó là yêu thương. Khi giờ chết đến, chúng ta sẽ đối diện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ bị phán xét về lòng yêu thương; không phải chúng ta đã làm bao nhiêu, nhưng chúng ta đã biết bỏ bao nhiêu tình yêu vào những công việc của mình.”

 

65. Suy niệm của Lm Trần Khả.

Bài Đọc 1: Giêrêmia 33:14- 16

Giêrêmia loan báo đã đến ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài đối với nhà Israel và nhà Giuđa. Ngài sẽ làm nẩy sinh cho Đavid một chồi công chính. Vị đó sẽ được gọi là “Thiên Chúa Đấng Công Chính của chúng tôi.” Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý. Giuđa sẽ được cứu và Giêrusalem sẽ yên ổn. Giáo Hội tin rằng Đấng Công Chính mà Giêrêmia nói đây chính là Đức Kitô. Ngài là Đấng Công Chính và Ngài dạy sự công chính. Ngài bị cám dỗ nhưng không phạm tội. Ngài là con chiên hiền lành không tỳ vết bị đem đi sát tế. Người lính gác gần chân thánh giá đã kêu lên, “Người này quả thật là công chính” (Lc 23:47).

  • Người công chính là người sống như thế nào? Bạn làm gì để giúp mình trở nên người công chính?
  • Công chính có phải là tiêu chuẩn quan trọng đối với bạn khi chọn lựa những người lãnh đạo trong đạo cũng như ngoài xã hội hay không? Tại sao?

Bài Đọc 2: 1 Thessalonica 3:12- 4:2

Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa gia tăng và ban ơn cho các Kitô hữu Thessalonica để họ được tràn đầy lòng thương yêu nhau và thương yêu mọi người như Phaolo và các tông đồ thương yêu họ. Phaolô cũng khuyên họ sống thế nào để ngày Đức Giêsu Kitô đến lần thứ hai Ngài không thấy họ có điều gì đáng trách. Khi họ sống bền vững trên đường thánh thiện tức là họ đang sống đẹp lòng Chúa.

  • Nếu thánh Phaolo viết thư cho bạn hôm nay thì ngài mong muốn và cầu xin cho bạn, cho gia đình và giáo xứ của bạn điều gì?
  • Nếu hôm nay Đức Kitô đến thì Ngài sẽ khen thưởng hay khiển trách bạn?

Bài Tin Mừng: Luca 21:25-28, 34-36

Đức Giêsu miêu tả bối cảnh của thế giới vào lúc trước khi Ngài đến lần thứ hai, sẽ có những điềm lạ trên trời. Dưới đất, người ta sẽ buồn sầu lo lắng vì biển gầm sóng vỗ, và người ta sợ hãi chờ đợi những gì sẽ xẩy ra. Đức Giêsu căn dặn các môn đệ và chúng ta phải giữ mình kẻo lòng ra nặng nề. Điều chúng ta làm bây giờ sẽ có hiệu quả trong tương lai, do đó Ngài dặn chúng ta đừng chè chén say sưa, đừng quá mê man lo lắng việc đời kẻo khi ngày đó đến chúng ta không sẵn sàng. Điều phải làm là sống trong tỉnh thức và cầu nguyện để có thể đứng vững trước mặt Con Người khi Ngài đến.

  • Thiên Chúa muốn bạn sống như thế nào trong lúc này? Đâu là dấu cho bạn biết rằng bạn đang sống đúng theo ý Chúa hay sống không đúng ý Chúa?
  • Bạn có tin là có ngày tận thế không? Tại sao? Theo bạn thì sống thế nào là sống tỉnh thức và sẵn sàng?

Bài Giảng Gợi Ý

Lễ Giáng Sinh hầu như đã trở thành ngày lễ của quốc tế. Ngay ở những nước chủ trương vô thần cũng không thiếu vắng hương vị của ngày lễ này. Khi chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh chúng ta cần phân biệt hai thái độ. Thái độ thứ nhất là mừng giáng sinh theo trào lưu thương mại, và thứ hai là mừng Giáng sinh theo ý nghĩa tinh thần của ngày lễ. Ngày nay, đối với nhiều người, lễ giáng sinh được coi là ngày nghỉ việc. Bối cảnh chung quanh việc chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh đã bị tục hóa. Nhiều người chú tâm đến những việc sửa soạn bề ngoài như lo đi mua sắm, hoặc sắp đặt đi hè và nghỉ ngơi. Các công ty chuẩn bị tổ chức tiệc cuối năm cho nhân viên. Các đường phố, cửa hàng đều trang hoàng đèn điện, cây cảnh và đủ mọi mặt hàng nặng phần thương mại. Các phần tử trong gia đình bận tâm suy nghĩ xem phải mua cho nhau những món quà gì. Nhưng đối với Kitô hữu chúng ta lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.

Giáo Hội bắt đầu năm phụng vụ bằng Mùa vọng. Mùa vọng là thời gian chúng ta dọn lòng đón Đức Kitô. Chúng ta mừng kỷ niệm biến cố Ngài đã giáng sinh ở Bethlehem và đón chờ Ngài đến lần thứ hai. Để bắt đầu cuộc hành trình của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta hướng nhìn về cùng đích tương lai và luôn tâm niệm trong suốt cuộc hành trình bằng lời của Đức Giêsu đã loan báo trong bài Tin mừng hôm nay:

  • Sẽ có ngày sau hết.
  • Sẽ có những dấu chỉ báo cho biết ngày Ngài đến lần thứ hai.
  • Chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Ngày Sau Hết

Giờ chót, tận số, kết thúc, kết liễu, hết hạn, chấm dứt, chết… là những từ ngữ quen thuộc đối với cảm nghiệm trong đời sống. Đời sống con người chúng ta có ngày sinh và có ngày tử. Thế giới có ngày khai sinh thì cũng có ngày kết liễu. Khi có người bị bệnh nặng đang hấp hối, chúng ta thường im lặng nhìn nhau lắc đầu và nói, “Chắc là không qua khỏi đâu.” Hoặc, “Đến giờ lâm chung rồi!” Tất cả đều nói lên sự tận cùng sau hết. Bằng lòng hay không bằng lòng, việc đến phải đến. Một sự thật chúng ta không thể làm ngơ đó là tất cả mọi đường đi hay lối sống sẽ đều dẫn đưa chúng ta đến ngày sau hết. Ngày đó là ngày Đức Kitô đến lần thứ hai và tất cả mọi người chúng ta sẽ đối diện với Ngài. Ngày đó Ngài sẽ hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Tiên tri Giêrêmia nói rằng, “Ngày đó, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Người ta gọi tên Ngài là Đấng Công Chính của chúng tôi.”

Dấu Chỉ

Để giúp chúng ta nhận ra ngày tận thế, Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng là “sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Dưới đất các dân tộc buồn sầu lo lắng và biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xẩy đến.” Nhiều người đã cố gắng quan sát các điềm trời và giải nghĩa các biến cố xẩy ra trên mặt đất, nhưng vẫn chưa ai tiên đoán được khi nào ngày ấy xảy ra. Đã có nhiều trận giông bão, núi lửa và động đất. Nhiều người đã kinh hoàng khiếp sợ. Nhiều dân tộc đã buồn sầu lo lắng trong đói rách và chiến tranh, nhưng vẫn chưa phải là ngày tận thế. Theo như lời của Đức Giêsu thì dấu cho chúng ta biết chắn chắn khi ngày tận thế đến là,”Người ta sẽ thấy Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả.” Ngày ấy không phải là ngày để chúng ta lo sợ, nhưng là ngày chúng ta đứng dạy và ngẩng đầu lên để đón chờ giờ cứu rỗi. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đứng dạy và ngẩng đầu lên để đứng vững trước mặt Đức Kitô? Ngài căn dặn chúng ta là phải tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh Thức và Cầu Nguyện

“Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con như chiếc lưới chụp xuống. Vậy chúng con hãy tỉnh thực và cầu nguyện luôn.”

Một người tâm sự rằng, “Khi tôi còn độc thân và còn trẻ tôi thường yêu thích đi giao du với nhiều người bạn gái. Bây giờ tôi đã bốn mươi tuổi và có một người vợ tuyệt vời với hai đứa con, nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục có những cuộc ngoại tình. Tôi cảm thấy có tội và có lỗi nhưng tôi không biết phải làm sao. Có phải tôi bị mắc chứng “mê đắm tình dục” hay không? Tôi e sợ rằng tôi sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình của tôi.”

Đời sống con người dường như thật phức tạp. Chúng ta có nhiều cái phải lo, nhiều việc phải làm, nhiều cám dỗ phải chiến đấu, nhiều thử thách phải vượt qua. Nhiều người trong chúng ta, vì quá bận rộn với việc đời và say sưa với đam mê đến nỗi đã không mấy quan tâm đến việc sống thế nào cho đẹp lòng Chúa. Thêm vào đó, hằng ngày các đài phát thanh, truyền hình và báo chí xoáy vào đầu óc chúng ta những lời quảng cáo. Những quảng cáo đó đã thu hút, lôi cuốn và ảnh hưởng đến việc lựa chọn, hành động và lối sống của chúng ta. Chúng ta sống và hành động theo dư luận và theo ảnh hưởng của quảng cáo. Thí dụ quảng cáo bảo chúng ta rằng nách có mồ hôi là điều không tốt; và do đó chúng ta phải đi mua thuốc hôi nách. Quảng cáo bảo chúng ta rằng miệng hôi không thể hôn nhau được; do đó chúng ta luôn phải dùng thuốc xúc miệng; quảng cáo bảo loại thuốc giặt hay xà bông chúng ta đang dùng không tốt bằng sản phẩm mới; do đó chúng ta đi mua cho bằng được loại thuốc giặt mới. Chiếc xe chúng ta đang chạy không đẹp bằng loại xe mốt mới; do đó chúng ta cần phải mua xe mới. Quảng cáo đã dùng những người mẫu thật đẹp để cho chúng ta có ảo tưởng là nếu chúng ta dùng sản phẩm của họ thì chúng ta cũng hấp dẫn và khêu gợi như những người đó. Quảng cáo và xã hội thương mại bảo chúng ta phải có đèn điện, cây Noel, thiệp giáng sinh, phải mua quà cho nhau; và do đó bằng mọi cách chúng ta phải lo sắm sửa những thứ ấy. Cứ như thế rồi chúng ta hành động và sống theo những chỉ dạy của quảng cáo, của dư luận và của xã hội. Vì những ảnh hưởng ngoại lai này mà nhiều người chúng ta đã trở nên xa lạ tinh thần của mùa vọng và lễ Giáng sinh; xa lạ với nội tâm của mình là nơi Thiên Chúa nói với chúng ta và dạy dỗ chúng ta.

Để sống đúng với tinh thần của mùa vọng chuẩn bị đón Đức Kitô đến lần thứ hai, Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã nêu lên cho chúng ta biết chúng ta cần gì và phải sống như thế nào. “Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau… để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện.” Ngài khuyên các tín hữu Thessalonica và mọi người chúng ta sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa hầu không có điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các thánh.

 

66. Tỉnh thức và cầu nguyện

(Suy niệm của Lm Louis Phạm Hữu Độ, CRM)

Nước Mỹ này có nhiều tờ báo nối tiếng nhưng bên cạnh cũng chẳng thiếu những tờ lá cải đăng tin giật gân để thỏa tính tò mò của độc giả. thí dụ một tờ báo Mỹ đã đăng cái tin sau đây: “Ngày 20 tháng 6 năm 1997 quân đội Mỹ khám phá ra 1 đĩa bay bị đâm nhào xuống vùng sa mạc New Mexico. Họ lôi ra 1 người hành tinh từ trong đĩa bay và bí mật đưa về Washington DC để thẩm vấn. Người hành tinh này rất thông minh, gấp 500 lần trí thông minh của con người. Hắn ta học tiếng Mỹ trong vòng 24 giờ là có thể nói lưu loát. Hắn ta sống trong một hành tinh rất xa trái đất. Dân tộc của hắn cũng là những thụ tạo Chúa dựng nên nhưng họ cũng ham thích giầu có, quyền lực và phạm tội xác thịt nên dù bị Chúa cảnh cáo nhưng dân tộc hắn vẫn cứ xúc phạm tới Chúa. Người hành tinh này nói Thiên Chúa nổi giận với các thụ tạo khắp mọi nơi chứ không riêng gì trái đất. Và Chúa đã hủy diệt 4,000 hành tinh rồi, trái đất này sẽ là kế tiếp. Tin cuối cùng người hành tnh này cho biết là ngày 11 tháng 1 năm 2000 trái đất này sẽ bùng cháy và bị phá hủy hoàn toàn”.

Tin tạo ra quá giật gân nhưng 12 năm qua rồi chẳng thấy xẩy ra. Ai nói mình biết được ngày tận thế là nói dối vì chính Chúa Giêsu đã nói ngày giờ đó không ai biết được, cho dù các thiên thần. Tuy nhiên Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói ngày giờ đó không ai biết được, cho dù các thiên thần. Tuy nhiên Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói rõ trước khi tận thế thì sẽ có những biến cố vật lý thật khủng khiếp. Còn về tâm lý thì các dân tộc buồn sầu, lo lắng. Thế nhưng chung cuộc không phải là những cái ghê rợn đó, mà là Chúa Giêsu, nguyên thủy và cùng đích, của lịch sử, sẽ xuất hiện trong danh dự và quyền năng. Rồi Chúa mời gọi chúng ta hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì giờ cứu rỗi đã tới gần. Thiên Chúa không muốn nhân loại kết thúc ở trong tình trạng tiêu cực, sợ hãi, chán chường, nhưng ở trong một tâm tình trạng tiêu cực, sợ hãi, chán chường, nhưng ở trong một tâm tình hy vọng, can đảm, bình an vì Ơn Cứu Rỗi tới gần.

Cuối cùng Chúa kêu gọi chúng ta phải Tỉnh Thức và Cầu Nguyện nếu muốn hưởng ơn Cứu Độ.

– Tỉnh thức là một động từ Phúc âm nói lên sự sẵn sàng của một đầy tớ trung tín và khôn ngoan chờ đợi chủ về. Tỉnh thức: có nghĩa là đừng quá ham mê lạc thú đời này mà quên đi hạnh phúc đời sau; có nghĩa là đừng ngủ mê trong biệt thự êm ấm của cá nhân mình mà vô cảm trước căn lều rách nát của tha nhân; có nghĩa là đừng chỉ quan tâm tới chương trình bất toàn của con người mà hững hờ với chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa; có nghĩa là đừng quảng đại phạm tội lỗi nhưng hà tiện làm việc lành ; có nghĩa là đừng nuôn chiều thân xác mà bỏ bê linh hồn.

– Cầu nguyện giúp chúng ta thăng bằng cuộc đời. Có nghĩa là biết đặt mọi sự vào đúng vị trí của nó. Thí dụ Thiên Chúa thì hơn con người, con người thì hơn con vật, linh hồn thì hơn thân xác, đời sau thì hơn đời này, vĩnh cửu thì hơn thời gian, thiên đàng thì hơn trần thế… Nói tóm lại nhờ cầu nguyện mà chúng ta khôn ngoan hơn , bình an hơn , hạnh phúc hơn.

Trong mọi sự thì Ơn Cứu Độ quan trọng nhất, chính vì lý do n ày mà Chúa Giêsu xuống thế. (Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Kinh Tin Kính). Chúng ta được hơn ma quỷ chỗ này. Chúng là các thiên thần phản loạn, nhưng một lần sa ngã là muôn đời trầm luân, chúng ta sa đi ngã lại mà Chúa vẫn cứu. Thật hạnh phúc cho nhân loại biết bao.

“Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững trước mặt Con Người” đứng vững ở đây có nghĩa là chúng ta được hưởng Ơn Cứu Độ.

 

home Mục lục Lưu trữ