Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1374807

MUỐI

Muối

Mahatma Gandhi (1869-1948), vị thánh của những người Ấn giáo, đã đấu tranh giành lại độc lập và tự do cho Ấn Độ bằng đường lối ôn hòa bất bạo động, đã nói: “Nếu tôi đã hân hạnh gặp được một người nào là Kitô hữu chân thực, có lẽ tôi đã trở nên một người Kitô hữu ngay lập tức”. Nếu mẹ Têrêsa đã sống vào thời Gandhi, ông đã trông thấy mẹ ở thành phố Calcutta, và có lẽ ông đã trở thành một người Công giáo. Một vị thánh giống như Mẹ Têrêsa là một người có đời sống làm cho người khác phải tin vào Thiên Chúa. Chính mẹ Têrêsa đã sống và đã định nghĩa: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

Hôm nay trong bài Phúc âm, vai trò của người Kitô hữu trên trần thế được Chúa Giêsu định nghĩa bởi hai tiếng: Muối và Ánh sáng. “Các con là muối đất cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?... Các con là ánh sáng cho trần gian, một thành xây trên núi không tài nào giấu được”.

Theo William Barclay, khi Chúa Giêsu nói: “Các con là muối cho đời”, Ngài đã sử dụng một lối diễn tả đặc biệt bằng cách ca ngợi sự vĩ đại nhất dành cho một con người. Đó là nhấn mạnh đến sự hữu ích và phẩm giá của một người. Thời xưa muối rất có giá trị. Người Hy Lạp coi muối như thần linh. Trong một câu ngạn ngữ bằng tiếng Latinh, người Lamã đã nói: “Nil utilius sole et sale” – “Không có gì hữu ích hơn là mặt trời và muối”. Trong thời Chúa Giêsu, muối được nối kết với ba đức tính cao quí của con người: sự thanh khiết, bảo trì, và khẩu vị.

Người Lamã nghĩ rằng muối là vật thanh khiết vì nó đến từ sự thanh khiết nhất đó là mặt trời và biển cả. Do đó muối là của lễ đầu tiên được dâng cúng cho các thần, và khi kết thúc một ngày, những lễ vật của người Do Thái được dâng lên với muối. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải là một gương mẫu của sự thanh khiết.

Thời cổ xưa, muối là một phương tiện phổ thông nhất để giữ cho đồ ăn khỏi bị hư thối. Plutarch đã dùng một lối diễn tả lạ lùng khi nói rằng thịt là một xác chết. Xác chết đó sẽ thối, nếu để nó y như vậy. Nhưng muối bảo trì và giữ nó tươi. Do đó muối giống như một linh hồn mới được đưa vào trong một thân xác đã chết. Muối giữ cho thịt khỏi bị mục rữa. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải có một ảnh hưởng chống lại những điều độc hại giống như vi trùng trong cuộc sống.

Nhưng đặc tính vĩ đại và hiển nhiên nhất của muối là làm cho món ăn đậm đà và ngon miệng. Đồ ăn thiếu muối sẽ trở nên nhạt nhẽo. Giống như muối làm cho lương thực trở nên ngon, người Kitô hữu cũng tạo nên khẩu vị thơm ngon cho cuộc đời.

Thế nhưng điều trái ngược đã xảy ra trong lịch sử. Người ta đã đổ lỗi cho Kitô giáo đã làm mất hương vị của cuộc sống. Ngay sau khi hoàng đế Constantine trở lại đạo và biến Kitô giáo thành tôn giáo của đế quốc Lamã, đến thời hoàng đế Julian lên ngôi, ông lại muốn đưa các thần linh xưa kia trở lại, và phàn nàn rằng: “Các bạn có nhìn kỹ vào những người Kitô hữu này chưa? Con mắt lõm sâu, đôi má tái mét nhợt nhạt, bộ ngực xẹp lép; chúng ủ ê một cuộc sống vô hồn, chẳng ồn ào tham vọng: mặt trời chiếu rọi cho họ, nhưng họ không nhìn thấy; trái đất cống hiến đầy đủ cho họ, nhưng họ chẳng ước muốn gì; tất cả những điều mong muốn của họ là từ bỏ mọi sự và chấp nhận đau khổ cho đến chết”.

Thực ra không phải vì Kitô giáo đã trở nên bi quan yếm thế, làm mất đi sự sinh động của cuộc đời, nhưng bởi hoàng đế Julian quá dính bén với cuộc sống trần thế vật chất này và đã trở nên sa đọa!

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, người Do Thái dùng muối được lấy ra từ hai nguồn cung cấp. Một là từ các bờ biển sản xuất muối có chất lượng cao cho việc nấu nướng đồ ăn, gọi là muối biển. Người đầu bếp chỉ việc ném cục muối to vào nồi đồ ăn, rồi nếm thử, nếu đã vừa miệng thì lấy cục muối ra. Nó có thể được sử dụng vài lần, từ từ sẽ trở nên lạt, và giảm dần sự mặn mà.

Nguồn cung cấp muối thứ hai đến từ Biển Chết – biển mặn nhất trên trái đất. Nhưng muối lấy từ Biển Chết có pha trộn nhiều khoáng chất hỗn hợp khác. Khi phần muối đã tan ra, nó không còn là cục muối nữa, mà chỉ là một cục khoáng chất vô dụng. Sau cùng chỉ ném ra ngoài đường “cho người ta chà đạp dưới chân”.

 

32. Ánh sáng

Chúa Giêsu dùng một hình ảnh cụ thể khác để nói về vai trò của các môn đệ: “Các con là ánh sáng cho trần gian”. Ở một chỗ khác, Chúa Giêsu nói về chính Ngài rằng: “Ta là ánh sáng thế gian”. Vậy ai là ánh sáng thế gian, Chúa Giêsu hay các môn đệ?

Điều có vẻ mâu thuẫn này được giải quyết khi Chúa Giêsu nói về chính mình như sau: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. Bao lâu thân xác Ngài còn đang hiện diện nơi trần thế, chính Ngài là ánh sáng thế gian. Nhưng khi cuộc đời trần thế của Ngài không còn nữa, các môn đệ của Ngài phải đóng vai trò ánh sáng thế gian. Vì họ đã được hấp thụ bởi chính nguồn ánh sáng là Đức Kitô, nên phải phản ảnh lại ánh sáng đó.

Xưa kia, có một người đàn ông mua được một hộp nữ trang mà người bán hàng hứa rằng nó sẽ chiếu sáng lóng lánh trong đêm tối. Đêm đó ông đặt hộp nữ trang trên bàn và bật đèn sáng lên xem. Nhưng quá thất vọng vì hộp nữ trang đã không chiếu tỏa ra ánh sáng trong đêm tối như người bán hàng đã hứa. Tình cờ vợ của ông nghe biết được câu chuyện. Ngày hôm sau, bà đặt hộp nữ trang dưới ánh sáng mặt trời, đến tối nó tỏa ra ánh sáng lung linh rực rỡ. Thấy thế bà vợ mới cắt nghĩa cho chồng như sau: “Anh đã quên làm theo những lời hướng dẫn trong cái hộp này: “Hãy đặt tôi dưới ánh mặt trời ban ngày, và ban đêm tôi sẽ chiếu ánh sáng cho bạn”. Hộp nữ trang đó đã không tỏa ra ánh sáng vì nó đã không hấp thụ được ánh mặt trời ban ngày. Nó phải nhận được ánh sáng thì mới phát ra ánh sáng được.

Trong bài đọc thứ 2, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta nơi chốn để lấy được năng lực và sản xuất ánh sáng. Đó là từ thập giá của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rõ ràng là nhiều vị giảng thuyết tài ba đã đến với dân thành Côrintô, kẻ thì dựa trên học vấn lỗi lạc, người thì dựa vào tài hùng biện, ăn nói khéo léo, kẻ khác dựa trên các đức tính cá nhân của họ. Còn ngài, thánh Phaolô đã dựa trên: “Tôi xác định rằng hồi còn ở với anh em, tôi đã không rao giảng điều gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà chính Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá”.

Ngày chịu phép rửa tội, mỗi người chúng ta đã đón nhận cây nến được đốt lên từ ánh sáng Chúa Kitô. Qua lời hứa của cha mẹ đỡ đầu, chúng ta chấp nhận phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô đó bằng chính đời sống Kitô hữu của mình. Ánh sáng của cây nến là biểu tượng của đức tin trong đời sống Kitô hữu.

Sách Giáo lý Công giáo số 1216 xác định rằng: “Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng” và chính bãn thân họ là “ánh sáng”.

Công đồng Vatican II khuyên như sau: “Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: “Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

Ước gì trong cuộc đời Kitô hữu, chúng ta ý thức được vai trò làm muối và ánh sáng như lời Chúa dạy trong bài Phúc âm hôm nay. Để chu toàn trách nhiệm này, xin Chúa “thắp sáng lên trong con tình yêu của Chúa”. Nếu không có tình yêu và ân sủng của Chúa, chúng ta chẳng là gì cả.

 

33. Anh em là muối ướp đời

(Trích trong ‘Tin Vui Xuân Lộc’)

Kính thưa quý OBACE,

Một vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý ở Việt nam trong lãnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là thực phẩm ngày hôm nay được tẩm ướp bằng những hóa chất độc hại gây ung thư cho người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm trong nước được chế biến vô cùng bẩn, mất vệ sinh, nào là dùng hóa chất để biến thịt thối thành đặc sản, thịt rừng tẩm ướp bằng phân ure, gà vịt chim cút chết biến thành bồ câu và chim sẻ quay. Còn trái cây và các thực phẩm nhập từ biên giới về: nho lê cam táo, chân gà, đuôi bò… đều được ngâm tẩm bằng hóa chất bảo quản, tẩy trắng, để vài tháng không hư. Trong khi đó vì nghèo, vì ham của rẻ ngưởi dân vẫn cứ đổ xô để mua, để bán, các quán nhậu thịt tẩm ướp vẫn đông khách, mặc kệ cho sức khỏe của mình. Không lạ gì ngày nay xuất hiện nhiều thứ bệnh lạ và rất nhiều người ung thư.

Trong những Chúa nhật vừa qua, Chúa nói với mỗi chúng ta qua miệng tiên tri Isai: Ta đã đặt người làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tân cùng trái đất, hôm nay Chúa lại dùng một hình ảnh khác để mời gọi chúng ta sống và loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho mọi người và dùng đời sống Kitô hữu để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn, đó là hình ảnh muối: Các con là muối cho đời.

Muối là một loại gia vị tự nhiên rất tốt và rất cần cho cuộc sống và có nhiều công dụng trong nhiều lãnh vực. Thiếu muối trong cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng co giật và bị choáng váng, ngất xỉu. Trong y khoa, từ rất lâu và cho đến hôm nay, nước muối vẫn là chất sát trùng và rửa đồ ăn, rửa vết thương. Trong cuộc sống, muối dùng để làm cho bữa ăn thêm đậm đà ngon miệng hơn, dù có phải kiêng ăn mặn, nhưng vẫn không thể thiếu muối trong các đồ ăn, đặc biệt để giữ cho thực phẩm khỏi hư thối, cá thịt để được lâu, người ta phải dùng đến muối.

Với tính đa dụng và cần thiết của muối trong cuộc sống, mà hôm nay Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà lạt đi thì lấy gì mà ướp cho mặn lại, Nó đã thành vô dụng, chỉ còn quăng ra ngoaì cho người ta chà đạp lên thôi. Như thế Chúa cũng muốn mỗi chúng ta phải có những đặc tính và mang sự hữu dụng của muối đối với thế giới. Là môn đệ của Đức Kitô, trước hết mỗi chúng ta phải để cho vị mặn của Tin Mừng biến chúng ta thành những thứ muối tốt, muối nguyên chất, muối đủ mặn để ướp giữ bản thân mình, không bị biến chất, không bị thoái hóa, và không bị ôi thối giữa trần gian này. Một khi mang trong mình sự mặn mà yêu thương của Tin Mừng, chúng ta sẽ trở thành người gìn giữ và bảo vệ thế giới này khỏi sự tấn công của các thứ vi trùng vi khuẩn nguy hiểm đó là tội lỗi, là sự ích kỷ và chết chóc.

Là muối cho đời, người Kitô hữu được mời gọi làm cho cuộc sống lạt lẽo tại trần gian này thêm đậm đà yêu thương, thêm hương vị cho đời, để mọi người có thể nhờ sự cống hiến của chúng ta, cuộc sống của họ thêm tốt đẹp hơn, nhờ sự phục vụ vô vị lợi của chúng ta, cuộc sống xã hội thêm hạnh phúc hơn, và nhờ đời sống khiêm nhường và bác ái, quảng đại và thứ tha, cuộc sống của các gia đình sẽ gắn bó với nhau hơn. Nhất là thế giới và con người ngày nay đang bị hủy hoại từ trong tâm hồn bời những tư tưởng trào lưu sai lạc, những phim ảnh xấu, đến sự hủy hoại bên ngoài qua những lối sống buông thả, tự do thác loạn, lối sống cạnh tranh ích kỷ, lối sống duy lợi nhuận… nó đang làm cho con người giảm bớt “phần người” và gia tăng “phần con” và quên phẩm giá của mình là con Thiên Chúa, cao quý hơn mọi loài mọi vật. Vì thế người tín hữu sẽ phải là muối, phải đem vị mặn của Tin Mừng để gìn giữ thế giới này khỏi bị sự phân hủy bới những lối sống đó.

Chúng ta sẽ phải sống và làm thế nào để có thể là thứ muối tốt của Tin Mừng? Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm đem vị mặn Kitô cho thế giới và ngài căn dặn chúng ta: Khi tôi đến với anh em, tôi không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo Thiên Chúa…ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết (và không nói điều gì khác) ngoài Đức Giêsu chịu đóng đinh. Như thế trong nhiệm vụ làm muối cho đời, chúng ta cũng không thể cậy dựa vào sự tài khéo của bản thân hay tài hùng biện cá nhân, nhưng phải dựa vào Thánh Thần và quyền năng của Thiên Chúa và để cho quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi những người nghe. Điều đó có nghĩa là chúng ta đem vị mặn là chính Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài để Ngài biến đổi và ướp mặn thế giới, chứ chúng ta không ướp thế giới bằng khả năng hay bằng tài khéo của bản thân mình.

Muối đã ra lạt túc là đánh mất bản chất mặn của mình, thì nó thành vô dụng, cũng vậy, người Kitô hữu mà không còn Chúa Kitô, không có Tin Mừng của Ngài trong cuộc đời thì cũng cũng chỉ là những thứ vô dụng, biến chất, chỉ đáng đổ ra ngoài đường cho người khác chà đạp lên mà thôi. Với lời cảnh báo: muối mà không còn vị mặn nữa thì nó thành vô dụng, là lời nhắc cho chúng ta rà soát và đánh giá lại bản thân mình xem trong cuộc sống là người Kitô hữu, trong mọi lãnh vực của cuộc sống xả hội, độ mặn của Tin Mừng trong chúng ta còn bào nhiêu phần trăm? Chúng ta đang là muối ướp cho đời khỏi hư thối, hay mình đã để cho đời ướp lại chúng ta và làm mất vị mặn Kitô trong chúng ta?

Với vai trò là muối, các Ktô hữu sẽ phải là những người chung tay góp sức làm cho Tin Mừng thấm nhập vào trong xã hội và thế giới, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, bất cứ nơi nào người tín hữu hiện diện, nơi đó vị mặn của Tin Mừng phải được lan tỏa. Là muối cho đời, chúng ta sẽ phải là những người không chỉ nhắm tới nước trời mai sau, mà còn phải làm cho Nưới Trời hiện diện và biến đổi thế gian này, làm cho chính Chúa Giêsu Kitô được hiện diện trong xã hội và trong tâm hồn của mọi người. Là Kitô hữu, chúng ta không thể giữ riêng Chúa cho mình, mà chúng ta còn phải cảm thấy bị thôi thúc, và thao thức ướp thế giới này bằng giới răn lề luật của Chúa, bằng Tin Mừng yêu thương của Chúa.

Trong thế giới đã có những người từng mơ “bao phủ thế giới này bằng một màu đỏ” hoặc sẽ “quét cà thế giới này bằng một màu sơn”. Tại sao người Kitô hữu lại không dám mơ và cố gắng bao phủ thế giới này bằng Tin Mừng của Đức Kitô?

Chúng ta không dám mơ bao phủ thế giới bằng Tin Mừng, vì phải chăng chúng ta không còn đủ mặn, không còn Tin Mừng của Đức Kitô trong cuộc sống, chúng ta đang bị biến chất, bị nhạt nhòa, bị “đời hóa”. Mang danh là Kitô hữu nhưng nhiều người lại không biết gì nhiều về Đức Giêsu, không thể nói về Tin Mừng của Ngài cho người khác, và vì thế nhiều Kitô hữu bị xô đây, bị hòa tan trong dòng chảy của xã hội, trong các nhóm, các phòng trào tôn giáo khác. Khi gặp những vấn đề trong cuộc sống hoặc khi đối diện với những lý thuyết và tranh luận của xã hội cũng như của các giáo phái, vì không học Tin Mừng, không biết giáo lý, nhiều người đã không thể nói chuyện được với họ, và đành xuôi tay, chấp nhận theo họ.

Các bậc cha mẹ, và các bạn trẻ hãy dùng tình yêu thương trong sáng và tinh thần phục vụ để ướp cho gia đình, cho cuộc đời mình thêm mặn mà, khỏi hư thối bất hạnh đổ vỡ. Nhất là hãy làm cho gia đình, cho cuộc sống của mình luôn có vị mặn của Tin Mừng, hãy đem Chúa Giêsu vào trong mọi sinh hoạt của gia đình, của bạn bè, từ việc làm ăn sinh sống đến những bữa cơm gia đình, đến giờ kinh sánh tối và kể cả những việc riêng tư của mỗi thành viên, hãy mang Chúa theo cùng. Đừng bao giờ ướp gia đình mình và con cái, bạn bè bằng những thứ hóa chất độc hại, đó là chất lười biếng, chất ích kỷ. Đừng bào giờ mang về cho gia đình mình những thứ nhiễm hóa chất độc hại là sự nóng nảy cãi vã, phim ảnh sách báo xấu, sự thù hằn bạo lực, những của làm ăn gian dối mà có… nó là những hóa chất gây ung thư trong tâm hồn các thành viên gia đình.

Xin Chúa giúp chúng ta biết giữ cho cuộc đời mình luôn có vị mặn bằng gắn bó với Chúa, bằng siêng năng học hỏi giáo lý và Tin Mừng, để chúng ta có thể trờ nên muối tốt cho gia đình, xã hội và thế giới hôm nay. Amen.

 

34. Suy niệm của Lm Gioan M. Cao Vũ Nghi.

Toyohiko Kagawa từ tuổi ấu thơ đã mồ côi cha mẹ. Gia đình một người họ hàng đã nhận bé về nuôi, nhưng đã bị họ đối xử cách tàn tệ. Dầu vậy, Kagawa vẫn nhẫn nhục chịu đựng và đã trở nên một người thành công trong xã hội. Nhưng rồi đau thương một lần nữa lại đến viếng thăm: Ông Kagawa đã mắc phải bệnh phổi, và chỉ còn chờ chết. Một hôm, ông thấy một luồng sáng bao bọc ông và ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Liền sau đó, ông đã được chữa lành, không những về phần xác, mà tâm hồn ông cũng được biến đổi. Từ ngày đó, ông đã hiến thân phục vụ những người bần cùng nghèo khó nhất trong xã hội. Ông đã hoàn toàn quên mình phục vụ những con người xấu số này: an ủi, thông cảm, lắng nghe họ; cung cấp đồ ăn áo mặc cho họ. Một thời gian sau, ông bị nhiễm trùng mắt, và vì đó đã bị mù một mắt, nhưng ông vẫn tiếp tục phục vụ cho tới ngày ông từ biệt cõi đời.

Toyohiko Kagawa đã được lãnh nhận ơn Chúa, và ông đã cảm thấy bị thúc bách phải đáp trả bằng cách phục vụ anh chị em đồng loại của mình. Qua tấm gương phục vụ của ông, nhiều người đã tìm được ánh sáng cứu độ và nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Toyohiko Kagawa đã là một ngọn đèn sáng Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay.

Hai ngàn năm trước đây, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, và Ngài là đã là ngọn đèn chiếu giải ánh sáng cứu độ cho những người sống trong tội lỗi, ánh sáng bình an hy vọng cho những người bệnh tật và những người bị xã hội ruồng bỏ, và ánh sáng đức tin cho những người chưa nhận biết Thiên Chúa chân thật. Để ánh sáng cứu độ, bình an và hy vọng của Chúa được tiếp tục chiếu sáng và lan rộng mãi trong trần gian, Chúa đã mời gọi những người đã được ơn Chúa thánh hóa tiếp tay với Chúa. Với các môn đệ, Chúa đã sai họ đi rao giảng tin mừng, chữa lành những người bệnh tật, và giải thoát những người bị quỉ ám (xem Matthêu 10:8); với người Chúa mới chữa khỏi quỉ ám, Chúa dạy"Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con" (Marcô 5:19); hay ít nữa là như người đàn bà ngoại tình, Chúa đã khuyên bà: "Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (Gioan 8:11). Nhưng cả khi Chúa chưa mời gọi, cũng có người khi được chữa lành, đã cảm thấy bị thúc bách để cao rao danh Chúa, như người được chữa khỏi bệnh cùi (xem Lk 17:15)

Ngày nay, tùy hoàn cảnh và tùy bậc sống của mỗi người, Chúa còn tiếp tục kêu mời mọi Kitô hữu, những người đã được cứu độ nhờ nước Rửa tội, được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa, và được chữa lành nhờ phép Giải Tội và Xức Dầu, hãy là ánh sáng cho trần gian. Có thể chúng ta được Chúa mời gọi theo gương các vị tử đạo để làm chứng cho Đức Tin trong những nơi Kitô giáo còn đang bị bắt bớ, có thể chúng ta được kêu gọi để như ông Kagawa làm rạng sáng đức Bác Ái Kitô giáo cho thế giới, hay có thể được kêu gọi để đem ánh sáng bình an hy vọng cho những tâm hồn cô đơn trong những viện dưỡng lão, hay những tâm hồn sầu khổ và bệnh tật trong các bệnh viện, và cũng có thể chúng ta được mời gọi để nói về tình thương của Chúa cho những người đang bị đè nặng bởi những khổ đau trong cuộc đời. Lẽ dĩ nhiên, để đáp lại lời mời gọi của Chúa, đòi chúng ta phải có sự cố gắng và phải chấp nhận những khó khăn. Chúng ta có thể như ngọn đèn ẩn náu dưới đáy thùng, sống an phận cho xong kiếp làm người, nhưng vì là những người đã được lãnh nhận, chúng ta có bổn phận để chia sẻ hồng ân Chúa cho anh chị em của chúng ta.

Ước chi mỗi người chúng ta hãy quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, để cùng nhau chúng ta hãy là ngọn đèn dập tắt bóng tối của hận thù, ghen ghét, và bất công trong thế giới, và thay vào đó là ánh sáng bình an và hy vọng của Chúa Kitô.

 

35. Suy niệm của Lm Giuse Vũ Thái Hòa

Tất cả chúng ta đều đã có lần nếm một món ăn nhạt nhẽo. Nhưng chỉ cần thêm vài hạt muối, món ăn trở nên đậm đà và dễ ăn. Người Việt chúng ta thường dùng nước mắm để nêm các món ăn. Tuy thế vẫn phải thêm muối, món ăn mới thêm hương vị và mặn mà! Vào thời Chúa Giêsu, muối tượng trưng cho tính hiếu khách. Khách đến nhà thường được tặng bánh mì và muối, biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.

"Muối đất": ngày xưa, khi khám phá ra phân bón, người ta dùng muối để làm đất trồng thêm phì phiêu. Khi chưa có tủ lạnh, muối còn được dùng để ướp cá, thịt và đồ ăn để giữ được lâu.

Một hình ảnh rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta, đó là đèn dầu. Một căn nhà có đèn sáng báo rằng nhà có người ở, có sự sống. Một người đi lạc trong đêm tối hẳn sẽ rất sung sướng khi thấy có ánh đèn. Ánh đèn này đem lại niềm vui và thu hút mọi người.

Chúa Giêsu sai các môn đệ đến trong thế gian như người ta nêm muối vào thức ăn để thêm hương vị và giữ được lâu. "Các con là sự sáng thế gian". Đây không phải là lời xác nhận sự ưu thế của các môn đệ, nhưng là một công tác truyền giáo: qua đời sống của mình, qua lời nói và hành động, người Kitô hữu được mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang lần mò trong bóng tối tuyệt vọng, dẫn dắt họ đến với Chúa là Cha của họ và là Cha chung của mọi người. Trong bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có thể được nhìn thấy từ xa.

Chúng ta nhận xét thấy Chúa Giêsu không nói: các con hãy cố gắng làm muối đất và trở nên ánh sáng cho thế gian. Nhưng Ngài nói: các con là muối và là ánh sáng bởi vì các con là môn để của ta, vì các con đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

"Các con là sự sáng thế gian". Sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: "Ta là sự sáng thế gian" (Ga 8:12). Ngài muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Chúa: "Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Muối đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh nhưng cùng diễn tả một lời mời gọi. Tiên tri Isaia, trong bài đọc 1, đưa ra những phương cách để giữ muối khỏi "lạt" và ngọn đèn luôn chiếu sáng: đó là sống bác ái: chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo những người không đủ mặc... Khi ấy, "ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".

Có lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình có khả năng và xứng đáng làm muối đất và sự sáng cho mọi người? Nắm muối gồm những hạt muối nhỏ dồn lại: đèn sáng được nhờ những giọt dầu góp lại. Những hạt muối nhỏ đó, những giọt dầu đó là những việc nho nhỏ mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày: những nụ cười, lời nói nhã nhặn, lịch thiệp, những cử chỉ bác ái, khiêm nhường, kiên nhẫn, biết lắng nghe, tha thứ, biết nghĩ đến người khác v...v...

Bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến chứng từ của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, có lẽ chúng ta không cần giảng đạo nhiều, vì chính đời sống, việc làm, việc bác ái của chúng ta sẽ mang lại hương vị cuộc đời cho mọi người và chiếu tỏa trong bóng đêm như ánh sáng ban ngày, giúp đỡ họ, đồng hành với hot đến với Chúa là "nguồn ánh sáng và ơn cứu độ" (Tv 26:1)

 

home Mục lục Lưu trữ