Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1374925
MUON NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương
(Suy niệm của Lm. Phêrô Lê Nho Phú)
Hôm nay (27/04/2014), Chúa Nhật II Phục Sinh, toàn thể Giáo Hội vui mừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra để ban bình an cho các môn đệ. Tạ ơn vì “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc,1, 50). Trong chính hôm nay, Giáo Hội có thêm hai người con đã được dồi dào ơn Chúa để trở nên hai vị thánh: thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Lễ phong thánh hai vị Giáo Hoàng này diễn ra tại quảng trường thánh Phêrô vào lúc 10g00 sáng giờ Roma (tức 15g00 Việt Nam)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trong khung cảnh Chúa Nhật cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh, còn được gọi là “Chúa Nhật về Lòng Thương Xót Chúa”. Chúng ta không thể không quan tâm đến sự hiện diện vừa có tính siêu việt, vừa rất thân tình và giàu lòng nhân hậu của Đấng Phục Sinh.
1. Khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa thể hiện nơi Đấng Phục Sinh.
Chúng ta nhớ lại, trong trình thuật về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ, thánh sử Gioan đã viết “Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Do vậy, “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20,19), khi các môn đệ đang ở trong phòng đóng kín các cửa vì sợ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra và ban bình an cho các ông. Vì yêu thương nên chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã lập tức hiện đến và giúp các môn đệ vượt qua nỗi sợ hãi. Vì quan tâm rất nhiều nên Người tìm cách giúp họ bình an sau những biến cố đau thương vừa xảy ra. Những lo sợ không còn nữa, thay vào đó là niềm vui không ai có thể lấy mất được. Thầy Giêsu chịu chết và chịu táng xác giờ đây hiện ra với một quyền năng lạ lùng. Người không còn bị giới hạn bởi không gian, ngôi nhà đóng kín cửa không còn cản trở được tình thương của Người dành cho các môn đệ.
Riêng tông đồ Tôma, vì không có mặt khi Chúa Phục Sinh hiện đến nên ông đòi hỏi với những xác minh cụ thể: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,27). Trước một đòi hỏi có tính cứng lòng tin như vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn yêu thương ông và đã đáp ứng để ông Tôma được lòng sám hối:“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga, 20,27). Ông Tôma đã được biến đổi và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Chính tình yêu, chính lòng thương xót của Đấng Phục Sinh đã hoán cải Tôma và cho giúp ông được phục sinh tâm hồn!
2. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương:
Đáp ca hôm nay được lặp đi, lặp lại: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117,1). Trong suốt dòng lịch sử, dân Israel luôn nghiệm thấy Thiên Chúa là Đấng nhân từ, giàu lòng thương xót. Trong suốt dòng lịch sử, tội lỗi loài người cứ chồng chất, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ yêu thương, sẵn sàng tha thứ khi con người hối cải. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin và Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế giới này là sự hiện diện của chính Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót.
Ngày hôm nay làm sao chúng ta không thể không nhớ đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Trong “Thông điệp và việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa” có viết: “Ngày 30.04.2000, trong bài giảng lễ phong thánh cho chị Faustina, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn thể Giáo Hội. Ngài nói: “Thật là quan trọng việc chúng ta đón nhận trọn vẹn sứ điệp đến với chúng ta từ Lời Chúa của ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, ngày mà từ nay khắp Hội Thánh sẽ gọi là Chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa”.
Chính ngày hôm nay, tại quảng trường thánh Phêrô, ĐGH Gioan Phaolô II được phong hiển thánh. Thật là một biến cố trọng đại và là một tin vui. Đây là vị thánh Giáo Hoàng đã tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa. Người muốn giới thiệu và mời gọi mọi người hãy chạy đến với lòng thương xót Chúa. Thế giới ngày nay cần đến lòng thương xót Chúa biết bao! Một thế giới có nhiều hận thù và chiến tranh, một thế giới có nhiều bất công và khổ đau. Con người ngày nay cần chạy đến lòng thương xót Chúa biết bao! Một đời người vui ít nhưng buồn nhiều, một đời người gặp nhiều oan trái hơn là công bình, một đời người đầy yếu đuối và tội lỗi, một đời người nhiều bệnh tật thì thử hỏi biết chạy đến với ai nếu không chạy đến Lòng Thương Xót Chúa?
Hạnh phúc cho những ai gặp gỡ được Đấng Phục Sinh trong cuộc đời mình. Tốt đẹp biết bao cho những ai tín thác vào tình yêu của Cha trên trời và cầu khẩn “Vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”; “Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Xin thương xót chúng con và toàn thế giới”; “Jesus I trust in You: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Khi siêng năng và sốt sắng dâng lời cầu nguyện như vậy, chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban cho ta, cho người thân, cho nhân loại nhiều ơn lành hồn xác!
Đấng Phục Sinh không chỉ hiện ra vào “ngày thứ nhất” hay“tám ngày sau” cho các môn đệ và cho Tôma. Người tiếp tục yêu thương và hiện đến cách vô hình trong cộng đoàn các tín hữu để giúp họ sống hợp nhất với nhau và thực hành 05 chuyên: “một chuyên cần giáo lý, hai vững chí hiệp thông, ba bền lòng phụng vụ, bốn vui thú nguyện cầu, năm cùng nhau làm chứng”. Người vẫn luôn hiện đến một cách vô hình giữa cộng đoàn cầu nguyện “ ở đâu có hai hay ba người hợp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).
Nhờ lời cầu bàu trợ giúp của hai vị thánh Giáo Hoàng: Gioan XXIII và Gioan Phaolo II cho chúng ta biết chạy đến với lòng thương xót Chúa. Nhờ đó, mỗi người, mỗi gia đình và thế giới này được gặp Chúa Giêsu Phục sinh, được biến đổi và được phục sinh với Chúa. Amen.
52. Mọi sự đều có thể
Có câu chuyện kể rằng có một người muốn xin gia nhập trong một đoàn xiếc. Anh nói: "Tôi sẽ biểu diễn bằng cách trèo lên bậc cao khoảng 50 mét và nhảy xuống một đống mùn cưa". Chủ đoàn xiếc nói, "Nghe anh nói thật hấp dẫn. Dầu vậy tôi cũng cần phải coi anh biểu diễn ra sao đã". Sau đó, họ làm một dàn nhảy cao cỡ 50 mét, và anh xin việc bắt đầu biểu diễn. Khi anh ta từ trong đống mùn cưa ngoi ra, thân xác say sứt, mặt mày méo mó thì ông chủ đoàn xiếc nói với anh ta rằng, "Thật là tuyệt. Tôi nhận anh vào đoàn xiếc. Chúng tôi sẽ trả anh 250 Đô La một tuần". Anh ta lắc đầu nói, "Cám ơn, nhưng tôi không muốn". Ông chủ nâng tiền lương lên dần từ 250 tới 500 và 1000 Đô La một tuần. Thế nhưng anh kia vẫn không chịu. Ông chủ không hiểu nổi nên nói, "Sao anh kỳ vậy? Anh cần việc mà!" Anh ta trả lời, "Tôi đau lắm... Tôi không bao giờ dám nữa đâu!" Anh thanh niên này có ước vọng tốt nhưng khi gặp điều khó, anh ta không dám dấn thân. Anh ta bỏ lỡ cơ hội cho một tương lai tốt.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ thân yêu của Chúa Giêsu tụ họp cách bí mật trong phòng kín, vì họ sợ rằng những người giết Chúa cũng sẽ tìm kiếm và giết họ như vậy. Thế rồi Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với họ và ban cho họ sự bình an của Ngài. Thánh Gioan đã nói: "Các môn đệ đã vui mừng khi nhìn thấy Ngài". Nhưng sau đó khi họ nói với Tôma (Tôma là người không có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra) là "chúng tôi đã nhìn thấy Chúa", ông trả lời: "Trừ phi tôi nhìn thấy bàn tay của Ngài và những lỗ đinh, xỏ ngón tay tôi vào những lỗ đinh đó, và thọc tay tôi vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không bao giờ tin điều ấy" (Ga 20:25). Tám ngày sau đó, Đức Kitô Phục Sinh lại hiện ra với các tông đồ, và lần này dĩ nhiên có Tôma đang ở với họ và chính mắt ông đã nhìn thấy Chúa; bởi đó ông chỉ còn biết thưa: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu đã nói với Tôma: "Con tin vì đã nhìn thấy Thầy, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin" (Ga 20:28-29).
Tin luôn đòi có sự dám liều, có sự dấn thân. Khi niềm tin của ta là vô điều kiện, chúng ta biết rằng mọi cái đều có thể là nguyên nhân cho sự việc xảy ra. Cũng như Tôma, chúng ta thường thấy rằng rất khó quay lại với Chúa khi có quá nhiều sự đòi buộc chúng ta. Tin vô điều kiện vào Chúa, dạy cho chúng ta biết là Ngài có sự đòi buộc mà chúng ta không thể ngờ được. Đó là điều kiện để đi theo một người mà người đó lại là một người mà chúng ta luôn luôn không thể biết và làm chúng ta ngạc nhiên.
"Mọi sự đều có thể cho những kẻ tin", chính Chúa Giêsu đã nói điều ấy với đám đông dân chúng đã chứng kiến những phép lạ Người làm. Mọi sự đều có thể cho những ai tự đặt mình dưới chân Chúa cách vô điều kiện như trẻ nhỏ tin vào cha mẹ em. Mọi sự đều có thể xảy ra cho những ai sẵn sàng chấp nhận hy sinh đời sống mình vào Quyền Năng Phục Sinh của Chúa.
Trong những giới hạn khả năng của riêng bạn mà bạn muốn trở nên con người và nhận ra toàn diện bản chất con người của mình như Chúa muốn, thì xin bạn hãy nhớ rằng chẳng có gì có thể xảy ra được nếu như bạn không làm một sự thay đổi và "trở nên như trẻ nhỏ". Nhưng khi bạn làm sự thay đổi đó thì bạn trở nên con người vĩ đại. Khi bạn quyết định thay đổi con người mình thì mọi sự đều có thể xảy ra!
Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn cảm nghiệm một cuộc sống hạnh phúc mà Ngài đã làm cho chúng ta qua đời sống, sự chết và phục sinh của Ngài thì chúng ta phải trở về với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta phải trở về với Cha trên trời trong cùng một tâm hồn của trẻ thơ hoàn toàn phó thác vô điều kiện trong tay cha mẹ trần gian của bé.
Mọi cái đều có thể cho những ai mở rộng đôi mắt và thưa cùng Chúa, "Xin hãy làm cho con được ngạc nhiên!"
53. Lòng Thương Xót Chúa
Cách đây 10 năm, ngày 30. 04. 2000, Đức cố GH Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chân phước Faustina, người được xem là vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa. Và không đầy một tháng sau, ngày 20. 05. 2000, ĐGH đã chính thức thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa trên Giáo Hội Công giáo toàn cầu vào Chúa Nhật II sau lễ PS. Kể từ đó đến nay, Chúa Nhật II PS như hôm nay còn có tên gọi khác là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của TC.
Vậy sứ điệp về Lòng Thương Xót của Chúa nói với chúng ta điều gì? Theo nhật ký của thánh nữ Faustina để lại thì Chúa Giêsu đã hiện ra với chị và nói với chị là Ngài muốn: "mọi người hãy tín thác vào Lòng Thương Xót khôn dò của Chúa. Đó là cơ hội quý báu và tối hậu để nhân loại được cứu rỗi."
Tín thác vào Chúa là cơ hội quý báu và tối hậu để được ơn cứu độ. Hay nói cách khác, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là cho ta một cơ hội để hoán cải đời sống và để được cứu độ.
Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra và cho tất cả các môn đệ một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Đối diện với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu tuần vừa qua, tất cả các môn đệ đều vấp ngã. Họ chạy trốn, đóng cửa rất kỹ vì mang trong mình một nỗi sợ hãi, hoang mang tột cùng. Không chỉ sợ người Do thái bắt được mình và mình phải chết; mà còn sợ hãi, hoang mang vì mang trong mình một mặc cảm tội lỗi ghê gớm vì chính mình đã bỏ Thầy, chối Chúa.
Trong tình cảnh bi đát đó, Chúa Giêsu đã hiện ra. Ngài không chỉ chữa lành vết thương tâm hồn các môn đệ khi trao gởi: "Bình an cho anh em" (Ga 20, 19-20) và trao ban chính Thánh Thần của Ngài; mà Ngài còn mở cho các ông một cơ hội để làm lại cuộc đời khi trao cho các ông sứ vụ đi rao giảng Tm: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21). Đó chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Và còn hơn các môn đệ khác, tôi nghĩ, có lẽ hôm nay Tôma là người cảm nghiệm sâu xa nhất Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không những đã cho ông thấy Chúa như các môn đệ khác, mà Chúa còn tự nguyện đáp ứng yêu cầu của ông là thọc ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Người. Đứng trước nghĩa cử của Chúa, ông chỉ còn biết rưng rưng nước mắt mà thốt lên: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con."
Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta vừa tham dự vào Tam Nhật Thánh tuần vừa qua xong, chúng ta có nhận ra rằng chính Chúa Giêsu đã thương ta vì ta long đong, lầm than, khốn khổ, và ngay cả khi ta tội lỗi, vô ơn ... thì Ngài vẫn chịu chết vì ta để cho ta sống không?
Thiên Chúa của ngày hôm qua, cũng là Thiên Chúa của ngày hôm nay. Ngài vẫn tiếp tục trắc ẩn trước cảnh khốn khó, nhọc nhằn của con cái mình. Ngài vẫn tiếp tục mở cho ta cơ hội để đến với Lòng Thương Xót của Ngài, cụ thể là qua các bí tích. Tôi thấy có hai Bí tích thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa rõ nét nhất là Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể.
Ai trong chúng ta, với một lương tâm ngay thẳng, khi phạm tội thì đều cảm thấy bất an, bất ổn trong tâm hồn. Và khi đã xưng tội xong thì thấy lòng mình thanh thản, bình an, như trút được một gánh nặng. Quả thật, đến với Bí Tích Hòa Giải chúng ta được Thiên Chúa xót thương, tha thứ mọi tội lỗi và Ngài cũng nói với ta như nói với các môn đệ hôm nay: "Bình an cho các con." Ngài cho ta một cơ hội để được đổi mới cuộc đời, được sống trong ơn nghĩa của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn đứng lên để trở về với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mỗi khi ta vấp ngã bởi muôn ngàn yếu đuối trong cuộc đời.
Còn với Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài để ở lại với ta, để chia sẻ, đồng hành, nâng đỡ và mở cho ta một cơ hội để được cộng tác với Ngài khi sai ta đi như sai các tông đồ hôm nay: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em." Amen.
54. Tin nhận Chúa Phục Sinh.
Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh là Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Lễ Phục Sinh. Giáo hội trình bày cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu sống lại trích từ Phúc âm thánh Gioan có thể được xem như là một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và hơn nữa là một tổng kết cho chặng đường đức tin của các Tông đồ. Đồng thời cho thấy sứ mạng sống đức tin, sứ mạng sống mầu nhiệm phục sinh nối dài trong đời thường của chúng ta.
Thật khó diễn tả cách hiện diện của Chúa Giêsu thế nào sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Chỉ biết Ngài xuất hiện cách lạ thường nhưng vẫn giữ nguyên nét gần gũi thân tình với các môn đệ. Do đó, ta không thể trách các Tông đồ. Các ông mới sống thân tình với Thầy ba năm nhưng sao lại thay đổi quá nhanh chóng như vậy? Đứng trước cái chết của Thầy mình, môn đồ làm sao mà thoát khỏi lo âu, ngạc nhiên và còn đầy sợ hãi. Các cửa nhà đều đóng kín. Họ đã kinh hoàng sợ hãi vì người Do thái vừa giết chết Thầy Giêsu. Chắc hẳn, rồi cũng sẽ đến các môn đệ của Thầy Giêsu thôi, các ông thừa hiểu rằng rồi đây sẽ đến lượt mình. Cửa nhà đóng kín và lòng người càng đóng kín hơn. Rõ ràng là một số môn đệ thất vọng đã trở về quê, một số khác nửa tin nửa ngờ khi biết xác Thầy không còn trong mộ nữa. Vì thế, đứng vào hoàn cảnh các Tông Đồ lúc bấy giờ chúng ta sẽ thông cảm hơn, đáng thương các ông hơn là đáng trách.
Tuy nhiên, Thiên Chúa có đường lối riêng của Ngài. Trong lúc sự kiện phục sinh còn quá mới mẻ, quá lạ thường này, các Tông đồ vẫn chưa được biến đổi hẳn thì Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra cho các ông, Ngài ban bình an và củng cố để các ông tin và đang sống niềm tin ấy. Riêng Tông Đồ Tôma thì dứt khoát hơn, ông cần một xác tín. Có lẽ, lúc này ông cần một sự ủng hộ Thầy Giêsu, ông cần một mạc khải, ông cần sự cảm thông và cần được sáng tỏ vấn đề. Sự khao khát này được thể hiện rất rõ trong câu nói đầy niềm trông cậy: "Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy thì tôi không tin". Hay nói một cách khác: "tôi cần gặp lại Thầy Giêsu yêu dấu". Dường như chúng ta đang đứng trước một sứ điệp của Tôma: "Nếu anh em đã gặp được Thầy thì tôi cũng cần gặp Người vì tôi cũng là môn đệ của Người". Tôma tin điều ấy xảy ra.
Sự khao khát của Tôma là chính đáng. Tôma yêu mến Thầy Giêsu nên đã theo Thầy. Bây giờ Tôma muốn gặp Thầy. Chúa Giêsu thấu suốt những bí ẩn trong lòng người. Chúa Giêsu biết rõ con người Tôma. Chúa thấu hiểu tâm trạng hiện thời của Tôma, Chúa biết rõ tâm tình của Tôma trong những lúc này đây. Chúa không chỉ thấu hiểu tấm lòng mà Chúa còn là Đấng làm thoả lòng cho Tôma. Chính Ngài đến và nói: "Tôma, con hãy xỏ tay con vào đây". Sự kiện hiện diện của Thầy Giêsu lúc này là một minh chứng về tình thương và ân huệ của Thiên Chúa quan phòng. Chúa Giêsu thương mến các Tông Đồ trong đó có Tôma.
Trong cách thức mới, trong quyền phép Đấng Phục Sinh, Người hiện diện ở ngay bên nhưng các ông không biết được. Thế nên khi Thầy Giêsu hiện ra trong sự phục sinh, Tôma đã ý thức thân phận của mình chỉ là học trò của Thầy Giêsu nhưng được Thầy quan phòng yêu thương lớn lao, sự khao khát chính đáng của ông được Thầy chấp nhận, ông sung sướng thốt lên tâm tình tin tưởng và đầy lòng yêu mến: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi!". Tôma thấy rõ hiệu quả của tình yêu và sự cậy trông của mình vào Thầy Giêsu. Đó quả là một đức tin chân chính.
Thầy Giêsu thì luôn quan phòng và yêu thương. Ngài không chỉ hiện ra để củng cố, an ủi và ban bình an cho các môn đệ mình mà Ngài còn muốn đi xa hơn nữa, Ngài muốn các Tông Đồ đem đức tin, tình yêu và bình an của Ngài đem cho muôn dân: "Như Cha đã sai Thầy, thì giờ đây Thầy cũng sai các con", Ngài muốn các ông đi khắp nơi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm cho muôn dân cũng biết Thiên Chúa là tình yêu và quan phòng, cũng đón nhận ơn cứu độ là tin, yêu và giữ những điều Ngài muốn.
Tuy nhiên, chấp nhận bước theo Chúa để sống đức tin là đều không mấy dễ dàng. Các Tông đồ lo sợ nên ở lại trong căn phòng đóng kín, lo sợ trước những chống đối của những kẻ không tin Chúa, lo sợ trước mầu nhiệm thập giá mà Chúa đã trải qua và các ngài cũng sẽ phải đi qua, lo sợ trước sứ mạng tương lai mà họ đã nghe Chúa nói đến và đã được chuẩn bị để thi hành. Dù các ông đang sống trong hoàn cảnh đó, Chúa quan phòng vẫn hiện diện bên các ông và đã dự liệu hiện ra nhiều lần. Mặc cho đau khổ, sự dữ, gian khó xảy ra, chúng ta luôn trung thành theo Chúa và thể hiện đức tin và tình yêu của mình. Các Tông Đồ, các môn đệ, các thánh tử đạo Việt nam,... đã là những nhân chứng về điều đó. Do đó, nhìn lại bản thân mỗi người, là Kitô hữu nghĩa là những người tin có Chúa Kitô, người có Chúa Kitô nên chúng ta phải sống niềm tin đó, ta phải thể hiện niềm tin "có Chúa Kitô Phục sinh" trong đời sống mình. Đó là sống chứng nhân. Hơn nữa, người Kitô hữu tin Thiên Chúa là Đấng quan phòng và là Cha đầy yêu thươngnhân từ. Niềm tin ấy được thể hiện bằng một đời sống tin tưởng, hân hoan và phó thác vào Chúa Kitô; yêu thương, tha thứ và quảng đại với mọi người. Đồng thời, Chúa Kitô phục sinh cho chúng ta một xác tín rằng có cuộc sống sau khi chết. Nhờ Chúa Kitô phục sinh, chúng ta tin có một cuộc sống vĩnh cửu, bất diệt. Ý thức điều đó nên chúng ta sống như chuẩn bị cho cuộc sống mai sau ngay từ bây giờ, sống như đã chết. Sống như chết là sống hy sinh, sống từ bỏ mình, làm nhiều việc lành phúc đức, làm nhiều cử chỉ yêu thương bác ái. Cuộc sống này mỗi ngày với những điều kỳ diệu của nó là nơi để chúng ta sống một cách cụ thể niềm tin của mình. Tương quan hằng ngày với những người chung quanh chính là môi trường để chúng ta thể hiện niềm tin của mình. Mặt khác, nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh, nếu không có quyền năng Chúa Phục Sinh đến đổi mới thì đức tin của các Tông đồ chưa được trưởng thành hoàn toàn đúng mức Chúa mong muốn để có thể làm chứng cho Chúa, chu toàn sứ mạng Chúa trao phó cho. Do đó, ta cần trung thành và trông cậy vào ơn Chúa trợ giúp để chúng ta đi trọn đường đời và hoàn thành xuất sắc sứ mạng chứng nhân của người môn đệ bước theo Thầy Giêsu.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúa Kitô chính là hình ảnh về tình thương, lòng nhân lành và hay thương xót đối với loài người. Người luôn hiện diện bên chúng ta. Ngài ở trong cõi lòng mình, trong các Bí tích, nơi Nhà tạm, trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài vào những nơi đó để trò chuyện trong sự thân tình, đàm đạo trong sự thân mật, sống tâm tình tin tưởng đầy lòng yêu mến Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho cả cuộc sống của chúng con trở thành dấu chứng của tình yêu Chúa đối với mọi người. Đó là vui sống niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng, sống tình yêu thương bác ái đối với tha nhân. Xin cho bình an của Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời của chúng con để cho tất cả những ai gặp gỡ chúng con đều có thể nhận ra được tình yêu và sự hiện diện của Chúa. Amen.
55. Phúc cho ai không thấy mà tin – Lm. Trần Khả
Bài Phúc âm tường thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra giữa các tông đồ khi họ đang tụ họp trong phòng đóng kín. Tất cả đều sửng sốt và vui mừng. Họ không thể ngờ được một sự lạ phi thường như thế: Chúa Kitô đã sống lại. Họ đã tận mắt trông thấy Ngài. Không phải chỉ một người, nhưng là tất cả những người có mặt trong phòng ngày hôm ấy đều thấy Ngài. Ngài đã đưa tay và cạnh sườn của Ngài cho họ coi. Họ đã nghe thấy tiếng nói của Ngài. Họ đã thấy Ngài ăn uống và nói chuyện với họ. Ngài không phải là ma nhưng là Đấng Cứu Thế Phục Sinh. Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Họ đã thấy Ngài và họ đã tin.
Gặp Chúa Kitô Phục Sinh
Tôma vì vắng mặt nên đã không nhận được lời chúc bình an, sự vui mừng và niềm tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh. Khi ông trở về và vẫn còn tâm trạng hoang mang, lo sợ và nghi nan thì được các môn đệ khác báo tin vui: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa." Tôma đã không tin vào lời của họ. Không tin như thế không phải chỉ vì Tôma cứng lòng, nhưng cũng vì khi đó các môn đệ khác vẫn chưa có những dấu chứng tỏ họ là những người đáng tin.
Thực vậy, làm sao Tôma có thể dễ dàng tin vào lời nói của những người mà chẳng bao lâu trước đó, khi Chúa Kitô lâm nạn, không một ai trong họ dám lên tiếng bênh vực cho Ngài. Ai cũng sợ bị vạ lây nên tất cả đã lánh mặt hay bỏ chạy. Phêrô đã không ngượng ngùng ba lần chối không biết Đức Kitô là ai. Họ đã bỏ Đức Kitô, và Ngài đã chết một cái chết đau thương và công khai trên thập giá. Như vậy thì làm sao bây giờ Tôma có thể tin lời của những người yếu hèn nhát đảm đó? Trong khi còn đang nghi nan thì Chúa Giêsu hiện đến và tỏ cho Tôma xem thấy những vết thương của Ngài. Vừa trông thấy Chúa, Tôma đã kêu lên, "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!"
Các tông đồ và Tôma đã tin vì họ đã gặp thấy Chúa Kitô Phục Sinh. Họ đã nhìn thấy Ngài và thấy những vết thương trên thân thể của Ngài. Nhưng nếu đức tin chỉ xảy ra qua việc đích thân đối diện với Chúa Kitô Phục Sinh, được tường tận mắt thấy, tai nghe như các tông đồ, thì có lẽ không biết cho đến bao giờ chúng ta mới là những người có đức tin. Tuy nhiên, việc Tôma tin hay không tin vào lời tường thuật của các tông đồ, không có ảnh hưởng gì đến sự thật của việc Chúa Giêsu sống lại. Tin hay không tin thì Ngài cũng đã sống lại. Do đó Chúa Kitô đã nói với Tôma, "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin." Giống như các tín hữu của những thế kỷ trước đây, chúng ta là những người đã không thấy mà tin.
Bài đọc thứ nhất trong sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay kể lại cho chúng ta về tinh thần tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh của cộng đoàn Giáo Hội thuở ban đầu:
- Họ đã bền bỉ tham dự buổi giáo lý của các Tông Đồ.
- Họ sống hiệp thông trong tình huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện.
- Các tông đồ làm được những việc phi thường.
- Họ để mọi sự làm của chung.
- Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng.
Chính vì tinh thần hăng say trong cầu nguyện, ca tụng Thiên Chúa và sống hiệp nhất với nhau như thế mà Giáo Hội đã lớn mạnh. Số người tin càng ngày càng gia tăng vì người ta đã nhìn thấy những việc phi thường các tông đồ và các Kitô hữu thuở ban đầu làm được.
Dấu Chứng Củng Cố Đức Tin
Chúng ta đã không được nhìn thấy những vết đinh và vết thương trên thân thể của Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng đức tin của chúng ta ngày nay cũng được củng cố mỗi khi chúng ta nhìn thấy những dấu đinh và những vết thương của Chúa Giêsu nơi các Kitô hữu khác trong Giáo Hội. Nhiều thanh niên nam nữ đã hăng say dấn thân trong đời sống tu trì và làm tông đồ vì họ đã nhìn thấy những dấu đinh, những vòng gai và những giòng máu hy sinh của các thánh tử đạo và nơi những nhà truyền giáo vì danh Chúa Kitô. Vì niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mà nhiều cặp vợ chồng đang cố gắng sống trung tín với Chúa và trung thành với nhau trong tinh thần yêu thương của bí tích hôn phối cho dù phải đối diện với nhiều cám dỗ và thử thách của xã hội ngày nay. Sự dấn thân hy sinh phục vụ của nhiều vị thánh, nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân khắp nơi trên thế giới ở mọi thời đại trong lịsh sử Giáo Hội, tất cả đã là những dấu chứng của niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Nếu chúng ta xưng mình là Kitô hữu, là người Công giáo tin vào Chúa Kitô Phụs Sinh, thì chúng ta cũng là những sứ giả được Chúa Kitô sai đi làm nhân chứng cho Ngài. Người ta sẽ nói với chúng ta, "Làm ơn cho tôi xem tay của bạn! Làm ơn cho tôi xem chân của bạn! Làm ơn cho tôi xem cạnh sườn của bạn! Nếu tôi không thấy những vết thương, những vết sẹo giống như của Chúa Kitô: yêu thương người nghèo, che chở người yếu thế, bênh đỡ người có tội, yêu thích điều công chính, làm những điều như Chúa Kitô đã làm, sống như Chúa Kitô đã sống; chết cho tha nhân như Chúa Kitô đã chết cho nhân loại, thì tôi không tin!" Các tông đồ và các Kitô hữu của Giáo hội thuở ban đầu đã làm được những việc phi thường và do đó nhiều người đã tin vào Chúa Kitô. Ngày nay chúng ta làm được những việc phi thường gì để người khác có thể nhận ra Chúa Kitô và đặt niềm tin vào Ngài?
Một Câu Truyện
Một người đi xa vượt biển băng rừng để tìm gặp một vị đạo sĩ nổi tiếng có nhiều môn sinh. Anh tìm đến để hy vọng cũng được theo làm môn sinh. Khi đến nơi người ấy hỏi một môn đệ của vị đạo sĩ:
- "Thầy của anh đã làm được những phép lạ gì ở xứ nầy?"
Người môn sinh đó trả lời, "Nhiều phép lạ lắm. Hết phép lạ này đến phép lạ khác. Ở xứ anh, người ta quan niệm phép lạ xảy ra khi Thiên Chúa thực hiện những điều người ta mong muốn. Còn ở xứ này, chúng tôi quan niệm phép lạ là khi một người dám thi hành những điều Thiên Chúa muốn."
Là những Kitô hữu Công giáo, chúng ta không phải là những người ngồi đó hy vọng chờ để được chứng kiến thêm phép lạ Chúa làm hầu cho đức tin chúng ta được củng cố. Nhưng chúng ta cần phải là những người dấn thân ra đi làm phép lạ trong đời sống của chúng ta, trong gia đình chúng ta, và trong xứ đạo của chúng ta hầu cho những người khác có thể nhận ra Chúa Kitô phục sinh. Những phép lạ và những điều phi thường chúng ta có thể làm là can đảm sống và thi hành những điều Thiên Chúa muốn. Và giống như các tông đồ và các tín hữu thuở ban đầu, sống hiệp thông đoàn kết với nhau trong tinh thần cầu nguyện, bẻ bánh, ca khen Thiên Chúa, chia sẻ những gì mình có với người nghèo. Sống như thế tức là chúng ta đang làm được những việc phi thường. Và cuộc đời của chúng ta, những bàn tay, đôi chân của chúng ta sẽ mang những dấu đinh hy sinh vì tình yêu tha nhân giống như Chúa Kitô. Và như thế chúng ta sẽ trở nên những nhân chứng đáng tin cậy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam