Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1373433

MƯỚN THỢ LÀM VƯỜN NHO

Mướn thợ làm vườn - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Đài Hà Nội đưa tin lúc 07g15 sáng ngày 21/09/1987 như sau: “Nước Hoa Kỳ vẫn còn 9.500.000 người thất nghiệp, hơn 4 triệu người ăn xin, hơn 300.000 người tự tử hàng năm”. Vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân là một việc khó khăn, làm đau đầu các nhà cầm quyền trên thế giới.

Dụ ngôn Tin mừng hôm nay đề cập đến một ông chủ giúp nhiều người thất nghiệp có công ăn việc làm. Ông đã đối xử với họ rất công bằng và bác ái.

Công bằng vì ông đã trả lương cho thợ đúng với sự thỏa thuận giữa chủ và thợ, đúng với thời giá thích hợp với hoàn cảnh công nhân: Công mỗi ngày một đồng đủ nuôi sống họ và gia đình cho chi phí tiêu dùng cả ngày.

Ông còn thực thi công bằng xa hơn ở điểm là ông tự cho mình có trách nhiệm phải tìm giúp các kẻ thất nghiệp có công ăn việc làm. Đây là bổn phận của chủ đối với thợ, của cha mẹ đối với con cái, của chính quyền đối với người dân. Họ phải chịu trách nhiệm tạo công ăn việc làm xứng đáng với phẩm giá con người, phải lo tổ chức xã hội phân chia quyền lợi và nghĩa vụ tương đối đồng đều, không ai bị thiệt thòi quá và không ai hưởng lợi quá.

Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công Đồng Vatican II đã xác định: “Trong những hoàn cảnh cụ thể. Chính xã hội có bổn phận góp phần giúp người công nhân có công ăn việc làm” (số 67).

Từ thực thi công bằng cá nhân và xã hội, ông chủ vươn lên thực thi bác ái. Bác ái ở đây là ông chủ đã thương những người thợ, trả cho những người chỉ làm ít giờ cũng được lãnh một đồng như người làm cả ngày. Phải chăng ông đã thấy hoàn cảnh gia đình nghèo khổ của họ? Ông đã thấy họ cũng phải khổ sở suốt ngày đi tìm việc làm. Ông đã hỏi: “Sao các anh đứng đây suốt ngày vô công rỗi nghề thế? Họ đáp: Vì không có ai thuê chúng cháu cả”. Câu đáp thật tội nghiệp! Cả ngày trông chờ có người mướn, cả ngày lo lắng làm sao có tiền nuôi gia đình đây!

Lòng bác ái của ông chủ dẫn ông xa hơn nữa: Giờ nào ông cũng chăm lo đi tìm tất cả những kẻ thất nghiệp, giúp họ có công ăn việc làm. Ông biết rằng: “Nhờ việc làm, con người giúp nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ lẫn nhau, có thể thực thi bác ái và góp phần vào công cuộc sáng tạo kiệt tác của Thiên Chúa. Hơn nữa, nhờ việc làm con người cộng tác vào chính công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm với chính hai bàn tay của mình tại Nagiaret” (Gaudium et Spes 67).

Thời thượng cổ có tiếng là chuyên chế bóc lột, thế mà ông chủ này lại có quan niệm công bình bác ái thật lạ lùng! Dù thời nay có tiếng là văn minh dân chủ tiên tiến, thế mà chưa thấy một chế độ nào thực hiện được như vậy! Chế độ nào cũng đầy dẫy những bất công, bóc lột, bất nhân. Những tệ nạn chiến tranh, khủng bố, đảo chánh, biểu tình là những hiện tượng hậu quả của các xã hội bất công.

Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.

Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao?”. Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng vạch cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư!”

Năm 1987, nhiều nước tư bản phản đối các công ty tư nhân của Nhật hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là thói ghen tị bất công, bất nhân. Mình không được ăn thì đạp đổ và muốn dìm cả dân tộc nghèo đói vì chiến tranh bất nhân.

Ông chủ không trả tiền thêm cho bọn thợ làm cả ngày! không phải vì ông keo kiệt, bóc lột. Nếu ông keo kiệt bóc lột, ông chẳng hậu đãi các thợ làm ít giờ. Nhưng ông phải giữ đúng công bằng vì không cho phép lòng tham của họ vơ vét thêm, làm dịp cho họ ăn chơi hoang phí.

Lạy Chúa, “trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Chúa cao hơn đường lối của con người bấy nhiêu” (Is. 55,9). Lạy Đức Kitô là ông chủ muôn đời, xin bày tỏ đường lối cao cả của Người nơi con như Người đã thực hiện nơi thánh Phaolô, để sinh hoa kết quả cho anh em con và cũng là mối lợi bội phần cho con lúc chết. Amen. (Pl. 1, 20-24).

 

2. Chân dung gia chủ tốt lành... - Dã Quỳ

Giữa một xã hội đề cao lợi nhuận và chú trọng đến năng suất, người ta chỉ ưa của chuộng công, muốn lợi cho bản thân mà chẳng cần quan tâm đến người khác! Chúng ta, những Kitô hữu luôn được mời gọi đi theo đường lối của Thiên Chúa, suy nghĩ và hành động theo Tin Mừng. Vì Nước Trời chỉ dành cho những công dân biết hành xử đầy tình nghĩa và tốt bụng như Gia Chủ trong "Dụ ngôn thợ làm vườn nho" mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta.

Chắc chắn Chúa không muốn ủng hộ thực tế bất công của xã hội đã không trả cho những người thợ theo công việc họ làm, và Người cũng chẳng muốn xác định một mức lương độc đoán hoàn toàn theo cách của chủ nhân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng gia chủ trong dụ ngôn không phải là một ông chủ bình thường theo thói đời. Bởi vì người ta không bao giờ thuê những người thợ chỉ làm 1 giờ trước khi kết thúc công việc của họ. Ở đây, mở đầu dụ ngôn, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình."(20,1) Vâng, đây là dụ ngôn về Nước Trời, thế nên "Vườn nho" này đã cho chúng ta nhớ lại "Bài ca vườn nho" biểu tượng mà Cựu ước và cả những thính giả của Chúa Giêsu đều hiểu rõ "Vườn nho" của Thiên Chúa, đó là Israel-dân được chọn, được ký kết Giao ước (x. Is 5,1.7)

Chính vì Thiên Chúa đã muốn dẫn dắt dân vào trong lãnh địa của Ngài, muốn họ được hạnh phúc và chung hưởng niềm vui của Ngài. Vì thế, mà gia chủ vẫn lại trở ra tìm mướn thợ dù đã 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ hay 5g chiều "Gia chủ kia vừa tảng sáng đã ra mướn thợ...Khoảng giờ thứ ba ông lại trở ra. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín ông lại trở ra... Khoảng giờ mười một, ông trở ra và..." (20,1-6) Chúng ta biết rằng việc thuê những người thợ này không phải là cho lợi ích của chính gia chủ, nhưng đây là một ông chủ đã hết sức bận tâm về tình trạng của những người thợ thất nghiệp "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?" Thiên Chúa- Gia chủ vườn nho là Đấng trung thành, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong tình trạng sầu khổ, nghèo nàn. Thiên Chúa yêu thương và quan tâm chúng ta với một tình yêu vô tận, ngay cả chúng ta yếu hèn tội lỗi cũng không ngăn cản Ngài yêu chúng ta và tìm kiếm chúng ta. Dẫu cho bao lần chúng ta cảm thấy như Ngài quên chúng ta khi ta đau khổ và bơ vơ, nhưng Chúa ở đó, vẫn đến và tìm gặp chúng ta, dẫn chúng ta vào trong vườn nho của Ngài dù cho có muộn màng.

Thực tế cuộc sống sẽ chẳng bao giờ có chuyện ông chủ đi tìm thuê thợ như vậy, và hơn nữa lại tốt lành tính công 1 giờ bằng một ngày "Những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền." (20,9) Oái oăm thay những người vào làm sau cùng cũng lãnh một đồng như người vào làm trước nhất! Gia chủ này thật lạ, tấm lòng ông đầy nhân hậu, ông ưu tiên những người nghèo khổ, ông đặt những người cuối lên hàng đầu... Và điều đó chỉ có nơi Thiên Chúa Nhân Lành. Còn con người thì ngược lại, tư tưởng và hành động chất chứa đầy ganh tị. Nhìn ai hơn mình là khó chịu, là hằn học. Thậm chí chẳng liên quan đến mình hoặc mình không thua thiệt mà vẫn ghen tương "Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ..." (20, 9-11) Đối với Thiên Chúa, không có chuyện đặc quyền, đặc lợi. Đã được mời gọi, thỏa thuận và đồng ý thì sao lại phải so bì tính toán khi mình đã được lãnh nhận đủ phần của mình?

Trong Lịch Sử Cứu Độ, dân Israel là dân đã được mời gọi và hưởng ân huệ của Vườn Nho Thiên Chúa sớm nhất, còn những dân tộc ngoại bang là những người cuối cùng được mời đến, cũng được đối xử bình đẳng với Dân của Chúa. Chính vì vậy, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần làm nổi bật lên hình ảnh của những người nghèo, những người bị gạt ra lên xã hội và tôn giáo, những người "đứng chót". Thiên Chúa- Chủ Vườn Nho đã đối xử với chúng ta như người Cha đầy tình nghĩa yêu thương, quảng đại vô cùng với tất cả mọi người "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho những người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?" (20,13-15) Đây là bài học trọng tâm của dụ ngôn này. Và đây cũng là bức chân dung tuyệt vời mà Chúa Giêsu mô tả cho chúng ta về Chúa Cha:

- Một Thiên Chúa, Đấng yêu thương cả những kẻ đứng đầu và đứng chót, muốn dẫn đưa tất cả vào trong hạnh phúc của Ngài... Một Thiên Chúa, Đấng tuôn đổ ân huệ của Ngài trên tất cả và không ngừng mời gọi họ... Một Thiên Chúa, Đấng khoan dung và nhân hậu, không bao giờ bị chi phối vì lỗi lầm của chúng ta, nhưng Ngài trao ban một cách rộng rãi, không tính toán... Một Thiên Chúa, Đấng loại bỏ bất cứ ai đòi quyền lợi bằng cách ngăn cản người khác hưởng lợi ích...

Dụ ngôn này giúp chúng ta khám phá ra một điều cốt yếu: Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta hoàn toàn nhưng không và chẳng cân xứng với công trạng nghèo nàn của nhân loại chúng ta. Chúng ta sẽ làm được gì hay hy vọng vào điều gì nếu ta chỉ cậy dựa vào tài sức của mình? Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi vào trong Vườn Nho Giáo Hội, chúng ta đã đón nhận hết ơn này đến ơn khác và chờ đợi tất cả nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và muốn chúng ta được hưởng hạnh phúc với Người. Vậy Chúa cũng mời gọi và muốn chúng ta mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu, mang lấy cung cách hành xử theo văn hóa của Nước Trời là sống tình nghĩa yêu thương bao bọc nhau, quảng đại đón nhận mọi người như anh chị em con cùng một Cha. Có như thế, chúng ta dù là kẻ đứng chót sẽ được trở nên hàng đầu và được trở thành công dân của Nước Trời- Nước Tình yêu. Xin Chúa giúp chúng ta biết cộng tác trong sứ mệnh mở rộng Nước Chúa ngay tại quê hương Việt Nam thân yêu này mới chỉ có hơn 7% người Công Giáo, bằng cách chúng ta giới thiệu, mời gọi, dẫn dắt anh chị em đến với Chúa là Gia Chủ để rồi họ cũng được nhận vào Vườn Nho của Chúa và được hưởng ân phúc cứu độ mà Chúa luôn dành sẵn cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến tìm và sai chúng con vào vườn nho của Chúa. Xin ban cho chúng con ánh nhìn yêu thương và tấm lòng nhân hậu, để chúng con biết "ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Chúa" và thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

 

3. Do con người hay do Thiên Chúa

Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.

Như chúng ta đã biết Thiên Chúa là Tình yêu. Chính tình yêu đó đã thúc đẩy Ngài thực hiện những hành động mà tâm trí loài người chúng ta cho là nghịch lý. Thực vậy, nghịch lý của một Thiên Chúa vô cùng mà lại làm người hèn mọn. Nghịch lý của cội nguồn sự sống mà lại chấp nhận cái chết tức tưởi. Nghịch lý của Đấng thánh tuyệt vời mà lại gánh lấy tội lỗi của nhân loại và còn nhiều điều nghịch lý khác nữa được tìm thấy trong Phúc Âm. Chẳng hạn cả Nước Trời vui mừng vì một kẻ tội lỗi trở lại hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Hoặc những kẻ tội lỗi cùng với phường đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước cả những luật sĩ và biệt phái, vốn được coi là hàng đạo đức trong dân Do Thái. Hoặc ai vả ngươi má này thì hãy đưa cả má kia. Ai lấy áo trong hãy cho cả áo ngoài. Ai muốn làm lớn, hãy trở nên đầy tớ. Chính vì thế thánh Phaolô đã thốt lên: Thiên Chúa đã dùng sự điên rồ của loài người để mạc khải sự khôn ngoan của Ngài.

Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta cũng thấy: Không phải chỉ có những người thợ vào giờ đầu ban sáng mới có những thắc mắc với ông chủ, mà hầu như ai trong chúng ta rơi vào trường hợp ấy, cũng đều có chung một phản ứng tương tự. Làm sao có thể chấp nhận được lối cư xử nghịch lý như thế? Vậy mà tình thương của Thiên Chúa đã mang lại lời giải đáp khiến chúng ta đi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục, vì ai mà chẳng trông mong được hưởng nhờ tình thương ấy. Chính tình thương ấy đã vượt lên trên sự công bằng phải lẽ và đã xoá tan đi hố ngăn cách giữa người lành và kẻ dữ. Thiên Chúa không muốn xoá sổ một ai cả, Ngài sẵn lòng kêu gọi sự hợp tác của con người, từ kẻ làm giờ thứ nhất đến người làm giờ sau cùng, hoàn toàn không phải do công lao của con người, nhưng là khởi nguồn từ sáng kiến đầy lòng thương xót của Ngài.

Không ít người trong chúng ta cũng tự hào vì đã đóng góp nhiều tiền của vào việc xây cất thánh đường, thức khuya dậy sớm tham dự những việc đạo đức, nhưng lại không muốn thấy ai hơn mình và lấy làm vui khi người khác thấp kém hơn ta. Chính vì mối ganh tỵ hẹp hòi đó mà con người sẵn sàng dốc toàn lực để mưu tìm cho bản thân chỗ đứng vững chắc trong xã hội, những mánh mung làm ăn đem lại nhiều lợi nhuận, cho dù phải giẫm lên người khác để mà tiến tới. Và cho đó là khôn ngoan, là hợp lý. Chúng ta có ngờ đâu chính cái khôn ngoan và hợp láy ấy lại đi ngược lại với đường lối đầy tình thương của Thiên Chúa. Thật đáng tiếc khi chúng ta đã làm méo mó bộ mặt của Thiên Chúa. Đã đến lúc chúng ta phải tự vấn xem chúng ta suy nghĩ như thế nào về Thiên Chúa, về tha nhân, về chính mình.

 

4. Sự công bằng của Chúa

Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không phải là đường nẻo của các ngươi. Với dụ ngôn những người thợ giờ thứ mười một, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa đường lối và cách cư xử của Chúa.

Thật vậy, một người chủ thuê thợ vào làm trong vườn nho của mình. Những người thợ này được thuê vào những giờ giấc khác nhau. Những người được thuê vào sáng sớm với giá thoả thuận là một quan tiền một ngày. Những người thợ khác thì được thuê vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín. Nhưng cũng có những người được thuê vào giờ thứ mười một, nghĩa là vào một thời điểm rất muộn. Tuy được thuê vào các giờ khác nhau, nhưng họ lại kết thúc công việc trong cùng một lúc. Như thế, số giờ làm việc có khác nhau, nhưng số tiền mọi người lãnh được lại bằng nhau, kẻ đến sớm cũng như người tới muộn, mỗi người đều nhận được một quan tiền, theo sự thoả thuận giữa ông chủ và những người thợ được thuê sớm nhất. Cách đối xử của ông chủ đã làm cho những người đến muộn vui mừng, nhưng lại tạo nên sự bất mãn nơi những kẻ được thuê từ sáng sớm. Bất mãn vì không được hơn người tới muộn, mà cũng có thể là bất mãn vì người tới muộn cũng được lãnh như mình. Và ông chủ đã trả lời cho những kẻ bất mãn về lý do hành động của ông như sau: Há tôi lại không được phép làm như tôi muốn hay sao?

Những ám chỉ của dụ ngôn thật rõ ràng: Ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa. Những người thợ được thuê từ sớm là những người Do Thái. Còn những người thợ giờ thứ mười một là tất cả các dân tộc khác, được gọi là dân ngoại. Dụ ngôn là câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người biệt phái và Do Thái, từng kêu trách về sự ưu đãi của Chúa đối với những người họ gọi là dân ngoại. Đồng thời qua đó Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy rõ lòng nhân từ của Thiên Chúa thì vượt lên trên tất cả những loại trả công của nhân loại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hành động của Ngài lại mang tính cách tuỳ tiện và bất chấp sự công bằng. Đối với Nước Trời, không có vấn đề buôn bán hay trả giá, mà hoàn toàn chỉ vì lòng nhân từ và thương xót của Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Là những người thuộc về một gia đình đạo gốc và bản thân vốn lại là người siêng năng sốt sắng, trung thành tuân giữ mọi điều răn, có thể là từ nhỏ cho tới lớn, chúng ta nhiều khi tự cho mình cái quyền được hưởng những ân huệ của Chúa hơn những người khác, nhất là những người chẳng hề biết đạo và thực hành đạo như chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý một điều: Thiên Chúa là Đấng yêu thương và Ngài đối xử với mỗi người chúng ta quá lượng chúng ta có thể mong ước và mường tượng ra được. Bởi đó thái độ căn bản sẽ là cõi lòng biết ơn và vui mừng trước những gì Thiên Chúa ban cho người khác, cũng như ban cho chính bản thân chúng ta.

 

5. Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chủ đề: Lòng tốt của Thiên Chúa

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ về Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp nhiều bất ngờ. Thiên Chúa mà ta tưởng rằng đã hiểu rất rõ lại không như ta tưởng; suy nghĩ của Ngài nhiều khi không giống suy nghĩ của chúng ta; cách đối xử của Ngài cũng lắm bất ngờ.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu Ngài hơn, và nhất là biết suy nghĩ và cư xử như Ngài.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta ít lo tìm hiểu Chúa nên đã không sống như Ngài.

Cách chúng ta đối xử với người khác dựa trên quyền lợi bản thân hơn là dựa trên lòng tốt.

Nhiều khi thấy một người khác được điều gì tốt, thay vì vui mừng, chúng ta lại khó chịu.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Is 55,6-9):

Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn lánh Ngài. Mà càng trốn lánh Thiên Chúa thì càng lún sâu trong tội.

Qua lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khuyến khích họ cứ an tâm trở về. "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi": Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Người không bắt tội mà chỉ thứ tha.

2. Ðáp ca (Tv 144):

Tv này ca tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa, sự vĩ đại này chính là tấm lòng của Ngài: nhân hậu, từ bi, kiên nhẫn, xót thương và tốt lành với tất cả mọi người.

3. Tin Mừng (Mt 20,1-16a):

Dụ ngôn này phản ảnh hai cách suy nghĩ:

Cách suy nghĩ của đám thợ làm vườn nho là suy nghĩ theo công bằng: kẻ làm ít giờ lẽ ra phải được lãnh ít hơn người làm nhiều giờ. Ðây cũng là suy nghĩ của loài người chúng ta.

Cách suy nghĩ của ông chủ vườn nho: vẫn trả đủ lương cho những người làm nhiều giờ, nhưng vì lòng tốt nên cũng trả cho người thợ làm giờ cuối cùng đủ một đồng. Ðây là cách suy nghĩ của Thiên Chúa.

4. Bài đọc II (Pl 1,20c.24-27) (Chủ đề phụ):

* Trong các Chúa nhựt XXV-XXVIII, bài đọc II được trích từ thư Phaolô gởi tín hữu Philipphê.

Ðây là bức thư Phaolô viết trong khi bị cầm tù. Trong thời gian Phaolô ở từ, tín hữu Philipphê đã thường xuyên thăm viếng, trợ giúp và còn phái người tới chăm sóc cho Phaolô.

Trong đoạn thư này, Phaolô nghĩ đến hai tình huống:

Một là ông sẽ được tha tự do: khi đó ông sẽ tiếp tục rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, và Ngài sẽ được vẻ vang.

Hai là ông bị xử tử: cái chết của ông vì Tin Mừng cũng sẽ làm vẻ vang Ðức Kitô.

Vì thế Phaolô kết luận: "Dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô cũng sẽ được vẻ vang nơi tôi"

IV. Gợi ý giảng

1. Tư tưởng của Thiên Chúa không giống tư tưởng loài người

Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai?

Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.

Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có thương yêu và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Ðối với từng đứa con, Ngài không xét xem nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất…

Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm một người buôn bán vô tình.

2. Công bình và thương xót

Nhiều người đọc xong dụ ngôn này đã nghĩ rằng Thiên Chúa đối xử không công bình vì Ngài đã trả cùng một đồng cho những người làm việc suốt ngày và người chỉ làm có một giờ.

Thực ra chẳng có gì là không công bình cả: Vì ông chủ đã thỏa thuận với thợ về tiền công mỗi ngày là một đồng, nên nếu ông trả không đủ một đồng thì mới bất công. Nói cho đúng hơn: đối với những người làm suốt ngày thì ông chủ công bình; còn đối với người làm chỉ có một giờ thì ông chủ đã đối xử hơn mức công bình: ông đối xử theo lòng thương xót.

Xem ra, đòi hỏi công bình là điều hợp lý. Nhưng xét theo thực tế, chúng ta không chịu nổi nếu Chúa cứ theo công bình à đối xử với chúng ta, đúng như lời Thánh vịnh "Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được". Cho nên, xét cho cùng thì chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa hơn là đến đức công bình của Ngài.

Vả lại, đối xử công bình là đối xử bằng lý, còn đối xử với lòng thương xót là đối xử theo tình. Mỉa mai thay, bất chính như con người thì hay đòi đối xử bằng lý, còn công chính như Thiên Chúa lại thích đối xử bằng tình.

Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn này và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ ra sao sau khi chứng kiến nó: có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Ðó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì cả. Ðến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm chăng. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp. Hôm đó McCarthy rất hối hận vì đã vội kết án những con người tội nghiệp ấy. Và ông đã soạn một lời cầu nguyện như sau:

"Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi

và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi"

"Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu

thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu"

Lạy Chúa

Tư tưởng chúng con rất nông cạn, đường lối chúng con rất hẹp hòi

Bởi vì trí óc chúng con nghèo nàn và con tim chúng con chật chội.

Xin Chúa mở rộng trí óc và con tim chúng con

để chúng con suy nghĩ giống Chúa hơn, và hành động giống Chúa hơn.

Xin giúp chúng con đừng bực bội vì lòng tốt của Chúa đối với người khác

Xin giúp chúng con ý đừng cho rằng chúng con đáng được Chúa thưởng công

Xin giúp chúng con ý thức rằng chúng con cần đến lòng thương xót hơn là đức công bình của Chúa. Amen.

3. Giờ thứ 11

Cuối đoạn Tin Mừng này có một câu bất ngờ: "Kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Trong Tin Mừng có nhiều thí dụ minh họa: Một chàng thanh niên giàu có và đạo đức hỏi Ðức Giêsu: tôi đã giữ các giới răn từ thuở nhỏ, vậy tôi phải làm gì thêm để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Lần kia Phêrô áy náy trình với Chúa: Thưa Thầy, này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì sao? Bồn chồn hơn nữa, hai người con Ông Dêbêđê nghĩ rằng mình thuộc số môn đệ đi theo Thầy trước hết cho nên xin Thầy dành cho mình hai chỗ tả hữu trong Nước của Ngài. Nhưng, đối với những "kẻ trước hết" ấy, Ðức Giêsu đã không dành hai chỗ tả hữu ưu tiên, Ngài lại ban chúng cho hai tên trộm cướp. Ðúng vậy, hai "kẻ sau hết" này đã ở hai bên tả hữu của Thập giá.

Nói "trước hết" và "sau hết" là tính theo thời gian. Nhưng liên hệ với Chúa không tính bằng thời gian mà bằng sự gắn bó tình yêu.

4. Hãy có một não trạng mới

Ðiểm sâu sắc nhất của dụ ngôn những người thợ vườn nho là đặt đối lập nhau hai não trạng:

a/ Não trạng của những thợ làm nhiều giờ là óc tính toán: làm gì cũng là để tính công, công càng nhiều thì phải được hưởng càng nhiều.

Ðây là não trạng của đa số tín hữu chúng ta. Chúng ta tính toán mình đã giữ đạo bao nhiêu năm, đọc kinh dự lễ bao nhiều lần, làm việc lành phúc đức bao nhiêu việc v.v.

Với não trạng ấy, chúng ta chăm chăm nhìn đến những việc mình đã làm và cứ bo bo nhìn vào sổ thu của mình. Chúng ta nghĩ rằng khi đến cuối đời (hết ngày làm việc), trình quyển sổ thu đó cho Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ mở kho tàng ơn cứu độ và thanh toán sòng phẳng cho chúng ta.

Nhưng trong não trạng ấy, ta là ai, Thiên Chúa là ai, liên hệ giữa Thiên Chúa và ta là gì? Ta chỉ là người làm công, Thiên Chúa là người thuê mướn, liên hệ hai bên là hợp đồng làm ăn.

Sống đạo theo não trạng này thật là nặng nhọc và vô tình vô nghĩa.

b/ Thực ra, Thiên Chúa đâu có tự coi là người thuê mướn và cũng đâu có coi chúng ta là người làm công.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Người thì hoàn cảnh này (đứng trước vườn nho từ sáng sớm), người thì hoàn cảnh khác (đứng trước vườn nho khi đã gần hết ngày), nhưng người nào cũng được Thiên Chúa thương và ban cho ơn cứu độ (được vào vườn nho, được lãnh một đồng).

Não trạng thoải mái và hạnh phúc nhất là cảm nhận tình thương ấy và đáp lại tình thương bằng cách tận tâm tận lực canh tác vườn nho, không tính toán làm lâu hay làm mau, làm được nhiều hay làm được ít, chịu cực khổ nhiều hay ít.

Cần phải thay đổi não trạng: sống đạo không bằng tính toán mà bằng cả tấm lòng.

5. Chuyện minh họa

Ðây là diễn tiến một cuộc chạy đua 3000 mét.

Lúc bắt đầu, những tay đua chạy san sát nhau thành một nhóm rất đông. Một lúc sau, một nhóm nhỏ đã tách rời đám đông và chạy phía trước. Còn vài chục mét nữa thì một người vọt lên rất nhanh và tới đích.

Khán giả vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Một số người ôm những bó hoa tới tặng nhà vô địch. Các phóng viên xách Camera và máy chụp hình tới, vừa bấm máy, vừa thu hình, vừa phỏng vấn. Những người hâm mộ tới xin chữ ký. Một số hãng thương mại đến đề nghị ký hợp đồng với nhà vô địch.

Cuối cùng, ông chủ tịch Ban Tổ chức xuất hiện. Người ta mời nhà vô địch lên đứng trên một chiếc bục cao, người hạng nhì đứng trên bục bên phải thấp hơn một chút, và người hạng ba bục bên trái thấp hơn chút nữa. Người ta mang đến 3 chiếc huy chương để ông chủ tịch đeo vào cổ họ.

Nhưng ông chủ tịch ngỏ ý muốn gặp 3 người tới đích cuối cùng. Ban tổ chức không hiểu, nhưng vẫn làm theo lời ông. Khi họ tới, ông tươi cười trao chiếc huy chương vàng cho người hạng chót, chiếc huy chương bạc thuộc về người áp chót, và chiếc huy chương đồng cho người kế tiếp.

Nhà vô địch bực bội phản đối:

- Như thế là không công bình!

- Tại sao? Ông chủ tịch hỏi lại.

- Tôi hạng nhất, tôi phải được thưởng.

- Thì anh đã được thưởng rồi. Này nhé khán giả đã vỗ tay hoan hô anh, báo chí đã chụp hình anh, những người hâm mộ đã tặng hoa cho anh, những hãng thương mại đã ký hợp đồng với anh. Anh đã được thưởng quá nhiều rồi. Bây giờ anh hãy nghĩ tới những người chạy sau chót: họ cũng cố gắng như anh, vất vả không kém gì anh, và cũng chạy hết đoạn đường 3000 mét như anh. Anh thử nghĩ xem có công bình không khi anh thì được tất cả còn họ thì chẳng được gì?

V. Lời nguyện cho mọi người

CT: Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1. Chúa Giêsu đã giao cho hàng Linh mục sứ mạng rao giảng Tin Mừng / và cử hành các bí tích mà phục vụ dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các ngài luôn trung thành / khôn ngoan và nhân hậu.

2. Trên thế giới ngày nay / hình như lòng khoan dung không còn ngự trị trong các sinh hoạt trần thế / do đó con người vẫn còn điên cuồng tàn sát lẫn nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng khoan dung ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong đời sống con người.

3. Hiện tại có biết bao người đang âm thầm hy sinh cả cuộc đời trên cánh đồng truyền giáo / để giới thiệu Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giữ gìn / và nâng đỡ những anh chị em ấy / giữa muôn vàn thử thách trong đời sống chứng nhân của mình.

4. Tính ganh tị làm cho con người trở nên mù quáng / hẹp hòi / ích kỷ / thậm chí vu khống để bôi nhoi danh dự / để hạ người khác xuống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết can đảm sửa chữa tận gốc tật xấu kinh niên này.

CT: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống như Chúa: luôn cư xử quảng đại và khoan dung với hết thảy mọi người, nhờ đó chúng con sẽ nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời. Chúa hằng sống và hiển trị...

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta đây, kẻ thì biết Chúa vào giờ thứ nhất, người thì chỉ mới biết Ngài vào giờ thứ 11. Nhưng Chúa đã thương tất cả chúng ta, cho tất cả chúng ta làm con trong nhà Ngài. Vậy tất cả chúng ta hãy trìu mến dâng lên Ngài lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy.

VII. Giải tán

Thiên Chúa đối xử với mọi người bằng lòng tốt. Xin Chúa giúp anh chị em ra về cũng đối xử bằng lòng tốt với mọi người.

 

home Mục lục Lưu trữ