Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1365984

NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA

.Năm hồng ân của Chúa.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi đã khá có tiếng tăm ở vùng Galilê, Đức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài sinh trưởng. Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn. Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.

Ngài vẫn là một người Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Chúng ta cần chiêm ngắm Đức Giêsu đứng đọc Sách Thánh. rồi ngồi xuống giải thích Lời Chúa cho mọi người. Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đỉnh đạc, khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại. Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.

Mọi người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng. Đoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia. Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày. Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do.

Đức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này. Ngài thấy nó phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Đây là một hướng đi mà Ngài phải theo đuổi, một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.

Đức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt.

Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói.

Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam.

Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.

Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bóc lột. Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài, sống như con của Cha và anh em của nhau.

Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ. "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Đức Giêsu.

Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ vì thiếu sự cộng tác của bản thân tôi.

Con người hôm nay khao khát niềm vui, ánh sáng, tự do, nhưng ít người chịu tin vào Đức Kitô chỉ vì đời tôi đầy sầu muộn, bóng tối và nô lệ. Thậm chí có khi tôi lại là kẻ áp bức anh em, kẻ bịt mắt và giam hãm tha nhân trong ngục tù.

Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm trong đời Đức Giêsu. Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong đời tôi, để ngày hôm nay của Chúa được kéo dài đến tận thế.

Đại Năm Thánh 2000 đã kết thúc, nhưng kết thúc là để tôi bắt đầu sống quảng đại một thiên niên kỷ mới chan chứa hồng ân.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đức Thánh Cha đã mời gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo nhân dịp Năm Thánh 2000. Bạn nghĩ mình có thể làm gì để những người chung quanh được vui tươi hơn, nhẹ nhàng hơn?

Thế giới hôm nay vẫn còn nhiều xung đột, chiến tranh. Bạn có thể kể ra những cuộc xung đột hay chiến tranh mà bạn biết? Đâu là lý do gây ra chúng?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần, Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới, trong lòng mọi người.

Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đóm sáng rực rỡ:

khi con người ngồi lại gần nhau - để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình;

khi cả thế giới lo chung một mối lo: bảo vệ trái đất, ngăn chận sida, tận diệt ma tuý;

khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn;

khi trẻ thơ và người già được chăm sóc;

khi hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ;

khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da;

khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho con người sống hạnh phúc;

khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau, sống trên cùng một hành tinh, dưới mái nhà bầu trời.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin cho chúng con thấy Ngài nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố, nơi những hy sinh vô vị lợi, và cả nơi những thao thức của ai đó, muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.

 

2.Xóa nợ cho nhau – Thiên Phúc.

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Trước lúc lìa đời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh tổng đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan tổng đốc.

Cái ống tre ấy truyền đến người cháu bảy đời của Trạng, mới rước lên dinh quan tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống thấy một cuộn giấy, ông rút ra xem thấy có hai câu chữ nho: ‘Ngã cứu nhi thượng lương chi ách. Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần’. Nghĩa là: ‘Ta cứu ngươi khỏi xà nhà đổ. Ngươi cứu cháu bảy đời của ta còn nghèo’.

Đang lúc bận việc, quan tổng đốc thấy hai câu nói xấc xược ấy, ông liền nổi giận. Sẵn cầm chiếc quạt trên tay, ông đứng phắt dậy, chạy lại định đánh người cháu bảy đời của Trạng. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà ngay trên đỉnh đầu đổ xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ông mới vừa bước ra, nên không sao cả.

Quan tổng đốc lúc đó mới giật mình hiểu rõ Trạng đã cứu mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan ân cần xin lỗi người cháu ông, mời về tư thất đãi cơm rượu, rồi cho một số tiền khá lớn, để cứu giúp cho gia đình cháu của Trạng đang lâm hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.

Nói đến các bậc tiên tri ở nước ta, trước hết phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời ông đã nổi tiếng về các giai thoại tiên tri, đến nỗi các sĩ tử nô nức xin theo học và thiên hạ đua nhau tìm đến hỏi về những việc tương lai.

Tuy nhiên, các lời sấm của ông được ứng nghiệm là do trí thông minh của ông đã mách bảo. Còn hôm nay, nơi Đức Giêsu đã ứng nghiệm sấm ngôn của Isaia do Thánh Thần linh ứng. Chính Đức Giêsu cũng là một tiên tri được đầy tràn Thánh Thần. Một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ mạng cứu độ.

Khi chịu phép rửa, Người đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu.

Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo hèn, những kẻ nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo văn hóa.

Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm trong lao tù, trong ích kỷ, trong tham lam.

Người cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u mê thoát vòng tối tăm.

Người trả tự do cho người bị áp bức, phá xiềng xích cho những tội nhân.

Người khai mở một năm Toàn Xá, Năm Thánh, năm Hồng Ân cứu độ.

Chúng ta cũng đã được xức dầu để trở thành tiên tri, đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Nếu Thánh Thần đã chi phối toàn bộ ngôn từ, hành vi của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy ngoan ngùy để Thánh Thần hướng dẫn tất cả lời nói, việc làm của mình.

Nếu sấm ngôn của Isaia đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu; ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta, bằng sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người.

Con người ngày nay khắc khoải trong lo âu sầu muộn, người tín hữu Kitô phải là chứng nhân của niềm vui.

Con người ngày nay ngụp lặn trong bóng tối của lầm lạc, người tín hữu Kitô phải chiếu tỏa ánh sáng của đức tin.

Con người ngày nay bị kìm tỏa trong vòng nô lệ của tiền bạc, danh vọng; người tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của con cái Chúa.

Nếu những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần, mà còn làm ngơ trước những con người nghèo hèn, áp bức kẻ cô thân cô thế, bịt mắt những anh em dốt nát, và giam hãm tha nhân trong ngục tù dưới nhiều hình thức; thì quả thật, Lời Chúa chẳng bao giờ được ứng nghiệm trong cuộc đời họ. Và Năm Đức Tin qua đi trong cuộc đời mà họ không hề nhận được một chút Hồng Ân nào của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo. Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.

Xin cho chúng con luôn là những sứ giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa. Amen.

 

3.Ơn gọi Kitô hữu

Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại sự việc Chúa Giêsu trở về quê nhà. Trong khi gửi tới dân làng Nagiarét, nơi Ngài đa lớn lên, một trong những sứ điệp quan trọng, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy một tình yêu thương chân thành và nồng thắm. Thực vậy, lúc bấy giờ Ngài đã nổi tiếng khắp miền Galilêa và nhiều nơi khác, thế nhưng, Ngài đã không quên thôn ấp nhỏ bé Ngài đã sống suốt những năm tháng dài của tuổi ấu thơ và trưởng thành. Ngài muốn chuyển thông Tin mừng cứu rỗi cho những người bà con họ hàng.

Là Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngài đã không chối từ những liên hệ của con người, nối kết ngài với Nagiarét. Và như thế, ơn thánh không phá hủy, mà trái lại còn kiện toàn bản tính tự nhiên của chúng ta.

Nếu nhìn lại cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy Ngài không đến để công bố những lề luật, rồi sau đó Ngài đứng bên lề cuộc đời. Trái lại, Ngài đã làm người, đã hóa thành nhục thể, trở nên một người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã dấn thân vào số kiếp con người, đã nhập cuộc vào trò chơi của lịch sữ nhân loại. Trước hết, Ngài đã tuân giữ những luật lệ phần đạo cũng như phần đời.

Phần đạo, Ngài cũng đã chịu phép cắt bì, hằng ngày Ngài vẫn đến hội đường để nghe đọc Kinh thánh, hằng năm Ngài vẫn lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua….Phần đời, Ngài đã biểu lộ lập trường của mình về việc nộp thuế:

- Của Cêsar hãy trả cho Cêsar. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

Ngài đã thực sự hòa mình vào nếp sống của mọi người: vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ. Thực vậy, Ngài đã đi ăn cưới tại Cana để chia sẻ niềm vui của đôi tân hôn. Trái lại, Ngài đã xúc động trước đám tang người con trai của một bà góa thành Naim, Ngài đã khóc thương trước nấm mộ của Lagiarô cũng như trước viễn cảnh của một Giêrusalem sẽ bị đổ vỡ hoang tàn…Hơn thế nữa, Ngài còn cúi xuống xoa dịu mọi nỗi khổ đau của những người chung quanh: Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi sống đám đông trong hoang địa, Ngài đã xua trừ ma quỉ, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, và người chết được sống lại. Ngài đã chu toàn những công việc của nhân loại theo cách thức của Thiên Chúa để thánh hóa và đem lại cho chúng một giá trị tuyệt vời.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta rút ra được một quan niệm sống cho người Kitô hữu. Thực vậy, người Kitô hữu phải sống trọn vẹn cuộc đời của mình trong những giây phút hiện tại. Họ không được phép chê ghét và xa tránh những người bà con lối xóm. Họ không được phép chạy trốn và khước từ những thực tại trần gian. Trái lại, họ phải dấn thân, phải nhập cuộc như Đức Kitô ngày xưa. Tuy nhiên, họ dấn thân không phải là để cho thế gian lôi kéo. Họ nhập cuộc không phải là để cho tội lỗi vùi dập trong đám bùn nhơ. Đời sống của họ phải trở nên như một bông sen: gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Hơn thế nữa, họ dấn thân và nhập cuộc là để lôi kéo thế gian trở về cùng Chúa. Họ chính là muối mặn ướp cho đời khỏi ươn thối. Họ chính là ánh sáng chiếu tỏa vào thế gian còn chìm ngập trong tăm tối. Họ chính là men làm cho nhân loại này dậy lên hương thơm đạo đức và thánh thiện. Ơn gọi của người Kitô hữu là làm chứng cho Đức Kitô, là sống đức tin của mình giữa lòng cuộc đời, để thánh hóa bản thân và những người chung quanh.

Nếu so sánh quan niệm trên với những luồng tư tưởng lớn của Đông phương, chúng ta sẽ nhận ra được một sự khác biệt.

Thực vậy, Lão giáo thì ngần ngại trước cuộc sống ngắn ngủi phù du, nên đã đi tìm lãng quên trong men rượu, trong vui thú để rồi đã có một cái nhìn thật bi quan và yếm thế.

Khổng giáo thì hăm hở bước vào đời để cải tạo xã hội va đem lại cho bản thân mình chút vinh quang phù phiếm:

- Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,

Không công danh thà nát với cỏ cây.

Và sau cùng, Phật giáo thì ý thức rằng đời là bể khổ, mà mỗi người là như một cánh bèo trôi dạt trên đó, để rồi lên đường kiếm tìn sự giải thoát cho cá nhân mình.

Chỉ Kitô giáo mới đưa ra một cái nhìn vừa lạc quan lại vừa đúng đắn, để xây dựng cho bản thân cũng như cho xã hội.

Có một người đã nhiều năm vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn về tiền bạc và những buồn phiền trong gia đình. Người ta hỏi ông:

- Tại sao lại có thể an vui được như thế?

Ông ta đã trả lời:

- Sở dĩ như vậy vì tôi biết sử dụng cái nhìn của tôi với đôi mắt sáng suốt.

Người ta tò mò hỏi:

- Như thế có nghĩa là gì?

Ông ta nói:

- Trước hết tôi nhìn lên trời và nhớ rằng việc chính của tôi là đạt tới trời. Rồi tôi nhìn xuống đất và hình dung ra nắm đất thân xác tôi sẽ trở thành. Sau cùng tôi nhìn sang bên cạnh và tôi nhận thấy có biết bao nhiêu người còn khốn khổ hơn tôi rất nhiều. Chính ba cái nhìn này đã làm cho tôi sung sướng và bàing lòng với cuộc sống mà không than van trách móc.

Người Kitô hữu sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Bởi đó, hãy biết chấp nhận những thực tại trần gian, để nhờ đó thánh hóa bản thân và những người chung quanh trên con đường trở về cùng Chúa, bởi vì tất cả đều là hồng ân.

 

4.Giá trị Tin Mừng - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Bài Tin Mừng này nhấn mạnh đến giá trị lịch sử và nội dung của lời Chúa.

Xét về giá trị lịch sử, Thánh Luca đã mở đầu sách Tin Mừng bằng dựa vào thế giá “các người đã được chứng kiến ngay từ đầu đã phục vụ lời Chúa, truyền lại cho chúng ta”. Thánh Luca còn “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự … để gởi “Ông Thêôphilô nhận thức được rằng giáo huấn Ông đã học hỏi thật là vững chắc”.

Trước hết, thánh Luca tra cứu nơi chính Đức Mẹ Maria, vì các biến cố đời thơ ấu của Đức Giêsu, từ lúc Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ đến lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi đi lễ đền thờ, Thánh Mathêu chỉ kể vài việc: Truyền tin cho Thánh Giuse biết Đức Maria thụ thai bởi phép Thánh thần, các hiền sĩ, Thánh gia trốn sang Ai Cập. Thánh Marcô và Gioan không kể gì. Thánh Luca kể khá nhiều về đời sống ẩn dật mà chỉ Đức Mẹ biết rõ thôi.

Thứ đến, Thánh Luca tra cứu nơi các tông đồ đã sống bên Đức Giêsu suốt ba năm giảng đạo. Hơn nữa, nhờ Gioan và Giacôbê là anh em họ hàng với Đức Giêsu nên có thể giúp thánh Luca biết về đời sống của Đức Giêsu lúc Người giảng đạo.

Sau nữa, Thánh Luca còn tra cứu rất đông các môn đệ mà Thánh Phaolô kể trong thư Côrintô, có tới 500 người tiễn Đức Giêsu về trời (1Cor. 15, 5-8).

Ngoài ra, Thánh Luca còn tra cứu nơi biết bao nhiêu bệnh nhân đã được Đức Giêsu cứu chữa có thể nói toàn dân Do Thái đã chứng kiến cuộc suy tôn Đức Giêsu làm vua và cuộc khổ nạn của Người trong ngày đại lễ quốc khánh của nước Do Thái.

Phần đông những người đã chứng kiến cuộc đời của Đức Giêsu vẫn còn sống lúc Tin Mừng Thánh Luca ra đời, vì Thánh Luca chép Tin Mừng khoảng năm 60-70 hay 70-80 nghĩa là khoảng 30-40 năm sau Đức Giêsu chịu chết. Như vậy những người chứng kiến đó cũng chỉ 50, 60 tuổi. Họ biết rất rõ về Đức Giêsu nên Luca không thể bịa đặt, thêm thắt, làm sai lịch sử về Đức Giêsu.

Thánh Luca lại là thầy thuốc, ở địa vị thầy thuốc, tất nhiên phải nghiên cứu học hỏi kỹ lưỡng cẩn thận. Trước khi cho một toa thuốc, Ông phải tỉ mỉ xem xét những triệu chứng gây ra bệnh tật, mới dám viết đơn thuốc. Sai trệch, cẩu thả là nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân và đe dọa chính thầy thuốc nữa. Tin Mừng Thánh Luca thật là một toa thuốc vô cùng quan trọng, vì đó là thuốc trường sinh cho cơn bệnh trầm trọng của nhân loại đang hấp hối. Thánh Luca cắt toa thuốc này không phải cho Ngài Thêôphilô và những người mới trở lại đạo, mà còn cho cả thế giới từ nay cho đến tận thế.

Ngài Thêôphilô là bậc thế giá, hàng trí thức và còn bao nhiêu Ngài trí thức vị vọng khác của hàng ngàn năm đã nhận biết chân giá trị thực sự về lịch sử của Đấng Cứu thế nhờ Tin Mừng của Luca. Nếu Luca viết sai lầm, giả dối, thì đã mất hết giá trị từ lâu rồi. Thế mà trải qua hai ngàn năm thử lửa, giá trị lịch sử về Tin Mừng càng ngày càng vững chắc. Không có một cuốn sách nào được in ra hàng ngàn thứ tiếng với hơn năm trăm triệu bản in và hơn hai tỷ cuốn sách như Tin Mừng Đức Giêsu.

Một thế giá khác hơn thế giá lịch sử, nó có giá trị tồn tại trong thời gian như lịch sử, mà còn vượt thời gian đến vô cùng, đó là thế giá nội dung của chính Tin Mừng. Thánh Luca đã tóm tắt nội dung của Tin Mừng vào mấy câu khởi đầu sau đây: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”.

Mấy câu mở đầu đó cho ta thấy rõ: Tin Mừng là của Thần khí, việc rao giảng Tin Mừng là do Thiên Chúa sai đi. Đó là thế giá tuyệt đối của Tin Mừng, không một giá trị nào của trần gian có thể sánh được. Dù bao nhiêu công trình vĩ đại của loài người cũng chỉ có giá trị tương đối, chúng luôn luôn bị thời gian xoi mòn, cuối cùng sẽ bị cạn kiệt, tiêu tan. Còn Tin Mừng của Thần khí: “Dù trời đất này qua đi, thì lời Ta, một chấm, một phẩy trong Tin Mừng cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt. 5, 18). Thần khí Chúa đã khởi đầu công trình sáng tạo thế nào, thì khởi đầu công trình Tin Mừng cứu chuộc còn kỳ diệu hơn thế nữa. Thần khí đã khởi đầu công cuộc nhập thể của Ngôi Hai xuống thế làm người, đã khởi đầu cuộc giảng đạo Đức Giêsu, khởi đầu công vụ Tông Đồ và muôn ngàn công cuộc của Hội Thánh, của các thánh nhân, những cuộc canh tân, cải thiện đời sống muôn dân về tinh thần cũng như thể chất.

Chính Thần khí của Đức Kitô đã báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, đói khát: hèn về địa vị, thấp mồm bé miệng trong xã hội; nghèo về đói khát của ăn tthể xác, nhất là đói Lời Hằng Sống và hèn do tội lỗi đè nén trên lương tâm, đang mong chờ Thần khí đến giải thoát khỏi bị giam cầm trong tối tăm áp bức, đưa về cùng Thiên Chúa là ánh sáng vinh quang của mình.

Đại văn hào Don. Dostoievski của Liên Xô, lúc sinh thời đã ghét đạo vì bao nhiêu áp bức tối tăm đã đè nặng trên tâm trí ông, khi tuổi đời đã xế bóng Thần khí của Tin Mừng đã giải thoát ông. Ông đã ăn năn sám hối và nói với vợ ông: “Tôi biết hôm nay tôi chết, hãy đốt nến sáng lên và đưa cho tôi một cuốn sách Tin Mừng”

Lạy Thần Khí Đức Kitô, xin hãy đốt nến sáng lên trong tâm hồn chúng con, không phải chỉ đến lúc hấp hối mà ngay bây giờ biết sốt sắng chiêm niệm Tin Mừng của Đức Giêsu trong Thần khí và Chân lý, cho chúng con được sống hạnh phúc trong tình thương bao la của Thiên Chúa. Amen.

 

5.Tin Mừng

Đoạn tin mừng vừa đọc trên đây, tóm gọn chương trình hoạt động của Chúa Giêsu trong ba năm truyền giáo của Ngài: đó là loan báo tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được xem thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức. Đọc xong đoạn sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu xếp sách lại nói với mọi người: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn sách thánh anh chị em vừa nghe”.

Và quả thực như vậy, trong ba năm truyền đạo, Chúa Giêsu đã biểu lộ tình thương yêu bao la của Thiên Chúa cho loài người, nhất là những người tàn tật, yếu đuối và tội lỗi, những người bị xã hội gạt ra ngoài lề.

Chúa Giêsu đã lấy máu đào trên thập giá, để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, và bao tính mê tật xấu khác do dục vọng và lòng ích kỷ của con người sinh ra.

Là tín hữu của Chúa Giêsu, Giáo Hội ngày nay cũng tiếp tục sứ mạng loan báo tin mừng cho người nghèo khó, đang góp phần vào công cuộc giải thoát những người bị áp bức, những nạn nhân của chiến tranh…Tin mừng của Chúa Kitô, không phải chỉ nói với nhân loại ngày nay về sự giải thoát khỏi án phạt đời đời mai sau, nhưng còn góp phần thăng tiến cuộc sống cụ thể của con người. đạo Kitô không phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng cắn răng chấp nhận bất công xã hội, mang lại niềm hy vọng cho nhiều người đau khổ, nghèo đói.

Điển hình là những đóng góp đáng kể về sức người, sức của và tài năng của đồng bào Thiên Chúa giáo cho việc đổi mới đất nước của chúng ta hiện nay. Vào còn bao chiến sĩ phúc âm: điển hình như các nữ tu dòng Sainta Paul, dòng nữ tử Bác Ái…cùng bao chứng tá Kitô âm thầm khác theo gương Chúa Kitô đem nguồn vui đến cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Một tín hữu công giáo cùng người bạn dạo chơi trong vườn hoa. Giữa mùa hoa, nên hoa nở thật đẹp. Người bạn hỏi tín đồ công giáo rằng: “Anh thường nói với tôi về Chúa Kitô; Vậy, Ngài với anh có liên hệ thế nào?” Tín đồ dừng bước hỉ vào một đóa hồng tươi thắm nói: mặt trời có liện hệ với hoa kia thế nào, thì Chúa Kitô cũng liên hệ với tôi như thế.

Người Kitô hữu phải là bằng chứng của Chúa Kitô, cũng như bông hồng là bằng chứng tác dụng của ánh sáng mặt trời.

 

6.Ghen tỵ

Có hai đệ tử sau nhiều năm luyện tập, được sư phụ cho xuống núi để cứu nhân độ thế. Sau nhiều tháng đi khắp nơi giúp đỡ dân lành, họ trở về núi để tường trình lại cho sư phụ những việc họ đã thực hiện. Sau khi báo cáo, sư phụ thấy đệ tử A làm thật khá, nhưng đệ tử B còn khá hơn. Sự phụ cảm thấy rất hài lòng, liền nói: Hai con làm rất tốt. Ta sẽ ban thưởng cho hai con. Tuy nhiên đệ tử B lập nhiều công trạng hơn, để được công bằng, ta cho đệ tử A xin trước. Nếu đệ tử A xin một thì ta sẽ cho đệ tử B hai. Suy nghĩ giây lát, đệ tử A, trong lòng rất bất mãn, bèn nói: Xin sư phụ cho con chột một con mắt.

Trong câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy thái độ và hành động ghen tỵ của đệ tử A đối với đệ tử B cũng là thái độ và hành động ghen tỵ, thù hiềm của thính giả đối với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Họ không bằng lòng đối với sự thành công của Chúa Giêsu. Đây là con ông Giuse thợ mộc, nghèo nàn. Tại sao ông ta nói hay như thế. Đối với nhà lãnh đạo tôn giáo thì họ cảm thấy bị đe doạ khi Chúa Giêsu giảng dạy hay. Chúa Giêsu được đưa lên cao, còn họ bị lép vế. Chiến thuật ghen tỵ của họ rất là đơn giản: Tìm cách hạ Chúa Giêsu xuống để họ được đưa lên cao. Thái độ ghen tỵ, hiềm thù của họ đã dẫn đến hành động đả phá. Họ dẫn đưa Người lên triền núi, để xô Người xuống vực thẳm.

Rút từ bài học Phúc Âm và nhìn vào cuộc sống của mỗi người chúng ta nói riêng và xã hội nói chung, chúng ta phải chân nhận rằng lòng ghen tỵ của con người len lỏi khắp nơi trong cuộc sống từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Trong gia đình anh chị em ghen tỵ nhau khi cảm thấy rằng mình không được thương yêu hơn anh chị em khác trong gia đình. Nơi nhà trường học sinh này ghen tỵ học sinh khác trong khía cạnh học hành. Nơi xưởng thơ nhân công này cảm thấy không bằng lòng với nhân công khác trong vấn đề tiền lương.

Quả thật, sống trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta thường dễ đem chính mình so sánh với người khác. Chúng ta so sánh quần áo, xe cộ, nhà cửa, công danh, sự nghiệp. So sánh để rút ra điều hay điều dở làm cho cuộc sống chính mình và người khác khá hơn là rất tốt. Tuy nhiên so sánh để rồi mang đến thái độ ghen tỵ, hiềm thù, đả phá, đè bẹp, gièm pha người khác vì người khác thành công hơn mình là điều không tốt. Con người ghen tỵ sẽ không tìm thấy chính mình và không có hạnh phúc vì họ luôn ao ước vài tìm kiếm nơi người khác điều mà không phải là của họ.

Ước gì mỗi người nhìn vào chính mình để làm sao chúng ta thay đổi con người cũ đầy ghen tỵ, hiềm thù để mặc lấy con người mới đầy yêu thương, bác ái của Chúa.

 

7.Bụt nhà

Không thể làm tiên tri mà không trải qua bách hại, khổ đau, thử thách. Đó là số phận chung của các tiên tri từ Cựu ước qua Tân ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những tiên tri giả ; còn các tiên tri thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia đã trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với lời Chúa, Yêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Đau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.

Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các tiên tri được ứng nhiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái, Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào, nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài ; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.

Tin mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trờ về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc:’’không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình’’, đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazarét nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestine. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.

Là thân thể, là sự nối dàicủa Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mệnh tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.

Nhờ phép rửa, người kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô; bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiên, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.

 

8.Đức Giêsu - Tin Mừng cho mọi người

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi

Đức Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.

Thánh Thần ở trong Hội Thánh như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác động: người làm đầu người làm mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào, cũng như một thân xác không thể thiếu một bộ phận nào. Không một bộ phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân thể, cũng tương tự vậy những chức vụ trong Hội Thánh.

Ước gì mỗi người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động.

Đức Giêsu- Tin Mừng

Thiên Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con người qua Đức Giêsu.

Có ai hiểu được những người bị tù đầy mong được ngày ra khỏi tù như thế nào? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài. Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và qua đó diễn tả mong ước ngày được tự do đến độ nào! Đức Giêsu là người công bố ơn đại xá, được miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai hiểu được người mù cực khổ như thế nào, và người mù mong được sáng đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu “Đức Giêsu là người làm cho người mù được sáng” có nghĩa gì với người mù. Những người bị áp bức hà hiếp, cực khổ như thế nào, mong được minh oan và được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ.

Người ta có thể bị tù đày nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể bị nô lệ với một thành kiến mà người ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý” giải phóng con người khỏi nô lệ, làm người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ đó được tự do.

Tin Mừng cho người nghèo

Tin Mừng Đức Giêsu, không phải mọi người đều nhận ra. Những người Do Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu. Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần phải có con mắt của người nghèo, người thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng chờ Thiên Chúa nói với mình.

Những người tự mãn, tự cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này có thể là những người cho rằng mình đã đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót và trợ giúp. Họ cũng có thể là những người cho mình có học, không sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu với cuộc sống “bình thường”. Cũng có thể họ là những người giầu, và Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có địa vị cao hơn.

“Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người giầu cũng như người nghèo. Người giầu có nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo” như thái độ, là mối phúc thật sự.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Đức Giêsu có là Tin Mừng cho bạn không? Xin bạn cho một vài thí dụ cụ thể trong đời bạn.

2. Thánh Thần là ai? Bạn hiểu gì về Thánh Thần?

3. Bạn có thấy ai ganh tị vì không được làm “đầu” hoặc “mắt” trong thân thể (Hội Thánh) không? Tại sao họ như vậy?

 

home Mục lục Lưu trữ