Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1373264
NÊN HÌNH BÓNG NGÀI
Nên Hình Bóng Ngài – Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện. Bản chất của Thiên Chúa là thánh thiện và yêu thương. Vì yêu thương, Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta sự thánh thiện của Ngài, giống như những người cha mẹ muốn tìm kiếm, dạy dỗ và để lại cho con cái những điều tốt đẹp. Nhờ Thiên Chúa chia sẻ với chúng ta sự thánh thiện của Ngài, nên chúng ta mới có thể hy vọng nên thánh hay nên hoàn thiện. Vì Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn thánh thiện, cho nên những ai nên thánh là trở thành giống Chúa, là đón nhận sự thánh thiện của Chúa. Người thánh thiện là người phản chiếu sự tốt lành của Chúa. Sự thánh thiện được thể hiện trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Vì thế, chúng ta thường nói đến hào quang của các thánh. Hào quang là sự phản chiếu huy hoàng của một vị thánh, là kết quả của một cuộc đời mong muốn rập khuôn theo cuộc đời Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.
Nên thánh là bổn phận của người tín hữu. Hãy nghe Thánh Phêrô nói với chúng ta: “Bởi vì Đấng kêu gọi anh em là Đấng Thánh, anh em cũng vậy, anh em hãy nên thánh trong mọi hành động của anh em, như đã được viết: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15). Như vậy, trong cuộc đời của chúng ta, nếu không thiện chí cố gắng để được nên thánh, thì đó là một thiếu sót. Bởi lẽ khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trao sứ mạng nên thánh, tức là nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.
Nói đến sứ mạng nên thánh, có thể nhiều người suy nghĩ: “nên thánh khó quá, vì tôi chỉ là một người dân bình thường, không được học hỏi đào tạo”. Suy nghĩ như vậy là chưa hiểu lời mời gọi của Chúa. Nên thánh không phải một gánh nặng, phải có sức khỏe mới mang nổi. Nên thánh không phải một bài toán khó, ai đã học cao biết rộng mới có thể giải được. Nên thánh đơn giản chỉ là một cách sống của mình giữa đời thường, như bông hoa tự nhiên tỏa hương thơm. Những cử chỉ hành động của cuộc sống hằng ngày được thực hiện với lòng yêu mến và biết ơn Chúa đều có thể giúp ta nên thánh. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết: “Nhặt một cây kim vì yêu mến cũng có thể hoán cải một linh hồn”.
Chúng ta hãy suy niệm lời chúc phúc của Chúa để thấy việc nên thánh phù hợp với mọi người. Có rất nhiều phương pháp giúp ta đạt được Chân lý. Tám mối phúc thật là những phương pháp mà Chúa Giêsu đã đề nghị cho những ai muốn nên thánh. Qua những mối phúc này, chúng ta hiểu ra rằng nên thánh nhiều khi chỉ là những việc đơn giản trong cuộc sống thường ngày, được thực hành với trái tim yêu mến và lương tâm ngay thẳng. Sống tinh thần nghèo khó, luôn biết sám hối khóc lóc vì những lầm lỗi của mình, khát khao sự công chính, sống hòa thuận và sắn sàng đón nhận những bất tiện do đời sống chứng tá Tin Mừng gây nên. Những việc làm đó, nếu được thực hiện với tình yêu mến và trong niềm vui, sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an và nhờ đó, chúng ta đã bắt đầu nên thánh.
Ngày lễ kính các Thánh nam nữ trên trời cũng là dịp chúng ta tưởng nhớ những người thân yêu của chúng ta đã về Nhà Cha. Trong số đó, có những người đã được hiển thánh, vì họ sống một cuộc sống tốt lành theo giáo huấn của Chúa. Họ không được Giáo Hội phong thánh, nhưng chính Thiên Chúa phong thánh cho họ. Họ đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi tôn nhan Chúa và đang cầu bầu cho chúng ta.
Ngày lễ kính các Thánh nam nữ trên trời cũng nhắc chúng ta hãy nhận ra những người tốt, việc tốt xung quanh mình. Dù thuộc nền văn hóa hay tín ngưỡng nào, những hành động nhằm cổ võ hòa bình và xây dựng những điều thiện hảo, đều phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện.
Thánh Phaolô đã gọi cộng đoàn các tín hữu là cộng đoàn các thánh. Là thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội, mỗi chúng ta đã bắt đầu hành trình nên thánh. Chúng ta cũng được chia sẻ sự thánh thiện của Giáo Hội, được thể hiện qua đời sống thánh thiện của Đức Maria, Thánh Giuse, các thánh Tông đồ và các thánh qua mọi thời đại.
Nên thánh là lời mời gọi của Chúa. Nên thánh cũng là một bổn phận của chúng ta. Đó là mục đích căn bản và cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Nhờ cuộc sống thánh thiện, chúng ta thuộc về Chúa là Đấng Chí Thánh, trở nên hình bóng của Ngài. Và như thế, chúng ta đã nếm hưởng hạnh phúc đời sau, ngay khi chúng ta còn sống trong cõi đời tạm này.
Về mục lục
.
9. Hòn Sỏi Và Lời Nói – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Có một định lý trong cuộc sống là:
Thả một hòn sỏi vào trong nước: một miếng nước bắn toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn xoay tròn. Lan toả từ trọng tâm, tràn ra biển cả.
Thả một hòn sỏi vào trong nước: trong phút chốc bạn lãng quên. Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào con sóng lớn. Bạn đã xáo động một đại dương hùng vĩ chỉ bằng một hòn sỏi mà thôi!
Thả một lời nói không tốt, không cẩn trọng: trong phút chốc bay đi. Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, lan toả… Và không có cách nào lấy lại một khi bạn đã nói ra.
Thả một lời nói không tốt: trong phút chốc bạn lãng quên.
Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn mãi… Có thể bạn đã làm ứa một dòng nước mắt trên con tim buồn. Bạn đã xáo động một cuộc đời hạnh phúc chỉ vì những lời nói kia.
Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: chỉ trong giây lát chúng bay đi.
Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn, xoay tròn mãi. Mang hy vọng, niềm vui, an ủi trong mỗi con sóng xô bờ. Bạn sẽ không ngờ được sức mạnh của một lời nói tốt bạn cho đi.
Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: trong giây lát bạn lãng quên;
Nhưng niềm vui dâng tràn, và những gợn sóng reo vui xoay tròn mãi. Bạn đã làm cho con sóng được vỗ về trong điệu nhạc êm ái.
(Sưu tầm)
Xem ra từng hành vi, từng lời nói của chúng ta không vô nghĩa bao giờ. Nó có thể để lại cho đời niềm vui và cũng có thể thể xoáy vào tha nhân nỗi đau tột cùng. Nếu chúng ta biết thả vào đời những lời nói yêu thương, những việc làm bác ái, những thái độ bao dung nhân từ thì chắc chắn chúng ta đang làm cho những con sóng cuộc đời trào dâng tình người nồng ấm. Nếu chúng ta thả vào dòng đời những thù hận, những ghen tương, đố kỵ là chúng ta đang làm gợn lên những làn sóng của bạo lực và chiến tranh.
Cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao khi mỗi thành viên biết thả vào đó những hy sinh, những nhịn nhục và sự quan tâm săn sóc, thì có lẽ gia đình sẽ không thiếu niềm vui và tiếng cười.
Giữa dòng cuộc đời mà ai đi qua cũng thả vào đó tinh thần xây dựng, hiệp nhất yêu thương thì có lẽ sẽ không có chiến tranh hận thù. Cuộc sống sẽ là thiên đường tại thế thật hạnh phúc, bình yên.
Các thánh nam nữ là những người đã bước qua cuộc đời này và để lại cho đời những gợn sóng của tình yêu dâng hiến, của tình người vị tha phục vụ quên mình. Họ đã thả vào dòng đời này một tình yêu hiến dâng, một tình yêu cao vời dành cho Thiên Chúa, một con tim rộng mở đến cho tha nhân. Họ là những người nam, người nữ đã cống hiến cuộc đời để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Họ có thể là những con người biết tận dụng khả năng Chúa ban để làm đẹp cho cuộc đời bằng biết bao nghĩa cử yêu thương. Họ có thể là những con người kém may mắn nhưng đã âm thâm gieo vào đời những lời kinh nguyện, những hy sinh cho những người thân yêu. Họ đã biết tôn vinh Chúa qua dòng đời đầy trái ngang bể dâu này.
Hôm nay chúng ta mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể.
Nếu nên thánh là để lại cho đời những gương sáng, những hy sinh, những khước từ ham muốn tầm thường. Con đường nên thánh không khó. Vì nên thánh chỉ đơn giản là làm theo ý Chúa. Ý Chúa dạy chúng ta phải trung thành với bổn phận. Ý Chúa dạy chúng ta đừng để danh lợi thú sai khiến mình làm hại tha nhân. Ý Chúa bảo chúng ta đón nhận mọi sự với niềm tín thác nơi Chúa. Ý Chúa mời gọi chúng ta vui sống với phận mình. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của tám mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.
Như thế, mừng lễ các thánh nam nữ là mừng mọi tín hữu đã đi qua dòng đời này và đã thả vào dòng đời biết bao gương sáng của yêu thương, của phục vụ, của dâng hiến. Họ là những người sống giữa đầm lầy của sự dữ nhưng vẫn giữ được nét thanh cao của con cái Thiên Chúa. Họ không để dòng đời làm vẩn đục tâm hồn họ bởi tham sân si. Họ đã vượt thắng tất cả để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn biết chiến thắng những ham muốn tầm thường, những cám dỗ của hưởng thụ ích kỷ để sống thanh cao trong cuộc sống. Xin cho từng bước chân của chúng ta luôn để lại cho đời những dấu ấn của tình yêu nồng say. Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin cho những lời ta nói, việc ta làm luôn tạo lên những gợn sóng yêu thương mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Amen
Về mục lục
.
10. Có thể nên thánh bằng con đường siêu tốc không ?
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Do sức ép của công việc và quỹ thời gian hạn hẹp, nhiều người muốn cái gì cũng phải siêu tốc : ấm đun nước siêu tốc, xe siêu tốc ; tốc độ của những chiếc máy vi tính, chiếc điện thoại, những con đường đều phải là siêu tốc. Người ta quảng cáo các máy tập thể dục, thuốc giảm cân, giảm béo siêu tốc, nhưng người ta không hề nói gì đến những chế độ ăn kiêng kèm theo, khiến nhiều người cho rằng những chiếc máy và những viên thuốc đó là giải pháp không tốn công sức, thời gian. Bữa ăn trong gia đình cũng phải chịu cảnh siêu tốc : cửa hàng tiện lợi, thức ăn chế biến sẵn tại siêu thị, thức ăn nhanh (fast food) được mua về cho gia đình để khỏi mất giờ chế biến, bữa cơm trong gia đình cũng vội vàng, tranh thủ thời gian. Tuy nhiên, dù tranh thủ rút ngắn mọi thứ, kể cả bữa ăn cũng bị rút ngắn như thế, nhưng dường như người ta cũng không dành thêm được giờ nào cho gia đình và cho nhau.
Lối sống siêu tốc ngày hôm nay cũng đang ảnh hưởng trên suy nghĩ và đời sống đạo của các tín hữu. Người ta đến với Chúa cũng siêu tốc, mất sự kiên trì trong cầu nguyện, mất sự bền bỉ, trung thành trong đời sống đức tin, trong thực hành đạo. Nhiều người muốn có một con đường, một cách thức siêu tốc để nên thánh mà không mất nhiều thời gian, không phải đi qua những con đường gập ghềnh, gian khó tập luyện mà vẫn đạt được Nước Trời. Như vậy, liệu có thể theo Chúa bằng con đường siêu tốc không ? Có thể nên thánh bằng những con đường, những phương tiện thoải mái không ?
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, là tất cả những tín hữu đã hoàn tất tốt đẹp hành trình trần thế, đã về tới quê Trời trong niềm vui và hạnh phúc. Các thánh không chỉ là những người được tôn phong, được kính nhớ, mà trong đó còn có cả những người thân của chúng ta, những người chưa bao giờ được tôn phong công khai, những người sống âm thầm không ai biết đến…, nhưng tất cả họ đã đạt tới mục đích của cuộc đời là hạnh phúc Nước Trời, đã nên thánh, thì đều được Giáo Hội mừng chung vào ngày hôm nay.
Mừng lễ Các Thánh, các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy một điều chắc chắn rằng : Sẽ không bao giờ có những con đường siêu tốc để nên thánh, cũng không thể có những con đường tắt để đạt tới Nước Trời. Mà trái lại, muốn vào được Nước Trời, muốn đạt được hạnh phúc đời đời thì không có con đường nào khác ngoài con đường của Tin Mừng, con đường của Tám Mối Phúc.
Bài đọc một cho thấy, số những người đã hoàn tất hành trình trần thế đạt được Nước Trời là con số đông không thể đếm nổi, thuộc mọi nước, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm cành lá thiên tuế mà tung hô, ca tụng Thiên Chúa. Mặc áo trắng là hình ảnh cho thấy họ đã có một cuộc sống thanh sạch, đã được thanh luyện và không còn bận vướng, hoen ố bởi những tội lỗi, dục vọng và đam mê. Cành lá thiên tuế là cành lá được trao cho những người chiến thắng. Như thế chứng tỏ rằng, những người mặc áo trắng này đã trải qua những cuộc chiến đấu với ma quỷ, xác thịt, thế gian, đã trải qua những thử thách trong cuộc sống và đã chiến thắng. Họ là những người từ trong đau khổ lớn lao mà đến. Họ đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Họ là những con người trung thành với Con Chiên là Đức Giêsu Kitô, đã hết lòng yêu mến, gắn bó với Ngài, đã tẩy rửa cuộc đời mình bằng máu của Ngài, nên giờ đây, họ đã được trở nên tinh tuyền và được gia nhập vào hàng ngũ các thánh đến trình diện trước mặt Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho chúng ta con đường để nên thánh, để đạt tới hạnh phúc nước trời, đó là con đường của Tám Mối Phúc. Không có niềm vui, hạnh phúc nào mà không phải đánh đổi bằng hy sinh, không có thành công nào mà không phải trả giá. Cũng vậy, chúng ta sẽ không thể đạt được niềm vui và hạnh phúc Nước Trời nếu không chấp nhận hy sinh, cũng như không thể nên thánh mà không phải trả giá bằng sự kiên trì. Tám Mối Phúc là những cách thức, là những con đường và là điều kiện bắt buộc cho tất cả những ai muốn tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời.
Tám Mối Phúc không phải là một thứ quảng cáo siêu tốc, không phải dạng mì ăn liền, mà là những đòi hỏi, buộc mỗi người phải kiên trì thực hiện từng ngày, từng ngày trong suốt cuộc đời. Nó không phải là một sự buông chiều theo trào lưu dễ dãi của xã hội, mà là một thách thức, một đòi hỏi phải lội ngược dòng, phải dám sống khác, sống tốt hơn, sống siêu thoát, từ bỏ nhiều hơn. Nếu như người đời ngày nay tìm kiếm sự giàu sang phú quý, con người bị quay quắt với ước mơ làm giàu, thì mối phúc thứ nhất đòi mọi người phải có tinh thần nghèo khó. Đòi buộc này không có nghĩa là kẻ theo Chúa phải là những kẻ khố rách áo ôm, bữa no bữa đói, mà là tất cả mọi người, dù họ đang được thuận lợi giàu có, hay đang nghèo hèn khốn khó, thì cũng cần phải có một tâm hồn nghèo khó.
Người có tâm hồn nghèo khó là người khiêm nhường, cậy trông, tín thác vào Thiên Chúa, không tự cao tự đại khi thành công, cũng không thất vọng khi gặp thất bại. Người có tâm hồn nghèo khó không để cho của cải vật chất làm chủ đời mình, cũng không để cho tiếng tăm, danh vọng điều khiển cuộc sống mình, nhưng vẫn luôn sống đơn giản, nghèo khó, biết quan tâm đến người khác để đồng cảm, thông cảm và sẻ chia. Hơn nữa, người có tinh thần nghèo khó là người dám chọn Thiên Chúa là gia nghiệp, là tương lai, là hy vọng, là Đấng giải thoát cuộc đời của mình, dám để cho Thiên Chúa điều khiển và dẫn lối cuộc sống mình. Như thế thì đòi hỏi của mối phúc thứ nhất không làm nghèo con người, nhưng trái lại, làm phong phú, giàu có trong tâm hồn của con người.
Cùng vậy, trong một xã hội đầy dẫy bạo lực, giết chóc, tranh chấp như ngày nay, chúng ta được mời gọi sống hiền lành. Trong khi người đời tìm kiếm sự thoải mái dễ dãi, tìm kiếm những cuộc vui mau qua, thì chúng ta lại được mời gọi đón nhận những đau khổ trong tâm hồn để được Thiên Chúa ủi an. Vì Thiên Chúa luôn để tai nghe tiếng kêu cầu của những người đau khổ trong tinh thần và trong thể xác, ra tay bênh đỡ những người cậy trông, tin tưởng vào Chúa. Trong khi người đời chạy theo lợi nhuận, gian tham, dối trá, gian ác, bất công, dửng dưng, vô cảm, thì chúng ta được mời gọi tìm kiếm và khát khao sự công chính, nuôi dưỡng lòng xót thương trắc ẩn. Trong khi xã hội cổ võ một lối sống buông thả, những quan hệ dễ dãi, sự hận thù trả thù, thì chúng ta được mời gọi để sống trong sạch, trở thành những người xây dựng hòa bình.
Như thế, con đường của Tám Mối Phúc không phải là con đường siêu tốc dễ dãi, cũng không phải là những chiếc xe gường nằm thoải mái. Có người đặt vấn đề : Với dòng chảy như thác lũ của lối sống thực dụng, liệu người Kitô hữu có thể lội ngược dòng đời này hay không ? Chúng ta có thể nên thánh trong thế giới phàm tục hôm nay hay không ?
Thưa, chắc chắn là có, chúng ta có thể lội ngược dòng và có thể nên thánh trong thế giới hôm nay, chỉ có điều là chúng ta có dám quyết định hay không mà thôi. Lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay là một minh chứng cho chúng ta. Vì có rất nhiều vị thánh không xa lạ với chúng ta, họ sống cùng thời, cùng hoàn cảnh với chúng ta và họ đã thành công, thì chúng ta, với ơn Chúa và sự cố gắng kiên trì, chúng ta cũng sẽ thành công. Họ không chỉ là những linh mục hoặc tu sĩ, mà đa số họ là những người sống đời sống gia đình, họ cũng đông con nhiều cháu, cũng vất vả mưu sinh, có những người đã có những địa vị cao trong xã hội, có những người nổi tiếng, và có nhiều người cha người mẹ, người vợ người chồng rất đỗi bình thường, họ đã có quyết tâm, đã có chọn lựa đúng và họ đã thành công.
Chúng ta dám quả quyết rằng, chúng ta có thể thể nên thánh, có thể sống theo các Mối Phúc Thật dù có phải lội ngược dòng, vì chúng ta còn có Chúa luôn trợ giúp chúng ta, Ngài luôn ở bên để đồng hành, để tiếp sức cho chúng ta. Ngài cho chúng ta lương thực bổ dưỡng là Thánh Thể của ngài, Ngài dùng Bí Tích giải tội để băng bó, an ủi, chữa lành chúng ta mỗi khi chúng ta bị thương tích. Khi biết khiêm tốn đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thành công.
Xin Các Thánh Nam Nữ trên trời phù hộ cho chúng ta trên hành trình trần thế này để chúng ta có thể đạt được Nước Trời và chia sẻ niềm vui, hạnh phúc Chúa ban cho người chiến thắng cùng với các Ngài. Amen
Về mục lục
.
11. Các thánh nam nữ là ai ?
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Năm phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô.
Năm phụng vụ có năm mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất – mầu nhiệm cứu độ : Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Năm mùa phụng vụ đều quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ.Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể,đã sinh ra,đã chết,đã sống lại,lên trời ngự bên hữu Chúa Cha,và gởi Thánh Thần đến với Giáo hội.
Các ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của ơn cứu độ.Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ.Các ngày lễ này có hai cao điểm :
– Lễ Đức Maria hồn xác lên trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ.Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác,toàn diện con người: “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ…Người đã làm những điều cao cả”.
– Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của ơn cứu độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”.
Theo lời Sách Khải Huyền, Các Thánh trên trời là “một đoàn người đông đảo, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.
- Các Thánh Nam Nữ là ai?
Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân (chữ của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc), những người đang hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, được thấy Thiên Chúa tốt lành.
Các Thánh Nam Nữ là những người đã thực hiện những điều mà Thánh Phanxicô Assidi dệt thành Kinh Hòa Bình: Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…
Các Thánh Nam Nữ đông vô kể: “Tôi lại thấy một Thiên Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,2-4). Con số “một trăm bốn mươn bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy (12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad…không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi ngay sau đó, thánh Gioan viết tiếp: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” (Kh 7,4).
Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo thật các ngươi,nhiều kẻ tự phương đông,phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,Isaac và Giacop trong nước trời”.
Chính vì thế, ngoài những vị thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số các vị thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là Các Thánh Nam Nữ. Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chổ cho mọi dân tộc.
- Bí quyết nên thánh
Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu tới? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh7,13).Thánh Tông đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa : “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn lao của các Ngài : “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,15-17).
Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế,họ không phải là những con người hoàn hảo,thánh thiện,tinh tuyền,không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại.Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người,nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật,là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện,hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện,luyện tập nhân đức.
Có rất nhiều vị thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực.
Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác. Có người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh vì tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người. Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là chủng sinh, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người. (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu… Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”.
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.
Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội phong thánh để tôn vinh Thiên Chúa và khuyến khích chúng ta noi theo gương sống của Các Thánh.
- Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.
Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.
Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ.
Về mục lục
.
12. Công Dân Thiên Quốc
Trầm Thiên Thu
Kính mừng chư thánh hiển vinh
Dẫu đau khổ vẫn chung tình Giêsu
Công dân Thiên quốc thiên thu
Ca vang Tình Chúa bao la muôn đời
Sống trên đời tạm này, ai cũng là công dân của một quốc gia nào đó – nước có thể lớn hoặc nhỏ, mạnh hoặc yếu, giàu hoặc nghèo. Thế giới gian trần này có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, thậm chí nhiều hạng công dân, nhưng thế giới đời sau chỉ có một quốc gia và một hạng công dân: Công dân Nước Trời. Các thánh là những người đã được vĩnh viễn nhập quốc tịch của quốc gia này – Thiên Quốc. Đây cũng là niềm khát vọng cháy bỏng của mỗi Kitô hữu.
Giáo hội của Thiên Chúa chỉ có MỘT mà thôi: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Giáo hội duy nhất nhưng được nối kết từ ba thành phần: Giáo hội Khải hoàn (các thánh trên Thiên Đàng), Giáo hội Đau khổ (các thánh nơi Luyện Ngục), và Giáo hội Chiến đấu (các thánh lữ hành trần gian). Ba thành phần của Giáo hội như MỘT Tam Giác, các góc và các cạnh mang tính bất khả phân ly, được gọi là “các thánh cùng thông công”. Khi còn làm người trên trần gian, Chúa Giêsu đã mong muốn và cầu xin cho mọi người “nên một” (Ga 17:20-23). Tháng Cầu Hồn là dịp thể hiện tính thông công đó: Phàm nhân kính mừng chư thánh và cầu cho các linh hồn.
Trong sách Khải Huyền, Thánh Gioan Tông đồ kể lại thị kiến: “Tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả, rằng: ‘Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta’. Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Sách Khải Huyền là sách có lối hành văn mặc khải (khải mạc), viết khoảng năm 95-96, có nhiều từ ngữ bí ẩn. Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, vô số kể, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người chúng ta.
Thật vậy, Thánh Gioan cho biết thêm: “Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’. Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 7:9-12).
Trong bốn con vật, mỗi con đều có sáu cánh và đầy các mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai như con bò tơ, Con Vật thứ ba như con người, và Con Vật cuối cùng như đại bàng. Bốn con vật này được dùng làm biểu tượng của bốn Thánh Sử.
Khi Thánh Gioan được thị kiến, một trong các Kỳ Mục hỏi xem những người mặc áo trắng đó là ai và từ đâu đến (Kh 7:9-13), Thánh Gioan trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy liền bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14). Áo bẩn mà lại giặt sạch trong máu. Kỳ diệu thật. Vâng, mọi vết-bẩn-tội-lỗi đều được tẩy sạch bằng Máu Thánh Đức Giêsu Kitô.
Các thánh đã giặt áo mình như vậy, nghĩa là dù chịu trăm cay ngàn đắng lúc sinh thời nhưng các ngài vẫn kiên tâm bền chí, một niềm tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, cậy nhờ Công Nghiệp Cứu Độ của Đức Kitô. Thật hạnh phúc biết bao!
Thánh Vịnh chân nhận: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất, Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông’ (Tv 24:1-2). Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, toàn năng và chí thánh, chỉ những ai tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:4) tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:4) mới có thể lên núi Chúa và ai được ở trong đền thánh của Người mãi mãi. Những người đó sẽ “được Chúa ban phúc lành, được Ngài cứu độ và thưởng công xứng đáng” (Tv 24:5). Họ chính là những người thuộc “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp” (Tv 24:6).
Các thánh cũng đã từng là phàm nhân với bản chất yếu đuối như chúng ta, nhưng các ngài đã quyết tâm tuân giữ Thánh Luật của Thiên Chúa, thực hiện tới hơi thở cuối cùng, bất chấp dạng đau khổ nào. Các ngài sống được như vậy hẳn là các ngài đã cảm nghiệm được sự mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót. Trong số các thánh đó có các thánh tử đạo Việt Nam, những người cũng có hoàn cảnh sống giống như chúng ta, thậm chí còn khó khăn hơn chúng ta hiện nay, vậy mà các ngài vẫn một niềm tín trung với Thiên Chúa.
Chúng ta chỉ là “dân ngoại” nhưng rất hạnh phúc vì đã biết Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta đều là những “người trở về từ cõi chết”, được tắm gội trong suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta phải cố gắng nên thánh để không phụ tình Chúa. Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (1 Ga 3:1). Chuyện khó tin mà có thật, thật 100%, cứ ngỡ chỉ có trong giấc chiêm bao mà thôi!
Chúng ta chỉ phận tôi đòi, nô tì kiếp, là tội nhân khốn nạn đáng án tử, thế mà lại được sống lại và được làm con cái Chúa. Những người không có niềm tin Kitô giáo thì không thể nào tin được, chắc chắn họ bảo chúng ta bị chích ma túy hoặc bị bùa mê thuốc lú!
Có lẽ vì biết chúng ta chưa dám tin nên Thánh Gioan tái xác định: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch”(1 Ga 3:2-3). Sự thật này không thể bị bóp méo, nhưng trí tuệ phàm nhân của chúng ta lúc này không thể hiểu hết, óc tưởng tượng “tí ti” của chúng ta cũng không thể nào hình dung thêm được gì. Vâng, chỉ có thể “hai năm rõ mười” khi nào chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh hằng!
Thiên Đàng là cõi tuyệt phúc, mệnh danh là Nước Trời, là Vương Quốc vĩnh hằng Thiên Chúa, nơi mọi người được trường sinh bất tử – như các thánh hiện đang tận hưởng. Muốn được là Công Dân Nước Trời, chúng ta phải cố gắng sống như các thánh, tức là thực hành Bát Phúc (Mt 5:1-12). Đây là Đệ Nhất Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do chính Chúa Giêsu soạn thảo. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và “độc đáo” nhất.
Khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, người ta luôn trịnh trọng công bố, nhưng Chúa Giêsu không tạo vẻ hình thức như vậy, Ngài thản nhiên với vẻ chuyện trò thân mật. Đúng là khác người thật. Thế mới độc đáo, thế mới tự nhiên, thế mới thân thiện. Ngài điềm đạm tuyên bố rất ngắn gọn:
- Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
- Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
- Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
- Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
- Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
- Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Tám điều khoản xem chừng rất bình thường, nhưng không dễ thực hiện trọn vẹn – nhất là phải thực hiện mọi nơi và mọi lúc, trong suốt cuộc đời. Phải có cái tâm yêu thương thì mới khả thi. Ngôn từ bình dị, ngắn gọn, ai cũng có thể hiểu, chứ không văn hoa, không bóng bẩy, không cầu kỳ. Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Các thánh đã chiến đấu ngoan cường, không hề nao núng trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người mỗi vẻ, thế nên các ngài đã đạt được Ơn Cứu Độ. Alleluia!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết từng ngày noi gương các thánh, trung kiên làm chứng về Lòng Thương Xót của Ngài và loan báo Tin Mừng cứu độ cho tới hơi thở cuối cùng, dù chúng con có phải thiệt thòi cách nào đó. Nguyện xin chư thánh cầu thay nguyện giúp chúng con, phù hộ và nâng đỡ chúng con để chúng con luôn can đảm bảo vệ Đức Tin như các ngài vậy, để chúng con cũng được trở nên Công Dân Nước Trời đời đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam