Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 28

Tổng truy cập: 1364479

NGỒI DƯỚI CHÂN CHÚA GIÊSU

Ngồi dưới chân Chúa Giêsu – Charles E. Miller

Tôi nghĩ rằng khi nghe câu chuyện về Matta và Maria, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng cảm thấy đáng tiếc cho Matta. Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Matta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu. Khi Matta đến phàn nàn, Chúa Giêsu có vẻ như gắt gỏng cho dù Ngài gắt gỏng nhẹ nhàng, có lẽ Ngài đã lắc đầu và nói: “Matta, Matta con lo lắng nhiều chuyện, Maria đã chọn phần tốt nhất”. Nhưng chính xác là Maria có chọn phần tốt nhất không? Có phải đơn giản là vui hưởng ân sủng và là bà chủ đáng yêu trong lúc Matta thì tất bật trên bếp lò nóng?

Khi Thánh Luca viết rằng Maria ngồi nơi chân Chúa Giêsu, Ngài không miêu tả tư thế nhưng là mối liên hệ giữa Maria với Chúa Giêsu. Cụm từ”ngồi nơi chân” của một người nào có nghĩa là môn đệ của người đó. Trong văn hóa Do Thái thời Chúa Giêsu, không nghe nói có một người phụ nữ nào làm môn đệ của một thầy Rabbi. Theo trong tôn giáo hoặc ít nhất là quan sát bên ngoài thì các môn đệ đều là những người đàn ông. Chúa Giêsu đã phá vỡ cái truyền thống kéo dài từ xa xưa bởi vì truyền thống không đúng. Ngài đã đến để kêu gọi tất cả mọi người, người phụ nữ cũng như người đàn ông, con nít cũng như người trưởng thành, ngay cả những kẻ được xem như là người tội lỗi để trở thành môn đệ của Ngài. Ngài đã nhấn mạnh rằng Maria đã chọn phần tốt nhất. Cô ta đã hiểu sự mời gọi của Ngài, đã chấp nhận nó. Matta cảm thấy buộc phải duy trì khuôn mẫu của cô ta và đồng ý rằng chỗ của cô ta là trong bếp. Chúa Giêsu đủ thực tế để nhận biết rằng thực phẩm đã được sửa soạn và như thế Ngài có thể đã nói với Matta rằng chỉ cần một đĩa, một cái gì đơn giản là đủ. Tiếp đó, Ngài thêm không chỉ cho Matta mà cho tất cả mọi người trong mọi thời: “Maria đã chọn phần tốt nhất và cô ấy sẽ không bị ai cướp mất”. Chúa Giêsu đã muốn Matta làm một chọn lựa đó.

Maria đã được giới thiệu với mọi người nữ trong Giáo Hội nhưng trong một ý nghĩa lớn hơn cô đã trở nên kiểu mẫu cho mọi người. Chúng ta được kêu gọi để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, để dâng hiến cho Ngài sự ấm áp mà Ngài đã cảm nghiệm nơi nhà Bêtania, để lắng nghe Người với tất cả sự chú ý như Maria đã làm, đặt Người lên hàng ưu tiên trước mọi việc trong cuộc sống của chúng ta, và không cho phép điều gì hoặc người nào có thể dứt chúng ta ra khỏi mối liên hệ của Người. Abraham đã dâng hiến sự hiếu khách cho các thiên thần như là những sứ giả của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được khẩn nài dâng hiến sự hiếu khách cho Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ hiểu trong một ý nghĩa sâu xa, chúng ta ngồi nơi chân Chúa Giêsu trong Thánh Lễ khi cử hành phụng vụ Lời Chúa. Theo Công đồng Vatican II đã long trọng dạy cho chúng ta rằng: “Đức Kitô đang hiện diện trong Lời của Ngài, đó chính là Ngài đang nói khi Thánh Kinh được đọc trong nhà thờ” (Hiến chế về phụng vụ, số 7). Chúa Giêsu đã ước ao khi chúng ta đặt trọng tâm sự chú ý của chúng ta vào Người. Lắng nghe Người trong đức tin, hấp thụ Lời và áp dụng nó trong cuộc sống của chúng ta. Tiếp đó chúng ta được nuôi dưỡng bởi lương thực thánh, Thánh Thể, bữa tiệc này không phải được sửa soạn bởi Matta nhưng bởi chính Chúa Giêsu.

Có lẽ chúng ta có thể thấy gương của Maria thì thật khó để theo. Thật là quá dễ để cho phép những lo toan trong cuộc sống hằng ngày làm chúng ta xao lãng việc nghe theo lời dạy của Chúa Giêsu. Đó là những cám dỗ cho phép những giá trị gian dối mà những giá trị đó giới thiệu cho chúng ta một xã hội vật chết đang hướng chúng ta ra ngoài những chân lý của đức tin. Chúng ta phải trung thành đến với Thánh Lễ, bởi vì ở đây chúng ta có thể đặt những sự chia trí ra ngoài, để đặt trọng tâm vào những gì thật sự là quan trọng cho chúng ta. Trong lúc chúng ta cử hành phụng vụ, nơi thờ lạy của chúng ta sẽ trở thành Bêtania của chúng ta, nơi mà chúng ta sẽ học để trở thành những môn đệ thật.

 

22. Mời Chúa vào nhà.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Cách đây ít lâu, trong một bài báo, một phụ nữ đã kể lại việc trang trí nội thất của gia đình bà như sau:

Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đầu ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo một bức ảnh Chúa Giêsu kích thước cỡ lớn: 40×50 vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý, nhưng ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.

Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe ý kiến của chồng.

Giờ đây bà nói, bà rất vui vì đã nghe theo ý chồng, vì bà nghĩ rằng bức ảnh Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa của bà. Chẳng hạn, ngày nọ có người khác lạ, sau khi chăm chú nhìn vào bức ảnh liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức ảnh kia không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!. Và đêm nọ, một người bạn, sau khi ngồi ngắm bức ảnh cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, bà nói thêm, ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên các bạn bè khách khứa xã hội tôi là mỗi khi nhìn tấm ảnh Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng lên cao”.

Cuối cùng, bà nói rằng, có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà nói: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.

Thưa anh chị em,

“Một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi”. Sách Sáng Thế trong Bài đọc thứ nhất hôm nay đã kể lại câu chuyện ông Abraham mời Chúa vào nhà. Abraham vồn vã, nhã nhặn ra đón khách lạ theo kiểu Đông Phương. Ông sấp mình lạy, miệng mời Chúa ghé lại. Ông đặt ghế cho Chúa ngồi nghỉ mát, lấy nước cho Chúa rửa chân, lấy bánh và thịt mời Chúa dùng. Ông đứng hầu hạ phục vụ. Abraham được Chúa hứa ngay: “Sang năm vào độ nầy, tôi sẽ ở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai”. Thế là ông được một người con nối dõi tông đường trong lúc tuổi già và son sẻ.

Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại câu chuyện hai chị em Matta và Maria tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà. Matta người chị vốn có lòng hiếu khách và muốn tỏ ra lòng mộ mến sâu xa đối với một bậc thầy, là bạn của gia đình, nên chị định trổ tài nấu dọn một bữa ăn thật ngon để chiêu đãi Chúa. Chị lăng xăng chạy lên chạy xuống, lo sao cho mọi sự chu đáo…

Trong khi đó, Maria lại nghĩ rằng không nên để Chúa ngồi đơn độc một mình. Vả lại, Chúa cũng chẳng muốn chỉ vác bụng đến ăn không, nhưng còn muốn chia sẻ cho hai chị em những lời ban sự sống. Do đó, một người thì muốn nói, một người lại thích nghe, quên hết cả mọi sự!

Thế là Matta nổi cáu, trách Chúa không để ý đến mình, để mặc mình vất vả! Nỗi ghen tức kể ra cũng chính đáng. Nhưng Chúa cũng trách nhẹ Matta sao lo lắng nhiều chuyện quá làm chi. Chuyện ăn uống đâu có quan trọng đến nỗi ấy. Chỉ có một chuyện cần thiết thôi: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Có người giải thích câu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, cho rằng Chúa muốn nói: “Chỉ cần làm một món ăn thôi cũng đủ rồi!”. Lời giải thích ấy không phải là vô căn cứ, giải thích theo nghĩa thông thường đi nữa, thì lời trách nhẹ của Chúa Giêsu vẫn chính đáng; bởi vì trong chuyện tiếp khách, vấn đề không phải chúng ta chỉ biết cho, và người khách chỉ biết nhận, mà chính chủ nhà cũng phải biết nhận và để cho khách niềm vui được chia sẻ. Cho và nhận, đây không phải là có ý nói tới những gì là vật chất, như ăn uống, quà cáp… mà trước hết là sự hiện diện cũng như những câu chuyện trao đổi. Một người bạn thân khi đến với chúng ta, dù có được mời đến để dự tiệc, cũng không bao giờ chỉ biết vác bụng đến, nhưng còn đến trước hết với tình bạn của mình: người ấy muốn gặp chúng ta, muốn nói chuyện với chúng ta, còn chuyện ăn uống chỉ là một phương tiện, một bối cảnh được tạo ra, như người xưa thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Vậy, nếu được phép góp ý kiến cho hai chị em Matta và Maria, thì chúng ta sẽ có thể đề nghị như sau: hai chị em nên phân công nhau rõ ràng, mỗi người một việc. Nhưng làm sao luôn có người ngồi đó tiếp chuyện với Chúa, và nếu hai chị em đã biết tính Chúa thích ăn uống giản dị, thì cũng không nên trổ tài nấu bếp làm gì cho phí thời giờ, Chúa đến không chỉ để ăn uống với hai chị, mà Ngài còn muốn chia sẻ Lời Thiên Chúa cho hai chị nữa, nên cũng phải biết tỏ ra sốt sắng đón nghe Lời Chúa nói với các chị nữa.

Còn chúng ta thì sao, thưa anh chị em?

Chúng ta có thể vì quá mải mê công việc làm ăn đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta phải lao khổ như thế. Chúng ta có thể vì mải mê kiếm sống đến nỗi quên mất chính mục đích của cuộc sống. Chúng ta có thể lu bu đeo đuổi những cái mà đồng tiền có thể mua sắm được để rồi quên béng những gì mà đồng tiền không thể mua sắm được. Và chúng ta vô tình đã biến thành những Matta nhiệt tình thật đấy, nhưng lăng xăng lo lắng đủ chuyện, mà quên mất “một chuyện cần thiết nhất”: lắng nghe Lời Chúa, tiếp chuyện với Ngài.

Chúng ta lo xây cất cho Chúa những ngôi thánh đường đồ sộ lộng lẫy, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta âm thầm tới ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Chúa nói với chúng ta Lời Chúa, Lời làm cho chúng ta được sống. Bời vì “con người sống không chỉn hờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa nữa” (Mt 4,4). Thực tế cuộc sống của chúng ta rất bận rộn. Chúng ta không có thời giờ để ngồi dưới chân Chúa. Chúng ta muốn cầu nguyện nhiều hơn, dự lễ ngày thường nhiều hơn, đọc Kinh Thánh hay sách báo đạo đức nhiều hơn. Nhưng chúng ta không có thời giờ.

Quả thật, Chúa muốn chúng ta vừa là Matta, vừa là Maria: vừa lao động vừa cầu nguyện. Chúa không nói rằng khi chúng ta làm việc như Matta, chúng ta không thể cầu nguyện như Marai, hay ngược lại. Hai việc đều liên hệ với nhau. Chúng ta phải vừa là Matta vừa là Maria. Ngày nay, một người phụ nữ danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Matta thời đại: Mẹ Têrêsa thành Calcutta Ấn Độ. Mẹ đã hiểu và đã truyền lại cho con cái thiêng liêng của Mẹ tinh thần Tin Mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các “nhà hấp hối” để giúp những người sắp chết được an nghỉ trong Chúa.

Anh chị em thân mến,

Thánh lễ là lúc chúng ta trở thành những Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, chúng ta đừng tiếc thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, sợ thiệt thòi, mất mát, hay đến ở ngoài sân nhà thờ không chủ tâm dự lễ, không đón nhận Lời Chúa, Mình Thánh Chúa, không mời Chúa vào nhà. Chúng ta cũng đừng đến với Chúa ngày Chúa Nhật, chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ mắc tội. Hãy đến với Chúa như một người con, một người bạn, đến để tìm Chúa, gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, chỉ vì tình yêu mến Chúa mà thôi.

Thánh lễ còn là lúc Chúa đến thăm chúng ta như đã đến với hai chị em Matta và Maria. Hãy quý trọng sự hiện diện của Ngài trong lòng chúng ta và biết tiếp chuyện với Ngài, để sự hiện diện của Chúa và Lời Chúa nuôi sống chúng ta ngày hôm nay, ngày mai và cho đến cuộc sống muôn đời.

 

23. Ngồi dưới chân – Lm Vũ Đình Tường

Có ba hình ảnh ngồi dưới chân Chúa. Hình ảnh thứ nhất cô Maria ngồi dưới chân Chúa nghe giảng – Luca 10

Hình ảnh thứ hai cô Maria ngồi dưới chân Chúa lấy thuốc thơm mà sức, lấy tóc mà lau – Mathew 26: 6-13

Hình ảnh thứ ba Mẹ Maria và mấy bà đạo đức ngồi dưới chân Chúa, dưới chân thập tự, mắt đẫm lệ nhìn Chúa – Gioan 19,25

Cả ba hình ảnh ngồi dưới chân đều do phái nữ chủ xướng. Đây là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh. Trước khi nuôi năm ngàn người ăn trong phép lạ hoá bánh ra nhiều Đức Kitô bảo các môn đệ hãy cho đám đông ngồi xuống – Gioan 6. Hình ảnh ngồi để được cho ăn, nuôi sống.

Khiêm nhường

Đức Kitô ghé thăm nhà chị em Maria and Martha. Maria chọn ngồi dưới chân Chúa để nghe Ngài giảng. Cô chị tiếp khách kiểu khác, lo nấu nướng chuẩn bị thực phẩm nuôi thân. Cô em chọn tiếp khách bằng cách ngồi dưới chân. Cô không ngồi ngang hàng tiếp khách – chủ khách ngang nhau- nhưng cô chọn thái độ ngồi dưới chân. Một thái độ khiêm nhường. Một hành động tự nguyện, khiêm nhu, quí mến, tỏ ra rất gần, thân thiết với khách mà vẫn biểu tỏ lòng tôn kính.

Ngồi dưới chân để nghe giảng nói lên tinh thần hiếu học, ham học hỏi Lời Chúa. Maria không những yêu mến Đức Kitô, kính trọng Ngài mà còn yêu mến ngay cả lời giảng dạy, giáo huấn của Ngài. Người do Thái khuyên phụ nữ đừng đi học. Đức Kitô trái lại khuyến khích phụ nữ học, lắng nghe.

Thống hối

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh Maria ngồi dưới chân Chúa khóc lóc, tỏ lòng thống hối, ăn năn. Sự việc xảy ra tại nhà ông Simon, người mời Đức Kitô dự tiệc với các tông đồ. Cả chủ nhà lẫn tông đồ đều chê trách hành động của người phụ nữ. Đức Kitô lên tiếng bảo họ hãy để cho cô ta chuẩn bị cho ngày an táng Ngài. Qua cái chết của Ngài kẻ thống hối, tội dù nhiều vẫn được thứ tha. Hình ảnh khóc dưới chân Chúa không mang ý nghĩa nỗi buồn bất tận mà là giờ của mừng vui. Vui vì tội dù nhiều nhưng vẫn được tha vì trong lòng yêu mến nhiều.

Maria khóc vì vui mừng. Tai được nghe Chúa thứ tha. Nhận được lời Chúa an ủi, bênh đỡ, khuyến khích. Việc làm khiêm nhường bị người đời lên án, chê trách. Chúa thưởng công, âm vang ngàn năm vì Maria làm với tâm tình yêu mến chân thành, tạ ơn tha thiết.

Hiệp thông

Hình ảnh các bà ngồi dưới chân thập tự khóc lóc tỏ lòng hiệp thông. Tự biết mình bất lực không làm gì được kẻ có quyền, có thế. Lên tiếng phản đối không ai nghe; gào thét ai thèm đáp trả; phản đối mấy ai quan tâm. Muốn yên thân hãy câm nín, ngoảnh mặt làm ngơ, tránh đường, nhường lối cho bạo quyền hành động. Bao nhiêu người sợ đứng nhìn qua khe cửa. Các bà cũng run sợ trước bạo quyền mà không lẩn trốn. Để nước mắt lăn dài trên má biểu tượng của cảm thông, chia sẻ nỗi đau khổ của Đức Kitô treo trên thập tự. Cảm xúc đau đớn là biểu lộ hiệp thông rõ ràng hơn cả. Lệ nhoà, lăn dài trên má, biểu lộ cảm thông chia sẻ niềm đau mãnh liệt hơn ngàn câu an ủi, lời than van. Mắt nhìn thân Chúa da nát, thịt tan, đầu đội mạo gai, chân lơ lửng giữa đất trời biểu tỏ lòng mẹ chơi vơi nhìn con trên thập tự. Ngồi dưới chân thập tự thông cảm niềm đau người mẹ mất con. Người bạn mất bạn.

Phần chúng ta

Ngồi dưới chân Chúa hay dưới chân thập tự là hình ảnh gần gũi, quen thuộc, của mỗi người trong chúng ta. Bao lần chúng ta ngồi trong thánh đường. Cũng ngồi dưới chân Chúa nghe lại các bài đọc được công bố, lời Chúa giảng năm xưa, nay được lập lại trong thánh đường, trong các phiên họp, các buổi cầu kinh, tụ họp và Lời Chúa được chia sẻ trong các bài giảng, nhảy nhót theo cung điệu nốt nhạc. Chúng ta lắng nghe với tâm tình lúc thắm thiết, lúc chán nản, lúc hoài nghi.

Ngồi dưới chân Chúa trong thánh đường là hình ảnh quen thuộc khi chúng ta thầm thĩ kêu xin, giãi bày tâm sự, nói lên cái thống khổ, đau xót của thân phận làm người. Nhiều lần chúng ta cũng khóc lóc van xin ơn tha thứ. Chúng ta cũng để giòng lệ tuôn dài khi thấy gánh nặng vơi đi, bình an nội tâm trở lại, và hy vọng một tương lai tươi sáng loé lên trong khoé mắt. Giọt nước mắt u sầu thành giọt lệ reo vui. Những lần như thế chúng ta ngồi dưới chân thập tự tâm tư tràn ngập niềm vui, miệng luôn cao rao lời cảm tạ. Vui mừng đến chảy nước mắt vì cảm thấy Chúa yêu thương tha thứ như chính Maria cảm thấy được Chúa yêu thương, thống hối đến dưới bàn thờ Chúa dâng lời tạ ơn.

Bao lần chúng ta cũng ngồi dưới chân thập tự khi trong thánh đường, lúc ngoài nghĩa trang. Lòng đau như cắt, tâm tư tan nát. Giọt nước mắt vơi đầy thương nhớ người thân. Chúng ta ngồi dưới chân thánh giá nói không nên lời, tư tưởng đứt đoạn vì người thân ra đi, câm nín trong quan tài cô đơn giữa nơi thánh đường đông người thân quen. Người nằm đó mà xa cách ngàn trùng. Cách nhau một lớp gỗ mỏng mà lòng thấy vĩnh biệt. Cũng bản nhạc này sao nay u buồn thế. Cũng lời kinh nọ nay cất lên tang thương nhiều hơn hy vọng.

Hình ảnh ngồi dưới chân Chúa hay dưới chân thập tự là hình ảnh của người đặt niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, Đấng đến xoá tan u tối. Đấng đến mang lại ánh sáng chiếu dọi tâm hồn. Đấng đến mở đường dẫn về nhà Cha sau cuộc hành trình dương thế.

Hãy mở cửa tâm hồn đón Chúa vào nhà để được ngồi dưới chân Ngài.

 

24. Sai lầm của người thầu khoán – Lm. Mark Link

“Trong cuộc đời, chúng ta cần thời gian thinh lặng cầu nguyện nếu chúng muốn quân bình và biết nhìn xa.”

Vào buổi tối kia, một người cha đến dự phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh trong một trường trung học ở Chicago. Trong bài nói chuyện của một thầy giáo, người cha này đã bật khóc nức nở.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, người cha xin lỗi và nói: “Con tôi không còn sống với tôi nữa. Nhưng tôi vẫn yêu thương cháu và tôi muốn biết việc học hành của cháu như thế nào.”

Sau đó, người cha cho biết vợ ông và 4 đứa con đã bỏ ông chiều hôm đó.

Ông là một thầu khoán xây cất và nhiều khi làm việc đến 16 giờ một ngày. Đương nhiên, ông ít gặp gia đình hơn và dần dà họ càng xa ông hơn nữa.

Sau đó, người cha nói lên một điều thật buồn thảm. Ông nói: “Tôi muốn mua cho vợ con tôi những gì mà tôi hằng mơ ước mua cho họ. Nhưng rồi tôi quá bận tâm làm ăn đến độ tôi quên đi điều mà gia đình tôi cần đến nhất: đó là một người cha có mặt trong gia đình hàng đêm để yêu thương và nâng đỡ vợ con.”

Câu chuyện có thật này cho thấy điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay. Đó là:

Chúng ta có thể quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao chúng ta làm việc. Chúng ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống. Chúng ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.

Đó là một loại sai lầm mà cô Martha đã vấp phạm trong bài Phúc Âm hôm nay. Cô quá bận tâm đến việc nấu nướng cho Chúa Giêsu đến độ cô quên đi lý do tại sao Chúa đến nhà cô. Người đến không vì miếng ăn; Người đến vì tình bạn.

Giả như khi chúng ta còn nhỏ, sống với cha mẹ và nếu Đức Giêsu cho biết Người sẽ đến thăm gia đình, chúng ta biết các bà mẹ sẽ làm gì. Họ sẽ động viên toàn thể nhân lực trong gia đình từ nhiều ngày trước để dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Họ sẽ sai con cái đi chợ mua thứ này thứ kia. Nói tóm, họ sẽ hành động giống như cô Máctha.

Nhưng mẹ chúng ta cũng giống như cô Maria. Họ luôn dặn dò để biết chắc là con cái ăn mặc đàng hoàng tử tế, đến ngồi chung quanh Đức Giêsu, chú ý đến những gì Người nói. Mẹ chúng ta sẽ quân bình giữa sự lưu tâm đến miếng ăn cho Đức Giêsu và lưu tâm đến tình cảm mà gia đình dành cho Người.

Đó là những người mẹ có tài giữ quân bình mọi sự, từ việc cơm nước trong nhà đến việc giặt giũ lau chùi. Nhưng các bà mẹ còn cần đến các người làm cha có khả năng quân bình mọi sự, từ việc kiếm tiền cho đời sống vật chất đến việc giáo dục con cái, nâng cao giá trị tinh thần của đời sống.

Ngày nay, không may, chúng ta sống trong một thế giới thật khác biệt.

Thật dễ để đánh mất sự quân bình trong thế giới ngày nay. Thật dễ để đánh mất cái nhìn xa trông rộng. Thật dễ để xáo trộn những gì là ưu tiên. Thật dễ để đánh mất khả năng nhận ra những gì cần làm và tại sao chúng ta làm công việc ấy.

Trong Thế chiến II, một người lính trẻ trấn đóng ở hòn đảo Saipan thuộc Nam Thái Bình Dương cho biết trong thời gian nghỉ ngơi, anh và bạn hữu đến bơi ở một chỗ vắng vẻ kín đáo, ngay ở mé hòn đảo. Đó là một nơi thật đẹp có núi đá bao quanh.

Khi đến nơi, họ thấy nước thật trong đến nỗi có thể nhìn thấy cá bơi lội sâu dưới nước cả 10 feet. Tuy nhiên, sau khi họ bơi lội chừng một tiếng đồng hồ, nước trở nên đục ngầu vì cát bị khuấy động, họ không còn thấy được dưới đáy dù chỉ cách có một feet.

Nhưng hôm sau, khi họ trở lại, cát đã lắng đọng. Nước lại trong trẻo như trước.

Tâm trí chúng ta cũng như vũng nước đó. Nó cũng có thể vẩn đục vì những biến động trong cuộc sống hằng ngày khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta mất khả năng nhìn thấy mọi sự: quan điểm của chúng ta trở nên mù mờ; những ưu tiên của chúng ta trở nên hỗn độn; sự quân bình của chúng ta đã bị mất.

Khi điều này xảy ra, điều chúng ta cần thi hành là tạm ngừng và để nước đục của tâm trí trở nên trong trẻo lại. Chúng ta cần thi hành điều mà cô Maria đã làm trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cần ngồi dưới chân Đức Giêsu trong sự thinh lặng cầu nguyện. Chúng ta cần để Người dạy chúng ta biết điều gì là quan trọng và điều gì không đáng kể.

Bài Phúc Âm hôm nay là một lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy dừng lại ở dưới chân Đức Giêsu trong sự cầu nguyện, cũng như cô Maria đã làm trong Phúc Âm.

Điều này nêu lên một câu hỏi. Nếu chúng ta quá bận rộn đến độ mất cả thói quen cầu nguyện thì sao? Nếu chúng ta không biết thinh lặng cầu nguyện dưới chân Đức Giêsu thì sao? Chúng ta có thể làm gì để biết cách cầu nguyện?

Thật may mắn là có chúng ta có thể thi hành vài điều gì đó. Và chúng ta có thể bắt đầu ngay tối nay. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện đơn giản đã từng giúp đỡ nhiều người như chúng ta làm lại thói quen cầu nguyện và biết được nghệ thuật cầu nguyện.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng ta cần 3 phút để làm 3 điều.

Trong phút thứ nhất, chúng ta thinh lặng và nhớ lại những gì xảy ra trong ngày. Chúng ta nhớ đến các điều tốt đẹp khiến chúng ta vui sướng, tỉ như nhận được thư của người bạn cũ. Sau đó, chúng ta thành thật nói với Đức Giêsu về điều đó. Sau cùng, chúng ta cảm tạ Đức Giêsu vì lá thư ấy.

Trong phút thứ hai, chúng ta cũng nhớ đến những gì xảy ra trong ngày. Lần này, chúng ta nhớ đến điều không tốt, những điều làm chúng ta hối hận, tỉ như la hét cha mẹ, vợ chồng hay con cái. Chúng ta nói với Đức Giêsu về khuyết điểm này và xin Người tha thứ, chữa lành cho chúng ta.

Sau cùng, trong phút thứ ba, chúng ta nhìn đến ngày hôm sau, nghĩ đến một số điều quan trọng phải thi hành, tỉ như việc nói chuyện ôn hoà với cha mẹ, vợ chồng hay con cái về một vấn đề đã xảy ra. Chúng ta nói với Đức Giêsu về điều đó và xin Người soi sáng, thêm sức để chúng ta có thể thi hành cách tốt đẹp.

Phương cách cầu nguyện đơn giản này đã giúp nhiều người lấy lại thói quen cầu nguyện và học được nghệ thuật cầu nguyện. Điểm tuyệt vời của phương cách cầu nguyện này là không những giúp chúng ta quan hệ đến đời sống thực tế mà còn giữ liên lạc với Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá bận tâm đến đời sống mà quên đi lý do tại sao Ngài đã ban sự sống cho chúng con.

Xin giữ chúng con quá bận tâm đến đời sống mà quên đi mục đích của nó.

Xin giữ chúng con đừng quá theo đuổi những gì mà tiền bạc có thể mua được rồi quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.

 

25. Mácta và Maria – McCarthy

Suy Niệm 1. CHO VÀ NHẬN

Tôi có một giấc mơ. Chúa đến nhà tôi như đã đến nhà của Mácta và Maria. Vì thế tôi lau chùi, cọ rửa từ trên xuống dưới, rửa sạch và đánh bóng mọi thứ. Rồi tôi dọn bàn với khăn bàn tốt nhất, bộ chén dĩa bằng sứ, bộ dao nĩa muỗng bằng bạc loại tốt nhất, và cũng bài trí nến và hoa. Về thức ăn, tôi chọn món đắt tiền. Khi tất cả đã sẵn sàng và khách mời sắp đến, tôi trải thảm đỏ ra tận cổng nhà.

Người đến và tôi nghĩ tôi đã làm Người phải tự hào. Tôi phô bày thành tích cao. Tôi cung kính đứng hầu bên cạnh. Không ông vua nào có được sự phục vụ hào phóng hơn. Tôi chắc rằng cuộc đàm đạo sẽ không bao giờ nhạt nhẽo. Về phần Người, Người rất vui, Người tỏ vẻ cảm kích khi thấy tôi lúng túng. Mọi việc kết thúc chính xác như đồng hồ. Khi Người đã ra về, tôi cảm thấy tốt đẹp, và tuy vậy có một điều gì đó làm tôi phải băn khoăn.

Có một lúc tôi như đã hụt hẫng với điều lẽ ra phải có. Rồi một câu hỏi hiện ra trong tôi: Người muốn điều gì nơi tôi? Thức ăn? Lòng hiếu khách? Tôi tự hỏi. Nhưng rồi tôi nghe thấy một câu hỏi thứ hai vang lên trong tôi: Người muốn cho tôi điều gì? Tôi cảm tháy chắc chắn Người muốn cho tôi điều gì? Nhưng dù là điều gì, tôi đã không cho Người cơ hội để ban nó cho tôi. Tôi đã tạo ra cảm tưởng mọi việc đều hoàn hảo và tôi không muốn có thêm điều gì nữa.

Có những người rất hào phóng và tốt bụng khi cho nhưng rất nghèo nàn khi nhận. Bác sĩ Marie de Hennezel thành thập một số bộ phận tiếp nhận những người bệnh ở giai đoạn cuối trong một bệnh viện ở Paris. Trong cuốn sách của bà nhan đề Intimate Death, bà nói về một phụ nữ được đưa đến bộ phận ấy. Người phụ nữ này đã từng giúp đỡ mọi người nhưng giờ đây không thể giúp đỡ chính mình. Bà luôn luôn muốn được người ta ban cho thật nhiều yêu thương. Nhưng nhận được chúng thì thật là khó khăn. Bà nói về sự yêu thương của gia đình, của bạn bè, của những người chăm sóc bà như “một suối nước mà bà không biết phải uống như thế nào”. Bà cần học cách nào để lại trở thành một trẻ nhỏ, khiêm tốn đủ để nhận một món quà. Nhưng điều đó không dễ dàng bởi vì bà hoàn toàn đối lập với điều đó: bà thích cho một cách vị kỷ.

Những người vị kỷ, coi mình là trung tâm không thích nhận. Tại sao thế? Bởi vì nó làm cho họ cảm thấy thấp kém hơn người khác và đặt họ vào sự mắc nợ những người khác. Mặt khác họ thích cho bởi vì điều ấy tâng bốc cái tôi của họ, do đó (có lẽ một cách vô thức) làm cho họ cảm thấy cao sang hơn những người khác.

Cho là việc quan trọng. Nhưng nhận cũng thế. Không ai trong chúng ta tự cho mình là đủ. Mọi người chúng ta đều bất toàn. Chúng ta cần tiếp nhận của nhau, và trên hết, tiếp nhận từ Thiên Chúa. Không có khả năng tiếp nhận quả là bi thảm. Biết cho như thế nào chưa đủ, chúng ta cũng phải biết nhận như thế nào. Cả hai đều là những hoạt động của ân sủng.

Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau chủ yếu giữa Mácta và Maria. Mácta không có khả năng nhận, trong khi Maria có. Maria cho Chúa món quà là một tâm trí mở rộng và một tâm hồn mẫn cảm. Còn Mácta, trong lúc rất tốt, rất hào phóng khi cho, lại rất nghèo nàn khi nhận. Cả Chúa cũng không thể cho cô điều gì. Có một bài thơ ngắn nói lên điều ấy:

Nếu bạn có thể làm cho mình trống rỗng

Giống như một vỏ sò không

Hẳn Người sẽ tìm thấy bạn

Trên một bãi cạn của đại dương

Và Người tự nhủ: Nó chưa chết.

Và làm đầy bạn bởi chính Người

Nhưng nếu bạn quá đầy với chính bạn

Và với bao hoạt động khôn ngoan,

Đến nỗi khi Người đến Người liền nói:

Nó đủ cho nó. Nó quá đầy

Không còn chỗ dành cho Ta

(T. Brown. Thi sĩ xứ Manx)

home Mục lục Lưu trữ