Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1371694

NGƯỜI CÙI

NGƯỜI CÙI- Lm Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Trong chuyến đi từ Sàigòn đến Quy Nhơn năm 1960, tôi giữ mãi một kỷ niệm, không phải kỷ niệm thăm bến cảng, tháp chàm Chiêm Thành hay tường thành Đế đô Quang Trung, nhưng là một làng cùi. Đi đầu đoàn là Giám Mục, Linh mục rồi đến chủng sinh, phải vượt qua mấy ngọn đồi hoang vắng mới đến làng cùi. Bước tới cổng làng, mọi người đều xúm quanh một ngôi mộ của một người cùi nổi tiếng: thi sĩ thời danh Hàn Mặc Tử. Một người cùi đã biến những rung cảm trong sầu khổ thành những vần thơ tuyệt diệu, óng mượt như tơ vàng, nhẹ nhàng như hơi thở, run run như giây đàn. Từ cổng làng vào đến trại, ai nấy đều im lặng, một thứ im lặng rờn rợn sởn gai ốc, vì những ý nghĩ đen tối ghê tởm về bệnh cùi đang lởn vởn trong đầu óc.

Họ đó, người cùi đó. Đó là những dì phước mặc áo trắng đi đầu hàng những người cùi ra đón phái đoàn. Họ vui vẻ, tươi cười, không một chút lo ngại, không một chút mặc cảm tủi hổ về thân phận của mình.

Chúng tôi bỡ ngỡ, ngó qua ngó lại. Một đám trẻ cùi đang xích lại gần chúng tôi. Chúng tôi ái ngại nhìn chúng từ đầu đến chân. Con những người cùi đó. Họ ở trong những căn nhà xây nho nhỏ, sạch sẽ dưới những hàng dừa mát rợi. Nhưng tội nghiệp biết bao! Họ cụt tai, rụng mũi, đục mắt, mất răng, xún lợi, hở hàm, trông như những chiếc đầu lâu cải mả. Chân tay họ như không còn ngón nào. Họ bị sống xa xã hội như bị lưu đầy trong hoang địa rừng rú. Chỉ có mươi bà phước đang sống lăn lộn với họ. Đó là nguồn ủi an duy nhất của họ ngoài niềm tin ra.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ một mình Người đã thấu nỗi lòng sầu thảm của người cùi. Người đã đến với họ, thương yêu an ủi họ, tiếp đón họ và cứu chữa họ lành mạnh cả thể xác tâm hồn. Người đã quý mến họ hơn tất cả châu báu thế gian … vì họ là quý tử của nước Trời.

Thế gian xưa cũng như nay, Do thái cũng như Hy lạp, phương Đông cũng như phương Tây đều ghê tởm xua đuổi họ. Nhưng chỗ nào có tiền của, có bụi vàng, có địa vị, có thú vui, thế gian xô nhau đến luồn cúi, lăn lộn, đào bới, moi móc đến bỏ mạng. Thế gian quý vật chất hơn quý người.

May thay, Hội thánh Chúa luôn luôn theo chân Đấng Cứu Thế phục vụ con người, dù đó là ai, nghèo đói, bệnh tật, khốn cùng, da vàng hay da đen, tự do hay nô lệ đều được con cái Hội thánh Chúa, như cha Đamiêng, Đức Giám mục Catxe (Cassaigne) đã phục vụ người cùi cho đến hơi thở cuối cùng. Hàng trăm hàng ngàn tu sĩ đã săn sóc người cùi như anh em một nhà.

Còn chúng ta, chúng ta được phúc là những người lành mạnh, được sống chung với gia đình, sống chung với nhau, được tự do đi đây đó, sao không biết cảm tạ Thiên Chúa? Sao không biết sống hòa thuận ấm cúng thương yêu nhau? Sao không biết giúp đỡ nhau, đưa Tin mừng cho những người nghèo khổ, an ủi kẻ đau yếu, tật nguyền?

Xin cho chúng ta biết luôn tạ ơn Chúa trong việc thương giúp những người bé mọn khổ đau.

 CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- B

PHONG CÙI- Lm Giuse Trần Việt Hùng

Cùi hủi là một con bệnh đáng ghê sợ nhất. Nhiều ngàn năm trước, bệnh phong cùi đã xuất hiện nơi thân xác của con người. Đây là một bệnh truyền nhiễm và ô uế. Theo luật của dân Do-thái, ngay từ thời Môisen đã có những hướng dẫn riêng dành cho những người bị bệnh phong cùi. Những người mắc chứng bệnh phong cùi phải ở riêng, mặc áo rách, để đầu trần, lấy tay che miệng và la cho mọi người biết để đừng ai đến gần. Thật là khổ sổ và đau lòng! Con vi trùng cùi hủi quái ác đã ăn cướp mất nhân phẩm của con người. Thân phận của những người phong cùi thật đáng thương, họ bị tách lìa khỏi gia đình, cộng đoàn và mọi sinh hoạt chung. Họ bị bỏ rơi và bị người đời khinh bỉ, xem họ như là những thân xác đáng ghê tởm mà mọi người cần xa tránh. Người xưa chưa có cách phòng bệnh và trị bệnh nên những ai bị mắc phong cùi thì như lãnh một bản án chung thân.

Nỗi đau thân xác khôn lường, mà nỗi đau của tâm hồn lại càng khốc liệt. Những người phong cùi phải xa tránh mọi người và tự lo cho cuộc sống mình. Họ bị tước mất tư cách làm người và mất cả nhân phẩm. Họ khổ đau quằn quại khi thân xác bị lở loét, cùi cụt và hôi thối. Mọi người không đến gần, ngay cả những người thân thiết trong gia đình cũng không được chung đụng. Chúng ta không thể tưởng tượng được nỗi sầu khổ và mặc cảm lấn chiếm tâm hồn họ. Họ bị rơi xuống đáy vực thẳm của kiếp nhân sinh. Lê lết sầu muộn từng ngày nơi hoang vắng cô quạnh. Đau khổ hơn nữa là khi đối diện với những ánh mắt khinh thị và kinh hãi. Chúng ta nhớ rằng khả năng khoa học y tế của con người thời đó đành bó tay với cùi hủi. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị nhiễm chứng bệnh phong cùi nhưng nhờ có thuốc thang ngăn ngừa, họ cũng được giảm bớt đau khổ phần nào. Với cuộc sống xã hội đương thời, những người phong cùi cho dù được sự thăm viếng, chia sẻ, thông cảm và ủi an nhưng họ vẫn còn phải chịu nhiều sự tủi nhục và sầu khổ.

Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng tin mừng giải thoát. Chúa có uy quyền chữa lành cả thân xác và tâm hồn. Hai ngàn năm trước, với khả năng của con người, sự chữa lành của cả hai nhu cầu vật chất và tâm linh đều rơi vào ngõ cụt. Cộng thêm sự phân chia giai cấp và cách đối xử bất công trong xã hội không có lối thoát. Chúa Giêsu đã xuất hiện trong bối cảnh xã hội mà nhiều người bị loại trừ. Sự thực hành đời sống tôn giáo và xã hội thiếu tình yêu thương bác ái. Những người bệnh hoạn tật nguyền, phong bại, phong cùi và qủy ám là những thứ bệnh quái ác hoành hành khắp nơi. Tất cả những ai chạy đến với Chúa đều được xót thương chữa lành. Cả những bệnh cùi hủi trong tâm hồn, Chúa Giêsu đã tẩy sạch và tha thứ.

Tâm trạng bị bỏ rơi và chối từ làm cho con người cảm thấy cô đơn sầu khổ. Không chỉ bệnh cùi mà cả những chứng bệnh thời đại. Những người già cả ốm đau bị con cái bỏ rơi. Những trẻ thành niên bị chối từ khỏi gia đình, không được yêu thương và chấp nhận. Những trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi vì bị cha mẹ coi như một món nợ. Những người tàn tật và què quặt không được tiếp nhận vào những đại tiệc của xã hội. Những khách lạ hiền lương bị chối từ nơi ẩn trú. Những người vô gia cư và vô nghề nghiệp không có nơi nương tựa và bị coi như là những kẻ ăn bám xã hội. Những người mắc những chứng bệnh thời đại Si-đa cũng bị xô đẩy vào đường cùng phải sống trong cô đơn và loại bỏ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người sống cần có tình yêu, tình người và sự chấp nhận.

Còn biết bao những khinh miệt khác đối với những con người không sống theo kỷ luật bị coi như những tội phạm của xã hội. Những nhóm người gây khủng bố, gian tham, cướp của giết người, buôn bán nô lệ, thuốc phiện, buôn bán tình dục phụ nữ trẻ em, những bà tú, ma cô và nhà độc tài gian ác…Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải tất cả các tù nhân đều là tội phạm cả đâu. Có nhiều người bị nhốt tù vì công lý, vì bất đồng chính kiến, vì niềm tin, vì lương tâm và vì nhiều lý do khác tùy theo từng chế độ. Xã hội có muôn mặt và muôn cách sống. Chúng ta khó có thể phân biệt trắng đen, lành dữ, xấu tốt và phải trái, khi dựa vào những phán đoán của con người. Tất cả các tệ trạng của con người xã hội đều là những căn bệnh cần phải được chữa trị. Con người phải đi tìm đúng nguồn cội quyền lực để xin ơn chữa lành cả xác lẫn hồn. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ân sủng chữa lành.

Bệnh nào cũng cần thuốc chữa. Con người có cả ngàn thứ bệnh khác nhau cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi một thứ bệnh cần có những liều lượng thuốc chữa trị riêng. Chúa Giêsu có toàn quyền trên cả vũ trụ hữu hình và vô hình. Ngài có quyền sáng tạo, chữa trị, đổi mới và hoàn thành. Câu truyện phúc âm, người bệnh cùi đến van xin Chúa chữa lành, Chúa đã giơ tay đặt trên người đó và nói: Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh. Chúa chỉ cần muốn là mọi sự thực hiện theo ý của Ngài. Bệnh cùi được chữa lành ngay tức khắc. Chúng ta nhớ câu truyện của ông Saulô, đang khi đi bách hại người Kitô hữu, một luồng ánh sáng đánh ngã ngựa và Chúa Giêsu đã biến đổi ông thành Phaolô, một tông đồ nhiệt thành rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Chúa có thể biến đổi tất cả theo ý muốn của Chúa.

Thánh Phaolô sau khi đã trở lại với Chúa Kitô, ngài đã không ngừng loan báo tin mừng. Trong mọi sự như ăn, như uống hay làm bất cứ việc gì, Phaolô khuyên dậy chúng ta hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Phaolô đã hoàn toàn thuộc về Chúa. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao Chúa không đánh ngã thêm nhiều người nữa để họ tiếp tục mở rộng Nước Chúa? Biết rằng tư tưởng của Chúa vượt hẳn trên tư tưởng loài người và đường lối của Chúa cao siêu hơn đường lối của con người. Chúa muốn chính mỗi người chúng ta làm nhân chứng cho Chúa. Chúa muốn cứu độ mỗi người bằng chính sự sám hối và trở về của họ. Chúa ban cho con người có tự do để chọn lựa thái độ. Chúng ta hãy đến quỳ gối van xin: Nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con nên sạch. Đặt niềm tin vào Chúa Kitô và qua Giáo Hội, Chúa đã ban các ân điển qua các Bí Tích, Á Bí Tích, các kinh nguyện và sự thực hành sống đạo sốt mến. Từng bước phát triển đời sống đạo qua các Bí Tích chúng ta lãnh nhận, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn ơn sủng của sự chữa lành.

Bệnh phong cùi cũng như tội lỗi của con người thật ghê gớm. Ai cũng sợ hãi những chứng bệnh cùi hủi, bệnh siđa, bệnh ung thư hay một số bệnh chết người. Khoa học y tế có phát triển vượt bực nhưng con người vẫn còn cảm thấy bất lực hoặc chào thua trước những con bệnh hiểm nghèo này. Một thực tại sống mà chúng ta không thể chối từ. Sinh, lão, bệnh và tử là lẽ thường ở đời. Điều quan trọng là chúng ta hãy đón nhận thân phận làm người với tất cả những biến chứng của nó. Hãy tôn trọng nhân phẩm, đối xử và đón nhận mọi người như là con người, cùng chung một Cha trên trời. Chúng ta đừng khinh khi loại trừ, ghét bỏ ruồng rẫy và đóng cửa gài then trước những mảnh đời cùng khổ.

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con ngã bệnh và phạm tội làm nhơ nhuốc tấm linh hồn, xin Chúa giơ tay chữa lành và rửa sạch những vết nhơ bụi trần. Xin cho chúng con biết chia sẻ lòng nhân ái với những người bất hạnh, biết giơ tay đón tiếp những kẻ cùng khốn và biết chấp nhận mọi người như là anh chị em, để chúng con tìm được nguồn ủi an và chữa lành đích thực của Chúa cả trong tâm hồn lẫn thể xác. Chúng con chỉ biết dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân. Chúng con đã được lãnh nhận dư tràn ơn sủng của Chúa trong suốt đời sống. Chúng con cầu xin Chúa.

 CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- B

HÃY SỐNG ĐẸP CHO NHAU- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống hôm nay rất cần cái đẹp. Cái đẹp cho bản thân như ăn ngon mặc đẹp. Cái đẹp cho tha nhân như một cử chỉ đẹp, một phong cách đẹp, một lời nói làm đẹp lòng người. Nhà văn Tolstoy đã kể lại một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời ông như sau: Một hôm, ông đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá công viên, từ xa có một người quần áo rách nát tả tơi đến gần và ngả mũ xin ông giúp đỡ. Thấy cảnh cơ cực, nhà văn liền thò tay vào túi định lấy tiền giúp cho người hành khất. Thế nhưng, ông đưa tay tìm hết túi này đến túi kia cũng không kiếm được một đồng nào trong túi. Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói trong sự hối tiếc: “Này người anh em! Xin thứ lỗi cho tôi. Rất tiếc là hôm nay tôi không mang theo một đồng nào trong túi”. Nghe lời nói chân tình đó, người ăn xin không buồn mà còn nở nụ cười rạng rỡ trên môi và nói: “Không đâu thưa ông. Hôm nay ông đã cho tôi một món quà quý báu còn hơn cả tiền bạc. Đó là ông đã không khinh dể tôi mà còn coi tôi như người anh em của ông”.

Bài Phúc âm hôm nay, thánh Marcô cũng tường thuật lại một cử chỉ đẹp mà Chúa Giêsu đã dành cho người bệnh phong hủi nan y. Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh. Một thân thể hôi hám và dơ bẩn mà người đời đã xa tránh. Hành động này không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh mà còn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh. Anh bị người đời khinh chê. Anh bị xã hội loại trừ. Người đời xếp anh vào hàng tội nhân bị Thiên Chúa giáng hoạ. Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giêsu cũng chạm đến tâm hồn anh. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Thân xác anh khoẻ mạnh. Danh dự của anh cũng được phục hồi. Tâm hồn anh cũng bình an và tươi vui. Từ nay anh không bị người đời xa lánh, khinh chê. Từ nay anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình. Qua Chúa Giêsu, anh được cộng đồng đón nhận. Nhờ Chúa Giêsu, anh được xã hội nhìn nhận. Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội. Giờ đây anh có thể sống tươi vui như bao con người khác trong xã hội. Anh không còn mặc cảm về bệnh tật. Anh không còn mặc cảm bị khinh chê. Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và yêu thương.

Có ai đó đã từng nói rằng: “một lời nói hay không bằng một cử chỉ đẹp”. Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết làm đẹp lòng nhau. Cuộc sống sẽ bớt đi những tủi hờn, những cô đơn và thất vọng nếu chúng ta biết sống đẹp với nhau. Đừng chơi xấu, đừng loại trừ nhau, nhưng hãy đón nhận nhau. Cuộc sống sẽ vơi đi những nỗi sầu khổ đắng cay nếu mỗi người chúng ta biết đối xử đẹp với nhau.

Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những lối sống tiểu nhân tầm thường, nên vẫn còn đó những oan ức, những giọt nước mắt đắng cay vì tình người phụ bạc, vì tình đời thay trắng đổi đen. Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những lối sống kém văn hoá, những cư xử thấp hèn nên vẫn còn đó những ứng xử thô lỗ, cộc cằn, những hành vi phi nhân và bất nghĩa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy can đảm loại bỏ những hành vi thô lỗ, cộc cằn, những hành xử thiếu văn hoá khởi đi từ chính gia đình chúng ta. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết dâng tặng cho nhau những cử chỉ đẹp như: sự quan tâm, sự khiêm tốn, ôn hoà và hiền hậu với nhau. Chúng ta không thể “khôn nhà dại chợ”, sống tốt với hàng xóm mà cư xử tệ với anh em. Chúng ta không thể sống trọn vẹn đức ái Kitô giáo nếu chúng ta không yêu mến gia đình chúng ta. Đức ái luôn mời gọi chúng ta phục vụ nhau một cách quảng đại, hy sinh và quên mình. Đức ái mời gọi chúng ta sống khiêm nhu, hiền lành và nhẫn nại với nhau. Đức ái bao hàm sự bao dung và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ. Đức ái không cho phép chúng ta loại trừ hay tẩy chay nhau. Đức ái mời gọi chúng ta dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương làm đẹp lòng nhau.

Chúa Giêsu năm xưa đã đưa tay chạm đến người bệnh để chữa lành cho anh. Ngài có thể phán một lời thì con người anh có thể lành lặn. Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và sự quan tâm trìu mến dành cho anh. Phải chăng, Ngài cũng muốn chúng ta hãy tiếp tục trao ban cho nhau những nghĩa cử yêu thương nồng ấm tình người? Ước gì từng người chúng ta hãy biết dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha. Ước gì lối sống đẹp của chúng ta sẽ là dấu chỉ chứng nhân tin mừng cho thế giới hôm nay. Amen.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN- B

ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CHỮA LÀNH MỌI BỆNH TẬT- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Một khi đã tin vào Đức Giêsu nhờ lời rao giảng, các tín hữu tiên khởi tiếp tục tìm hiểu về Đức Giêsu qua những gì các tông đồ kể lại, và phần lớn những điều này được ghi lại nơi các sách Tin Mừng. Niềm tin vào Đức Giêsu làm thay đổi cuộc đời tín hữu, khi họ nhận ra Thiên Chúa hằng yêu thương họ, một cách rất đặc biệt qua Đức Giêsu.

1) Tội còn khủng khiếp hơn bệnh phong cùi nhiều

Ngày nay với tiến bộ của y khoa, người ta đã chế ngự được bệnh phong. Bệnh phong ngày nay cũng chỉ là một bệnh như bao bệnh khác. Ngày nay người ta hay có thái độ xa cách đối với những người mắc bệnh hư miễn nhiễm (HIV, AIDS) như ngày xưa người ta đã có đối với những người mắc bệnh phong cùi. Kitô hữu tuy phải khôn ngoan để không bị lây nhiễm, nhưng không được có thái độ thiếu bác ái trong cách cư xử đối với những người anh chị em bị mắc những bệnh này.

Ngày xưa khi chưa khắc phục được bệnh phong cùi, thì bệnh này là một nỗi kinh hoàng cho những người bị nhiễm và cho cả những thân nhân của người bệnh nữa. Vì là bệnh truyền nhiễm nên người ta đã phải có biện pháp để bảo vệ những người khác cho khỏi bị lây nhiễm, nghĩa là, bảo vệ xã hội khỏi bị tiêu diệt, vì thế thậm chí đôi khi người ta áp dụng những biện pháp rất khắc nghiệt. Người bệnh phải sống tách biệt với người khác, kể cả những người thân thuộc như vợ chồng con cái. Dù rất yêu nhau, họ cũng phải sống xa cách, và không được phép lại gần nhau; điều này áp dụng không chỉ với hai người nam nữ yêu nhau, nhưng cả đối với người mẹ và người con còn thơ dại.

Mọi tật bệnh và đặc biệt bệnh phong cùi, theo quan điểm của người Do Thái, là hậu quả của tội. Qua cái gì cụ thể hữu hình là bệnh, người ta thấy nơi tội một cái gì tương tự như bệnh phong cùi gây cho con người. Tội là thái độ hận thù ghen ghét anh chị em mình và không sống như con Thiên Chúa. Tội làm người ta xa nhau, làm người ta bị cô lập với cộng đoàn, làm người ta mất bình an mất vui và không được hạnh phúc.

2) Đức Giêsu- dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện

Nếu đặt mình vào trường hợp và tâm trạng của anh bị bệnh phong được Đức Giêsu chữa lành hôm nay, người ta sẽ thấy anh ta mong ước được khỏi bệnh “khủng khiếp” này đến độ nào. Ao ước này đặc biệt rất mãnh liệt nếu anh ta có vợ và con thơ yêu dấu. Ai có thể giúp anh ta được? Đức Giêsu xuất hiện như niềm hy vọng của anh ta. Anh ta đã qùy xuống nài xin Đức Giêsu! “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi!”

Làm sao anh ta có thể tin Đức Giêsu như vậy? Qua cách sống, lời giảng dạy, và những dấu lạ Đức Giêsu làm, người ta tin vào Đức Giêsu hơn. Xưa tiên tri Elisa cũng đã chữa viên quan Naaman của Syria, một người bị bệnh cùi chỉ bằng lời truyền cho ông đi tắm bảy lần ở sông Yordan (2V.5, 1-27); bây giờ, nếu Thiên Chúa muốn, nếu vị tiên tri Giêsu này muốn, thì Ngài cũng có thể làm như tiên tri Elisa đã làm chứ. Đức tin của người bệnh phong cùi này phản ảnh đức tin của con người thời đó đối với Đức Giêsu; hơn nữa, qua anh ta người ta nhận ra Thiên Chúa đang tác động nơi anh ta, làm anh ta tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã xúc động và thương anh ta thật sự. Ngài đọc được nỗi khổ của người bị bệnh phong cùi này. Ngài thấy được khao khát của anh ta qua việc anh qùy gối trước Ngài để nài xin ân huệ được khỏi bệnh. Đức Giêsu đã đưa tay ra, chạm vào anh và nói: “dĩ nhiên là tôi muốn, anh hãy lành đi.” Đức Giêsu thương anh ta, và qua anh ta, thương tất cả con người đang đau khổ bệnh tật. Đức Giêsu thương con người, Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa không muốn con người khổ não, Ngài muốn con người bình an và hạnh phúc. Đức Giêsu là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện để yêu thương, để chữa lành và nối kết con người lại với nhau và với Thiên Chúa.

3) Đức Giêsu không chỉ là một con người

Tại sao Đức Giêsu không chữa tất cả những người bị bệnh phong cùi thời đó? Tại sao Đức Giêsu không chữa lành tất cả mọi bệnh tật của con người? Tại sao Đức Giêsu không biến đổi tất cả để làm con người đừng thù ghét nhau nữa nhưng luôn yêu thương và giúp đỡ nhau? Đức Giêsu là một người như tất cả mọi người, nên Ngài không thể làm được điều đó. Nếu Ngài làm được điều đó, người ta sẽ nói Ngài không là người thật vì Ngài không chia sẻ nỗi bất lực trước nỗi khổ của con người. Ngài là người, Ngài bất lực và thậm chỉ không biết cả tương lai nữa. Những gì con người không biết và không làm được, mà Ngài biết và làm được, thì đó là ơn huệ và là dấu chỉ Thiên Chúa ban để giúp con người nhận biết chân tướng của Ngài mà thôi.

Đức Giêsu chữa người bị bệnh phong cùi không bằng cách như tiên tri Elisa đã làm đối với Naaman, viên quan của Syria, nhưng bằng một lời: “tôi muốn chứ, anh khỏi đi.” Cách chữa bệnh bằng lời của Đức Giêsu, cho người ta biết hơn về chân tính của Ngài. Ngài có uy quyền, trổi vượt hơn cả các tiên tri trước, kể cả Môsê. Thời Môsê, mấy người chống đối ông bị phạt mắc bệnh phong cùi; những người này đã hoảng sợ và xin ông Môsê cầu khẩn Thiên Chúa tha thứ cho họ; ông Môsê đã xin Chúa, và Chúa đã cho họ được khỏi. Đức Giêsu đã không chữa người bị bệnh này như vậy; Ngài làm như thể Ngài có quyền chữa bệnh vậy, và cách nói của Ngài làm người ta hiểu như thể quyền đó từ Ngài mà ra.

Qua cách trình bày của Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu là người rất đặc biệt. Ngài thương yêu con người, rung động trước nỗi khổ của con người, Ngài yêu thương và chữa lành con người, giúp họ trở lại với cộng đoàn con người, trở lại với người thân yêu và nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương họ. Đức Giêsu còn là một người trổi vượt hơn những người khác, hơn các tiên tri nổi tiếng ngày xưa là Elisa và Môsê. Như thể tự Ngài, Ngài có quyền chữa lành bệnh tật. Ngài là người, và hơn là một con người. Ngài là Đấng “từ trên.”

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1-Với cách hành xử của Đức Giêsu hôm nay, bạn được đánh động ở điểm nào? Xin chia sẻ?

2- Thánh Phaolô viết: “vậy dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr. 10, 31). Bạn có thể làm được điều này không? bằng cách nào?

home Mục lục Lưu trữ