Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1374353

NGƯỜI MỤC ĐỒNG

Người mục đồng

(Lm. Nguyễn Ngọc Long)

Hình ảnh cậu bé chăn cừu, chăn trâu, chăn bò, canh bầy vịt ngoài đồng là hình ảnh quen thuộc trong xã hội, trong dân gian, đôi khi còn là hình ảnh thơ mộng trong thi ca, văn chương. Nhất là hình ảnh mục đồng chăn chiên, bò, lừa đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh ngày lễ Thiên Chúa Giáng Sinh làm người (Lc 2,1-20).

Hình ảnh người chăm sóc đàn súc vật ngoài đồng là hình ảnh thật đẹp, phác họa tình liên đới giữa người và đàn vật, và cũng nói lên sự cần thiết hỗ tương giữa hai bên.

Mối tương quan giữa mục đồng và đàn súc vật có thể phân biệt làm hai: Một người chăm sóc chúng với chủ đích lấy lông, lấy da bán làm đồ quý giá đắt tiền; và một người với chủ tâm nuôi súc cho béo tốt, để bán thịt. Súc vật cần cho cuộc sống kinh tế. Và con người cũng đóng vai trò quan hệ trong việc làm cho súc vật có giá trị kinh tế.

Còn mối tương quan giữa con người với nhau thì sao? Không còn gì thất vọng buồn thảm, nhẫn tâm hơn nữa, nếu một người cảm thấy mình bị bỏ rơi, khi không còn mang lại lợi ích gì cho người khác nữa, hay đã bị lợi dụng vào mục đích tư lợi ích kỷ!

Ai là người cũng có khát vọng được kính trọng yêu mến, được nhìn nhận có giá trị, được trọng dụng. Nếu những khát vọng căn bản này không được đáp ứng, hay bị khinh miệt, con người sẽ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng tinh thần, đến độ thành người bệnh hoạn cả tâm thần lẫn thể xác.

Chúa Giêsu ví mình là "mục đồng" chăm sóc đời sống con người. Ngài không làm việc này với chủ đích kinh tế, bán lông, bán thịt. Ngài là người "mục đồng" để ý đến đời sống của con người. Ngài chăm sóc đến những nhu cầu căn bản của đời sống: an vui, hạnh phúc trong tâm hồn, đời sống được no đủ, được bảo vệ: "Ta là mục đồng tốt lành, ta biết chiên của ta, và các chiên của ta biết ta... Ta hy sinh đời sống ta cho đoàn chiên." (Ga 10,14-15)

1. Đi dự tiệc cưới thành Kana, đang bữa ăn chủ nhà hết rượu đãi khách. Rượu là một yếu tố quan trọng cho ngày Vui, ngày cưới của đôi tân hôn. Biết như thế, Ngài thông cảm với họ lúc khó khăn, liền làm phép lạ biến nước thành rượu ngon, và tặng họ dư thừa. Ngài đã cứu danh dự cho đôi tân hôn và gia đình hai bên. Ngài đem đến cho họ sự sống và niềm Vui. (Gioan 2,1-12)

2. Trên đường truyền giáo rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài ra tay cứu độ chữa lành những người bị bệnh phong cùi (Mc 1,40-45), bị tàn tật không đi đứng được (Mc 2,1-12;10,46-52;Gioan 9,1-12), bị câm điếc (Mc 7,31-37;9,14-29). Ngài mang lại cho họ sức khỏe, niềm an vui. Phục hồi danh dự, nhân vị bị tàn héo vì do bệnh tật gây ra, và bị bỏ rơi khinh miệt.

3. Người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt, và theo luật xã hội bị kết án ném đá, nhưng người "mục đồng" Giêsu không lên án chị ta. Trái lại Ngài đối xử với chị với tấm lòng bao dung, nhân bản. Ngài ban ơn tha thứ những tội lỗi chị đã vấp phạm. Lời ban ơn tha thứ của Ngài mang lại cho chị niềm hy vọng, trả lại nhân vị sống làm người. Ngài đã cứu đời chị. (Gioan 7,53-8,11).

Chúa Giêsu tự nhận: "Ta là người mục đồng tốt lành" (Gioan 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: "Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng nầy." Và tên Giêsu có nghĩa: Thiên Chúa, Đấng chữa lành, Đấng cứu độ, Đấng làm mọi sự nên hoàn chỉnh.

Chúa Giêsu là Mục đồng chăm sóc đời sống con người. Ngài không nhắm đến lợi nhuận, nhưng quan tâm đến nhân vị của họ.

Những người Tin theo Ngài, là môn đệ của Ngài, cũng phải sống là nhân chúng cho lòng bao dung tha thứ. Mang bình an, niềm Vui, niềm Hy vọng đến cho đồng loại.

 

42. Người chăn chiên

Người mục tử nhân lành phải được thể hiện qua hành động với đoàn chiên, nghĩa là phải đi qua cửa mà vào, chiên nghe tiếng của anh ta; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra... anh đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng anh. Còn ngược lại, nếu ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm. Theo toàn thể văn mạch, Chúa Giêsu muốn nhắm đến các người biết phái và ký lục là những kẻ tự cho mình là lãnh đạo dân, hướng dẫn về đời sống thiêng liêng, nhưng thực ra họ chỉ là những kẻ háo danh và chỉ quan tâm đến thiện ích riêng tư của họ.

Thông thường chúng ta hay nghĩ mục tử là những người lãnh đạo, là những người hướng dẫn trong cộng đoàn họ đạo. Nhưng thực ra mục tử cũng có thể được hiểu rộng ra là các bậc cha mẹ trong gia đình. Chúa Chiên Lành hôm nay chính là mẫu gương cho các bậc cha mẹ noi theo. Ta cũng được Chúa trao cho những linh hồn để trông coi, dẫn dắt, là những người mục tử nhưng hành động của chúng ta có giống Chúa Giêsu Nhân Lành hay chúng ta vẫn còn đang hành động giống như kẻ trộm?

Vậy cha mẹ phải ăn ở thế nào cho đáng là chúa chiên lành của con cái mình.

Tự trong sâu thẳm đáy lòng với khuynh hướng tự nhiên cha mẹ dễ dàng chăm sóc hy sinh vì hạnh phúc của chính con mình. Trong thực tế có rất nhiều cha mẹ đã yêu thương con, chăm sóc cho con, lo cho con đầy đủ không để con cái thiếu thứ gì, như thế có thể gọi là mới làm tròn phận sự về phần xác. Còn về phần hồn thì sao? Ta đã quan tâm đủ đến con cái chưa? "gọi tên từng con" để chúng không bị lạc vào thế giới hiện đại của công nghệ thông tin, với những trò chơi và hình ảnh không thích hợp với tuổi của chúng. Ta có Ta có tránh cho chúng chơi với những bạn bè xấu, ta có cất bỏ những dịp đưa chúng đến sự xa hoa, truỵ lạc không? Nếu ta không làm như vậy thì ta không phải là chúa chiên lành, vì người mục tử nhân lành thì anh ta "đi trước và chiên đi theo sau" biết chỗ nào nguy hiểm để cho chiên tránh, biết chọn ngọn cỏ tốt cho chiên ăn, chỗ an toàn cho chiên nằm.

Hơn thề, ta có sẵn sàng hy sinh những tham vọng của ta, nếu Chúa gọi con cái chúng ta dâng mình cho Chúa hay không? Hay chúng ta chỉ ích kỷ muốn cho con cái chúng ta vâng theo những tính toán đời này của chúng ta, mà không cho chúng theo ơn Chúa kêu gọi. Nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta không hành động như Chúa Chiên Lành, vì Chúa Chiên Lành sẵn sàng hy sinh vì con chiên chứ không cần lời lãi ở con chiên. Nếu làm như thế chúng ta có khác gì các Kinh sư và người Pharisêu. Chúng ta có biết từng con chiên của ta như Chúa không? Ngài có thể gọi "đích danh từng con" chứng tỏ Ngài rất hiểu và biết nằm lòng sự khác của các con để không bị nhầm lẫn con này với con kia. Trong đoàn chiên gia đình cũng thế, cha mẹ là những người chăn chiên cũng phải hiểu rõ tính nết từng đứa con mình, để mà sửa đổi những tính hư nết xấu, biết dẫn chúng đến những đồng cỏ nhân đức cho chúng ăn, có như vậy chúng mới có thể trở thành những con chiên mập, béo tốt và giúp ích cho tương lai được.

Trong một cộng đoàn, không chỉ có mục tử mới có bổn phận với con chiên, mà con chiên cũng có bổn phận với người mục tử. Nếu mục tử nhân lành biết chiên của mình, thì con chiên cũng phải "biết tiếng của anh". Ta là con chiên của Chúa, ta có thật sự biết Chúa và đi theo Chúa chưa? Hỡi ơi nhiều người Công Giáo thú nhận mình biết Chúa rất hời hợt. Có lẽ họ chỉ biết có Chúa. Còn những lời Người dạy qua các bài Giáp lý, Kinh Thánh đã được học từ nhỏ thì nay không còn nhớ gì hết. Không những thế, con chiên còn phải nghe lời và theo Người nữa. Khi nhìn lại mình chúng ta phải lấy làm xấu hổ vì đã không vâng lời Người bằng đoàn chiên vâng lời kẻ chăn. Trong khi Chúa hằng đi trước để chỉ lối cho ta. Vì thế nếu ta luôn "đi theo sau" chân Người, thì không bao giờ bị lạc đường sai lối. Nếu chúng ta có gặp nguy hiểm, hoạn nạn gian khổ, thì hãy nhớ rằng Chúa đã trải qua và chúng ta chỉ đi theo Người.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, xin cho con được biết Chúa, nghe Chúa, theo Chúa và trở nên giống Chúa để cùng được đoàn tụ trên nước thiên đàng với Chúa. Amen.

 

43. “Ta là cửa chuồng chiên"

I. Ý CHÍNH:

Qua dụ ngôn về "Cửa chuồng chiên" trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã giới thiệu vai trò độc đáo của Người và phải qua Người mới được ơn cứu độ, vì Người là Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng nhân loại.

II. SUY NIỆM:

Để giúp hiểu ý nghĩa dụ ngôn này, chúng ta nên biết rằng:

- Cựu Ước đã báo trước Đấng Thiên sai sẽ đến như một mục tử Người sẽ chăn dắt (Mk 5, 3) " Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng" (Ed 34, 23).

- Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã áp dụng hình ảnh mục tử cho mình. Ngài tự xưng là chủ chăn được sai đến với các chiên lạc của Israel (Mt 15,24; Lc 19,10). Riêng trong Tin Mừng thánh Gioan, bài giảng về người chủ chăn nhân lành đã mở đầu Giáo Hội để rồi sau này thánh Phêrô tiếp tục sứ mệnh chăn dắt đó (Ga 21,16).

1) “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi":

Đây là một kiểu nói mà thánh Gioan thường dùng, để nhấn mạnh tính xác thực của một điều gì đã có trước, thực vậy, dụ ngôn “cửa chuồng chiên" là nối tiếp câu chuyện người mù từ bẩm sinh được Chúa Giêsu chữa lành, là để minh chứng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, vì vậy phải qua Người mới được ơn cứu độ.

“Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên...":

+ Chuồng chiên là hình ảnh quen thuộc của đời sống dân Do thái du mục. Ở đây Chúa Giêsu nói đến Giáo Hội ở trần gian và nước Chúa ở trên trời, tức là nước siêu nhiên.

+ Cửa chuồng chiên: mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa chính để chiên ra vào, ai muốn được vào Giáo Hội để hưởng Nước Trời là ơn cứu độ thì phải qua duy một cửa chính mà thôi, cửa này chính là Chúa Kitô như Người đã tự nhận: “Ta là cửa chuồng chiên". Ở đây khi nói đến các mục tử giả hiệu, và theo toàn thể mạch văn, Chúa Giêsu có ý nhắm tới các người Biệt phái và Ký lục là những kẻ từ lâu đã tự đặt mình làm thủ lãnh và linh hướng của dân chúng mà không qua vị canh giữ tối cao, không lãnh nhận từ Thiên Chúa một uỷ nhiệm nào để thi hành sứ mệnh mục tử, như bọn trộm cướp, họ đã chiếm đoạt đám tín hữu vì háo danh và óc thống trị hơn là quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của tín hữu.

2) "Còn ai qua cửa mà vào là kẻ chăn chiên":

Ở đây có ý nói đến những mục tử chân chính vào cửa đàng hoàng vì đã lãnh sứ mệnh.

"Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho...":

Người mục tử chân chính là người đã được uỷ nhiệm chính thức. Ở đây Chúa Giêsu muốn nói đến chính sứ mệnh của Người, vì Người chỉ đến theo lệnh và uỷ nhiệm thần linh mà Người đã nhận từ Chúa Cha khi chịu phép rửa (Ga 1, 31-34).

"Và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy...":

Chỉ có chiên là những tín hữu đích thực, mới biết ngoan ngoãn nghe theo tiếng vị mục tử của mình là Đức Giêsu, vì "Phàm ai nghe và học nơi Cha thì đến với Đức Giêsu bằng đức tin" (Ga 6, 45; 8,47).

"Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên"

Ở đây muốn nói đến những kẻ thực sự thuộc về chủ chăn và đáp theo tiếng Người gọi và chỉ theo một mình Người, điều này được biểu lộ qua ơn gọi của các vị tông đồ (Ga 1,35-49) như khi Chúa gọi Philippê "Hãy theo Ta" (1,43). Qua tiếng gọi đặc biệt này Người "dẫn ra" tức là kéo họ ra khỏi thế gian (Ga 15,19)

" Khi đã lùa chiên mình ra ngoài..."

Khi đã kéo họ ra khỏi thế gian, Người tiên phong dẫn họ tới đồng cỏ là Giáo Hội và tới Chúa Cha. Đặt trọn niềm tin tưởng vào Người, các con chiên "theo Người" "làm tông đồ Người” và họ biết tiếng Người: tức là đức tin cho họ một nhận thức thiêng liêng, nhờ đó họ phân biệt trong tiếng nói của vị mục tử, Chúa Giêsu, một âm vang trung thực của tiếng nói Cha trên trời, và biết rằng qua miệng của Chúa Giêsu, chính Chúa Cha đang nói (Ga 14,10).

"Chúng sẽ không theo người lạ...":

Chính sự nhận thức thiêng liêng này, tức là đức tin, khiến họ không làm môn đệ những kẻ chăn chiên xa lòng, chẳng hề được Thiên Chúa uỷ nhiệm vì không nhận ra nơi họ giọng nói của những kẻ này âm vang của lời Thiên Chúa, nên họ chạy chốn, họ chạy chốn vì những kẻ chăn chiên giả này đến để mưu sát trộm cắp và tiêu diệt đàn chiên. Ở đây muốn ám chỉ đến những người lãnh đạo dân Do Thái như các Biệt phái Luật sĩ đã gieo rắc tai hại cho dân vì những gương xấu và lầm lạc của họ.

3) "Chúa Giêsu phán dụ ngôn này..."

Những người Biệt phái mà dụ ngôn này nhắm tới không nhận ra được bài học Chúa Giêsu dậy họ: bởi vì chiên lạ không nghe tiếng của mục tử chính danh "Các ngươi không tin vì các ngươi không thuộc đàn chiên của Ta" (Ga 10, 26).

4) "Ta là cửa chuồng chiên":

Vì những người nghe không nhận thức được bài học dụ ngôn nên Chúa Giêsu nói thêm và Ngài giải thích bằng cách Ngài tự nhận mình là cửa chuồng chiên để nêu lên chân lý phải tin nhận vào Ngài mới được cứu độ, vì chỉ có Ngài là cửa duy nhất của chuồng chiên.

5) "Tất cả những kẻ đã đến trước...":

+ "Đến trước" ở đây không có ý nhắm tới thời gian cho bằng nhắm tới thái độ của việc làm, bình thường thì sáng sớm người chăn chiên đi thăm chuồng chiên, nếu có ai đến trước đó, nghĩa là khi còn ban đêm, thì đích thực họ là kẻ trộm cướp, tìm những lúc tăm tối để là những việc ám muội.

+ Dùng kiểu nói "Những kẻ đến trước" ở đây Chúa Giêsu có ý nói đến các Tiên tri Cựu Ước vì theo thời gian, họ đã xuất hiện trước Chúa Giêsu. Nhưng có thể Chúa nhắm những người Do thái hoặc dân ngoại tự phụ dùng sức mình mà đem lại cho nhân loại sự hiểu biết về Thiên Chúa và ơn cứu độ. Nhưng cũng có thể Chúa nhắm tới những người Biệt phái (Mt 23, 1-36; 9,36; Mc 6,34) và các thủ lãnh tôn giáo Israel đã gạt dân của họ xa con đường sống, tức là các Do thái đã tàn sát các Tiên tri, các Tiến sĩ thời Chúa Giêsu để ngăn chận không cho thế hệ của họ đáp lại lời mời gọi Nước Trời.

6) "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào...":

Chủ đề ‘cửa’ là một chủ đề rất phổ thông trong truyền thống Do thái (St 28,17; Tv 78,23; Mt 7,13-14).

+ Kiểu "Ta là cửa" ở đây Chúa Giêsu muốn nói đến tính cách của ơn cứu độ vì Ngài nói "Ta là cửa" chứ không nói “Ta là cửa chuồng chiên" như ở trên.

+ Chữ "Cửa" ở đây muốn nói lên ý nghĩa như một lối dẫn đưa vào các thực tại Thiên Quốc. Khi mở thì chữ "Cửa" diễn tả một thái độ mời gọi, đón nhận. Khi đóng, đối với bên trong thì diễn tả một sự che chở bảo vệ, đối với bên ngoài thì diễn tả sự từ chối, thanh lọc.

+ "Người ấy sẽ ra vào"; "Ra vào" là kiểu nói Do thái có nghĩa là đi lại tự do.

Ở đây muốn nhấn mạnh sự cần thiết và quan trọng của việc phải tin vào Chúa Giêsu Kitô mới đem dân Chúa vào sự sống bằng cách cho họ tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Ga 3,16-17)

Dân Chúa được cứu thoát nhờ Đức Giêsu giải phóng họ khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ma quỷ, họ được vui hưởng tự do đích thực của con cái trong nhà Cha (Ga 8, 33-34). Cũng trong Chúa Kitô dân chúng tìm được thức ăn no thoả là bánh và Nước Hằng Sống, có sức dập tắt vĩnh viễn cơn đói khát thiêng liêng của con người (Ga 6,35; 4,14).

7) “Kẻ trộn có đến thì chỉ đến để ăn trộm…”

+ Ở đây Chúa Giêsu có ý nhắm tới các Ký lục và Luật sĩ. Họ là những mục tử giả hiệu, dù không được Thiên Chúa uỷ nhiệm, họ vẫn tự cai trị dân Chúa vì họ ưa tìm vinh quang và quyền lợi bản thân hơn là ưu tiên đến tiện ích cho dân Chúa (Mt 23,4-7).

+ Họ sát hại và phá huỷ dân Chúa vì những gương xấu của họ, như chính Chúa Giêsu đã tuyên bố với họ “khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời, chận người ta lại…” (Mt 23,3-13).

8) "Còn Ta, Ta đến để chúng được sống...":

Chúa Giêsu được sai đến để cứu chuộc dân Chúa và ban cho dân Chúa của nuôi là Bánh và Nước Hằng Sống.

* Cần lưu ý:

a) Từ Chúa Giêsu mục tử đến các tông đồ mục tử.

Sau khi về trời công việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa vẫn được tiếp tục "Chúa là mục tử hằng hữu không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các tông đồ Chúa luôn che chở giữ gìn, để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử coi sóc đoàn chiên thay thế Con Chúa (Kinh tiền tụng lễ các Tông Đồ).

b) Ngày Chúa nhật IV Phục Sinh còn gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành (Lý do là vì các bài Tin Mừng đều trích từ Gioan 10, nội dung nói về Chúa Chiên Lành) được chọn làm Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu.

III) ÁP DỤNG:

* Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dậy chúng ta phải tin tưởng vào sự nuôi dưỡng che chở và giữ gìn của vị mục tử tối cao là Chúa Giêsu Kitô, và đồng thời phải biết tuân phục sự hướng dẫn và chăm sóc của các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử coi sóc đoàn chiên thay thế Con Chúa.

* Áp dụng thực hành:

Nghe Lời Chúa nói:

1) "Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên": Chúa dạy chúng ta phải biết phân biệt những người chăn chiên "không qua cửa mà vào" tức là những người không được Giáo Hội chính thức uỷ nhiệm như những giáo sĩ giả, những giáo sĩ không tuân phục Giáo Hội, hoặc những vị phá giới, đồng thời cũng cần phân biệt những lý thuyết những ý thức hệ ngược với đường lối Chúa.

2) Vị mục tử đích thực là người được Giáo Hội chính thức bổ nhiệm đồng thời phải có tư cách như tận tâm chăm sóc yêu mến đoàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên và nhất là biết hướng dẫn đoàn chiên theo giáo huấn của Chúa.

3) "Ta là cửa chuồng chiên" Chúa đòi hỏi ta phải tin và sống theo Chúa Kitô mới được cứu độ. Chỉ có Chúa Kitô là con đường duy nhất dẫn ta vào sự sống đời đời.

4) Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Những ai hướng dẫn ta, lôi kéo ta, cai trị ta mà không theo đường lối của Chúa, không thông hiệp với Giáo Hội, thì đều là những kẻ nguy hại cho phần rỗi của ta, nên phải đề phòng và canh chừng những người đó.

5) Hãy tin tưởng và phục tùng những người lãnh đạo đã được Chúa uỷ thác trong Giáo Hội để chăm sóc đoàn chiên Chúa.

6) Cầu nguyện trong ngày Ơn Thiên Triệu.

+ Xin Chúa cho nhiều người quảng đại đi theo tiếng Chúa gọi.

+ Xin Chúa cho linh mục, tu sĩ trung thành với ơn gọi.

+ Xin Chúa hướng dẫn lớp trẻ về với ơn gọi.

 

44. Mục tử nhân lành

Đối với người Việt Nam chúng ta thì hình ảnh "người chăn chiên" là một hình ảnh rất xa lạ, vì nước ta không chăn nuôi chiên như những người Do thái thời xưa. Hơn nữa, trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên và mục tử" thì e rằng chúng ta bị coi là người quê mùa, lạc hậu. Nhưng đối với người công giáo chúng ta, thì hình ảnh "chiên và mục tử" là một hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa, nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm, tận tình chăm sóc dân của người không chỉ về vật chất mà còn về tâm linh, không chỉ ở đời này mà còn cả đời sau nữa. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng cụ thể, Chúa Giêsu ví mình như một Mục Tử Nhân Lành, luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương đàn chiên của mình.

Mục Tử Nhân Lành đi qua cửa chính mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng anh và đi theo. Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng, chiên chẳng những không theo mà còn sợ hãi, chạy trốn, vì chúng không biết tiếng người lạ. Chúa Giêsu gọi những mục tử giả hiệu này là trộm cướp. Họ đến chỉ để giết hại và phá huỷ đàn chiên, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào, giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết "Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi". Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.

"Ta là Mục Tử Nhân Lành", Chúa Giêsu đã nói như thế. Các bạn muốn được nuôi dưỡng, được chăm sóc, được hướng dẫn thì như Chúa Giêsu đã nói "Hãy theo Ta", nhưng các bạn hãy cảnh giác, đừng có bắt cá hai tay, nghĩa là các bạn không thể vừa nghe theo tiếng gọi của Mục Tử Nhân Lành lại vừa nghe theo tiếng gọi của thế gian. Vì chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo "các ngươi không thể làm tôi hai chủ được". Tiếng của Mục Tử Nhân Lành luôn luôn đối nghịch với tiếng của thế gian và chúng ta sẽ chọn một trong hai "Ngươi sẽ ghét chủ này và yêu chủ nọ hoặc sẽ bỏ chủ này mà theo chủ kia" (Lc 16,13).

Chúa Nhật thứ IV PS hằng năm, còn gọi là Chúa Nhật Chúa Chăn Chiên Lành, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, nghĩa là cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều người trẻ biết hy sinh, biết quãng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để dâng mình cho Chúa trong ơn gọi làm Linh mục, làm tu sĩ. Đây là vấn đề sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay cũng như trong tương lai vẫn luôn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Chúa Giêsu vị Mục tử tối cao đã chọn các Mục Tử là các Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục, Ngài trao phó cho họ tất cả với điều kiện là phải trở nên vị Mục Tử tốt lành như Ngài.

Để có những ơn gọi cho Giáo Hội, để có những thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo, thì ngay từ hôm nay các bạn phải biết tập lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu, hãy tập sống theo gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành bằng cách cố gắng thực hiện 3 việc sau đây:

Biết sống hy sinh: sự khác biệt giữa người Mục Tử Nhân Lành và người chăn thuê ở chỗ là có dám hy sinh vì đàn chiên của mình hay không? Sự hy sinh của các bạn hôm nay sẽ là dấu chỉ cho thấy tương lai các bạn trở nên Mục Tử như lòng Chúa mong ước. Sự hy sinh đó được thể hiện bằng những việc cụ thể như: tham dự thánh lễ mỗi ngày, mỗi tuần, tích cực tham gia các phong trào thiếu nhi thánh thể và giới trẻ trong họ đạo của mình. Biết giúp nhau vượt khó, hy sinh tiền quà bánh, tiền mua sắm để giúp bạn có điều kiện đến trường.

Biết quan tâm đến người khác: Từ nhỏ cho tới lớn các bạn được cha mẹ quan tâm nhiều, từ việc ăn uống tới học tập, từ việc ăn mặc tới nghỉ ngơi. Điều này có thể dẫn các bạn đến chỗ đánh mất ý thức là chính các bạn phải quan tâm đến người khác. Quan tâm tức là nhìn thấy công ơn to lớn của cha mẹ mà cảm ơn, sống tốt. Quan tâm là biết trở thành đứa con ngoan trong gia đình qua việc cố gắng phụ giúp cha mẹ, cố gắng học hành cho thật tốt. Quan tâm là biết giúp đỡ, biết quên mình để phục vụ cho lợi ích tha nhân, biết vui với niềm vui và buồn với nỗi khổ của người khác.

Sống có lý tưởng, có ước mơ: Sống là phải có lý tưởng, phải có ước mơ. Ước mơ làm Linh mục, làm thầy giáo, làm kỹ sư, làm bác sĩ... chính những ước mơ đó sẽ là động lực giúp các bạn phấn đấu vượt khó để vươn lên. Những ước mơ đó sẽ thôi thúc các bạn học và thực hành theo vị Mục Tử Giêsu đã làm là: hy sinh, quan tâm tới tha nhân và sống theo lý tưởng cao đẹp mà Chúa đã mời gọi. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ