Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1367775

Người Tôi Tớ Đau Khổ

Cập nhật : 22-03-2013
 

                                                                             Người Tôi Tớ Đau Khổ

 

Sau khi đã nghe trọn vẹn Bài Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, nếu dốc tâm suy niệm thì cũng đã quá đủ những dữ kiện giúp chúng ta chiêm ngắm các biến cố dọc theo hành trình Khổ nạn, giây phút bị treo mình trên Thánh giá, và Giờ lãnh nhận án tử của Chúa Giêsu. Giờ đây, chúng ta dành một chút suy niệm về tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại,bằng giá Máu cứu chuộc của Con Một yêu quý nhất là Đức Giêsu Kitô, mang thân phận của Người Tôi tớ đau khổ.

Bài đọc trích sách Tiên tri Isaia đã trình bày vai trò người Tôi tớ của Giavê, được đưa dẫn vào trong nhiệm cục Ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện cho toàn thể nhân loại, người Tôi tớ đã trung thành thi hành Thánh ý huyền diệu của Thiên Chúa trong vâng phục, tin tưởng và yêu mến. Đồng thời, người Tôi tớ Giavê đã luôn xác tín tình yêu Thiên Chúa luôn ở cùng, và sẵn sàng đón nhận những đau khổ, chấp nhận mọi nhục hình, nhìn nhận giới hạn của phận người, để hoàn thành cách tốt nhất tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đem đến cho muôn người. Thái độ của người Tôi tớ đau khổ bày tỏ một gương mẫu tuyệt vời về sự vâng phục và tinh thần khiêm tốn, đối nghịch với cách hành xử của con người hung dữ, tàn bạo và bất tuân phục.

Chung hưởng tình thương cứu độ của Thiên Chúa qua việc chiêm ngắm cuộc khổ nạn và Phục sinh Đức Giêsu Kitô, mỗi người Kitô hữu hãy mặc lấy tâm tình và gương sống của người Tôi tớ Giavê, sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng, sẵn sàng từ bỏ mọi vinh quang thế trần để chiếm hữu phần gia nghiệp vĩnh cửu trên Nước Trời, khước từ mọi thú vui phàm trần để nhận lãnh niềm hạnh phúc viên mãn, diệt trừ mọi cám dỗ bất chính để thông phần vào sự sống công chính. Ngày hôm nay, người ta chỉ tìm sống với những cái thiết thực, thiết thời, người ta chỉ muốn xây dựng một xã hội theo kiểu trần thế thuần túy, muốn hưởng thụ những cái có sẵn không phải trải qua đau khổ, gian lao vất vả, muốn hưởng dùng thoải mái dư tràn nhưng không muốn hy sinh, dấn thân chịu cực. Nếu chỉ theo cách chiếm hữu và hành xử đó, thì dần đưa nhân lọai đi vào sự hủy diệt và không một lối thoát, bởi vì, ý nghĩa của sự sống chỉ bằng con đường trải qua những đau khổ mới đạt đến vinh quang bất diệt.

Thánh Phaolô Tông đồ đã mời gọi giáo đoàn Philipphê, hãy học theo gương nhân đức người Tôi tớ Giavê đau khổ, là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, sống tinh thần tự hủy mình đi làm nên giá Máu cứu chuộc vĩnh cửu cho nhân loại, thực hành tinh thần tự hạ sống phục tùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập giá, trao ban tình yêu cứu rỗi cho hết mọi tội nhân, thể hiện tinh thần tự hiến làm Lương Thần và Thần Dược bổ dưỡng và chữa lành thể xác và linh hồn, giúp xứng đáng chung phần Bàn Tiệc Thiên Quốc. Gương sống của Chúa Giêsu rất hiệu nghiệm cho con người thời đại, khi mình biết cho đi thì mình sẽ được nhận lại chính mình và hoàn thiện phẩm giá cao đẹp của mình, nếu sống trong khiêm tốn thì sẽ phục hồi được tình trạng hư mất và trả lại sự sống nguyên tuyền cao cả, khi biết dấn thân phục vụ thì chính mình sẽ nhận lãnh gấp bội phần cái mà mình đã hy sinh và trao hiến. Bời vì, tình yêu của Thiên Chúa trao ban không phải là kết quả từ sức mạnh và khả năng của con người mà là hoa trái của sự khổ đau, hy sinh và khiêm hạ.

Bài Thương Khó trình bày một hành trình của Chúa Giêsu, khởi đi từ việc cưỡi trên lưng lừa con tiến vào Thành Giêrusalem, dân chúng trải lá lót đường và trên tay cầm nghành thiên tuế cất cao tiếng hoan hô, mặc dầu náo nhiệt và hào hứng của đám đông dân chúng, thế nhưng, có một điều gì đó khác thường mà Ngài đang đăm chiêu hướng về phía trước, dòng suy nghĩ hẳn gợi lên trong tâm trí của Ngài về một sự thay đổi lạ thường nơi đám đông dân chúng: trục xuất, ném đá và tìm giết đó rồi lại tung hô, nghênh đón, chúc tụng, lát nữađây lại lên án, tố cáo và thủ tiêu. Chúa Giêsu đã không mấy phấn khởi về một sự tráo trở và hào nhoáng của đám dân này, Ngài đã vượt lên trên những âm thanh hò reo, lướt qua những cánh tay vẫy chào, thoáng nhìn những cặp mắt giả dối của đoàn người đông đảo, để tập trung vào cuộc hành trình đau thương khổ nhục mà Ngài sắp phải chịu, sự phản bội, sự bất công, sự gian trá của dân chúng phản loạn, cuộc hành hình, đóng đinh và cái chết trên Thánh giá của quân lính và giới lãnh đạo Do Thái sẽ thực hiện.

Một nỗi đau, nỗi buồn và nỗi nhục mà Ngài cảm nghiệm trong sâu thẳm của con tim yêu mến, không thể diễn tả bằng ngôn từ, bằng ý tưởng. Hơn thế nữa, Ngài ý thức cao độ về sự vâng phục và chu toàn Thánh ý Chúa Cha phải vượt lên trên tất cả những thứ mau qua chóng tàn của con người “Lạy Cha, xin hãy cất chén đắng này khỏi Con, nhưng một xin vâng ý Cha đừng chiều theo ý Con”. Tình yêu mạnh hơn tất cả, mạnh hơn cả sự chết, tình yêu đó phát sinh từ mối liên kết mật thiết thâm sâu với Thiên Chúa và trải dài ra cho toàn thể nhân loại. Tình yêu bất chấp những khổ đau, giã từ mọi vinh quang Thiên quốc để hòa mình sống kiếp phàm nhân, như một người tôi tớ đau khổ, để từ nay mỗi người chỉ nhận ra nơi dung mạo của Chúa Giêsu, một hình ảnh gắn liền với Thánh giá. Con Thiên Chúa trên Thập giá đã mở ra một tình thương vô ngần, đi sâu vào trong lòng lịch sử của con người để giải thoát, để hoán cải và để dẫn con người đi vào niềm hạnh phúc thiên thu.

Mỗi lần chúng ta chiêm ngắm Thánh giá Chúa, suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, hay mang Thánh giá trên mình, chúng ta có cảm nghiệm được nơi đó tình yêu Chúa đang hiện diện, để chúng ta chấp nhận những đau khổ cùng với Chúa không? Hay chúng ta chỉ biết than thân trách phận, một kiếp người chồng chất muôn vàn chông gai thử thách, hoặc chúng ta chửi Trời trách Chúa,là Đấng nhân lành mà để chúng ta luôn chìm ngập trong ưu sầu phiền muộn, hay chúng ta rủa người oán vật không yêu thương phục vụ, để chúng ta phải ngậm đắng nuốt cay suốt cuộc đời. Trong Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Thánh, mỗi chúng ta có dịp chiêm ngắm người Tôi tớ đau khổ đã treo gương sáng cho chúng ta, để chúng ta cũng cảm nhận được những đau khổ và trái ý đến với chúng ta, với một niềm xác tín rằng: “Phải trài qua đau khổ mới đạt tới vinh quang”.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con suy tôn Chúa trong sự khải hoàn tiến vào Thành Thánh, suy ngắm Chúa chịu muôn vàn nhục hình và hành hạ. Xin cho chúng con đừng hòa mình vào đám người tung hô rồi sau đó lại phản phúc, nhưng hãy trở nên người nghĩa thiết, trung thành và đồng hành với Chúa khắp mọi nẻo đường, để cùng chịu thương khó, chịu khổ nạn, chịu nhục hình và chịu tử nạn với Chúa trên đỉnh đồi Canvê. Amen.

Linh mục Giuse Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc

 

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ