Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1373536
NGUY CƠ TỰ MÃN
“Các ông nghĩ sao?”. Ngay từ đầu câu chuyện, Chúa Giêsu đã đưa ra lời hỏi đột ngột như một lời thẩm vấn buộc người nghe phải động não, phải tự đặt vấn đề cho mình. Có thể nói lời hỏi đột ngột của Chúa Giêsu như muốn gây giật mình, cùng lúc lôi cuốn sự chú ý của người nghe vào trong câu chuyện mà Người sắp nói nhằm giúp họ tra xét chính bản thân họ.
“Các ông nghĩ sao? Người kia có hai con trai”. Cả hai con trai đều được ông sai đi làm vườn nho. Nhưng các con của ông sao mà tính khí bất định, để rồi tiếng vâng mà thực là không, tiếng không lại là vâng. Đứa thứ nhất trả lời không, cuối cùng đi làm. Đứa thứ hai trả lời có, cuối cùng bất tuân. Dù tính cách và những câu trả lời của những người con bất định đến thế, nhưng theo mạch văn của Tin Mừng, đối với Chúa Giêsu, hình như cái làm cho chúng trở nên đúng hay sai, tốt hay xấu, không thuộc về tính cách và càng không phải là lời những người con ấy nói, nhưng là rốt cuộc chúng làm hay không làm theo ý của cha mình.
“Các ông nghĩ sao?”. Nếu ngày xưa Chúa hỏi những người đương thời như thế, thì hôm nay lời ấy cũng sẽ là lời tra vấn chúng ta. Hay nói cách khác, Chúa cũng sẽ hỏi bạn và tôi: “Các con là loại người nào trong hai người con trai kia?”. Dù trong ta, có thể có cả hai thái độ của hai người con, nhưng hôm nay, chúng ta nói đến người con thứ hai, qua đó xét lại thái độ sống đức tin của mình.
Chắc chắn không ai là không ủng hộ, đồng tình với việc giữ đạo từ nhỏ đến lớn, ủng hộ việc thường xuyên lãnh bí tích, thường xuyên dự lễ, đọc kinh… Nếu ai sống đạo được như thế, thực sự họ đã là những người ngoan đạo. Nhưng cái được coi là ngoan đạo của những người ngoan đạo ấy, nếu không để ý, có khi đẩy ta rơi vào một thái cực khác khá nguy hiểm: chỉ sống đạo theo thói quen. Việc giữ đạo lâu ngày trở thành một cái khuôn, chỉ cần rập khuôn theo là đủ, hoặc sự sáo mòn từ ngày nay qua ngày khác làm ta cảm thấy mình không sai luật, không lỗi bổn phận, và cuối cùng, không thấy cần phải sám hối ăn năn, vì không biết mình có phạm tội gì để ăn năn hay không? Từ đó sinh ra một thái độ khác càng tệ hại hơn nữa: thái độ tự mãn, tự kiêu, tự đắc thắng. Đó cũng chính là thái độ tự phong mình làm “thánh”, dù không nói ra thành lời. Nếu điều này có thật thì thật nguy hiểm cho ta. Bởi vì có ai hoàn hảo đâu, chỉ vì chưa nhận ra mình bất toàn nên không hoán cải mà thôi.
Đấy chính là thái độ của người con thứ hai. Anh ta thưa với cha mình: “Vâng, thưa cha con sẽ đi làm vườn nho”, nhưng lại không đi. Còn chúng ta, ai cũng đang sống trong Giáo Hội, ai cũng có thể thưa với Chúa rằng: con yêu mến Chúa, con tin Chúa, con muốn theo Chúa, nhưng trong thực tế, đời sống đạo của mình cứ ì ạch, không có gì khá hơn, không đổi mới gì và cũng không thấy mình cần phải ăn năn hối cải.
Nếu đúng là ta có một cung cách, một thái độ sống đạo tự mãn đó, chỉ biết rập khuôn theo luật, mà không có một tâm tình, một ý thức nào để cải thiện đời sống, điều đó có nghĩa là mình đang tự lừa dối chính bản thân. Nếu có lúc nào bạn và tôi thật khiêm tốn, tự kiểm điểm mình thật thành tâm, tôi nghĩ, chắc là lúc ấy chúng ta không còn dám tự mãn nữa.
Chắc bạn còn nhớ lời khen của Chúa Giêsu đối với thái độ của người thu thuế khi cầu nguyện. Anh ta đứng xa xa ở cuối nhà thờ, không dám ngước mắt lên, đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Chúa tôi là kẻ có tội”. Sau lời cầu nguyện ấy, anh ra về và tội của anh được tha. Thế nhưng cùng lúc ấy, cũng có một người biệt phái cầu nguyện trong nhà thờ ấy. Rất tiếc và rất đáng thương cho anh ta. Anh ta quá tự mãn, chỉ thấy nơi mình toàn điều tốt. Thái độ tự mãn ấy đã biến lời cầu nguyện thành lời khoe khoang. Làm sao một người không từng thấy mình yếu đuối, thấy mình tội lỗi lại có thể được thứ tha! Bạn và tôi cần lắm thái độ của người thu thuế nơi chính bản thân mình. Và cũng cần lắm thái độ của người con thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay: trả lời “không” với cha. Nhưng tiếng “không” lại biến thành tiếng “có” ngay sau đó. Tiếng “không” như thế vẫn đẹp rực rỡ, đẹp hơn nhiều so với tiếng “có” của người con thứ hai, rốt cuộc chỉ là một tiếng “không” vô tận. Bởi lời đáp trả dẫu có quan trọng, nhưng hành động đi liền với lời đáp trả ấy quan trọng hơn nhiều. Biết tránh thái độ tự mãn, biết nhận ra bản thân để thánh y Cha được thể hiện mới là điều quí giá vô cùng.
“Các ông nghĩ sao?”. Ngày xưa Chúa hỏi những người biệt phái, thượng tế, kỳ lão như vậy. Ngày hôm nay Chúa cũng hỏi mỗi người hiện diện ở đây, từng người một rằng: “Các con nghĩ sao? Nghĩ sao về cách sống đạo của mình? Nghĩ sao về cách thể hiện đức tin? Nghĩ sao về lòng yêu Chúa mà mình phải có? Nghĩ sao về thánh ý Chúa mà mình phải thực hiện?”.
“Các ông nghĩ sao?”, lời đó xin gởi lại cho bạn và cho những ai thành tâm thiện ý để tất cả chúng ta cùng suy gẫm và xét đạo cách sống đạo của mình. Trên hết mọi sự, bạn và tôi hãy để Lời Chúa tra vấn mình: “Các con nghĩ sao?”.
Câu hỏi gợi ý:
- Khi giải quyết những vấn đề quan trọng, việc phân biệt điều chính điều phụ có quan trọng không? Còn trong việc nên thánh, việc giữ đạo, việc vào nước Trời thì sao? Điều nào là điều quan trọng nhất để nên thánh?
- Đối với Đức Giêsu, thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và sống yêu thương, việc nào quan trọng nhất? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?
CHIA SẺ
- Cần phân định chính phụ trong việc sống đạo để nên thánh
Trên đời, biết bao người cùng nhắm một mục đích, nhưng đạt được mục đích lại chẳng mấy người! Lý do: người ta không biết điều nào chính, điều nào phụ. Vì thế, họ cứ làm những cái phụ thuộc, chẳng cần thiết hoặc ích lợi gì cho mục đích. Việc nên thánh, nên hoàn hảo cũng vậy. Biết bao Ki-tô hữu lấy việc nên thánh, nên hoàn hảo làm lý tưởng cho cả cuộc đời mình, nhưng họ chẳng đi tới đâu. Họ có một cuốn Kinh Thánh chỉ cho họ đầy đủ con đường để nên hoàn hảo, nhưng họ lại không chịu đọc để xem cái cốt yếu hầu nên hoàn hảo là gì. Họ chỉ nghe người này nói thế này người kia nói thế nọ để bắt chước. Cuối cùng họ chẳng đạt được gì.
Nên thánh là việc chính yếu và quan trọng nhất của đời sống Ki-tô hữu. Vì thế, thiết tưởng người Ki-tô hữu cần nắm thật vững điều nào chính yếu và điều nào phụ thuộc trong việc sống đạo của mình. Nếu không, họ giống như một người muốn nấu cơm, mà lại cứ dùng cát để nấu: dù có nấu muôn đời cũng chẳng thành.
- Những người dẫn đường mù quáng
Theo thánh Mát-thêu thì bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21,23), tức những bậc thầy về tâm linh cho các tín hữu Do Thái giáo. Điều thật bất ngờ đối với chúng ta là Đức Giêsu dám nói thẳng vào mặt họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Những người thu thuế và các cô gái điếm vốn là những người bị những bậc “đạo sư” Do Thái ấy coi thường và loại bỏ ngay từ đầu ra khỏi “Nước Thiên Chúa” theo quan niệm của họ. Lúc nào họ cũng chắc mẩm rằng họ là đối tượng ưu tiên của Nước Trời. Vì thế, câu Đức Giêsu nói làm cho họ bật ngửa. Điều thật mỉa mai là: họ là những bậc thầy chỉ dẫn người ta vào Nước Trời, thế mà chính họ lại được vào đấy sau cả bọn đĩ điếm. Lý do: họ là “những kẻ dẫn đường mù quáng” Mt 23,16), “là những người mù dắt người mù” (Mt 15,14).
Tại sao? Vì họ chuyên quan trọng hóa những điều phụ thuộc, còn những điều chính yếu và quan trọng nhất thì họ không thèm để ý tới. Đức Giêsu nói về họ: “Các người bảo: Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc. Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?” (Mt 23,16-22); “Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật” (Mt 23,23).
Rút kinh nghiệm quá khứ, thiết tưởng để nên thánh, chúng ta nên đọc kỹ Kinh Thánh để nghe chính Đức Giêsu chỉ dẫn cho những điều cốt yếu, và nên dựa trên những gì mà bản thân chúng ta xét thấy hợp lý. Đừng thuần túy dựa vào ý kiến hay chỉ dẫn của người khác.
- Đức Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hé mở cho chúng ta bí quyết hay điều cốt yếu phải làm để nên thánh qua dụ ngôn hai người con: một người nói mình sẽ làm theo ý cha mình, nhưng lại không làm, còn người kia không nói mà làm. Người không nói mà làm mới là kẻ làm đẹp lòng Cha. Rất nhiều chỗ trong Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết điều chính yếu để nên thánh là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Thiết tưởng đoạn sau đây là rõ ràng nhất: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng:”Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đa” (Mt 7,21-27).
Tóm lại, điều chính yếu nhất để nên thánh và để vào nước Thiên Chúa chính là vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tức thực hành những điều Đức Giêsu dạy. Vậy, chúng ta cần phải nắm thật vững thánh ý Thiên Chúa là gì, hay Đức Giêsu dạy ta điều gì? Hãy nghiêm túc đặt lại vấn đề này một lần cho cả cuộc đời để đi cho đúng đường, và đạt được mục đích của mình là nên thánh. Nếu không, coi chừng kẻo chúng ta giữ đạo cả cuộc đời mà vẫn “sôi hỏng bỏng không”, hay như “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, chỉ vì điều quan trọng nhất thì ta coi thường, còn điều phụ thuộc thì chúng ta lại coi là tối quan trọng.
Đọc toàn bộ Tin Mừng, tôi thấy điều quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh là: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Ngay câu kế tiếp, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của nó: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13.35). Ngoài điểm chính ấy, thì tất cả những điều khác, đều là phụ thuộc, và những điều phụ thuộc này dù quan trọng tới đâu thì cũng chỉ là quan trọng hàng thứ yếu. Chính vì thế, vào ngày phán xét, Đức Giêsu chỉ phán xét mọi người về một điều duy nhất: cách họ đối xử với tha nhân (x. Mt 25,31-46).
Chúng ta cần chú ý tới điều mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, và những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng cũng phải nhấn mạnh giống như Đức Giêsu. Nếu điều quan trọng nhất lại không nhấn mạnh, mà lại nhấn mạnh những điều phụ thuộc, thì họ cũng chỉ giống như những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng trong đạo Do Thái mà thôi.
- Chúng ta đặt nặng và sống đúng điều quan trọng nhất chưa?
Điều quan trọng nhất trong Ki-tô giáo chính là sống yêu thương: trước tiên là yêu thương những người gần gũi mình nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em…), rồi đến những người xa hơn một chút (bà con, lối xóm, bạn bè, người cùng cộng đoàn…), rồi mới đến những người xa hơn nữa (người quen, người gặp ngoài đường…), để rồi yêu thương không trừ một ai, kể cả kẻ thù của mình (vì họ cũng là con người, là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa). Cần ghi lòng tạc dạ điều quan trọng nhất ấy để thực hành. Tất cả những chuyện khác đều là thứ yếu – không có nghĩa là không quan trọng, mà chỉ là không quan trọng bằng – thường là phương tiện để giúp ta thực hành điều quan trọng nhất ấy.
Chẳng hạn việc thờ phượng Chúa và việc cầu nguyện. Đây là hai việc được coi là rất quan trọng trong Ki-tô giáo mà không một Ki-tô hữu nào được phép coi thường. Nhưng chúng ta không thể coi hai việc này quan trọng hơn điều răn quan trọng nhất là sống yêu thương được. Đọc hết Tin Mừng, tôi không hề thấy có chỗ nào Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa hay cầu nguyện bằng hoặc như Ngài đã từng nhấn mạnh bổn phận phải yêu thương cả.
Qua câu “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24), tôi thấy rõ rằng Ngài coi trọng việc thể hiện tình thương đối với đồng loại hơn cả việc thờ phượng Thiên Chúa nữa. Ngôn sứ I-sa-i-a còn cho thấy Thiên Chúa ghê tởm việc thờ phượng và cầu nguyện của những con người đối xử với đồng loại không ra gì: “Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1,14-15; nên xem hết cả đoạn Is 1,11-19). Hãy nghe Ngài kết án hết sức nặng nề những việc làm thiếu bác ái: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22). Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Ngài có vẻ như cay cú với thầy tư tế và lê-vi đã bỏ mặc nạn nhân bị cướp trên đường vì đã coi trọng việc thờ phượng và giữ những chi tiết trong luật Mô-sê hơn bổn phận bác ái là giới răn quan trọng nhất.
Cầu nguyện là để tiếp xúc với Thiên Chúa hầu nhận được sức mạnh của Ngài mà sống yêu thương anh chị em mình. Nó là phương tiện cần thiết để đạt được mục đích là sống yêu thương. Đừng biến phương tiện thành mục đích mà quên mục đích đích thực phải thực hiện. Về việc thờ phượng Thiên Chúa, hãy bắt chước Đức Giêsu: cả đời chỉ thực hiện tình thương đến mức hy sinh cả mạng sống, và cuộc đời đầy yêu thương đó chính là hy tế thờ phượng Thiên Chúa đẹp lòng Ngài nhất.
Đối với điều chính và điều phụ, lập trường của Đức Giêsu là: “Các điều này (điều chính yếu) vẫn cứ phải làm, mà các điều kia (điều phụ thuộc) thì không được bỏ” (Mt 23,23c). Dẫu phải làm cả hai, nhưng vẫn phải phân biệt điều nào chính điều nào phụ để khi không thể làm được cả hai, thì biết phải chọn lựa điều nào.
Cầu nguyện
Tôi nghe Chúa nói với tôi: “Lạ thật! Biết bao người nói rằng họ theo Ta, nhưng những điều Ta khuyên hay yêu cầu họ làm thì họ chẳng thèm làm. Họ cứ tưởng: họ bám theo Ta và lải nhải nịnh nọt Ta suốt ngày thì Ta sẽ hài lòng và như vậy mới là theo Ta. Họ làm như Ta là một bạo chúa chỉ thích nghe những lời nịnh nọt! Ta là Thiên Chúa, Ta có cần họ làm gì cho Ta đâu, thế mà họ lại cứ quan tâm đến Ta, đang khi anh chị em của họ ở ngay bên cạnh họ, rất cần họ yêu thương săn sóc – những người đó chính là hiện thân của Ta ở giữa họ – thì họ chẳng thèm màng tới. Quả thật, họ đang làm những chuyện vô ích mà cứ tưởng là cần thiết”.
- Tôi khám phá ba điều khác lạ
- Bài Tin mừng hôm nay không khởi đầu như thường lệ bằng câu: “Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng”, nhưng: “Khi ấy Đức Giêsu nói với các Thượng tế và các trưởng lão trong dân rằng”.
Vào thời Đức Giêsu, các Thượng tế và trưởng lão đại diện cho toàn thể giới lãnh đạo tôn giáo và xã hội Do Thái. Họ cho mình là rường cột của niềm tin chính thống và nền tảng của xã hội. Đức Giêsu đồng hoá họ với người con trưởng: Nói mà không làm.
- Đức Giêsu đảo lộn trật tự tôn giáo và xã hội. Ngài đồng hoá những người thâu thuế và các cô gái điếm với người con thứ hai: Ban đầu từ chối, nhưng sau đó hối hận và làm theo ý cha mình.
Bài Tin mừng không thuật lại phản ứng của những người đối thoại với Đức Giêsu. Nhưng sự so sánh của Ngài phải nói là rất táo bạo, phải được gọi là một cuộc cách mạng, một sự đảo lộn bậc thang giá trị: Hạ giới lãnh đạo, hạ những người chốp bu xuống và nâng những người tội lỗi, nâng hạng người bị xã hội khinh thường lên.
- Người Cha là chủ vườn nho. Ông không sai những đầy tớ, những người làm công lao động trong vườn nho của mình, nhưng sai chính những người con.
Ba điều khác lạ trong bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta, những kitô hữu của ngàn năm thứ ba, sống Lời Chúa thế nào?
- Đức Giêsu muốn trực diện và nói thẳng với mỗi người chúng ta: Không phải mang nhãn hiệu kitô hữu với giấy chứng Rửa tội, không phải mỗi ngày đọc kinh, mỗi Chúa Nhật tham dự Thánh Lễ là đương nhiên sẽ được giấy vào Nước Trời. Nhưng phải chấp nhận và hành động theo Tin Mừng, phải tuyên xưng và sống niềm tin, phải nối đạo với đời.
- Mỗi thánh nhân đều có một dĩ vãng. Mỗi tội nhân đều có một tương lai. Không vì một dĩ vãng đen tối mà nằm lì trong vũng tội. Hãy noi gương những người thâu thuế và các cô gái điếm để biết lắng nghe Lời Chúa, chấp nhận Tin mừng và thống hối, canh tân đời sống. Không bao giờ quá trễ và phải khởi sự ngay trong ngày hôm nay.
- Chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, là những người con được Chúa trao trách nhiệm làm việc trong vườn nho của Ngài. Mỗi người chúng ta phải rao truyền và sống Tin mừng: Trong mỗi hành động, chúng ta phải là chứng nhân của niềm tin kitô; qua mỗi lời nói, bằng mỗi câu chuyện, chúng ta phải an ủi, nâng đỡ tinh thần và chia sẻ kinh nghiệm của đức tin, cậy, mến cho nhau.
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Có một tâm sự như sau: Lúc tôi còn là một chàng thanh niên nhà nghèo từ miền quê lên thành phố học tập, mẹ tôi đã phải gồng gánh, chắt chiu từng đồng gửi cho tôi ăn học. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi thấy ngôi nhà ẩm thấp, nóng nảy ngày xưa vẫn không hề thay đổi. Trời tối nóng bức, mẹ tôi phải phe phẩy chiếc quạt nan cũ kỹ cả đêm. Tôi nói với mẹ: Tháng lương đầu tiên, con sẽ mua tặng mẹ cái quạt điện cho mát. Thời gian trôi qua, tôi cũng đã có việc làm, nhưng dường như tôi đã quên hẳn lời hứa với mẹ về tháng lương đầu tiên. Cuộc sống ở thành phố cứ cuốn tôi vào với dòng chảy của nó, bạn bè ngày càng nhiều hơn, các bữa tiệc ngoại giao ngày càng thường xuyên hơn, có những bữa tiệc tiêu tốn đến vài triệu.
Rồi một ngày, nhận được tin mẹ mất, tôi vội vã trở về với mẹ. Vẫn ngôi nhà đơn sơ năm xưa, mẹ tôi nằm đó, trên gương mặt còn đậm nét khắc khổ. Buổi chiều hôm ấy, khi người ta đặt mẹ vào quan tài, những người phục vụ đã không quên bỏ vào quan tài của mẹ chiếc quạt nan cũ kỹ năm xưa. Nhìn thấy chiếc quạt, tim tôi thắt lại, giật mình nhớ lại lời hứa về tháng lương đầu tiên sẽ mua tặng mẹ chiếc quạt điện. Tôi vô cùng hối hận vì đã không thực hiện được một lời hứa nhỏ bé dành cho mẹ. Kể từ đó, mỗi khi ngồi cạnh chiếc quạt điện tại văn phòng, tôi lại nhớ lời hứa năm xưa với mẹ mà lòng đau đớn.
Hối hận là gì? Thưa là tiếc nuối, day dứt về một hành động trong quá khứ, về một việc tốt có thể làm mà ta đã không làm và ước mong có cơ hội để chuộc lại sai lầm ấy.
Nếu hối hận chỉ là day dứt và tiếc nuối quá khứ thôi, thì chưa đủ ; trái lại, nó cần phải đi kèm một quyết tâm khắc phục sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ, đó mới là hối hận thực sự. Thiên Chúa cũng luôn chờ đợi con người nhận ra sai lầm của mình, hối hận và làm lại cuộc đời, và khi con người hối hận thực lòng, Thiên Chúa không còn xét đến quá khứ của người ấy nữa, Ngài sẵn sàng tha thứ và đón nhận người ấy như người con đi xa trở về với Cha. Những luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với những người thu thuế và tội lỗi. Họ tự cho mình là những người đạo đức, luôn chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa, nhưng thực ra họ chỉ nói mà không thực hành, xét đoán khắt khe với người khác, nhưng lại không nhìn lại bản thân mình.
Câu chuyện dụ ngôn về hai người con hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa quan tâm đến hành động hối lỗi một cách cụ thể hơn là những lời nói suông trống rỗng. Cả hai đứa con trong câu chuyện đều được cha đến tận nơi và mời gọi: Con ơi ! Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha. Đứa con thứ nhất trả lời: Con không muốn đi. Người con này, lúc đầu nó từ chối lời mời của cha nó, nó làm cho cha hụt hẫng, đau lòng vì bị từ chối thẳng như thế ; nhưng sau đó, nó hối hận và đi làm. Chắc chắn khi thấy nó vào vườn nho làm việc, cha nó sẽ quên hết nỗi đau trước đây, và ông vui mừng vì sự hiện diện thiện chí của nó. Ngược lai, Người con thứ hai đã nhanh chóng trả lời: Vâng con sẽ đi. Nó nói để lấy lòng cha nó, nhưng rốt cuộc anh ta không đi.
Câu hỏi được Chúa Giêsu đặt ra với các thượng tế và kỳ mục rằng: Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời ngay: Người con thứ nhất. Như thế, ngay câu hỏi của Chúa Giêsu đã cho thấy: Thiên Chúa như người cha trong câu chuyện, Ngài chờ đợi không phải là những lời nói ngọt ngào, dễ nghe, mà Ngài mong muốn những người con làm theo ý Ngài. Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn so sánh những thượng tế và kỳ mục giống như người con thứ hai. Khi Đức Giêsu đến giảng dạy về giới răn, lề luật của Thiên Chúa, gửi đến họ cơ hội để gia nhập Nước Trời, bên ngoài thì họ tỏ ra như một người con hiếu thảo, nhưng thực ra, họ lại không tuân giữ giới răn và không làm theo ý muốn của Thiên Chúa, mà làm theo ý mình. Còn những người bị coi là tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm, trong con mắt mọi người, họ như những kẻ từ chối Thiên Chúa, nhưng khi nghe những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thì họ đã mau mắn hối hận và quyết tâm thay đổi tình trạng của mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã quả quyết với họ: Những người thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và các cô gái điếm lại tin.
Đối với Thiên Chúa, quá khứ không quan trọng bằng hiện tại, việc làm cụ thể thì quan trọng hơn lời nói trên môi. Nếu chỉ dừng lại ở quá khứ để tự dằn vặt, trách mình thì sẽ chẳng ích lợi gì. Nhưng điều quan trọng là khi biết thực lòng hối hận ăn năn, thì đối với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn, Ngài sẽ vui lòng và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm và quên hết quá khứ của tội nhân. Bài đọc một, Thiên Chúa đã nói qua miệng tiên tri Ezekiel như thế: Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính mà làm điều gian ác, nó sẽ phải chết vì những điều bất chính của nó. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ sự gian ác nó đã làm, mà thi hành điều chính trực, nó sẽ cứu được mạng sống mình, nó sẽ được sống.
Thiên Chúa không muốn chúng ta nhìn Ngài như một nhà độc tài hoặc một vị thần khó tính, mà Ngài muốn chúng ta nhìn Ngài như một Thiên Chúa tốt lành, một người Cha nhân hậu. Ngài luôn đối xử với chúng ta theo lòng khoan dung của Ngài. Ngài chờ đợi tâm tình thảo hiếu của người con đối với cha, như Đức Giêsu là mẫu gương thảo hiếu, hết lòng yêu mến, vâng phục Cha. Thánh Phaolô đã nhận ra và mời gọi chúng ta noi gương Ngài: Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu-Kitô.
Tâm tình của Đức Giêsu Kitô là tâm tình nào? Đó là tâm tình yêu mến và vâng phục Thiên Chúa, vâng phục một cách tuyệt đối. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy qua bài ca: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Vì thế là môn đệ của Đức Giêsu, là con thảo của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải học nơi Đức Giêsu và phải có cùng một tâm tình vâng phục, yêu mến Thiên Chúa như Ngài.
Thưa quý OBACE, một trong những vấn đề của con người ngày nay, đó là họ làm điều tội, nhưng lại không cho là tội, làm tổn thương đến người khác mà vẫn coi như chuyện bình thường. Sự vô tâm đến vô tình ấy đã gây ra nhiều nỗi khổ cho người bên cạnh. Tình trạng ấy cũng đang xảy ra giữa nhiều người với Thiên Chúa. Họ gây tổn thương cho Thiên Chúa, từ chối lời mời gọi yêu thương của Ngài mà không hề áy náy hay hối hận. Ngoài ra, nhiều lần chúng ta không chỉ vô tình, mà còn cố ý xúc phạm đến Thiên Chúa, khi mang trên mình cái vỏ là Kitô hữu, nhưng thực ra, chúng ta từ chối giới răn lề luật của Chúa và để ngoài tai lời mời gọi của Ngài. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở và mời gọi chúng ta, hãy can đảm nhìn vào tình trạng tâm hồn và đời sống của mình để biết hối hận ăn năn về những hành động, lời nói đã xúc phạm đến Chúa, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa để quyết tâm sửa chữa sai lầm. Hãy đến với Chúa nơi Bí Tích Giải tội để nhận ra sự bao dung, tha thứ của Thiên Chúa. Hãy để cho Lời Chúa soi sáng, chỉ dạy chúng ta và quyết tâm thực hành những điều Chúa muốn. Chúa đang nói với mỗi người qua Lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày và qua tiếng nói của lương tâm, là lời mời gọi từ trong tâm hồn mà Chúa nhắn gửi chúng ta.
Không chỉ hối hận với Thiên Chúa, chúng ta cũng cần khiêm tốn để nhìn ra những tổn thương mà chúng ta đã gây ra cho nhau: trong gia đình, với ông bà cha mẹ, với vợ chồng con cái, với bạn bè. Một lời nói, một cử chỉ nào đó có thể gây ra vết thương trong tâm hồn nhau. Hãy mạnh dạn bước đến với nhau để bày tỏ sự hối hận của mình. Trước hết, mỗi người hãy bày tỏ sự hối hận với các bậc làm cha mẹ. Các Ngài là những Đấng sinh thành, dưỡng dục chúng ta, dạy dỗ chúng ta nên người, nhưng ngược lại, khi khôn lớn, chúng ta đã không kính trọng và biết ơn các ngài cho đủ, mà có những lời nói, cử khỉ hỗn láo, khinh thường. Điều đó làm tổn thương các ngài biết bao. Hãy làm những việc cần thiết, để bày tỏ sự hốn hận của mình với các Ngài trước khi quá muộn.
Không chỉ con cái gây tổn thương cho cha mẹ, nhưng nhiều khi chính cha mẹ cũng gây tổn thương cho con cái, vợ chồng gây tổn thương cho nhau, bạn bè làm tổn thương nhau… Đối với người Châu Á, việc một người lớn nói lời xin lỗi với người bề dưới quả là không dễ, nhưng là những bậc cha mẹ hoặc những người lớn, chúng ta cũng cần xét mình lại và can đảm bước đến với con cái, với những người bề dưới để nói với họ rằng mình đã sai và cố gắng sửa chữa sai lầm. Việc làm đó không làm giảm uy tín của người bề trên, mà trái lại càng làm tăng lòng cảm phục nơi người bề dưới. Trong tương quan với bạn bè cũng thế, khi biết hối hận và khắc phục sai lầm, sẽ làm cho tình bạn ngày càng chặt chẽ hơn.
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta không ngừng nhìn lại tương quan của mình đối với Chúa để biết sống trọn tình con thảo, và nhìn lại tương quan của mình với anh em để sống với nhau trong sự cảm thông và yêu thương. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam