Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 76

Tổng truy cập: 1367435

NGUY HIỂM CỦA TIỀN BẠC CỦA CẢI

NGUY HIỂM CỦA TIỀN BẠC CỦA CẢI- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (Kn 7,7-11) : Vàng bạc, trân châu, bảo ngọc chỉ như bùn đất nếu so với sự Khôn ngoan.

– Tin Mừng (Mc 10,17-30) : Đức Giêsu khuyến cáo về sự nguy hiểm của sự giàu sang : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”.

I/. DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

Chúng ta thường nghe nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Và có lẽ bận tâm lớn nhất của chúng ta trong cuộc sống là kiếm tiền. Quả thực tiền bạc rất cần cho cuộc sống. Tuy nhiên Đức Giêsu cũng khuyến cáo chúng ta rằng tiền bạc rất nguy hiểm, có thể làm cho chúng ta mất Nước thiên đàng.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy xem chúng ta phải có thái độ nào đối với tiền bạc.

II/. GỢI Ý SÁM HỐI

– Lạy Chúa, lắm khi vì tiền mà chúng con phạm tội làm mất lòng Chúa.

– Lạy Chúa, lắm khi cũng vì tiền mà chúng con làm hại anh em chúng con.

– Lạy Chúa, lắm khi vì mãi lo kiếm tiền mà chúng con quên tìm kiếm Nước Chúa.

III/. LỜI CHÚA

1/. Bài đọc I (Kn 7,7-11)

Trong khi người thường quý chuộng tiền bạc và sự giàu sang thì Người Công chính coi Đức Khôn Ngoan là điều quý trọng hơn cả : (1) Khôn ngoan quý trọng hơn tiền bạc, ngọc ngà, châu báu ; (2) Khôn ngoan quý hơn sức khoẻ và sắc đẹp ; (3) Cùng với Đức Khôn ngoan, mọi sự tốt lành đến với người công chính.

2/. Đáp ca (Tv 89)

Thánh vịnh này thuộc loại Thánh vịnh minh triết. Mở đầu đoạn này, tác giả nhận định rằng cuộc sống của con người có giới hạn và lại đầy dẫy những ưu phiền. Từ nhận định đó, tác giả không xin Chúa cho mình sống lâu, cũng không xin cho được giàu có, mà chỉ xin cho được no say tình Chúa và vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài.

3/. Tin Mừng (Mc 10,17-30)

1/. Nhân vật của câu chuyện này đã gây ra hai tình cảm của Đức Giêsu đối với anh, biểu lộ qua hai ánh mắt Ngài nhìn :

– Khi biết anh đã giữ trọn các điều răn, Ngài “Chăm chú nhìn anh và đem lòng thương”. Ngài còn mời gọi anh tiến cao thêm một bước nữa là đem hết tài sản bố thí cho người nghèo rồi đi theo làm môn đệ Ngài.

– Khi anh tiếc của bỏ đi, Ngài cũng tiếc anh, Ngài “nhìn chung quanh” (một cái nhìn tiếc rẽ) và thốt lên một chân lý “Những kẻ cậy dựa vào của cải thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”

2/. Sau đó Đức Giêsu dạy về sự từ bỏ :

– Muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì phải từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Phần thưởng cho kẻ từ bỏ là :

– được lại gấp trăm ở đời này

– cùng với sự bắt bớ : nghĩa là được chia xẻ số phận của Đức Giêsu.

– và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Cần chú ý trong bản văn

So sánh lời Đức Giêsu kể ra những thứ phải từ bỏ (câu 29) với lời Ngài kể ra những thứ sẽ được lại gấp trăm (câu 30), ta thấy có hai điểm khác nhau :

– c 29 nói bỏ cha, mẹ ; câu 30 nói được gấp trăm về mẹ mà không kể Cha ra à Chỉ có một Cha trên trời là đủ tất cả.

– c 30 có kể thêm “cùng với sự bắt bớ” à Cộng đoàn Marcô đang bị bách hại. Trong hoàn cảnh bị bách hại như thế, người môn đệ phải bỏ rất nhiều. Nhưng bù lại họ cảm nghiệm lời Chúa nói rất đúng : dù không có nhà nhưng họ đi đến đâu cũng được đón tiếp như là nhà của mình ; họ xa cách anh chị em và con cái nhưng đi đến đâu cũng được đối xử như anh chị em

4/. Bài đọc II (Dt 4,12-13) (Chủ đề phụ)

Tác giả giải thích giá trị soi sáng của Lời Chúa : “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của loài người ; phơi bày tất cả mọi sự.

IV/. GỢI Ý GIẢNG

1/. Thập giá và vinh quang

Hai người con ông Zêbêđê, tức là tông đồ Giacôbê và Gioan, đoán rằng CG sắp hoàn thành sự nghiệm của Ngài, nên đã nhờ mẹ mình dẫn đến CG để xin Chúa cho họ được 2 chỗ ưu tiên trong Chính Phủ mà họ tưởng CG sắp thành lập. Điểm đáng lưu ý là họ đến xin như thế ngay sau khi CG loan báo rằng Ngài sắp bước vào con đường Thập Giá, mà đây là lần loan báo thứ ba. Họ cũng nghe những lời loan báo ấy chứ, nhưng họ không thèm hiểu ý nghĩa của Thập Giá là gì. Đầu óc họ cứ bị thôi thúc bởi ham muốn dành cho được những ghế ưu tiên trong Nước Chúa. Thành thử CG phải nhắc họ : “Các con chẳng hiểu điều các con xin. Các con có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống và chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” Họ đáp bừa : “Thưa được”. Họ có nghĩ gì đến chén đắng và đến phép rửa gì đâu. Chỉ vì mong Thầy mau chấp thuận cho nên cứ đáp bừa là Thưa được. Tóm lại họ chỉ muốn Vinh Quang chứ không hiểu Thập Giá. Thái độ ấy của 3 mẹ con khiến cho các tông đồ khác phải bực bội.

Nhưng chúng ta chớ vội trách 3 mẹ con nhà Zêbêđê ấy, bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như họ thôi :

. Thí dụ như anh chàng trong câu chuyện ở trên đó, chẳng chịu khó học hành mà chỉ muốn có địa vị, có chức quyền trong xã hội, chẳng chịu khó làm việc mà chỉ muốn ăn lương như bộ trưởng.

. Nhiều người trong chúng ta không thích cần cù lao động, không cố gắng tiết kiệm, mà chỉ mơ được trúng số độc đắc. Nhiều người thèm muốn và phân bì với cảnh giàu sang của người khác, nhưng không nhớ rằng trước khi được giàu sang như vậy người ta đã phải cần cù làm ăn biết bao nhiêu năm trời.

. Đó là về việc làm ăn. Còn trong chuyện gia đình cũng vậy. Nhiều người chỉ muốn con mình ngoan, con mình giỏi, con mình tốt nhưng chẳng chịu khó giáo dục con, nhất là chẳng bao giờ để ý làm gương tốt cho con. Thế rồi khi thấy con mình hư, không được như con người khác thì rầy, thì chửi, thì đánh đập. Hết chửi mắng đánh đập con cái rồi quay ra than thân trách phận, than rằng mình vô phước.

. Và trong chuyện đạo cũng vậy. Nhiều người chỉ biết cầu xin Chúa cho mình khá giả nhưng lại không chịu khó làm ăn. Bởi vậy mà có những người ngoại đạo đã mỉa mai rằng mấy người có đạo cứ cắm đầu đọc kinh Lạy Cha xin cho chúng con lương thực hằng ngày mãi, nhưng chờ xem Chúa có cho họ hay không ! Có người chỉ biết có khoanh tay cầu xin như vậy, rồi khi túng thiếu thì cằn nhằn trách móc Chúa sao mình xin mãi mà Chúa không nhậm lời.

Những ước muốn của chúng ta cũng giống như những ước muốn của 3 mẹ con Zêbêđê : những lời cầu nguyện của chúng ta cũng giống như những lời xin của họ. Ước muốn suông, cầu nguyện suông thì không bao giờ đạt được. CG đã từ chối với 3 mẹ con ấy, rằng “Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho”. Nghĩa là CG không muốn ban ơn cho những kẻ làm biếng, những người không dám chịu gian khổ. Ơn Chúa và vinh quang Chúa chỉ ban cho những kẻ trước đó đã can đảm trải qua gian nan thử thách. Chính bản thân của CG, để có thể đến với vinh quang phục sinh thì trước phải trải qua con đường gian khổ của Thánh giá. Chúa mà còn như thế thì huống chi là loài người chúng ta : không bao giờ có con đường tắt để đến vinh quang, cũng như không bao giờ có phép lạ cho những kẻ không chịu khó vác Thánh Giá, nói cách bình dân hơn : không trồng cây thì đừng hòng ăn trái.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm vào một bài học chính : Phải qua Thập Giá thì mới có thể đến Vinh Quang, không thể đốt giai đoạn, không có con đường tắt. Bài Tin Mừng này khiến chúng ta phải xét lại đôi điều trong cuộc sống chúng ta.

Thứ nhất về lời cầu nguyện của chúng ta : Là người có đạo, chắc chắn chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Trong khi cầu nguyện chúng ta xin Chúa rất nhiều thứ : xin cho hằng ngày dùng đủ, xin cho gia đình hạnh phúc, xin cho con cái ngoan ngoãn, xin được khỏi cảnh túng thiếu, xin cho được qua một cơn tai nạn… Những lời cầu xin ấy chắc chắn là rất thành thực, rất tha thiết. Nhưng thành thật và tha thiết lắm thì cũng chỉ bằng lời cầu xin của 3 mẹ con nhà Zêbêđê là cùng. Nhưng Chúa đâu có nhận lời cầu xin của 3 mẹ con ấy. Tại sao vậy ? Đó cũng là thắc mắc mà một vài người đã đặt với tôi. Họ nói : Nhiều người không có đạo chẳng cầu xin gì hết mà vẫn giàu có, vẫn hạnh phúc, vẫn thành công ; trong khi nhiều người có đạo cầu nguyện cầu xin hoài mà cũng chẳng được gì ! Trước khi phàn nàn, trước khi bất mãn, chúng ta phải tự hỏi lại mình : phải chăng mình cũng giống như 3 mẹ con nhà Zêbêđê chỉ muốn vinh quang mà chẳng muốn gian khổ ? Phải chăng mình đã không chịu cố gắng mà chỉ mong Chúa làm phép lạ ? Phải chăng mình không trông cậy mà chỉ muốn ăn trái. Chúa không phải là một Đấng chỉ biết ban ơn, chỉ làm phép lạ, mà Chúa là Đấng vạch đường chỉ lối, đường lối đúng, đường lối tốt để ai biết đi theo thì sẽ đến được hạnh phúc vinh quang.

Và điểm thứ hai : đường lối ấy là gì ? Đó là con đường Thập giá dẫn đến vinh quang. Như vừa nói trên, chúng ta cầu nguyện nhiều, trước mỗi lần cầu nguyện chúng ta đều làm dấu Thánh Giá. Thì xin hãy nhớ trước tiên ý nghĩa của cây Thánh Giá. Trước khi mở miệng xin Chúa một điều gì thì chúng ta hãy xét mình xem chúng ta đã vách Thánh Giá chưa : thánh giá là những nỗ lực làm việc, thánh giá là trách nhiệm hằng ngày, thánh giá là phấn đấu, là mồ hôi, là gian lao cực khổ… Tay chúng ta làm dấu Thánh giá trước khi miệng chúng ta mở lời cầu xin. Nhưng nếu xét thấy chúng ta đã chưa chịu vác Thánh giá thì chúng ta cũng không nên mong những lời cầu xin của chúng ta được chấp nhận.

Hãy cố gắng vác Thánh giá trước đi, nghĩa là hãy cố gắng trước đi với những khả năng của mình – sau đó mới cầu xin, để Chúa thêm ơn bù cho những gì mà sức cố gắng của chúng ta không vươn tới được. Như vậy, mọi việc chúng ta làm đều là hợp tác giữa cố gắng của mình với ơn Chúa giúp. Và có như vậy thì mới có thể thành công.

2/. Kho báu trên trời

Kagawa là một tín hữu Kitô Nhật Bản, khi nghe Lời Chúa phán : “Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, ông liền bán căn nhà tiện nghi sang trọng của mình, đến khu nhà ổ chuột tồi tàn vùng Tokyo. Nơi đây ông chia sẻ của cải cho bất cứ ai cần trợ giúp, ông đi thăm nuôi tù nhân, an ủi giúp đỡ người bệnh, cấp dưỡng cho kẻ nghèo đói… Có một lần, dù lâm bệnh, ông vẫn tiếp tục rao giảng dưới cơn mưa, miệng không ngừng thốt lên : “Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa”.

Nhà thần học Wiliam Barclay đã trích dẫn những lời đầy sắc bén của Kagawa như sau : “Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất. Người hiện diện giữa những kẻ ăn xin. Người nằm chung với những ai bệnh hoạn. Người đứng về phía những kẻ thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa hãy đến thăm tù ngục trước khi tới đền thờ, hãy đến thăm bệnh viện trước khi dự lễ, hãy giúp đỡ người nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh”.

*

Người thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay là một con người đạo đức. Anh đã thưa với Đức Giêsu : “Những giới răn ấy, con đã giữ từ thuở nhỏ” (Mc.10,20). Người đã chăm chú nhìn anh và đem lòng thương mến. Người mời gọi anh tiến thêm một bước nữa : “Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta” (Mc.10,21) Trong khi người tín hữu Nhật Bản Kagawa mau mắn, vui tươi thực hiện ngay Lời Chúa thì người thanh niên lại sụ nét mặt, buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.

Quả thật : “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Có thể nói : “Tiền đã thắng tình”. Lòng ham mê của cải đã thắng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Lòng tham đã bóp nghẹt con tim. Tình yêu của anh chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh làm điều nên làm và phải làm. Thánh Phaolô cũng có cảm nghiệm ấy khi ngài viết : “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm”. (Rm.7,16). Ngài cho đó là tội lỗi trong ta đã hành động, và chỉ có tin tưởng vào Đức Kitô mới giải thoát ta khỏi tình trạng ù lì đó.

Tình yêu phát sinh sức mạnh. Thánh Augustinô quả quyết : “Cứ yêu rồi làm điều gì mình muốn”. Tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta phải làm một cái gì đó cụ thể cho anh em, một cái gì đó anh em đang thực sự mong đợi. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của anh em.

Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc.10,25).

Đây là một kiểu nói Á Đông, diễn tả một việc làm rất khó. Đức Giêsu đã từng tham dự những bữa tiệc sang trọng của người biệt phái giàu có, từng ăn uống tại nhà những người thu thuế lắm tiền, từng chịu ơn những phụ nữ nhân đức nhiều của. Vậy Người chỉ lên án những ai ham mê của cải, coi đồng tiền là chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra với anh em và quảng đại với công việc của Thiên Chúa.

*

Lạy Chúa

Có những lần lẽ ra phải cứu giúp người khác, nhưng vì ích kỷ, nên chúng con đã không làm.

Có những lần lẽ ra phải hy sinh cho anh em, nhưng vì sợ phiền hà, nên chúng con đã làm ngơ.

Có những lần lẽ ra phải bỏ tiền trợ giúp một ai đó, nhưng vì so đo tính toán, nên chúng con lại thôi.

Xin tha thứ cho chúng con, và xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng chúng con, để chúng con có đủ can đảm bán tất cả những gì mình có mà mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

3/. Chuyện minh họa

a/ Đạo một mắt

   Bác sĩ A.J. Gordon kể : ngày nọ, có một ông nhà giầu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không có nguy cơ bị mù. Ông hỏi :

– Nhưng giá bao nhiêu  ?

– Chữa mỗi mắt là 100 đô.

Ông nhà giầu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ  : “Tôi chỉ chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn !”

Nhiều người vẫn cầu nguyện : “Xin mở mắt con để thấy kì công của Chúa…” Nhưng xem ra nhiều Kitô-hữu chỉ muốn Chúa mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để mà trông coi gia sản !

b/ Những thứ tiền không mua được

   George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết : “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn.”

   Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được :

   Tiền không mua được tình bạn chân thực.

   Tiền không mua được lương tâm trong sạch.

   Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.

c/ Đổi tiền

   Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có : cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

V/. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã có nhận xét rằng : những người có của cải mà vào được nước Thiên Chúa, thật khó biết bao. Tin tưởng vào trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :

1/. Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh đừng để mình bị tiền bạc và giàu sang lôi cuốn / mà bỏ quên nhiệm vụ Tin mừng hóa mọi người nhất là những người nghèo.

2/. Xin cho các nhà cầm quyền trong xã hội / biết dùng tiền của do dân chúng đóng góp / để ưu tiên lo nâng cao đời sống cho phần đa số là dân nghèo.

3/. Xin cho những người đang lo âu hằng ngày vì phải sống trong nghèo khó túng thiếu / biết làm ăn sinh sống lương thiện / và gặp được người an ủi giúp đỡ.

4/. Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta, dù giàu có hay không được giàu có / cũng luôn sẵn sàng chia sẻ ít nhiều cho những người cần đến sự giúp đỡ của mình.

Chủ tế  : Lạy Chúa, chúng con biết rằng sống đúng theo Lời Chúa dạy là rất khó, nhưng tin tưởng rằng nếu loài người không thể được, thì Chúa lại làm được mọi sự : xin Chúa giúp chúng con luôn sống theo tinh thần nghèo khó của Tin mừng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô…

VI/. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Khi Đức Giêsu dạy chúng ta xin cho có lương thực hằng ngày, điều Ngài nhắm tới không phải là chữ “lương thực”, mà là chữ “hằng ngày”. Nghĩa là chúng ta không xin lương thực cho bằng xin có tâm tình phó thác để Chúa lo cho cuộc sống vật chất của chúng ta.

– Sau Kinh Lạy Cha : “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giải thoát chúng con khỏi tính quá ham mê tiền bạc của cải đến nỗi sao lãng bổn phận với Chúa và với anh chị em…”

VII/. GIẢI TÁN

Chúng ta sắp trở về với cuộc sống bình thường. Mặc dù chúng ta phải làm lụng vất vả để kiếm tiền lo cho gia đình, tuy nhiên chúng ta hãy nhớ Lời Chúa dạy hôm nay, đừng để đồng tiền làm mê muội lương tâm chúng ta khiến chúng ta bị mất hạnh phúc Nước Trời.

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN -B

MỘT TẤM LÒNG VÀNG ĐỂ BƯỚC THEO CHÚA (*) – Suy niệm và chú giải của Giáo Hoàng Học viện Đà Lạt

I/. CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ NGƯỜI GIÀU CÓ

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người giàu có (10, 17-22) là tổng hợp một giai thoại tiểu sử trong đó có một chuyện xảy ra giữa hai người và một đối thoại giáo huấn trong đó vấn đề được bàn cãi dưới hình thức hỏi thưa. Câu hỏi được người kia đặt ra nhằm chuyện đạt tới sự sống đời đời (10, 17).

Đối tượng của câu hỏi này – sự hoàn thành cánh chung không có gì là khác thường cả. Kẻ đặt ra nó muốn đối thoại về điều phải làm cách cụ thể để đi theo con đường dẫn đến sự sống mới. Nhưng khi đáp (10,18), Chúa Giêsu không lưu tâm mấy đến nội dung câu hỏi, mà chỉ chú ý đến cách thức kẻ kia xưng hô với Người: “Thầy tốt lành”. Người từ chối cách gọi, viện lẽ rằng không được gọi một ai là “tốt lành”, ngoài Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người kia, một kẻ vùa giàu có vừa đạo đức, phản ảnh cả một ngộ nhận. Qua cử chỉ quỳ gối (10,17) và Cách xưng hô của ông, Chúa Giêsu gặp được cơ hội để đánh tan ngộ nhận này. Chỉ Thiên Chúa là “tốt lành” thôi. Khi nhất quyết chỉnh lại điều người trẻ tuổi đã nói như thế, Chúa Giêsu chuyển hướng anh ta khỏi bản thân Người. Sứ mạng của Người đòi hỏi chỉ mình Thiên Chúa mới đáng nhận các vinh dự thần linh. Ta không thể hiểu lầm ý hướng này trong câu trả lời của Chúa Giêsu được, dù cho tiếng xưng hô “Thầy tốt lành” có thể chỉ là một công thức lịch sự quy ước (trong trường hợp này, Chúa Giêsu đã dùng chữ “tốt lành” cho một nghĩa mà người kia đã không hề nghĩ tưởng), hoặc cho dù – trái ngược với mọi quy ước – tiếng xưng hô đô đã diễn tả tính cách độc đáo của vị “Thầy” này. Trong cả hai trường hợp Chúa Giêsu muốn tránh bị đồng hóa với Thiên Chúa bằng một cách có thể là một sự ngộ nhận.

10,19 trả lời cho đối tượng của câu hỏi 10,17. Chúa Giêsu nhắc lại cho kẻ đối thoại điều anh đã biết từ lâu: nếu muốn tham dự vào sự sống mới, phải chu toàn các nghĩa vụ đối với tha nhân đã được liệt kê trong Thập Điều. Nhưng câu “Tôi phải làm gì?” thực tế có nghĩa “tôi phải làm sao”: tôi phải sống làm sao để tuân giữ giới răn Thiên Chúa, làm sao tôi có thể vâng theo Lề luật? Nên Chúa Giêsu không trả lời được câu hỏi của người giàu có, khi chỉ nhắc lại cho anh các nghĩa vụ đối với tha nhân; và ngay tức khắc anh muốn có những chỉ dẫn chính xác hơn, bằng cách nhấn mạnh rằng mình vẫn trung thành giữ Lề luật (10,20). Vì chợt hiểu rằng kẻ đối thoại muốn xin mình một điều gì khác hơn là giáo huấn xưa nay của bất cứ một giáo sĩ nên Chúa Giêsu chăm chú nhìn anh, và có thế bảo Người nhận ra anh trong giây phút đó; Người đem lòng yêu mến anh, mời gọi anh đi theo làm môn đồ Người (10,21) trước câu hỏi về “sự sống”, Chúa Giêsu đáp lại bằng cách gọi anh vào số các môn đồ, đề nghị anh đi theo Người chẳng đưa ra phương thức, “mẹo vặt” để hoàn tất các quy khoản của Lề luật. Điều Người muốn nói không thể bàn bạc trong khung cảnh một cuộc đàm thoại thầy trò. Con đường dẫn đến sự sống mà người đưa ra phải đi qua việc bắt chước Người, qua việc sống chung với Người, bởi vì không có cách nào khác để hiểu được sự mới mẻ mà Người muốn mặc khải. Nhưng đi theo Người, nghĩa là trước tiên chấp nhận sống với Chúa Giêsu một cuộc đời lang thang, đầy bất trắc và thiếu thốn, chỉ có thể thực hiện với một điều kiện: phải độc lập. phải thoát khỏi mọi ràng buộc vong thân. Chính vì thế Chúa Giêsu đòi hỏi người giàu có trước tiên phải bán gia tài và cho kẻ nghèo tất cả tiền bạc. Đòi hỏi này được ngỏ cho những ai, với tư cách là môn đồ và về sau là sứ đồ, thuộc nhân thân tín nhất của Chúa Giêsu. Không nên nới rộng nó cho bất cứ ai muốn tiếp nhận sứ điệp của Người. Và đòi hỏi chẳng phải là một lời nguyền rủa quyền chấp hữu kiểu nhị nguyên thuyết (điều hoàn toàn ngược với Do thái giáo và như thế với lịch sử), cũng không phải là một quan niệm xã hội về sự phân phối của cải vật chất. Nó chỉ nhằm sự độc lập của môn đồ. Lời cam kết “kẻ bán tất cả và cho kẻ nghèo khó hết sẽ nhận được một kho báu trên trời” muốn diễn tả, dưới một hình thức châm ngôn, rằng trước mắt Thiên Chúa, cách hành động như vậy là phải.

Câu 22 kể lại cách thật vắn tắt một ơn gọi thất bại như thế nào: người được gọi chẳng sẵn sàng từ bỏ của cải. Không trình bày các lý do chủ quan, trình thuật chỉ cho ta thấy một con người đã không thể hiểu rằng điều kiện của một cuộc sống môn đồ là sự độc lập, và vì thế đã “buồn bã bỏ đi”. “Con đường đến sự sống” mà Chúa Giêsu chỉ cho anh vượt quá anh. Trong tư tưởng các người Do thái đạo đức, mối bận tâm lo lắng cho các kẻ nghèo được kể là sự thực hành chính yếu Lề Luật. Nhưng chính vì lý do này mà tài sản đã mang tính cách một điều kiện cần thiết để hành động trong chiều hướng Lề luật đó. Thành thử chính những nghĩa vụ xã hội và tôn giáo bén rễ sâu đã cản trở người giàu có đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi này có tính cách cá nhân, nó kêu mời một cá nhân cụ thể hãy bỏ môi trường sống của mình. Thế nhưng, lời rao giảng Kitô giáo sơ khai đã muốn chuyển tiếng gọi này của Chúa Giêsu vào trong một cuộc sống đặc biệt. Bên kia chi tiết tiểu sử về vận mạng của người giàu có, nhưng cũng bên kia những tổng quát hóa thiếu suy nghĩ, cần phải làm nổi bật sự đòi hỏi đối với người môn đồ là độc lập với của cải và những trói buộc xã hội, đồng thời phải cho thấy sự giàu có trói buộc và nô lệ hóa con người đến chừng nào.

II/. NGUY HIỂM CỦA CỦA CẢI ĐỐI VỚI VIỆC ĐI VÀO VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA.

Việc nối kết trực tiếp đoạn 23-27 với văn mạch trên cho ta thấy tư tưởng vừa nói có một tầm mức tổng quát. Trong khi nơi giai thoại kêu gọi chàng thanh niên giàu có, điểm chính yếu là ơn gọi cá nhân của một môn đồ và sự thất bại của ơn gọi này, thì trong đoạn tiếp theo, đó là vấn đề sự nguy hiểm tổng quát của của cải đối với việc đi vào Vương Quốc Thiên Chúa. 10,23 và 10,25 hình như đi chung với nhau. Chúa Giêsu nêu lên một nhận xét: mặc dù kẻ giàu có mà Người vừa muốn chọn làm môn đồ, đã có thái độ nghiêm chỉnh đối với sự sống đời đời và con đường đưa tới đó (x. 10. 17.20), nhưng còn quyến luyến của cải đã khiến anh không thể đáp ứng lời mời gọi. Những người giàu có cũng vậy, không thể vào Vương Quốc Thiên Chúa. Trong khi c.23 chỉ là một lời than thở: “Khó biết bao…”, thì hình ảnh con lạc đà không thể chui qua lỗ kim (10,25) nói rõ rằng trong thực tế một người giàu có vào được Vương Quốc Thiên Chúa là một chuyện không thể được (chứ chẳng phải là có thể, nhờ một quyết định tự do nào đó). Câu châm ngôn đưa ra hình ảnh còn vật lớn nhất có thể có và lỗ nhỏ nhất có thể có, nhắm mục đích cho ta như sờ tận tay tính cách bất khả: sự giàu có và những trói buộc nó gây ra có sức độc chiếm mạnh đến nỗi con người hầu như không còn sức lực và sự chú tâm mà quyền tối thượng của Thiên Chúa đòi hỏi.

Những lời buồn bã, trầm tư của Chúa Giêsu khiến các môn đồ (10,24) và dân chúng phát sợ (10,26). “Thế thì ai còn có thể được cứu?”. Trong câu trả lời (10,27), Chúa Giêsu không làm nhẹ bớt tính cách nghiêm khắc của lời vừa nhận định trên. Trái lại, Người chấp nhận cho người ta nới sự bất khả đó không những đối với các kẻ giàu, mà còn đối với tất cả mọi người nữa; và Người tuyên bố: chẳng ai có thể tự cho mình có đủ điều kiện để vào Vương Quốc Thiên Chúa được. Nhưng đối với Thiên Chúa, việc tạo nên tức khắc cái còn nếu nơi con người là chuyện có thể. Lời này chứng tỏ rằng, theo giáo huấn của Chúa Giêsu, chẳng ai, dù là kẻ giàu có không sẵn sàng trước quyền tối thượng thần linh, bị loại ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa có thể ban sự tham dự vào đời sống mới cho bất cứ người nào, mà không lệ thuộc vào những dự kiện của người đó.

III/. PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO NHỮNG KẺ TỪ BỎ MỌI SỰ.

Với c. 28 bắt đầu phần thứ 3 trong đoạn nói về việc bắt chước Chúa Giêsu và sự độc lập mà việc bất chước này đòi hỏi đối với những sở hữu vật chất. Đáp lại câu hỏi của Phêrô liên quan đến phần thưởng cho những kẻ đi theo Chúa Giêsu (10,28), Chúa Giêsu trả lời bằng cách lấy lại ý tưởng phần thưởng: kẻ tháo gỡ tất cả mọi liên hệ nhân loại và vật chất (10 29) để sống như môn đồ Chúa Giêsu và sứ đồ Tin Mừng thì sẽ nhận được một tiền lương “gấp trăm những gì đã rời bỏ.

Tiền lương đó gồm có không gì thì Chúa Giêsu nói bằng một ám dụ bởi vì việc lặp lại trong c.28 những của cải đã từ bỏ không có nghĩa gì khác hơn là một ám dụ). Tất cả những gì họ dã rời bỏ sẽ được ban lại cho các môn đồ ngay từ đời này “cùng với những sự bắt bớ” – và còn trong đời sau, họ sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu. Lời này phản ảnh rõ ràng hoàn chỉnh của cộng đoàn sơ khai và chắc đã phát xuất từ cộng đoàn dưới hình thức đó. Vì chính Chúa Giêsu, khi nói về phần thưởng, chắc đã chỉ nói đến “sự sống đời đời” thôi. Phần thưởng khi “ngay từ đời này” – gia đình và của cải – được nêu lên dựa vào hoàn cảnh của cộng đoàn sơ khai; bởi vì đối với người Tông đồ, cộng đoàn thay thế và tượng trưng gia đình, của cải và công việc Cộng đoàn xem việc không nên để người loan báo Tin Mừng ra đi hai bàn tay trắng như là một nghĩa vụ.

10,31 là một châm ngôn thông dụng trong nhóm thân hữu của Chúa Giêsu, nó chỉ đảo ngược các ngôi thứ vào ngày tận cùng. Ý nghĩa của câu tùy thuộc mỗi hệ thống quy chiếu. Trong văn mạch của Mc, cần phải tuy chiếu nó với vấn đề được thảo luận ở trên: một người vì Tin Mừng mà sống bên lề xã hội sẽ trở nên thế nào? Khi đời sống mới sẽ được thiết lập, những “kẻ sau hết” trong bậc thang giá trị xã hội sẽ trở nên những “người trước hết”, nghĩa là những người được trọng vọng nhất, những người có giá trị tiêu chuẩn. Bởi thế lời này vốn cũng có thể hiểu như một lời cảnh cáo tính kiêu căng, ở đây mang tính chất một lời hứa đầy an ủi, một lời phấn khích cho các môn đồ vì lòng bất vụ lợi của họ.

Ingo Hermann, L’Evangile de Saint Marc. II, tr.40-46.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1/.Đoạn Tin Mừng về người giàu có được Chúa Giêsu để ý vì đem lòng yêu thương, nhưng ông đã không thể yêu thích lời mời gọi Chúa Giêsu hơn là giàu có của cải, là một đoạn rất được biết đến. Có một câu tuy ngắn, nhưng ý nghĩa lời rất thâm sâu: ông ta sa sầm nét mặt lại và buồn bã bỏ đi. Đó là cái buồn vì phải thất bại. Lựa chọn bước theo Tin Mừng là thành công của con người, cũng như làm nô lệ cho tiền bạc thế gian khiến họ thất bại. Hai điều đều đúng như nhau. Tin Mừng luôn luôn nhắc lại cho chúng ta nghịch lý này: Ai từ bỏ chính mình và thế gian vì muốn theo Chúa Kitô sẽ được.hưởng niềm vui vì đã thành công ở trong cuộc sống; trái lại ai từ chối chúa Giêsu và thập giá Người vì quá gắn bó với mình và với vật chất sẽ gặp u buồn vì đã thất bại ở trong đời mình.

2/.Tại sao trong thế giới văn minh vật chất hiện nay, người ta thường nói tới hưởng thụ mà ít nói tới niềm vui. Vì khi con người chỉ biết bám riết vào thế giới này, xem nó như là tuyệt đối thì đương nhiên đã phát sinh lầm mống thất bại, làm mất linh hồn. Nào có ích gì cho con người nếu chiếm được trơ trụ mà mất linh hồn? Ngày nay, chúng ta chứng kiến biết lo âu lo khắc khoải, xung đột, u buồn trong thời đại ta, một lời đại chỉ biết tích trữ “của ăn vật chất” để rồi sẽ nổ tung ra. Ngày nay hơn bao giờ hết, môn đồ Chúa Kitô phải biết làm chứng cho Người. Tiến bộ kỹ thuật rất tốt, nhưng với một điều kiện là chúng không được làm chúng ta xa rời đức công bình, tình yêu thương và lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời môn-đồ Người làm chứng rằng Người đặt ưu thế giá trị thiêng liêng ở trên việc hưởng lạc vật chất; là ưu thế này phải có không những trong cuộc sống riêng tư mà còn trong sinh hoạt xã hội, nghề nghiệp, chính trị. Để tránh cho thế giới khỏi phải sống không có niềm vui, người Kitô hữu có sứ mệnh đáp lại lời mời gọi đó của Chúa Kitô.

3/.“Anh chỉ thiếu một điều…”. Điều duy nhất mà người kia còn thiếu chính là điều anh vẫn thiếu từ bao lâu. Điều duy nhất đó, Israel đã tìm kiếm trong suốt cả lịch sử. Điều duy nhất đó là chính Thiên Chúa duy nhất bây giờ đã trở nên rất gần trong Chúa Giêsu đến nỗi chỉ có một việc là đi thro Người. Đối với chàng thanh niên giàu có, tuân giữ các giới luật bây giờ chính là đi theo Chúa Giêsu, là tiếp tục tuyên xưng lòng tốt lành của Thiên Chúa duy nhất mà bây giờ tự ban mình trong bản thân Chúa Giêsu.

4/.Ở đây, lại một lần nữa, Chúa Giêsu loan báo một sự đảo ngược các giá trị. Người đã nói rằng: sự giàu có, theo quan niệm Do thái, là một dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, thì trong thực tế nó đã trở thành một tai họa. Giờ đây Người đang rao giảng giá trị thiêng liêng cao quý của việc từ bỏ mọi liên hệ mật thiết nhất: cha mẹ, nhà cửa, ruộng vườn. Trọng tâm Lời Chúa dạy nằm trong câu ngắn gọn này: Không ai vì Ta và vì Tin Mừng từ bỏ nhà cửa. Câu “vì Ta” là câu căn bản. Có sự đảo ngược các giá trị không phải vì biết chọn một điều khôn ngoan, một hệ thống triết học, một ý thức hệ, mà chính vì tình yêu Chúa Kitô, vì biết quyết định để theo con người Chúa Kitô.

(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- B

KHÔN NGOAN– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Câu chuyện chàng thanh niên giàu có tốt lành có một khởi đầu tốt đẹp. Đẹp cho đến nỗi Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh. Nhưng lại có một kết thúc đáng buồn. Anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa. Chúa Giêsu cũng buồn vì anh gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.

Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng. Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác. Nhưng khi gặp mâu thuẫn giữa cuộc sống với việc đạo, phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người đã vì những giá trị trần gian mà bỏ Chúa. Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt. Nhưng khi đứng trước những cám dỗ của tiền của thì vì ham mê tiền của mà sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo. Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì thú vui mà bỏ quên việc đạo. Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi gặp cám dỗ về chức quyền thì vì một chút danh vọng, đành bỏ Chúa, bỏ đạo.

Theo suy nghĩ của người đời, những ai tìm được tiền của, đạt được danh vọng, nay lên chức mai lên quyền, là những người tài khéo khôn ngoan. Nhưng đó chỉ là khôn ngoan nhất thời kiểu trần gian. Vì cuộc sống trần gian có hạn. Con người ai cũng phải chết. Chết rồi có ai mang theo được của cải, danh vọng, chức quyền vào thế giới bên kia đâu. Thế mà cuộc sống sau cái chết mới là quan trọng, vì là cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ phai tàn.

Chúa muốn ta đừng gắn bó với của cải nhưng phải gắn bó với Chúa, không phải vì Chúa muốn con cái phải khổ sở, hèn hạ. Nhưng vì Chúa muốn cho ta chọn con đường khôn ngoan, để đạt tới hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu.

Ta đi đạo để chọn Chúa. Vì chọn Chúa ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Những cản trở có thể là tiền bạc, danh vọng, chức quyền. Những cản trở cũng có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ. Những cản trở đó cũng có thể là một lòng tự ái, một sự ghen ghét, bất mãn.

Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa ta sẽ đạt được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn. Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.

Vì thế khi thánh Phêrô hỏi Chúa: Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì. Chúa đã trả lời: ai bỏ mọi sự mà theo Chúa, sẽ được gấp trăm và được sự sống vĩnh cửu.

Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng. Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu.

Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa chính là hạnh phúc của con. Amen.

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- B

HÃY ĐI BÁN TẤT CẢ GIA TÀI RỒI THEO TA-  Lm. Micae Võ Thành Nhân

 Là con người, ai trong chúng ta cũng khát khao được sống đời đời sau khi chấm dứt cuộc hành trình ở trần gian này. Để khát khao đó trở thành hiện thực, không gì khác hơn là chúng ta phải thực hiện Lời Chúa dạy. Đấy là sự khôn ngoan của chúng ta ( Bđ I ).

Anh chàng mà thánh sử Máccô nói trong bài Tin Mừng hôm nay khao khát được sự sống đời đời. Anh nghĩ chỉ có Chúa mới giúp anh được điều này mà thôi, cho nên anh đã mạnh dạn đến với Chúa và thưa Chúa: “ Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sống đời đời “.

Chúa nói với anh một cách rất chân thành từ con tim nhân từ của Chúa: “ Đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ “. Anh đã trả lời với Chúa: “ Lạy Thầy, những điều đó con đã giữ từ thuở nhỏ “.

Qua Lời Chúa nói và câu trả lời của anh, chúng ta thấy anh là người sống đạo rất tốt, thực hiện Lời Chúa dạy rất là nghiêm chỉnh, không chê vào đâu được. Nhưng giữ đạo Chúa không phải chỉ dừng lại ở điểm này là chỉ được làm các điều này và xa tránh các điều kia. Chúa muốn đưa anh cũng như chúng ta đến một đỉnh cao hơn trong đời sống đạo là phải dấn thân vì tình yêu, nhất là yêu thương giúp đỡ những người nghèo, bệnh hoạn, tật nguyền….cho nên Chúa nhìn anh, Chúa thương vì anh đã tốt rồi nhưng còn một điều nữa và Chúa đề nghị với anh: “ Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời rồi đến theo Ta “.

Kết quả: anh sụ nét mặt, và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Một cuộc gặp gỡ không có hậu, đó là nỗi buồn cho anh và cho chúng ta, nếu chúng ta đến với Chúa mà cứ khăng khăng giữ ý riêng mình, bắt Chúa làm theo ý mình mà không làm theo ý Chúa thì chúng ta chẳng được gì cả.

Lời đề nghị của Chúa không có gì là quá sức đối với anh, nó nằm trong tầm tay của anh. Nếu anh chịu dứt bỏ của cải, biết sẻ chia và lòng không gắn bó với nó mà làm theo ý Chúa thì anh sẽ được sống đời đời rồi. Anh chấp nhận mất sự sống đời đời chứ không chấp nhận mất của cải. Điều này cho chúng ta thấy nếu không có ơn Chúa, chúng ta không dễ gì từ bỏ của cải của chúng ta đâu, vì đồng tiền dính liền khúc ruột. Cho nên: “ Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự “

Bởi thế: “ Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc thật khó vào nước Thiên Chúa biết bao “, cậy dựa vào tiền bạc sẽ không còn chỗ cho Chúa ngự nữa, lòng chứa đầy những tiền bạc, mê tiền bạc, ham tiền bạc, giận dữ khi người khác đụng đến tiền bạc của chúng ta, để rồi tâm trí chúng ta ra mù tối, phán đoán lệch lạc. Thử hỏi Chúa có thể cứu chúng ta được không khi mà lòng chúng ta không có Chúa mà chỉ có tiền của.

Lạy Chúa, Chúa đã bỏ địa vị là Thiên Chúa, bỏ ngai vàng, bỏ quyền cao chức trọng, bỏ sự giàu sang phú quý tiền của để trở nên nghèo khó và đến ở với chúng con, đang khi đó chúng con lại đi tìm những cái mà Chúa đã từ bỏ. Xin Chúa cho chúng con cảm thấy rất xấu hổ khi bỏ Chúa để đi tìm những cái chóng qua, phù du, hư vô, tro bụi này. Xin cho chúng con cảm thấy hạnh phúc khi sống tinh thần nghèo khó của Chúa, lòng không dính bén của cải, biết cho đi, biết thực hiện trọn vẹn Lời Chúa dạy là đặt Chúa lên trên tất cả mọi sự, lên trên vật chất, danh vọng, ngay cả tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư để được Chúa là gia nghiệp của chúng con: “ Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ mà không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất “. Amen.

 

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN- B

LỜI MỜI GỌI THEO CHÚA Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Khởi đầu Chúa nhật này, đọc sách Khôn ngoan nói về lòng yêu mến quí trọng sự khôn ngoan. Tác giả nói lên tâm tình của mình, của người nghiệm thấy rằng Khôn ngoan quí trọng hơn mọi của cải, vàng bạc châu báu ở trần gian. Nếu sánh ví Khôn ngoan với những điều quí giá nhất ở trần gian thì không có gì có thể sánh được ngay cả như vương quốc hay ngai vàng, hay như những vàng bạc đắt giá như là kim cương. Tác giả còn so sánh Khôn ngoan quí giá hơn cả sức khoẻ và sắc đẹp cũng là những điều rất quí giá trong cuộc đời. Tất cả mọi điều quí giá này của trần gian không là gì so với Khôn ngoan, bởi vì ánh sáng của Khôn ngoan thì không bao giờ tắt và nhờ Khôn ngoan thì ông sẽ có tất cả.  Bài Tin mừng sau đó cũng đi theo chiều hướng này, nói đến sự chọn lựa khó khăn đặt ra cho một người giàu có. Ông đến để hỏi Chúa Giêsu phương thế để có thể đạt đến sự sống đời đời : “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Câu hỏi cho thấy người đàn ông này là người khôn ngoan, biết đi tìm kiếm sự chỉ dạy khôn ngoan để đạt đến sự sống đời đời. Trả lời câu hỏi của ông, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho ông các giới răn phải thi hành. Bản văn Tin mừng đã liệt kê phần lớn những điều cấm cốt yếu của mười điều răn và giới răn yêu kính cha mẹ. Người này đã có can đảm để thưa rằng ông đã thực hành các giới răn này từ thuở nhỏ. Chúng ta đang gặp một người đạo đức mẫu mực trong xã hội do thái đương thời, một người đã biết chu toàn các giới răn và mệnh lệnh Thiên Chúa với một lương tâm ngay thẳng. Chính Chúa Giêsu cũng nhìn ông với lòng trìu mến, người đã mời gọi ông cách thân mật: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi hãy đến và theo Ta”. Phải nhìn nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu hơi bất ngờ đối với ông. Thế nhưng, suy cho cùng lời mời gọi của người rất triệt để và thiết thực, đặt ông đối diện với chính bản thân mình mà dường như ông không dám nhìn thẳng. Người này chỉ còn thiếu một điều cần thiết thôi, ông đã có tất cả những điều khác để nên hoàn thiện rồi, ông chỉ còn bán đi của cải để theo Chúa Giêsu để đảm nhận những  công việc khác quan trọng hơn mà người muốn dành cho ông, và để chiếm hữu đượcsự sống đời đời.

Trước câu hỏi của người đàn ông này, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nhắc lại con đường bình thường và đầy đủ để đạt tới sự sống đời đời là thực hành các giới răn theo như vẫn được nhắc nhở trong do thái giáo. Và người đàn ông này chắn hẳn vốn quen thuộc với việc thực hành những giới răn và mệnh lệnh như đã được nhắc nhở qua Lề luật Sách Thánh. Ông tỏ ra là một người ngay thẳng, biết chú tâm lắng nghe lời Chúa và điều này khiến Chúa Giêsu rất có thiện cảm với ông và cất lời mời gọi ông. Lời mời gọi này của Chúa Giêsu dành cho ông thường được giải thích là lời mời riêng cho cá nhân của ông, được kêu gọi cách đặc biệt. Người mời gọi ông bán mọi sự, cho người nghèo và đến theo người, như ở khởi đầu Tin mừng Marcô, Chúa kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Đây là lời mời gọi dành riêng cho những con người có ơn gọi đặc biệt theo Chúa, không dành cho mọi người. Người mời gọi ông can đảm từ bỏ những của cải ông đang có để theo người. Đây cũng chính là cách sống của chính Chúa Giêsu đã chọn lựa làm người rao giảng lữ hành Nước Thiên Chúa qua các thành thị và làng mạc, không định cư một nơi nào cố định với đầy đủ mọi tiện nghi cho cuộc sống. Người đàn ông đầy nhiệt tình này đã không thể theo Chúa, ông không thể đáp ứng được lời mời gọi bán đi mọi của cải, phân phát cho người nghèo để theo Chúa Giêsu. Câu chuyện tiếp nối của Tin mừng sau đó giữa Chúa Giêsu và các môn đệ cho chúng ta biết bởi vì ông là người giàu có. Điều này đã khiến Chúa Giêsu phải thốt lên sự giàu có là trở ngại làm cho người ta không có đủ can đảm để theo người trọn vẹn: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”.

Người đàn ông này đã hụt mất ơn gọi cao cả dành cho mình. Thật đáng tiếc. Nhưng phải chăng câu chuyện này chỉ để chúng ta tiếc nuối cho một ơn gọi mất đi cách oan uổng hay còn là một bài học cho mọi người. Đàng sau bóng dáng của người do thái đạo đức này, đã biết sống trung thành ngay thẳng lề luật Môisen, thấy phác họa lên hình ảnh của những người môn đệ mới, biết theo lời mời gọi của Đấng Cứu thế, một nhà lập luật mới. Chúa Giêsu chính là Đấng mời gọi mọi người, đưa ra một lời mời gọi khẩn thiết hơn và cao trọng hơn. Những người môn đệ của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chu toàn lề luật mà còn phải tiến thêm một bước quyết định là hãy theo Người, và lời mời gọi theo người thì cũng bao hàm những điều kiện của việc theo người là biết từ bỏ chính những gì thiết thân với mình nhất như là của cải, hay cả như là những người thân yêu ruột thịt như cha mẹ, vợ con, anh em. Điểm nhấn của lời mời gọi quyết định này không chỉ là việc bán của cải mà là chính là việc bỏ mọi sự mà theo Người, gắn bó với Người. Người đàn ông trong câu chuyện này đã bỏ đi, khiến cho mọi dự kiến bổng chốc tan vỡ, khiến cho Chúa Giêsu cũng đau buồn, và người đàn ông cũng buồn bã bỏ đi. Ông không thể từ bỏ của cải mình, hay ông đành bỏ qua lời mời gọi của Chúa Giêsu để giữ lấy của cải của mình, bởi vì khi có của cải, tâm hồn con người bị chia sẻ, không thể hoàn toàn theo Chúa được, bởi vì còn muốn giữ lại của cải cho mình. Đây chính là sự giằng co diễn ra nơi nội tâm con người: vừa muốn theo Chúa lại vừa muốn bám víu vào của cải, ngay cả để cho của cải chi phối và hướng dẫn đời sống mình. Như thế, phải chăng theo Chúa Giêsu đòi hỏi  từ bỏ mọi sự, ngay cả những của cải thiết thân với chính mình. Thư Do thái nhắc nhở chúng ta là lời Chúa linh nghiệm và sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tủy não, tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Phải chăng lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng đặt mỗi người chúng ta đối diện cách thẳng thắn với chính mình. Chúng ta có can đảm theo Chúa không?

home Mục lục Lưu trữ