Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1373393

NHẬN RA ĐỨC KITÔ

Nhận ra Đức Kitô

Khi nhìn vào hiện tình của thế giới hôm nay, chúng ta không khỏi đau lòng mà nhận ra rằng: con số những người chưa nhận biết Đức Kitô dường như càng ngày càng gia tăng. Vì thế Giáo Hội cần phải cấp bách đổi mới lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của mình. Tuy nhiên, muốn làm chứng về Chúa, muốn rao giảng Ngài một cách hiệu quả, thì chúng ta cần phải nhìn lại chính mình: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?

Câu hỏi nòng cốt này dẫn chúng ta vào việc kiểm điểm toàn diện niềm tin và cách sống của mình. Có thật chúng ta tin nhận Ngài là Đức Kitô, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và vạch cho chúng ta con đường sống hay không? Nếu tin nhận như thế, thì cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta phải chuyển biến phù hợp và kịp thời chưa? Hay là chúng ta vẫn tin một đàng, sống một nẻo, làm như niềm tin và cuộc sống là hai thực thể tách rời nhau, không ăn nhập gì với nhau.

Đức Giám mục Josef Cordes trong buổi nói chuyện với 17.000 đại biểu của phong trào Canh Tân, đã nói: Trong viễn tượng năm 2000, sẽ có nhiều thách đố mới đặt ra cho Giáo Hội. Trong Giáo Hội nhiều triệu người công giáo vẫn chưa sống mối quan hệ cá vị với Đức Kitô. Nhiều triệu người khác vẫn không sống theo Đức Kitô và không vâng phục Ngài... Cho dù họ vẫn tự xưng mình là người công giáo và vẫn tham dự vào phụng vụ của Giáo Hội.

Có thể nói được rằng, đối với một số không nhỏ trong chúng ta thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt. Vì thế, trả lời được cho câu hỏi: Đức Kitô là ai đối với tôi? Không phải chỉ là chuyện kiến thức, sách vở lặp lại những gì được nghe trong các lớp giáo lý hay trong các bài giảng, mà còn là câu chuyện của chính cuộc sống, của sự chọn lựa cá nhân cũng như của sự dấn thân.

Hơn bao gờ hết xã hội thời mở cửa, đón nhận những trào lưu tư tưởng mới, càng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng để trả lời cho câu hỏi ngàn đời nêu trên. Bằng việc đem hết khả năng của mình để đóng góp vào việc thăng tiến con người, lành mạnh hoá xã hội và làm cho quê hương thêm giàu mạnh, người công giáo Việt Nam trả lời thoả đáng cho câu hỏi: Đức Kitô là ai?

Niềm tin Kitô giáo mặc dầu bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô nhưng lại có một âm vang rộng lớn trên toàn bộ đời sống xã hội và văn hoá của những người có lòng tin.

 

7. Phần quan trọng của cơ thể – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

Có một người mẹ trẻ thường hay đố đứa con gái rằng: "Phần nào trong cơ thể quan trọng nhất?". Em trả lời rằng âm thanh là quan trọng nhất nên đôi tai là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Thế nhưng người mẹ lắc đầu bảo rằng: "Có rất nhiều người điếc, họ không cần âm thanh". Một thời gian sau, người mẹ lại hỏi và lúc này đứa bé đã lớn hơn một chút nên nó nhận xét: hình ảnh là quan trọng nhất trong cuộc sống nên đôi mắt là phần quan trọng nhất. Người mẹ âu yếm nói với con: "Nhiều người mù họ không cần hình ảnh. Đôi mắt vẫn chưa phải là cần thiết nhất. Con hãy tiếp tục suy nghĩ".

Sự kiện được tiếp tục nhiều năm tháng trôi qua, cho tới hôm ông nội của đứa trẻ hấp hối qua đời. Người mẹ dẫn con lại chào ông nội lần cuối và nói rằng: "Con đã tìm ra câu trả lời chưa?". Đứa con ngạc nhiên vì câu hỏi của mẹ trong lúc này, nó tưởng rằng đây chỉ là trò đùa giữa hai mẹ con, nhưng người mẹ trịnh trọng nói: "Phần quan trọng nhất trên cơ thể con người chính là đôi vai. Vì đó là nơi người thân có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một đôi vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai để con có thể ngả đầu vào. Hôm nay gia đình chúng ta đã mất đi đôi vai của người cha, người ông. Một con người mà cả gia đình đã nương tựa nay đã không còn".

Vâng, phần quan trọng nhất của con người không phải là phần để cho mình mà là để cho tha nhân. Vì thế, một con người quan trọng trong xã hội là một con người có ích cho người khác. Một người được yêu mến và quý trọng không phải vì địa vị hay chức quyền mà là vì sự đóng góp của họ với cộng đồng nhân loại.

Hôm nay, sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô, Chúa đã đặt Phêrô làm đá tảng của Giáo hội. Chúa không bảo Phêrô trở thành một cục đá vô hồn mà là một viên đá sống động, một chỗ dựa cho các tông đồ và cho toàn thể giáo hội. Phêrô phải là một tảng đá có một đức tin vững chắc đến nỗi không có gì lay chuyển nổi mới có thể bảo vệ và gìn giữ Giáo hội. Chúa cũng biết con người Phêrô còn đầy bất toàn, yếu đuối, nhưng Chúa cũng nhận thấy Phêrô có một tấm lòng nhiệt thành theo Chúa. Ông mến Chúa. Ông luôn mong muốn hoàn thiện đời mình. Ông đã từng vấp ngã, nhưng ông mau làm lại cuộc đời. Chúa chọn ông không vì tài năng đức độ, nhưng vì lòng chân thành của ông. Chúa dùng ông, một con người đã từng vấp ngã để có thể nâng đỡ đức tin còn yếu kém nơi anh em. Chính Chúa đã từng nói với Phêrô: "Khi nào con trở về, con hãy củng cố đức tin anh em con".

Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động để xây dựng Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi người một khả năng, mỗi người một hoàn cảnh, Chúa mời gọi chúng ta hãy biết tự xây dựng đời mình bằng những vật liệu mà chúng ta đang có để trở thành những viên đá hữu ích cho tha nhân. Đặc biệt là cho gia đình chúng ta đang sống. Có nhiều người nghĩ rằng: mình phải làm ông này bà nọ mới có thể cống hiến cho tha nhân. Đó là chuyện của tương lai, nhưng ngay hôm nay, chúng ta hãy biết vận dụng những khả năng, hoàn cảnh Chúa ban để giúp đời, để cứu đời, để xoa dịu nỗi đau cho những người chung quanh, để trở nên điểm tựa cho anh chị em chúng ta.

Nếu chúng ta là người chồng hay người vợ: hãy đưa vai gánh lấy cuộc đời nhau. Hãy là điểm tựa để nâng đỡ chia sẻ buồn vui và cùng dìu nhau qua những thăng trần của dòng đời.

Nếu chúng ta là người cha, người mẹ: hãy là điểm tựa cho con cái. Hãy sống vì gia đình, vì con cái mà quên đi những niềm vui riêng của mình. Hãy chu toàn bổn phận của mình để xứng đáng là núi thái sơn, là biển rộng bao la cho con cái hưởng nhờ sự ấm áp, sự chở che của tình cha nghĩa mẹ.

Nếu chúng ta là con cái trong gia đình: hãy gánh vác trách nhiệm với gia đình. Hãy quan tâm tới gia đình, đừng vì sự lười biếng, cẩu thả của mình mà trở thành gánh nặng cho gia đình.

Nếu chúng ta là thành viên trong cộng đoàn nhân loại: hãy chung vai góp sức xây dựng hoà bình. Hãy hỏi với lòng mình: "Tôi đã làm gì cho thế giới này được tốt đẹp hơn?". Hãy biết dùng cuộc đời nhỏ bé của mình để trở nên những viên gạch xây dựng thế giới này mỗi ngày hạnh phúc và an khang hơn.

Trong cuộc sống không có việc gì là việc tầm thường đến nỗi không đáng cho chúng ta làm mà chỉ có những con người tầm thường khi thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Có thể công việc của chúng ta thật bé nhỏ, thật âm thầm nhưng nó lại thật cần thiết cho gia đình và xã hội. Tựa như viên đá góc tường nhỏ bé nhưng không thể thiếu khi muốn xây dựng ngôi nhà cao rộng hơn.

Tuy nhiên, muốn trở thành chỗ dựa cho tha nhân, chúng ta cần phải biết xây dựng đời mình trở nên những viên đá vững chắc, nghĩa là mỗi người cần biết rèn luyện đức hạnh đời mình trên nền móng Lời Chúa và phải được tôi luyện hằng ngày qua việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Đó chính là người khôn ngoan. Vì kẻ khôn ngoan là người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, cho dù có gặp thử thách, gian truân, tựa như nước lũ ngập tràn cũng không lay chuyển. Còn kẻ thiếu đức hạnh, thiếu nền tảng Lời Chúa, không chỉ làm hỏng đời mình mà còn gây tai hoạ cho biết bao người khác, vì "mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống lỗ".

Xin Chúa giúp chúng ta biết uốn nắn đời mình trở thành những viên đá sống động và hữu ích cho gia đình và những người chung quanh. Amen.

 

8. Xây dựng cuộc đời trên lời Chúa

(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Thảm họa ngày nay chính là sự sụp đổ của hôn nhân gia đình. Tỷ lệ các gia đình sụp đỗ mỗi ngày một cao. Cuộc sống gia đình luôn bấp bênh, khó bền vững. Vợ chồng ít hy sinh cho nhau và chỉ tìm cách bảo vệ hạnh phúc cho riêng mình mà bỏ quên người bạn trăm năm.

Vào tháng 11 năm 1994, một câu chuyện làm rung động cả Nước Mỹ đó là chuyện cô Susan Smith, một bà mẹ trẻ sống ở thành phố Union, tiểu bang South Carolina, đã giết hai đứa con nhỏ để không mất tình nhân. Trước một thảm cảnh gia đình quá đau thương như thế, nhiều người chỉ biết lắc đầu hỏi: Tại sao một người mẹ có thể giết chết con của mình một cách tàn nhẫn như thế!

Nhìn lại cuộc đời của cô Susan Smith, người ta thấy rằng cô đã bước vào hôn nhân một cách vội vàng, khi chính cô cũng như người chồng trẻ đều chưa sẵn sàng. Hôn nhân của hai người không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc nên đã sụp đổ mau chóng. Không những thế, khi ngã vào tình yêu lần thứ hai, cô Susan Smith cũng không biết rõ những yếu tố cần thiết để xây dựng một hôn nhân vững bền nên cô đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cô nghĩ là cần phải làm để nắm giữ tình yêu đó. Kết quả là, khi thấy người yêu tỏ vẻ không thích trẻ con, cô Susan Smith đã giả vờ bị tai nạn để hai đứa con nhỏ chết chìm dưới sông.

Vâng, sự sụp đổ nơi các gia đình chính là họ kết hôn nhưng không dựa trên nền tảng tình yêu. Tình yêu của họ thật hời hợt với nhau. Tình yêu của họ thiếu chân thành với nhau, có khi còn lừa dối làm hại nhau. Một cuộc hôn nhân thiếu nền tảng tình yêu sẽ chẳng bao giờ bền vững. Gặp chăng hay chớ. Vui thì ở. Buồn thì đi!

Bên cạnh sự sụp đổ về gia đình còn có biết bao sự sụp đổ bởi xây dựng thiếu nền móng vững chắc là tình yêu, là tính chân thật. Không có tình yêu thì ở bất cứ ngành nghề nào hay lãnh vực nào cũng chỉ là phá hoại. Không có tính chân thật thì chỉ có gian dối lọc lừa để làm lời cho bản thân. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong nhiều ngành nghề như dạy học chỉ vì tiền. Làm bác sĩ chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của bệnh nhân. Làm quan chức thì vun quén làm giầu cho mình và đương nhiên làm nghèo cho đất nước...

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy xây dựng nền móng cho cuộc đời dựa trên lời Chúa và giáo lý của Ngài. Lời Chúa là ngọn đèn dẫn dắt chúng ta đi trong chân thiện mỹ. Lời Chúa luôn xây dựng đời chúng ta trong tình yêu là giới răn cao cả mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thực thi. Khi con người được xây dựng trên tình yêu với Chúa và tha nhân sẽ giúp con người biết sống cho Chúa và tha nhân trong tinh thần khiêm tốn phục vụ. Khiêm tốn để tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Phục vụ để cho danh Chúa được cả sáng qua đời sống yêu thương của chúng ta.

Có thể nói nếu con người biết nhìn nhận Thiên Chúa là chủ tể muôn loài thì con người sẽ quy phục Thiên Chúa, và nhờ tin vào Chúa họ sẽ sống yêu thương tha nhân hơn. Chính nhờ tin vào Thiên Chúa mà con người sẽ sống dưới cái nhìn của Chúa và bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài.

Nhưng đáng tiếc cho con người ngày nay thường quay lưng lại với Thiên Chúa. Khước từ Chúa con người cũng khước từ nhau. Con người sống trong bản năng vì tin vào ma quỷ hơn là tin vào Thiên Chúa. Ma quỷ luôn bảo với chúng ta không có Thiên Chúa, không có đời sau để lôi kéo chúng ta sống một cuộc sống buông thả theo tính xác thịt. Ma quỷ luôn bảo chúng ta xây dựng đời mình một cách hợi hợt, nông cạn, sống theo bản năng hơn là theo ý chí và lý trí. Chính đời sống thiếu chiều sâu đã làm cho con người dễ lao vào hưởng thụ hay dễ thất vọng chán nản nếu gặp thất bại.

Nếu cuộc sống chúng ta được xây dựng dựa trên Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Sự tự do tự tại không bị tính xác thịt thống trị. Sự tự do để chúng ta không bị những đam mê lôi cuốn vào vòng xoáy của tiền, tình, quyền mà xa rời Thiên Chúa.

Ước gì chúng ta đừng bao giờ lười biếng để rồi xây dựng đời mình một cách cẩu thả, hời hợt và thiếu đầu tư cho những giá trị Nước Trời là tình thương, là công lý và hòa bình. Xin cho chúng ta biết xây dựng đời mình dựa trên lời Chúa để thánh hóa bản thân và biến đổi thế gian. Amen.

 

9. Tôi đang tìm kiếm gì? - Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

Một trong những khao khát sâu thẳm của con người là được kéo dài sự sống đến trường sinh bất tử. Con người dường như luôn bị dằn vặt, trăn trở khi phải đối diện với sự già nua, suy thoái của thân xác. Vì thế, họ tìm kiếm linh dược để kéo dài sự sống của mình. Khao khát này được thể hiện qua việc chăm lo cho thân xác luôn được khỏe mạnh, được cường tráng. Tuy nhiên, quy luật của tự nhiên là sinh bệnh lão tử khiến con người vẫn già, vẫn bệnh, vẫn trở về cát bụi... Con người đâu hiểu được rằng điều quan trọng không phải là sống thọ hay không thọ, mà là sống như thế nào? Sống với mục đích gì? Điều đó nó mới làm nên giá trị chất lượng cuộc sống và làm nên sự bất tử cho con người.

Thánh Phê-rô sau thời gian dài đi bên Chúa, nhìn và nghe thấy biết bao điều kỳ diệu Chúa đã làm, ông đã khám phá ra phương thuốc trường sinh là chính Đức Giê-su - Đấng hằng sống. Ông đã mạnh dạn tuyên xưng: “Thầy là Đức Ky-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua đây Chúa đã khen ngợi Phê-rô vì ông đã được Thiên Chúa Cha mạc khải điều bí nhiệm của Nước Trời. “Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy xây dựng nền móng cho cuộc đời dựa trên lời Chúa và giáo lý của Ngài. Lời Chúa là ngọn đèn dẫn dắt chúng ta đi trong chân thiện mỹ. Lời Chúa luôn xây dựng đời chúng ta trong tình yêu là giới răn cao cả mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thực thi. Khi con người được xây dựng trên tình yêu với Chúa và tha nhân sẽ giúp con người biết sống cho Chúa và tha nhân trong tinh thần khiêm tốn phục vụ. Khiêm tốn để tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Phục vụ để cho danh Chúa được cả sáng qua đời sống yêu thương của chúng ta. Hãy đặt cuộc đời ta trên lời hằng sống. Hãy chọn Chúa là gia nghiệp. Hãy sống gắn bó với Chúa như cành liền cây để được sống sự sống trường sinh của Chúa.

Chọn Chúa hay đặt nền tảng cuộc đời trên Lời Chúa là biết nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho con người để rồi luôn biết quy phục Chúa, và tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Nhờ niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng hằng sống mà con người sẽ sống dưới cái nhìn của Chúa và bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài.

Nhưng đáng tiếc cho con người ngày nay thường quay lưng lại với Thiên Chúa. Khước từ Chúa con người cũng khước từ nhau. Con người sống trong bản năng vì tin vào ma quỷ hơn là tin vào Thiên Chúa. Ma quỷ luôn bảo với chúng ta không có Thiên Chúa, không có đời sau để lôi kéo chúng ta sống một cuộc sống buông thả theo tính xác thịt. Ma quỷ luôn bảo chúng ta xây dựng đời mình một cách hời hợt, nông cạn, sống theo bản năng hơn là theo ý chí và lý trí. Chính đời sống thiếu chiều sâu đã làm cho con người dễ lao vào hưởng thụ hay dễ thất vọng chán nản nếu gặp thất bại.

Thế nên, vẫn còn đó những người chỉ lo hưởng thụ vật chất mà xa rời cội nguồn sự sống đời đời. Vẫn còn đó những người tham danh vọng mà đấu đá loại trừ lẫn nhau gây nên những bể dâu cho cuộc sống. Vẫn còn đó những người đặt cuộc sống trên đồng tiền mà đánh mất lương tri con người, sống lỗi công bình bác ái với nhau...

Ước gì chúng ta đừng vì lười biếng mà xây dựng đời mình một cách cẩu thả, hời hợt và thiếu đầu tư cho những giá trị Nước Trời là tình thương, là công lý và hòa bình. Xin cho chúng ta biết xây dựng đời mình dựa trên lời Chúa để thánh hóa bản thân và biến đổi thế gian. Amen.

 

10. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Để thực hiện sứ mạng đó, Ngài đã ở thế gian 33 năm: 30 năm sống ẩn dật, 3 năm đời sống công khai.

Trong 3 năm ngắn ngủi của đời sống công khai, Ngài đã đi khắp đó đây rao giảng Tin mừng. Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thiết lập Giáo hội, Ngài đã chọn và huấn luyện nhóm mười hai. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã đặt Thánh Phêrô làm đầu mười hai Tông đồ, cũng chính là làm đầu Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập.

Bài Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu cho chúng ta biết, sau khi hỏi dư luận quần chúng suy nghĩ như thế nào về Ngài, Đức Giêsu quay sang hỏi các Tông đồ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”(Mt 16,15). Thánh Phêrô đại diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen ngợi câu trả lời của Phêrô. Đồng thời, Ngài nói với ông rằng: “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16,18-19).

Đá là một vật thể cứng, bền, chắc…Đức Giêsu gọi Phêrô là Đá, và trên “viên đá” đó, Đức Giêsu muốn xây Hội thánh của Ngài, chứng tỏ Đức Giêsu xây dựng Hội thánh trên nền tảng vững chắc, đúng như lời Ngài khẳng định: “Dầu cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Chìa khóa biểu tượng cho quyền lực. Ai được trao chìa khóa thì người đó có quyền đóng mở và bảo quản những gì có trong đó. Bài đọc I cho chúng biết, khi trao quyền lực cho En-gia-kim, Thiên Chúa trao cho ông chìa khóa: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ða-vít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (Is 22,22). Cũng vậy, Thánh Phêrô được trao chìa khóa nước trời, nghĩa là Thánh Phêrô có quyền lãnh đạo dân Chúa, có quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Ngoài ra, Ngài còn có quyền “trói và cởi”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Quyền “trói và cởi” là quyền tha thứ các tội lỗi, công bố những phán đoán về giáo lý và đưa ra những quyết định có tính kỷ luật trong Giáo hội (x. số 553).

Nhìn lại lịch sử Giáo hội suốt 2000 năm qua, chúng ta thấy lời hứa của Đức Giêsu với Phêrô đã trở thành hiện thực. Dẫu Giáo hội trải qua nhiều sóng gió nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phêrô: Thánh Phêrô và các đấng kế vị luôn đóng trọn vai trò “Đá tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Giáo hội.

Chúng ta cám tạ Chúa đã lập nên Giáo hội. Giáo hội trở thành mẹ của chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Giáo Hội cũng tương tự như bổn phận của con cái đối với Cha Mẹ. Đó là chúng ta phải biết ơn, vâng lời và xây dựng Giáo hội.

Thứ nhất, chúng ta biết ơn Giáo hội, vì Giáo hội đã sinh ra chúng ta trong đức tin, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí tích. Trong bài huấn dụ với 100.000 khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 10/9/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày đề tài giáo lý “Giáo hội là mẹ”. Ngài cho biết, trong các hình ảnh mà Công Đồng Chung Vatican II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo hội nghĩa là bản chất là “mẹ”: Giáo hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Ngài nói: Giáo hội “đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, bằng cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con đường cuộc sống kitô cho chúng ta, và ban phát các bí tích. Giáo hội nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua bí tích Sám Hối, nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu với bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo hội đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống đức tin.” (Nguồn: vi.radiovaticana.va). Vì vậy, chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn bằng cách tôn kính và yêu mến Giáo hội.

Thứ hai, chúng ta phải vâng lời Giáo hội. Vâng lời Giáo hội là vâng lời Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, các linh mục và những người đại diện của Chúa ở trần gian này. Vâng lời trở thành một nhân đức như khi các thành phần trong Giáo hội vâng lời Đức Giáo Hoàng. Vâng lời còn trở thành luật buộc như khi các Giám Mục vâng phục Đức Giáo Hoàng, các linh mục vâng phục Giám mục Giáo phận của mình, các tu sĩ vâng phục Bề trên hợp pháp của cộng đoàn. Có nhiều mẫu gương sống tinh thần vâng phục trong Giáo hội, đáng chú ý là mẫu gương vâng phục của Đức Tổng Giám Mục Fénelon, nước Pháp sau đây: Giám Mục Fénelon là Tổng Giám Mục danh tiếng của giáo phận Cambrai nước Pháp vào đầu thế kỷ XVIII. Ngài được mọi người thán phục và kính nể vì ngài đạo đức và thông thái. Ngài sáng tác cuốn sách thiêng liêng rất hay, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.” Ngày kia, khi sắp lên tòa giảng để giảng một bài quan trọng trước một cử toạ đông người đang thán phục, ngài được tin Đức Giáo Hoàng Inôsentê XII đã lên án cuốn sách của ngài và cấm lưu hành. Đến giờ giảng, ngài vẫn bình tĩnh bước lên tòa giảng, nhưng không phải để giảng bài ngài dọn, mà để giảng một bài về sự tuân phục đối với Giáo-Hội. Ngài nói: “Đức Thánh Cha đã lên án cuốn sách của cha. Cha xin hoàn toàn tuân phục quyền bính Giáo Hội cho đến chết để làm gương cho anh em.” Và để tỏ lòng tuân phục công khai một cách khiêm nhượng, ngài cho khắc cảnh thiên thần đang dày đạp dưới đất những tác phẩm bị Giáo Hội lên án, trong đó có cuốn sách của ngài, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.” (Trích bài gợi ý của Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).

Thứ ba, chúng ta phải có tinh thần xây dựng Giáo Hội cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội đã cho biết: “Nhờ khả năng chuyên môn và uy tín của họ (Giáo dân), họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo hội… nhưng luôn với lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài” (Ibid., no. 37). Thật vậy, Giáo hội cần những lời góp ý chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến từ phía giáo dân đối với các đấng bậc trong Giáo hội, nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ Giáo hội. Đừng bao giờ chỉ trích, lên án hay nói xấu Giáo hội. Còn về vật chất, điều răn Thứ Năm của Hội thánh nhắc nhở mọi tín hữu cần phải chu toàn nhiệm vụ đóng góp công của để xây dựng Giáo hội. Ngoài ra, các tín hữu cũng có thể đóng góp thêm tùy theo khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ, Giáo phận, và Giáo hội ngày một thêm lớn mạnh và bền vững hơn.

Lạy Đức Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo hội để sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng con. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến, vâng lời và đóng góp tinh thần và vật chất để xây dựng Giáo hội. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ