Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1374883
NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Nhiệm vụ của người môn đệ
(Chú giải của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Bản văn đọc hôm nay nằm trong Bài Giảng trên núi (ch. 5–7) và nói đến sứ mạng của người môn đệ “trong thế gian”. Bản văn được trực tiếp kết nối với các “Mối Phúc” (5,3-12). Các câu 11-12 nói về bách hại chỉ là những câu nhắc lại c. 10 và chuyển tiếp. Nhưng cụm từ “phúc thay anh em” cho phép ta móc với từ “anh em” ở c. 13. Những người nhận bản văn này không phải là mộthạng tín hữu đặc biệt, nhưng là các môn đệ đã được nói đến ở đầu chương (5,1) và được ngỏ lời trực tiếp ở cc. 11-12. Cộng đoàn Kitô hữu được nhắc nhớ đến bổn phận truyền giáo.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm hai phần:
1) Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (5,13);
2) Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (5,14-16).
3.- Vài điểm chú giải
- anh em là (13): Đức Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ Người, để xác định sứ mạng của họ. Đây không phải là mộtgợi ý về mộtchiều hướng nên theo, nhưng là một khẳng định về tư cách, ơn gọi. Cũng có thể thấy cụm từ này có liên với Xh 19,6 (“Còn các ngươi, các ngươi sẽ là mộtvương quốc tư tế cho Ta và mộtdân tộc thánh”). Như Đức Chúa (Yhwh) đã chọn dân Ngài giữa các dân nước và xác định tư cách của họ, Đức Giêsu cũng đã chọn các môn đệ trong loài người và bây giờ xác định sứ mạng cho họ.
- muối cho đời… ánh sáng cho trần gian (13.14): dịch sát là “muối của đất (gê)” và “ánh sáng của thế gian/ trần gian (kosmos)”. Vì “đất” được dùng song song với “trần gian”, nó không có nghĩa là đất bùn, đất bột, đất thịt, nhưng là “trái đất”, tương tự với “trần gian”, “thế gian”. Cả hai từ “đất” và “trần gian” ở đây đều có nghĩa là “toàn thể nhân loại”, tức có mộttầm mức phổ quát.
- để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm (16): Dường như câu này mâu thuẫn với Mt 6,1-18 (nhất là với cc.1-2.5.16)? Thật ra, các bản văn nêu ra hai lý do khác nhau: ở đây lý do là vinh quang của Cha trên trời; trong 6,1-18, lý do là việc chúc tụng ngợi khen cá nhân mà đương sự đi tìm để thỏa mãn tính khoe khoang của mình (x. 6,2-5). Hai bản văn cũng nói đến hai cách thức xử sự khác nhau: ở đây, người môn đệ chỉ đơn giản tỏ mình ra là môn đệ của Đức Kitô, là Kitô hữu; còn ở 6,1-18, Đức Giêsu kết án sự khoe khoang người ta tỏ ra để lôi kéo sự chú ý của người khác.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Mối Phúc cuối cùng liên hệ đến những người bị bách hại vì sống công chính (5,10). Chính Mối Phúc này được Đức Giêsu lấy lại mà ngỏ trực tiếp với các môn đệ, là những người đang ở ngay bên Người, và với đám đông đang nghe Người (5,1): “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (5,11). Đức Giêsu đã loan báo cho các môn đệ biết ngay từ đầu phản ứng tiêu cực của môi trường, nếu họ sống trung thành với Người, nếu họ tìm sự công chính và quy hướng lối sống của họ theo chương trình của Người. Họ phải trả lời thế nào? Ai cũng coi trọng việc mình được chấp nhận và nhìn nhận. Phải chăng các môn đệ phải thích nghi với môi trường của họ, để được môi trường chấp nhận? Phải chăng họ phải giới hạn quan hệ với mộtvòng những người có cùng những ý tưởng như nhau, để khỏi gây mâu thuẫn? Cho họ cũng như cho tất cả các Kitô hữu, hôm nay còn đang thường xuyên bị cám dỗ từ chối chân tính của mình và tìm thích nghi, hoặc bị cám dỗ rút lui vào đàng sau cánh cửa, Đức Giêsu giao cho nhiệm vụ làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Nhờ đó, cho dù họ có bị sỉ nhục (5,11), họ vẫn đưa được người ta đến chỗ tôn vinh Chúa Cha trên trời (5,16).
* Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (13)
Khi khẳng định rằng các môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giêsu cho hiểu các môn đệ có sứ mạng truyền giáo. Do ơn gọi, họ phải đóng mộtchức năng đối với những người khác tương tự muối đối với các thức ăn (giữ cho khỏi hư thối, làm cho thêm hương vị). Không có muối, thức ăn bị hư thối; không có người Kitô hữu, xã hội thiếu mất mộtsức mạnh thiêng liêng và luân lý có khả năng gìn giữ xã hội khỏi những sự dữ đang muốn xâm nhập vào. Do đó, sự hiện diện của người Kitô hữu không phải là không đáng kể hoặc có hay không cũng vậy. Giống như muối, sự hiện diện của Kitô hữu không thể thay thế. Không ai có thể đứng vào vị trí của họ nếu họ bị suy yếu đi. Tác giả lưu ý và răn đe các Kitô hữu coi chừng kẻo mình trở nên nhạt nhẽo đi. Họ cũng sẽ như muối, khi đã nhạt thì chỉ còn đáng loại bỏ (x. 5,22.29).
* Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (14-16)
Hình ảnh ánh sáng (cc. 14-15) là hình ảnh của Kinh Thánh (x. Xh 3,2; Is 60,19; Is 42,6). Tác giả Gioan gán cho Đức Giêsu chức năng mà ở đây Mt gán cho các môn đệ. Bóng tối, đêm tối, trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, là biểu tượng của các thế lực sự ác (x. Mt 8,12; Lc 22,53). Môn đệ Đức Kitô được thông dự vào sự sáng của Thiên Chúa, như Môsê khi xuống núi có mang trên mặt phản ánh vẻ uy hùng của Thiên Chúa (Xh 34,35). Không thể có chuyện Kitô hữu đi qua mà không ai biết; không ai có thể dửng dưng trước ánh huy hoàng thiêng liêng mà Kitô hữu đang tỏa ra. Giống như ánh sáng, Kitô hữu đi vào những nơi sâu thẳm nhất và kín ẩn nhất của trái tim con người và đưa ra ánh sáng những lỗ hổng mà ta gặp trong đó.
Lời khẳng định được minh giải bằng hai hình ảnh (c. 15). “Thành xây trên núi” có thể gợi ý đến Giêrusalem thiên sai, là điểm thu hút tất cả các dân tộc (x. Is 2,2-5; 60,1-2.19-20). Các Kitô hữu tháp vào trong thế gian như mộtnguồn ánh sáng từ đó mọi người có thể nhận được sự nâng đỡ và định hướng. “Thành xây trên núi” nêu bật tính khả thị (thấy được), điểm quy chiếu là chính tư cách của Họi Thánh Đức Kitô cho tất cả mọi người. Hình ảnh này được nhắc lại bằng hình ảnh cái đèn đặt trên đế. Căn phòng trong đó gia đình và bạn bè quy tụ lại trở nên sinh động nhờ ánh sáng của đèn. Hai hình ảnh này cũng có thể được áp dụng cho từng người môn đệ. Do ơn gọi, người môn đệ phải thông chia ánh sáng cho người khác. Họ không được thiếu ánh sáng, và càng không được thiếu trách nhiệm vì không tạo được mộtảnh hưởng tốt nào trong cộng đoàn. Ánh sáng đây không phải là ánh sáng của các lời nói, cũng chẳng phải là ánh sáng của chân lý lý thuyết, nhưng là ánh sáng của “các việc tốt”, như Đức Giêsu đã đề cập đến (4,23-25) và đã làm (5,3-11) và sẽ còn nhắc đến (7,23; 25,31-46) trong các diễn từ của Người.
Khi đó người ta nhận ra rằng những ân huệ người môn đệ đang có phát xuất từ Thiên Chúa; họ sẽ chúc tụng ngợi khen Ngài. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đòi hỏi con người hành động để tán dương Ngài, khi mà ta thấy là hoạt động cứu độ của Đức Kitô chứng tỏ rằng mọi sự là nhắm mưu ích cho những con cái Thiên Chúa “tuyển chọn” (x. Mt 5,44-48).
+ Kết luận
Từ bản chất của nhiệm vụ được ký thác cho họ, các môn đệ phải là như ánh sáng và muối cho người khác. Bởi vì nhiệm vụ của họ là thúc bách và lôi cuốn, họ phải ở trước mặt người ta, chứ không tránh né. Bởi vì bổn phận của họ là đưa đến mộtcái hoàn toàn mới, họ phải duy trì chân tính của họ, chứ không được tự đồng hóa với môi trường của họ. Chính các “việc tốt” giúp cho môn đệ sống đúng tư cách muối và ánh sáng.
Đời sống của các môn đệ đi theo các huấn thị của Đức Giêsu được coi như là mộtnhiệm vụ lớn. Không ai có thể thay thế họ được; họ phải chịu trách nhiệm về sự kiện trần gian nhận được hương vị và trở thành chan hòa ánh sáng. Xuyên qua đời sống họ, họ phải bày tỏ cách thức hiện hữu của Thiên Chúa, họ phải truyền thông niềm vui của các đứa con với Chúa Cha và chinh phục loài người về cho gia đình Ngài.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Muối tăng thêm hương vị; muối thấm vào thực phẩm để giữ cho khỏi hư thối. Muối hòa tan ra, và được phân phối trong tất cả khối lương thực. Muối có mặt khắp nơi trong khối lượng thực, nhưng muối vẫn là muối, thì mới giữ được giá trị và tính hữu hiệu của mình. Giống như muối, các môn đệ Đức Giêsu phải hiện diện trong môi trường và liên kết với môi trường. Nhưng họ phải cứ là muối, phải bảo toàn được cách cách thức sống của Cha họ (5,48). Muối không phải là mộtviên ngọc, mộtnén bạc phải được cất giữ hoặc đưa ra mà làm cho sinh lãi, nhưng là mộtchất gia vị. Nó sinh tác dụng khi nó chấp nhận “tự hủy” đi, hòa tan vào thực phẩm. Kitô hữu là muối cho đời, bởi vì người ấy không được kêu gọi đi vào mộtcuộc sống tách biệt, xa rời những người khác, nhưng bởi vì người ấy biết tan biến mình đi trong đại gia đình nhân loại để hỗ trợ bất cứ ai cần. Hình ảnh muối chống lại mọi thứ tinh thần phân lập (separatism) kiểu Pharisêu và gợi đến dụ ngôn men vui trong bột (13,23). Kitô hữu không những là người của những người khác, mà còn được gọi sống với những người khác, theo chiều hướng của Đức Kitô (bạn của người tội lỗi và thu thuế: 11,19).
2. Hình ảnh của ánh sáng đi song song với hình ảnh muối, vì ánh sáng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Không có ánh sáng, thì không thể có sự sống; mọi sự chìm vào trong bóng tối và trở nên hỗn độn (x. St 1,1). Như thế, trách nhiệm của người Kitô hữu là không thể lường được. Nếu sự dữ không lui đi, là vì ánh sáng phải đánh đuổi sự dữ đi lại quá yếu hoặc tệ hại hơn nữa, lại tắt mất rồi!
3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải đói khát sự công chính, đói khát lối xử sự công chính (5,6), và đó là mối quan tâm đầu tiên của họ. Cách xử sự này là hình thức căn bản qua đó họ làm chứng về Thiên Chúa Cha. Xuyên qua lối xử sự của họ, các môn đệ phải đưa loài người đến chỗ quan tâm, suy nghĩ và tự hỏi, sao cho cuối cùng loài người cũng hòa với họ trong việc ca ngợi Thiên Chúa. Vậy các môn đệ phải bắt chước cách xử sự của Chúa Cha. Chỉ như thế thì qua lối sống của họ, bản chất của Chúa Cha mới được mạc khải ra và nhận biết. Nhờ những người sống như là con của Ngài, Thiên Chúa muốn được nhìn nhận như là Cha nhân lành và lôi kéo càng ngày càng nhiều người đến với Ngài.
4. Các môn đệ Đức Giêsu phải là mộtđiểm quy chiếu và là ánh sáng, làm cho mỗi sự vật xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó. Do đó, họ phải ở vào mộtvị trí dễ thấy. Kitô hữu không được quên và càng không được cắt đứt sự thông truyền các ân ban mình đang có cho kẻ khác. Họ không được chạy lung tung để tìm người theo phe mình. Họ cũng không được rút lui vào tình trạng vô danh hoặc náu mình vào trong đám đông. Chỉ khi họ có thể thấy được, chứ không đi trốn hoặc đi ngụy trang, thì nhờ họ, Thiên Chúa mới có thể được nhận biết như là Cha nhân lành. Chỉ có lòng nhân ái, lòng tốt, tình yêu, tinh thần phục vụ mới có thể trở thành ánh sáng cho người khác.
5. Môn đệ Đức Kitô phải là mộtngọn đèn đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người trong nhà. Ở vào vị trí sao cho người ta thấy được mình thì hoàn toàn khác với việc tìm cách khoe mình (x. 6,1-18) vì những động lực khác. Chúng ta phải cho thấy các việc tốt đã làm không phải để được người ta khen ngợi (6,2), nhưng để cho nhờ ta trung thành sống bản tính con Thiên Chúa trước mắt người khác, Thiên Chúa được khen ngợi (5,16).
37. Chú giải của Noel Quession
Bài giảng trên Núi đã bắt đầu từ Chúa nhật vừa qua bởi các mối Phúc thật sẽ được tiếp tục trong năm Chúa nhật. Matthêu đã tập họp ở đây những lời dạy của Đức Giêsu mà Maccô và Luca đã đặt vào những bối cảnh khác. Đó là dấu chỉ người ta có thể đưa ra những lời giải thích khác nhau. Những lời dạy của Đức Giêsu thường khá mở rộng để đón nhận nhiều ý nghĩa khác nhau.
“Chính anh em là muối cho đời”
Đức Giêsu nói với những người sống theo các mối phúc Người nghèo khó, người hiền lành, người xây dựng Hoà bình, người bị bách hại.. “chính anh em là muối cho Đời. Hình ảnh này gợi cảm và rất cởi mở, có thể đón nhận nhiều ý nghĩa bổ sung. Vào thời của Đức Giêsu, muối dùng để làm cho đất màu mỡ, dĩ nhiên có trộn với phân bón... Như một loại phân bón để mùa màng được tươi tốt. Ngày hôm nay, muối luôn luôn dùng để bảo quản thực phẩm… nó ngăn cản hoặc làm chậm lại sự phân hủy. Nhưng vai trò thông thường nhất của muối là đem lại hương vị: có muối, ngon đấy... không có muối, tất cả thành nhạt nhẽo.
Đức tin dùng để làm gì? Liệu tin vào Đức Giêsu và sống các mối Phúc thật có thay đổi gì không? Đức Giêsu trả lời: “Đem lại hương vị cho đời?”
Con người hiện đại, còn hơn cả con người của các thời đại trước đây bị chìm ngập trong sự tầm thường và buồn chán mỗi ngày: những cử chỉ máy móc và vô vị của công nhân làm việc theo dây chuyền... những khuôn mặt nhợt nhạt dưới ánh sáng đèn những… những đồ vật được tiêu chuẩn hóa 'bằng nhựa dẻo...” sự nhạt nhẽo trong rất nhiều câu chuyện trao đổi thường ngày... sự cào bằng trước những ý thức hệ... Đời sống có còn thú vị gì không? Nếu người ta nói nhiều về “chất lượng đời sống” thì một cách chính xác chẳng phải người ta đã đánh mất chất lượng ấy hay sao?
Chính trong bối cảnh hiện tại này mà NGÀY HÔM NAY Đức Giêsu lại nói với chúng ta: chính anh em là muối cho đời! Anh em hãy đem niềm vui, sự táo bạo, nhiệt tình vào cái tầm thường mỗi ngày. Anh em hãy đem ý nghĩa đến cho những thực tế, thông thường có nguy cơ trở thành nhạt nhẽo. Anh em hãy đặt Nước Thiên Chúa vào trong các thực tế ấy. Anh em hãy thách đố mọi chủ nghĩa vô thần hiện đại đã bắt đầu loại bỏ đi “khả đăng siêu việt”, tức là muối, của nhân loại... để rồi sau đó không ngừng tuyên bố rằng đời sống là “phi lý” và không có ý nghĩa. Với Đức Giêsu mọi sự đâu có thể mang một ý nghĩa, một “hương vị”; dù là sự đau khổ, sự bách hại, cả cái già và cái chết, sự thất bại cũng xây dựng. Một nhà hiền triết đã viết như thế. Rên rỉ để làm gì? Ai sẽ nói giá trị mầu nhiệm và huyền diệu của thử thách đời sống trong sự hiệp thông với Đức Giêsu?
“Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy cái gì muối cho nó mặn lại? nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi”.
Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người phải “chính thống” không trở thành nhạt nhẽo. Một Kitô hữu đã đánh mất “mùi vị Thiên Chúa”, mùi vị đích thực duy nhất sẽ trở thành vô dụng “Tin Mừng chính là muối, và các bạn sẽ làm ra đường từ muối đó”. Paul Claudel đã cao rao như thế.
Đức Giêsu mạnh mẽ cảnh báo chúng ta: sau một thời gian sống quảng đại và ác liệt, đức tin của chúng ta có thể bị biến chất. Động từ mà chúng ta dịch là “nhạt đi” hay biến chất cũng có nghĩa “trở nên mất trí”... đánh mất lương tri trở thành điên đại! Theo nghĩa của Kinh Thánh…nghĩa là đánh mất. sự khôn ngoan mà đức tin vào Thiên Chúa ban cho (Is 19,11). Thánh Phaolô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan”: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4, 5-6).
Nếu chúng ta trở nên quá vô vị, đó là vì chúng ta đã để cho sức mạnh ăn mòn của muối trong Tin Mừng yếu đi trong đời sống chúng ta. Nếu muối nhạt đi.. Tôi phải đối với giả thiết ấy cho tôi và đời sống của riêng tôi. Nếu mọi Kitô hữu không còn là muối nữa thì người ấy trở nên vô dụng, Người Kitô hữu “con tắc kè” chấp nhận mọi phương thức và mọi tâm thức của thế gian, mặc lấy màu sắc của môi trường người ấy sống, và trở nên vô dụng. “Tôi làm như vậy, bởi vì mọi người đều nghĩ như thế... bởi vì khắp mọi nơi, người ta làm như thế”; chúng ta có đánh mất tất cả nhân cách để theo lối sống tiêu thụ và duy vật không kìm chế không? Chúng ta có thủ lợi từ những bất công xã hội không? chúng ta có để cho mình rơi vào thái độ không hành đạo hoặc chủ nghĩa vô thần viện cớ rằng nhiều người làm như thế xung quanh chúng ta?
Đối với những người trở nên vô vị, với những Kitô hữu đang trở thành một chất thải màu sắc, không mùi vị, Đức Giêsu nói: “Anh em phải khác với thế gian, nếu anh em muốn là muối cho thế gian”..
Một yêu sách, đúng vậy. Nhưng trong một sự khiêm nhường cao cả. Không phải vì người ta là Kitô hữu mà người ta tự động là một con người cao siêu. Mỗi người chúng ta điều biết những giới hạn và những tội lỗi của mình. Nhưng thứ muối mà chúng ta phải đem lại cho thế gian không phải là lòng kiêu ngạo của các nhân đức cũng không phải sự cao siêu của chúng ta mà chính là “điều ' Thiên Chúa đã làm trong chúng ta”.
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Cách nói bóng bẩy thứ hai này có cùng một hình thức và ý nghĩa như cách nói đầu, nhưng còn cao cả hơn nữa! Phải là “mặt trời” cho thế gian! Không có ánh sáng, sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp và sự sống nào cả. Đức Giêsu đã sống trong một xã hội tiền khoa học không biết được nhiều điều, nhưng xã hội ấy gần gũi thiên nhiên hơn chúng ta và cũng hiểu được nhiều điều hơn chúng ta về các thực tại sống. Giờ đây chúng ta, nhờ khoa học mà biết rằng không có ánh sáng, không thể có sự sống. Thật vậy; mặt trời là nguồn gốc duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng tồn tại trên hành tinh chúng ta.
Không có sự quang hợp các chất diệp lục trong cây cỏ thì cũng không thể có bất cứ đời sống sinh vật hoặc con người nào. Không có mặt trời, sẽ không có than đá, dầu hỏa và điện năng... bởi vì không có rừng và thủy triều, mặt trời là một hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa: suối nguồn của mọi sự sống! Từ khi thế giới được tạo dựng, một ánh sángtràn trề chiếu soi mọi vật. “Hãy có ánh sáng!” (St 1,2)
Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1) “Tôi là ánh sáng của thế gian, Đức Giêsu đã nói: “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Trở thành ánh sáng của thế gian quả là một trách nhiệm to lớn.
Bản thân chúng ta rất ít tỏa sáng. Chớ lấy đó mà sinh lòng kiêu ngạo.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng của Chúa. Trong đạo Do Thái, chỉ có Luật của Môsê và Đền Giê-ru-sa-lem mới được gọi là “ánh sáng”. Chúng ta nhận thấy cuộc cách mạng phi thường mà Đức Giêsu định thực hiện? Trước mặt Người là những con người hèn mọn, tật nguyền, bệnh hoạn, những con người đau khổ bởi mọi thứ giày vò (Mt 4,23). Đó không phải là những người đàn ông và đàn bà xuất chúng, nhưng là những, người nghèo khổ, không có văn hóa và cũng không có ảnh hưởng. Những con người không sùng đạo hơn những người khác, với đám đông đó, Đức Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian!”. Chính họ không phải là “ánh sáng” nhưng họ chỉ để ánh sáng xuyên qua và tỏa sáng qua họ đức tin mà họ có trong Đức Giêsu. Đức Giêsu tạo ra cho Người ý tưởng kỳ diệu về nhân phẩm con người khi người để cho Thiên Chúa phong chức cho mình!
Một thành xây trên núi khống tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ”
Từ bờ Hồ Ti-bê-ri-a, người ta thấy thành Safed, ở trên cao với cao độ hơn một ngàn mét, thành được xây trên những núi nằm ngang của dãy núi Ga-li-lê, chiếu ánh sáng của nó ra xung quanh. Đức Giêsu đã thoáng thấy những căn nhà màu trắng của thành được mặt trời chiếu sáng. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, Đức Giêsu cũng thường nhìn thấy Mẹ Người. Đức Maria đốt đèn trong ngày Sa-bát. Một cái đèn khiêm tốn bằng đất nung nhưng đủ để soi sáng “cả nhà” trong gian nhà duy nhất của những nhà người nghèo ở Phương Đông. Hãy soi Sáng Đức Giêsu nói chúng ta hãy soi sáng.
Vấn đề ở đây không phải là sự phô trương của chủ nghĩa đắc thắng, như ngày nay người ta nói. Vì sau đó, Đức Giêsu sẽ khuyên chúng ta: “Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1). Không phải chính chúng ta tự tôn giá trị của mình như những cách phô trương của những người Pha-ri-sêu mà Đức Giêsu từng đả kích (Mt 6, 1.6). Chỉ ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể soi sáng anh em chúng ta. Nhưng ánh sáng ấy muốn soi sáng thông qua chúng ta. “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa sáng ngời trên gương mặt Đức Kitô. Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”. (2 Cr 4, 6-7).
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của Matthêu. Chúng ta nghe Đức Giêsu nói về “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Đức Giêsu ở đây mạc khải một định hướng và trách nhiệm to lớn của các Kitô hữu trong thế gian là phải trở thành “muối cho thế gian, mặt trời của hoàn vũ… không không phải vì vinh quang của riêng mình. Vinh quang ấy dùng để tôn vinh Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã là một người hoàn toàn tách ra khỏi trung tâm của bản thân mình và hoàn toàn hướng về Chúa Cha. “Tôi không cần người đời tôn vinh”, Đức Giêsu đã nói như thế (Ga 5,41)
Về phần chúng ta là những người tội lỗi, rõ ràng nếu chúng ta có chút gì là “muối” và “ánh sáng”, điều đó chỉ do Chúa Cha mà đến. Nếu bạn mạnh khỏe, vui vẻ, quảng đại và tự nhiên thanh khiết, đó là vinh quang của bạn và càng tốt cho bạn. Nhưng nếu bạn là một người yếu đuối mà Thiên Chúa làm cho mạnh mẽ, một kẻ tội lỗi mà Thiên Chúa cứu độ, một người. Ô uế mà Thiên Chúa không ngừng thanh huyện, một người hay thù oán mà Chúa Cha đã dạy sự tha thứ, một người quan tật sâu xa đến tiền bạc mà Thiên Chúa đã giải thoát khỏi mọi thứ của “cải của mình. Nếu bạn là một trong số những người nghèo, khó ấy, đã thất bại nhiều trong mọi thứ công việc mà vẫn hạnh phúc” bởi niềm vui của các mối phúc thật... lúc đó, trường hợp của bạn có thể làm anh em của bạn quan tâm, bởi vì sự khốn khổ của bạn cũng là của anh em bạn và chính họ, họ cũng có thể hy vọng được cứu chữa. Khi nhìn thấy điều tốt lành mà bạn, một người rất yếu đuối đã làm, họ có thể tôn vinh Cha của bạn, Đấng ngự trên trời.
38. Chú giải của Fiches Dominicales
SỨ MẠNG CỦA CÁC MÔN ĐỆ: ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI ANH EM LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Sứ mạng của các môn đệ.
Trong các mối phúc Đức Giêsu đã công bố hạnh phúc cho những người đáp lại lời mời gọi của Ngài và bắt đầu theo Ngài: đó là các môn đệ. Hạnh phúc được ban cho họ từ bây giờ như một quà tặng, ngay trong những hoàn cảnh cụ thể và đôi khi ngay trong những hoàn canh đau khổ tột cùng của đời sống “Nước Trời và của họ”; một ngày kia hạnh phúc ấy sẽ triển nở trong ánh sáng của đời sau: “Phần thưởng của anh em sẽ lớn lao trên trời”.
Tiếp theo lời mở đầu của bài giảng trên núi, Đức Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ Ngài: anh em là muối cho đời... anh em là ánh sáng thế gian. Chúng ta đã bao giờ có một định nghĩa hay hơn định nghĩa này về Giáo hội không? giáo Hội không phải là một cái bình xoay trong đó là những người được cứu độ (ngoài Giáo Hội không có sự cứu độ), nhưng vì ánh sáng trên núi cao chiếu tỏ ý nghĩa cuộc sống và cắm nọc tiêu chỉ đường cho những ai sống trong bóng tối (Is 60), ánh sáng này qui chiếu về nguồn mà nhờ đó nó tỏa sáng! (Cahier Evangile, số 9, tr. 11) trong thế giới sê-mít nơi Đức Giêsu công bố giáo huấn này và nơi Thánh Mátthêu viết Tin Mừng của ngài, muối là một thực tại hằng ngày chứa rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Được dùng trong việc chuẩn bị bữa ăn để cho các món ăn thêm hương vị, muối đã trở nên biểu tượng của tất cả những gì làm cho hiện hữu có hương vị và ý nghĩa, đàng khác một điều đáng chú ý là trong tiếng Latinh, “nếm” (sapere) và “khôn ngoan” (sapientia) có cùng một gốc và trong tiếng Hy lạp và tiếng Do thái, có cùng một động từ vừa có nghĩa “lạt đi” “trở nên lạt lẽo” vừa có nghĩa trở nên vô nghĩa”.
Được dùng trong việc bảo quản thức ăn, muối đã trở nên biểu tượng của sự vĩnh hằng và được sử dụng trong những nghi lễ giao ước - người ta nói Giao ước của muối” (2 Sb 13, 5 và Lv 2, 13) và trong những nghi lễ đón tiếp và cho khách ở trọ. Muối không được lạt đi! Cl. Tassin chú giải: các môn đệ đem hương vị cho đời và bảo đảm sự sống còn của thế gian trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không đảm đương được công việc này và đánh mất tinh thần các mối phúc, họ sẽ chẳng còn giá trị gì và Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ”. (Tin Mừng thánh Mátthêu, Centurion, 1991, tr.62).
2. và “ánh sáng thế gian”.
Để giúp các môn đệ hiểu rõ hơn sự lớn lao và những đòi hỏi của sứ mạng Ngài trao, Đức Giêsu dùng hai hình ảnh.
Trước hết, Ngài nói đến một “thành xây trên núi” có lẽ cảnh trí của thành Safed đã gợi ý cho Ngài. Thành này nằm trên mũi đá phía đông-bắc rặng Haute-Galiê nên ban ngày, những ngôi nhà mầu trắng phản chiếu ánh sáng mặt trời và ban đêm nó tỏa sáng. “Trở nên ánh sáng thế gian”, đó là lời các ngôn sứ loan báo về tương lai của Giêrusalem vào thời Đấng Thiên sai: thành này sẽ là thành phố ánh sáng trên núi mà mọi dân tộc sẽ đi về đó. Là ánh sáng cho thế gian” là sứ mạng được trao cho cộng đoàn các môn đệ. Rồi Ngài nói với các môn đệ người ta đốt đèn không phải để giấu nó “dưới đáy thùng” -dùng để xếp đồ trong những ngôi nhà xứ Palestine- nhưng là để trên “giá đèn” hầu soi cho tất cả mọi người trong nhà. Cộng đoàn các môn đệ mà Ngài sai đến trong thế gian cũng phải như vậy.
Cl.Tassin kết luận: Giáo Hội sẽ thi hành sứ mạng là muối cho đời và là ánh sáng thế gian, bởi sự chôn vùi và sự tỏa sáng chứ không phải là tham vọng chinh phục về địa dư (Sách đã dẫn)
BÀI ĐỌC THÊM
1. Muối và ánh sáng: (Đức cha L. Daloz, trong “Nước Trời đến gần” Desclée de Brouwer, 1 994, tr.48-49)
“Anh em là muối cho đời”. Để có ích, muối không được mất vị của nó: nó chỉ là gia vị! Chính nó không phải là thức ăn, ít ra thường là như vậy: nó giúp cho thúc ăn có hương vị. Trở nên nguồn hương vị thơm ngon, đó là nét độc đáo của chúng ta, những người theo Đúc Kitô, trong thế giới chúng ta đang sống. Nét độc đáo này giúp chúng ta trở nên hữu ích cho đời nhờ sự khác biệt của nó. Chúng ta không được đánh mắt sự khác biệt này: Nếu muối: lạt đi thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Sự khác biệt của chúng ta không ở nơi bản chất riêng của mình hay nơi những tính tốt chúng ta có, chúng ta không tự hào là những người tốt nhất hoặc muốn dạy người khác. Chúng ta cũng được nhào nặn bởi cùng một-thứ bột như tắt cả mọi người. Chúng ta cũng gặp những thuận lợi và những chướng ngại trong chúng ta và chung quanh chúng ta như mọi người. Nhưng chúng ta ra lạt khi không còn liên kết với Đức Kitô, khi không còn qui chiếu về Ngài, khi Ngài không còn là men cho đời sống chúng ta. Lúc đó cuộc sống chúng ta và thế giới chúng ta sống sẽ thiếu hương vị, bởi vì sứ mạng của chúng ta là làm cho thế giới này biết thưởng thức Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài! Hình ảnh ánh sáng nối tiếp và làm rõ hình ảnh về muốí: Anh em là ánh sáng thế gian ánh sáng là để nhìn, chúng tự nó không đủ. Nó vô dụng nếu nó không soi cho thấy gì hết. Đức Giêsu đặt các môn đệ của Ngài trong thế gian ta qui chiếu với thế gian. Ngài không kêu gọi họ đóng khép kín, tách rời người khác. Thánh Gioan cũng nói như vậy nhưng diễn tả cách khác: Con sai họ đến trong thế gian (Ga17, 18). Chính vì vậy, các Kitô hữu sống trong thế gian và trong những hoàn cảnh như mọi người không những là điều bình thường mà còn cần thiết nữa…không sống trong một thế giới khác! Chúng ta phải thực hiện những công việc của ánh sáng, nghĩa là những hành vi tốt hay những việc làm tốt được ánh sáng Thiên Chúa soi chiếu để trở thành những việc làm của chính Thiên Chúa. Nói vậy không có nghĩa là Thiên Chúa mời gọi chúng ta tin rằng mình là người tốt hơn người khác hoặc tự mình, mình có thể hành dộng tốt hơn họ, bởi vì mọi công việc chúng ta làm đều qui về vinh quang Thiên Chúa là nguồn ánh sáng: ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Nơi Đức Giêsu, ánh sáng đã tỏa chiếu trong thế gian. Chúng ta chỉ phản chiếu lại ánh sáng này. Đời sống, hành vi của chúng ta trở nên tấm gương phản chiếu vinh quang Thiên Chúa, trở nên nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người”.
2. “Thấm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng sức mạnh linh hoạt của muối và sự chiếu toả của ánh sáng” (J. Guiuet. Trong Giêsu trong niềm tin của các môn đệ đầu tiên, Desclée de Brouwer, 1995, tr.110-111).
“Matthêu đã xen kẽ hai đoạn ngắn với hình thức dụ ngôn về muối và ánh sáng vào giữa các Mối Phúc và những điều Đức Giêsu công bố về Luật (Do Thái). Cả hai đoạn này đều nhắm một nhóm riêng, phân biệt rõ ràng với những người đi theo nghe Ngài giảng, bởi vì nhóm này phải hành động theo lời Ngài dạy: “Anh em là muối cho đời”, “Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5,16). Trong bối cảnh Bài giảng trên núi, rõ ràng Đức Giêsu nói với các môn đệ theo Ngài. Và nếu không loại bỏ đám đông náo nức theo Ngài, chúng ta có thể tin rằng sứ điệp của Đức Giêsu đã gây một tiếng vang nào đó trong đám đông và có thể một hạt nhân các môn đệ thành hình, gồm phụ nữ và đàn ông muốn theo Chú, tuy nhiên họ không làm thành một dân tộc mới, họ vẫn luôn thuộc về dân của Abraham, của Môi-sen: họ là những người mang sứ điệp mới trong dân tộc họ. Điều này không có gì là lạ bởi vì người Israel đã có thói quen nghe các ngôn sứ nói đến tương lai mà Thiên Chúa đang chuẩn bị, tương lai đó có lúc đen tối, có lúc lại rực rỡ. Tuy nhiên, tương lai Đức Giêsu phác họa hoàn toàn khác trước.
Ở đây sự song hành với biến cố Sinai giúp làm sáng tỏ hơn. Một nhóm nhỏ những người dân giã tương ứng với dân chúng đông đảo tụ tập dưới chân núi của Thiên Chúa. Nhưng trong khi ơn gọi của dân Israel là làm chứng cho Thiên Chúa và là dấu chl sự chúc phúc của Thiên Chúa ở giữa các dân tộc, thì sứ mạng của nhóm hạt nhân nhỏ này là thẩm nhập vào nơi thâm sâu của thế giới bằng bức mành linh hoạt của muối vô sự chiếu tỏa của ánh sáng. Abraham là người được Thiên Chúa chúc phúc và mọi dân tộc trên mặt đất đều được chúc phúc qua ông (St 12,1). Dân lsrael của Môisen phải trở nên một dân lớn và mọi dân tộc khác đều thán phục cách ăn ở và tinh thần của họ: Khi biết đến các lề luật này, họ sẽ thốt nên: Chỉ có một dân tộc khôn ngoan và minh mẫn, đó là dân tộc lớn này. Thật vậy, có dân tộc nào lớn đến nỗi các thần linh của họ gần gũi họ như Giavê, Thiên Chúa của chúng ta ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Ngài”. (Dnl 4,6) Theo Đức Giêsu chỉ có một số môn đệ. Tuy sống trong lòng một thế giới còn chưa biết đến mình, nhưng họ lại mang theo mình một sức mạnh khả dĩ biến đổi thế giới. Bởi vậy, sự tỏa chiếu của các mối phúc trở nên động lực cuộc sống.
3. “Xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi”. (H. Denis, trong ‘100 từ để nói về niềm tin’, Desclie de Brouwer, 993, 95-96).
“Muối! Tại sao lại chọn vật nhỏ bé chẳng là chi hết ngoài công dụng như một thứ gia vị? Một số Kitô không còn quen dùng nữa. Giáo Hội đôi khi còn nuối tiếc việc bỏ không dùng muối trong bí tích rửa tội. Một sự tiếc nuối vô ích khi mà nó không thúc đẩy người ta dấn thân.
Muối Tin Mừng còn quan trọng hơn một nghi lễ rất nhiều Bạn hãy mường tượng và chúng ta còn sửng sốt về điệu này muối là chính bạn là chính tôi, là tất cả môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ Đức Giêsu là phải là muối cho đời. Chỉ vậy thôi! Một tham vọng ghê gớm, nếu chứng tá tự cho mình là những người tốt nhất, là giả vị duy nhất trong đám đông nhạt thếch, không có vị mặn. Nhưng đó sẽ là một trách nhiệm lớn lao nếu Đức Giêsu trao cho chúng ta một sứ mạng như vậy và cách thế để thực hiện nó. Vâng, trước hết chúng ta có trách nhiệm của một loại giao ước giữa cái là muối và cái chưa phải là muối. Môt thế giới không có muối thì chẳng có một chút hương vị nào, nhưng nếu ở ngoài thế giới này thì muối cũng vô dụn, Kitô hữu và thế gian là hai thành phần liên kết với nhau. Cả hai được tạo dựng để trộn lẫn với nhau. Hơn nữa, người trước tiên được lợi chính là người Kitô hữu, vì họ phải ướp mặn nơi họ tất cả những gì chưa là Kitô hữu. Một trách nhiệm khác mầ bạn biết rất rõ, đó là đừng la nhạt. Bạn đừng nghĩ rằng để tránh điều này bạn phải trốn khỏi thế gian ắt hẳn sẽ có nguy cơ bị tan rã ở đó cách đơn thuần và dễ dàng. Nhưng muối mà chất đống và để nguyên một chỗ cũng có nguy cơ bị phân hủy đi. Vậy bạn hãy nói cho tôi biết, nếu giữa người với người, giữa những Kitô hữu với nhau, chúng ta cố gắng duy trì vị hương cho thế giới của chúng ta thì phải làm thế nào? Không thể chỉ cậy vào mình. Phải có thể nói: Xin đưa cho tôi chút muối? như là trong bữa ăn của đôi vợ chồng, của cha mẹ và con cái. Vâng, nếu có bao giờ Tin Mừng nơi bạn nhạt nhẽo đi thì luôn có một người anh, một người chị để bạn hoàn toàn tin tưởng nói với họ: “xin hãy trao ban chính bạn làm muối ướp đời tôi!”.
39. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Có lẽ các câu này là lời đả kích đường lối bí truyền hoặc việc xa lánh thái quá thế gian (do ảnh hường của nhóm Essêni). Các khuynh hướng ấy có phải là những cám dỗ thường xuyên của Kitô giáo không? Ngày nay chúng đội hình thức nào?
2. Đâu là tầm quan trọng của muối trong thế giới cổ xưa.. phải chăng nó có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt? Một công dụng đặc biệt?
3. Vì sao một thành phải được ưu tiên tọa lạc trên ngọn núi?
4. Đâu là ý nghĩa của chữ “ánh sáng các con “ trong thành ngữ “ánh sáng các con phải chói lọi trước mặt mọi người?
5. Các câu này có tạo nên mối liên hệ giữa người Kitô hữu và trách vụ truyền giáo của họ không? Mối liên hệ nào?
6. Người Kitô hữu là muối cho đời theo nghĩa nào? (Xem Lv 2, 13).
7. Làm sao dung hòa các câu 14- 16 với Mt 6, 1-18?
***
1. Trong thế giới cổ xưa, muối và ánh sáng được xem như là hai thực tại chẳng ai có thể bỏ qua: không gì ích lợi hơn muối và mặt trời (Pline trưởng lão, Htst. nst. 31, 102). Cả hai cũng thường được nhắc đến trong Cựu ước.Muối là một sản phẩm cần thiết bậc nhất của dân Bedouin (Ả Rập phiêu cư) (Hc 39, 26); nó tiêu hủy những cái gì xấu (2V 2, 19- 21; Đnl 29, 22; Tl 9, 45; Gr 17, 6; Xp 2, 9; G 39, 6) Nó nên thực phẩm (G 6, 6; Cl 4, 6) và, vì là thứ gia vị chủ yếu của mọi bữa ăn và mọi hy tế (Xh 30, 35; Lv 2, 13; Ed 43, 24), nên muối trở thành biểu hiệu của sự hiếu khách, của minh ước và giao ước Lv 2, 3; Đnl 28, 69; Ed 4, 14). Sau hết nó là biểu tượng của sự khôn ngoan (xem Phụng vụ Bí tích rửa tội - liên hệ với Ed 16,4) mà thỉnh thoảng nó được nối kết với, trong lời giảng huấn của các giáo sĩ; bấy giờ nó chỉ sự khôn ngoan hoàn hảo mà người hiền triết sẽ thủ đắc trong thời thiên sai.
2. Ánh sáng cũng năng được sử dụng như là một biểu tượng trong Thánh kinh, nơi nó thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Trong Isaia Đệ nhị, người Tôi tớ Giavê được công bố là” ánh sáng muôn dân (49, 6); Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (42, 6). Trong sách các giáo sĩ, tước hiệu, “ánh sáng thế gian” được gán cho Thiên Chúa, cho Ađam, cho Israel, cho lề luật, cho Đền thờ và cho Giêrusalem. Trong Tân ước người ta xác quyết Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian” (Lc 2, 32; Ga 8, 12; 12, 35). Và theo gương Người, các môn đồ phải trở nên ánh sáng của nhân loại (P 12, 15; so sánh với Ep 5, 8-14).
Kiểu nói trực tiếp trong Mt “Các con là muối... là ánh sáng, được giải thích qua sự kiện dụ ngôn đi tiếp theo Tám mối phúc thật. Nếu các môn đồ biết từ bỏ của cải, biết sống hiền lành khiêm nhượng, nhân ái từ bi, can đảm trong thử thách, kiên quyết theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, thì bấy giờ người ta mới có thể nói thực với họ: “Các vị là muối cho đời và là ánh sáng cho thế gian”. Phần tiếp của Diễn từ sẽ cụ thể cho thấy cách thức của người môn đồ tự tỏ mình là muối, là ánh sáng.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Các con là”: Thành ngữ có lẽ mượn ở Xh 19, 6: “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân thánh cho Ta”. Giavê đã nói với dân Ngài đã chọn giữa muôn dân. Chúa Giêsu ở đây nói với môn đồ Người đã chọn giữa loài người. Như Giavê đã xác định ơn gọi của tuyển dân, Chúa Giêsu cũng minh định sứ mệnh của các môn đồ Người.
“Muối cho đời “: “Đời”, ám chỉ loài người, là một từ ngữ quen thuộc với Cựu ước. Ở đây “đời” song song với “thế gian” của câu 14. Người môn đồ chẳng phải là muối của đất, vì không bao giờ muối được dùng như phân bón, nhưng là muối cho đời cho thế gian. Ở đây Mt nhấn mạnh cốt để nói rằng “muối” không chỉ cần thiết cho bản thân người môn đồ, như là một phẩm chất nội tại, song còn cần thiết để chu toàn sứ mệnh của mình đối với nhân loại. Do đó phẩm chất cấu thành môn đồ không thể tách rời khỏi chức vụ truyền giáo của kẻ ấy. Đây là một nét nói lên chiều hướng phổ quát và truyền giáo mà Mt thích dùng.
“Nếu muối ra lạt”: Có thể giải thích hai cách:
1. Hình ảnh dựa vào thứ muối dơ bẩn lấy ở phía Tây-Nam Biển Chết thời Chúa Giêsu (trên bờ dốc Djebel-ousdeum). Loại muối màu xanh lạt này, có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô đụng dưới tác dụng của ẩm ướt. Ta vần có thể gọi nó là muối, nhưng thực ra không phải là muối nữa.
2. Đúng hơn, có lẽ Chúa Giêsu đã muốn gợi lên một hình ảnh không thể có, để làm ta lưu tâm hơn đến tính cách nghịch lý của một môn đồ đã đánh mất cái tạo nên chính bản chất môn đồ.
“Thì lấy gì muối nó lại”: Phàm kẻ phải trở nên nguyên nhân hoàn thiện cho bao người khác thì không thể nhận lãnh từ họ cái mà y phải trao hiến cho họ. Nếu y đánh mất nhân đức, người khác không thệ hoàn lại cho y.
“Nó không còn ích gì”: Muối nhạt chẳng lợi ích gì nữa, ngay cả làm phân bón. Người môn đồ cũng vậy. Đánh mất sự cao quý của mình, kế đó trở nên đối tượng khinh khi, như thế mảng trong mình một sự thối nát đặc biệt; tình yêu ngày trước của y đi dần tới chỗ tiêu tán. Câu “Chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta dẫm đạp đi thôi “ gợi lên cảnh đường sá vương vãi rác rền cặn bã ở phương Đông ngay xứ. Đây là hình ảnh nói lên việc kết án người môn đồ đã mất tinh thần của ơn gọi mình.
“Ánh sáng của thế gian”: ánh sáng của thế gian có nghĩa là cho thế gian, chứ không phải thuộc về thế gian hay là bản chất của thế gian. “Một thành tọa lạc trên núi”: đây là hình ảnh của một xứ mà các thị trấn thôn làng thường được xây trên các cao điểm (để có vị thế chiến lược đề phòng mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào). Điều đó đặc biệt đúng đối với Giêrusalem, thành mà ta có thể thấy từ rất xa. Trong trường hợp này, tuyệt đối không thể che dấu thành được. “Ánh sáng của các con”: Lời Thiên Chúa được Chúa Kitô đem đến thì sống trong môn đồ và đơm hoa kết trái trong cách ăn nết ở của họ. Ánh sáng, chính là Chúa Kitô, Đấng đóng ấn người trên các môn đồ. Đức tin chân thành và ngay thật của họ phải tỏ hiện ra trong các việc họ làm. Các hành động này phải có một phẩm chất, một tính cách hoàn thiện thế nào đó khả dĩ khơi dậy được, lời những kẻ chứng kiến, lời ngợi ca Thiên Chúa.
“Ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm”: Làm sao dung hòa câu này với 6, 1-18 (nhất là các câu 1-2. 5. 16)? Thưa động lực khác nhau trong hai bản văn: ở đây động lực là vinh quang Chúa Cha trên trời; còn trong 6, 1- 8 động lực là sự tìm kiếm lời khen ngợi bản thân để thỏa mãn lòng khoe khoang tự phụ (x. 6, 2-5: “hầu được vinh vang nơi người đời... hầu được bày ra cho người ta thấy...”). Cách hành động cũng khác nhau: ở đây, người môn đồ phải tỏ ra như là Kitô hữu: trong 6, 1-18 Chúa Giêsu kết án việc phô trương nhắm mục đích làm người ta chú ý.
KẾT LUẬN
Môn đồ Chúa Kitô nhất thiết phải ảnh hưởng trên nhân loại. Nếu chấp nhận hạnh phúc theo quan điểm của Chúa Kitô, thứ hạnh phúc của Bát phúc, thì người môn đồ mới có thể tỏa chiếu trong thế gian và ướp mặn môi trường sống của mình.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Người Kitô hữu toan thất vọng trước kết quả nghèo nàn của nỗ lực mình, phải can đảm lên bằng cách nhớ rằng mình thực sự quan trọng đối với thế giới hôm nay, mặc dầu bề ngoài có vẻ trái ngược, nhớ trong mình là muối và ánh sáng của trần gian. Nhân loại sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có sự hiện diện là hành động của người Kitô hữu trong thế giới.
2. Người Kitô hữu toan nhụt chí và bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, cũng phải nhớ lại rằng, vì là muối và ánh sáng của vũ trụ, mình không thể chấp nhận đào ngũ hay buông thả mà không phản lại với bản tính sâu xa và lý do hiện hữu của mình.
3. Chính việc can đảm thực hiện Bát phúc giúp người môn đồ Chúa ki tô trở nên muối và ánh sáng của vũ trụ. Còn tất cả mọi đường lối hoạt động khác chỉ đưa đến sự lạt lẽo vô vị hay tăm tối u minh.
4. Lương dân sẽ trở lại trong mức độ thấy chung quanh họ có nhiều Kitô hữu xác tín sống không phô trương cũng chẳng khiếp nhược cuộc sống môn đồ Chúa Kitô trong nếp sinh hoạt đều đặn khiêm tốn thường ngày. Đó là “chứng tá của Kitô hữu, là hành động truyền giáo duy nhất có hiệu quả trong một thế giới tin vào việc làm nhiều hơn vào lời nói.
40. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian
Lời mời gọi của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay vang lên thật khẩn thiết, gửi đến trước hết là các môn đệ, sau là chúng ta những người tín hữu đang sống ở mọi nơi và mọi thời đại. Sau khi Đức Giêsu công bố Tám Mối Phúc, Ngài phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Ngài mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” sống theo Ngài.
Quả thật, những lời Chúa Giêsu chứa đựng căn tính kitô giáo của chúng ta: “Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian”. Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối” và là “ánh sáng” nhưng là “muối” “ đất” và là “sự sáng” “thế gian”.
Tại sao lại là muối đất?
Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối: “Đó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Đức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói: “Các con là muối đất” (Mt 5, 13).
Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để tra vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, ướp đồ ăn tránh khỏi hư.
Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.
Sao lại là sự sáng thế gian?
Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian”, chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Cũng trong phụng vụ hôm nay ngôn sứ Isaia nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).
Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng: thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Là muối đất và là sự sáng thế gian
“Các con là sự sáng thế gian”, những lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm và những gì chúng ta là Kitô hữu.
Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi rằng, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Đức Kitô trong các bí tích, Lời của Ngài và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Kitô Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Ngài. Hiệp nhất với Ngài, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan thật trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và hành động của con người.
Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ . Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Do đó mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Đức Kitô gửi đến mỗi chúng ta là hãy tỏa sáng “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội: “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2 Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Đại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).
Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong “Đức ái”, không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và “quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Bài đọc II).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con làm thế nào để tuyên xưng đức tin của chúng con, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam