Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1371310

NHÌN LÊN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU

Nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm John Nguyễn Tươi)

 

“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3,14)

Trong Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, ngài thuật lại việc Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đi-mô rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, thì Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Hình ảnh con rắn là biểu tượng của loài sảo huyệt trong sách Sáng thế thuật lại, nó dụ dỗ Adam và Eva sa ngã phạm tội, chống lại Thiên Chúa. Thế nhưng, Tin Mừng hôm nay lại nói, ai nhìn lên con rắn đồng thì lại được sống. Chúng ta sẽ đặt ra đặt câu hỏi, con rắn đồng của Mô-sê có ý nghĩa gì? Đây là vấn đề cho chúng ta tìm ra ý nghĩa ánh sáng Lời Chúa.    

Thánh Kinh thuật chuyện dân Do Thái khi họ trên đường tiến vào vùng đất hứa đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Họ nặng lời với Môi-se, ngài có sứ mạng dẫn dân Chúa đến vùng đất hứa, họ nói rằng: “Vì sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai Cập, khiến chúng tôi phải chết trong sa mạc này? Chúng tôi chẳng có nước uống, cũng chẳng có gì ăn ngoài loại bánh đạm bạc mà chúng tôi đã chán ngấy!” Thiên Chúa đã sai rắn  đến và cắn nhiều người chết. Người ta chạy đến với Môi-se kêu lên rằng: “Chúng tôi có tội, vì đã nói xúc phạm đến Chúa và ông. Xin ông cầu với Chúa để Ngài đuổi rắn đi.” Môi-se tha thiết khẩn cầu thay cho dân. Thiên Chúa đã đáp lời, Ngài phán cùng Môi-se rằng: “Con làm một con rắn đồng, treo trên cây. Người nào bị rắn cắn chỉ cần nhìn nó là được sống.” Vậy Môi-se làm một con rắn bằng đồng, treo trên một cây sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn lên con rắn đồng, liền được thoát chết. (Dân Số 21:6-9)

Đoạn Tin Mừng này, thánh Gioan nhắc lại sự kiện lịch sử thời của Môi-sê dẫn dắt dân chúng thoát khỏi lưu đày. Nhưng ai bị rắn cắn và nhìn lên con rắn bằng đồng thì sẽ được cứu sống. Con rắn bằng đồng là hình ảnh của Chúa Giê-su bị treo lên cây thập giá. Ngài chịu đau khổ, bị sỉ nhục, đóng đinh và chết trên cây thập giá, để chuộc tội cho nhân loại, hễ ai nhìn lên Thánh giá Chúa và tin vào Ngài, thì dù bị nọc độc tội lỗi tàn hại cũng được chữa lành, mỗi hành vi sám hối của chúng ta đều được Ngài tha thứ. Các phòng mạch bác sĩ ngày nay cũng dùng hình ảnh con rắn để nói đến sự chữa lành. Qua hình ảnh con rắn bằng đồng trong Cựu Ước,  chúng ta thấy rằng: nhiều người đã bị rắn độc cắn chết, không có thứ thuốc nào chữa được, nhưng nhìn lên con rắn thì được cứu chữa.

Cũng vậy, nhân loại ngày nay không có phương cách nào để tự giải trừ tội lỗi, giải cứu linh hồn mình ra khỏi lửa địa ngục: “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thiên Chúa” và “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rm 3:23). Cho dù, ngày nay khoa học có tiến bộ hơn, nhưng khi con người không biết kính sợ Thiên Chúa- Đấng Tạo Hóa, thì con người vẫn đi trong tăm tối, vô vọng, và trở nên tàn ác hơn. Tội lỗi gian ác là nọc độc phá hoại tâm trí và linh hồn con người bởi nọc độc của quỷ vương từ khi tổ phụ loài người phạm tội, và nọc độc tội lỗi ấy lan truyền cho con người hôm nay. Nhưng, Chúa Giê-su đã đến trần gian để đã nhận chịu nọc độc của tội lỗi thay cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta đến với Chúa Giê-su thì tất cả nọc độc của tội lỗi trong chúng ta đều tan biến, mắt chúng ta nhìn biết Đấng Tạo Hóa mình, tai chúng ta nghe được tiếng êm dịu đầy tình yêu của Ngài, để chúng ta kịp thời ăn năn, thống hối và được ơn tha thứ của Thiên Chúa, đó là ân phúc Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại qua Người Con Chí Thánh của Ngài, chúng ta được sự sống đời đời.

Lạy Chúa, Xin cho chúng con nhận ra ơn huệ lớn lao này, nhờ đó chúng ta được chữa lành vết thương và nọc độc đang phá hoại tâm hồn và thể xác con. Căn bệnh của sự kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, dục vọng đang bám lấy tâm hồn con, thì xin cho con biết nhìn lên Thánh Giá Chúa Giê-su mỗi ngày để được chữa lành tâm hồn và thể xác con. Amen.

 

 

 

 

 

62. Suy niệm của Lm. Jude Siciliano

 

Câu truyện dưới đây tác giả đặt sau bài suy gẫm, kiểu như để đọc thêm. Người dịch lại chuyển lên đầu, để giúp minh họa cho nội dung bài Tin Mừng hôm nay. Lý do là độc giả Việt Nam không thích suy luận trừu tượng, ưa những gì cụ thể. Truyện của nữ tác giả Ann Lamott trong sách Bird by Bird (Từng Con Chim).

Một em bé trai tám tuổi có người em gái sáu tuổi đang hấp hối chết vì bệnh ung thư máu. Để cứu được bệnh nhân người ta cần đến một loại máu tương tự. Cha mẹ giải thích cho con trai là đi thử máu để xem có thích hợp với máu của em gái không? Em nhanh nhẹn bằng lòng. Sau khi thử, hai loại máu hoàn toàn am hợp. Rồi các bác sĩ đề nghị em cho em gái mình vài phân khối máu để cứu em. Đứa anh lưỡng lự nói để suy nghĩ xem sao qua một đêm.

Sáng hôm sau, vừa thức dậy, em chạy đến phòng cha mẹ trả lời là em sẵn sàng hiến máu. Cha mẹ vui mừng đưa em vào bệnh viện, nơi con gái đang nằm chờ chết. Người ta đưa em lên giường để hút máu nơi cánh tay. Sau đó người ta tiếp máu cho bệnh nhân. Chỉ một vài lượng máu mà đứa con gái nhỏ thoát khỏi thần chết. Mọi người vui mừng. Một bác sĩ đến giường người cho máu để xem lại sức khỏe cho em. Đứa anh trai đang nằm lim rim mở to đôi mắt hỏi: “Thưa bác sĩ bao lâu nữa thì con mới chết?” Bác sĩ mỉm cười. Với tâm hồn ngây thơ, em cứ ngỡ cho máu như thế là mình sẽ chết thay cho em gái.

Trong câu truyện với Nicôđêmô Chúa Giêsu cũng đề cập đến việc Ngài sẽ chết thay cho nhân loại. Nhưng là chuyện tương lai, cho nên khó mà nắm bắt được hết ý nghĩa. Giọng văn của thánh Gioan thâm trầm, súc tích lại càng làm cho độc giả bối rối hơn. Mỗi câu, mỗi chữ gói ghém nhiều tư tưởng, đến nỗi dù đã ở trong nghề giảng thuyết nhiều năm, tôi vẫn phải ngồi bóp chán suy nghĩ lâu giờ. Bài Tin Mừng đúng là một thách thức cho những khối óc lớn, làm sao giới lao động hiểu nổi? Tuy đã đọc nhiều lần trước đây, hôm nay tôi vẫn phải tự hỏi: Chúa Giêsu ám chỉ điều chi trong câu truyện thù tiếp với ông Nicôđêmô? Làm thế nào mà giải thích nó cho thính giả bình dân? Phúc âm nhất lãm dễ hiểu hơn. Các câu truyện của chúng ngắn gọn và sống động. Hình ảnh rất cụ thể, dễ cho các nhà rao giảng khai triển đề tài. Tuy nhiên nhiều linh hồn đạo đức lại thích Phúc âm của thánh Gioan. Họ có thể ngồi hàng giờ, giở từng trang, nghiền ngẫm từng chữ cho tâm trí thoả niềm nguyện ngắm. Đoạn Tin Mừng hôm nay thêm phần rắc rồi ở chỗ nó được trích ra ở khoảng giữa bài huấn giáo thật dài Chúa ban cho ông Nicôđêmô (3,1-21), bởi vậy khi đọc lên, người ta nghe như hoàn toàn lạc lõng và quá nặng nề đối với một cộng đoàn quen thuộc những bài đọc dễ hiểu hơn. Tôi cũng không dám chắc bài đọc 1 trích từ sách 2 Biên Niên Sử có thoáng hơn bài Tin Mừng chăng? Xem ra nó là một bản tóm lược lịch sử cứu độ và như vậy nó cũng gây khó khăn không ít cho những người rao giảng. Khi đọc lần đầu tôi thấy chúng mơ hồ và có rất nhiều giọng điệu thần học bí nhiệm.

Rào trước đón sau như vậy tôi mới dám bầy tỏ trực giác của mình về nội dung Tin Mừng, tuy nhiên cũng chưa thể đi thẳng vào đề tài, xác địch ngay những điều Phúc âm muốn nói, mà phải suy gẫm hàng giờ xem bằng những hàng chữ này, Thánh Thần muốn mặc khải những chi cho linh hồn tôi và linh hồn các thích giả của tôi.

Điều đầu tiên tôi khám phá ra trong bài huấn từ,Chúa Giêsu nhiều lần quy chiếu về lịch sử cổ xưa của dân tộc Do thái, đặc biệt về hành trình vượt sa mạc, tiến vào đất hứa. Trong mùa chay này giáo xứ chúng ta cũng có nhiều cuộc hành trình thiêng liêng tương tự. Phải lợi dụng chúng để chỉnh đốn lại tâm hồn mọi người. Vừa thoát khỏi ách nô lệ, Ai cập dân Israel tay sách, nách mang vượt qua nhiều con đường dài, khô cằn, vất vả, họ trở nên mỏi mệt, kêu trách ông Môsê đã hành hạ họ và như thế gián tiếp ta thán Thiên Chúa: Sách Dân số ghi lại như sau: “Từ núi Ho, họ lên đường theo Biển sậy, vòng qua lãnh thổ Êdom, trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Israel mất kiên nhẫn, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môise rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc?” (4,21). Thiên Chúa nổi giận với họ, vì họ đã bất trung. Ngài cho rắn độc từ trong rừng bò ra cắn chết rất nhiều người. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng, đây là một loài rắn độc. Từ “Saraph” nghĩa là rắn lửa. Gọi như vậy vì các vết thương đỏ lên, rất độc và đau đớn.

Điều thứ hai là: ông Nicôđêmô đến nói chuyện với Chúa Giêsu vào ban đêm. Một người đang ngồi trong bóng tối tìm đến Ánh sáng soi đường. Và ông được bảo cho biết Đức Chúa trời phán xét thế gian. Ý tưởng thật dễ sợ. Những ai quen ăn ở độc ác nghĩ đến điều Thiên Chúa phán xét hẳn phải rùng mình sợ hãi. Đây không phải là chuyện đùa, phép công thẳng của Ngài đã từng được minh chứng qua dòng lịch sử. Cả một dân tộc bị Chúa phạt thua trận, đi đầy, thành quách bị phá đổ, cửa nhà tan hoang, không còn nghi lễ, không còn tư tế, trẻ nhỏ bị sát tế dâng tiến ngẫu tượng (bài đọc 1). Những ai ăn ở bất toàn cũng không thể đứng vững trước mặt Thượng Đế. Nguyên nghĩ về truyện này mà thôi đã thất lạnh sương sống, nói chi đến thực tế hãi hùng? Tuy nhiên án phạt của Thiên Chúa nối kết chặt chẽ với ơn thánh của Ngài. Thật lạ lùng! trí khôn nhân loại không thể hiểu thấu. Bởi lẽ án phạt lại là một hành động yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu, nơi Ngài không có bóng tối đố kỵ, ghét ghen. Mọi hành động của Ngài đều là yêu mến, phát xuất từ tình yêu. Điều lạ lùng trên hết mọi sự lạ! Cho nên án phạt là từ chối tình yêu của Đức Chúa Trời: “Kẻ không tin thì đã bị lên án rồi vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”. Do đó án Đức Chúa Trời tuyên trên nhân loại là sai con của Ngài, Ngôi Hai, nhập thể để giải phóng chúng ta khỏi tội, khỏi đêm tối Nicôđêmô. Ánh sáng đã đến trong thế gian chiếu trên bóng tối linh hồn mỗi người. Người ta muốn xa tránh ánh sáng này cũng không được nữa, bởi nó là ánh sáng thấu suốt mọi sự, chiếu trên tội lỗi của chúng ta và bày tỏ án phạt cho mỗi người. Nói cho đúng, dân Israel bị lưu đầy, đền thờ bị phá huỷ không phải vì Thiên Chúa mà do tội bât trung của mình, họ đã từ chối thắng trận, từ chối ơn bảo trợ của Đức Chúa Trời.

Chúa Giêsu nhắc nhớ ông Nicôđêmô về biến cố rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người Do thái vì bất trung. Ông Môsê đã làm gì để cứu dân? Thiên Chúa truyền cho ông treo một con rắn bằng đồng lên cây cọc giữa sa mạc. Bất cứ những ai nhìn lên, kêu cầu con rắn đó đều được chữa khỏi. Vậy thì con rắn đồng đứng làm biểu tượng cho ơn cứu rỗi đến từ Thượng Đế. Thiên Chúa một lần nữa lại là nguồn ơn giải phóng cho toàn dân, đúng như khi họ còn ở Ai cập. Với đức tin, một cái nhìn hướng về con rắn, hứa hẹn ơn cứu chuộc. Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy ý nghĩa song hành giữa Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá và con rắn đồng của Môsê. Nhưng đối với ông Nicôđêmô thì không, ông chưa thể nhìn ta vế thứ hai của câu truyện, vì thế ông chưa hiều được, ông cần cần nhờ sự soi sáng đến từ trời cao. Chúng ta cũng phải ngang qua những giây phút hoang địa của cuộc đời, những hoang tưởng trên con đường tiến về Thượng đế. Biết bao nhiêu cám dỗ xúi dục chúng ta thất vọng, mất tin tưởng vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa, không phải chỉ trong những thử thách lớn, mà ngay trong các biến cố của cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải thường xuyên dừng lại, nhất là mùa chay này, nhìn lên Chúa cứu thế để xin thêm đức tin, chỉnh đốn lại cuộc sống. Đến đây tôi nhớ đến bài hát nổi tiếng của Johnny Cash: “Tôi bước đi trên dấu đường đã vạch” (I walk the line). Anh hát về lòng trung thành của mình với người yêu: “Suốt cả thời gian ấy tôi đã mở to đôi mắt… bởi em là của tôi, tôi đang bước đi trên dấu đường đã vạch.” Hôm nay cũng là thời gian và cơ hội để chúng ta mở to đôi mắt, nhìn những dấu chân đi hoang của mình suốt năm qua. Đặt ra những câu hỏi thích hợp để cật vấn lương tâm: Nếu tự do và mục tiêu của tôi là Đức Chúa Trời, thì tôi đã suy nghĩ thế nào khi chọn lựa các quyết định thường nhật? Tại sao tôi ngu xuẩn đến thế? Tại sao tôi không bước đi trên dấu đường đã vạch từ khi chịu phép thanh tẩy? Con đường hiện nay tôi đang tiến bước có dẫn đến Thiên Chúa hay không? Chúa Giêsu đến để bật sáng lên ngọn đèn trong đêm tối tương lai, nhờ ánh sáng của Ngài mọi sự đã rõ ràng, chúng ta nhận ra các chướng ngại vật, bấy lâu làm bao người vấp ngã. Đó là tham, sân, si, là các dục vọng, thói xấu làm điên đảo lòng người. Liệu chúng ta có cương quyết tránh xa? Hay lại dấn thân sâu đậm vào chúng hơn nữa? Đâu là những con đường giả tạo chúng ta đã theo đuổi? Lúc này, có đúng là chúng ta đang bước đi trên “dấu đường” Chúa Giêsu đã chỉ và ban ơn cho chúng ta dõi theo?

Sự lượng định lại giúp dễ nhận ra những thực tại bất ổn trong lương tâm mỗi người, tuy rằng làm như thế có thể khiến chúng ta thất vọng, nhát đảm về mình. Nhưng xin hãy can đảm kết án mạnh mẽ những thiếu xót của lòng mình và lắng nghe sứ điệp Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô hôm nay. Đừng liên tưởng về người khác mà là về chính bản thân.Thiên Chúa sẽ tuyên án trên chúng ta, cái án mà Ngài đã áp dụng cho toàn thể nhân loại: Sự tha thứ qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Đức tin chân chính sẽ khích lệ chúng ta ít nhìn về mình, nhưng về Chúa Giêsu, con rắn đồng treo trong “sa mạc” cuộc sống. Nhìn như thế sẽ giúp chúng ta được chữa lành nhanh chóng khỏi các vết thương do Satan, thế gian và xác thịt gây nên, hàn gắn các tương giao đã bị đổ vỡ, trái tim chai đá và độc ác, lòng đạo lạnh nhạt và muôn vàn thiếu xót khác.

Có tất cả hơn ba trăm lời tiên tri về Chúa Giêsu trong Kinh thánh Cựu ước. Ngài đã làm tròn tất cả. Hôm nay những hình ảnh được nhắc trong huấn từ Chúa dành cho ông Nicôđêmô là: Người Con duy nhất, Con Người, Con Một Thiên Chúa, Ánh sáng và Ơn cứu độ thế gian. Những tước hiệu này là đặc trưng của Phúc âm theo thánh Gioan. Nhưng cũng là tước hiệu thiết thân trong mỗi linh hồn tín hữu. Chúng mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau, tuy nhiên, tất cả đều quy hướng về Chúa Kitô. “Con loài người” phải được “giương cao” là tư tưởng chủ đạo trong bài diễn từ. Và thực sự Chúa Giêsu đã được “giương cao” trên thập tự. Một đằng sự kiện này tố cáo chúng ta đã trung thành với Thiên Chúa thế nào? Đàng khác nó đòi hỏi chúng ta phải tiến bước ra sao trên con đường tự do. Sự dấn thân theo Chúa phải trả giá bằng hy sinh và đau khổ cá nhân. Nhìn Chúa đang chịu “giương cao” trên thánh giá, tức khắc chúng ta hiểu điều đó. Nhưng “giương cao” cũng còn có nghĩa là sống lại. Nếu chúng ta nhìn lên Ngài sống lại, chúng ta sẽ hiểu được rằng: Chẳng có tội lỗi nào mà Thiên Chúa không toàn thắng. Amen.

 

 

 

 

 

63. Nicôđêmô

 

Nicôđêmô là nhân vật trung tâm trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù ông chỉ xuất hiện ba lần trong sách Tin Mừng (cả ba lần đều xuất hiện trong sách Tin Mừng theo thánh Gioan), nhưng tính cách của ông rất hay. Ông là một người Pharisêu, và là một thành viên của Sanhedrim – tòa án tối cao Do thái.

Lần đầu tiên Nicôđêmô xuất hiện là trong bài Tin Mừng mà chúng ta đọc hôm nay. Chúng ta được nghe kể lại rằng những lời giảng dạy và việc làm của Đức Giêsu đã gây ấn tượng nơi ông. Đối với ông, rõ ràng là trong những lời nói và hành động đó có bàn tay của Thiên Chúa. Do đó, ông đến với Đức Giêsu, nhưng đến một cách âm thầm, bởi vì ông không muốn bị người khác phát hiện ra. Nhưng chúng ta không nên quá khắt khe đối với ông trong cách tính toán này. Với sự kiện ông là một người Pharisêu, thật là một điều đáng ngạc nhiên, khi ông đến với Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã cho ông vinh dự được có một cuộc phỏng vấn dài với Người.

Khi Nicôđêmô xuất hiện lần thứ hai, ông đã dày dạn, khi dám đặt vấn đề với những kẻ chống đối Đức Giêsu. Lúc bấy giờ, những người Pharisêu đã có ý định giết Đức Giêsu, và sẵn sàng giết Người, mà thậm chí không cần đưa Người ra xét xử. Nhưng Nicôđêmô đã can thiệp, ông tuyên bố rằng ít nhất phải nghe Đức Giêsu nói một cách công bình, theo như lề luật đòi hỏi. Đây là lần ông công khai dính líu vào Đức Giêsu. Chính ông đã cung cấp một khối lượng lớn những thứ thuốc thơm đắt tiền để chôn cất người. Chúng ta có thể suy luận được điều gì về Nicôđêmô, qua ba lần xuất hiện ngắn ngủi này? Lần xuất hiện đầu tiên cho thấy ông là một người cởi mở, và là một người thực sự muốn tìm kiếm chân lý. Lần xuất hiện lần thứ hai chứng tỏ ông là một người công chính, khi cứ khăng khăng rằng không được kết án Đức Giêsu, mà không đưa Người ra xét xử. Và lần xuất hiện thứ ba cho thấy rằng ông là một người giàu có, nhưng cũng là người quảng đại và có lòng thương xót nữa. Với tất cả những phẩm chất này, chúng ta có thể khen ngợi và bắt chước những tính cách hữu ích của ông. Nhưng điều mà dường như Nicôđêmô không có khả năng thực hiện, đó là thẳng tiến và có một hành động chứng tỏ lòng tin nơi Đức Giêsu một cách trọn vẹn và công khai. Dường như ông không có khả năng can đảm để bước ra khỏi bóng tối, và dứt khoát quyết định đến với ánh sáng. Chúng ta có được hình ảnh một con người tốt, có thể trở thành một người vĩ đại. Một con người tầm thường là người không phải là đại thánh, mà cũng không phải là người tội lỗi. Khi suy nghĩ về Nicôđêmô, có thể chúng ta bước ra khỏi bóng tối, vì không e ngại hoặc xấu hổ công khai tuyên xưng lòng tin của chúng ta nơi Đức Giêsu, và nếu cần, chúng ta sẵn sàng trả bất cứ giá nào khi làm điều đó. Những ai tin tưởng sẽ không bị hư mất, nhưng sẽ được sự sống đời đời. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản chỉ là vấn đề tin tưởng, mà còn là sống sao cho phù hợp với lòng tin đó.

 

 

 

 

 

64. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour

 

NỘI DUNG MẶC KHẢI CỦA CHÚA GIÊSU (c.14-17)

Để tạo uy tín cho lời nói của mình, trước hết Chúa Giêsu đặt nó vào trong lịch sử Israel. Sự mới mẻ mà Người mang đến, cần phải là sự hoàn tất mọi điều Kinh Thánh. Con rắn được giương cao trong sa mạc, theo sách Dân số 21,4-9, đã giải thoát các người Do Thái bất trung khỏi phải chết. Từ giai thoại bí nhiệm này, chúng ta nên lưu ý những điểm có thể làm sáng tỏ điều mặc khải tiếp theo sau:

a) Con rắn được giương cao, giống như con người sẽ được treo lên thập giá. Có sự giống nhau từng chữ.

b) Sự chết đe dọa dân tộc là do sự cứng lòng tin. Dân Do Thái được cứu độ không phải bằng một nghi thức phù phép, mà bằng một nghi thức đầy ý nghĩa tượng trưng, đó là đức tin vào Thiên Chúa. Tác giả sách Khôn ngoan đã hiểu rất rõ điều đó: “Ai nhìn lên (con rắn) sẽ được thoát, không phải nhờ xem điềm lạ đó mà được khỏi, nhưng tại nhờ vào Ngài là Cứu Chúa muôn loài” (16,7). Quả thật, ơn cứu độ do Thiên Chúa mà có.

c) Hiểu rộng hơn, việc tham chiếu với đoạn nói về con rắn bằng đồng kết nối sự giáng thế của Chúa Giêsu với những biến cố Xuất hành. Chúa Giêsu là một Môsê mới, và chắc chắn đối với Thánh sử Người còn hơn thế nữa.

Con Người

sẽ phải được giương cao

để ai tin vào Người

thì được sống muôn đời

Quả thật Thiên Chúa

yêu thế gian

đến nỗi đã ban Con Một

để ai tin vào Con của Người

thì khỏi phải chết

nhưng được sống muôn đời.

Câu này tóm gọn mặc khải: ở đây chúng ta đang đứng trước những “chuyện trên trời” được nói đến ở câu 12. Nên lưu ý đến kết cấu Do Thái song song: cách phân chia câu cú có thể giúp nhận ra những thành phần của câu tương ứng với nhau: “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”: hoàn cảnh và các tác nhân cụ thể gây nên cái chết của Chúa Giêsu không được phơi bày ở đây. Thánh sử chỉ giữ lại sự “nhất thiết” (phải) ăn rễ sâu trong ý định của Thiên Chúa. Việc dùng thụ động tiếp sau đó có thể là một cách hành văn để tránh phải dùng đến từ “Thiên Chúa”. Kết cấu bản văn chứng tỏ sự song song giữa Thiên Chúa yêu thương và Người được giương cao. Từ câu này chúng ta nhận ra bản tóm lược sự mặc khải, chúng ta thử dẫn ra những điểm sau đây:

a) Trong Tin Mừng Gioan, sự nâng lên tương ứng với việc treo lên thập giá (x 2,28’ 12,31-34). Tại sao việc bị treo lên thập giá, “điều ô nhục đối với người Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cl 1,23) lại là tuyệt đỉnh mặc khải nơi Gioan (x. 19,31-37)?

b) Điều đó bởi vì thập giá là nơi phơi bày tình yêu của Thiên Chúa. Từ này xuất hiện ở đây lần đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Đặc biệt nó sẽ được lặp lại trong phần thứ hai của Tin Mừng. “Thiên Chúa đã yêu đến nỗi đã ban Con mình”: cả hai động từ đều được dùng ở thì quá khứ vô định, một sắc thái của thì động từ không dùng trong tiếng Pháp, chỉ định một thời điểm rõ ràng và chính xác (hội nhập vào bước đường lịch sử của Chúa Giêsu và kết thúc trên thập giá). Chính nhờ ân huệ này của Thiên Chúa mà Gioan có thể nói đến tình yêu. Đó là tình yêu hiển thị (1Ga 4,10). Việc nhập thể chính là sự biểu lộ tình yêu mà đỉnh cao là thập giá.

c) Thập giá không phải là nguồn ơn cứu độ ở khía cạnh một của lễ đền tội đẫm máu. Chính bởi vì nó là cách diễn tả cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa, cho nên nó là nguồn sự sống cho các tín hữu. Chúng ta không nên nhìn thập giá như nơi Thiên Chúa trút cơn thịnh nộ, nơi Chúa Con bị Chúa Cha từ bỏ để cứu độ chuộc tội lỗi loài người. Nơi đây Chúa Con và Chúa Cha thông hiệp cùng một tình yêu dành cho nhân loại. Prométhée chịu hình phạt của chúa tể trên chính tảng đá mà chúa tể đã sử phạt mình vì đã mang lừa cho loài người. Và ca đoàn lý giải các nguyên do hình phạt bằng những lời lẽ này: “Đó là kẻ thù của Zeus, kẻ đã chấp nhận sự căm hờn của mọi thần linh vì đã quá yêu loài người”. Trong Tin Mừng Gioan, tình yêu loài người được Thiên Chúa Cha và Con cùng chia sẻ.

d) Cho dù ông Nicôđêmô đã biến mất cách lạ lùng, thì cũng một chủ đề đó kết nối phần thứ hai của bài trần thuật với phần bài mà ông có mặt: ông này, ngờ vực, đã không muốn tin rằng một người già có thể sinh ra lần thứ hai. Ở đây chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa trên thập giá có năng lực làm cho những ai tin vào Người được sống muôn đời.

TIN VÀ KHÔNG TIN (cc. 18-21)

Nếu tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là vô điều kiện, thì nó mời gọi lời đáp trả của con người. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người bây giờ phải lựa chọn: chính bây giờ mà việc xét xử được thực hiện. Tính cách quyết liệt và lập tức của việc xét xử là hiệu quả sự hiện diện của Đấng mặc khải: Người hiện diện, con người bắt buộc phải lựa chọn và từ sự lựa chọn này phát sinh ngay từ bây giờ hoặc ơn cứu độ hoặc án phạt. Sự đối nghịch bóng tối/ánh sáng nhắc đến những đoạn văn rất quen thuộc với cộng đoàn Cumran. Thế nhưng Gioan tránh né khía cạnh định mệnh những người Etxênô: chính sự tự do của mỗi người kéo theo sự chia cách và từ đó sự xét xử. Đoạn kết phần thứ nhất của Tin Mừng (12,46-48) lặp lại những chủ đề đó cùng với một loại từ ngữ, đến nỗi có vài nhà chú giải đã nghĩ rằng Ga 3,16-19 và 12,46-50 có thể là hai bản dịch của cùng một bài giảng của cộng đoàn Gioan. Giả thuyết này (không thể xác định được) có cái lợi là chứng tỏ thánh sử đã soạn thảo Tin Mừng như thế nào: ông có sẵn nhiều nguồn và ông đã lựa chọn. Một vài mảng văn đã có thể được thêm vào trong những lần in ấn khác nhau. Chỉ có tác giả là người hoàn tất việc soạn thảo Tin Mừng, chịu trách nhiệm toàn tập.

Cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô và sự mặc khải tiếp theo, tạo thành một đỉnh cao về Chúa Kitô trong Tin Mừng Gioan. Cộng đoàn, đối mặt với Do Thái giáo, được mời gọi xác định căn tính của Chúa Giêsu và tách mình ra khỏi trào lưu Do Thái, cho dù nó có gần gũi với cộng đoàn (như trường hợp ông Nicôđêmô), bởi vì những người Do Thái đã không sẵn sàng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng mặc khải của Thiên Chúa, là Chúa Con nhờ người Thiên Chúa nói lời cuối cùng với nhân loại.

 

 

 

 

 

65. Một tình yêu không thể tin được

(Chú giải của Lm. Phanxicô X. Vũ Phan Long)

 

1.- Ngữ cảnh và Bố cục

Sách các Dấu lạ của TM IV (2,1–12,50) nói về các dấu lạ lồng vào một cái khung thời gian nhằm giới thiệu chân tính của Đức Giêsu, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô (3,1-21) nằm trong phần đầu (2,1–4,54), phần này có bố cục như sau:

A (2,1-11.12): Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước thành rượu (c. 12 là câu chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian]sang đoạn sau).

B (2,13-22.23-25 +): Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối thoại với người Do-thái về Đền Thờ mới (cc. 23-25 là những câu “làm cầu” nối 2,13-22 với 3,1-21).

C (2,23-25; 3,1-21): Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.

C’(3,22-36; 4,1-3 +): Đối thoại của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông về chú rể đến từ trên cao và diễn từ về sự sống (Đoạn 3,22-24 là dẫn nhập chuyển tiếp. Đoạn 4,1-3 là những câu “làm cầu” nối [vì kết] 3,22-36 với [vì chuẩn bị cho] 4,4-42; đoạn này minh nhiên quy chiếu về 3,22-23 và hướng tới 4,43-45).

B’(4,1-3.4-42): Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng sống và việc phụng tự đích thật.

A’(4,43-45.46-54): Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một quan chức nhà vua (cc. 43-45 là đoạn chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian] từ 4,4-42 sang 4,46-54).

Chúng ta thử xác định cấu trúc của phân đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị trí của cc. 14-21). Về hình thức bản văn, chúng ta ghi nhận rằng Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba câu nói của ông, Đức Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo thật ông” (cc. 3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]). Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8 liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc. 11-15 liên hệ đến Con Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha. Nếu tổng hợp hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố cục của 3,1-21 như sau:

* Câu 3,1: Dẫn nhập cho toàn bài (nối 2,23-25 với ch. 3).

1. Phân đoạn 1 (cc. 2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần thiết để được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.

(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.

(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi Thần Khí.

2. Phân đoạn 2 (cc. 9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên cùng Cha, và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.

– cc. 9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.

(a) cc. 11-15: Con phải lên cùng Cha (để ban Thần Khí).

(b) cc. 16-21: Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ này.

Theo R.E. Brown, tác giả TM IV đã để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra lược đồ ngài theo để tổ chức bản văn.

Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân Israel, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).

Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):

(a) Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn kết thúc với đề tài người ta phải bỏ bóng tối để đến với ánh sáng.

(b) Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư từ Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian (c. 17) như là ánh sáng cho thế gian (c. 19).

(c) Nếu chúng ta coi 2,23-25 như là phần mở đưa vào “xen” Nicôđêmô, chúng ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến những người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa đáng vì họ không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức Giêsu nhấn mạnh rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.

2.- Vài điểm chú giải

– Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.

– ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.

– Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapaô ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapaô được diễn tả ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.

– đã ban (16): Đông từ didomi không chỉ nhắm đến cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidomi, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didomi ở Gl 1,4.

– Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellô này song song với “ban” (didomi) ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempô (26 lần) và apostelô (18 lần).

– Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong Ga thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.

– không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.

– được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).

– vì đã không tin (18): Mê pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.

– tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức Giêsu.

– làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ “làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu nói Sê-mít.

3.- Ý nghĩa của bản văn

* Con phải lên cùng Cha (11-15)

Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính bản thân chúng ta.

Làm thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.

* Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết (16-21)

Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.

Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa, nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài? Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa! Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh sáng của tình yêu Ngài.

+ Kết luận

Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!

4.- Gợi ý suy niệm

1. Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).

2. Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.

3. Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.

4. Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).

 

 

 

 

 

66. Chú giải của Noel Quesson

 

Như ông Môsê đã gương cao con rắn trong sa mạc

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng một lời mời gọi ta “nhìn ngắm”, “đưa mắt” hướng lên một hình ảnh. Thánh Gioan sử dụng một hồi tưởng Kinh thánh trong suốt “bốn mươi” năm hành trình trong sa mạc, ngời Do Thái đã bị một kẻ thù đáng sợ tấn công, đó là loài rắn lửa (Ds 21,6-9). Môsê đã phải làm “một dấu hiệu chữa trị”, một con rắn đồng cứu chữa được treo lên một cây gậy. Đó là hình ảnh có tính thần thoại mà các y sĩ ngày nay vẫn tiếp tục sử dụng như là biểu tượng. Kẻ nào quay lại nhìn thì được cứu không phải nhờ điều nó thấy nương nhờ Người, là Đấng cứu chữa mọi người” (Kn 16,7).

Qua sự giải thích trên của sách khôn ngoan, ta đã có thể ghi nhận rằng, đó không phải là một cử chỉ ma thuật, có tính tụ động. Cái “nhìn” tự nó không chữa. lành được ai, như một thứ bùa hộ mạng, một vật mang lại may mắn, một cử chỉ dị đoan. Nhưng đó là dấu chỉ “Đức tin”, nghĩa là nhờ một cử chỉ bên ngoài, nó cho ta thấy rõ rằng, con người đang “quay về” với Thiên Chúa.

Con người cũng sẽ phải được gương cao như vậy để ai tin vào Người, thì được sống muôn đời.

Vâng, thánh Gioan đang mời gọi ta nhìn lên thập giá.

Cần phải dám ngắm nhìn “Đấng chịu đóng đinh” đó, Đấng được “giương cao” trước mắt chúng ta, Gioan đã sử dụng từ được giường cao” (“upsothènai” trong tiếng Hy Lạp) để nói lên, Đức Giêsu vừa được “giương cao) trên thập giá, vừa được “đưa lên” ngự bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời (Ga 3,14; 8,28; 12,32-34).

Vâng, thánh Gioan không bao giờ có thể quên được ngày đó, cũng như cảnh tượng đó, mà chúng ta như đã quá quen thuộc. Vả lại, Gioan là người duy nhất trong số mười hai Tông đồ đã hiện diện tại đó, vào chiều thứ sáu, dưới chân thập giá. Kể từ lúc đó, trong suốt hơn 70 năm, ông đã suy gẫm “hình ảnh” này, và đây là kết quả của cuộc suy tư lâu dài và sâu sắc mà ông cống hiến cho ta. Đối với Gioan, “Thập giá” và “Phục sinh” thuộc cùng một mầu nhiệm mà ông đã diễn tả bằng một từ mang hai ý nghĩa: “Đức Giêsu được đưa lên cao khỏi đất”. Bị đóng kinh: Cũng có nghĩa là được tôn dương. Đối với Gioan, Thăng thiên đã bắt đầu ngay từ ngày thứ sáu tuần thánh. Còn chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục mong chờ Thiên Chúa biểu lộ “vinh quang” của Người cho ta trong cử chỉ hiển thắng rạng ngời nào đó. Còn Gioan, ông đã chứng kiến cảnh tượng, thì thập giá chính là Vinh quang Thiên Chúa

Ngay khi Giu-đa vừa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giêsu đã nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh” (Ga 13,31). Bốn ngày trước đó, vào buổi chiều ngày dân chúng rước lá tôn vinh Người, Đức Giêsu đã nói: “‘Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác… phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,23-32).

Vậy khi đến lượt mình, chúng ta cũng phải nhìn lên Đấng đã được “gương cao” giữa trời và đất, để cầu nguyện. Cái chết tự nguyện này sẽ mãi mãi là “đỉnh cao của tình yêu”: Đỉnh cao của tình yêu Người Con đối với Người Cha và đỉnh cao của tình yêu của Người Anh hoàn vũ đối với những đứa em tội lỗi. Cây thập giá to lớn bằng gỗ đó, đang đeo mang một thân xác con người bị tra tấn đến ứa máu, chính là một “chóp đỉnh của đau đớn” và chết chóc”, nhưng cũng là một đỉnh cao của mạc khải Thiên Chúa. Về chưng diện thể lý, ta cần phải mở to đôi mắt để chiêm ngắm hình ảnh này. Nhưng cũng cần phải nhắm mắt lại để “thấy” những gì chưa có thể thấy được, mà cảnh tượng trên mới chỉ là “dấu chỉ”: Tình yêu tuyệt đối đang thiêu đốt tâm hồn con người đó, Đức Giêsu “không ai có tình thương lên hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho hạn hữu (Ga 15,13). Nhưng tình yêu tuyệt đối đã thiêu đốt con người Giêsu, cũng chính là “dấu chỉ” của một tình yêu tuyệt đối khác, tình yêu của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3,16).

Vì thế, các nghệ sĩ thường muốn trình bày Đức Giêsu trên thập giá với một thứ “vinh quang” nào đó. Hai cánh tay và thân xác của Người, thay vì bị co quắp trong đau đớn khổ hình, lại được trình bày trong tư thế hết sức mềm mại và thoải mái: Tư thế của người cầu nguyện, tư thế của linh mục cầu nguyện và dâng lễ vật nới bàn thờ, tư thế của đôi bàn tay nâng lên để đọc kinh “Lạy Cha”.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình.

Thời đại chúng ta, nhiều người bị thử thách trước một nhận xét đầy bi quan: ‘Thế gian thật là thối nát, không thể làm gì để cứu vãn được’ chúng ta cũng dễ hiểu sự chán nản, vẻ khó chịu của những người thức thời đứng trước bao cảnh trớ trêu: Bạo lực, bắt cóc các con tin, ích kỷ có tính tập thể và cá nhân, đê tiện đủ loại, cảnh người bóc lột người, sa đọa luân lý, mất lương tâm nghề nghiệp, lạm đụng việc dối trá trong việc phổ biến ý thức hệ hay quảng cáo, đàn áp dư luận quần chúng, tình trạng vỡ mộng… Chính Thiên Chúa cũng biết tất cả những sự việc đó? Tuy thế, Người vẫn yêu mến thế gian này. Người không chịu để sự xấu ác của nó lộng hành. Người muốn cứu độ nó. Thiên Chúa thương đi ngược lại chúng ta. Đối với chúng ta, thế gian này xem ra rất tồi tệ và xấu ác, thế mà Thiên Chúa vẫn yêu thương nó. Thiên Chúa như say mê trước công cuộc tạo dựng chưa hoàn tất của mình, mà Người đang hướng đến nó sự hoàn hảo. Thế gian không thể phi lý. Nếu chúng ta chấp nhận cách nhìn của Thiên Chúa, một ‘cái nhìn yêu thương’, thì lúc đó, thay vì tiếp tục rên rỉ kêu than, chúng ta sẽ hiến mạng sống cho anh em.

Người đã ban cho Con Một mình

Hai động từ diễn tả thái độ của Thiên Chúa: “Yêu và cho”! Ta hãy cầu nguyện dựa vào những tác động mà hai từ đó gợi lên.

Ta cũng nên lưu ý tĩnh từ được áp dụng cho Đức Giêsu: “Một” hay “độc nhất” (tiếng Hy Lạp là ‘Monogénes’). Từ này chỉ có thánh Gioan sử dụng. Nó được đưa vào trong kinh Tin kính: “Tôi tin Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa”. Tiếng này làm cho chúng ta vượt qua khỏi những vẻ bề ngoài tràng giang, tiến sâu vào các thế giới bên kia: Đức Giêsu là đối tượng tử hệ tuyệt đối độc nhất của Thiên Chúa. Đàng khác, tiếng này cũng nhắc lại một hồi tưởng Kinh thánh. Trong ký ức của Israel người ta luôn nhớ đến một người con độc nhất khác, được cha hết sức yêu quý thế mà người cha đầy tình yêu thương này lại chấp nhận một cách kỳ diệu ‘hy sinh’, ‘ban tặng’ đứa con đó: thánh Gioan nhớ rất rõ câu chuyện Abraham và đứa con trai của ông Isaac (St 22,2-16).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian, khiến Người ban tặng “Con Một” Người, Gioan sẽ diễn tả tình yêu đó bằng năm kiểu nói, để không ai còn có thể nghĩ ngược lại được: “Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất”, Người đã tạo dựng mọi sự để tất cả được tồn tại (Kn 1,13).

– Thiên Chúa muốn cho con người được sống đời đời: đó là một “sự sống từ trời” được ban tặng (Ga 3,3).

– Thiên Chúa không muốn kết án thế gian: nghĩa là toàn thể nhân loại.

– Thiên Chúa muốn cứu độ thế gian; thánh ý của Thiên Chúa là mọi người đều được cứu độ.

– Công trình của Con Người cũng là “công trình của Thiên Chúa” (1Tm 2,4).

Ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Thiên Chúa là “Đấng hằng sống” tuyệt vời, sự sống là của quý giá nhất mà con người có thể chiếm hữu. Thiên Chúa đã quyết định thông truyền sự sống của Người, cho người con sự sống thần thiêng và vĩnh cửu ý định “cứu độ phổ quát” của Thiên Chúa thật rõ ràng: Nhưng để công cuộc cứu độ được thành tựu, con người còn phải chấp nhận “ân huệ” đó. Hiển nhiên không thể tương tượng được rằng, một người nhất định khước từ Thiên Chúa, lại bị cưỡng chế và áp lực phải sống bên cạnh Người, bất chấp ý muốn của họ. Làm như thế, thì thật sự là tạo một thứ “hỏa ngục”. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người: Kẻ nào không muốn “sự sống” mà Thiên Chúa tặng ban cho mọi người, kẻ đó sẽ ở trong sự chết? Liệu có một người nào đó khăng khăng chối từ như thế? Đó là bí mật đáng sợ của cái chết, vào giây phút mà con người được giải thoát khỏi cảnh u tối trần gian, thực sự “đối diện với Thiên Chúa”.

Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian. Nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.

Trích đoạn trên làm cho chúng ta khá choáng váng.

Đoạn văn quả quyết hai điều:

– Một là: Thiên Chúa không lên án ai. Người muốn cứu độ tất cả vì Người yêu thương hết mọi người.

– Hai là: Chính con người tự xét xử và lên án mình, khi nó cố chấp khước từ Thiên Chúa.

Như thế, việc “lên án” không phải là một hành vi ở bên ngoài con người. Nhưng trớ trêu thay, nó lại là sự việc của chính con người đó, khi họ có thái độ khước từ tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ trong việc “Con Một của Người hiến thân” cho đến hy sinh thập giá. Chính Thiên Chúa làm mọi sự. Người đã đi đến cùng sự cứu độ. Mọi sự diễn tiến như thể việc “lên án” không thuộc về thế giới Thiên Chúa, nhưng đó là một thực tại ở bên ngoài Vương Quốc: Những kẻ khước từ ánh sáng “diện kiến” tự kết án mình trở thành một thế giới “ở bên ngoài” Thiên Chúa; một thế giới chết chóc, một thế giới không có sự sống đời đời.

Chúng ta cần ghi nhận rằng, “bi kịch của thái độ vô tín” không chỉ là một vấn đề hiện tại. Nó xuất hiện ngay giữa Tin Mừng. Nếu ta muốn kéo dài sứ vụ của Đức Giêsu, thì chúng ta không được phép lên án ai, mà phải ước muốn cứu giúp mọi anh em mình, phải làm tất cả để đạt được điều đó. Ai xét xử anh em mình, thì làm điều trái ngược Thiên Chúa; kẻ đó tự đặt mình ra ngoài thế giới của Thiên Chúa “Đấng không đến để xét xử”.

Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: “Mọi việc họ làm đều hợp ý Thiên Chúa”

Sau hết, niềm vui của tín hữu là hưởng trước những gì sẽ là niềm vui vĩnh cửu được diện kiến với Thiên Chúa. Đối với họ, sự sống đời đời đã khởi sự. Họ đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người. Họ sống tình yêu đó mỗi ngày. Họ không ngừng tạ ơn tình yêu đó và ‘sự sống vĩnh cửu’ này đã khởi sự, đó là một sự sống đầy sinh động. Các Kitô hữu từ lâu đã thường nói đến sự sống vĩnh cửu nhờ một thứ ngôn ngữ và những hình ảnh gần với Niết bàn (nirvầna) của Phật giáo hơn là quan niệm của thánh Gioan: Đó là một ’sự nghỉ ngơi đời đời’. Đối với Tin Mừng thứ tư, đó là một ‘sự sống vĩnh cửu’, tràn đầy sinh động và niềm vui, chớ không phải là một sự nghỉ ngơi tẻ nhạt. Ở đấy, theo văn bản Hy Lạp, Gioan đã nói: “Kẻ nào hành động theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng”. Sống là “hành động”! Đó là những “hành động”, những “việc làm”; những “công trình”. Và đây là điều làm ta ngỡ ngàng: lúc đó, những “việc làm của con người” cũng được công nhận như những “việc làm của Thiên Chúa”. Đó là cuộc sống vĩnh cửu.

 

 

 

 

 

67. Chú giải của Fiches Dominicales.

THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI ĐÃ BAN

CON MỘT, ĐỂ AI TIN VÀO CON CỦA NGƯỜI…

(Ga 3,14-21)

 

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa

Trong khi bầu khí căng thẳng do việc Chúa đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ gây ra chưa lắng dịu, thì ông Nicôđêmô, một kỳ mục trong dân tìm gặp Đức Giêsu. Ông đến vào lúc đêm tối, nhằm giữ kín sự việc, nhưng dưới ngòi bút của Gioan nó mang một ý nghĩa tượng trưng: phải chăng Nicôđêmô đang ở trong bóng tối tìm đến ánh sáng?

Cuộc đối thoại mở đầu với đề tài phải tái sinh. Đức Giêsu tuyên bố: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bới nước và Thần Khí” (3,5).

Rồi từ câu 11 trở đi, cuộc đối thoại biến thành độc thoại. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy bằng cách kể lại những biến cố trong lịch sử dân Israel. Người nhắc đến biến cố bí ẩn trong sách Xuất Hành: con rắn đồng được treo lên làm dấu hiệu, chẳng những được hoàn tất, mà còn bị vượt lên trên trong biến cố khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa của Người.

+ Ngày xưa, thời xuất hành trong hoang địa, con cái Israel vì kêu trách và thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, nên đã bị rắn độc tràn ra cắn chết nhiều người. Sách Dân Số thuật lại (21,4-9): bấy giờ ông Môsê treo một con rắn đồng lên cao; hễ ai nhìn lên con rắn đồng với lòng tin thi được thoát chết. Sách Khôn Ngoan giải thích (để tránh lối giải thích ma thuật): “Hễ ai nhìn lên thì được cứu vớt cứu không phải do vật được nhìn, mà do Chúa, Đấng Cứu Độ của mọi người” (Kn 1,6-7).

+ Dấu chỉ giờ đây nhường chỗ cho thực tại mà nó ám chỉ, đó là sự hiện diện của Đức Giêsu, Môsê mới, là Lời hằng sống, ban sự sống của Thiên Chúa. “Bị treo lên”, Đức Giêsu cũng sẽ bị treo lên bởi những kẻ đóng đinh Người vào thập giá; Người sẽ được nâng lên bởi Chúa Cha, Đấng đón nhận Người vào hưởng vinh quang với Thiên Chúa (8,28-30). Và cũng như xưa, hễ ai nhìn lên con rắn đồng thì được sống, ngày nay hễ ai nhìn lên “Con Người bị đóng đinh và phục sinh” thì được Người ban cho sự sống đời đời.

+ Nguồn gốc của hành vi cứu độ này không cần tìm đâu xa, nó ở ngay trong tình thương điên dại của Thiên Chúa, của Đức Giêsu Kitô đối với thế gian. X. Léon-Dufour diễn tả: “Ở trọng tâm của tất cả mọi sự và đặc biệt của vai trò Con Người và của con đường đi đến thập giá, ta thấy Thiên Chúa yêu thương thế gian. Lời xác quyết nêu bật Thiên Chúa và tình thương của Người như thực tại tuyệt đối. Tình thương đi trước mọi sự, cũng như trong Lời Mở Đầu, ánh sáng thần linh của Ngôi Lời soi chiếu mọi người trong bóng tối. Thiên Chúa thương yêu chỉ có một ý định là ban ơn cứu độ và sự sống (Lecture de L’evangile selon Jean, cuốn 1, Seuil, trang 305-306).

Như thế, ở đây, thập giá được trình bày như địa điểm mạc khải tình thương của Thiên Chúa, một biểu lộ tối hậu là nguồn mạch sự sống.

2. Mời gọi ta đáp trả

Đến đây coi như Nicôđêmô biến mất. Đức Giêsu xem như đối thoại với một nhóm thính giả, chính là chúng ta ngày nay:

Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa tỏ bày qua Đức Giêsu Con Ngài, luôn kêu mời sự đáp lại của con người có tự do. Và nó đòi một lời đáp ngay lúc này, đối diện với Đức Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến, Đấng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Bởi vì ngay bây giờ, cuộc xét xử đang được thực hiện:

Hoặc từ khước Thiên Chúa, đóng cửa không đón tiếp, mù quáng không muốn nhận ánh sáng, chìm đắm trong tối tăm và bị luận phạt. Hoặc cởi mở đón nhận ánh sáng, đón nhận sự cứu độ của Thiên Chúa, và như thế tất cả đều thay đổi, vì mọi hoạt động của ta sẽ được nhìn nhận như những hoạt động của Thiên Chúa, và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Người.

Léon-Dufour giải thích thêm: “trong những câu chúng ta vừa đọc, thái độ lựa chọn hay từ chối đều thể hiện trong lời đáp trả của con người trước Đấng Thiên Chúa sai đến. Một đặc điểm quan trọng khác là: sự sống vĩnh cửu và luận phạt đời đời không chỉ được thi hành vào ngày thế mạt, nó được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại, ngay khi gặp gỡ Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu, lập tức được sống, trái lại, từ khước tin Chúa, con người tự ý chọn lựa cái chết (vĩnh viễn), mà Thánh Kinh thường ám chỉ bằng câu “bị xét xử”. (Sđd, trang 308-309).

 

BÀI ĐỌC THÊM

1) “Cái nhìn cứu sống”

(G.Bessière, trong “Dieu si proche” năm B, DDB, trang 42-43).

Đem câu chuyện con rắn đồng so sánh với Đức Giêsu, kể cũng hơi lạ thường! Câu chuyện lạ thường này có ý nghĩa gì đây? Truyền thống Thánh Kinh có thuật rằng, trong cuộc Xuất hành, khi dân Do thái bị đói, bị khát đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Họ đã phải chịu hình phạt: những con rắn lửa bò ra gieo chết chóc cho dân. Nhưng rồi Thiên Chúa đã xót thương, Người truyền cho ông Môsê treo con rắn bằng đồng lên cột cao: “Ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống” (Ds 21, 8)

Ở đây sự so sánh nằm ở từ “treo lên”, Đức Giêsu bị treo lên cây thập giá, cũng như con rắn đồng bị treo lên trước toàn dân. Và ở từ “sống”. Ai bị rắn độc cắn trong hoang địa, nếu nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống; những ai tìm kiến sự sống vĩnh cửu, sẽ tìm thấy trong Đức Giêsu, nếu kẻ ấy “tin”. Đức Giêsu ban sự sống, và Ngài ban cách sung mãn. Không phải sự sống nhân tính, mà “sự sống vĩnh cửu”. Bởi đâu có ân huệ vô biên thoả mãn mọi ước muốn như vậy? – “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi Người đã ban chính Con duy nhất của Người”. Nguồn gốc không thể diễn tả đó, chính là tình thương phát xuất từ mầu nhiệm cao siêu mãnh liệt đối với muôn loài muôn vật.

Viễn tượng thật hết sức lạc quan. Có người chủ trương rằng Đấng Thiên Sai sẽ đến tiêu diệt những kẻ ô nhơ, tội lỗi. Đức Giêsu lại bày tỏ thái độ chống lại chủ trương tàn bạo này. Thiên Chúa không sai Con của Người đến để phán xét, nhưng “để nhờ Người mà thế gian được cứu sống”.

Nếu có ai cố tình giam hãm mình trong sự dữ, hay trong bóng tối, thì không phải Chúa luận phạt, mà chính họ đã chọn bóng tối cho mình.

Phải chăng, như vậy là nói rằng những người ngoài Kitô giáo, nghĩa là không gắn bó với Đức Giêsu, đều bị mất phần rỗi? Thánh Gioan nhìn nhận rằng sự gặp gỡ Thiên Chúa còn sâu xa hơn; nó được thể hiện trong sự thành tâm, trong giá trị của các hành động và trong sự mở rộng tâm hồn ra với người khác. Thánh sử đề cập cuộc tranh luận này khi viết: “Phàm ai thực thi chân lý, thì đến với ánh sáng…”

2) Một cuộc sống được nâng niu và bao bọc bằng một tình thương vô điều kiện

(Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Pháp “Thư gởi những người công giáo Pháp”, Cerf, trang 55-56).

Sau hết, tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa làm thay đổi cách thế hoạch định cả cuộc sống trần thế, và khiến ta hiểu khác đi lịch sử của ta trong thế giới này, và cả cách hoàn tất lịch sử đó nữa. Bởi vì “cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Mặc dầu chúng ta chia sẻ những ưu tư của thế giới này, chúng ta vẫn tin rằng cuộc sống con người như được nâng niu và bao bọc bằng một tình thương vô điều kiện, mà không gì làm thay đổi được và rằng ân sủng của Thiên Chúa hằng theo dõi và sẽ còn theo dõi trong mọi hoàn cảnh của lịch sử chúng ta. Và chúng ta cũng hy vọng rằng cái chết, đôi khi là cái chết tàn bạo, không chấm dứt số phận chúng ta, bởi vì Chúa hứa cho ta sống lại và sống vĩnh cửu.

Đứng trước những nỗi sợ hãi của thời đại chúng ta, chúng ta không thể im lặng về kết cục của số phận con người, dưới ánh sáng của Tình Thương. Giao ước của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trong thế giới mới, thế giới đã được biến đổi, mà chúng ta mong đợi. Niềm hy vọng này luôn nâng đỡ những người (nam cũng như nữ) đang đấu tranh chống lại sự chết và những quyền lực của sự chết, những người dám hiến dâng sự sống mình vì tình yêu Đức Giêsu Kitô.

 

 

 

 

 

68. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

ĐÀM THOẠI VỚI NICÔĐÊMÔ (Ga 3,14-21)

 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Thánh Gioan viết cuốn Tin mừng của ông khoảng 60 năm sau khi Chúa Giêsu về trời. Trí nhớ của tuổi già, thường rất chính xác khi gợi lại những kỷ niệm thời thanh xuân, đã giúp ông nhớ lại một vài cảnh đặc sắc trong đời Chúa Giêsu và nhiều giáo huấn đặc biệt của Thầy. Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp tục câu chuyện Nicôđêmô đến đàm thoại với Chúa Giêsu về đề tài đức tin và sự tái sinh thiêng liêng. Sau khi tường thuật, vị thánh sử gộp lại trong suy tư riêng một lô giáo huấn Chúa Giêsu đã ban hay đã gợi ý mà ông đã thâu thập và đào sâu. Ông trình bày chúng dưới ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh cùng trong lối văn riêng của mình, là nhớ thế đã cho chúng ta một vài phản ảnh sống động về một đức tin được trực tiếp nuôi dưỡng tận nguồn (Gioan dã biết Chúa Giêsu) cùng được suy niệm cách sâu xa (Gioan đã sống đức tin với tư cách môn đồ hết mực trung tín).

2. Ở đây thánh Gioan đưa ra ánh sáng điều mà thánh Phaolô vẫn luôn gói trong các thư của ông là “mầu nhiệm” cứu rỗi do Thiên Chúa đem đến để ta tin: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần để cứu rỗi thế gian. Những ai được hưởng ơn rỗi là kẻ, khi gặp Chúa Kitô, đã tin vào Người.

3. Từ ngữ “Con Người” xuất phát từ ngôn sứ Đanien (7,13). Một cách chung chung, tước hiệu được Tin mừng Gioan áp dụng cho Chúa Giêsu để biểu thị vai trò cứu thế của Người qua việc Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh, nên có thể hiểu như là “Con Thiên Chúa làm người”. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu là Đấng thể hiện được kiểu mẫu hoàn hảo của con người tự hoàn thành lấy mình vì đã tự vượt thắng mình trong Thiên Chúa. Thánh Gioan còn ghi lại: “Con Người đã bị giương cao”. Đây là việc treo lên thập giá. Lời này ám chỉ đến câu chuyện Môsê treo con rắn đồng được sách Dân số kể lại (Ds 21,6-8) Sách kể rằng: khi đang ở trong một vùng nầy rắn rít lúc đi qua sa mạc, người Hy bá đã được kháng nhiễm một cách lạ lùng khỏl nọc độc của chúng bằng cách nhìn lên một con rắn đồng Môsê treo lên nơi cao. Câu chuyện này được thánh sử gợi lại như biểu tượng cho thực tại thiêng liêng của ơn cứu độ được ban cho hết những ai nhìn về thập giá Chúa Kitô vui lòng tin.

4. “Ai tin vào Người thì không bị án xử, kẻ không tin vào Người thì đã bị án xử rồi”. Cách nói này cho thấy niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô bao hàm sự dấn thân dứt khoát và sau cùng sẽ đem lại công hiệu. Nghĩa là đức tin của tôi hôm nay (mà tôi luôn giữ vững) sẽ cứu tôi trong ngày tôi chết và trong ngày cánh chung. Giữa cái hôm nay và ngày sau hết của đời tôi, có thể xảy ra nhiều thăng trầm. Nhưng đức tin hiện tại của tôi đã đặt tôi vào vị thế khỏi bị kết án, nghĩa là đặt tôi trong ơn tha thứ của Thiên Chúa, trong sự tiếp đón và trong tình bằng hữu của Ngài. Điều này giải thích cho thấy sự nồng nhiệt của đức tin tôi hôm nay có một tầm quan trọng rất lên đối với cuộc gặp gỡ sau cùng của tôi với Thiên Chúa; mỗi ngày hiện tại chuẩn bị ngày cuối cùng đời tôi. Song nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu, hồng ân lạ lùng là tình bằng hữu của Thiên Chúa cũng đến ngay bây giờ trong tôi và biến đổi tôi rồi. Niềm tin này lôi kéo tôi sống trong ánh sáng, nghĩa là trong sự thẳng thắn trung thành với Tin mừng. “Ai hành động trong sự thật thì đến cùng ánh sáng”.

5. Sự tự do hành động mà Nicôđêmô được hướng cũng là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng để con người bước đi theo ý họ, ngay cả trên đường nẻo gian tà, thù hận và chết chóc. Thiên Chúa chỉ muốn làm một điều là ban Con Một, sai Người đến giữa nhân loại để chịu đau khổ và chết chóc hầu cứu rỗi họ. Cả Chúa Cha lẫn chúa Con đều không muốn ép con người yêu, nhưng chỉ kêu mời họ yêu từ đỉnh thập giá. Hai Đấng cũng tránh không phán xét hay kết án con người ngay ở đời này. Chính con người và chỉ mình họ tự làm quan tòa cho mình, tùy như họ cởi mở đón nhận hay từ chối ánh sáng.

6. Như thế con người của Chúa Kitô, qua hành động và lời nói, tỏ hiện ra như là nơi gặp gỡ hay chia rẽ của nhân loại. Theo Tin mừng Gioan, mọi người đều phải đối chất với Chúa Kitô, dù chỉ là một cách mặc nhiên, khi họ thông đồng với sự ác, hay khi họ khát vọng chân lý, sự thiện. Từ khi Ađam ẩn núp khỏi mặt Thiên Chúa, con người luôn luôn có khuynh hướng trốn tránh Thiên Chúa, tha nhân và chính mình, để khỏi lộ tẩy các hành vi xấu xa của mình, nhất là những hành vi bên ngoài có vẻ tốt hảo. Ai cố ý quay lưng lại với chân lý dầu chân lý ra sao – thì liều mình chết trong sự mù quáng tội lỗi. Ngược lại, ai tỏ ra trung thành trong thực tế với chân tý mà mình đã thoáng thấy – dầu chân lý đó hạn hẹp mặc lòng – thì cũng được Chúa Kitô hứa cho sống và dược thông hiệp với Thiên Chúa Cha.

 

 

 

 

 

69. Đón nhận Thập Giá Chúa Kitô

 

Thánh giá không chỉ được dựng lên trước nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trong nhà của người Công Giáo mà còn phải được tôn vinh ở khắp mọi nơi. Chúa Giêsu đã bị treo lên để cho mọi người nhìn thấy. Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người. Ngài đã chết cho nhân loại. Ngài đã thể hiện tình yêu tột đỉnh.

Nói về tình thương tha thứ của Thiên Chúa, người ta thường kể lại cho nhau nghe về câu chuyện ở một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt. Đó là Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Người ta kể rằng, một lần kia, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lổ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”. Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, thể hiện sự tha thứ của Thiên Chúa đối với hối nhân.

Bước vào Chúa Nhật 4 Mùa Chay, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá Chúa Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài luôn tha thứ. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ez 33,11). Quả vậy Thiên Chúa sai con một của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian nhưng để thế gian nhờ con của Ngài mà được cứu độ. (Ga 3,17). Cũng như Môisen treo con rắn đồng trong Samạc thế nào, thì con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽ không phải chết nhưng được sống đời đời (Ga 3,14). Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ và Đấng bị treo trên thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin Ngài.

Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một, để ai tin con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa một lần nữa đã biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài được thể hiện cụ thể qua sự trao ban. Điều quý giá nhất của Người Cha chính là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính con một dấu yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Một yêu dấu đến trong trần gian, mang lấy thân phận con người và cuối cùng qua việc trao nộp Con Một cho loài người treo trên thập giá. Chúa Giêsu trên thập giá chính là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy lúc đó chính là lúc Thiên Chúa đặt con của Ngài làm Đấng ban sự sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải kết án thế gian nhưng để cứu thoát loài người khỏi chết và ban cho họ thông phần vào cuộc phục sinh vinh quang của Ngài.

Như thế, đứng trước thập giá Chúa Kitô chúng ta tin hay không? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ. Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói: “ai đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối và tự mình đoạ đày mình trong cảnh tăm tối trong cõi chết”. Thiên Chúa không cần luận phạt nữa.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một của Ngài. Đó là chân lý cơ bản của chúng ta. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu là dấu chỉ mà Chúa muốn nói với chúng ta là Chúa yêu thương chúng ta. Yêu thương con người đến nỗi sẵn sàng để ngưiơì con Một yêu quý của Ngài chết thay cho chúng ta.

Khi chiêm ngắm thập giá của Đấng Phục sinh, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm để thúc giục chúng ta ăn năn sám hối. Ngài đã chết cho nhân loại để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy nhìn lên thập giá để thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa. Một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán và mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để chúng ta thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi nhưng trái lại để cảm nhận được hồng ân bao la của Chúa để cho tâm hồn được phấn khởi tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Ngài để chúng ta biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Càng cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Hãy tha thứ để được Chúa thứ tha. Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương. Một lần nữa hãy nhìn lên thập giá Chúa Kitô. Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là dường nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là ngần nào. Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trân trọng tình thương mà Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con luôn coi thập giá Chúa Kitô là hy vọng sự sống đời đời của chúng con. Đồng thời xin cho chúng con biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em chúng con như Chúa đã yêu thương mà tha thứ. Amen.

 

 

 

 

 

70. Chú giải của William Barclay

CON NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC GIƯƠNG CAO (Ga 3,14-15)

 

Đến đây, Gioan quay về với câu chuyện lạ lùng của Cựu Ước đã được kể lại trong Dân Số 21,4-9. Trên hành trình qua hoang địa, dân Israel lẩm bẩm than phiền và tiếc rẻ việc bỏ xứ Ai Cập ra đi. Để trừng phạt, Chúa cho tai họa rắn độc đến cắn họ chết. Dân chúng ăn năn và kêu xin Đức Chúa thương xót, nên Ngài dạy Môsê làm một con rắn bằng đồng, treo lên cao, hễ ai nhìn lên con rắn ấy thì được chữa lành và thoát chết. Câu chuyện đã gây ấn tượng sâu đậm trong dân Israel. Họ kể lại rằng về sau con rắn bằng đồng đó đã trở thành thần tượng. Dưới thời Khitkigia, đã phải hủy vì dân chúng thờ lạy nó (2V 18,4). Dân Do Thái có phần bối rối về biến cố ấy, vì họ bị cấm tuyệt đối trong việc làm các tượng. Pharisêu giải thích như sau: “Không phải con rắn đã ban sự sống. Khi Môsê treo con rắn lên thì người Israel nhìn và tin Đấng đã truyền lệnh cho Môsê làm như thế. Chính Chúa đã chữa lành cho họ”. Quyền phép chữa lành không ở trong con rắn. Con rắn chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng, chỉ cho người ta hướng tư tưởng mình về Chúa, và khi họ nghĩ đến Ngài thì được chữa lành.

Gioan dùng câu chuyện này như môt loại dụ ngôn về Chúa Giêsu. Ông nói: “Con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó, tư tưởng họ hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy thì họ được lành bệnh. Chúa Giêsu cũng phải bị treo lên như thế, để khi loài người hướng tư tưởng về Ngài, tin Ngài, thì cũng được sự sống đời đời”.

Một điểm gợi ý rất lạ ở đây. Động từ treo lên là hupsoun. Từ này được dùng cho Chúa Giêsu theo hai nghĩa. Nó được dùng cho việc Chúa bị treo trên thập giá; và nó cũng được dùng cho việc Chúa được cất lên đểvào vinh hiển lúc Ngài về trời. Nó được dùng chỉ thập giá trong Ga 8,28; 12,32, và được dùng chỉ Chúa Giêsu lên trời vinh quang trong Công Vụ 2,33; 5,31; Pl 2,9. Có hai lần Ngài được đưa lên vào cõi vinh quang; cả hai liên hệ với nhau bất khả phân ly. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia. Với Chúa Giêsu, thập giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ thập giá, tránh né, tìm cách để thoát khỏi đó –là việc Ngài có thể làm thật dễ dàng nếu muốn- thì Ngài đã không thể bước vào cõi vinh quang. Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ thập giá mà mỗi Kitô hữu được gọi phải vác, nếu thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển. Đó là một trong những định luật bất biến của đời sống: không có thập giá thì không có triều thiên.

Trong câu 15 chúng ta gặp lại hai thành ngữ mà không thể rút tỉa hết ý nghĩa trong đó, vì cả hai vượt xa những gì chúng ta có thể khám phá được. Nhưng chúng ta phải cố gắng lãnh hội ít nhất là một phần trong ý nghĩa của chúng.

1) Thứ nhất là tin Chúa Giêsu. Mệnh đề này có ít nhất ba nghĩa:

a) Hết lòng tin Thiên Chúa vốn đúng như điều Chúa Giêsu tuyên bố. Chúa yêu thương chúng ta, lo lắng chăm sóc mỗi người, Ngài chẳng mong gì hơn là tha tội cho chúng ta. Chúa là tình yêu. Không phải dễ cho người Do Thái tin như vậy. Họ nhìn vào Chúa của luật, áp đặt các luật lệ Ngài trên dân chúng để trừng phạt khi họ vi phạm. Nên dân Do Thái nhìn Chúa như một vị Thẩm Phán, và loài người là tội nhân trước tòa án của Ngài. Họ nhìn Chúa như một Chúa hay đòi hỏi sinh tế và của lễ. Muốn ra mắt Chúa, loài người phải trả giá mà Chúa đã định. Thật khó cho họ nghĩ là Chúa không phải là một quan tòa chuyên tìm cách trừng phạt. Một ông cai chỉ chờ tìm cách vồ lấy công nhân, mà Ngài là người Cha tha thiết trông chờ đứa con đi hoang trở về nhà. Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng đời sống và sự chết của Ngài để công bố cho loài người biết điều đó. Và chúng ta không thể trở thành Kitô hữu nếu chưa hết lòng tin như vậy.

b) Làm thế nào chúng ta biết chắc Chúa Giêsu hiểu rất rõ những gì Ngài nói? Có gì bảo đảm Phúc Âm kỳ diệu ấy là thật? Đến đây chúng ta đụng đến tín điều thứ hai. Chúng ta phải tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là tâm trí của Thiên Chúa, biết rất rõ Chúa Cha, thân cận mật thiết với Chúa Cha, vốn là một với Chúa Cha, đến mức Ngài có thể nói cho chúng ta biết chân lý tuyệt đối về Chúa Cha. Chúng ta phải tin chắc Chúa Giêsu biết rõ những gì Ngài nói, Ngài đã nói cho chúng ta biết sự thật về Chúa Cha, vì tâm trí của Chúa Cha vốn ở trong Ngài.

c) Nhưng lòng tin còn một yếu tố thứ ba nữa. Chúng ta tin Chúa là Cha yêu thương, vì chúng ta tin Chúa Giêsu là con của Chúa Cha, vì thế những gì Ngài nói về Chúa Cha đều đúng thật. Đến yếu tố thứ ba, chúng ta phải đặt mọi sự trên cơ sở những gì Chúa Giêsu nói là đúng thật. Chúng ta phải làm theo tất cả những gì Ngài chỉ dạy. Khi Ngài dạy, chúng ta phải đặt mình, không chút do dự, vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì chúng ta làm theo như vậy. Chúng ta phải tin lời của Ngài. Mỗi hành vi, cử chỉ nhỏ nhất trong đời sống đều phải được thực hiện trong sự vâng lời Ngài không chút nghi ngờ.

Như vậy, niềm tin có ba yếu tố: tin Chúa là Cha yêu thương của chúng ta; Chúa Giêsu là Con Chúa Cha, do đó Ngài cũng nói cho chúng ta biết sự thật về Chúa Cha và đời sống; và vâng phục Chúa Giêsu cách vững vàng không chút nghi ngờ.

2) Mệnh đề quan trọng thứ hai là sự sống đời đời. Chúng ta đã học biết sự sống đời đời là chính sự sống của Chúa, hãy đặt vấn đề: “Nếu được sự sống đời đời, cụ thể là chúng ta được gì?”. Được sự sống đời đời thì đời sống sẽ như thế nào? Khi hưởng sự sống đời đời thì mọi mối liên hệ trong đời sống đều được bao phủ bằng sự bình an.

a) Sự sống đời đời cho chúng ta sự bình an với Chúa, chúng ta không còn sợ sệt như trước mặt một vị vua độc tài, hay tìm cách lẩn tránh một quan tòa nghiêm khắc, nhưng chúng ta được ở trong nhà với Cha mình.

b) Sự sống đời đời là an hòa với mọi người. Nếu chúng ta được tha thứ, chúng ta phải biết tha thứ, nó khiến ta có thể nhìn người khác như Chúa nhìn họ, có thể hòa hợp với mọi người thành một đại gia đình sống trong thương yêu.

c) Sự sống đời đời cho chúng ta sự an hòa với đời sống. Nếu Chúa là Cha, thì Ngài điều hành mọi sự để tất cả trở thành tốt lành. Lessing thường nói, nếu được hỏi con Nhân sư (Sphin, con vật đầu người mình sư tử, theo truyền thuyết Ai Cập, thông suốt mọi sự) một câu thì ông sẽ hỏi nó, “Vũ trụ này có phải là một vũ trụ thiên thần không?” Khi chúng ta tin Chúa là Cha, thì phải tin bàn tay của người cha chẳng bao giờ làm con cái mình nhỏ lệ cách không cần thiết. Chúng ta có thể không hiểu rõ về cuộc đời, nhưng chúng ta sẽ không còn oán tránh nó nữa.

d) Sự sống đời đời khiến chúng ta an hòa với chính mình. Nói cho cùng, con người sợ chính mình hơn bất cứ gì khác. Ta biết sự yếu đuối của mình, biết sức mạnh của những cơn cám dỗ, biết các công việc và những đòi hỏi của đời sống mình. Ta biết mình vẫn đương đầu với mọi điều đó nhưng có Chúa ở cùng. Không phải là ta sống nữa, nhưng là Chúa Cứu Thế sống trong ta, trong đời mình có sự bình an được thiết lập bằng sức mạnh.

e) Sự sống đời đời khiến ta biết chắc sự bình an sâu xa nhất của thế gian chỉ là cái bóng của sự bình an tuyệt vời sắp đến. Nó cho ta một hy vọng, một mục đích để tiến tới đời sống kỳ diệu quang vinh trên đất này, và đồng thời một đời sống tốt đẹp vô cùng ở tương lai.

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA (Ga 3,16)

Tất cả các vĩ nhân đều có những đoạn văn riêng mình ưa thích. Đoạn văn trên đây là “Bản Văn Của Mọi Người”. Đây chính là Phúc Âm cho tất cả những tấm lòng đơn sơ. Bản văn này nói với chúng ta một số điều quan trọng.

1) Nguồn gốc và khởi đầu của cứu rỗi là từ Thiên Chúa. Đôi khi Kitô giáo đã được trình bày như là chúng ta phải đến thuyết phục Chúa để xin Chúa chấp thuận hòa giải với chúng ta, như là Chúa phải được thuyết phục mới bằng lòng tha tội cho chúng ta. Có khi người ta vẽ ra một bức tranh về Thiên Chúa nghiêm khắc, giận dữ, không dung thứ và khư khư nắm chặt lề luật. Nhiều khi người ta trình bày thông điệp Kitô giáo như là Chúa Giêsu đã làm một điều gì đó thay đổi thái độ của Thiên Chúa đối với loài người, từ xử phạt ra tha thứ. Nhưng câu Kinh Thánh trên cho chúng ta biết rằng mọi sự là do Chúa khởi đầu. Chính Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian vì Ngài yêu thương nhân loại. Đằng sau mọi sự đó là tình thương của Chúa.

2) Nguồn mạch chính của bản chất Chúa là tình yêu. Thật dễ nghĩ về Chúa như Ngài đang nhìn vào nhân loại vô tâm, không vâng lời, phản loạn, và phán rằng: “Ta sẽ đánh gục chúng, kỷ luật chúng, trừng trị, xử phạt và giáng tai họa cho đến chừng nào chúng chịu hồi tâm”. Thật dễ nghĩ về Chúa như Ngài đang tìm cách đàn áp loài người để thỏa mãn quyền hành của Ngài, để hoàn toàn chế phục vũ trụ. Nhưng bản văn phi thường này cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang hành động, không phải vì chính Ngài, mà vì chúng ta. Ngài không hành động để thỏa mãn ước muốn cầm quyền của Ngài, để giầy đạp vũ trụ dưới gót chân, nhưng là nhằm thỏa mãn tình yêu của Ngài. Ngài không phải là vị bạo chúa độc tài, đối xử với mọi người như thần dân, bắt phải tuân phục vô điều kiện. Ngài là người Cha không thể vui, cho đến khi những đứa con hoang đàng của mình trở về. Ngài không đàn áp loài người khiến họ phải đầu phục, Ngài trông mong và dịu dàng kêu gọi họ trở lại với tình thương của Ngài.

3) Chiều rộng của tình yêu Chúa là cả thế gian. Ở đây không phải là một quốc gia, không phải chỉ những người tốt lành, thánh thiện, không phải chỉ những người biết yêu mến Ngài, nhưng toàn thể nhân loại. Toàn thể những người khó yêu và chẳng có gì đáng yêu, người cô đơn chẳng được ai yêu, người yêu mến Chúa lẫn người chối bỏ tình yêu của Ngài, người chẳng bao giờ suy nghĩ đến Ngài cùng người yên nghỉ trong tình yêu của Ngài, tất cả đều được bao gồm trong tình yêu bao la, bao hàm tất cả của Thiên Chúa. Thánh Augustinô đã nói: “Chúa yêu mỗi người chúng ta dường như chỉ có một mình ta để Ngài yêu mà thôi”.

TÌNH YÊU VÀ XÉT XỬ (Ga 3,17-21)

Đến đây chúng ta lại đối diện với một trong những điểm dường như nghịch lý trong Phúc Âm Gioan –nghịch lý giữa yêu thương và xét xử. Chúng ta vừa suy nghĩ về tình yêu của Chúa và bây giờ thình lình phải đối đầu với sự xét xử, buộc tội và kết án. Gioan vừa mới tuyên bố Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian; rồi ông tiếp tục cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nói: “Ta đã đến thế gian để xét xử” (Ga 9,39). Làm sao cả hai điều trên đây đều đúng được?

Chúng ta có thể tạo cho một người kinh nghiệm chỉ có tình yêu mà thôi, nhưng chính kinh nghiệm đó lại trở thành hình phạt cho người ấy. Chúng ta có thể cung ứng cho một người một kinh nghiệm vui sướng hạnh phúc, nhưng kinh nghiệm đó lại là một hình phạt cho người ấy. Giả như chúng ta rất thích nhạc đại hòa tấu, dường như chúng ta cảm thấy rất gần gũi với Chúa trong tiếng vang rền của âm điệu hơn bất cứ nơi nào khác. Giả như chúng ta có một người bạn không biết gì về âm nhạc, chúng ta muốn giới thiệu với người bạn ấy cái kinh nghiệm tuyệt diệu của mình, để chia sẻ cho họ và tạo dịp tiện để họ được tiếp cận với vẻ đẹp vô hình của âm nhạc mà chúng ta thích thú. Chúng ta không có mục đích gì khác ngoài ra làm cho bạn mình thấy hạnh phúc trong một kinh nghiệm mới mẻ tuyệt vời. Chúng ta đưa người bạn ấy đến buổi hòa nhạc giao hưởng; chỉ trong chốc lát, người ấy thấy uể oải, chán ngán và dáo dác nhìn chung quanh hội trường. Người bạn ấy đã chịu hình phạt chính mình vì chẳng có chút âm nhạc nào trong tâm hồn cả. Cái kinh nghiệm nhằm đưa anh ta đến với niềm vui lại trở thành hình phạt cho anh.

Điều này cũng thường xảy ra cho con người khi đứng trước một nhân vật vĩ đại, cao trọng. Chúng ta có thể đưa người ấy đi xem các tác phẩm nghệ thuật bậc thầy, nghe một nhà truyền đạo lừng danh giảng thuyết, ngắm một cảnh đẹp nào đó, hoặc một cuốn sách hay để đọc. Nhưng phản ứng của họ lại trở thành một lời phán xét, một hình phạt cho chính họ. Nếu họ không thấy chút gì là đẹp, không có chút rung động nào, thì chắc hẳn đã có một điểm mù trong tâm hồn họ rồi. Người ta kể rằng có một du khách được đi xem triển lãm nghệ thuật. Trong phòng triển lãm có những tác phẩm vô giá, những kiệt tác vượt thời gian và không gian của những bậc thiên tài thực sự. Sau khi đi hết một vòng, người du khách nói: “Tôi không thấy mấy bức tranh cũ này của ông có giá trị gì”. Người hướng dẫn phòng triển lãm nói: “Thưa ông, tôi xin nhắc để ông nhớ các họa phẩm này không còn bị đem ra xử, nhưng chính chúng xử những người đến xem chúng”. Phản ứng của người này cho thấy ông ta là kẻ đui mù về nghệ thuật cách đáng thương hại.

Với Chúa Giêsu cũng vậy. Khi một người gặp Chúa với tâm hồn rung động trước sự kỳ diệu và vẻ đẹp của Ngài, thì người ấy đang ở trên con đường cứu rỗi. Nhưng nếu đã gặp Chúa và vẫn không thấy Ngài có gì đáng yêu cả, thì người ấy đã bị phán xét. Chính phản ứng của người kết án người. Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đến trong tình yêu để cứu rỗi người ấy, nhưng Chúa Giêsu đã trở thành một lời buộc tội người ấy. Chúa không buộc tội người Ngài yêu thương, nhưng chính người ấy đã tự kết án mình.

Người thù nghịch Chúa Giêsu là người đã yêu mến sự tối tăm hơn sự sáng. Điều khủng khiếp đối với một người thất sự tốt lành thánh thiện, là luôn luôn có một yếu tố vô thức nào đó trong lòng vẫn lên án mình. Chính lúc so mình với Chúa, chúng ta mới thấy mình là thể nào. Alcibiades, một thanh niên tài ba, nhưng hư hỏng, của thành phố Athène, bạn của Socrates, thỉnh thoảng thét lên: “Socrates ơi, tôi ghét anh, vì mỗi lần gặp anh thì anh cho tôi thấy tôi là gì”. Một người làm ác chẳng bao giờ muốn sự sáng soi rọi điều ác mình. Nhưng một người làm lành chẳng bao giờ sợ ánh sáng.

Người ta kể rằng, có lần một kiến trúc sư đến với Plato đề nghị đưa cho ông ta một số tiền, ông sẽ xây cho Plato một ngôi nhà nhiều phòng mà ở ngoài nhìn vào không thể nào thấy người trong phòng. Plato đáp: “Tôi sẽ tặng ông số tiền gấp đôi để ông xây một ngôi nhà mà ở trong phòng nào người ta cũng thấy được”. Chỉ kẻ làm ác mới không muốn nhìn thấy chính mình, cũng không muốn người khác nhìn thấy mình. Người như thế chắc chắn sẽ thù ghét Chúa Giêsu, vì Ngài sẽ chỉ cho người ấy thấy rõ chính mình, đó là điều cuối cùng mà người ấy muốn thấy. Người ấy yêu thích bóng tối che dấu, và không muốn ánh sáng soi tỏ, phơi bày ra.

Phản ứng của một người đối với Chúa Giêsu bày tỏ con người thật của người ấy. Qua phản ứng đối với Chúa Cứu Thế, tâm hồn con người được phơi bày trần trụi. Nếu người ấy nhìn Chúa Cứu Thế với tình yêu, dù chỉ là mơ ước, người ấy vẫn còn hy vọng. Nhưng nếu người ấy chẳng nhìn thấy có gì đáng yêu trong Chúa Cứu Thế, thì người ấy đã tự kết án chính mình. Đấng đã được phái đến trong tình yêu đã trở thành sự phán xét buộc tội người ấy.

 

 

 

 

 

71. Rắn đồng cứu độ

 

Trong cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến hai nhịp: bất trung và trừng phạt, triệt hạ và tái thiết, lưu đày và hồi hương; lên án và cứu độ, chết và sống. Các tình huống thăng trầm này thường xảy ra trong lịch sử dân Do thái. Chúng tiêu biểu cho nhịp sống tôn giáo của một dân tộc và cũng là của mỗi chúng ta, khi bất trung khi nhiệt thành. “Tư tế và dân chúng bất trung bất nghĩa … khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (x. Bài Đọc 1. 2Sb 36,14-16.19-23).

Một kinh nghiệm khác, trong hành trình sa mạc tiến về đất Hứa, có lúc người Do thái đã thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa nên than trách, thay vì tri ân thì ca thán Môsê đã đưa họ vào sa mạc; hình phạt được dựng nên tức khắc để trừng trị kẻ vô ơn: rắn độc tràn ra cắn chết những kẻ than van. Không có thuốc chữa, họ ngước nhìn Thiên Chúa và kêu cầu Người; Môsê được lệnh đúc tượng rắn bằng đồng rồi giương cao nơi hoang địa để những ai bị rắn độc cắn, nhìn lên rắn đồng, tức thì được cứu sống (x. Ds 21,4-9). Phương thuốc chữa trị này không phải là ma thuật bùa chú gì cả, nhưng là hành vi cứu độ do đức tin đem lại, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng tin. Một phương thế cứu độ nhất thời của Thiên Chúa đối với dân của Người, tỏ cho dân biết Thiên Chúa quyền năng đáng kính sợ, Người cứ độ và thưởng phạt theo tội phúc mỗi người.

Hình ảnh rắn đồng được giương cao trong hoang địa được chính Đức Giêsu lấy làm biểu tượng và áp dụng cho chính mình: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x. Bài Tin Mừng Ga 3,14-21). Con Người được giương cao trên thập giá, hình ảnh con rắn đồng được thay thế bằng thực tại xảy ra, Đức Giêsu được ví như Môsê Mới giương cao mình trên đồi Canvê vào Thứ Sáu Thánh để mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, như một phương pháp dĩ độc trị độc. Con đường từ cõi chết bước sang sự sống vươn cao trong mầu nhiệm Vượt qua nơi bản thân Đức Giêsu thành Nadarét, đó là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh mà Giáo Hội cử hành hằng ngày trên bàn thờ: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”. Mỗi Chúa nhật, Lời Chúa và Thánh Thể làm cho chúng ta sống một cách bí tích hai nhịp “chết đi và sống lại” này, làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô. “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên trời” (x. Bài Đọc 2. Ep 2,4-10).

Kinh thánh ghi lại những bất trung, phản trắc của dân Do thái, những tai ương đi kèm theo họ mỗi khi họ vấp ngã phản bội, như để sửa trị và gíao dục họ, nhưng mục đích chính là cốt để làm nổi bật lên lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Người. Thật vậy lòng yêu thương của Thiên Chúa luôn dẫy tràn trên họ đến nỗi Tin Mừng thánh Gioan ca tụng tình yêu đó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16). Thật là tội hồng phúc (felix culpa), tội đáng ca tụng vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc, như bài Hoan Ca Phục Sinh (exultet) được cất lên trong đêm Chúa sống lại. Thật tuyệt vời! Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả của Người đến giữa dân Người để kêu gọi họ trở về với Thiên Chúa. Nếu như dân đã bất trung với Giao Ước nên đã bị lưu đày, Thiên Chúa đã nhờ bàn tay ngọai giáo vua Ky-rô xứ Ba Tư để mở cho họ con đường trở về. Trong mọi hoàn cảnh cho dù bế tắc đến đâu Thiên Chúa cũng có cách hành xử hợp lý, Người luôn tỏ ra là Ông chủ lịch sử. Thật kỳ diệu, lòng Chúa xót thương! Thánh Phaolô dâng lời ca tụng: “Thưa anh em , Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống lại với Đức Kitô” (c. 2. Bài Đọc 2). Tin tưởng và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa, người Ki-tô hữu không có chỗ cho tuyệt vọng, họ không có bất cứ lý do nào để đánh mất niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng sự chết và sống lại của Chúa để cứu độ con, con tri ân cảm tạ và cung kính thờ lạy Chúa. Xin cho con biết trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa đối với anh em con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ