Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Tổng truy cập: 1374040

NHÌN NGƯỜI NỮ... NHÌN NGƯỜI NAM

Nhìn người nữ..., nhìn người nam... – Lm. Minh Anh

 

Sống là chọn lựa. Chọn lựa là hy sinh. Hy sinh là chết đi. Chết cho điều này để sống cho điều kia. Bài đọc thứ nhất sách Huấn Ca hôm nay nói đến việc chọn lựa, "Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước; con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con là cửa sinh cửa tử; ai thích gì, sẽ được cái đó".

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc chọn lựa, "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà". "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi".

Nếu có những lối đi yên tĩnh thì cũng có những ngõ vắng xôn xao;

Nếu có những đường làng quạnh hiu thì cũng có những đại lộ rộn rã.

Tương tự như thế, trong tình yêu,

Tình yêu có cả những đại lộ thênh thang,

Cả những lối mòn chật hẹp.

Các bạn trẻ thân mến,

Luật cũ dạy: chớ giết người, chớ ngoại tình... đó là những đại lộ tình yêu, ai cũng thấy, ai cũng biết và dễ chấp nhận. Nhưng ai giận anh em mình, ai bảo anh em mình là "bờm", thì đáng bị toà án luận phạt... đó là những lối hẹp tình yêu mà ai ai cũng dễ va vấp và khó chấp nhận. Cũng như, "Ai nhìn người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" lại là một lối mòn chật hẹp hơn. Phải chăng đây chính là điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người mà thánh Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai hôm nay?

Có người nói, lạy Chúa, Chúa quá quắt, "Chúa đi guốc trong bụng đàn ông..."; nhưng cũng không ít người tạ ơn Chúa vì Chúa quá tế nhị, quá nhân ái khi không dám nói thêm "Ai nhìn người nam...".

Thưa các bạn, có lẽ đây là đoạn Tin Mừng mà mỗi khi đọc hoặc nghe nói đến là chúng ta nhăn mặt, một đoạn Tin Mừng hiếm khi được chọn để suy niệm trong các buổi chia sẻ.

Vậy hôm nay, chúng ta thử nhìn thẳng vấn đề. Đức Giêsu muốn nói gì ở đây? Phải chăng Ngài muốn nói đến đức ái trọn hảo? Phải chăng Ngài muốn nói đến sự thanh khiết hồn nhiên của những ai theo Ngài? Hoặc Ngài muốn nói đến những đòi buộc triệt để giúp chúng ta tiến "nhanh hơn, cao hơn và xa hơn" trong đời sống làm con Chúa? Có lẽ tất cả đó đều là câu trả lời.

Đức Giêsu, Đấng ba lần thánh, dẫu hoàn toàn vô tội... nhưng không vì thế mà những gì xảy ra nơi con người lại xa lạ với Ngài. Ngài biết đến những xung năng vật vã, biết cả những cuồng si ươn hèn, hay những cám dỗ chết người nơi thân phận bọt bèo của kiếp nhân sinh. Ngài biết nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, khoẻ cũng như ốm, người sống đời dâng hiến cũng như kẻ ở bậc vợ chồng.

Trong cuốn sách của mình, một bác sĩ tâm lý thổ lộ: "Tôi thiết nghĩ, trong đời sống vợ chồng, việc giữ đức khiết tịnh còn khó hơn gấp bội so với những người sống đời độc thân. Tôi không nói đến ngoại tình, nhưng tôi muốn nói đến sự kiêng khem". Vậy thì tại sao phải kiêng khem trong bậc vợ chồng cũng như phải dè giữ ngũ quan trong đời dâng hiến? Câu trả lời hẳn phải có một mẫu số chung: tất cả chỉ vì tình yêu.

Người ta sẽ không biết từ chối những điều cấm nếu đã không biết chối từ những điều được phép. Sẽ không biết yêu thương nếu người ta đã không biết hy sinh cả những gì có thể làm. Vì không phải điều ta dâng Chúa mới đáng giá, nhưng sẽ đáng giá hơn, cả những điều ta từ chối vì Người. Tất cả phải phát xuất từ tình yêu, chỉ vì tình yêu. Tất cả gỗ của muôn cánh rừng sẽ thật vô dụng nếu không có lấy một ngọn lửa, "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa này bùng cháy lên". Lửa ở đây, chính là lửa yêu thương.

Kitô hữu là những người lội ngược... mà dừng lại là thua cuộc, là trôi theo dòng đời.

Đừng ngần ngại tìm sự cô tịch cho tâm hồn ở những lối đi chật hẹp!

Đừng do dự trổ hoa giữa những sa mạc cằn khô!

Cũng đừng băn khoăn khi phải chắt chiu niềm vui nơi những lối đi gập ghềnh.

Ngài có đó, Giêsu có đó... sẵn sàng dẫn dắt, bổ sức và chữa lành bạn; ở đó, niềm vui dâng hiến sẽ là những bông hoa hiếm hoi trổ nụ trên những que cọng tình yêu. Hãy cầu xin cho bạn đủ sáng, đủ hấp dẫn để các tâm hồn được gần Chúa hơn; cũng hãy cầu xin cho đủ lu mờ để không ai gắn bó với bạn mà xa dần Thiên Chúa. Chúc bạn mạnh mẽ để can trường đi vào những lối nhỏ yêu thương đó!

 

 

 

 

 

28. Luật của Chúa Giêsu – PM. Cao Huy Hoàng

 

Thiên Chúa ban cho con người có tự do và để con người tự do định đoạt số phận của đời mình: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó”. (Hc 15,16-17).

Tuy nhiên, vì không muốn con người phải hư mất, Thiên Chúa ban Lề Luật để hướng dẫn con người sử dụng tự do của mình mà đi vào cõi sống: cửa sinh“Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội”. (Hc 15,19-20)

Mười điều răn Môisê đã nhận lãnh để truyền cho dân, là một chuẩn bị xa để con người sống công chính mà đón nhận Tin Mừng Cứu Chuộc, Tin Mừng của Cõi Sống.

Chúa Giêsu đến, Ngài kiện toàn lề luật tích cực hơn chỉ trong một luật duy nhất: “yêu thương”, như thánh Phaolô xác quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật”(Rm 13,10)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9. Ngài nói với các môn đệ hai ngàn năm trước, mà nghe như đang nói với mỗi người chúng ta, trong thế giới nầy, trong đất nước nầy, trong xã hội và giáo hội hôm nay…

Yêu thương và tôn trọng nhau

Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”. Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi. “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,22-23)

Chúa Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể đức công chính của chúng ta là làm hòa với tha nhân trước, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng chúng ta ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng tha nhân. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Vâng, Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu, con người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người.

Nhìn thực tế cuộc sống đạo hôm nay, có thể chúng ta vẫn giữ luật điều răn thứ năm thật nghiêm túc là không giết người. Nhưng hình như chưa giữ luật yêu thương tôn trọng anh em. Chúng ta đang trách mắng nhau, chửi bới nhau thậm tệ trên các phương tiện truyền thông? Một bên mắng là “đồ ngốc”. Bên kia mắng lại là “quân phá đạo, quân phản đạo”. Thực ra, không thấy có ai dám mắng anh em là “đồ ngốc”, nhưng ý nghĩa các bài viết, các bản tin còn thậm tệ hơn cái “đồ ngốc” ấy nữa, nhất là đối với các những người lớn hơn mình về vai trò nhiệm vụ trong xã hội và giáo hội. Không ai dám kết án chúng ta đã xem thường nhau, rồi xúc phạm đến nhau tới mức nào, nhưng tự thâm tâm chúng ta có thể trả lời được, nếu không, hãy mở to mắt nhìn những hậu quả. Kìa, những phê phán, những đánh giá đầy tính chủ quan lại được tung ra trên diện rộng đã gây nên những hậu quả khó lường. Có cả những hậu quả thảm khốc là làm cho người bị mắng là đồ ngốc lẫn người bị chửi là quân phản đạo, vẫn sống nhưng là như đã chết rồi. Người chết cái uy tín, kẻ chết cái niềm tin, cái nhiệt tình. Người thứ ba đứng bên ngoài vỗ tay reo hò rằng: chúng nó tàn sát lẫn nhau.

Chúng ta không giết người, vì không có gươm giáo, súng đạn, nhưng vì thiếu chân thành, chỉ cần một chữ ký, một quyết định, một bài báo, một bản tin, một tờ rơi, một cái búng tay ra mật lệnh, một cú phone, một cái enter.. dễ chưa từng có… Người anh em ta sẽ chết ngay dưới lưỡi gươm công luận, dưới búa rìu comments phê phán, dưới họng súng truyền thông.

Cũng vậy, chúng ta không giết người, nhưng vì không tôn trọng con người là tuyệt phẩm của Thiên Chúa, nên chỉ cần một viên thuốc, một lời kích động, một phút tư vấn (về sức khỏe, về sắc đẹp, về hạnh phúc) là có hằng trăm con người đỏ hon hỏn phải tức tưởi tắt thở lúc chưa kịp sinh ra. Những can phạm, không ai khác, chính những người thân thiết nhất của con người: cha giết con, chồng giết vợ, mẹ giết con, vợ giết chồng, chủ giết tớ, cấp quan cấp trên có quyền hành giết cấp dân đen cấp dưới không phương tiện chống cự, không tiếng nói…

Giữ tâm hồn trong sạch, xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần

Điều răn thứ sáu dạy: “Chớ dâm dục”, và điều răn thứ 9 dạy: “chớ ngoại tình”. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vỡ lở, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội “dâm dục” hay “ngoại tình”, nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt mây mưa thì, theo Chúa Giêsu, đã thành tội rồi.

Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, thì sớm muộn, con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Trước đây, người phụ nữ Á Đông rất kín đáo, rất đoan trang… Tại sao chỉ sau ba bốn chục năm, các thiếu nữ bây giờ không còn đoan trang như trước nữa? Có người cho là hội nhập văn hóa Tây Phương. Có người cho là đó là nét đẹp của Thượng Đế cần phải phô trương. Có người còn cho là không có gì là tội lỗi. Nhưng cũng có câu trả lời rằng: kẻ chống Chúa Giêsu biết cách làm cho người ta không giữ lời Chúa Giêsu dạy! Như vậy là đỗ thừa cho hoàn cảnh xã hội sao? Không, thiết tưởng, người phụ nữ không còn kín đáo nữa là do họ không những không còn quí trọng đức trinh khiết của mình và của người khác, mà còn thích thú làm cớ cho mình và người khác vấp phạm.

Cách đây 8 năm, tôi lên Sàigòn, ghé thăm anh bạn bán thuốc tây trước BV Bình Dân. Vừa nói chuyện vừa xem anh bán thuốc. Tôi thắc mắc không biết các em học sinh mang bảng tên lớp 10, lớp 11 vào mua thuốc gì mà anh bạn tôi lấy tiền rồi trao cho các em cái gì đó đựng trong túi xốp đen, đi ra. Chỉ ngồi chơi một tiếng mà có ít là 6 học sinh vào mua hàng rồi ra như vậy. Thấy tôi ngẩn ngơ, không đợi tôi lên tiếng hỏi, anh bạn tôi nói: “Mình không bán thì mấy tiệm kia cũng bán cho chúng nó thôi. Bạn lấy làm lạ phải không?” “Vâng, mình chẳng hiểu gì cả”. “Chúng nó mua que thử thai đấy. Học sinh bây giờ lớp 9 lớp 10, tụi nó thử cả rồi! Có trời mới biết chúng nó ngoan như thế nào. Khổ nỗi, cha mẹ thì chỉ biết “Con tôi nó học ngày học đêm! Tội nghiệp quá!” …

Ấy là chuyện con nít. Còn chuyện người lớn thì “không chỉ nhìn phụ nữ, phụ nam cách thèm thuồng, mà còn đưa phụ nữ về nhà mình, hoặc đưa người tình nam về nhà mình sống chung bất hợp pháp thì còn gì để nói”. Cuộc sống không công chính vì lỗi đức trong sạch của người lớn ở bậc độc thân suốt đời, cũng như của người sống bậc hôn nhân đã làm niềm tin và lòng yêu mến của bậc bề dưới, của con cái chết dần chết mòn rồi đến giai đoạn tử vong không cứu kịp.

Giá trị hôn nhân công giáo hệ tại ở tính đơn hôn và vĩnh hôn. Vì vậy, những lạc thú ngoài hôn nhân làm mất giá trị đời sống công chính của hôn nhân công giáo. Biết thế, âm mưu của người chống lại Thiên Chúa là những chủ trương thành văn hoặc bất thành văn về việc tự do quan hệ, khuyến khích phá thai, còn tạo điều kiện tốt cho những cuộc ly hôn ly dị có pháp luật bảo đảm.

Từ đó, thế hệ những đứa con vất vưởng do những cuộc ly hôn, hoặc của những đứa con vô thừa nhận làm thay đổi cách nhìn truyền thống và giá trị của chữ Hiếu. Thế hệ trẻ của những con người nầy không còn yêu thương, kính trọng cha mẹ mình, vì cha mẹ đã không chu toàn đức công chính. “Tết em muốn về với Mẹ, mà không biết phải nói gì với chồng của Mẹ. Tết, em muốn về với Ba, cũng không biết phải nói sao với vợ của Ba”. Hoặc là, đã để lại cho chúng một dấu ấn không đẹp về cách hành xử của người lớn khi chúng không biết ba chúng nó là ai. Có trường hợp đáng tiếc, khi lớn lên nó biết ba của nó là một ông lớn trong xã hội. Thiên Chúa mà ông lớn không nhìn nhận thì huống chi là con ông.

Chúa Giêsu thật chí lý khi dặn dò chúng ta giữ tâm hồn thanh sạch. Nếu đức trong sạch được trân quí nơi ý thức của mỗi cá nhân, nơi giáo dục của mỗi gia đình, nơi chủ trương của xã hội thì ắt hẳn sẽ có một xã hội đầy nhân tính, xứng nhân phẩm, trọn vẹn nhân ái đúng nghĩa mà Thiên Chúa muốn.

Ngay chính thật thà

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5,37)

Lòng ngay chính thật thà có thể nói sẽ hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Và yêu thương chân thành sẽ là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của những lạc thú xác thịt, của những âm mưu chia rẻ, âm mưu gây hận thù, oán trách.

Con người thời nay vẫn đồng hóa tình yêu với tính dục và cho là đó là tình yêu chân thành, mà không ngộ ra rằng đó là sự xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của người mình yêu. Những người yêu nhau một cách xác thịt, không tin là họ đang lừa dối nhau, và mãi sống trong sự nhầm lẫn đáng tiếc vì ai cũng đang yêu chính mình.

Người công giáo phải được giáo dục tốt từ trong gia đình về đức tính thật thà. Vì nếu nơi Thiên Chúa không có gì là gian dối, thì Ngài cũng không thể chấp nhận con cái Ngài sống cách gian tà, quỷ quyệt. Cũng vậy Thiên Chúa tôn trọng sự thật, bênh vực công lý, trung tín lời hứa, và cũng muốn con cái Ngài như vậy.

Con rắn ngày xưa phỉnh gạt bà Eva ăn trái cấm. Con rắn ngày nay còn quỷ quyệt tinh xảo hơn: không cần phỉnh gạt ai cả, nhưng mở đường gian tà thênh thang cho con người đi lên tới đỉnh danh vọng, tới đích tỷ phú, tới hạnh phúc trần gian thừa mứa chán chê! Ai không đi theo đường của nó, thì nó nhẹ nhàng quyến rủ mời mọc lịch sự chưa từng có! Ai đã theo con đường của nó, tự động sẽ phát sinh những chuyện gian tà, gây nên những hỗn độn: chê bai chỉ trích điều công chính lẫn điều không công chính, làm cho không ai phân biệt được phải trái nữa. Cái nào cũng phải. Cái nào cũng trái. Lúc ấy, nó sẽ đắc thắng.

Chuyện không đáng kể, mà cũng phải kể. Đó là chuyện có vài người không đáng kể, thích thêm mắm muối ớt tỏi làm lệch lạc sự thật đáng quí, ảnh hưởng tới một số người đáng kể. Trong khi đó, đức công chính Chúa Giêsu dạy là "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”(Mt 5,37)

Có anh bạn từ rất xa, phone cho tôi thăm hỏi: “Lâu nay làm gì mà vắng bóng thế?” Tôi trả lời “Vẫn thế thôi mà”. Anh hỏi tiếp: “Bệnh hay là định gác bút rồi?” “Không, vẫn bình thường mà?”- “Mình chả thấy bài ông đâu cả?” “Có mà. Ông đọc trang nào?” “Mình chỉ đọc độc một trang “Nhân Viên Công Lực” thôi ! Chửi nghe sướng!”. “Ồ, thế thì làm sao được! Phải đọc dăm bảy trang mới khách quan ra được chứ!”. Anh bạn tôi cúp máy!

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi chúng con dùng tự do Chúa ban mà đi vào đường lối của Chúa là yêu thương và tôn trọng nhau. Và khi đã yêu thương tôn trọng nhau xin cho chúng con không giận ghét mắng chửi nhau, mà còn giữ cho nhau tâm hồn trong sạch cao quí xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Xin giúp chúng con tránh xa lối gian tà, nhờ tuân hành lề luật của Chúa Giêsu, Đấng là Đường, Là Sự Thật, và là Sự Sống của chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

29. Gợi ý giảng của Lm Carôlô

 

SỐNG THEO LUẬT CHÚA

1) Con đường sống

Trong bài đọc I, Ben Sira nói đến 2 con đường: con đường được vạch ra bởi các giới răn là con đường sống, con đường nước, con đường sự lành; con đường thứ hai thực ra không phải là đường mà là muốn đi đâu thì đi, không có chỉ dẫn, không có định hướng, không có ngăn cản… đó là con đường lửa, con đường sự dữ, con đường sự chết.

Chỉ cần một thí dụ nhỏ cũng đủ để nhất trí với Ben Sira: lái xe trên xa lộ. Muốn an toàn, hay nói cách khác là muốn sống, người lái xe phải tuân thủ rất nhiều luật: đoạn nào phải chạy với tốc độ nào, chỗ nào được quẹo, chỗ nào phải dừng lại, muốn vượt thì phải làm sao v.v. và v.v.

Người lái xe nào nghĩ rằng tất cả những luật ấy là bó buộc, là bóp chết sự tự do của mình, rồi bất chấp tất cả. Kết quả sẽ thế nào? Người đó chết. Chẳng những thế, có thể làm cho nhiều người khác chết theo.

Đi trên một đoạn đường xa lộ mà đã thế. Huống chi trọn cuộc hành trình của đường đời.

2. Luật là luật!

Nhiều người nói “luật là luật”. Những người này bám sát mặt chữ của các khoản luật và buộc người ta tuân thủ một cách nô lệ từng chữ ấy. Lúc đó, luật trở thành chủ, và con người trở thành nô lệ. Cuộc sống quá nặng nề, không chịu nổi. Luật của pharisêu là như thế đó. Ngày sabát, nếu có người bệnh cũng không được chữa, bởi vì “luật” cấm không được làm việc gì trong ngày đó.

Nếu chú ý đọc hết bài giảng trên núi rất dài của Đức Giêsu (từ đầu chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mátthêu), chúng ta sẽ ngạc nhiên là tuy Ngài nói đến luật cũ và luật mới, nhưng Ngài chỉ giải thích những khoản luật cũ chứ không đưa thêm khoản luật nào “mới” của Ngài cả. Đức Giêsu không thêm luật, nhưng Ngài chỉ cho thấy tinh thần của luật. Vì thế ta có thể nói: luật của Chúa Giêsu không phải là luật, mà là tinh thần. Tinh thần là sự sống của luật. Đã có quá nhiều khoản luật, chỉ thiếu tinh thần và sự sống thôi.

Sau này, trong một cuộc đối thoại với một luật sĩ, Đức Giêsu có nói tới hai khoản “luật” quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra hai khoản đó cũng đã có sẵn trong bộ luật cũ Cựu Ước. Khoản luật thì vẫn cũ, cái mới là tinh thần: tinh thần “yêu” và tinh thần “mến”.

Tín hữu chúng ta đang cố gắng tuân giữ rất nhiều luật: Luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng hãy lưu ý kỹ điều này: nếu chỉ giữ “luật” mà không giữ đúng “tinh thần” của luật thì ta sẽ thành nô lệ, sẽ thành pharisêu.

3. Luật gia đình: Cha con, anh em

Tinh thần bao trùm tất cả mọi khoản luật là tinh thần gia đình: đối xử với Thiên Chúa bằng tình hiếu thảo cha con và đối xử với người khác bằng tình huynh đệ anh em.

Đọc lại Bài giảng trên núi rất dài từ chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mt, ta thấy mỗi lần nói đến Thiên Chúa thì Đức Giêsu đều nhắc ta nhớ Ngài là Cha, và mỗi lần nói đến người khác thì Đức Giêsu cũng nhắc ta nhớ họ là anh em của ta.

- Thí dụ như về luật đối xử với người khác (Mt 5,21-26): “Ai giận anh em mình… Ai mắng anh em mình… Ai chửi anh em mình… Khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con…”

- Thí dụ về những việc đạo đức (Mt 6,1-18): “Khi bố thí thì đừng có khua chiêng đánh trống… Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh… Khi cầu nguyện… Hãy cầu nguyện với Cha của anh, Đấng thấu suốt những điều kín đáo… Còn khi ăn chay… Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo…”

Thánh Kinh thường gọi Luật là “ách” và “gánh”. Nhưng luật của Chúa Giêsu là luật gia đình. Luật gia đình tuy cũng là “ách” và “gánh” nhưng rất nhẹ nhàng, êm ái: “Ách Ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng”.

4. “Đừng nổi giận với anh em mình”

Đức Giêsu không bảo “Đừng nổi giận”, mà bảo “Đừng nổi giận với anh em mình”. Nhận xét này có nhiều ý nghĩa.

Xét về mặt tâm lý, giận là một trong “thất tình”, nghĩa là một trong 7 thứ tình cảm tự nhiên mà người lành mạnh nào cũng có. Nếu ta biết yêu ta và tự trọng ta thì khi ai đó đối xử bất công với ta thì tự nhiên ta nổi giận. Khoa tâm bệnh học còn cho biết rằng cứ đè nén cơn giận mãi còn có thể gây hại cho tâm thần và cả sức khoẻ nữa. Tự nó, tình cảm giận không có gì xấu. Chính Đức Giêsu cũng từng nổi giận khi thấy người ta buôn bán trong sân Đền thờ Giêrusalem.

Chỉ xấu khi “nổi giận với anh em mình”, nghĩa là vì giận quá mà không còn coi người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Nói tóm lại là giận đến nỗi mất tình huynh đệ. Trong trường hợp này “giận” đồng nghĩa với “giết”: không phải giết chết một mạng sống mà giết chết một mối tình, vì người trước đây là anh em nay không còn là anh em nữa.

5. Chuyện minh họa

a/ Giận dữ

Khi R. Weaver còn làm công nhân hầm mỏ, có lần anh vô tình chọc giận một công nhân khác. Anh này gầm lên:

- Chắc tao phải cho mày mấy bạt tai quá!

- Nếu anh thấy cần thì cứ làm đi.

Người ấy tát Weaver một cái. Anh đưa má kia, tát nữa. Tất cả là 5 lần. Đến lần thứ 6, người kia hậm hực bỏ đi. Weaver còn nói theo: “Chúa tha thứ cho anh. Tôi cũng thế. Xin Chúa cứu anh.”

Sáng hôm sau khi xuống mỏ, người đầu tiên mà Weaver gặp là người tát mình. Anh mỉm cười lại gần. Người ấy chợt bật khóc: “Ôi anh Richard. anh thực sự tha thứ cho tôi chứ?”

Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi người ấy nhập đạo.

b/ Tha thứ

Dick và Dorothy là hai chú bé luôn bị một chú nọ to con bắt nạt. Hai chú tức mà không làm gì được. Ngày nọ, hai chú đọc đoạn Tin Mừng kể chuyện Phêrô hỏi Chúa: “Khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha bao nhiêu lần? Có phải 7 lần không?”- “... Không phải 7 lần, mà là 70 lần 7.” Dick làm tính nhẩm: “Vậy là Chúa bảo tha 490 lần.” Hai đứa thinh lặng một lúc, rồi Dorothy nói: “Ta hãy mua một cuốn vở, mỗi khi tha cho hắn, mình ghi vào.” Và Dick reo lên: “Sau lần thứ 490, tụi mình sẽ cho hắn biết tay!”

home Mục lục Lưu trữ