Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 64
Tổng truy cập: 1364536
NHỚ MANG THEO TRÁI TIM
NHỚ MANG THEO TRÁI TIM- ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt
Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.
Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.
Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:
Đó phải là một trái tim nhạy bén.
Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.
Đó phải là một trái tim quan tâm.
Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.
Đó phải là một trái tim chung thuỷ.
Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.
Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?
2- Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?
3- Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?
4- Mang theo trái tim nghĩa là gì?
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- C
ANH EM CỦA TÔI LÀ AI?- Lm. Micae Võ Thành Nhân
“ Một người thông luật “ ( Lc 10, 25 ), nghĩa là trong xã hội lúc bấy giờ, cả về đạo lẫn về đời, người ta đều xem họ là những người có chữ nghĩa, có học thức, có học vấn, có trình độ, có kiến thức, có khả năng, họ như là giai tầng trên của xã hội. Nhưng đấy là nói về cái tri thức của họ, cái mà họ sở hữu được trong đầu óc nhờ học hành. Còn về cái sự học của họ có đi đôi với hành hay không thì chúng ta không biết, chỉ dựa vào đoạn văn đối thoại ngắn gọn giữa Chúa với người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay thì mới được sáng tỏ phần nào mà thôi:
-Khi ấy, một người thông luật đứng lên hỏi Chúa Giêsu rằng: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời “. Người nói với ông: “ Trong Lề Luật đã chép như thế nào ? Ông đọc thấy gì trong đó ? “ Ông trả lời: “ Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi ‘, và hãy thương mến anh em như chính mình “. Chúa Giêsu nói: “ Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống đời đời “. Nhưng người ấy muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa rằng: “ Nhưng ai là anh em của tôi “ ( Lc 10, 25 – 29 ).
Như vậy là chúng ta đã thấy phần nào giữa cái sự học và cái hành của người thông luật không đi đôi với nhau. Giữa bộ não và tay chân của họ không đi đôi với nhau. Giữa sự hiểu biết và sự thực hành hiểu biết không đi đôi với nhau. Dường như khoảng cách giữa cái đầu và tay chân của họ còn quá xa. Lý do là họ thiếu trái tim để gắn kết, mặc dù họ vẫn có trái tim đó. Chính trong Tin Mừng theo thánh Mátthêô, nhiều lần Chúa lên án những người biệt phái và luật sĩ về việc này đây: “ …Còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm ….Khốn cho các ngươi là những biệt phái và luật sĩ….” ( Mt 23, 1 – 29 ) là bởi vì họ biết, họ hiểu Lời Chúa nhưng lại không đem ra thực hành. Và hôm nay, Chúa cũng đã cho chúng ta cảm nhận được điều này qua câu chuyện người Samaria nhân hậu với câu kết của bài Tin Mừng:
-Chúa nói rằng: “ Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp ? “ Người thông luật trả lời: “ Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy “. Và Chúa bảo ông: “ Ông hãy đi và làm như vậy “ ( Lc 10, 36 – 37 ).
Chúa chỉ cho người thông luật và chúng ta thấy chính trái tim, chính “ Lòng thương xót “ là mối dây liên kết giữa trí thức và việc làm, giữa cái học và cái hành, giữa sự hiểu biết và hành động. Nếu không có lòng thương xót thì cái học, cái hiểu biết, cái kiến thức, cái bằng cấp, cái học vị, cái học hàm kia… đều vô nghĩa , chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa.
Chúng ta đừng nghĩ rằng mình học cao hiểu rộng là Chúa sẽ ưu tuyển mình, cho mình vào nước thiên đàng hưởng sự sống đời đời trước những người khác đâu. Không có chuyện này, vì Chúa đã đánh tan suy nghĩ của người thông luật hôm nay rồi đó. Đạo Chúa là đạo yêu thương, đạo không phải trên môi miệng, mà là đạo dấn thân và thực hành “ Ông hãy đi và làm như vậy “, nghĩa là hãy sống yêu thương, cứu giúp, phục vụ, đỡ nâng người khác, nhất là những người gặp những tai ương hoạn nạn, những người gặp những hoàn cảnh khó khăn như nghèo túng, ốm đau, bệnh tật, thất bại, cơ cực, bị bỏ rơi, bị ức hiếp, bị chà đạp…. Vì như Chúa đã nói: “ Không phải những ai thưa lạy Chúa , lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ có những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào mà thôi “ ( Mt 7, 21 ).
Đổ vào biển cả là ước mơ của các dòng sông, được cập bến bờ an toàn là ước mơ của những con thuyền sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả mênh mông đầy sóng gió hiểm nguy, được hưởng sự sống đời đời là ước mơ của mỗi con người chúng ta. Để ước mơ này trở thành hiện thực thì ngay bây giờ Chúa dạy chúng ta phải có một tình yêu, tình yêu là như thế này: “ Mến Chúa yêu người “ và phải đem tình yêu ấy ra mà thực hiện trong cuộc sống vô thường này:
-Yêu Chúa thì phải giữ đạo Chúa, nghe lời Chúa dạy, xa tránh các dịp tội, tránh làm buồn lòng Chúa…
-Yêu người thì cảm thông, tha thứ, giúp đỡ, tiếp đón, nhất là cứu giúp những người bị tai ương hoạn nạn…
Mến Chúa yêu người có quá khó, có vượt quá giới hạn khiến chúng ta không thực hiện được hay không ? Thưa không phải, vì như Chúa đã nói trong bài đọc một trích sách Nhị Luật: “ Lời đó ở sát bên các ngươi, nơi môi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi “ ( Đl 30, 10 – 14 ). Vì thế, chúng ta hãy cố gắng thực hiện và với ơn Chúa mà chúng ta cầu xin mỗi ngày, Chúa sẽ giúp chúng ta thực hiện được mà thôi.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu của chúng con, người thân cận của chúng con là tất cả mọi người không phân biệt một ai cả. Xã hội ngày hôm nay chúng con đang sống đây có rất nhiều người thân cận đang lâm nạn và quẫn bách, xin cho chúng con có một tình yêu tự hiến như Chúa để chúng con biết ra tay cứu giúp những anh chị em này, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Xin cho chúng con luôn hiểu rằng sự sống đời đời được bắt đầu từ ngày hôm nay, bắt đầu khi chúng con sống yêu thương như Chúa truyền dạy là giúp đỡ người khác, dù phải mất tiền của, thời giờ, sức khỏe, lao tâm khổ tứ. Xin Chúa luôn ở với chúng con. Có Chúa chúng con sẽ có tình yêu và chúng con sẽ lấy tình yêu đối xử với nhau. Có Chúa chúng con sẽ làm điều thiện, điều lành, điều tốt, điều có lợi cho anh chị em chúng con và mang lại hạnh phúc cho họ. Amen.
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN-C
LUẬT SAMARITANÔ- Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẩu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẩu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẩu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.
Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại”(Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả”(Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.
Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn trong phạm trù người thân cận không hề có kẻ thù. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).
Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.
Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta….Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…”(Mt 25,31-46).
“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
CHÚA NHẬT Xv THƯỜNG NIÊN- C
PHỤC VỤ NÂNG CAO GIÁ TRỊ CON NGƯỜI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trước mắt người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nên người Do Thái xem người Samari như những người hạ cấp đáng bị tẩy chay.
Thế nhưng hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời. Giá trị của người đó gia tăng thật cao. Nhờ đâu được như vậy. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện do Chúa Giêsu thuật lại như sau:
Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.
Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị tư tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường.
Một lát sau, có một thầy trợ tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy trợ tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia…
Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo!
Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.
Có thể giờ nầy vợ con ông ta đang nóng lòng mong đợi ở nhà, có thể bọn cướp còn đang lai vãng đâu đây lại xông ra để cướp, để giết hại ông như chúng đã gây ra cho người xấu số, lại phải mất công, bỏ việc vì nạn nhân nầy… nhưng thôi, đành phó mặc… Thương người như thể thương thân, phải tìm cách cứu sống anh ta trước đã.
Thế là người Samari vội mở hành trang lấy cồn, lấy rượu rửa sạch vết thương, băng bó những vết thương còn rỉ máu, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay ngược đường trở về quán trọ.
Đến nơi, ông ta lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như cho người thân yêu của mình suốt đêm. Sáng hôm sau, vì công việc khẩn trương, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông ta dốc hết túi tiền, trao cho chủ quán với lời căn dặn: “Xin ông vui lòng chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, nếu còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.
Thật là một hy sinh hết sức lớn lao! Một tấm gương hào hiệp và cao đẹp hiếm có. Nét đẹp đó vẫn được Giáo Hội truyền tụng suốt hai mươi thế kỷ qua và cho đến muôn đời. Sáng giá thay con người biết yêu thương, hy sinh và phục vụ!
Thế là đang khi danh giá người Samari lên cao tột đỉnh nhờ giàu lòng nhân ái thì danh giá vị tư tế và thầy Lê-vi bị tụt dốc thảm hại vì đã thiếu lòng thương xót, đã không hy sinh giúp đỡ nạn nhân trong cơn hoạn nạn, ngặt nghèo.
Phục vụ còn là điều kiện để được sống đời đời
Nhưng sự hy sinh phục vụ của người Samari không chỉ nâng cao giá trị của ông ta mà thôi, mà còn là một điều kiện tiên quyết giúp ông được sống đời đời.
Khi người thông luật hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sống đời đời, Chúa Giêsu giúp ông ta khám phá ra câu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”
Chúa Giêsu không lý thuyết suông, Ngài cụ thể hoá quy luật mến Chúa yêu người bằng hành động nhân ái của người Samari trên đây với lời kết luận: “Ông hãy đi và làm như vậy”. Như thế, những ai muốn được sống đời đời thì hãy quên mình phục vụ như người Samari trên đây.
* * *
Quên mình phục vụ tha nhân, một việc làm với hai hiệu quả lớn: làm gia tăng đáng kể giá trị của mình và được hưởng sự sống đời đời.
Lạy Chúa, biết đến bao giờ con mới có thể trở thành một người Samari mới cho xã hội hôm nay! Biết bao giờ con mới dám hy sinh phục vụ để đạt được sự sống đời đời!
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- C
NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU- Lm. GB Trần Văn Hào SDB
“Chỉ có loài vật mới nhẫn tâm ngoảnh mặt lại trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút cho bộ lông mượt mà của nó, còn con người thì không”. Đây là lời phát biểu của ông Karl Marx, một triết gia vô thần. Tuy ông ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng tự trong thâm tâm, ông vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu, là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Còn chúng ta thì sao? Là những người Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, đấng có tên gọi là ‘Tình yêu’, nhưng chúng ta đã thực hành luật yêu thương cụ thể như thế nào? Qua dụ ngôn bài Tin mừng hôm nay, Chúa cảnh báo tất cả, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để lay động lương tâm từng người. Người Samaritanô vốn chỉ là người ngoại đạo mà dân Do thái vẫn coi như thù địch, nhưng đã trở thành chuẩn mẫu để Chúa Giêsu đưa ra như một tấm gương soi. Sau khi thuật lại câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu, Chúa nói với người thông luật đến hỏi Ngài, cũng như nói với chúng ta hôm nay: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy (c.37).
Một câu chuyện mang tính thời sự.
Ngày hôm nay, nếu Đức Giêsu đứng giữa chúng ta và cũng thuật lại giai thoại trên, Ngài sẽ đem ai ra để làm hình mẫu, bạn hay tôi, linh mục này hay tu sĩ nọ? hay Chúa lại tiếp tục đưa một người ngoại giáo nào đó ra để mời chúng ta bắt chước? Đức Cha Bùi Tuần khi đọc bài Tin mừng trên đã viết lại những dòng chia sẻ sau. “Cứ mỗi lần suy gẫm về câu truyện này, tôi cảm thấy xấu hổ và có chút gì mỉa mai làm tôi ray rứt. Tôi tưởng rằng khi đưa ra một mẫu gương bác ái, Chúa sẽ bảo chúng ta hãy nhìn vào gương sáng nơi vị linh mục này hay tu sỹ nọ, nhưng không, Chúa chỉ đưa ra một người ngoại giáo làm mẫu mực. Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy hổ thẹn.”
Thầy tư tế chuyên lo việc đền thờ, nhưng đền thờ đích thực nơi con người, những thụ tạo được Chúa dựng nên giống hỉnh ảnh Ngài, thì ông ta lại không màng. Cũng vậy, các thầy Lêvi thường hay đeo bảng khắc lề luật ở trước ngực, nhưng luật của tình yêu thì ông lại nhẫn tâm dẫm đạp, để mặc người bị nạn nằm đó chờ chết. Còn người Samaritanô ngoại giáo thì khác. Anh ta không biết chút gì về lề luật trên lý thuyết, nhưng trong thực hành, ông lại quá tuyệt vời.
Sự ích kỷ và vô tâm nơi mỗi người, thường xuất phát từ thái độ tự mãn mà chúng ta vẫn hay có. Trong Tin mừng Matthêu chương 18, Chúa nặng lời chỉ trích thái độ trịch thượng, khoe khoang của những người biệt phái và ký lục giả hình. Họ là những con người bề ngoài xem ra rất đạo đức nhưng trong lòng thì rống tuếch, chẳng khác gì mồ mả sơn phết bên ngoài. Cũng thế, hai ‘đấng bậc’ mà Chúa nhắc đến hôm nay, Thầy tư tế và Thầy Lêvi, đã hoàn toàn tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến xác chết vì sợ bị nhiễm uế. Nhưng sự vô cảm và ích kỷ lại chính là tình trạng nhiễm uế ghê tởm nhất từ chính bên trong tâm hồn của họ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng giống vậy. Ông Wilberforce, một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay lại để cầu nguyện thì rất tốt, nhưng biết mở tay ra để đến với anh em, nhất là những con người cùng khổ, thì vẫn tốt hơn.”
Cho thì có phúc hơn là nhận.
Đây là điều Chúa đã nói với Phaolô năm xưa, cũng như nói với chúng ta ngày hôm nay. Gương mẫu của người Samaritanô rất cụ thể và sống động, bởi vì ông ta đã biết cho đi. Nhưng trên hết, chúng ta hãy nhìn vào chính nguyên mẫu nơi Chúa Giêsu. Ngài đã cho đi tất cả, ngay cả mạng sống. Ngài không còn giữ lại chút gì cho mình. Triết gia vô thần Jean Paul Satre đã từng tuyên bố: “Tha nhân là hỏa ngục”. Ngược lại, Chúa Giêsu lại mạnh mẽ khẳng quyết: “Ai làm những điều tốt cho tha nhân là làm cho chính Ngài” (x. Mt 25). Trên Thập giá, Chúa bị mọi người hắt hủi và mỉa mai, từ những kẻ qua đường đến lính gác và đám đông. Những con người này đã hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của Chúa. Chỉ duy nhất một mình ông Thánh ăn trộm đã tỏ lòng thương cảm đối với Ngài: “Còn ông này, ông có làm gì nên tội…” Từ trái tim biết rung lên giai điệu yêu thương ấy, tên trộm đã được biến đổi và trở nên một vị thánh lớn.
Kết luận
Tác giả Lý Thanh Thảo có viết một câu chuyện rất ngắn.
Trên một chiếc xe hơi đời mới, một bà mẹ trẻ đang dỗ đứa con.
– Ăn thêm một cái nữa đi con, mẹ thương.
– Ngán quá, con không ăn đâu, đứa bé phụng phịu.
– Ráng ăn một cái nữa, ngoan nào.
– Con nói không ăn mà, vứt đi, vứt nó đi.
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, lấy tay gạt mạnh. Chiếc bánh kem văng ra khỏi cửa xe rơi xuống đường sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy nhanh.
Hai đứa trẻ lem luốc đang móc rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng trơ vội xô đến nhặt. Mắt chúng sáng rực dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy cái bánh lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng bảo thằng anh trai:
– Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.
Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính chặt chẳng chịu đi cho. Đứa em cũng sốt ruột ghé miệng thổi tiếp. Cái miệng háu đói của chúng làm cái bánh rơi tõm xuống cống hôi hám.
– Ai bảo anh Hai thổi mạnh làm chi. Con bé nói rồi khóc thút thít.
– Ừ, thì tại anh. Nhưng kem còn dính tay anh đây này. Cho em 3 ngón, anh chỉ liếm 2 ngón thôi.
Những đứa trẻ đường phố tuy nghèo, nhưng rất thơ ngây và đầy ắp tình người. Chúng biết nhường nhịn và đùm bọc lẫn nhau.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sống quảng đại với nhau hay chỉ sống ích kỷ và hẹp hòi giống như thầy Lêvi hoặc Thầy tư tế mà Chúa nói tới hôm nay.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam