Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1366520

NHƯ TA ĐÃ YÊU THƯƠNG

NHƯ TA ĐÃ YÊU THƯƠNG (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi.

Đức Giêsu bị chất vấn. Người được người ta hỏi han ngoài đường. Tôi có biết hỏi Đức Giêsu để xin Người cho ý kiến về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của tôi không?

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật vừa qua cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã ở lại thành Giêrikhô với người mù dễ thương, tên Bác-ti-mê. Sau đó, Đức Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem một cách vẻ vang (Mc 11,1-11). Hôm sau, theo Máccô kể lại Đức Giêsu vào Đền Thánh để đuổi những kẻ đã làm mất vai trò của Đền thánh là cầu nguyện “cho các quốc gia” (Mc 11,12-19). Hôm sau nữa,” Đức Giêsu trở lại Giêrusalem và trong dụ ngôn “cây vả bị khô héo”, Người đã nói “Con Người” đến tìm quả nhưng không thấy; Đền Thánh cũng như cây vả, sẽ bị tàn phá (Mc 11,20-25). Chúng ta đang chứng kiến những tuần cuối cùng của Đức Giêsu. Sự đối đầu giữa Người và chính quyền đã lên đến tột đỉnh. Theo Máccô, thì chính trong Đền thánh Giêrusalem giữa quảng đại quần chúng, trên chiếc sân rộng rãi linh thiêng làm thành một quảng trường có những hàng cột vây quanh, nơi những đám đông thường tụ họp, Đức Giêsu đã tranh luận, “bị tấn công”, “phản công”. Những cuộc tranh cãi dữ dội xảy ra. Giọng nói giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo bị khích động mỗi lúc càng lên cao.

Những đề tài nóng bỏng nhất được đề cập:

“Do quyền lực nào mà ông thi hành những việc ông đang làm” (Mc 11,27-33).

“Chủ vườn nho sẽ làm gì khi người làm vườn nho không xứng đáng với vai trò của mình” (Mc 12,1-12).

– Có phải đóng thuế cho quân đội đang chiếm đóng hay không? (Mc 12,13-17).

– “Số phận của những người chết bên kia thế giới như thế nào?” (Mc 12,18-27).

Chính trong bối cảnh này mà một kinh sư thuộc nhóm Pharisêu, vì đã thấy giá trị câu trả lời của Đức Giêsu về sự sống lại của những người chết (nhóm Xa-đốc, những kẻ đối nghịch với Đức Giêsu, vừa nhận được một bài học đích đáng!) tiến lại gần Đức Giêsu và tiếp tục hỏi Người.

Chúng ta có khuynh hướng “đóng khung” đời sống tôn giáo của mình trong vòng “riêng tư” trong việc “thờ phụng” không? Hay như Đức Giêsu, chúng ta có chấp nhận để đời sống tôn giáo của mình soi sáng mọi vấn đề của cuộc sống, phố xá, nghề nghiệp chính trị?

Điều răn nào đứng hàng đầu?

Ham mê tha thiết của Israel là luật, bộ Thorab. Trong những “trường dạy Đức tin” gọi là Yéshivot người ta thấy trẻ con, thanh niên, người lớn và cả người già đã dành nhiều giờ để “nghiên cứu học hỏi”. Kinh thánh, và những lời chú giải trong sách Talmud. Những kinh sư thời Đức Giêsu, ngày nay tự gọi là các giáo trưởng Do Thái, là những chuyên gia về môn này và người ta thường đến hỏi họ về cách giải nghĩa một điều luật, xin một lời khuyên tinh thần, một luật sống rút ra từ lời Chúa, gọi là Thorah. Vì trong những trường Yềshivot, người ta thảo luận, người ta “chia sẻ” như ngày nay chúng ta thường nói vậy: Mỗi ngày Sa-bát là một ngày dài cầu nguyện, học hỏi theo nhóm, trong đó người ta cùng nhau say mê tìm hiểu một cách hiểu sâu sắc nhất những “giới răn” của Thiên Chúa, để có thể trung thành tuân giữ các giới răn đó một cách tỉ mỉ hơn. Sống trong môi trường văn hóa của dân tộc mình, Đức Giêsu cũng có niềm ham mê đó đối với Luật. Người đã thuộc lòng Luật. Người đã đọc đi đọc lại Luật cùng với những người khác, từ thuở còn nhỏ. Người đã thảo luận nhiều về Luật. Chúng ta có khao khát đọc Kinh thánh không? Trong một tuần, chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ để “nghiên cứu” một cách nghiêm chỉnh, và cầu nguyện với Lời Chúa? Chúng ta có thảo luận về Lời Chúa Với những người khác, đẽ soi sáng lẫn nhau không?

Câu hỏi mà vị kinh sư đặt ra, là một câu hỏi cổ điển trong trường Yéshivot. Người ta đã trích ra được 613 điều răn của Chúa từ trong Kinh thánh: 365 điều cấm đoán và 248 điều răn tích cực. Chúng ta đừng cười? Sự trung thành tuân giữ và những chi tiết nhỏ nhất, đó là một bằng chứng của tình yêu. Ai yêu mến sẽ hiểu biết. Những người Do Thái cũng đủ thông minh để nhận thức về tầm quan trọng tương đối của những lời răn khác nhau này. Họ đã tìm thấy trong Kinh thánh những yếu tố để đáp ứng. Đối với vua Đa-vít sách luật Thorah tóm lại 11 qui định chính yếu (Tv 15). Đối với ngôn sứ Isaia là 6 (Is 33,15). Và đối với Kha-ba-cúc là một (Kb 2,4) Rabbi Hillel thì tóm lại tất cả bộ luật trong một câu châm ngôn duy nhất: “Những gì ngươi không thích, chớ làm cho đồng loại của ngươi” Rabbi Akiba hầu như cùng thời với Đức Giêsu, cũng tập trung điều cốt yếu của Luật vào tình yêu thương đồng loại.

Còn Ngài, hỡi Rabbi Giêsu, Ngài nghĩ sao Điều răn trọng nhất là điều răn nào?

Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: nghe đây, hỡi Israel. Đức Chúa, Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất”.

“Phải phụng sự Chúa trước hết”. Đối với Đức Giêsu, phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa, còn tôi? Tôi dành ưu tiên cho ai? Tôi có đặt Thiên Chúa trên hết trong đời tôi không?

Phúc thay những kẻ biết lắng nghe Lời Hằng Sống!

“Hỡi Ít-ra-en hãy lắng nghe” Đó là một nguồn sống thiêng liêng của Đức Giêsu. Người sống đúng như dân tộc mình, một dân khát khao Lời Chúa, biết “lắng nghe”, và để cho Thiên Chúa giáo huấn.

Điều Chúa trích dẫn trên đây là kinh “Shema” Israel (Đnl 6,4-5).

Đó là kinh cầu nguyện hàng ngày của mọi người Do Thái sùng đạo.

Khẳng định chính yếu của đức tin Do Thái là độc thân từ lâu đã trở nên di sản chung của Ít-ra-en, của các Kitô hữu, của người Hồi giáo.

Rất tiếc là những dịch giả Pháp đã không trung thành với bản văn Hy Lạp của Maccô, và với bản văn Do Thái. Maccô đã không nói: “Thiên Chúa là Chúa duy nhất”. Ong nói thật đơn giản nhưng rất mạnh: “Thiên Chúa là một”. Những sách kinh thánh Do Thái thì dịch: “Đấng hằng hữu là một” Sắc thái khác biệt nhau. Chữ “một” có một nghĩa đầy đủ hơn là chữ “duy nhất”. Các bạn có cảm thấy sự khác biệt không? Không có gì khác hơn là Thiên Chúa! Tất cả những gì khác chỉ hiện hữu nhờ Người. Người hoàn toàn “hợp nhất”. Người sở hữu chính bản thể của Người, trong khi bản thể chúng ta luôn “lưu chảy”, làm tan biến chúng ta. Đấng vĩnh hằng là một? Đó là câu trả lời đầu tiên của Đức Giêsu, khi người ta hỏi Người xem điều gì là quan trọng nhất đối với Người. Qua lời nói trên miệng Người, ta thấy Luật cũ đang có một sức sống mới.

Người phải yêu mến Đức Chúa. Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, hết sức lực Người?

Thiên Chúa thật vĩ đại! Không phải bỗng nhiên mà chúng ta lại nghĩ đến việc kính yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa trong triết học và trong các tôn giáo khác, đòi hỏi thái độ tôn thờ, kính sợ Thánh Thiêng, vâng phục nhiều hơn. Còn đối với Israel cũng như đối với Chúa Giêsu, điều mà Thiên Chúa chờ đợi ở chúng ta, đó là tình yêu. Đặc điểm của Thánh kinh, đó là làm cho con người trở nên kẻ chung phần yêu thương trong giao ước tình yêu. Chính Thiên Chúa đã cho con người khả năng đó bằng cách tạo con người. “Giống như Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Tôi có yêu Thiên Chúa không? Không nên vội trả lời là có Chúng ta hãy khiêm tốn khi xét đoán kẻ khác. Bạn làm gì cho “Đấng mà bạn yêu mến”, nếu không phải là yêu mến Người? Có thật là bạn thương yêu Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức” không? Sự lặp đi lặp lại trên đây rõ ràng là muốn diễn tả trọn vền cường độ tình yêu đòi phải huy động và đầu tư tất cả khả năng và sinh lợi của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho tình yêu Chúa thiêu đốt con toàn diện từ đầu đến chân, từ tinh thần đến thân xác, từ sáng đến tối, từ lúc trẻ đến lúc già, từ đời sống thầm kín nhất của con đến những trách vụ tập thể bên ngoài.

Điều răn thứ hai là…

Vâng, ở đây chúng ta biết rõ Đức Giêsu hơn, kinh sư chỉ hỏi có một điều răn. Không còn đợi người này hỏi thêm. Đức Giêsu, theo thói quen của Người, đã đi xa hơn. Chúng ta chớ quên nhtlng gì vừa nghe Người nói. Điều người sắp nói đây cũng rất quan trọng, những đứng ở vị trí thứ nhì: Thiên Chúa phải là trước hết.

Ngươi phải thương yêu người thân cận như chính mình.

Cần phải phân biệt rõ hai điều răn này. Người ta thường có khuynh hướng hợp nhất hai điều răn này làm một, như thế “yêu Thiên Chúa” là đủ, hay “thương yêu anh em” cũng đủ. Điều răn thứ hai không thể thay cho điều răn thứ nhất được. Nếu, ta tục hóa điều răn thứ nhất, thì chúng ta nhạo báng Đức Giêsu, biến Chúa thành một nhà giảng thuyết xã hội, một luân lý gia về tình huynh đệ. Đã có rất nhiều vĩ nhân nói về vấn đề này rồi!

Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.

Đây là một tư tưởng rất tinh tế. Chúng ta hãy để ý chữ “điều răn” trước dùng ở số ít, như là chỉ có một? Nhưng chữ sau ở số nhiều, vì có hai điều và quan trọng như nhau.

Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: Thưa Thầy, phải lắm, Thầy nói rất đúng, Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ta không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, thì hơn là dâng mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu.

“Nước Thiên Chúa” đã được chuẩn bị từ lâu qua nhiều thế kỷ trong lịch sử, trong nền văn hóa và trong sinh hoạt đạo đức của dân Israel, giờ đây đã đến, đó là chính Đức Giêsu.

Người kinh sư Do Thái này sẽ thực hiện một bước cuối cùng chăng. “Trong vài ngày nữa, Đức Giêsu chỉ cần thêm hai chữ “như Ta” để cho các điều răn yêu thương có tầm cỡ vương quốc cũ và mới: “Hãy thương yêu như Ta đã yêu thương (Ga. 15,12). Trong lòng Đức Giêsu, luôn chứa chan tình yêu: tình yêu thứ hai là do tình yêu thứ nhất mà ra!

(*)  Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- B

GIỚI RĂN CAO TRỌNG NHẤT – Chú giải của Jacques Hervieux

Tiếp theo các cuộc tranh luận vừa mới xảy ra, đoạn Tin Mừng này có nhiều nét khác với những đoạn trước. Có một thầy thuộc giới Kinh sư đến với Chúa Giêsu (c.28a). Và Maccô cho thấy ngay rằng Chúa Giêsu tỏ ra ưu ái ông. Một Kinh sư mà nêu ra một câu hỏi như vậy kể cũng lạ (c.28b). chắc chắn ông ta phải thông hiểu rành rẽ về Kinh Thánh. Đó là lãnh vực chuyên môn của ông mà! Nhưng vào thời bấy giờ, các Kinh sư thường sôi nổi tranh luận xem giới luật này hay giới luật nọ quan trọng hơn. Họ đã liệt kê được tới 630 giới luật của Cựu Ước: Cả một cánh rừng mịt mù đối với dân Do Thái. Nhóm Biệt phái, bao giờ cũng khắt khe về luật lệ, đã rút ra một nền luân lý quá ư tỉ mỉ, phải mất công phân biệt. Người ta có thể chờ đợi Chúa Giêsu sẽ dựa vào 10 điều răn để trả lời (x.Xh 20,1-17). Nhưng không phải vậy, Ngài lại đọc những lời đầu tiên của kinh cầu nguyện Do Thái giáo (tựa như kinh Lạy Cha) (c.29a). Đó là kinh Shema Israel (Hỡi Israel, hãy lắng nghe) (Đnl 6,4-5). Đó là một kinh tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, hết thảy mọi người đều phải tận lực yêu mến Ngài. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đây. Ngài liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai (c.31a) là phải yêu mến anh em (Lv 19,18). Trong văn chương Do Thái hồi ấy, người ta thường thấy thủ pháp nối kết như thế. Nhưng ở đây Chúa Giêsu quả là một bậc thầy như thế. Nhưng ở đây Chúa Giêsu quả là một bậc thầy tuyệt diệu: Ngài nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu anh em, và hợp thành một giới răn duy nhất. Để nêu lên tính duy nhất căn bản đó, Maccô đã không ngần ngại dùng lẫn lộn số ít với số nhiều: “Không có giới răn nào quan trọng hơn những giới răn đó” (c.31b).

Câu trả lời của Chúa Giêsu lập tức thuyết phục được người nghe hoàn toàn. Ở câu 32, người này thực ra chỉ biết lặp lại hai câu Thánh Kinh Chúa Giêsu đã trích dẫn, từ ngữ có vẻ sát với thực tế hơn. Ông ta nhấn mạnh thêm khía cạnh độc tôn của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, và chỉ mình Ngài, không có ai khác” (Dt 4,35). Rồi ông kết luận rằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân phải được coi trọng hơn các hiến tế dâng cúng của Do Thái giáo (c.33). Điều này rất phù hợp với ý tưởng của các tiên tri rằng: Chúa phán: “Ta muốn tình yêu chứ không phải lễ vật hy tế” (Hs 6,6). Giới Kinh sư chiếm một vị trí quan trọng trong khu vực đền thánh (từ 11-27). Chúa Giêsu thấy rõ điều đó nên Ngài mới nói: “Ông đã phán đoán khôn ngoan” rồi khái niệm (điều hiếm hoi đối với Chúa) rằng “ông không còn xa Nước Thiên Chúa ” (c.34a). người ta có thể hầu chắc rằng ngay trong giới Kinh sư căm ghét Chúa Giêsu từ thuở đầu (2,6; 3,22 v.v…) thì cũng có những kẻ hướng tìm nguồn sáng. Tóm lại Maccô đã biến cuộc gặp gỡ này thành một khoảnh khắc hạnh phúc. Theo ông trái hẳn với Matthêu (22,34-40) và Luca (10,25-28) –thì không còn một cuộc đối thoại nào theo kiểu vừa nói nữa.

Ẩn sau các câu hỏi đáp này, chính là một cuộc đối thoại sâu xa giữa Chúa Giêsu với một người Biệt phái cởi mở đặc biệt, mà không hề có một hậu ý nào cả. Câu chót của đoạn văn có một ý nghĩa đặc biệt. Không còn ai dám hỏi Ngài nữa (c.34b), nghĩa là không còn thời gian thuận lợi để tranh cãi nữa.

 CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN- B

LUẬT YÊU THƯƠNG (*)-  Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên năm B nêu bật viễn cảnh của luật yêu thương. Yêu mến Thiên Chúa bằng trọn cả con người, đó là mặc khải Cựu Ước. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, đó là mặc khải Tin Mừng.

Đnl 6: 2-6

Bài Đọc I trích từ sách Đệ Nhị Luật chứa đựng lời tuyên tín nổi tiếng của Ít-ra-en: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.

Dt 7: 23-28

Bài Đọc II trích từ thư gởi tín hữu Do thái cho thấy chức tư tế của Đức Giê-su thì cao vời khôn ví so với chức tư tế của Cựu Ước.

Mc 12: 28-34

Tin Mừng thuật lại cuộc nói chuyện giữa Đức Giê-su với một kinh sư, trong đó Đức Giê-su liên kết hai huấn lệnh: “Mến Chúa” và “yêu người”, làm một.

BÀI ĐỌC I (Đnl 6: 2-6)

Huấn lệnh: “Yêu mến Chúa” trọn cả con người là đỉnh cao sứ điệp được chứa đựng trong sách Đệ Nhị Luật. Huấn lệnh này được đặt trên môi miệng của ông Mô-sê.

1/.Yêu mến Thiên Chúa:

Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa duy nhất, vì thế phải yêu mến Ngài bằng trọn cả con người của mình. Dân Ít-ra-en đã hiểu sự mới mẻ của huấn lệnh này đem lại cho tôn giáo của họ một tính cách đặc thù, vì thế huấn lệnh này là lời tuyên xưng đức tin trở thành kinh nguyện được gọi là “kinh Shê-ma” (“Hãy nghe”). Người tín hữu Do thái đọc kinh nguyện này hằng ngày, sáng và chiều. Kinh nguyện này được tôn kính đến mức nó được ghi trên một mảnh vải cuộn vào một hộp kinh nhỏ đeo trên trán.

2/.Kính sợ Thiên Chúa:

“Yêu mến Thiên Chúa” phải được biểu lộ qua việc “kính sợ Thiên Chúa” bằng cách tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. “Kính sợ Thiên Chúa” là kiểu nói Kinh Thánh không được đồng hóa với sự sợ hãi. Đây là tâm thế tôn kính, đầy tin tưởng, nhưng ý thức về chiều kích cao vời khôn ví của Thiên Chúa. Tuân giữ các huấn lệnh chính là trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Sách Đệ Nhị Luật được trình bày như một bài giáo lý về Giao Ước. Với một dân sống kiếp du mục không lãnh thổ, không quốc gia, Thiên Chúa đã hứa ban đất “chảy sửa và mật” để dân định cư lập nghiệp và trở thành một quốc gia vĩ đại, nhưng với điều kiện là tuân giữ các huấn lệnh của Ngài.

3/.Bảo tồn và truyền đạt niềm tin:

Tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin trong gia đình là đề tài rất thân thiết với tác giả sách Đệ Nhị Luật trong đó lệnh truyền: “Anh em phải lập lại những lời ấy cho con cái”, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tác phẩm là lời cảnh báo thường hằng về những nguy hiểm đa thần giáo của các dân tộc chung quanh. Nỗi bận lòng đối với việc bảo tồn và truyền đạt niềm tin thuộc vào nghĩa vụ cốt yếu cho sự sống còn của dân Ít-ra-en.

Sách Đệ Nhị Luật trình bày Thiên Chúa rất thân cận với con người, đồng thời cũng rất siêu việt. Ngài đối xử với dân Ngài bằng trọn tấm lòng xót thương. Sách Đệ Nhị Luật mang dấu ấn của các ngôn sứ: A-mốt, Hô-sê, I-sai-a, nhưng cũng chuẩn bị sứ điệp Tin Mừng.

BÀI ĐỌC II (Dt 7: 23-28)

Chúng ta tiếp tục đọc thư gởi tín hữu Do thái. Sau khi đã cho thấy phẩm chất tư tế của Đức Giê-su trong sự liên đới với loài người, nay tác giả sẽ tập chú vào những đường nét khác biệt giữa phẩm vị tư tế của Đức Giê-su với phẩm vị tư tế của Cựu Ước.

1/.Đức Giê-su, vị Thượng Tế đời đời (7: 23-24)

Phẩm vị tư tế của Đức Ki-tô tồn tại mãi mãi. Cuộc đời của ông Men-ki-xê-đê “không có kết thúc” như thế nào, phẩm vị tư tế của Con Thiên Chúa cũng thường hằng như vậy. Các tư tế Lê-vi chỉ là những phàm nhân phải chết; tuy nhiên, chức vụ tư tế của Đức Giê-su “không phải do Lề Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt” (7: 16). Đó là lý do tại sao Đức Giê-su được gọi là Thượng Tế “tồn tại mãi mãi”. Điều này muốn nói rằng sự chết là hậu quả của tội, còn Đức Ki-tô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngoài ra, vì số phận phàm nhân là phải chết, nên cần phải có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế; trái lại, phẩm vị tư tế của Đức Ki-tô tồn tại mãi mãi nên không cần thiết được kế thừa.

Thánh Tô-ma giải thích rằng: “Những sự vật bất diệt không cần sản sinh ra chính mình… Đức Ki-tô thì bất tử. Như Ngôi Lời vĩnh hằng của Chúa Cha, Ngài tồn tại mãi mãi: sự vĩnh hằng thần linh của Ngài được chuyển sang thân thể của Ngài, vì ‘một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa’ (Rm 6: 9). ‘Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi’. Chỉ một mình Đức Ki-tô mới là Tư Tế đích thật; những tư tế khác là những thừa tác viên của Ngài” (Commentary on Heb, ad loc.).

2/.Đức Giê-su, vị Thượng Tế thường hằng chuyển cầu cho chúng ta (7: 25):

Đức Ki-tô không chỉ chuyển cầu cho chúng ta khi Ngài còn tại thế, nhưng Ngài tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta từ trên trời. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: “Diễn ngữ: ‘tồn tại mãi mãi’, luôn nhắm đến mầu nhiệm cao cả; Ngài sống không chỉ ở đây nhưng cũng ở bên kia, trên trời; không chỉ ở đây và trong một giai đoạn, nhưng cũng ở bên kia, trong cuộc sống đời đời” (Hom. on Heb, 13).

3.Đức Ki-tô, vị Thượng Tế thập toàn (7: 26-28):

Những câu sau cùng này hình thành nên bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô, thu tóm những gì đã nói trước đây. Đức Ki-tô được công bố là “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội”, nghĩa là, dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha một cách công chính và trung thành. Tân Ước sử dụng ngôn từ tương tự để mô tả những người có cuộc sống thánh thiện nổi bật, như ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét (x. Lc 1: 6), cụ già Si-mê-ôn “công chính” và “mộ đạo”, ông Giô-xếp người thành A-ri-ma-thê (x. Lc 23: 50, ông Co-nê-li-ô (x. Cv 10: 22), vân vân. Tuy nhiên, bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô ở đây ám chỉ đến con người thập toàn của Ngài hơn tất cả mọi phàm nhân.

Đồng thời, Đức Ki-tô “tách biệt khỏi đám tội nhân”, không theo nghĩa Ngài từ chối bất kỳ liên đới nào với họ hay khinh bỉ họ, trái lại chúng ta biết rằng những người Pha-ri-sêu đã sỉ nhục Ngài khi nói: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11: 19) và “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15: 2). Ngài “tách biệt khỏi đám tội nhân” vì sự hiện diện của tội lỗi trong nhân tính của Ngài thì tuyệt đối xung khắc với sự thánh thiện trong Ngôi Vị duy nhất của Ngài, Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài là hiện thân hoàn hảo của tất cả những điều kiện tiên quyết xưa mà một tư tế của Thiên Chúa chân thật đòi buộc (x. Lv 21: 4, 6, 8, 15). Cuối cùng, cũng từ quan điểm nhân tính của Ngài, Đức Ki-tô đã “được nâng cao vượt các tầng trời” không chỉ nói về phương diện đạo đức, vì sự thánh thiện cao vời của Ngài, nhưng cũng ở nơi thân thể của Ngài, qua cuộc lên trời vinh quang của Ngài (x. Cv 2: 23-26; 10: 42). Vì vậy, Ngài là “Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời”.

Chức vụ tư tế cao trọng của Đức Giê-su là nguồn khích lệ, hy vọng và sự kiêu hãnh thánh thiện đối với các linh mục Tân Ước: “Vì thế, khi trở thành hiện thân của Đức Ki-tô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được ơn ban đặc biệt, để khi phục vụ đoàn dân được trao phó cho ngài cũng như toàn thể dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài, và để sự yếu đuối của xác thịt phàm nhân được chữa lành nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên vị Thượng Tế ‘thánh thiện, vô tội, vẹn toàn, tách biệt khỏi các tội nhân’ (Dt 7: 26)” (Vatican II, “Linh mục”, 12).

TIN MỪNG (Mc 12: 28-34)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay được đặt vào bối cảnh năm cuộc tranh luận của Đức Giê-su với giai cấp lãnh đạo Do thái tại Giê-ru-sa-lem: 1- “Uy quyền của Chúa Giê-su” (11: 27-33), 2- “Dụ ngôn tá điền gian ác” (12: 1-12), 3- “Nộp thuế cho Xê-da” (12: 13-17), 4- “Kẻ chết sống lại” (12: 18-27) và 5- “Điều răn đứng đầu” (12: 28-34).

Cuộc tranh luận thứ năm liên quan đến điều răn nào là quan trọng nhất có thể được dàn dựng thành một cấu trúc “đối xứng xen kẻ” như sau:

       Mở (12: 28a):

A-Câu hỏi của vị kinh sư (12: 28b).

        B-Câu trả lời của Đức Giê-su (12: 29-31).

A’-Lời bình của vị kinh sư (12: 32-33).

        B’-Đức Giê-su khen vị kinh sư (12: 34a).

     Đóng (12: 34b)

Mở (12: 28a):

28a.“Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau”: Câu này được dùng để nối kết cuộc tranh luận trước đó với câu chuyện theo sau. Các kinh sư là những thầy dạy có thẩm quyền về Lề Luật trong dân Ít-ra-en. Chính Đức Giê-su đã xác nhận quyền giảng dạy của họ: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ…” (Mt 23: 2). Ông kinh sư này là một trong những người đã chứng kiến cuộc tranh luận của Đức Giê-su với nhóm Xa-đốc về kẻ chết sống lại.

A-Câu hỏi của vị kinh sư (12: 28b):

28b.“Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi”: Khi thấy Đức Giê-su đối đáp với nhóm Xa-đốc về cuộc sống mai hậu cách khúc chiết, mạch lạc dựa trên nền tảng Kinh Thánh, vì thế ông chân thành muốn hỏi Đức Giê-su để mong gặp thấy một câu trả lời thích đáng. Thái độ chân thành muốn hiểu biết của ông khiến cuộc nói chuyện thành một cuộc học hỏi chân thành và cởi mở hơn là một cuộc tranh luận (khác với Mt 22: 35 và Lc 10: 25).

-“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”: Vị kinh sư nêu câu hỏi nầy không có bất kỳ ác ý nào. Câu hỏi của ông thật sự phản ảnh nỗi bận lòng của trường phái kinh sư vào thời đó.

Các kinh sư đều xem Lề Luật là ý muốn của Thiên Chúa, vì thế, thực thi Lề Luật chính là trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Tuy nhiên, có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng tìm cách khai triển Lề Luật cách vô hạn định thành muôn vàn huấn lệnh và quy tắc để làm thế nào Lề Luật có thể được áp dụng và thực hành trong mọi cảnh huống cuộc sống của dân Chúa chọn.

Còn khuynh hướng thứ hai thì cố tìm cách thu gọn Lề Luật vào trong một câu cô động tinh thần cốt yếu của lề luật. Chẳng hạn như vào khoảng 20 năm trước Chúa Giê-su, kinh sư Hillel đã dạy như sau: “Điều gì con không muốn người khác làm cho mình, đừng làm cho người khác. Phần còn lại là phần giải thích. Hãy đi và làm như vậy” (Billerbeck, 460). Còn kinh sư Akiba thì dạy rằng “Hãy yêu thương người thân cận như bạn thân, đó là nguyên tắc tổng quát và quan trọng nhất của lề luật”.

Thật ra, cả hai khuynh hướng: khai triển cũng như thu gọn Lề Luật, vẫn thường hằng hiện diện trong những cuộc tranh luận giữa các kinh sư với nhau. Có những người tin rằng trong Lề Luật có những vấn đề nặng nhẹ khác nhau, có nhiều nguyên tắc đáng xem là quan trọng hơn mà người ta phải lãnh hội và thi hành trước nhất. Nhưng có nhiều người khác cực lực chống lại, họ chủ trương rằng một nguyên tắc dù nhỏ nhặt cũng có tính bắt buộc y như một nguyên tắc quan trọng nhất, vì thế cố phân biệt chỗ khác nhau giữa chúng, là điều vô cùng nguy hiểm.

Khi hỏi Đức Giê-su như thế, vị kinh sư chân thành muốn biết trong số 613 điều luật Cựu Ước (gồm 365 điều cấm và 248 điều buộc) điều luật nào Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm trước và làm cách triệt để.

B-Câu trả lời của Đức Giê-su (12: 29-31)

29.“Điều răn đứng hàng đầu là: ‘Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất…’”: Như một kinh sư chính thống, Đức Giê-su đưa ra một câu trả lời triệt để bằng cách căn cứ trên nền tảng Kinh Thánh. Trước hết, Đức Giê-su trích dẫn Đnl 6: 4-5. Đây là bản văn đầu tiên trong số ba bản văn (Đnl 6: 4-9; 11: 13-21; Ds 15: 37-41) đã trở thành kinh nguyện được gọi là kinh “Shê-ma” (“Nghe đây”) được xem như kinh “Tin Kính” của Do thái giáo và được những người Do thái mộ đạo đọc mỗi ngày hai lần, sáng và chiều. Giới răn mến Chúa bắt nguồn từ bản tính của Người là Thiên Chúa duy nhất. Bổn phận mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” không nhằm quy chiếu đến những phần riêng biệt của con người, nhưng nhấn mạnh rằng phải yêu mến Thiên Chúa tận mức, một cách tuyệt đối.

31.“Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”: Dù chỉ được hỏi một điều răn, Đức Giê-su nói thêm điều răn thứ hai khi trích dẫn Lv 19: 18 (x. Rm 13: 9; Gl 5: 14; Gc 2: 8). Khi trích dẫn điều răn này, Chúa Giê-su sửa đổi một điểm. Trong nguyên văn, “người thân cận” được giới hạn chỉ trong vòng dân Do thái chứ không bao gồm dân ngoại như câu mở đầu của giới răn này cho thấy: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi” (Lv 19: 18a). Nhưng trong câu trích dẫn của Chúa Giê-su, “người thân cận” phải bao gồm hết mọi người và đạt tới mức độ cao nhất như yêu chính mình, vì theo lẽ tự nhiên, ai nấy đều quý trọng, yêu thương bản thân hơn người khác.

Giáo Huấn của Đức Giê-su mang tính mới mẻ khi Ngài ghép chung hai điều răn “Mến Chúa” và “Yêu người” vào với nhau. Trước đó, chưa có một kinh sư nào làm như vậy. Trong bản văn của thánh Mát-thêu, điều răn “Yêu người” cũng giống như điều răn “Mến Chúa” (Mt 22: 39): “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22: 40). Còn trong bản văn của thánh Mác-cô, hai điều răn “Mến Chúa” và “Yêu người” được đặt bên cạnh để chuẩn bị cho việc lượng giá chúng ngang bằng giá trị: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12: 31). Trong Tân Ước, lời giải thích về “Mến Chúa” và “Yêu người” của thánh Gioan là hay nhất: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy’” (1Ga 4: 20).

A’-Lời bình của vị kinh sư (12: 32-33):

32.“Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng”: Vị kinh sư tán thành câu trả lời của Đức Giê-su và bình phẩm câu trả lời của Ngài mà không có bất kỳ hậu ý nào về sự thù ghét hay châm biếm. Thật ra, vị kinh sư chỉ lập lại hai câu Kinh Thánh Chúa Giê-su đã trích dẫn, với từ ngữ có vẻ sát với thực tế hơn: Trước hết, ông nhấn mạnh thêm khía cạnh độc tôn của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác”, rồi ông kết luận: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu mến người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (12: 33). 

Khi bình phẩm như vậy, vị kinh sư không cố ý khẳng định rằng nền phụng tự Đền Thờ đã bị hủy bỏ, nhưng trở nên tương đối hóa đi rất nhiều. Thật ra, trong Cựu Ước đã có những tư tưởng chuẩn bị cho việc phê phán nền phụng tự Đền Thờ như thế (1Sm 15: 22; Tv 51: 20t; 40: 7; Cn 21: 3), đặc biệt với các ngôn sứ như ngôn sứ Hô-sê:

“Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,

thích được ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6: 6).

Vì thế, không cần phải giải thích lời bình phẩm của ông như lên án nền phụng tự Đền Thờ. Trong lời bình của ông, mến Chúa và yêu người là những nguyên tắc hàng đầu của nền phụng tự Đền Thờ, là linh hồn của mọi hy lễ dâng tiến lên Thiên Chúa. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là một kinh sư Do thái đã nhận định như thế tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nghĩa là ngay tại nơi dâng hy lễ.

B’-Đức Giê-su khen vị kinh sư (12: 34a):

34a.“Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy”: Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su thường có cái nhìn về giai cấp lãnh đạo Do thái rất tiêu cực, nhưng ở đây Người nhận định câu trả lời của vị kinh sư này rất tích cực.

-“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”: Còn hơn trong tương lai, ở đây Nước Thiên Chúa đang ở trong tầm tay. Việc ông hiểu đúng điều gì là quan trọng trong lề luật Cựu Ước đặt ông gần với Nước Thiên Chúa đang đến và chuẩn bị ông đón nhận Nước đó một cách thích đáng (x. 10: 13-16). Ẩn sau những hỏi đáp này, chính là cuộc đối thoại sâu xa giữa Chúa Giê-su với một kinh sư chân thành cởi mở mà không hề có một hậu ý nào.

Đóng (12: 34b):

34b.“Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa”: Câu này vừa đóng lại câu chuyện vừa chuẩn bị cho câu chuyện tiếp theo sau, trong đó Đức Giê-su chất vấn các kinh sư về chân tính của Đấng Thiên Sai.

home Mục lục Lưu trữ