Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 37
Tổng truy cập: 1374183
NHỮNG MÂU THUẪN CỦA CUỘC THƯƠNG KHÓ
Những Mâu Thuẫn Qua Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu
Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển
Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ cử hành long trọng biến cố Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó. Trên hành trình ấy có các môn đệ, những người phụ nữ đã theo Ngài từ lâu, và cả những người đã từng chịu ơn hoặc vì hiếu kỳ nên đi theo Ngài.
Cuộc vào thành của Đức Giêsu lần này cũng như các diễn biến trước và sau đó có nhiều điều lạ thường. Thật vậy, trong cuộc đời sứ vụ, từ lời nói đến hành động của Ngài nhiều khi hàm chứa những sự mâu thuẫn đối với cuộc sống và con người đương thời, cho nên họ không thể hiểu được, và vì thế, dẫn đến cái chết của Đức Giêsu.
Sự mâu thuẫn từ phía Đức Giêsu
Người ta thường nói: “Mâu thuẫn thì có thể sẽ làm sáng tỏ chân lý tốt”.Thật vậy, trong công cuộc loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến sự mâu thuẫn này.
Trước tiên, về những lời dạy mang tính mâu thuẫn: ví dụ như khi nói về sự tự hủy, Ngài đã dùng hình ảnh hạt lúa mục nát để sinh bông hạt mới; hay“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (x. Ga 12, 24-25); về sự khiêm nhường, Ngài phán: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11); khi đi dự tiệc, hãy chọn chỗ rốt hết, để được người ta mời lên chỗ danh dự (x. Lc 14, 7-10); vì “ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1,52); về sự hối cải, Ngài nói: cả triều thần Thiên Quốc “… ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7); về sự từ bỏ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Tiếp theo, Đức Giêsu đã nói và áp dụng sự mâu thuẫn đó vào chính mình như sau: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9, 22);“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32); và Ngài đã sống sự mâu thuẫn ấy khi dân chúng tôn mình làm vua thì lại bỏ chốn và khi dân chúng không tôn thì lại vào thành như vị vua; rồi lạ lùng trong tiến trình “đăng quang”: Ngài là Vua, tiến vào thành của mình, nhưng lại khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con vẫn còn theo mẹ (x. Dc 9,9). Là Vua, nhưng không có vương miện, chỉ có vòng gai; không có vương trượng, chỉ có cây sậy; không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ; không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê; không thống trị bằng sức mạnh, chỉ có phục vụ trong yêu thương cho đến chết và chết trên thập giá vì yêu.
Như vậy, những sự mâu thuẫn đến lạ lùng của Đức Giêsu đều nhằm làm toát lên sự vâng lời tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa Cha và vì yêu thương, cứu độ con người. Cả cuộc đời, con người và sứ vụ của Đức Giêsu đều muốn lộ hiện một vị Thiên Chúa là Tình Yêu.
Sự mâu thuẫn từ phía dân chúng
Ở đời có câu: “Dò sông dò biển dễ dò – Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Thật vậy, khi sống bên Aicập, dân Israel ngày đêm cầu khấn danh Đức Chúa, xin Người đến cứu họ khỏi ách nô lệ tủi nhục cơ cùng, Đức Chúa nhận lời và đã cho Môisê dẫn dân ra khỏi Aicập, thoát khỏi cảnh áp bức bạo tàn. Nhưng chẳng bao lâu, họ gặp có chút thử thách, nhưng họ đã than trách Chúa, và nhớ những củ hành, củ tỏi bên Aicập. Tệ hơn nữa, đã đúc bò vàng để thờ lạy thay Đức Chúa, Đấng đã cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Đây chính là sự mâu thuẫn do sự bất trung của dân với Đức Chúa.
Sang thời Đức Giêsu cũng vậy, trong giai đoạn này, những người Dothái đã chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu làm, nào là chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, cho người chết sống lại, và hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng… Vì thế, họ tâm phục Đức Giêsu, nên khi vào thành, dân chúng đã tung hô Ngài là con vua Đavít, là Vua Israel. Và như là sự tất yếu, họ đã chặt cành lá lót đường và trải áo mình để Đức Giêsu đi qua. Cuộc diễu hành rầm rộ làm nao lòng những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thời bấy giờ. Tuy nhiên, vẫn những người đã tôn vinh, chúc tụng Đức Giêsu hôm nào, thì chẳng bao lâu sau, họ đã toa dập với thế lực sự ác để làm chứng gian hại Ngài và hô vang: hắn đáng chết; đóng đinh nó vào thập giá…
Sự thật đã rõ, họ cung chúc Đức Giêsu chỉ vì hy vọng Ngài làm Vua để thống lãnh theo kiểu trần gian, đánh đông dẹp bắc, giải thoát họ khỏi ách thống trị của Đế Quốc và nhiều khi theo Chúa chỉ vì cái bụng, vì những ân huệ, bổng lộc thức thời… Và, họ đã bị thất bại khi không được Đức Giêsu đáp ứng những yêu sách đó, vì thế, họ đã sẵn sàng giơ tay ủng hộ án tử cho Đức Giêsu.
Đây là sự mâu thuẫn lòng dân với con người và sứ vụ của Đức Giêsu.
Hai sự mâu thuẫn dẫn đến hệ quả khác nhau
Thật vậy, sự mâu thuẫn trong lời giảng dạy, lối sống và hành động của Đức Giêsu thể hiện rõ nét sự vâng phục, khiêm nhường, tự hạ, yêu thương và cứu chuộc con người.
Như vậy, mâu thuẫn nơi Đức Giêsu làm cho con người được kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa và tha nhân để đạt được tình trạng tự do và hạnh phúc thực sự khi đã loại trừ cái tôi ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để hướng tha.
Còn sự mâu thuẫn của những người Dothái thì hoàn toàn khác:
Khác là chỉ vì cái bụng của họ, do ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo hay những mục đích tầm thường rẻ tiền.
Vì thế, họ tôn vinh Thiên Chúa hay Đức Giêsu cũng chỉ vì cái bụng. Hoặc chỉ vì danh vọng, chức quyền, lợi nhuận cá nhân hay tập thể, chứ không phải vì yêu mến, tin tưởng, phó thác.
Sự mâu thuẫn này nơi dân Dothái lộ hiện rõ bản chất thực dụng hay ý đồ đen tối của họ. Vì thế, dẫn đến sự đối đầu. Đức Giêsu không đối đầu với họ, nhưng tự họ trở nên bất ổn nên dẫn đến hệ quả là khước từ Thiên Chúa để thờ bò vàng, rồi đến lượt Đức Giêsu, họ tìm cách loại Ngài ra khỏi môi trường và cuộc sống của họ.
Người kitô hữu sống sự mâu thuẫn của Tin Mừng
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội không mấy chân thực. Đời sống đạo đức bị đảo lộn rất nhiều. Phong tục tập quán tốt dần dần được thay thế bằng những trào lưu tục hóa, nhất thời… Đây chính là sự mâu thuẫn luân thường đạo lý trong xã hội.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó trong xã hội những chuyện:“Chân lý thuộc về kẻ mạnh”; vẫn còn đó những chuyện thỏa hiệp, toa rập để cho hận thù, chia rẽ lên ngôi; vẫn còn đó những chuyện vì miếng cơm manh áo, vì lợi nhuận cá nhân, củng cố chức quyền mà sẵn sàng bất chấp bán rẻ lương tâm để cho lương tháng được nhiều. Những người có lương tri và đạo hạnh lại là mối đe dọa của sự bất công, suy đồi và gian dối.
Nếu chúng ta thuộc về những thành phần như thế, ấy là lúc chúng ta làm cho những vết thương của Đức Giêsu tiếp tục rỉ máu, và cuộc thương khó của Đức Giêsu không ngừng tái diễn, khiến Ngài phải đau khổ, tủi nhục đắng cay và ngay cả cái chết qua những hành vi, lựa chọn sai lầm và tàn nhẫn của con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết can đảm lựa chọn cho mình sự mâu thuẫn của Chúa, để trong cuộc sống của chúng con toát lên vẻ đẹp của sự vâng phục, khiêm nhường và yêu thương như Chúa vì hạnh phúc và ơn cứu độ của con người. Amen.
.
37. Bản Án Bất Công
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi
Ngày hôm, Phụng vụ cho chúng ta thấy “ Đức Giêsu mạc khải Ngài là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, Ngài là Đấng Thiên Sai đem an bình, hòa giải, Đấng Thiên Sai giầu lòng thương xót chứ không phải là Đấng Thiên Sai mang sự chinh chiến “. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai đem hòa bình cho nhân loại, nhưng thực tế, người Do Thái cứng lòng,đặc biệt những vị lãnh đạo tôn giáo, các Kinh sư, Biệt phái và Pharisêu lúc đó đã căm thù, ghen ghét Ngài vì Ngài không đi theo đường lối của họ…Do đó mới có bản án bất công…
Đọc Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng của Thánh Gioan chúng ta hiểu được thế nào sự can đảm của Đức Giêsu khi Ngài tiến vào Giêrusalem, vào Giêrusalem đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết. Chúa Giêsu phải can đảm sâu xa, mạnh mẽ khi tiến về Giêruasalem vào dịp lễ Vượt Qua. Ngài can đảm đến dộ anh hùng như Tin Mừng của Thánh Gioan giải thích :” Sắp đến lễ Vượt Qua, và rất nhiều người đi Giêrusalem…Họ đang tìm Đức Giêsu…và hỏi han nhau “ Bạn nghĩ thế nào, bạn nghĩ sao ? Chắc Ngài chẳng đến dự lễ đâu !”. Bọn tư tế và biệt phái đã ra lệnh : bất cứ ai biết Đức Giêsu ở đâu thì phải báo cáo ngay để họ bắt Ngài “ ( Ga 11,55-57 ). Chính vì thế, mọi người đều có quyền lo ngại cho Đức Giêsu khi Ngài cứ tiến vào thành Giêrusalem. Vậy, ý nghĩa sâu xa về việc Đức Giêsu đi vào Giêrusalem và cách thức dân chúng tung hô, đón tiếp Ngài ? Chúng ta hãy lắng nghe thánh Gioan diễn tả :” Đức Giêsu tìm thấy một con lừa và cỡi lên nó, đúng như lời Kinh Thánh dạy : Hỡi thành Sion, đừng sợ, này đây Vua ngươi đến, Ngài đang cỡi trên một chú lừa con “ ( Ga 12, 14-15 ). Chúa tiến vào thành, dân chúng trải áo trên đường, trẻ con, người lớn cầm trên tay những cành lá thiên tuế và reo lên :” Hosanna! Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến ! Hoan hô Vua Israen ! “ ( Ga 12,13 ). Thánh Gioan lại kết thúc bài mô tả bằng cách khác thường :” Lúc đó các môn đệ Đức Giêsu chưa hiểu điều ấy, nhưng khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, họ mới nhớ lại lời Thánh Kinh viết điều này về Ngài và chính họ đã thực hiện điều ấy cho Ngài “ ( Ga 12, 16 ).
Giacaria đã loan báo trước Đấng Mêsia sẽ cưỡi lừa tiến vào Giêrusalem. Giờ đây Chúa Giêsu đang thực hiện lời tiên báo của Giacaria. Ngài xác nhận Ngài là Đấng Mêsia và Ngài mạc khải cho biết sứ mệnh thiên sai của Ngài.Đức
Giêsu đã được dân chúng tung hô, reo hò mừng rỡ và sau đó, chính đám đông lại la hét, kết án Chúa Giêsu dù Ngài không có tội tình nào ! Dân chúng không hiểu biết gì chỉ nghe lời xúi giục của những lãnh đạo, các tư tế, thượng tế, ký lục , kỳ mục để hò hét, chống đối và lên án Chúa Giêsu. Phiên tòa được mở ra một cách vội vã dù rằng ai cũng biết Chúa Giêsu chẳng hề có tội gì. Thẩm phán của phiên tòa là ông Philatô, công tố viên là các thượng tế và kỳ mục, còn bị cáo là Chúa Giêsu. Dân chúng dự phiên tòa bất công này đều là những người được mua chuộc. Phiên tòa thật kỳ cục, là người công chính, thánh thiện lại bị xử như một tên tội đồ. Thay vì, tòa án phải tìm kiếm, phải bảo vệ sự thật nhưng thực tế vì ganh ghét, tỵ hiềm, hận thù, tư lợi, các thượng tế, kỳ mục đã toa rập cáo gian Chúa Giêsu . Vì sợ mất chức, mất quyền hành, mất địa vị, Philatô dù biết rõ Chúa Giêsu vô tội nhưng ông không dám bảo vệ Chúa. Bởi vì Philatô đang ngồi trên tòa xét xử thì bà vợ sai người đến nói với ông :” Ông đừng nhúng tay vào vụ người công chính ấy, vì hồi hôm, tôi phải khổ nhiều trong mộng vì người ấy “ ( Mt 27, 19 ) và “ Bởi ông đã biết là vì ganh tị mà họ đã nộp Ngài “ ( Mt 27, 18 ). Philatô hoàn toàn im lặng, đồng lõa với sự gian dối, không hề bênh vực Chúa Giêsu. Philatô đã lấy nước lã rửa tay trước mặt dân và nói :” Ta vô tội về máu người này; các người tự liệu lấy “ ( Mt 27, 24 ). Chính vì tư lợi và ghen ghét, Philatô đã bóp chết sự thật.Ông đã hèn nhát, vô liêm sỉ khi im lặng trước lời vu cáo của dân chúng. vÀ dân chúng đã bất công la hét, kết án, cáo gian, vu khống cho Chúa Giêsu.
Thật vậy, tòa án và bản án bất công đã được gán ghép cho Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã im lặng vì yêu thương nhân loại và chấp nhận ý định của Thiên Chúa để cứu rỗi nhân loại, cứu độ con người.
Vâng, con người muôn thời vẫn còn những chuyện như thời Chúa Giêsu. Mỗi lần con người đó kỵ, hận thù, hiềm khích, đặt điều, nói xấu và kết tôi nhau là con người lại gán cho nhau những bản án bất công.
Hôm nay chúng ta cũng đang đón mừng một Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ. Ngài muốn đi sâu vào tâm hồn chúng ta một cách đặc biệt trong Tuần Thánh này. Chính Đức Giêsu , Đấng Cứu Thế đang hiện diện giữa chúng ta ngay lúc này, tại đây khi chúng ta bắt đầu nghi thức rước lá.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến ! Vạn tuế Đức Vua của Israen ! Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa Giêsu đi vào thành thánh Giêrusalem để làm gì ?
2.Ngài đi bằng gì vào Giêrusalem ?
3.Dân chúng đã làm gì ?
4.Philatô có dám bênh vực Chúa Giêsu không ? Tại sao ?
5.Tuần Thánh nói gì cho chúng ta ?
.
38. Ngài Cưỡi Lừa Vào Thành
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Có thể nói, trong suốt 3 năm miệt mài, vất vả rao truyền lời chân lý, chữa lành bao kẻ tật nguyền, thực hiện bao phép lạ vỹ đại, hôm nay là ngày Chúa Giêsu được vinh hiển nhất, được tôn kính trọng vọng nhất. Dân chúng đứng chật hai vệ đường, người người vui mừng reo hò. Họ tung hô vạn tuế và không ngừng ca tụng: “Hoan hô con Vua Ðavít. Chúc tụng Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21:9). Lòng sùng mộ và yêu kính của dân chúng bấy giờ đã khiến họ hành động một cách hết sức đặc biệt. Họ cởi áo ngoài trải đường như một tấm thảm kéo dài trên đường Ngài đi qua. Và họ cầm trên tay ngành vạn tuế để vẫy chào Ngài khi Ngài đi qua chỗ họ. Thánh Kinh kể lại, số người theo tung hô Ngài mỗi lúc một thêm đông, đến độ khiến các Pharisiêu phải ghen tị.
Quan sát đám rước hôm đó, có một chi tiết có thể khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ. Ðó là Chúa Giêsu không cỡi trên voi, trên ngựa, hoặc không ngồi trên kiệu mà tham dự cuộc khải hoàn này, nhưng Ngài lại ngồi trên lưng một con lừa con. Thánh Mátthêu ghi: “Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các anh hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các anh hãy mở dây và dẫn về đây cho thầy” (Mt 21:2). Làm thế, Ngài đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh: “Hãy nói với thiếu nữ Sion rằng, này vua các ngươi đang ngự đến, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, là con lừa mẹ” (Mt 21:5).
Cỡi lừa con để khải hoàn vào thành Giêrusalem. Chúa không cỡi voi hay cỡi ngựa, cũng không ngồi trên kiệu vì Ngài không muốn làm các thiếu nữ Sion phải hoảng sợ. Ngài không muốn bất cứ ai nhìn Ngài bằng cái nhìn đầy kinh ngạc, hoảng hốt và sợ hãi. Vì cỡi voi thì đòi nhiều người phục dịch. Ngồi kiệu cũng phải có kẻ khiêng. Ngồi trên lưng ngựa tuy đơn giản hơn ngồi trên mình voi hay trên kiệu, tuy nhiên, ngồi trên lưng ngựa vẫn là hình ảnh của những kẻ anh hùng, những kẻ chiến thắng nên có quyền kiêu hãnh và cũng khiến nhiều người phải sợ hãi, nể phục. Ngài không muốn tạo cho mình một hình ảnh của kẻ có quyền, không muốn bất cứ ai phải bắt buộc theo và miễn cưỡng mến Ngài. Ngài cũng không dùng sức mạnh của kẻ thắng trận để khống chế và thu phục nhân tâm. Những hình ảnh liên quan đến sức mạnh, quyền lực vì thế đều bị Ngài từ chối. Ngài chỉ muốn một mình đơn sơ ngồi trên lưng một con lừa con, nhỏ bé để tiến vào thành. Một hình ảnh nói lên vẻ thanh bình, đơn sơ, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Và đó chính là Ngài, con chiên Thiên Chúa, Ðấng cứu độ trần gian.
Nhưng dù đơn sơ ngồi trên lưng lừa, Ngài vẫn là vua chứ không phải chỉ là con Vua Ðavít như người ta đã chúc tụng Ngài. Danh Ngài đáng được vang vọng chúc tụng trên các tầng trời, vì Ngài là Chúa tạo thành vũ trụ. Cả nhân loại phải phủ phục dưới chân Ngài và trước nhan Ngài. Mọi đầu gối, như Thánh Phaolô đã viết, trên trời, dưới đất và trong lòng đất phải quì gối trước mặt Ngài. Việc Ngài chọn ngồi trên lưng một con lừa con là như nói trước với chúng ta về những gì mà Ngài sẽ làm trong Bữa Tiệc Ly khi hạ mình khiêm hạ rửa chân cho các môn đệ. Khi để bọn lý hình hành hạ và chế diễu. Khi chấp nhận bản án bất công. Và khi bị đóng đinh chết treo trên thập tự giá.
Làm sao tâm trạng của một người mang trong mình hình ảnh chiến thắng hiển hách, ngồi trên lưng một con chiến mã, ngồi trên lưng một con voi, hay ngồi trong một cái kiệu sang trọng tiến lên giữa tiếng tung hô, lại có thể chấp nhận được việc quì gối xuống, bưng chậu nước đến và quì trước mặt các môn đệ của mình để rửa chân cho chúng.
Làm sao một vị đại tướng, một hoàng đế uy nghi trên lưng ngựa dạo qua rừng người hôn hô vang dội lại có thể chấp nhận chịu cảnh trao nộp, chịu đánh đòn, chịu khạc nhổ vào mặt, chịu đội mão gai, chịu xét xử bất công, và chịu đóng đinh chết trần truồng trên thập giá mà không một lời than van, trách móc.
Phải đơn sơ, nhân từ, và hiền hậu: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29). Ngồi trên lưng ngựa, lưng voi, hay kiệu sang trọng thì không dễ cúi mình xuống được. Nhất là trong tư thế của kẻ có quyền, kẻ chiến thắng. Cũng không dễ chấp nhận thua thiệt, không dễ đón nhận nhục nhã, không dễ vâng phục thiên ý. Chúa đã dùng con lừa để làm phương tiện di chuyển hôm đó để nói với mọi người rằng, Ngài xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng. Ngài chính là vua. Ngài là vua chiến thắng. Nhưng trên hết, Ngài là một vị vua nhân từ. Vua thái bình. Vua của tâm hồn con người. Và vì thế, Ngài đã cỡi lừa con mà không cỡi chiến mã.
Chúa là vua nhân từ, hiền dịu chứ không phải là vua quyền uy, độc tài, và hà khắc. Ngài thương yêu tất cả. Ngài mong mọi người hãy đến với Ngài, để học cùng Ngài, vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường”. Làm như vậy, chúng ta mới dễ mở rộng lòng mình đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh mà Ngài đã thực hiện vì chúng ta và cho chúng ta.
.
.
39. Sức Mạnh Của Thánh Giá
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Kể từ sau ngày 11.9.2001, hàng năm, ngày này trở thành ngày giỗ của trên 3.000 nạn nhân bị khủng bố giết hại tại tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế ở New York của Mỹ.
Ngày này cả nước Mỹ hướng về biến cố đau thương này, cử hành nghi thức tưởng niệm long trọng vừa như tưởng niệm các nạn nhân, vừa như nhắc nhau nhớ mãi sự kiện lịch sử nhói lòng bởi những bàn tay bất nhân, đêm ngày chỉ biết nhuộm máu đồng loại.
Có thể nói, từ ngày đó cho đến nay, người Mỹ giảm thiểu bình an. Dù rằng Mỹ rất mạnh về kinh tế, nỗi bậc về vũ khí và quân sự… dư sức đem quân đi đánh quốc gia của người khác, nhưng tại Mỹ, dân chúng vẫn thắp thỏm, hoang mang, bởi khủng bố có thể đe dọa bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Bạn cứ nghĩ mà xem, con người ta sống mà cứ phải cảnh giác, cảnh giác, cảnh giác… thì bình an ở đâu. Thiếu vắng bình an sẽ là đau khổ, sẽ là sợ hãi, sẽ là tăm tối. Bình an không còn trong lòng người, không còn bảo đảm cho nơi mình phải sống, không còn là cứu cánh cho cuộc đời nhiều gai góc, chắc chắn cuộc sống sẽ khó khăn hơn, lòng người nhiều chao đảo, chới với hơn.
Có thể nói, hai tòa tháp đôi ấy là biểu tượng của nền văn minh hiện đại của nhân loại, biểu tượng của sự khôn ngoan, là sức mạnh vững vàng, là niềm kiêu hãnh của con người… Vậy mà chỉ trong nháy mắt, hai tòa tháp khổng lồ biến thành đống gạch vụn, vùi lấp trong lòng nó đến hơn 3.000 sinh mạng cùng biết bao nhiêu của cải khác.
Nói với bạn về biến cố 11.9.2001 trong những ngày tuần Thánh, những ngày đặc biệt tưởng nhớ Chúa Kitô Thánh Giá, tôi muốn làm một so sánh, chẳng phải lớn lao gì, nhưng đủ để thấy sức mạnh vạn năng của Tình yêu Thiên Chúa trong những gì tầm thường nhất, nhỏ bé nhất.
Cứ ngước nhìn Thánh Giá mà xem, bạn sẽ thấy ở đó một hình tượng thảm khốc: một người chết gục đầu, chết trần trụi, không đủ một tấm áo che thân; thân xác gắn chặt vào những chiếc đinh oan nghiệt; chết tức tưởi, chết ô nhục, thân xác thâm bầm đầy thương tích, lồng ngực mở rộng, trái tim bị đâm thủng, gai nhọn cài nát đầu, chết đơn độc treo giữa trời và đất…
Người đó là ai? Là Thiên Chúa làm người. Nhưng tất cả sao chỉ là là đau đớn ê chề. Tưởng chừng chỉ là thất bại?
Thánh Giá – đó là phương tiện của tội lỗi, phương tiện của sự chết, người ta dùng nó để giết người, và loài người dùng nó để giết chết Chúa của mình.
Bạn cứ nhìn và sẽ thấy, cây Thánh Giá thật là yếu ớt, mong manh, nhỏ bé.
Nhưng không: không thất bại! Không yếu ớt! Đối người tin, đó lại là sức mạnh lớn lao của tình yêu, của ơn cứu chuộc.
Từ một dụng cụ độc ác, đê hèn, loài người nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu biến nó thành dấu chứng của tình yêu lớn khôn cùng: tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha, tình yêu dâng hiến cho nhân loại.
Nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt phàm trần, so với công trình lớn lao của nhân loại, Thánh Giá có đáng gì đâu. Nhưng sức mạnh của Thánh Giá là sức mạnh ngàn đời.
Văn minh của loài người dẫu lớn đến đâu, niềm kiêu hãnh; sự khôn ngoan của họ dẫu mạnh cách mấy; những công trình trần thế dẫu có nguy nga, dẫu được coi là xây dựng vững vàng, nhưng chỉ một hành vi phá hoại mà thôi, tất cả tan biến như bọt biển. Chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô mới muôn đời tồn tại.
Hay dẫu thế gian này có qua đi, dẫu cả loài người có tàn hơi, kiệt sức, hay nền khoa học hiện đại này được con người ca tụng là phát triển rực rỡ, một ngày nào đó cũng sẽ là tro bụi. Tất cả chỉ là tạm bợ, là hư nát. Chỉ có Thánh Giá được giương cao mãi mãi trên khắp thế giới, là cây gỗ duy nhất đáng để chúng ta tôn thờ.
Dẫu cho bất kỳ thời đại nào, con người có thù nghịch với Thánh Giá, Thánh Giá vẫn còn đó. Biết bao nhiêu lần trong lịch sử Hội Thánh và lịch sử nhân loại, người ta đã bắt bớ, bách hại Hội Thánh, cố tình đặt mối hận thù với Thánh Giá Chúa Kitô, Thánh Giá không vì thế mà mất đi, Hội Thánh không vì thế mà lụng bại.
Trái lại, Thánh Giá vẫn còn đó, muôn đời là dấu chứng của tình yêu, của lòng thương xót vô cùng mà Thiên Chúa dành cho loài người, và Hội Thánh của Chúa Kitô vẫn mãi mãi là dấu chỉ của ơn cứu độ, mà từ nơi Thánh Giá, Thiên Chúa ban cho trần gian.
Thánh Phaolô đã đúc kết những suy nghĩ của mình trong những dòng chữ ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa:
“Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta, là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa…. Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ… Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 18- 25).
Do những lời trên của thánh Phaolô cho phép ta có quyền nói mạnh rằng: Thiên Chúa đã dùng chính cái mà con người cho là điên rồ, là yếu đuối để lật đổ chính sự không ngoan và mạnh mẽ của họ.
Thế mới hay: tất cả chỉ là tạm bợ, còn Thánh Giá Chúa Kitô được giương cao mãi mãi trên khắp thế giới. Thánh Giá, cây gỗ duy nhất mà muôn đời chúng ta tôn thờ.
Dẫu cho thời gian có qua đi, vạn vật có qua đi, thì Thánh Giá vẫn còn mãi như dấu chỉ và sức mạnh của tình yêu mà Thiên Chúa không ngừng yêu thương con người.
Ta hãy ngước nhìn Thánh Giá để biết ơn Thiên Chúa, và cảm tạ tình yêu lớn lao của Người. Vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 8, 16).
Chính tình yêu làm nên ơn cứu độ. Thiên Chúa yêu cho đến mức, ngay chính người Con Duy Nhất của mình, Người cũng chẳng tiếc, để tất cả được trao ban cho ta.
Yêu trần gian đến thế, cho nên mọi sáng kiến đều nhằm một mục đích duy nhất là chuộc trần gian về với mình: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian , không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 8, 17).
Bạn thân mến, để kết thúc những gì bạn và tôi vừa suy niệm, một lần nữa ta hãy ngước nhìn Thánh Giá và học nơi đó bài học của yêu thương và tha thứ, bài học lớn lao của sự chấp nhận và hy sinh – chấp nhận tan biến để mưu cầu lợi ích cho anh chị em và dám hy sinh để biết từ bỏ những gì cản trở ta vươn lên trong việc thực hiện yêu thương. Ngước nhìn Thánh Giá, bạn và tôi còn học nơi đó tất cả lòng khiêm nhu, khó nghèo, vâng phục… Và chính nơi Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh và sự nâng đỡ để tiếp tục vác thập giá đời mình bước đi với Chúa Kitô trên con đường thương khó.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam