Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1376170

NIỀM TIN

Niềm Tin

Một viên sĩ quan trẻ trong quân đội Nga xin được nói chuyện riêng với vị mục sư người Hungary. Khi hai người ở trong một căn phòng đã đóng kín cửa, viên sĩ quan hung hãn chỉ lên cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng:

- Ông biết không, cái đó là sự dối trá cho các ông bày đặt ra để làm mê hoặc dân chúng. Ở đây bây giờ chỉ có tôi và ông. Ông hãy thú nhận rằng: Ông không hề bao giờ tin rằng ông Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.

Vị mục sư cười và trả lời:

- Này anh bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.

Viên sĩ quan hét lên:

- Ông đừng có lừa dối tôi, đừng diễu cợt tôi.

Rồi anh rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa:

- Nếu ông không nhận rằng đó là một sự dối trá thì tôi sẽ nổ súng.

Vị mục sư điềm tĩnh trả lời:

- Dù anh giết tôi, tôi cũng không thể nói điều anh muốn tôi nói. Đối với tôi, Đức Giêsu Kitô thật sự là Con Thiên Chúa.

Cũng như vị mục sư kia, các thánh Tử Đạo đã kiên cường giữ vững đức tin trước mọi thử thách, mọi gian lao, mọi giông tố của cuộc đời. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Chúng ta có thể kể ra đây một vài khuôn mặt của những vị thánh giáo dân như những chứng từ cho điều chúng ta vừa nói:

- Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Người đã viết khi bị bắt bước qua thánh giá: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.

- Thánh Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc (Vĩnh Long) đã tâm sự với một linh mục bạn tù rằng: “Xin cha cầu Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho con. Con sắp phải đi đày. Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Người hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình, vợ con của con”.

- Thánh Matthêu Gẫm, 34 tuổi, một thương gia giầu có, dù bị hành hạ, bị gông xiềng nhưng người luôn bình tĩnh vui tươi. Người nói: “Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm”.

- Thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân, đã trả lời khi các quan bắt người bước qua thánh giá: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn lòng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi”.

- Thánh Matthêu Phượng, trùm họ, đã nói với các con mình rằng: “Các con của cha ơi! Đừng khóc, đừng buồn làm chi vì cha đang gặp được vận hội may mắn”.

- Thánh Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất? Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu”.

- Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”.

- Thánh Anê Thành, một người mẹ của 6 người con. Trong cơn đau đớn vì bị tra tấn đã nhắn nhủ cô con gái đến thăm người trong tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con: Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên đàng”.

- Thánh Emmanuel Phụng, trùm họ, trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái một ảnh thánh giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Anh này quí giá hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”.

Chúng ta không thể kể ra đây hết những hình khổ các thánh Tử Đạo đã phải chịu. Chúng ta cũng không thể nói hết ở đây những lời di chúc quí báu của các ngài. Đối với các ngài, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Có lẽ ngày hôm nay chúng ta không còn được diễm phúc đổ máu và hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa nữa. Nhưng nếu phải hy sinh một món lợi vật chất, nếu phải đánh đổi một chức vụ trong xã hội, nếu phải từ bỏ một thú vui tội lỗi vì Chúa, vì luật lệ, và vì Tin Mừng của Người, chúng ta có dám không, thưa quí ông bà và anh chị em? Phải chăng lập trường của chúng ta vẫn là: “Thà bỏ đạo, bỏ Chúa chứ không bỏ những thứ đó”?

 

37. Suy niệm của Lm. Giacôbê Tạ Chúc

117 vị Thánh Tử Đạo và chân phước An-rê Phú Yên, cùng với hơn 130 ngàn các Kitô hữu khác đã lấy mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Con số không phải là trọng điểm mà chính tình yêu đối với Đức Giê-su, đã khơi nguồn và là nền tảng cho cái chết trung kiên và can trường của các Ngài. Mừng kính ngày lễ của các bậc tiền bối, là dịp để con cháu nhớ ơn và tự hào về những tấm gương cao cả mà các Ngài đã để lại cho hậu thế. Như lời Đức Giê-su đã tiên báo: “Nếu thế gian ghét các con thì phải biết rằng họ đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18).

Tử đạo theo nguyên nghĩa là: làm chứng cho Đức Ki-tô. Martus, Martyr có nghĩa là người chứng, người làm chứng. Các Thánh làm chứng về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Sống giữa một xã hội và môi trường của mình, các chứng nhân của niềm tin vào Danh Giê-su đã hoàn thiện đời mình bằng con đường Thập Giá của Đức Giê-su. Các Ngài đã tô thắm cuộc đời mình bằng niềm tin, tình yêu và lòng chung thủy sắt son với Đấng mà các Ngài tôn thờ. Trong một bối cảnh hết sức đa phức của xã hội trong những thế kỷ 16,17, 18, 19 và 20. Dưới các triều đại của các Vua chúa, sự bách hại tàn khốc và đẫm màu hòa trong nước mắt cuộn cuộn chảy. Các anh hùng Tử đạo không hề nao núng trước những cuộc truy lùng, tàn sát với những hình phạt ghê rợn của các bạo chúa thời bấy giờ. Chúng ta hãy xem một số hình phạt man rợ và bất công đó:

- Bá đao: bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có một vị.

- Lăng trì: chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.

- Thiêu sinh: bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.

- Xử trảm: bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.

- Xử giảo: bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.

- Chết rũ tù: bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị. (Lm Giuse Đinh Lập Liễm).

Mặc dù bi ai là thế, nhưng các Ngài vẫn không sờn lòng và nản chí. Trái lại, trong những cơn cùng cực và có vẻ tối tăm, các Ngài đã làm rạng rỡ cho trang sử của Giáo hội và như lời của một sử gia: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu” (Tertullianô).

Cuộc làm chứng cho Chúa Giê-su và Tin mừng mà Ngài, đã rao giảng vẫn luôn là lời mời gọi mang tính thời sự cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống ngày hôm nay. Máu vẫn đổ, nước mắt vẫn tuôn rơi khi xoáy trong dòng đời nghiệt ngã, trước những cạm bẫy của cuộc sống tục hóa, hưởng thụ và đánh mất niềm tin, niềm cảm thức tôn giáo, đức tin đang bị lung lay và xói mòn trước những thay đổi của xã hội. Người Ki-tô hữu theo nguyên ngữ tử đạo là tiếp tục thực thi lời dạy của Chúa Giê-su, mang yêu thương và bình an của Chúa đến với mọi người trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt luôn là chân lý mà các Thánh Tử đạo đã trải nghiệm bằng cả cuộc sống, mạng sống mình, vì ai yêu sự sống mình thì sẽ mất còn ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được.

 

38. Các thánh Tử Đạo Việt Nam

Lễ các Thánh tử đạo Việt Nam (được gọi là lễ Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo) ấn định trong niên lịch phụng vụ vào ngày 24 tháng 11 mỗi năm, và Hội Đồng Giám mục quyết định dời lễ kính vào ngày Chúa Nhật liền trước hoặc liền sau ngày 24 tháng 11, để giáo dân có dịp tham dự dễ dàng.

Thực ra việc kính Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo bao gồm việc kính tất cả 117 vị tử đạo đã được Giáo Hội phong lên bậc hiển Thánh. 117 vị Thánh này có 96 Thánh Việt Nam (37 Linh mục, 14 thầy giảng, một chủng sinh và 44 giáo dân), 11 Thánh người tây Ban Nha (6 Giám mục và 5 Linh mục), 10 Thánh người Pháp (2 Giám mục và 8 Linh mục).

Thánh Anrê Dũng Lạc tử đạo ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai vị Thánh tử đạo đầu tiên là Linh mục Tế và Linh mục Đậu tử đạo ngày 22 tháng 1 năm 1745, và vị Thánh tử đạo sau cùng là giáo dân Phêrô Đa tử đạo ngày 17 tháng 6 năm 1862. Như vậy khi nói các bạn tử đạo với Thánh Anrê Dũng Lạc ta phải hiểu là các Thánh tử đạo kể từ năm 1745 tới năm 1862 (trong khoảng thời gian 117 năm).

Tất cả các vị Thánh này, chỉ vì kiên trung giữ vững đức Tin, quyết tâm không bỏ Chúa, không bỏ Giáo Hội, nên đã trải qua nhiều đau khổ, cơ cực, như bị tra tấn, bị đòn vọt đánh nát thịt da, bị kìm nung đỏ cặp vào chân tay, bị đói khát, bị mình trần phơi nắng nhiều ngày, bị gông cùm xiềng xích trong tù ngục nhiều tháng trời.v.v. và sau cùng hoặc bị chém đầu (án trảm), hoặc bị thiêu đốt (án thiêu sinh), hoặc bị xiết cổ đến chết (án giảo), hoặc bị cắt các chi thể rồi mới chém đầu (án lăng trì), hoặc bị cắt xẻ da thịt ra hằng trăm miếng (án bá đao). Cũng có vị, vì bị tra tấn quá dã man, bị đói khát, ngày đêm nhốt trong cũi chật hẹp, lại phải đeo xiềng xích, cùm chân tay, nên đã trút hơi thở cuối cùng, trước khi bị đem ra pháp trường.

Thánh Linh mục Du bị trói vào một cây cọc. Có 3 lý hình, một cầm kìm, một cầm dao, còn một người lo đếm cho đủ 100 lát cắt. Trước đó, lính đã nhét đá vào miệng ngài và cột chặt, để không có thể kêu la hay bỏ chạy được. Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán Cha Du lệt xuống che mắt, rồi cắt từng mảng hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn Cha Du giãy giụa quàn quại, ngướv mắt lên trời cao, rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa trần. Tiếp theo quân lính cắt đầu của vị tử đạo, bổ thân mình làm 4 và ném xuống biển. Còn thủ cấp Cha được đem đi bêu tại nhiều nơi, rồi đưa trả về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.

Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lện quan án sát. Vừa nghe lện, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

Hai Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nhge hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

Sáng ngày 5-6-1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ông cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao, thiêu đốt hai ông.

Sau ba tháng tù tại Bình Định ông Anrê Nguyễn Kim Thông nhận được án phát lưu vào Vĩnh Long. Đường từ Bình Định vào Nam xa xôi, ông Thông cùng với bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông siềng, ông bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đòn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba ngày, lính thấy ông Thông đuối sức quá, sợ không thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho ông.

Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ông. Sau đó ông lại phải mang gông xiềng tiếp. Khi ông đặt chân lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc kinh an năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.

Bà Thánh Inê Đê (Lê Thị Thành), sau khi đã bị tra tấn và chịu đòn, coi trong người không có chỗ nào không bị thương tích, áo quần đầy máu me, bà đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục. Lời sau cùng của bà là:

“Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”

Hôm đó là ngày 12-7-1841, sau 3 tháng bị giam cầm về đức Tin.

Riêng những vị xử trảm, cũng có những gương sáng lạng về việc các ngài coi thường sự đau đớn lúc bị chém đầu. Coi như các ngài ước ao được chém nhiều lần để biểu lộ lòng yêu mến Chúa.

Trước khi bị chém Thánh Giám mục An nói với viên quan chỉ hay:

“Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém tôi một nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức Tin, theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh trên trời.

Năm ông Đaminh Nhi, ông Đaminh Mạo, ông Đaminh Nguyên, ông Anrê Tường, ông Vinhsơn Tưởng, bị xử chém đầu, thì trừ ông Đaminh Nhi, bốn vị ông Đaminh Mạo cùng cá ông Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn Tưởng, đều yêu cầu lý hình, thay vì chém một nhát, thì xin được chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

Riêng Thánh Hồ Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh thành Huế, trong ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích, quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té nhào, bị điệu qua các đường phố, những khu chợ và quanh thành nội. Lính mở đường đi trước rao tên tử tội, mỗi khi tới ngã ba đường, phố, chợ và công trường, người tử tội bị đánh 30 trượng, lính vác loa rêu rao;

“Thằng theo tà đạo, đức ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ lên Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết. Gia Tô của nó ở đâu? tại sao thấy nó khổ mà không đến cứu?”

Sau một năm tù giam, Anrê Trọng vẫn cương quyết tuyên xưng đức Tin, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28-11-1835. Sáng hôm đó, anh gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa, cho đến chết.”

Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ Anrê Trọng đã đến đón convà theo con đến tận đầu chợ An Hòa, nơi Anrê sẽ phải xử. Gặp con, bà chỉ nói một câu: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần gì ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con.”

Khi được con cho biết không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích lệ. Đến nơi xử, khi quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên và căn dặn:

“Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm.”

Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, nhưng bà nhưa lấy kỷ vật đó là đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa. Bà can đảm, bước ra xin viên quan chỉ huy trao thủ cấp con bà, cho bà.

Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:

“Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.”

Rồi bà đem về an táng trong nhà.

 

39. Bài giảng của Thánh Gioan Phaolô 2, Giáo Hoàng

(Mt 25,14-30)

Suy niệm 1.

Trong cộng đồng rộng lớn của Giáo Hội, tôi xin chào thăm đặc biệt anh em Việt kiều quí mến đến đây từ mọi phương trời từ Châu Mỹ và Châu Á, từ Úc Châu và tất cả các nước Âu Châu. Tôi biết anh em đến đây vì muốn tôn kính các vị Tử Đạo của anh em, nhưng cũng muốn tái tạo chung quanh các vị Tử Đạo tình huynh đệ, tình thân hữu, tình yêu thương vốn đầy tràn trong tâm hồn anh em, bởi vì tất cả anh em đều có cùng một tổ quốc quê hương. Khi gợi lại những kỷ niệm của anh em, tức là anh em hướng về quê hương với lòng yêu và lòng thương nhớ, với một ước muốn sống giây phút hiệp thông đầy hy vọng giữa cuộc sống ở hải ngoại này. Khi cùng với anh em tuyên xưng Chúa Kitô chịu đóng đinh, tất cả chúng tôi hôm nay đều muốn cảm tạ Thiên Chúa vì những chứng tá đặc biệt mà các thánh Tử Đạo này là những người con đông đúc của Việt Nam, hay là những vị thừa sai đã có những truyền thống Đức tin vào Chúa Kitô một cách sâu xa. Truyền thống của anh em nhắc nhở chúng tôi trong lịch sử Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam từ lúc khởi đầu còn bao la và phức tạp hơn nữa. Từ năm 1533, tức là từ khi cuộc rao giảng Tin mừng Kitô bắt đầu từ Đông Nam á, Giáo Hội Việt Nam trong ba thế kỷ đầu đã phải chịu những cuộc bách hại nặng nề nối tiếp nhau, với một vài giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội Tây phương đã phải chịu trong ba thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu Tử Đạo và đã có rất nhiều người chết trên rừng núi, trong những vùng rừng thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đầy tới. Làm sao có thể gợi hết các vị Tử Đạo ra đây được, và cho dù chỉ được giới hạn vào những vị Tử Đạo được tôn phong hiển thánh hôm nay, chúng ta cũng chỉ có thể dừng lại nơi một vài con số trong những vị Tử Đạo của họ. Thực vậy, có tất cả 117 vị thánh Tử Đạo, gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, trong số này có một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con. Chỉ cần nhắc lại đây một, hai khuôn mặt như cha Vicente Dòng Đaminh chịu tử đạo năm 1773, đó là vị đầu tiên trong 96 vị Tử Đạo Việt Nam. Rồi có một linh mục khác là cha Anrê Dũng Lạc, cha mẹ của ngài vốn là những người ngoại đạo và nghèo túng. Từ thuở nhỏ ngài được ký thác cho một thầy giảng và sau trở thành linh mục vào năm 1823, rồi làm cha sở và làm nhà truyền giáo ở nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam. Hơn một lần ngài đã được cứu thoát khỏi tù ngục nhờ giáo dân quảng đại nộp tiền chuộc. Ngài nhiệt tình ao ước được chịu phúc Tử Đạo, ngài thường nói những người chết vì Đức tin thì được lên trời, thế mà ta cứ tiếp tục trốn tránh, chi phí tiền bạc để tránh thoát những kẻ bách hại, ta hãy để mình bị bắt và chịu chết thì hơn. Nhờ lòng nhiệt thành và ơn Chúa nâng đỡ như thế ngài đã chịu tử đạo, bị chém đầu tại Hà Nội ngày 21.12.1839. Như vậy hôm nay chúng ta có trước mắt các thánh Tử Đạo Việt Nam là những người theo Chúa Thánh Vịnh đã nói về các ngài như sau: “Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hoan ca, họ đi và khóc nức nở gieo hạt giống nhưng trở về ca hát, tay mang bó lúa trĩu hạt”: Dưới ánh sáng của những lời huyền nhiệm này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của chứng tá lịch sử của các vị Tử Đạo trong Giáo Hội Việt Nam đã thực hiện với nước mắt. Họ đã gieo vãi hạt giống Tin mừng và ơn thánh, từ đó đã nảy sinh dồi dào hồng ân Đức tin “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất và không nát đi thì không sinh hoa trái, trái lại nếu nó chết đi thì sẽ mang lại nhiều hoa trái (Jn 12,24-25). Trong thực tế khi gieo trong nước mắt, các vị Tử Đạo Việt Nam đã khởi sự công cuộc đối thoại sâu xa và có tính cách giải phóng đối với dân tộc và văn hoá quốc gia Việt Nam, họ rao giảng trước mặt mọi người tính cách chân thực và phổ quát niềm tin vào Thiên Chúa. Và hơn nữa, các vị đề ra các giá trị và các bổn phận đặc biệt thích hợp với nền văn hóa tôn giáo của tất cả miền Viễn Đông. Dưới sự hướng dẫn của cuốn giáo lý đầu tiên, các vị Tử Đạo đã làm chứng rằng “Cần phải thờ lạy Thiên Chúa, Chúa Tể duy nhất, một Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tác tạo nên đất trời”. Đứng trước sự cưỡng bách của nhà cầm quyền trong việc hành đạo, họ đã xác quyết quyền tự do tín ngưỡng và đã can đảm mạnh mẽ khẳng định trong đạo Kitô là điều duy nhất mà họ không thể từ bỏ được, vì họ không thể bất tuân lệnh vị Chúa Tể Tối Cao là Thiên Chúa. Ngoài ra các vị đã tỏ ý muốn trung thành với các nhà cầm quyền của đất nước, không vi phạm những gì là chính đáng và ngay thẳng, các vị cũng đã dạy phải tôn kính tổ tiên, các tập tục của quê hương mình dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục sinh. Với các vị Tử Đạo của mình và nhờ những chứng tá của các vị, Giáo Hội Việt Nam tuyên tín ý chí và quyết tâm không loại bỏ truyền thống văn hóa và các luật thể chế của đất nước. Trái lại, Giáo Hội đã tuyên bố và chứng tỏ rằng mình muốn nhập thể vào truyền thống, văn hoá đó bằng cách trung thành góp phần vào việc xây dựng tổ quốc một cách đích thực.

Suy niệm 2

“Tôi thấy một số đông người không thể đếm được thuộc đủ mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước tòa Thiên Chúa và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng và trên tay cầm cành lá chiến thắng”. Đó là lời thánh Gioan diễn tả cảm tưởng đoàn người chiến thắng dừng trước ngai Thiên Chúa trên trời là thánh nhân được Chúa cho thị kiến. Tiếp theo thánh Gioan viết trong sách Khải Huyền như sau: “Những người mặc áo trắng ấy là ai và họ từ đâu tới”. Chính vị trưởng lão cho biết, đó là những người đã qua cơn đại họa, đã giặt áo họ trong máu Chiên Con và nay trở về. Vì thế họ được hân hạnh đứng trước toà Thiên Chúa và phụng thờ Ngài ngày đêm trong Đền Thờ. Đấng ngự trên toà sẽ chở che và phù trợ họ. Họ sẽ không còn phải đói khát nữa, không còn bị mặt trời và nóng bức làm khổ nữa. Vì Chiên Con đứng ở giữa toà sẽ chăn dắt họ, sẽ đưa họ đến suối nước thiêng và Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt họ. Qua ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam được toàn thể anh chị em Công giáo khắp năm châu mừng hôm nay, Giáo Hội muốn khẳng định cho chúng ta và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Trong số đoàn người đông đảo đứng trước ngai Thiên Chúa có cả những người thuộc dân tộc Việt Nam; có cả con cháu dòng giống Lạc Hồng. Các ngài đã trải qua những cơn thử thách gian truân, lấy mạng sống của mình để minh chứng cho niềm tin và nay được trở về với Thiên Chúa. Các Vị Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những nhà truyền giáo đến từ các nước, là các giám mục, các linh mục người Pháp, Tây Ban Nha, nhưng đa số là những người Việt Nam gồm 37 linh mục, 16 thầy giảng, một chủng sinh và đặc biệt là rất nhiều giáo dân. Số đông đảo giáo dân Việt Nam đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin là điểm son thứ nhất tôi muốn nêu bật trong bài suy niệm hôm nay. Điểm son thứ hai tôi muốn lưu ý với anh chị em hôm nay là các thánh Tử Đạo là những công dân hiền hoà sống đời gương mẫu, nêu gương lý tưởng trung kiên với Thượng Đế không phò vua bách hại nhưng phải một lòng tùng phục quốc gia. Họ bị bắt bớ, tra tấn, ngục tù nhưng không một người nào có ý định cầm khí giới để phòng thân. Trái lại họ chỉ cam chịu, chỉ cầu nguyện cho tất cả mọi người, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho các quan đã ký sắc lệnh tử hình và thật lòng tha thứ cho những kẻ hành quyết mình. Cử chỉ này không phải là hèn nhát, nhưng xứng đáng đối với những bậc thượng nhân như câu: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng. Đấng anh hùng đừng hoảng mới hay”. Cuối cùng điểm son thứ ba tôi muốn nêu bật những thành tích vẻ vang, chứng tỏ niềm tin sắt đá các thánh Tử Đạo Việt Nam đã ghi vào những trang sử của Giáo Hội là lòng tôn kính của các ngài đối với Thập Giá. Đối với các thánh Tử Đạo Việt Nam chết tang thương, chết treo trên Thập Tự để mimh chứng tình yêu tột đỉnh của mình đối với Thiên Chúa và đối với nhân loại. Vì thế không một khổ hình nào có thể truyền đôi chân của các ngài tự ý bước qua Thập Giá. Không bước qua Thập Giá để không chối bỏ đạo dù phải đòn vọt, tra tấn, dù phải chịu tử hình, các vị Tử Đạo Việt Nam đã nêu gương yêu mến Thập Giá để đáp lại tình yêu của Đấng đã chết treo trên ấy bằng chính mạng sống của các ngài. “Thưa anh chị em thân mến! Cùng với anh chị em Công Giáo khắp năm châu mừng kính lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta phải một lần nữa ý thức rằng cuộc sống và cái chết của các ngài có thể nói được là những giòng chữ đầu trong các trang sử của Giáo Hội Việt Nam mà mỗi người chúng ta được kêu mời và thách đố hãy noi gương các vị tiền nhân anh dũng. Để chúng ta cùng nhau viết lên thành tích của lòng trung thành với can đảm sống đạo, sống cuộc sống chứng nhân cho tình yêu qua những hành động cụ thể để tha thứ hoà giải và chúng ta xây dựng đất nước cũng như làm chứng cho ý nghĩa Thập Giá qua nếp sống hằng ngày của chính mỗi người trong địa vị, trong môi trường sống của mình. Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cho quê hương đất nước được quốc thái dân an. Xin cầu bầu cho Giáo Hội Việt Nam được luôn trung thành với niềm tin, đức cậy và lòng mến trung thành. Amen.

 

40. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

(Mt 10, 17-22)

Hôm nay chúng ta mừng lễ kính thánh Anrê Trần Dũng Lạc và các bạn Tử Đạo, hay nói chung là mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài cũng là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam, giờ đây cùng nhau chúng ta nghe lời Chúa qua Phúc âm (x. Mt 10, 17-22). Khi kêu gọi mọi người “Hãy Vui Lên”, các giám mục đã mời gọi từng giới, từng thành phần trong dân Chúa. Hôm nay chúng ta nghe các ngài ngỏ lời với các cụ cao tuổi và mời gọi các cụ bước vào Năm Thánh như những chứng nhân cho tình. yêu Chúa “Các cụ vui vì lại được sống thêm một Năm Thánh nữa, Năm Thánh 2000” Chúng ta đã có dịp nói với nhau về niềm vui của chúng ta, niềm vui đích thực, niềm vui mà các thánh Tử Đạo đã hân hoan vui mừng khi được đi ra pháp trường. Các giám mục của chúng ta cũng muốn qua các cụ lão ông, lão bà kêu gọi chúng ta vui niềm vui chứng tá ấy. Ở Việt Nam có hội phụ lão, ở bên Mỹ có hội người già trong các cộng đồng Việt Nam, mục đích để giúp các cụ có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau trao đổi và giúp nhau trong cảnh già nua tìm được niềm vui trong những ngày cuối của đời mình, dĩ nhiên là niềm vui thánh thiện nâng cao quí cụ ngày càng được gần hơn đến với Chúa. Chúng ta cũng phải coi chừng vì nhiều khi việc ngồi lại với nhau chẳng những không tạo điều kiện để nâng cao, nhưng lại ghì kéo xuống làm cho chúng ta rơi vào những phù phiếm không lợi ích chi cho mình, đồng thời trở thành gương xấu cho con cho cháu và là gánh nặng cho xã hội. Chẳng hạn ở Việt Nam ngày ngày người ta vẫn thấy ba, bốn cụ già chân nam đá chân chiêu, lai rai hết ly này đến ly khác, gia đình con cháu buồn, người ngoài lắc đầu, tuổi già và niềm vui ấy trở thành gánh nặng cho mọi người. Rồi tại một hội người già trong một Tiểu Bang nọ, các cụ cũng than phiền là có nhiều chuyện không trong sáng giữa các cụ với nhau nên có nhiều cụ ở nhà. Một chương trình truyền hình nọ mời một cụ lão phỏng vấn: xin cụ cho biết cảm tưởng của cụ, niềm vui của cụ vẫn có mỗi ngày trong cuộc sống, kế đó họ xin cụ bí quyết để sống vui. Cụ trả lời rằng: “chẳng có bí quyết gì hết”, nếu có bí quyết gì đi chăng nữa nó cũng dễ như trở bàn tay, như uống nước lã vậy thôi. Đó là khi tôi thức dậy mỗi buổi sáng, tôi chỉ có hai điều để lựa chọn, một là sống an vui hạnh phúc, hai là sống lầm than khổ sở, dĩ nhiên là tôi đã chọn điều thứ nhất. Lạy Cha, chúng con lại có một ngày sống mới, đó là ngày sống mà mọi người trong gia đình như ông bà, cha mẹ và con cháu, tất cả đểu được mời gọi sống niềm vui của Tin mừng, niềm vui ấy nhiều khi chúng con phải sống như các thánh Tử Đạo cha ông chúng con đã từng sống trước đây Xin cho chúng con can đảm và trung thành sống trọn niềm vui ấy. Chúng con cảm tạ Cha cho tuổi già của ông bà, cha mẹ và chúng con cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu nhân danh các thánh Tử Đạo. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ