Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1365915

NIỀM VUI CỦA CHỜ ĐỢI

NIỀM VUI CỦA CHỜ ĐỢI

 

(Suy niệm của Dã Quỳ)

Thời gian Mùa Vọng là thời gian của sự chuẩn bị, thời gian của những sự biến đổi. Chúng ta luôn sống trong chờ đợi một cuộc thực hiện trọn vẹn của ơn cứu độ, của hạnh phúc và của Nước Trời. Phụng vụ Chúa nhật hôm nay diễn tả niềm vui đặc biệt ngày Chúa Cứu Thế đến với nhân loại. Lý do mà chúng ta vui mừng được tuôn tràn từ tin vui này "Chúa đã đến gần" (Pl 4, 5b). Thế nhưng, làm thế nào để ta có thể chờ đợi Ngày Chúa Đến trong niềm vui thật, niềm vui của Chúa? Thánh Gioan Tiền Hô đã chỉ cho ta những phương cách cụ thể cho việc chuẩn bị trong đời sống thực tế của ta:

- Chia sẻ tận tình những gì ta có với tha nhân cách cụ thể là cơm ăn, áo mặc. Đó là những nhu cầu mà chính ta cũng cần để sống. Thánh Gioan khuyên những người đến hỏi ngài: "Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy." (Lc 3,11) Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại mà người ta cho là văn minh và phát triển vượt bậc, nhưng ta lại thấy người nghèo ngày càng nghèo hơn và càng nhiều người rơi vào cảnh lầm than hơn nên chắc chắn lúc nào cũng có người nghèo ở chung quanh chúng ta và cần lắm tấm lòng chia sẻ tận tình. Chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu cũng là một trong những khía cạnh của lòng thương xót mà chúng ta được mời gọi sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót "Cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới mặc". Chia sẻ là trao tặng những gì mà ta có, ta cần và trong niềm vui chứ không phải chỉ cho những gì ta dư thừa. Cho đi trong niềm vui, ta cũng sẽ nhận được niềm vui tràn đầy như Mẹ Têrêsa nói "Ai cho với niềm vui là cho nhiều hơn và Thiên Chúa yêu kẻ cho đi với tấm lòng hoan hỉ." Chia sẻ tận tình cũng còn là sẻ chia tình yêu thương. Có những cái nghèo về vật chất nhưng cái nghèo ray rứt nhất là không được ai yêu thương nâng đỡ. Nghèo vì bị khinh miệt, ruồng bỏ, bị ném ra lề xã hội, bị áp bức... Lời Chúa luôn thôi thúc ta thi hành sứ mạng chữa lành những tâm lòng thương tích vì cô độc, vì sự thờ ơ lãnh đạm và vì bất công.

- Sống công bằng và nhân hậu là lời mời gọi ta thay đổi lối sống cũ bình thường hay tầm thường con người mọi thời vẫn sống đó là gian tham, ức hiếp người yếu kém... mà thời thánh Gioan Tiền Hô, người ta cũng đã từng sống như vậy. Vì thế, lời thánh Gioan kêu gọi người xưa cũng thiết thực cho ta hôm nay: "Đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định cho mình. Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta..." (Lc 3, 13-14) Sống công bằng trong chính công việc, trong trách nhiệm hay bậc sống của mình cách cụ thể. Hãy đối xử công bằng với những người thân ngay trong gia đình của ta. Hãy sống công bằng với những người đồng nghiệp hay với mọi người ta có trách nhiệm. Hãy thực hiện công bằng với những khách hàng của ta. Hãy thực thi công bằng theo đúng luật pháp và luật của Chúa, Giáo Hội đề ra. Và hơn thế nữa, đừng hà hiếp ai, nhất là những người bé nhỏ yếu kém, nhưng hãy có lòng nhân hậu xót thương, như lời của Mẹ Têrêsa khuyên ta "Hãy trở nên nét nhân hậu của Thiên Chúa, nhân hậu trên nét mặt, nhân hậu trong khóe mắt, nhân hậu nơi nụ cười. Hãy luôn cho đi nụ cười hạnh phúc, cho lũ trẻ, cho đám dân nghèo, cho những ai đang đau khổ, đang đơn độc... Hãy cho họ cả trái tim." Thực thi công bằng và sống nhân hậu, ta sẽ có một niềm vui trào tràn vì được thanh thản trong tâm hồn và dạt dào tình yêu nơi trái tim ta. Gieo yêu thương và bình an, ta sẽ gặt được niềm vui và hạnh phúc.

Trong Chúa Giêsu-Đấng Emmanuel, Thiên Chúa đã hạnh phúc làm một con người giữa chúng ta để ở với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vui mừng vì ta như lời Ngôn sứ Xôphônia mời gọi dân Xion vui lên "Thiên Chúa sẽ vui mừng và hoan hỉ vì ngươi, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội."(Xp 3,17-18a) Sứ điệp vui mừng này sẽ đem lại cho chúng ta một niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa, Đấng đã tin tưởng trao cho ta sứ mạng vun đắp niềm vui này ở giữa chúng ta. Người chờ đợi sự cộng tác của ta. Người cần những bàn tay của chúng ta, khuôn mặt của chúng ta và những lời nói của chúng ta biểu lộ hạnh phúc của Người đang ở lại giữa chúng ta. Từ đó, chúng ta cần thực hiện và sống những "niềm vui nho nhỏ" nhưng thật quan trọng hằng ngày. Hãy làm cho gia đình, cộng đoàn của ta trở nên những nơi của sự lạc quan và hy vọng, nơi chia sẻ và nâng đỡ, nơi đầy công bằng và nhân hậu. Niềm vui sẽ rất dễ lây lan hơn cả những vi rút mà chúng ta sợ hãi. Vậy hãy làm cho tình bác ái và niềm vui trở thành nạn dịch lan tràn xung quanh đời sống của ta để rồi niềm vui trong yêu thương cũng sẽ là vui trong niềm vui của Chúa. Ước gì khi chờ đợi Chúa đến với chúng ta trong vinh quang, chúng ta sống tràn đầy niềm vui và biết công bố niềm vui ơn cứu độ cho thế giới qua chính đời sống của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã biết niềm vui thật cần thiết biết bao cho con người của thời đại chúng con. Xin ban cho chúng con niềm vui của chính Chúa, niềm vui không ai lấy lấy mất được, để chúng con hoan hỉ chờ đợi ngày Con Chúa ngự đến. Amen.

 

2.Niềm vui trong Chúa

(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)

Chúa nhật III Mùa Vọng còn được gọi là chúa nhật màu hồng, là chúa nhật vui. Vui vì “Chúa sắp đến”. Vui vì ngày lễ Giáng Sinh gần kề. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!” (Pl 4,4). Niềm vui mà Thánh Phaolô nhắc tới là niềm vui trong Chúa. Niềm vui có Chúa. Niềm vui được gặp gỡ Chúa. Niềm vui “đặc thù” của người Kitô hữu. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là “Niềm vui của Tin Mừng”. Ngài nói: “Niềm vui của Tin Mừng đổ tràn đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (x. Tông thư Niềm Vui Tin Mừng, số 1). Và để chứng minh điều đó, trong số 5 của Tông thư vừa nêu, Đức Thánh Cha đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể của người có niềm vui Tin Mừng: Đó là niềm vui mà thiên thần mời gọi Đức Maria trong biến cố truyền tin “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Đó là niềm vui của Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng bà thánh Êlizabét khi Đức Mẹ đến thăm (x. Lc 1,41). Đó là “Niềm vui trọn vẹn” của Gioan Tẩy Giả khi Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ (x. Ga 3,29). Đó là niềm vui mà Đức Giêsu hứa với các môn đệ: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Đó là niềm vui của các môn đệ khi nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh(x.Ga 20,20). Đó là niềm vui gặp gỡ của các kitô hữu đầu tiên, họ “Dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”(Cv 2,46). Đặc biệt, các môn đệ đi đến đâu họ đem niềm vui tới đó(x. Cv 8,8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “Ngập tràn niềm vui” (13,52)…

Trong tập sách "Bước qua ngưỡng cửa hy vọng", Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định Tin Mừng là tin vui, Ngài nói: "Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui mừng và Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi”.

Thật vậy, Tin Mừng là tin mang đến niềm vui mừng. Nhờ Tin Mừng chúng ta mới biết Chúa. Nhờ Tin Mừng chúng ta mới trở thành người Kitô hữu. Nhờ Tin Mừng chúng ta gặp được Chúa qua các bí tích: Bí tích Rửa tội, bí tích Giao Hoà, Bí tích Thánh Thể…Nhờ Tin Mừng chúng ta gặp được Chúa qua cầu nguyện, qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa, qua đời sống bác ái yêu thương. Nhờ gặp Chúa qua Tin Mừng cuộc đời của chúng ta được biến đổi và từ đó chúng ta gặp gỡ mọi người trong tình yêu thương như lời bài hát: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh”.

Để có được niềm vui trong Chúa, niềm vui Tin Mừng, tâm hồn chúng ta cần phải trong sạch, không vướng mắc tội lỗi. Lời Chúa hôm nay phần nào giúp chúng ta có được điều đó: Hãy giữ đức công bằng và hãy thực thi bác ái.

1. Hãy giữ đức công bằng: Khi những người thu thuế và các binh lính hỏi Thánh Gioan phải làm gì để đón chờ Chúa đến. Thánh Gioan mời gọi họ hãy giữ đức công bằng, Ngài nói: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh" (Lc 3,13); "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình" (Lc 3, 14). Tuy lời mời gọi này dành riêng cho những người thu thuế và binh lính nhưng rất thích hợp với tất cả mọi người qua mọi thời đại. Bởi vì, ai cũng có thể lỗi đức công bằng. Điều răn thứ bảy trong mười điều răn của Chúa đã liệt kê những tội lỗi đức công bằng như sau:

Thứ nhất, tội lấy của người khác cách bất công: Trộm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hoặc tham lam của công và đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.

Thứ hai, tội giữ của người khác cách bất công: Không trả nợ, không hoàn lại của đã mượn hay lượm được, không trả tiền công xứng đáng, trốn thuế, oa trử của gian.

Thứ ba, tội làm hư hại của người khác: Trực tiếp hay gián tiếp làm hư hại tài sản người khác, vu cáo hay là nói xấu khiến người ta làm ăn thất bại, lỗi các hợp đồng đã được thoả thuận cách công bằng.

Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều người tham ô tham nhũng, trộm cắp gian tham, ức hiếp của người, bỏ vạ cáo gian. Họ phải hoàn trả lại những tài sản đã chiềm đoạt và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra. Về vấn đề này, Tin Mừng cho chúng ta thấy gương của ông Giakêu. Ông là một người thu thuế, đã từng tham ô tham nhũng, nhưng khi gặp được Chúa Giêsu, ông đã quyết định phân chia phần nữa của cải của mình cho người nghèo và nếu ông chiếm đoạt của ai cái gì thì ông xin đền trả gấp bốn (x. Lc 19,8).

2. Hãy thực thi bác ái: Bác ái là bản chất của Đạo Công Giáo. Thực thi bác ái là bổn phận của mỗi người kitô hữu. Có nhiều cách để thực thi bác ái. Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta thực thi bác ái bằng cách cho đi: “Ai có hai áo hãy cho người không có” (Lc 3,11). Cho đi không phải nơi môi miệng mà phải bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê nói: “Nếu có anh em hoặc chị em bị ở trần, hoặc nếu họ không có của ăn hằng ngày và nếu có ai trong anh em bảo họ: ‘Hãy đi bằng an, hãy mặc ấm và hãy ăn no’ mà không cho họ những gì cần thiết cho thân xác họ, thì có ích lợi gì đâu?” (Gc 2,15-16).

Khi biết thực thi bác ái là chúng ta gặp gỡ Chúa. Chính Chúa Giêsu đã đồng hoá Ngài nơi những người nghèo, những người bệnh tật, những người tù tội (x. Mt 25,40). Chính vì vậy, khi mẹ của Thánh Rosa thành Lima trách Ngài vì đã đưa những người nghèo và những người tàn tật về trong gia đình để săn sóc, Ngài thưa với mẹ Ngài rằng: “Khi chúng ta phục vụ những người nghèo và những bệnh nhân, đó là chúng ta phục vụ Chúa Giêsu. Chúng ta phải không ngừng giúp đỡ người đồng loại, bởi vì chúng ta phục vụ Chúa Giêsu ở nơi họ”.

Khi biết thực thi bác ái chúng ta sẽ gặp được niềm vui. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy điều đó: Khi cho ai cái gì với lòng bác ái chân thật chúng ta sẽ cảm thấy an vui.

Tại văn phòng của một cố vấn tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa giàu sang bước vào giải bày tâm sự:

- Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng lòng của tôi lúc nào cũng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.

Nhà cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phụ nữ này nghe. Cô thư ký kể:

- Chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng; con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình... tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp, được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc.

Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì mà đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ (Câu chuyện trích từ bài chia sẻ của Lm. Giuse Đinh Tất Quý).

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy có rất ít người tìm kiếm niềm vui trong Chúa. Trái lại, có rất nhiều người tìm kiếm những thú vui trần gian nơi chức quyền danh vọng, nơi tiền bạc của cải, nơi tình cảm ngang trái. Vui nơi cờ bạc rượu chè. Đó là niềm vui tạm bợ, niềm vui chóng qua mau hết. Chỉ có niềm vui trong Chúa mới là niềm vui đích thực. Niềm vui trọn vẹn. Niềm vui “Không ai lấy mất được” (Ga 16,20). Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem: Tôi đang có niềm vui nào? Niềm vui trong Chúa hay niềm vui của thế gian?

Lạy Chúa, trong khi chờ đợi Chúa đến, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, suy gẫm Lời Chúa. Đặc biệt, xin Chúa cho chúng con biết sống công bằng, biết thực thi bác ái, biết cho đi hơn là lãnh nhận, để chúng con có được niềm vui trong Chúa, niềm vui của Tin Mừng. Amen.

 

3.Sám hối là thay đổi thang giá trị cuộc sống

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Nhạc sĩ Trần Tiến với bài hát “Lời nói cuối” đã đoạt giải nhất trong cuộc thi phong trào phòng chống Siđa. Nội dung bài hát ông lấy cảm hứng từ một lá thư của một cậu bé bán bánh mì mắc bệnh Siđa. Cậu ta tâm sự rằng cậu chỉ bán bánh mì vào ban đêm vì khuôn mặt của cậu đã lỡ nhiều quá. Cậu bơ vơ và khát khao một cuộc sống. Cậu nhờ nhạc sĩ viết cho bài hát “lời nói cuối” như một lời trần tình cho mọi người về khát vọng sống. Nội dung bài hát: “Một buổi sớm, nhìn gương lại thấy buồn vết bầm tím lang rộng trên môi, mỗi một sớm thời gian, dục vó ngựa mang đời tôi đi vào đem đen. Mỗi ngày trôi, đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội tới vực sâu, vó ngựa ơi chậm thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi, cho tôi nói lời nói lần cuối: đừng ai, đừng ai chết trẻ như tôi. Tôi là đứa trẻ con còn non dại. Sao tuổi xuân sớm bỏ tôi đi. Tôi là đứa trẻ con còn mơ mộng. Sao tình yêu sớm bỏ tôi đi... Mỗi ngày trôi đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội tới vực sâu. Vó ngựa ơi chậm thêm một chút. Một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi chào mẹ già của tôi. Cho tôi chào bạn bè của tôi. Cho tôi nói lời nói lần cuối. Đừng ai đừng ai chết thảm như tôi”. Vâng, có lẽ giây phút gần cái chết, niềm khát vọng sống trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết vì thế nó thúc đẩy em bé thốt lên một lời nài van: “Hãy cho tôi thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi. Cho tôi chào mẹ già của tôi. Cho tôi chào bạn bè của tôi. Cho tôi nói lời nói lần cuối đừng ai, đừng ai chết trẻ và chết thảm như tôi”. Vâng, cũng vậy, niềm khát vọng sống, không để chết thảm là sa hỏa ngục đời đời nhưng được sống vĩnh hằng trở thành hiện thực nơi mỗi người chúng ta qua việc Ngôi Hai Thiên Chúa sắp Giáng sinh làm người để cứu độ chúng ta: cho chúng ta làm con cái Chúa, cho chúng ta giao hòa với Chúa và với nhau, đặc biệt cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, để được như vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy thay đổi thang giá trị cuộc sống này. Và đó cũng chính là tâm tình Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.

Trong Tin Mừng, Thánh Gioan tẩy giả loan báo niềm hy vọng cho Dân Israel, đó không phải là niềm hy vọng trừu tượng mà là niềm hy vọng được tập trung vào Đấng mà người Do thái mong đợi Đấng Mesia, Ngôi Hai Thiên Chúa làm ngươi. Vì thế, mở đầu Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha vì chưng, trong Chúa Giê-su Kitô, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động, rõ ràng và thấy tột đỉnh điểm của nó. Vì vậy ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Chúa Cha là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa, thành tín” (Xh 34,6) và "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4) (số 1). Vâng, Lòng Thương Xót Chúa mạnh hơn tội lỗi, Ngài không bao giờ mõi mệt để tha thứ cho con người, làm cho con người được sống dồi dào và không bao giờ phải chết. Để được như thế, Thánh Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ kêu gọi chúng ta hãy sám hối mà sám hối không phải thứ sám hối chung chung mà phải sám hối cụ thể hoá trong cuộc sống bằng hành động.

Chúng ta thường đặt thang giá trị vào vô vàn khía cạnh của cuộc sống: đối với người làm lớn coi thang giá trị đó là quyền lực. Người kinh doanh đặt thang giá trị nơi tiền, lợi nhuận. Giới trẻ đặt thang giá trị cuộc sống nơi hưởng thụ, “văn hóa vứt bỏ” nói như Đức Thánh Cha Phanxicô. Giới thiếu nhi đặt thang giá trị nơi trò chơi điện tử, ăn chơi leo lỏng… Vì thế, Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy thay đổi những thang giá trị đó: Nếu người làm lớn, hãy sống công bằng, không được ức hiếp người yếu thế. Nếu là công nhân đừng đòi hỏi quá mức lương ấn định. Nếu là chồng, hãy sống chung thuỷ với vợ và hy sinh lo cho con cái. Nếu là vợ, hãy là người vợ đạo đức và người mẹ hiền gương mẫu. Nếu là con cái, hãy chịu khó học hành và vâng lời Cha mẹ. Nếu là giới trẻ, hãy sống có đạo đức và tác phong là người trẻ. Chớ ăn chơi leo lỏng, chớ dùng bạo lực mà đối xử nhau. Nếu là sinh viên, hãy sống trung thực và hòa thuận với nhau, chớ gian dối, bạo lực hay nghiện ngập! Còn các gia đình thân mến, chúng ta hãy năng đọc kinh chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích để Chúa và hãy để Lời của Ngài luôn cư ngụ trong tâm hồn anh chị em, làm cho mỗi người trong gia đình gạt đi những ảo tưởng để đón nhận nhau, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; biết kiên nhẫn, hy sinh và quảng đại với nhau hơn”. Thánh Gioan tẩy giả nói: “Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn cũng làm như vậy”, có nghĩa rằng Các thành viên trong gia đình hãy chia sẻ một chút vật chất, một chút thì giờ, một chút quan tâm cho nhau và cho những người khác. Các bậc làm cha làm mẹ đừng có lạm dụng quyền hành mà lỗi đức công bình, bác ái với nhau và với con cái”. Thánh Gioan tẩy giả nói tiếp: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền ai, có nghĩa rằng các con cái phải cư xử thảo hiếu và vâng lời cha mẹ, anh chị em và hàng xóm láng giềng với nhau. Và cứ như thế, tất cả mọi người sẽ nhìn thấy Ơn Cứu Độ.

Chính vì thế mà Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói rằng: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến”. Vì vậy, Chúa Nhật III mùa vọng hay còn gọi Chúa Nhật Gaudete: “Mừng Vui lên”, vui mừng vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời, không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính… Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo cho người đói khổ, sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người đồng thời khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội và cả nơi Thiên Chúa nữa.

Xin cho Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta lấy tình thương, công bằng, bác ái và thứ tha làm thang giá trị trong cuộc sống hầu làm Danh Chúa cả sáng và Nước Chúa đến với mọi người trong ngày Giáng sinh sắp đến cũng như mọi ngày. Amen.

 

4.Sống và loan báo Lòng Thương Xót Chúa

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Nhạc sĩ Trần Tiến với bài hát “Lời nói cuối” đã đoạt giải nhất trong cuộc thi phong trào phòng chống Siđa. Nội dung bài hát ông lấy cảm hứng từ một lá thư của một cậu bé bán bánh mì mắc bệnh Siđa. Cậu ta tâm sự rằng cậu chỉ bán bánh mì vào ban đêm vì khuôn mặt của cậu đã lỡ nhiều quá. Cậu bơ vơ và khát khao một cuộc sống. Cậu nhờ nhạc sĩ viết cho bài hát “lời nói cuối” như một lời trần tình. Nội dung bài hát: “Một buổi sớm, nhìn gương lại thấy buồn vết bầm tím lang rộng trên môi, mỗi một sớm thời gian, dục vó ngựa mang đời tôi đi vào đem đen. Mỗi ngày trôi, đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội tới vực sâu, vó ngựa ơi chậm thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi, cho tôi nói lời nói lần cuối: đừng ai chết thảm như tôi”. Có lẽ giây phút gần cái chết, niềm khát vọng sống trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết vì thế nó thúc đẩy để người ta thốt lên như một lời nài van: “Tôi là đứa trẻ con còn non dại, sao tuổi xuân sớm bỏ tôi đi. Tôi là đứa trẻ con còn mơ mộng, sao tình yêu sớm bỏ tôi đi. Đừng ai chết trẻ như tôi”. Vâng, cũng vậy, niềm khát vọng sống và sống vĩnh hằng trở thành hiện thực nơi mỗi người nhờ vào Lòng Thương Xót qua Chúa Giêsu sắp Giáng sinh làm người, chúng ta hãy thay lối, đổi đường ngay từ bây giờ. Và đó cũng chính là tâm tình Lời Chúa hôm nay muốn loan báo cho chúng ta.

Cho nên, Thánh Gioan Tẩy Giả loan báo niềm hy vọng cho Dân Israel, đó không phải là niềm hy vọng trừu tượng mà là niềm hy vọng được tập trung vào Đấng mà người Do thái mong đợi Đấng Mesia, Ngôi Hai Thiên Chúa làm ngươi. Vì thế, mở đầu Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha vì chưng, trong Chúa Giê-su Kitô, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng và thấy tột đỉnh điểm của nó. Vì vậy ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Chúa Cha là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6) và "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4) (số 1).

Vâng, Lòng Thương Xót Chúa mạnh hơn tội lỗi, Ngài không bao giờ mõi mệt để tha thứ cho con người, làm cho con người được sống dồi dào và không bao giờ phải chết. Để được như thế, Thánh Gioam Tẩy giả, vị ngôn sứ loan báo cho Lòng Thương Xót Chúa kêu gọi chúng ta hãy sám hối mà sám hối không phải thứ sám hối chung chung mà thứ sám hối được cụ thể hoá trong cuộc sống tức bằng hành động.

Chúng ta thường đặt thang giá trị cuộc sống vào vô vàn khía cạnh của cuộc sống: đối với người làm lớn coi thang giá trị đó là quyền lực. Người kinh doanh đặt thang giá trị nơi tiền, lợi nhuận. Giới trẻ đặt thang giá trị cuộc sống nơi hưởng thụ, “văn hóa vứt bỏ” nói như Đức Thánh Cha Phaxicô. Giới thiếu nhi đặt thang giá trị nơi trò chơi điện tử, ăn chơi leo lỏng… Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy thay đổi những thang giá trị đó: Nếu người làm lớn, hãy sống bằng, không được ức hiếp người yếu thế. Nếu là công nhân đừng đòi hỏi quá mức lương ấn định. Nếu là chồng, hãy sống chung thuỷ với vợ và hy sinh lo cho con cái. Nếu là vợ, hãy là người vợ đạo đức và người mẹ gương mẫu. Nếu là con, hãy chịu khó học hành và vâng lời Cha mẹ. Nếu là giới trẻ, hãy sống có đạo đức và tác phong là người trẻ. Chớ ăn chơi leo lỏng, chớ dùng bạo lực mà đối xử nhau. Nếu là sinh viên, hãy sống trung thực và hòa thuận với nhau, chớ gian dối, bạo lực hay nghiện ngập! Bên cạnh đó, hãy để Lòng Thương Xót Chúa đến ngự trị trong cuộc sống ta, Ngài sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới chúng ta đồng thời làm cho chúng ta hạnh phúc và bình an. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí chúng ta được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.

Pascal nói: “Tôi chỉ tin một điều gì khi người ta rao giảng nó và dám sống và chết cho nó”. Gioan Tẩy giả không chỉ loan báo mà còn dám sống chết cho lời mình loan báo: Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín sẽ đến ở giữa chúng ta. Còn chúng ta thì sao, có dám sống và loan báo cho Lòng Thương Xót của Chúa không?

Chúng ta đã bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giáo Hội mở Năm Thánh này nhằm mục đích gì? Nhằm kêu gọi mọi người chúng ta phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Có nghĩa rằng toàn bộ lời nói, hành động và cung cách sống của chúng ta phải chuyển tải lòng thương xót để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha. Mỗi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội phải biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và trao ban chính mình vì Chúa và tha nhân. Do đó, trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào hay bất cứ nơi nào có những Kitô hữu hiện diện thì tất cả mọi người phải là một ốc đảo của lòng thương xót (Tông Chiếu về Năm Thánh Lòng Thương Xót, số 12). Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc Âm Hóa đời sống xã hội. Vì vậy, trong Thư Mục Vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm nay, các Đức Giám mục mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy “sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho Lòng Thương Xót ngay trong đời sống xã hội”.

Ước gì, trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho Lời Chúa thúc bách chúng ta lấy tình thương, công bằng, bác ái và thứ tha làm thang giá trị trong cuộc sống hầu làm cho Lòng Thương Xót đến với mọi người trong ngày Giáng sinh sắp đến. Amen.

 

5.Niềm vui

Phụng vụ của Chúa nhật 3 Mùa vọng mang một bầu khí vui mừng. Thực vậy, ngay từ ca nhập lễ, thánh Phaolô đã kêu gọi: Anh em hãy vui lên trong Chúa. Tiếp đến, trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Sophônia cũng đã nhắn nhủ: Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan nhảy mừng. Sở dĩ như vậy là vì Chúa đã gần đến.

Kinh nghiệm cho thấy niềm vui là một điều rất cần cho đời sống con người. Vào dịp tết chúng ta thường cầu chúc cho nhau được vui vui tươi và hạnh phúc. Khoa tâm lý còn chứng minh niềm vui làm cho con người trẻ hơn và sống lâu hơn. Trong thực tế, con người cố tạo cho mình nhiều niềm vui, nhưng đâu mới chính là niềm vui đích thực? Bởi vì có những niềm vui, mà sau đó con người cảm thấy trống rỗng và chán nản. Có những niềm vui, mà sau đó con người cảm thấy mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui, mà sau đó con người cảm thấy lo âu và hối hận.

Với lễ Giáng Sinh cũng thế. Chúng ta cảm thấy vui khi ngắm nhìn những ngôi sao, những hang đá rực rỡ ánh điện màu. Chúng ta cảm thấy hân hoan khi nghe những bản thánh ca tuyệt vời, hay khi nhận được những tấm thiệp chúc mừng. Tất cả đều là những niềm vui chính đáng, nhưng chưa phải là niềm vui đích thực. Bởi vì lễ Giáng Sinh sẽ qua đi, mọi trang trí sẽ bị dẹp bỏ, mọi người trở về với cuộc sống thường ngày. Vì thế, niềm vui đích thực phải là niềm vui xuất phát từ bên trong, từ tâm hồn của con người. Đi tìm niềm vui ở bên ngoài chỉ là một chạy trốn thực tại và không bao giờ đạt tới kết quả, vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Vậy phải làm gì để có được niềm vui đích thực?

Thánh Gioan tiền hô qua đoạn Tin Mừng hôm nay đã trả lời: Hãy sống công bình và bác ái, biết nghĩ đến người khác, biết chia sẻ với những người kém may mắn, đừng lợi dụng địa vị và quyền hành để chèn ép và bóc lột người khác. Tóm lại, hãy quên mình để phục vụ an em và chu toàn những bổn phận hằng ngày, đó là con đường dẫn tới niềm vui đích thực. Mảnh đất tối cho niềm vui phát triển là tình bác ái yêu thương. Sống trong một thế giới đầy hận thù và chiến tranh, sống trong một xã hội cá lớn nuốt cá bé. Sống trong một môi trường đảo điên và lừa gạt, chúng ta dễ bi quan và cho rằng: Con người khó mà yêu thương nhau chân thành. Dầu vậy, chúng ta đừng vội tuyệt vọng, nhưng hãy nhớ đến mối phúc thật thứ bảy: Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Hãy thực thi công bằng và bác ái, nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng niềm vui mừng và bình an mà Chúa sẽ đem đến qua tiếng hát của các thiên thần trên cánh đồng Belem năm xưa: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

 

6.Tôi phải làm gì - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì? Gioan tiền hô xuất hiện, kêu gọi mọi người dọn đường đón Đấng Cứu thế. Dân Do thái hàng ngàn năm đã được nghe về Đấng Cứu thế. Bao nhiêu thế hệ đã khao khát mong chờ Đấng Cứu thế.

I/ Dân chúng mong đợi Đấng Cứu thế vì nhiều lý do:

1/ Kẻ buồn vì đất nước bị gót giày ngoại bang chà đạp, mất tự do tín ngưỡng, mất tự do nhân phẩm, khổ vì bị bóc lột, đau vì bị áp bức. Người có chức quyền địa vị chỉ lo vơ vét ăn chơi tửu sắc, còn dân chúng sống chết mặc bay.

2/ Kẻ học biết Kinh thánh và nhữnh kinh sĩ chỉ lo nghiền ngẫm những lời tiên tri loan báo: Đấng Cứu thế sắp đến là “Vua được xức dầu, Ngài đến trong dòng dõi Giuda, Ngài chiến thắng quân thù, giết những vua quan ngoại bang… Đấng xức dầu sẽ tụ họp dân Ngài trong đường công chính, cai trị các quốc gia, loại trừ mọi bất công và gian ác. Phúc cho ai được sống trong thời đại ấy”. Họ nghiền ngẫm những lời ấy và suy đoán sắp đến ngày Đấng Cứu thế xuất hiện và ai ai cũng đều cầu xin Ngài đến. Giờ đây họ được nghe loan báo Ngài đang đến. Thế là như cá gặp nước, như người chết đuối vớ được phao cứu, dân chúng đổ xô đến hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì để đón rước Đấng Cứu thế?”. Gioan không bắt họ phải bỏ nghề nghiệp, địa vị, việc làm, không bắt họ lên rừng ẩn tu khắc khổ, cũng không phải ăn chay, khóc lóc, mặc áo nhặm, rắc tro lên đầu như tiên tri Giona đã bảo dân Ninivê. Gioan chỉ kêu gọi họ phải hối cải, phải kiểm tra lối sống của mình, từ bỏ bất chính, cải thiện đời sống, quyết tâm thực thi công bằng, bác ái trong chính nhiệm vụ, nghề nghiệp, chức năng riêng của mình.

II/ Vậy công bằng, bác ái là gì?

1/ Công bằng là gì? Qua hai lời chỉ dẫn của Gioan cho hai hạng người lính và thu thuế.

Đối với lính thì Ngài khuyên: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Lính tiêu biểu cho hạng người có sức mạnh, có quyền lực vũ khí trong tay, muốn hoành hành thế nào tùy thích, dễ ỷ mạnh hiếp yếu, đe dọa, áp bức bóc lột bất công, khó có thể sống ngay chính, vì thế Thánh Gioan đã khuyên họ: Hãy bằng lòng với số lương của mình hay số tiền do công lao chính đáng của mình làm ra, chứ đừng bóc lột, vơ vét, trộm cắp của người khác, sống công bằng như thế họ sẽ xứng đáng đón rước Đấng Cứu thế.

Lỗi đức công bằng này thì dễ biết vì nó trực tiếp làm hại người ta. Nhưng công bằng trong nhiệm vụ thì khó biết.

Công bằng trong nhiệm vụ được thực hiện trong việc thâu thuế, nên đối với người thâu thuế Gioan khuyên: “Đừng đòi gì quá mức ấn định”

Thứ nhất, mức ấn định là mức do luật pháp đã ban hành cách hợp lý, thuế quá mức là bất công.

Thứ hai, dân có mức nào thì xác định mức đó, không vì lập công mà khai thêm đánh quá.

Thứ ba, đồ tốt xấu thế nào, đánh giá đúng như thế, đừng gian dối tráo trở, tăng giảm sai sự thật là bất công.

Thứ bốn, giữ nhiệm vụ nào phải lo chu toàn nhiệm vụ ấy, lười biếng bê trễ, phung phí là bất công; làm Linh mục bê trễ là bất công; làm cha mẹ, thầy cô không lo dạy dỗ con trẻ là bất công; làm cán bộ, công chức không lo giúp đỡ dân là bất công; con cái không giúp đỡ, nghe lời cha mẹ, thầy cô là bất công. Sống công bằng thôi chưa đủ vì chỉ là mức đạo đức tối thiểu theo luật: “mắt đền mắt, răng đền răng, ác giả ác báo”. Nếu cứ ăn miếng trả miếng như thế, thì đời sống sẽ chất đầy hận thù. Sống bác ái mới đạt giá trị đạo đức đích thực. Để đáng được vui luôn trong niềm vui đón mừng Đấng Cứu thế đến, Gioan khuyên mọi người phải thực thi bác ái: “Ai có hai áo thì chia cho người không áo, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Thánh Luca đã diễn tả đúng đời sống bác ái của cộng đoàn tín hữu thời các tông đồ.

2/ Bác ái là gì? Theo Thánh Phaolô: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ, anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành” (Rm. 12, 9). Gớm ghét điều dữ là cố gắng thanh tẩy những tâm tình bất chính, hung dữ, độc ác. Đó là vấn đề tu thân. Tha thiết với điều lành là thực hiện những điều thiện hảo, chân chính, tốt lành ơn ích cho người. Đó là vấn đề dấn thân, có tu thân mới dấn thân được, đây là hai chặng đường trên cùng một đường đức ái.

Tu thân: Đức ái đòi buộc phải tu sửa, thanh tẩy mình khỏi mắc vào thói ghen tuông, tự đắc, khoe khoang, làm điều bất chính, bất nhân, nóng giận hận thù, tư lợi, không mừng khi thấy sự ác. Đức ái cũng đòi buộc phải tu luyện, học tập những đức tính nhẫn nhục, khiêm tốn, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, vui khi thấy điều chân thật (1Cp. 13, 4-7). Đạo Nho cũng chủ trương muốn thực hiện đức nhân thì tiên vàn phải tu thân. Thân gồm tâm, ý, trí nên tu thân là chính tâm, thánh ý, trí tri. Rồi mới có thể thực hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo Phật cũng chủ trương muốn có tâm từ ái, từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh, tiên vàn phải diệt tham, sân, si, rồi tu tập bát chánh đạo.

Dấn thân: Sau khi đã tu thân luyên tập tâm trí nên trong sạch thì mới thấy được mặt Thiên Chúa, mới dấn thân, xả thân, hiến thân phụng sự Người. Mặt Thiên Chúa đây là tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, những người Thiên Chúa yêu thương chúc phúc. Lúc đó ta mới có thể chia áo cho người không áo, sẻ cơm cho người đói ăn... và còn sẵn sàng hiến mạng sống cho người Chúa thương. Chỉ khi đó ta mới vui với người vui, khóc với người khóc,và mùa vọng mới là mùa reo vui, mới vui luôn trong niềm vui của Chúa, vì chính Chúa đang ngự giữa ta và bình an của Thiên Chúa mới giữ lòng trí ta được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Amen (Bài I, II).

 

home Mục lục Lưu trữ