Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1372810

NIỀM VUI ĐANG ĐẾN

Niềm vui đang đến – Lm Lu-y Nguyễn Quang Vinh

Phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa Vọng ghi đậm nét vui tươi. Tiên tri Isaia sống trước Chúa Cứu Thế sáu trăm năm, loan báo tin mừng hồi hương cho dân đang bị lưu đày ở Babylon: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa … Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ cứu độ” (x. Bài Đọc 1. Is 61, 1-2a.10-11). Đây là niềm vui giải phóng, niềm vui hồi hương.

Tin vui cứu độ được Đức Maria cảm nghiệm cụ thể khi lời sấm của ngôn sứ Isaia trở thành hiện thực nơi cung lòng Mẹ, khi Mẹ thưa với sứ thần truyền tin “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38) và Mẹ diễn tả niềm vui sung mãn đó trong Kinh Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa (Kinh Magnificat). Mẹ lên tiếng ca tụng Thiên Chúa đã đoái thương thân phận mọn hèn của Mẹ, niềm vui cá nhân của riêng Mẹ được tuyển chọn làm mẹ Thiên Chúa; và niềm vui của cộng đồng Do thái được cứu độ theo như Lời Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Niềm vui hoàn vũ nầy này vọng lại trong thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica đang chờ mong Chúa Cứu Thế trở lại: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (x. Bài Đọc 2. 1Tx 5, 16-24). “Vì đã có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng” (x. Bài Tin Mừng. Ga 1, 6-8.19-28), làm chứng cho niềm vui cứu độ đã xuất hiện trên trần gian, đó là Chúa Giêsu. Đây là khởi đầu niềm vui Chúa Cứu Thế thực hiện bằng con đường nhập thể và nhập thế đi vào giữa nhân loại. Niềm vui Thiên Chúa làm người, định cư giữa nhân loại, để nhân loại biết đường về trời.

Niềm vui cảm nghiệm mình được Thiên Chúa cứu chuộc được tiên báo qua nụ cười của bà Sara, vợ ông Ápraham, khi được báo tin con đầu lòng Ixáac sẽ ra đời, cho đến sự nhảy mừng của thánh Gioan khi còn trong lòng bà Isave. Tất cả cho thấy niềm vui của buổi phụng vụ hôm nay như tô đậm nét sự hân hoan mà bà Isave cảm nghiệm khi đứa con thân yêu nhảy lên trong dạ mẹ, niềm sung sướng tràn trề của vị tiên tri cuối cùng Cựu Ước gặp được Chúa Cứu Thế thời Tân Ước. Niềm vui vỡ bờ hoành tráng hoàn vũ.

Niềm vui vĩ đại đòi cung cách diễn tả hòanh tráng. Tiền hô hậu ủng là phong cách nhân lọai của bất cứ đại vương nào khi hạ cố thăm thần dân của mình. Sự long trọng của người tiền hô càng làm sáng tỏ uy quyền cao cả của nhân vật chính yếu đến sau. Đây là cung cách của vị tiền hô: Lối sống tu rừng khắc khổ và đơn sơ, cách ăn mặc kỳ dị và mộc mạc, lời rao giảng nghiêm khắc và cứng rắn của vị tiền hô Gioan gây thắc mắc cho những người thời bấy giờ đến phỏng vấn ông. Tuy nhiên đứng trước niềm vui to lớn này vị tiền hô xóa mình đi. Ông khiêm hạ thẳng thắn khẳng định mình không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ mà truyền thống Do thái mong đợi. Ông khẳng định mình là tiếng kêu trong sa mạc, có sứ mạng dọn đường tâm linh, chỉnh đốn tâm đạo cho ngay thẳng để đón tiếp một nhân vật cao trọng âm thầm đang đến một cách bí bí ẩn: “ Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho người” (x. Bài Tin Mừng).

Con người bí ẩn đó là Chúa Giêsu, mà cho đến hôm nay, đối với các Kitô hữu, Người vẫn còn y nguyên là một mầu nhiệm cực lớn, đòi liên tục khám phá trong đời sống. Tất cả những gì diễn tả về Người đều là mầu nhiệm đòi khám phá, sự hiện hữu của Người, quyền năng vô biên của Người, tình yêu cứu chuộc của Người đối với nhân loại, sự đồng hóa của Người nơi anh em hèn mọn, cả đến sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Người đều là bí ẩn đòi khám phá không ngừng trong cuộc sống.

Thật vậy mỗi ngày người Kitô phải liên tục khám phá niềm vui trong gặp gỡ tha nhân để phát hiện con người bí ẩn đó, vì “Ngài ở giữa các ông mà các ông không biết”. Không những khám phá niềm vui mà thôi, người Kitô hữu còn phải là tiền hô cho Chúa Cứu Thế nữa, sống vui tươi xây dựng xã hội trần thế, bởi vì Kitô hữu là người mang tin vui đến cho mọi người. Tuy nhiên Người mang tin vui mà chính mình không vui là phi lý, là phản tác dụng, là phản bội sứ điệp loan báo Tin mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khám phá con người bí ẩn mà thánh Gioan nói đến: “Ngài ở giữa anh em mà anh em không biết”, con người đó có thể là láng giềng khó tánh, là người đồng nghiệp gặp họan nạn, là bệnh nhân cần giúp đỡ, là người xa Chúa lâu ngày cần trở lại. Amen.

 

37. Tin mừng giải phóng – Như Hạ, OP

TIN MỪNG đem lại niềm vui cho toàn thể vũ trụ. Nghe lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ hiểu tại sao Kitô giáo là một đạo Tin Mừng, đem niềm vui đến cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu đã xuống trần gian để mạc khải tình Cha yêu thương hết mọi người, không trừ ai. Đúng hơn, "Ngôi Lời hằng hữu đời đời đã nhập thể làm người Á châu," (ĐGH Gioan Phaolô II: VietCatholic- 8/12/1999) để đem TIN MỪNG giải phóng đến cho miền đầy cơ chế bất công nhất thế giới.

Dọn Đường Cho Chúa Đi

Cho đến hôm nay, Đức Giêsu vẫn còn là một bóng mờ trên miền đất bao la đó. Hơn khi nào, cần phải nhìn Đức Phật, Khổng Tử, Lão tử v.v. như những sứ giả dọn đường cho Chúa đến với dân Người. Nhưng hơn ai hết, Gioan Tẩy giả là vị tiền hô lớn nhất. Hôm nay "ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin" (Ga 1:7). Lời chứng Gioan Tẩy giả thật là hùng hồn và ảnh hưởng. Ông ý thức rất rõ sứ mệnh và vai trò của mình. Ông chỉ là trung gian giới thiệu Đức Giêsu cho muôn dân, chứ không phải là người muôn dân trông đợi. Bởi vậy khi bị những người thuộc phái Pharisêu bắt bí, ông đã khẳng định: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn đường cho thẳng để Đức Chúa đi" (Ga 1:23; Is 40:3). Những người Pharisêu "cứ gặng hỏi xem Gioan Tẩy giả là ai, nhưng Gioan lại muốn cho họ biết Đức Giêsu là ai" (Life Application Study Bible:1991).

Dọn đường cho Chúa đi vào lòng người. Chúa là nguồn bình an và hoan lạc sẽ đem đến cho nhân loại một mùa xuân rực rỡ. Mấy ai phát hiện được mùa hồng ân đang đến? Bởi vậy Gioan mới nhắc nhở mọi người: "Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết" (Ga 1:26). Chính vì thế, vai trò Gioan cực kỳ quan trọng. Ngoài Gioan, không ai có thể thấy được Đức Giêsu là "Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian." (Ga 1:29) Ông đã đến như một chứng nhân TIN MỪNG. Chính ông đã chỉ cho các môn đệ thấy TIN MỪNG đích thực là Đức Giêsu.

"Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng" (Ga 1:8). Chính khi làm chứng như thế, ông mới giữ trọn được niềm vui cho mình và các môn đệ. Đức Giêsu đã không hề "dập tắt thần khí" (1Tx 5:19) nơi chứng từ Gioan Tẩy giả, ngay cả khi ông hoài nghi về sứ vụ của Người (Mt 11:2-6; Lc 7:18-23). Trái lại, nhiều lần Người còn ca ngợi ông cao trọng "hơn cả ngôn sứ" (Mt 11:9) và bất cứ "phàm nhân" nào (x. c.11). Dầu vậy, ông chỉ tự nhận như một tên nô lệ bất xứng: "Tôi không đáng cởi quai dép cho Người" (Ga 1:27).

Đúng thế. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa."Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành" (Ga 1:3), trong đó có Gioan Tẩy giả. Một tạo vật làm sao có thể so sánh với Đấng Tạo hóa?! Nhưng "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (c.14). Nghĩa là "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (c. 11). Chính vì thế mới cần đến lời chứng Gioan Tẩy giả. Ông đã tìm được niềm vui trong sứ vụ làm chứng. Ông đã thành công rực rỡ tới mức đổ máu vì sự công chính, một nhân tố làm nên Nước Trời.

Nhận Diện

TIN MỪNG đã bắt đầu vang lên với chứng từ Gioan Tẩy giả. Nhưng TIN MỪNG chỉ thực sự có hiệu lực từ lúc Đức Giêsu xuất hiện trong quyền năng Thánh Linh, một sức mạnh giải thoát. Thực vậy chính Chúa đã công khai xác nhận "hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh" (Lc 4:21): "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, Để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố Cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, Cho người mù biết họ được sáng mắt, Trả lại tự do cho người bị áp bức, Công bố một năm hồng ân của Chúa." (c.18-19; Is 61:1-2).

Từ nay TIN MỪNG đã trả lại cho tất cả những người cùng khổ nhất tất cả niềm vui ơn cứu độ. Như thế xã hội đã được Phúc Âm hóa. Không hiểu tại sao có người không đồng ý với việc "Phúc Âm hóa Á châu" trong thông điệp "Giáo hội tại Á châu" của Đức Giáo Hoàng? Nếu Phúc Âm hóa chỉ là đổ mấy giọt nước rửa tội trên đầu, quả thực Giáo hội đang đi ngược dòng. Nhưng nếu chỉ nhằm đem lại cho xã hội đời sống "công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần" (Rm 14:17), Giáo hội đáp ứng những gì các dân tộc Á châu đang mong đợi nhất. "Giáo hội xác tín rằng trong lòng dân chúng, văn hóa và tôn giáo tại Á Châu, có một cơn khát "Nước Hằng sống" (x.Ga 4:10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ có mình Chúa Giêsu Cứu thế mới có thể thỏa mãn đầy đủ" (Giáo hội tại Á châu:1999). Cơn khát vọng này lớn hơn nỗi mong chờ Đấng Messia của dân Do thái. Cơn khát vọng đó kéo dài cả mấy ngàn năm rồi. Giáo hội đã nêu lên được lý tưởng cao cả nhất của công cuộc Phúc Âm hóa. Giáo hội chỉ muốn phục vụ, chứ không muốn khống chế con người.

Thế nhưng, cho tới nay vẫn có những "chuyên viên" Phúc Âm hóa "lẫn lộn sứ vụ rao giảng Tin Mừng với khát vọng truyền bá các giá trị văn hóa và lối ứng xử kiểu Âu châu" (Cuộc tọa đàm về truyền giáo đại kết tại Hồng Kông, VietCatholic 8/12/1999). Lối khống chế đó đã làm cho công cuộc Phúc Âm hóa Á châu trì trệ và thất bại.

Tuy thế, vẫn chưa đến nỗi thất vọng. Thực tế "Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trên Á châu trong thời các Tổ Phụ và ngôn sứ, và hoạt động còn mãnh liệt hơn nữa trong thời Chúa Giêsu và Giáo hội lúc đầu, bây giờ vẫn hoạt động ở giữa các người Kitô hữu Á Châu, tăng cường bằng chứng đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo của lục địa" (Giáo hội tại Á châu:1999). Chỉ có Thánh Linh mới thấu hiểu và đáp ứng nổi tất cả những khát vọng lớn lao của các dân tộc.

Vậy các dân tộc Á châu đang mơ ước những gì? Chắc chắn sống dưới nhiều cơ chế bất công khác nhau, họ muốn thấy công lý ngự trị. Đây là một cơ hội lớn xây dựng Nước Chúa tại Á châu. Hơn lúc nào hết, chúng ta cố gắng "thiết lập lại công bằng và làm cho công bằng được triển nở ở mọi cấp bực xã hội" (ĐGH Gioan Phaolo II: VietCatholic- 8/12/1999). Nhưng muốn thực hiện được công cuộc đó, xin khắc tâm khắc cốt lý tưởng Kitô hữu sau đây:

TÌNH YÊU phục vụ tha nhân,

Sống là TIẾN BỘ, dấn thân suốt đời.

TÍN THÀNH sống đạo làm người,

Hồng ân thắp sáng bầu trời TỰ DO.

Hai vai TRÁCH NHIỆM 'tiền hô':

TIN MỪNG cứu độ, điểm tô Nước Trời.

Lý tưởng đó đã được Thần Khí khơi dậy nơi Kitô hữu. Nhưng bao lần lý tưởng tuổi trẻ đã bị vùi dập. Bởi vậy, thánh Phaolô cảnh cáo: "Anh em đừng dặp tắt Thần Khí." (1 Tx 5:19) Đặc biệt, nơi giáo xứ Thần Khí đang hoạt động như "trung tâm đời sống phụng vụ" (ĐGH Gioan Phaolô II: CWNews 25/11/2002) và trung tâm đào luyện giáo lý và luân lý cho giới trẻ Kitô hữu. ĐGH cho thấy giáo xứ là tụ điểm quan trọng để giáo dân "uống tận nguồn suối Lời Chúa và truyền thống. Người cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể trong việc nuôi dưỡng đức tin, "bảo vệ chúng ta khỏi tội lỗi, kiện cường chúng ta trong tình thân ái, và duy trì nỗ lực chúng ta trên cuộc hành trình dương thế." (CWNews 25/11/2002) Không có sức mạnh đó, tuổi trẻ không thể chống lại những ảnh hưởng văn hoá trần tục. Muốn tìm được hứng thú cho cuộc sống, giới trẻ "cần phải tiếp tục cuộc hành trình, khởi sự từ Đức Kitô, nghĩa là từ bí tích Thánh Thể." (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 25/11/2002) Hôm nay, Giáo hội cần giáo dân "ý thức về ơn gọi rao giảng Tin Mừng" và sẵn sàng đem sứ điệp Tin Mừng vào trần gian. Muốn "làm chứng về ánh sáng"(Ga 1:7.8) là Đức Kitô giữa thế giới chìm đắm trong bóng tối hôm nay, họ cần giáo xứ hỗ trợ mạnh mẽ (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 25/11/2002) và trang bị đầy đủ sức mạnh Tin Mừng.

 

38. Đơn giản là như thế – G. Nguyễn Cao Luật

Tôi chẳng phải là ai cả

Câu chuyện xảy ra tại một địa điểm ở phía Bắc Biển Chết, có lẽ cũng là nơi xưa kia dân Do-thái đã vượt qua sông Gio-đan để tiến vào Đất Hứa. Ông Gioan Tẩy Giả đang có mặt tại đó và làm phép rửa bằng nước. Chỉ một nghi thức sám hối này cũng đủ để phân biệt phép rửa của ông với những cách thức thanh tẩy khác nhau vốn đang thịnh hành trong các nhóm thời bấy giờ. Con người này là ai vậy mà biết bao người đang ùn ùn kéo đến với ông để lãnh nhận phép rửa? Con người này có sứ mạng gì mà lời rao giảng của ông có âm giọng như tiếng kêu của các vị ngôn sứ, tính cho đến lúc này, đã im vắng được ba thế kỷ?

Người Do-thái, hay chính xác hơn, một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đã muốn xác định xem ông là ai. Họ đặt câu hỏi và muốn xếp ông vào một trong số những hiểu biết của mình. Họ muốn kiểm chứng, họ muốn tin chắc vào hiểu biết của mình.

Trước hết, họ muốn biết có phải là Đấng Mê-si-a không. Trong giai đoạn căng thẳng lúc bấy giờ, có rất nhiều người mong chờ vị sứ giả của Thiên Chúa đến. Họ đã mường tượng ra dung mạo của vị sứ giả, nhưng là một thứ hình ảnh cứng ngắc. Trong thực tế, họ đã có nhiều hình ảnh mẫu, tuỳ theo thái độ chờ đợi, tuỳ theo khát vọng của mỗi người. Trong khi đó, các vị lãnh đạo dân đang cố gắng kiểm chứng danh tính của những người đang có ảnh hưởng trên dân chúng. Chính họ cũng có quan niệm về dung mạo của con người phải đến. Do đó, họ đã nêu vấn đề với ông Gioan khi thấy đám đông kéo đến với ông để nghe giảng và đón nhận phép rửa.

Ông có phải là ngôn sứ Êlia không? Một nhân vật khác được nêu lên sau khi ông Gioan đã tuyên bố ông không phải là Đấng Mê-si-a. Từ trước đến nay, người Do-thái vẫn công nhận ngôn sứ Êlia là một chứng nhân vĩ đại về lòng tin. Ông đã được cất lên trời cách lạ lùng (2 V 2), và ông sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Mê-si-a đích thực. Lúc sinh thời, ngôn sứ Êlia đã bị mọi người loại bỏ. Nhưng giờ đây, người ta đã biết ông là ai. Con người xưa kia bị bách hại, nhưng giờ đây lại được tôn phong.

Người ta vẫn dựa trên những hình ảnh quá khứ để nhận định về hiện tại. Nhưng mỗi người có vai trò riêng của mình, và ông Gioan Tẩy Giả là một trường hợp rất đặc biệt.

Đơn giản là một chứng nhân

Câu trả lời của ông Gioan cho thấy một thái độ khiêm tốn cần ngạc nhiên.

Ông tuyên bố ông không phải là Đấng Mê-si-a, không phải là Ánh Sáng. Ông không phải là ngôn sứ Êlia trở lại, cũng không phải là vị Ngôn Sứ vĩ đại như người ta vẫn chờ đợi.

Ông chỉ là vị tiền hô, đơn giản là một chứng nhân, có vai trò hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đấng ông loan báo. Ông là ngọn đèn do Thiên Chúa thắp lên để soi đường cho Đức Kitô đến, là tiếng nói của Thiên Chúa. Đơn giản chỉ có thế. Tất cả chỉ có thế. Ngọn đèn để soi sáng, tiếng nói để cung cấp lời.

Cách trả lời của ông Gioan Tẩy Giả cho thấy ông không để cho người ta xác định về mình. Ông không lặp lại quá khứ, nhưng mở ra tương lai. Vì vậy, ông là người của bất ngờ. Người ta không thể đóng khung vào một loại nào. Ông khước từ quan niệm coi ông là điểm dừng, ông chỉ muốn mình là điểm cần đi qua. Ông làm chứng về ánh sáng, một loại ánh sáng luôn vuột khỏi tầm với con người, nhưng lại soi chiếu cho họ trên con đường của mình. Ông Gioan chỉ muốn mình là người chỉ đường và không muốn người ta chăm chú vào mình. Một thái độ tuyệt vời và chính điều này làm ông trở nên cao cả. Đây cũng là đặc tính của mọi ngôn sứ Ít-ra-en.

Đàng khác, câu trả lời của Gioan là một thứ tuyên bố về lý lịch cá nhân, nhưng hoàn toàn tiêu cực, làm cho những người chất vấn chưng hửng, thêm thắc mắc. Người ta không thể xác định về ông, nhưng ông vẫn rất cần thiết và quý giá để chỉ cho mọi người thấy rằng: có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết".

Tuy vậy, phải nói rằng chính ông Gioan Tẩy Giả cũng không biết rõ về Đức Giêsu. Đang khi ông dìm người khác trong nước để thức tỉnh và thanh tẩy họ, thì chính ông lại sống trong nghi nan. Ông biết rằng ông có sứ mạng dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Ông cũng biết rằng Đấng Mê-si-a cao cả hơn ông nhiều: "Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người"; "có người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi, vì có trước tôi"; ông cũng cảm thấy một sự đứt đoạn, nhưng ông chưa thấy Người đến. Ông cũng không biết rằng Vị Sứ giả của Thiên Chúa, mà ông là người dọn đường, lại chẳng là ai khác hơn là người bà con của ông tại làng Na-da-rét, là ông Giêsu người thợ mộc.

Ông chỉ biết rằng chính ông không phải là Đấng Mê-si-a, và chỉ là kẻ dọn đường. Ông biết điều này rất rõ và ông sống đến tận cùng. Ông dấn thân trọn vẹn để thi hành sứ mạng ngôn sứ, giới thiệu Đức Kitô khi tới thời gian đã được ấn định. Ông biết rằng ông không phải là ánh sáng, nhưng ông có mặt để làm chứng về Ánh Sáng. Rồi đây, ông sẽ đưa tay ra để chỉ vào Đấng phải đến. Người là Đức Giêsu, Người đến và đem lại cho Thiên Chúa vô hình, Thiên Chúa không thể đụng chạm tới được một dung mạo, một thân thể.

Về một Thiên Chúa đã biết và chưa biết

Không ai thấy Thiên Chúa, không ai nghe được Thiên Chúa, và cũng không ai đụng chạm được Thiên Chúa.

Làm thế nào bây giờ trước một Thiên Chúa được gọi là Ánh Sáng nhưng không ai nhìn thấy được? Đấng tự nhận mình là Chân Lý tinh tuyền nhưng lại xuất hiện dưới khuôn mặt không thực, Người là ai? Đấng hiện diện ở khắp nơi nhưng dường như lại vắng mặt, Người là ai?

Các nhà thần học luôn tìm ra những lý luận rất hay, nào là Thiên Chúa ẩn mình để tôn trọng sự tự do của chúng ta, hay để tạo cho chúng ta nỗi ngạc nhiên khi chúng ta chết, v.v... Tuy vậy, chúng ta cảm thấy không thoả mãn với những giải thích như thế, và chúng ta có cảm tưởng rằng những giải thích này cũng chẳng làm cho những người đã đề ra chúng được thoả mãn.

Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu thấu: chúng ta phải chấp nhận sự kiện đó, một sự kiện không thể khác được. Chấp nhận không phải để buông xuôi, nhưng là để nhìn rõ chỗ đứng của chúng ta và nhất là để đặt Thiên Chúa vào đúng chỗ của Người, tức là Người có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ nơi nào chúng ta đang chờ đợi Người.

Như vậy, nếu Thiên Chúa không để cho cảm giác và lý luận của chúng ta đụng chạm tới Người, nếu Thiên Chúa không để cho chính lòng tin của chúng ta nắm bắt được Người, thế thì phải chăng chúng ta bị kết án phải tìm đến Người trong bóng đêm mịt mù? Phải chăng chúng ta đang có nguy cơ đi lạc đường hay là chỉ chạy theo một ảo ảnh?

Những câu hỏi như thế vẫn được đặt ra cho chúng ta và có lẽ không bao giờ chúng ta có được câu trả lời đầy đủ. Thiên Chúa vẫn luôn ở phía trước và mở ra những chân trời rộng lớn hơn. Người mời gọi chúng ta bước vào và trở thành nhân chứng cho Người.

Như ông Gioan Tẩy Giả, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở thành người loan báo về một Thiên Chúa đang ẩn mình nhưng vẫn đang đến. Mỗi chúng ta đang được mời gọi đóng vai trò rất khiêm tốn nhưng không thể thiếu: giới thiệu về Thiên Chúa đang đến. Nói một cách khác, chúng ta được trao phó trách nhiệm lôi kéo thêm nhiều người cùng gia nhập vào cộng đoàn những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Chân Lý và Ánh Sáng, đang khi chính chúng ta phải trở thành ngọn đèn, thành tiếng nói. Đơn giản là như thế. Tất cả chỉ có thế.

* * *

Thiên Chúa của tôi vượt hẳn mọi thứ suy luận và mọi thứ đo lường.

Thiên Chúa của tôi là thế này: kỳ diệu, độc đáo và gây sững sờ.

Người là hữu thể, nhưng lại là chuyển biến,

Người là những gì đã có, hiện có và sẽ có,

Người là tất cả, nhưng không có gì là Người,

Chúa tôi gây sững sờ

là Đấng người ta tin nhưng không thấy,

người ta yêu mến nhưng không sờ được,

người ta trông chờ nhưng không nghe theo,

người ta chiếm hữu, nhưng không đáng được như thế.

(Juan Arias - Thiên Chúa mà tôi không tin, trang 32)

 

39. Làm chứng

Anh chị em thân mến,

Chị Rơ Châm H'Jưng, là người J'rai, đất Ialy, Kontum, giáo viên cấp I. Chị đang học Giáo lý tân tòng thì bị chính quyền xã gọi đến cấm đoán. Sau nhiều lần như thế, chị bị buộc phải chọn lựa: hoặc làm giáo viên, hoặc theo Chúa. Chị khẳng khái trả lời: "Tôi chọn theo đạo Chúa." Thế là bị nghỉ việc. Chị kể lại: khi nhận tờ giấy thôi dạy, chị thấy tương lai của gia đình, con cái đều sụp đổ... Chị lại trở về bản làng làm lụng kiếm ăn. Bà con biết chị theo đạo đã đến xin chị dạy đạo cho họ. Lúc đầu chị từ chối, nghĩ rằng ngoài khả năng mình; nhưng sau vì thấy cần, chị chịu khó đọc Kinh thánh, cầu nguyện suy niệm Lời Chúa. Chị mạnh dạn nói về Chúa cho mọi người. Càng ngày bà con càng đến với chị đông hơn, có khi phải lội bộ 20, 30 cs, hay bị cấm đoán, phạt vạ, vì họ đến học đạo nơi chị. Từ đó, chị lại càng thấy rõ cái được, cái mất hơn nữa: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16, 24). Cũng từ nay, chị nhận ra mình là sứ giả của Tin mừng cho người nghèo mà Chúa Giêsu mong muốn nơi chị, không chỉ rao giảng Lời Chúa, mà còn để xoa dịu những tâm hồn tan nát, chữa lành người tật bệnh. (Vietcatholic news, 18.01.2003). Đây chính là hình ảnh của thánh Gioan nói trong TM hôm nay; ngài là chứng nhân sống cho Chúa Kitô. Kính mời cùng suy niệm...

a/. Gioan Tẩy giả, trước mắt người phàm:

Thánh Gioan Tẩy giả được kinh thánh tuyên xưng là vị đại Tiên tri, Đấng Tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu thế, vậy mà cuộc đời của ngài vinh quang đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn là long đong, vất vả. Lớn lên nhận được ơn gọi làm chứng nhân, người tiền phong cho Chúa Cứu thế, thánh nhân đã vào sa mạc sống khắc khổ, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo bằng da lông thú. Chính Chúa Giêsu đã nói về Gioan: "các ông vào sa mạc tìm gì? Có phải tìm cây sậy phất phơ trước gió không? - Không. Hay có phải tìm một người ăn mặc lụa là gấm vốc? Nhưng hạng người đó lại chỉ ở trong cung điện nhà vua. Vậy có phải các ông đi tìm một vị tiên tri không? Đúng và còn hơn một tiên tri nữa..."(Gn 11, 7-9)

Thánh Gioan là một tiên tri, một chứng nhân như thế, vì lời thẳng thắn đã không làm hài lòng nhóm tư tế, kinh sư do thái. Thánh Gioan còn làm phật ý cả vua Hêrôđê, đến nổi bị bà Hêrôđiađê dùng mưu mà chém đầu. Trước mặt thế gian, ai cũng cho là thất bại, là điên rồ. Cuộc đời của các thánh hiển tu, các vị tử đạo cũng thế. Các ngài bị chê là những kẻ khờ dại, mê lầm, những người không hiểu biết nên mới chối bỏ vinh hoa phú quí trần gian... Những con người bị chê; thả mồi bắt bóng... Có đúng như thế không?

b/. Gioan Tẩy giả, trước mặt Thiên Chúa, là một chứng nhân tận tụy và trung kiên:

"Có người hỏi: Ông là ai? Có phải là Đấng Cứu thế không? Gioan trả lời: Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc..."(Gn 1, 20-29)

"Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em trong nước; Đấng đến sau tôi, sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lữa..."(Mt 3, 11)

"Khi Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa, Gioan nói: chính tôi mói cần được ngài làm phép rửa." (Mt 3, 14).

"Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi; tôi không đáng cởi quai dép cho Người..."(Gn 1, 27)

Thánh Gioan Tiền hô quả là một chứng nhân tận tụy và trung kiên. Dù là một đại Tiên tri đi trước mở đường cho Đấng Cứu thế, nhưng rõ ràng ngài khiêm tốn biết bao khi nói lên chính sự thật này: "tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.Tôi chỉ rửa anh em trong nước mà thôi..." Một con người sống sau thánh Gioan không bao lâu, nhỏ hơn ngài cũng không nhiều, cũng đã sống như một chứng nhân tận tụy và trung kiên như Gioan Tẩy giả, đó là Thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại.Thánh nhân cũng đã từng nói những lời không khác thánh Gioan là mấy:

"Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi"(Gal 2, 20). "Tôi biết tôi đang tin vào ai..." (II Tim 1, 12)

"Ước gì tôi chẳng hảnh diện điều gì, ngoài thập giá Đức Kitô."(Gal 6, 14)

"Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng phúc âm."(I Cor 9, 16)

"Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa." (I Cor 1, 31)

"Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng cho tôi được mạnh mẻ." (Phil 4, 13)

Thánh Gioan TG, thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, họ là những chứng nhân tận tụy kiên cường như thế, làm sao chúng ta có thể nghỉ họ là người ngây dại mê muội, không khôn ngoan?

Câu chuyện: Mang thai đứa con thứ tư, bác sĩ Gianna Beretta Molla mới biết mình mang căn bệnh đe dọa mạng sống cả hai mẹ con, bà không hề do dự. Luôn tin tưởng vào sự Quan Phòng và Tình thương của Thiên Chúa, bà sẵn sàng dâng hiến mạng sống để cứu bào thai. Bà nghiêm trang nói với bác sĩ: Nếu quí vị phải đắn đo chọn lựa giữa tôi và đứa bé, xin đừng do dự, hãy cứu sống đứa bé, vì tôi mong muốn như vậy! Ngày 21-4-1962, bác sĩ Gianna Molla sinh một bé gái, đặt tên: Gianna Emanuela. Chỉ một tuần sau, bà trút hơi thở cuối cùng, miệng vẫn thiết tha lập đi lập lại: "Lạy Đức Chúa GIÊSU, con yêu mến Chúa". Bà hưởng thọ 40 tuổi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong bà là Mẹ các gia đình, lên hàng chân phước ngày 24-4-1994. Ngày 16-5-2004, bà lại được tôn lên hàng hiển thánh. Lễ kính ngày vào ngày 28-4 hàng năm. Con của bà là Gianna Emanuela, hiện nay 46 tuổi, hành nghề bác sĩ nối nghiệp hiền mẫu đáng kính của mình.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Thánh Gioan đã là vị đại tiên tri, vậy mà Gioan chỉ nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc, chứng nhân can trường đi trước dọn đường cho Chúa Cứu thế. Ta có tin nơi lời Gioan nói, tin vào việc ngài làm không? Nhất là ta có sẵn sàng sống như là chứng nhân cho Chúa Kitô ở giữa lòng thế giới hôm nay không?

 

40. Vì Ngài Ở Với Chúng Ta – Guy Morin

Đây là thời gian của những chứng nhân.

Môi trường chúng ta đang sống hầu như hoàn toàn thiếu vắng những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Người ta loại khỏi các cơ sở những gì nhắc đến niềm tin Kitô. Không còn ảnh thánh giá trong các bệnh viện và trường học nữa; Lời chứng long trọng thay thế cho lời tuyên thệ; Hôn nhân dân sự đẩy lùi hôn nhân tôn giáo. Người ta không còn khả năng đưa ra những dấu chỉ này nữa: Nhiều trẻ em không biết làm dấu Thánh giá và việc dậy giáo lý làm cho nhiều nhà giáo phải lúng túng.

Dĩ nhiên các thành phố của chúng ta đầy dẫy nhà thờ và chuông còn reo vang. Ở thôn quê, đó đây người ta nhìn thấy những thập giá trên nóc thánh đường và những hang Đức Mẹ. Tuy nhiên xã hội chúng ta sống và được xây dựng như thể Thiên Chúa đã không hề lên tiếng nói với con người, như thể Ngài câm lặng và vắng mặt.

Chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử loài người chúng ta, nhưng bằng một sự hiện diện kín đáo và vô hình. Sự kín đáo của Thiên Chúa đòi hỏi phải có những chứng nhân. Thiên Chúa cần những chứng nhân trong thế giới này, nơi mà xem ra Ngài vắng bóng và sự hiện diện của Ngài thật kín đáo.

Gioan Tẩy Giả, vị chứng nhân gương mẫu.

Chính kinh nghiệm bản thân làm nên chứng nhân. Gioan Tẩy Giả kể lại cho chúng ta kinh nghiệm của ông: “Tôi không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước, chính Đấng ấy đã nói với tôi: Ngươi thấy Thánh Thần đậu xuống trên ai thì chính đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Và tôi đã thấy và làm chứng rằng Ngài là Con Thiên Chúa”. Chứng tá của Gioan dựa trên mặc khải của Thiên Chúa sau này được chứng thực trong một sự kiện mà ông đã thấy. Thánh Thần xuống trên Chúa Giêsu.

Từ kinh nghiệm bản thân này Gioan sẽ làm chứng về Chúa Giêsu bằng lời nói và việc làm. Việc rao giảng của ông gây xôn xao tại Israel: Người ta luôn đến nghe ông giảng và ông ban phép rửa thống hối. Vì ông là con vị thượng tế, tức là một nhân vật quan trọng, nên các chức trách tôn giáo đã được báo động và họ làm một cuộc điều tra: Ông là ai? Tại sao ông làm phép rửa? Ông tuyên bố: “Ở giữa các ông có một Đấng mà các ông không biết”.

Chứng nhân hoàn toàn hướng về một Đấng khác mà mình chỉ là tôi tớ khiêm tốn mà thôi. Gioan tuyên bố mình không đáng cởi dép cho Ngài, tức là làm công việc của một nô lệ.

Kinh nghiệm bản thân, dũng cảm trong lời nói và trong hành động, xóa mình đi, ba đức tính này của chứng nhân, Gioan Tẩy Giả đều có ở mức độ cao.

Người ta đòi hỏi những chứng nhân.

Các giám mục của chúng ta viết: “Kitô hữu có khuynh hướng khép kín về lãnh vực tôn giáo riêng tư nơi gia đình, ở học đường và trong phụng vụ. Họ thoải mái khi ở phòng thánh hơn là ngoài đường phố”.

Đây là một cách nói: Người ta đòi hỏi phải có những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta phải làm gì đây? Mang kèn trống và biểu ngữ diễu hành ngoài đường chăng? Treo vào xe hơi của chúng ta một tấm bảng để tên Giêsu ư? Làm áp lực để tại học đường người ta treo ảnh thánh giá và cho đọc kinh ư? Hoặc là cho Giáo Hội nhiều ảnh hưởng hơn?

Những hành động này không xấu nhưng vẫn còn hời hợt và có nguy cơ áp đặt niềm tin của chúng ta trên kẻ khác.

Ngày nay chúng ta được mời gọi đào sâu kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô trong Tin Mừng. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên vừa cởi mở đối với những kẻ cảm thấy mình xa Giáo Hội vừa phê phán đối với những bất công và những điều vô nhân đạo của xã hội chúng ta.

Xin thánh Gioan Tẩy Giả cảm hứng cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa Giêsu và những kẻ phản chiếu ánh sáng của Ngài.

home Mục lục Lưu trữ