Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1365892

NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN

NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1/. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?

2/. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?

3/. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C

THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM DÂN NGƯỜI –  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

   Lịch sử có ý nghĩa, không phải chỉ là một sự lặp lại vô tận của chu kỳ giữa sự sống và sự chết với các mùa màng năm tháng. Lịch sử không phải chỉ là những diễn biến tình cờ mà được đan dệt bằng những cố gắng của con người được Thiên Chúa yêu thương mời gọi dấn thân theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Những bài đọc của Chúa nhật 4 mùa Vọng làm cho chúng ta tiến sát đến sự thực hiện quyết định sau những thời gian chờ đợi lâu dài. Trong lịch sử này, con người đã sa ngã do tội lỗi, trầm luân trong tội và sự chết lại được Thiên Chúa xót thương nâng đỡ và mời gọi đón tiếp sự viếng thăm của Thiên Chúa. Vẫn luôn có những tiên tri để mời gọi dân chúng tin tưởng và trở về với Thiên Chúa là Đấng vẫn yêu thương chờ đợi. Tiên tri Mikhê đã loan báo về Bêlem là nơi Đấng cứu thế sẽ giáng sinh, sẽ được ban tặng cho con người và được sinh hạ bởi một người nữ. Đấng cứu thế chính là Thiên Chúa đến viếng thăm dân người, người sẽ vững vàng chăn dắt dân người trong bình an, trong sức mạnh của Thiên Chúa và dân sẽ trở lại với người.

          Bài Tin mừng của Luca bắt đầu tường thuật về người phụ nữ này sẽ sinh hạ con Thiên Chúa nhập thể làm người. Bà là một con người được nâng đỡ bởi sức mạnh Thánh Thần. Xuất thân từ làng nghèo Nazarét thuộc miền Galilê, người phụ nữ bình thường nhưng thực là mạnh mẽ này đã đính hôn với Giuse nhưng chưa sống chung với chồng đã nhận được sự viếng thăm đặc biệt của sứ thần Gabriel, và bà đã được báo tin vui là sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai sẽ là Đấng cứu thế thuộc dòng tộc Đavít. Bà cũng được báo tin là việc thụ thai này là do bởi Thánh Thần Thiên Chúa thực hiện và Bà đã khiêm tốn và tin tưởng đón nhận lời mời gọi của sứ thần. Đồng thời, bà cũng được báo tin là Êlisabét, người chị họ của bà cũng đã thụ thai nay đã được sáu tháng, người vẫn bị mang tiếng là son sẻ. Được tin người chị họ đã mang thai, Bà Maria không quản ngại đường xa, đã vội vã lên đường đi thăm viếng người chị họ của mình ở tận Giuđêa, con đường dài trên 150 cây số bộ hành. Maria là người hành động bởi sức mạnh Thánh Thần, bà đã lãnh nhận Con Thiên Chúa nhập thể với sức mạnh Thánh Thần, giờ đây bà mang sự hiện diện của Con Thiên Chúa cách cụ thể và chia sẻ niềm vui này cho mọi người. Maria hành động không kiểu cách, bà hành động rất đơn sơ, bà vội vã lên đường đơn độc nhưng có Chúa ở cùng bà và bà đã đến nhà của Êlisabét một cách thân tình và khiêm tốn.

          Khi đón nhận sự viếng thăm của Maria, Êlisabét đã cảm nghiệm được niềm vui trong lòng, niềm vui dào dạt thúc đẩy bởi Thánh Thần, bởi vì chính hài nhi đã nhảy mừng trong lòng mẹ. Nơi hai người nữ này, hình ảnh những người nữ đạo đức khác được Thiên Chúa yêu mến và chuẩn bị. Êlisabét nói lên lời kinh ngạc của Giáo hội đứng trước mầu nhiệm mà Maria đang mang trong mình. Như xưa kia, vinh quang của Thiên Chúa bao phủ đền thờ là nơi chứa đựng hòm bia Thiên Chúa, thì giờ đây vinh quang Thiên Chúa bao phủ trên Đức Maria là người đang mang trong chính mình Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Maria không phải chỉ là mẹ của một con người nhưng là mẹ của Thiên Chúa nhập thể làm người. Niềm vui của Êlisabét là niềm vui cho toàn thể nhân loại được Thiên Chúa thăm viếng. Giờ đây chính Thiên Chúa viếng thăm dân người và ở lại với dân người. Êlisabét cảm nghiệm mình cùng với hài nhi trong lòng được thánh hóa bởi sự hiện diện của Đức Maria, một người nữ sáng ngời bởi lòng tin mạnh mẽ vào lời Thiên Chúa. Niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người đã bắt đầu được cảm nghiệm và tuyên xưng. Hài nhi nhảy mừng trong lòng mẹ khi Êlisabét vừa nghe tiếng chào của Maria còn nói lên niềm vui sâu xa dào dạt mà sau này ông sẽ là người công bố cho mọi người phải chuẩn bị để đón Đấng sẽ đến và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Êlisabét được đầy Thánh Thần và bà đã nhạy bén để dự đoán được ý nghĩa của niềm vui diễn ra trong lòng mình: Êlisabét diễn tả niềm vui này là không phải Thiên Chúa đã cho chúng ta một điều gì đó dù là lớn lao, nhưng là cho chúng ta điều mà chúng ta không thể ngờ được là Con Thiên Chúa đến viếng thăm cùng với người mẹ của Người, và Maria là người nữ khiêm tốn và bé nhỏ của nhân loại đã đồng hành cùng với Con Thiên Chúa nhập thể không phải với điều gì khác hơn là lòng tin mạnh mẽ vào lời Chúa: “Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng em được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời em chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện”.

          Tin mừng của Luca muốn nói lên ở chặng đường của lịch sử nhân loại với nhiều vấp váp, Thiên Chúa đã thực sự đi vào với sự tràn ngập của sức mạnh Thánh Thần, Maria cùng với hài nhi là Con Thiên Chúa trong lòng, Êlisabét cùng với hài nhi là Gioan tẩy giả, những con người này đã đón nhận được sức mạnh Thánh Thần biến đổi họ và họ nói lên cho chúng ta niềm vui của mình. Đức Maria vội vã lên đường đến với người chị họ của mình bởi vì bà đã được Thánh Thần thúc đẩy đến với chị họ của mình để chia sẻ niềm vui của mình cũng như đón nhận niềm vui của Êlisabét cũng đang mang thai nhờ bởi ơn Chúa. Nơi mọi người, Thánh Thần Thiên Chúa chan hòa và thánh hóa họ. Chúng ta đang lần hồi được tiếp cận sự viếng thăm của Thiên Chúa, một sự viếng thăm thực là kỳ diệu, không phải chỉ là một cuộc viếng thăm theo nghi thức với những lời chúc mừng trang trọng vồn vã nhưng không thực chất, nhưng là cuộc viếng thăm thực sự với việc nhập thể của Con Thiên Chúa nơi Maria. Chiều sâu của mầu nhiệm giáng sinh là đó: con Thiên Chúa đi vào trần gian để đổi mới cuộc đời của chúng ta. Những hy lễ của chúng ta đã trở nên vô hiệu vì thiếu phẩm chất đích thực, giờ đây Con Thiên Chúa sẽ thực hiện một sự đổi mới thực sự, người không dùng những hy lễ, lễ tế hay lễ toàn thiêu hay lễ đền tội, nhưng người hiến dâng chính thân xác của mình để thi hành thánh ý của Chúa Cha, và người mời gọi chúng ta đón nhận sức mạnh Thánh Thần để được đổi mới từ bên trong, để làm cho con người yếu hèn của chúng ta trở nên nơi mà Con Thiên Chúa đến viếng thăm và ở lại để người cũng sẽ thực hiện những việc lạ lùng cho mỗi người như đã thực hiện nơi Đức Maria.

 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C

CHIA SẺ NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG- Lm. GB. Trần Văn Hào SDB

Gần ngày lễ Giáng sinh người ta thường viết những cánh thiệp để gửi trao cho nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Chúng ta chúc nhau một mùa Giáng sinh vui tươi và an lành. Lễ Chúa Giáng sinh là ngày lễ của hoan vui và niềm vui đó cần được chia sẻ. Hình ảnh Đức Maria đến thăm bà chị họ Elizabeth mà Giáo hội gợi lên trong phụng vụ hôm nay phác họa cho chúng ta khuôn mẫu này. Mẹ đã được Đức Giêsu đến ẩn cư trong cung lòng và nếm cảm niềm vui sâu xa khi thuộc trọn về Chúa. Sau đó Mẹ lại ‘hối hả lên đường’ để chia sẻ niềm vui ấy với bà chị họ. Niềm vui nơi những tâm hồn được Chúa chiếm ngự cần được sẻ chia.

Niềm vui của Tin mừng – Gaudium Evangelii

Đức Giêsu đi vào trần gian, là niềm vui Tin mừng lớn nhất được trao ban cho nhân loại. Mẹ là người đầu tiên đã nếm trải niềm vui đó. Vì vậy, vừa khi gặp mặt người thân, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi”. Niềm vui sâu tận Mẹ đã trải nghiệm phát xuất từ một tâm hồn để cho Thánh Thần tác động và sống theo sự chỉ dẫn của Thần Khí. Nói cách khác, sau lời thưa xin vâng, Mẹ đã thoát vượt mọi sợ hãi, hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa và đắc thủ được niềm vui của Tin mừng cách trọn vẹn khi mang chở Đấng Cứu thế trong cung lòng mình. Vì thế Giáo hội chọn đoạn thư Do thái  trong phụng vụ hôm nay (bài đọc 2)để quảng diễn ý tưởng này. Tác giả thư Do Thái nói về sự vâng phục của Đức Giêsu khi đi vào trần gian, và đó là nguyên mẫu cho thái độ khiêm tốn của Đức Maria, cũng như sự tuân phục nơi chúng ta. “Bấy giờ con thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 6). Đức Giêsu đã đến trần gian để công bố cho chúng ta Tin mừng của ơn cứu độ và Ngài cũng chính là Tin mừng được hiến ban cho nhân loại.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tâm điểm của Tin mừng, đó là rao giảng về niềm vui khi được Thiên Chúa thương xót ( x. số 34 – 36 ).Có lẽ Đức Thánh Cha cũng muốn mời gọi chúng ta học nơi thái độ nội tâm của Mẹ, bởi vì Đức Maria là người đầu tiên nếm cảm niềm vui của lòng thương xót này: “ Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xótnhững ai kính sợ Ngài”. Mẹ đã sở đắc được niềm vui của Tin mừng là chính Đức Giêsu. Chìa khóa để có được niềm vui ấy là Mẹ đã biết khiêm tốn trải lòng mình ra để Thánh Thần phủ ngập và hoàn toàn quy thuận theo đường lối của Thiên Chúa.

Càng khiêm tốn, con người càng đạt đến sự toàn hảo. Kiêu căng, tự mãn sẽ nảy sinh ghen ghét và đố kỵ. Cha Thomas Merton đã định nghĩa: “ Hỏa ngục là nơi tập trung sự ghen ghét”. Nơi đó dành cho Luxiphe và bè lũ của nó vì nó đã kiêu căng chống lại Thiên Chúa. Ngược lại, Thiên Đàng đã bắt đầu khai mở nơi tâm hồn Đức Maria vì Mẹ đã hoàn toàn khiêm tốn ẩn náu dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa và nếm cảm lòng thương xót của Ngài.

Chia sẻ niềm vui  và loan báo Tin mừng.

Niềm vui chân thật như một dòng chảy bất tận. Nó không thể bị quây kín và nhốt chặt lại. Niềm vui cần phải được chia sẻ và trao ban. Điều đó chúng ta thấy thật rõ nét nơi Đức Maria. Chúng ta đừng hời hợt xem việc Đức Maria đến thăm bà Elizabeth chỉ như một nghĩa cử thông thường theo tình cảm huyết nhục tự nhiên. Trước hết và trên hết, Mẹ đem Chúa Giêsu là căn nguyên niềm vui đến chung chia với mọi người. Thánh Luca không phải vô tình đã mở đầu trình thuật bằng câu: “Đức Maria hối hả, vội vã lên miền sơn cước”. Mẹ vội vã và háo hức muốn sẻ chia niềm vui ngập tràn nơi tâm hồn mình. Đó cũng là một hình ảnh tuyệt hảo để chúng ta suy nghiệm và thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng trong cuộc sống hôm nay. Trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu phải cảm thấu một cách sâu xa niềm vui như thế và Ngài cũng nhắc nhở Hội thánh phải ‘đi ra’ để làm lan tỏa niềm vui này (số 46-49).Ngài viết “ Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bấu víu vào sự an toàn của mình”. Cũng vậy Đức Maria đã can đảm và liều lĩnh ‘đi ra ngoài’, tiến lên miền núi để đến với người chị họ. Mẹ không ngại bị bầm dập vì đường xa cách trở, vì đồi núi cheo leo. Mẹ còn hối hả vội vã, như thể sợ tuột mất niềm vui muốn được sẻ chia. Những từ ngữ trong trình thuật của Thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay đều mang chở một tính cấp thiết và khẩn trương, vì việc chia sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng là một sứ mệnh khẩn thiết mà chúng ta phải thực thi mỗi ngày, theo gương Đức Maria.

Những ai sống ơn gọi thánh hiến, đều biết rằng thánh hiến và tông đồ luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Những ai thánh hiến trọn vẹn cho Chúa, tất sẽ làm bùng cháy ngọn lửa tông đồ nơi tâm hồn mình. Thánh hiến càng sâu xa, ngọn lửa tông đồ càng mạnh mẽ. Việc tông đồ không có nghĩa là phải giảng thật hay, phải phát động nhiều công việc từ thiện, phải khéo léo tổ chức những sinh hoạt xã hội đa dạng. Tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu những công việc đó không xuất phát từ lòng mến, từ tâm hồn được thánh hiến và thuộc trọn về Chúa. Chúng ta nhớ lại lời dạy của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô. Ngài viết “ Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần mà không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, biết những điều bí mật và mọi lẽ cao siêu, hay có được đức tin đến chuyển núi dời non mà không có đức mến, thì cũng chẳng là gì. Giả như tôi đem hết tài sản của tôi để bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có lòng mến, thì chẳng ích lợi gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3). Phải gắn kết mật thiết với Chúa chúng ta mới có thể thực hành việc tông đồ, vì Thiên Chúa chính là tình yêu, là ‘Đức Mến’ tuyệt đối để chúng ta quy hướng về.

Chúng ta hãy học nơi Đức Maria. Mẹ không ồn ào náo động, không tổ chức những cuộc lễ hoành tráng với cờ xí, kèn trống tưng bừng. Mẹ không mở lớp dạy giáo lý cách rầm rộ, không sinh hoạt trong các đoàn thể, cũng chẳng bao giờ đi làm công tác từ thiện để xóa đói giảm nghèo, bởi vì Mẹ chỉ là một cô thôn nữ bình dị, đơn sơ, cũng chẳng học thức hay tài cán cao sang. Nhưng Mẹ hoàn toàn để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Một việc làm xem ra rất bình thường Mẹ đã thực hiện mà không ai biết đến, là đi thăm người chị họ nơi miền núi cao, không kèn không trống và hoàn toàn âm thầm lặng lẽ. Nhưng chính Đức Maria đã trở thành nguyên mẫu cho chúng ta trong việc chia sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng đến cho mọi người.

Kết luận

Chân phước Philip Rinaldi đã nói: “ Thiên Chúa luôn khởi đầu những công trình vĩ đại từ những con người bé nhỏ và ngang qua những công việc rất khiêm hạ”. Điều đó rất đúng khi chúng ta chiêm ngắm dung mạo của Đức Maria được mô tả trong phụng vụ hôm nay. Một nhà tu đức đã nói: “ Chắp tay lại thì rất tốt, nhưng ngửa tay ra vẫn tốt hơn”. Mẹ Maria đã chắp tay lại để thưa lời xin vâng, và ngày hôm nay, Mẹ tiếp tục mở tay ra để đem niềm vui của Tin mừng đến cho người khác. Đó là hình mẫu cho chúng ta trong những ngày gần sát lễ Giáng sinh để chúng ta học nơi Ngài cách thái mừng đại lễ thật sốt sắng và có ý nghĩa.

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C

CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU KITÔ- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Sách tiên tri Mikha nhắc đến Bêlem vì nơi đây sẽ sinh Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc người có từ nguyên thủy tự muôn đời. Tin Mừng Luca cho thấy bà Isave khi được Đức Maria đến thăm đã thốt lên: “bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm”. Những lời trên liệu có thể áp dụng cho Đức Giêsu, và có giúp người ta hiểu Đức Giêsu là ai không?

I/.Đức Giêsu là Giêsu Nazarét, con ông Giuse, con bà Maria

Với những người ở Bêlem, thánh Giuse và Đức Maria là những người bình thường như bao người nhà quê nghèo khác. Chính vì thế, họ không đối xử với Đức Maria và thánh Giuse một cách đặc biệt: hai ngài đã phải ra chuồng chiên cừu trú ngụ qua đêm. Đức Giêsu đã được sinh ra trong chuồng chiên cừu. Với họ, chả có gì đặc biệt khi cặp vợ chồng nghèo Giuse Maria trở về quê và không có chỗ trú ngụ.

Không biết đêm hôm ấy, đêm Đức Giêsu được sinh ra, trời có sáng hơn mọi đêm không? Có ai trằn trọc mất ngủ vì một lý do “không biết” nào không? Hay tất cả vẫn cứ bình thường, vẫn là một ngày như mọi ngày? Biến cố Đức Giêsu được giáng sinh, có lẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với Đức Maria và thánh Giuse, và sau đó đối với một số mục đồng đã tin lời sứ thần; còn với tất cả những người khác, có lẽ tất cả đã như thường.

Khi Đức Giêsu đi rao giảng, và đã làm được một số điều đặc biệt, người ta cũng vẫn xác nhận Ngài là “Giêsu con bà Maria” (Mc.6, 3), “Giêsu con ông Giuse” (Lc.4, 22). Các người bị thần ô uế ám thì gọi Ngài bằng “Giêsu Nazarét” (Lc.4, 34). Với các tông đồ và những chị phụ nữ hôm biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, Ngài cũng chỉ là một người công chính bị nạn! Với những biệt phái tư tế kinh sư, Ngài cũng chỉ là một đối thủ cần loại trừ, và họ đã thành công ở biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá. Với những người không là Kitô hữu hiện nay, có lẽ Đức Giêsu cũng chỉ là con người đặc biệt hơn một người bình thường chút xíu; nhưng cũng chỉ là vậy, Ngài cũng chỉ là một người như bao người khác.

II/.Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể

“Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi tới viếng thăm!” (Lc.1, 43). Từ ngữ “thân mẫu Chúa tôi”, theo bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, khác với từ ngữ “Mẹ Thiên Chúa” như trong sách bài đọc dịch. “Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa là đúng rồi… vậy nếu Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13, 13-14). Từ ngữ “Chúa” ở đây có thể chỉ đơn thuần được hiểu như một người làm chủ, người đứng đầu (Thiên Chủ, Thiên Chúa).

Kitô hữu đã hiểu Đức Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng thật bởi ánh sáng thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha; nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Nicea năm 325); và nhờ đó hiểu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Ephêsô năm 431). Đi với khẳng định này công đồng Nicea đã kết án “hạ phục thuyết” của Arius chủ trương rằng Đức Giêsu thấp kém hơn Thiên Chúa.

Kitô hữu hiểu Đức Giêsu là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, nhưng vẫn tin “chỉ có một Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Cái khác nhau là ba ngôi vị. Kitô hữu cố gắng tránh hiểu ba ngôi như là ba Thiên Chúa. Nơi con người, ba người (ngôi vị) khác nhau nhưng vẫn cùng một bản tính người; còn nơi Thiên Chúa, ba ngôi không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ là một Thiên Chúa.

III/. Đức Giêsu là ai?

“Người ta bảo Con Người là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt.16, 13) Thánh Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Cả với câu này, người ta vẫn giải thích chữ Đức Kitô theo nghĩa rất bình thường: Môsê, Đavít, Kyrô … cũng đều là đức Kitô cả. “Con Thiên Chúa” cũng có thể được hiểu theo nghĩa rất bình thường: các thiên thần, các người công chính,… cũng có thể được gọi là con Thiên Chúa. Chỉ với câu này, người ta không buộc phải hiểu Đức Giêsu là Con đồng bản tính với Thiên Chúa. Khi người ta hiểu Đức Giêsu nhận mình là Con đồng bản tính với Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, thì Ngài phải chết vì đó là tội vô cùng lớn: phạm thượng: là người mà cho mình là Thiên Chúa (Ga.10, 33).

Nhờ những đối kháng dẫn Đức Giêsu tới cái chết, người ta mới hiểu rằng Đức Giêsu ý thức mình là Thiên Chúa, và người ta cũng hiểu Ngài khẳng định như vậy, nên người ta có đủ lý do để kết án Ngài mà không cần phải “cáo gian” nữa! “Máu nó sẽ đổ trên đầu chúng tôi và trên con cháu chúng tôi” (Mt.27, 25); nếu không ý thức rõ tội của Đức Giêsu, thì người Do Thái không dám nói những lời như thế.  “Chúng tôi có luật, mà chiếu theo luật thì nó phải chết, vì nó là người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga.19, 7). Từ ngữ “Con Thiên Chúa” ở đây phải được hiểu là Con “đồng bản tính” vì nếu không, đâu có đủ lý do để kết án tử hình Đức Giêsu. Nếu một người công chính được gọi là con Thiên Chúa, thì tội của Đức Giêsu đâu có là gì mà phải kết án tử hình Ngài.

Đức Giêsu là Đấng ngang hàng với Thiên Chúa, Đấng “ngự bên hữu Đấng quyền năng và đến trên mây trời” (Mc.14, 62). Người Do Thái kết án tử hình Đức Giêsu thật là chính đáng, vì Đức Giêsu đã nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa. Nhờ lời của Đức Giêsu, và nhờ án tử hình được công nghị Do Thái tuyên cho Đức Giêsu, giúp Kitô hữu thấy rõ chân tướng của Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, là Con đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài đúng là Lời Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa. Khẳng định của các công đồng Nicea và Êphêsô đã phản ánh đúng đắn niềm tin của Kitô hữu sơ khai, cũng như phản ánh đúng ý thức của Đức Giêsu về chính Ngài.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1/.Sứ điệp Đức Giêsu mang lại cho thế gian trong ngày lễ Giáng Sinh là gì?

2/.Có sự liên hệ nào đó giữa sự bình an trong tâm hồn con người, sự an bình của xã hội và nền hòa bình trên thế giới không?

2/.Chỉ dựa vào Kinh Thánh, bạn có thể “chứng minh” Đức Giêsu là Thiên Chúa không?

 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG- C

THA NHÂN ĐƯỢC CHÚC PHÚC-  Lm. Barnaba Lê An Phong

Tuần thứ IV Mùa vọng, chúng ta chiêm ngắm Khuôn mặt Mẹ Maria và những tâm tình nhân hậu của Mẹ với người khác, qua tường thuật Tin mừng của Thánh Luca về việc Mẹ đi thăm bà Elisabeth.

Cuộc sống của chúng ta là những cuộc gặp gỡ nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều sắc thái và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt, theo lời tường thuật của Luca. Họ là hai người phụ nữ  – lớp người thuộc vào hạng không mấy quan trọng trong xã hội thời đó. Một điều đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ văn hóa, tôn giáo và xã hội: Maria, cô thiếu nữ chưa làm đám cưới (dù đã đính hôn, nhưng Giuse chưa rước cô về nhà để chung sống), chưa sống chung mà đã mang thai (có thể bị gán cho tội “không đứng đắn”, phạm tội ngoại tình và sẽ bị ném đá). Bà Elisabeth, người phụ nữ đã già mà chẳng sinh con; người đàn bà son sẻ, hiếm muộn có thể bị gán cho số phận không may mắn, bị sỉ nhục và “bị chúc dữ”(xem St 29,31; 1Sm 1, 10; Is 4,1; Lv 20,20-21; 2Sm 6, 23).

Dưới mắt người đời thời đó, và theo khóe nhìn tôn giáo và văn hóa Do thái giáo, ít nhất là chúng ta có thể “giả định”, hai phụ nữ này chẳng có gì để đem ra ca tụng. Hơn thế, ta phải nói đến chuyện một người sẽ bị đem ra ném đá và người kia có thể được gọi là “kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ”. Điểm đáng nói nữa là chuyện hai người phụ nữ khi gặp gỡ, họ còn chào và gọi nhau là “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc”. Họ muốn “tung hô nhau” hay tự “xông hương” cho nhau chăng? Họ thật sự “có phúc” không, và “phúc’ của họ là gì, từ đâu mà có?

Họa hay phúc, ta có thể đánh giá rất chủ quan và có thể bị sai lệch. Có thể  mọi sự sẽ xảy ra như chuyện “Tái ông thất mã”, và cuộc sống xem ra là là một chuỗi dài của chuyện “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”…

Từ câu chuyện của Maria và Elisabeth, chúng ta có thể nói rằng chỉ có ai là “người trong cuộc” mới có thể hiểu được mối phúc mà hai người phụ nữ này có được. Đó là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn làm, hay nói cách khác, là chuyện Thiên Chúa can thiệpcách đặc biệt vào cuộc đời của họ. Maria và Elisabeth chính là “những người trong cuộc”, là những người bị “dính vào chuyện của Thiên Chúa”. Và từ đó, thái độ của hai người phụ nữ ấy càng đặc biệt hơn khi họ biết nhìn ra hạnh phúc thật nơi những điều mà người thế gian cho là bất hạnh. Thật thế, chúng ta có thể kể ra những điểm sau:

1) Cả hai người phụ nữ nhận ra thân phận bé mọn của mình; họ “biết mình” bằng sự khiêm tốn chứ không vì tự ti, mặc cảm. Bởi thế họ mới có thể reo lên Linh hồn tôi ca ngợi Đức Chúa, tâm trí tôi hớn hở vui mừng.

2) Họ hiểu rằng ngay chính nơi sự cùng khốn của mình, Thiên Chúa đã làm những điều cao trọng. Từ đó họ tuyên xưng rằng Người là Đấng Quyền năng vàdanh Người chí  thánh chí tôn, là Đấng trung tín và giàu lòng yêu thương – Chúa hằng “thương xót những ai kính sợ Người”.

3) Họ tin rằng những điều cao trọng đã và đang xảy ra cho mình không phải do ý muốn riêng đạt được hay đó là phần thưởng xứng hợp với công trạng của mình, nhưng là do Thánh ý Thiên Chúa và lời giao ước tình yêu của Người với nhân loại, qua dân Israel, với cha ông của họ từ thưở trước.

4) Họ không bận tâm quá nhiều đến chuyện xầm xì của thế gian về những bất hạnh của riêng mình cho bằng phó thác tất cảmọi sự vào tình yêu thương, lòngtrung tínvàsự công minh của Thiên Chúa từ đời nọ trải qua đời kia.

Mẹ Maria và bà Elisabeth đã nhìn nhau và nhận ra nơi mỗi người hồng ân của Thiên Chúa, rồi gọi nhau bằng tên gọi của những “người được chúc phúc” hay là “người có phúc”. Còn chúng ta? Khóe nhìn nào mà chúng ta có được khi hướng tới tha nhân?

Hãy nhìn thực tế cuộc sống bên ngoài cộng đoàn chúng ta: Khắp nơi đầy dẫy những chuyện ghen ghét, lọc lừa. Người ta đánh giá nhau dựa vào những gì bên ngoài hay ở “bề nổi”. Nhiều bạn trẻ đã không dám nhìn vào người khác, vì một cái nhìn bị cho là “đểu” có thể là nguyên nhân vô duyên nhất gây nên cái chết oan khiên của một mạng người. Sự đố kị, cạnh tranh, chèn ép có mặt ở khắp nơi… Có lẽ khi con người lấy tiền tài, vật chất và vẻ hào nhoáng bên ngoài làm thước đo các giá trị và là mục đích tối thượng thì người ta sẽ nhìn tha nhân với một khóe nhìn tiêu cực: “Tha nhân là địa ngục của tôi”, nói như triết gia Jean Paul Sartre. Và cứ theo kiểu như vậy, người đứng trước mặt tôi luôn là “nguy cơ”, chính là “tai họa” và là “đầu mối của mọi rắc rối” cho tôi! Từ đó, trong các mối tương quan nhân vị, sự lựa chọn bắt buộc sẽ nhằm vào việc triệt thoái hay hạ bệ lẫn nhau. Khi ta không còn khả năng nhìn ra được điều tốt lành nơi người khác, thì ta chẳng còn biết yêu thương hay trân trọng ai cả.

Quay lại nhìn cuộc sống hằng ngày bên trong mỗi cộng đoàn ki tô hữu, chúng ta có thể thấy thêm điều gì? Thưa, đó là sự đố kị, tiếng xầm xì, lời trách cứ, chuyện chê bai cách công khai hay ngấm ngầm và việc xúc phạm đến nhau, sự tự tôn, sự tự ty, óc bè phái,…Tất cả chính là thuốc độc làm hao mòn, gặm nhấm các phần tử và tàn hại thân xác mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bên trong các cộng đoàn kitô hữu còn có cả căn bệnh tính toán, so đo thiệt hơn hoặc kiểu hành xử theo chiều hướng khác của bệnh dửng dưng, vô cảm; của lối sống cá nhân ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Đây là điều mà trước đây Thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu trong các cộng đoàn của ngài, và giờ đây, vẫn còn là một thực tế mà mỗi chúng ta có thể trải nghiệm.

Như Mẹ Maria, mỗi chúng ta có thể làm gì? Hãy học biết cách sống khiêm cung và biết đón nhận cuộc sống như một tặng ân vô giá, là hồng ân được hiệp thông vào Đấng yêu thương và cũng chính là Cùng Đích cao trọng mà mỗi chúng ta khao khát đạt đến.

Như Mẹ Maria, ta hãy biết vui mừng vì được Chúa yêu thương, biết tạ ơn vì được Chúa gọi mời cộng tác với Ngài.

Như  Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn anh chị em của mình bằng ánh mắt khiêm cung và trái tim rộng mở, biết cảm thông và bao dung hơn khi đón nhận người khác, để nhờ đó ta có thể đọc ra dấu chỉ tình yêu và hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người và nơi mọi người; như chính Người “đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như trên kẻ dữ” (Mt 5, 45).

Bước vào những ngày cuối của Mùa Vọng, chúng ta hãy chuẩn bị cùng Mẹ lên đường mang Chúa đến cho người khác như mang một qua tặng quý giá của tình yêu thương, niềm cảm thông lớn lao hơn cả cho mọi người giữa thế giới mà tình người đang có nguy cơ bị hoang mạc hoá.

home Mục lục Lưu trữ