Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1374613

NƯỚC HẰNG SỐNG

NƯỚC HẰNG SỐNG-  Lm. Gioan B. Trần Văn Hào

Nước Sự Sống.

Nước là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống cho con người. Người ta có thể tuyệt thực và nhịn ăn trong nhiều ngày, nhưng khi cơ thể thiếu nước chỉ trong một thời gian ngắn, sức khoẻ của chúng ta sẽ suy kiệt dần và tính mạng bị đe dọa. Khi mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng đã từng kinh qua cái đói và những cơn khát. Ngài cần bánh để ăn và cũng cần nước để uống. Câu chuyện về Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp hôm nay là một khải thị sâu xa cho chúng ta về chân dung cứu thế của Đức Giêsu. Ngài chính là ‘Mạch Nước của Sự Sống’. “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước trào lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Đây là chủ đề mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay quy chiếu vào.

Mảnh đời bầm dập nơi người thiếu phụ.

Câu chuyện khá dài được Thánh Gioan thuật lại trong chương 4 với nhiều chi tiết hàm ngậm những tư tưởng thần học rất sâu xa. Chúa Giêsu đang khát, một cái khát thể lý bình thường giống như mọi người, và Ngài xin nước để uống. Người thiếu phụ Samari cũng đang khát và chị đến giếng để múc nước. Nhưng nơi chị còn có một niềm khát khao sâu xa hơn, phát xuất từ mảnh đời nghiệt ngả chị đang trải qua. Chị đã có 5 đời chồng, nhưng chẳng ông nào ra ông nào, và hiện nay chị đang sống với một người đàn ông khác không phải chồng của mình. Xã hội thời đó chỉ xem phụ nữ như vật sở hữu của đàn ông để họ có con nối dõi. Phẩm giá của người phụ nữ hoàn toàn bị coi rẻ. Là con người cũng như bao người khác, chị cũng khát khao được làm người tử tế, được làm mẹ, làm vợ trong một mái ấm gia đình bình thường, nhưng hạnh phúc dường như đã vượt quá tầm tay của chị. Chúa Giêsu thấu tỏ tất cả. Ngài nhận ra cơn khát ẩn sâu nơi tâm hồn người thiếu phụ, và từ từ vén mở cho chị biết về Ngài, là chính ‘Mạch Nước Trường Sinh’. Trong nguồn nước ấy, mọi nỗi khát khao của kiếp người sẽ được hóa giải.

Vào tháng 11 năm 2004, nhân kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn ‘Đời sống Thánh hiến’ (Vita Consecrata), Giáo hội tổ chức Đại hội tu sỹ ở Rôma trong 5 ngày. Cuộc họp qui tụ gần 900 đại biểu đến từ các nơi, gồm các Bề Trên thượng cấp của các dòng tu cùng các chuyên gia thần học và Thánh kinh, để thảo luận về đời sống thánh hiến. Đại hội đã chọn chủ đề ‘Đam mê Thiên Chúa và đam mê con người’ (Passion for Christ, passion for human) để các thành viên suy tư. Hiển thị chủ đề này là 2 biểu tượng về 2 người Samari: Người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (Ga chương 4) và người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37). Câu chuyện về người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay đã được kể lại, được hội nghị nghiền ngẫm và đào sâu để làm khung quy chiếu cho các tham dự viên, đặc biệt cho những ai sống đời thánh hiến. Người thiếu phụ Samari vốn chỉ là một phụ nữ ngoại giáo bình thường, chưa hề biết Đức Giêsu là ai và luôn bị người Do Thái xem như thù nghịch. Nhưng chị đã biết trải lòng mình ra để ngày càng đi sâu vào mối thân tình với Chúa Giêsu. Cuối cùng chị đã khám phá ra Ngài: Đức Kitô, Đấng Messia, là ‘Nguồn Nước Sự Sống’.

Sau khi được Đức Giêsu thấm nhập và biến đổi, người thiếu phụ đã bỏ vò nước lại bên bờ giếng và chạy vội về làng để ‘công bố Tin mừng’ cho đồng hương của chị. Chị đã gác lại cơn khát của thân xác, vì đã được thỏa mãn cơn khát thâm sâu trong tâm hồn. Người thiếu phụ vội vã đi truyền tải thứ nước trường sinh ấy cho những người cũng đang khát cháy giống như chị. Đây là mô hình về đức tin và về sứ vụ chia sẻ đức tin, giúp chúng ta học hỏi để noi theo.

Những mảnh đời bất hạnh nơi phận người.

Con người chúng ta được sinh ra trong tiếng khóc chào đời của chính mình và chết đi trong tiếng khóc tiễn đưa của những người thân quen. Cuộc sống con người mãi luôn là một ẩn số với bao khổ đau. Đức Phật đã dạy các môn sinh rằng, đời là bể khổ, và ai ai cũng có thể nhận ra điều này. Phật giáo tìm cách giải mã đau khổ bằng liệu pháp diệt dục. Một vài tôn giáo khác lại chủ trương né tránh. Ông tổ của triết học vô thần Marxism thì lại lý tưởng hóa bằng cách mơ tưởng đến một thiên đàng trần gian nơi không còn người bóc lột người, tất cả được no cơm ấm áo… Nhưng tất cả chỉ là những lý thuyết không tưởng. Chỉ duy nhất Đức Giêsu mới đem lại cho chúng ta chìa khóa giải quyết tận căn mầu nhiệm đau khổ bằng chính cái chết của Ngài trên Thập giá. Từ Thập gía, Chúa đưa dẫn con người đến vinh quang (per crucem ad lucem). Từ cái chết ô nhục, Ngài khai mở cho chúng ta sự sống trường cửu. Thập giá của Đức Giêsu là mạch nước vọt trào ơn cứu độ, hóa giải những cơn khát thâm sâu nhất nơi phận người. Điều đó Đức Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari mà hôm nay chúng ta được nghe Giáo hội đọc lại.

Ông Tổng thống Mitterand là nhà lãnh đạo của nước Pháp trong 14 năm và được dân Pháp quý mến, xem ông như một thần tượng. Trong những năm tháng cuối đời, ông có dịp nhìn lại cuộc đời đã qua và viết lại những dòng nhật ký đáng để chúng ta suy nghĩ. Trang nhật ký có tựa đề ‘Tôi đang chuẩn bị cái chết’. Ông viết: “Lúc nhỏ, tôi được dạy phải đọc kinh, nhưng thay vì đọc kinh tôi lại thích thinh lặng và suy niệm. Tôi suy niệm về tôi, về Thiên Chúa, và về ý nghĩa cuộc đời. Lắm khi tôi tự hỏi không biết tôi có tin Thiên Chúa hay không, nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn bị thúc đẩy phải tin Ngài. Nếu không tin, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa và hoàn toàn trống rỗng.”

Ông viết tiếp: “Ai mà không cảm thấy khao khát muốn vươn tới hạnh phúc và muốn được sống mãi. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy lẻ loi và bị mất hút trong thế giới vĩnh hằng. Pascal đã nói chính xác rằng sẽ đến lúc thân xác mong manh của bạn bị ngã đổ. Bạn sẽ chết, sẽ không còn hiện hữu nơi trần thế này nữa. Nhưng từ trong thâm sâu, bạn vẫn có ước muốn được trường tồn, được sống và được sống mãi. Niềm khao khát đó, không một thứ gì ở trần gian này có thể lấp đầy.”

Đó cũng là niềm khao khát của người thiếu phụ Samaria năm xưa và cũng là của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Ngày xưa, dân Do Thái đi trong sa mạc Sinai cũng khát (bài đọc 1), nhưng cái khát đó chỉ là hình bóng. Khát khao tình yêu và hạnh phúc là những ẩn số triền miên nơi kiếp người, và đáp án của ẩn số đó đã được Chúa Giêsu khải thị trong bài Tin mừng hôm nay.

Kết luận

Ngày xưa, có một đạo sĩ dạy cho các môn sinh bí quyết để tìm tới hạnh phúc. Ông giảng dạy rất uyên bác. Một thanh niên bặm trợn đến gặp ông và thách đố: “Thưa Thầy, Thầy giảng dạy rất thâm thúy, nhưng tôi chỉ xin hỏi Thầy một câu thôi. Trong tay tôi là một con chim, đố thầy biết đó là con chim sống hay con chim chết?” Câu hỏi ma mãnh của chàng trai nhằm gài bẫy vị đạo sỹ vì trong tay anh ta, con chim đang còn sống sẽ bị anh ta bóp chết, nếu vị đạo sỹ trả lời rằng đó là con chim sống. Nhìn nét mặt quỷ quyệt của người thanh niên trẻ, vị đạo sĩ nói thẳng vào mặt anh ta: “Con chim này sống hay chết là do anh.” Ông nói tiếp: “Cũng vậy, hạnh phúc có đến được với chúng ta hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của mỗi người.

Trong mùa chay, Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối để trở với Chúa và với nhau. Chúng ta hãy hướng về Thập giá Đức Giêsu, kín múc cho mình nguồn nước sự sống để tâm hồn chúng ta luôn được an bình và vươn đạt tới hạnh phúc trường cửu.

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- A

ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG TRUNG HÒA– Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Đức Giêsu mỏi mệt vì đi bộ dưới ánh nắng hè oi bức gần ba chục cây số, từ bờ sông Gióc đan tới giếng Gia cóp. Người còn mỏi mệt hơn dưới những hận thù của các dân, các nước, cụ thể là sự hận thù giữa dân Do thái và Samari: “Trước khi lập quốc, hai dân là một quốc gia, một tôn giáo, một dòng giống Giacóp. Họ chia rẽ nhau từ năm 935 lúc Salômôn tạ thế. Do thái tách thành một nước riêng, Samari thành một nước hận thù. Từ chia rẽ chính trị đến chia rẽ tôn giáo” (Văn Qui: CN. năm A tr. 60). Hai dân đã trở thành thù địch nhau ghê gớm.

Đức Giêsu đến Samari, ngồi trên bờ giếng Gia cóp, để qui tụ Do thái và Samari về xum họp với nhau dưới mái nhà Thiên Chúa là Cha chung của hai dân tộc. Người đã mở đầu cuộc đối thoại hòa giải bằng một cử chỉ thật khiêm tốn trước mặt một người phụ nữ nghèo hèn tội lỗi nhất, đại diện cho dân Samari: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”, như một lời xin lỗi, một lời nài van tình người xóa bỏ hận thù để hòa giải, thương yêu và tương trợ nhau.

Đức Giêsu xin chút nước giải khát tạm thời, để ban cho chị mạch nước trường sinh. Người xin chút vất vả múc nước, Người ban cho chị nguồn vui hạnh phúc Tin mừng bất tận. Người xin chút tấm lòng cởi mở thưa đáp, Người cho chị tấm lòng bao dung tha thứ vô biên. Người xin chút niềm tin hẹp hòi địa phương của chị, Người ban nguồn chân lí cho muôn dân biết tôn thờ Thiên Chúa là Cha chung mọi người. Người xin một chỗ ngồi nhỏ bên bờ giếng, Người ban cho Samari nước Trời vinh quang. Họ đã vui mừng thưa: “Không phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Tinh trần gian.

Đức Giêsu đến trần gian như đến với Samari để qui tụ muôn dân xum họp nhau lại dưới mái nhà Thiên Chúa là Cha chung loài người. Người đã bắt đầu cuộc hòa giải ngay từ giây phút sinh ra nơi thấp hèn nhất là hang bò lừa để đem lại ơn bình an cần thiết nhất xuống cho nhân loại. Người đã kéo dài cuộc hòa giải suốt 30 năm cho tới bàn hận thù ghê gớm nhất trên đỉnh núi Sọ để xin ơn tha thứ cho mọi người: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Họ lầm chẳng biết Thiên Chúa, nên họ cũng lầm chẳng biết nhau. Đức Giêsu đã thương yêu họ để họ biết thương yêu nhau trong tình thương chí thiện, chí mỹ của Thiên Chúa.

Cuộc hành trình hòa giải của Đức Giêsu phải được con cái Người nối tiếp để phá đổ những bức tường hận thù ngăn cách loài người với Thiên Chúa và khai mở cho mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi cá nhân một con đường mới, con đường khiêm tốn, đối thoại hiệp thông chan hòa ơn phúc bình an và thương mến nhau.

Lạy Chúa, cuộc hành trình gian khổ của Chúa đến Samari để thực hiện hiệp nhất giữa hai dân tộc hận thù, Chúa còn bỏ trời cao vinh sáng xuống trần gian thấp hèn đen tối, để nối kết loài người với Thiên Chúa. Xin cho con được phúc tiếp tục cuộc hành trình cao cả đó, cho con biết hiệp nhất với mọi người trong khiêm tốn, bình an và chân lý để tin mến tôn thờ Thiên Chúa trọn đời con. Amen.

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-A

NƯỚC- Lm. Vũ Đình Tường

Chúng ta nghe nói nhiều về nước nhưng ít ai có thể tưởng tượng được mức tàn phá khủng khiếp và tốc độ di chuyển thần tốc của nước. Nước di chuyển không trừ nơi nào, trên sông biển, trên cạn và cả trên không trung. Hạt sương nho nhỏ không đáng kể, cơn mưa rào không đáng sợ. Mưa tầm tã nhiều ngày quả là khủng khiếp. Hình ảnh sống động trên truyền hình của trận lũ lụt tại Úc châu và cơn động đất, tiếp theo là bão sóng thần tại Nhật mới đây gây kinh hoàng cho những ai nhìn thấy cảnh chết chóc, điêu tàn đang diễn ra trước mắt.

Không bỏ sót gì. Đi đến đâu nước kéo sập làng mạc, dinh thự, cột điện đến đó. Trong chớp nhoáng nước tràn sâu lục địa, vượt qua đại lộ, hất tung đoàn xe đang chạy, chiếc vất chơi vơi trên mái nhà, chiếc đắm chìm mất hút trong làn nước, chiếc xoáy tròn theo dòng thác lũ. Nước nhổ neo, vỗ nát con tầu đánh cá thành vạn mảnh trong nháy mắt. Trước sức mạnh vũ bão đó con người chỉ còn một chọn lựa duy nhất là chạy. May thì thoát, ngược lại là nạn nhân.

Biến cố lũ lụt vừa qua ít nhiều, giúp ta hình dung khung cảnh câu chuyện ghi trong sách Xuất Hành chương 14 ghi lại trong Cựu ước. Chúa sai Môise dùng cây gậy rẽ nước dẫn dân Ngài vượt Biển Đỏ ráo chân. Điều này cho biết Thiên Chúa làm chủ tất cả, từ biển khơi đến sông ngòi và ngay cả đường đi, chốn ở của nước. Nếu không, làm sao tổ phụ Môisen biết hòn đá nào có nước để gõ. Giữa samạc Zin khô cằn cát nóng bỏng. Thiên Chúa phán bảo ông gõ đá ra nước cho thấy Ngài là chủ tể muôn loài (Xh17). Làm chủ trời cao, đất liền, sa mạc, biển khơi, sông ngòi, và mọi sinh vật từ lòng biển đến lòng đất.

Nước trường sinh

Điều chắc chắn không phải nước nào cũng mang lại sự sống. Nước lụt và sóng thần tràn ngập nhưng dân chúng vùng đó lại thiếu nước uống. Vì nước bị nhiễm độc, uống vào làm mất sự sống. Thủy thủ trên biển cả bao la, bát ngát, luôn phải tiết kiệm nước vì sợ thiếu. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng trật tự thiên nhiên Chúa tạo dựng như vậy. Đảo lộn trật tự này sẽ lãnh hậu quả tang thương.

Nước ngọt mang lại sự sống cho tôm cá, ngư sản nước ngọt. Nước mặn cho nước mặn, nước lợ cho nước lợ. Nước nào cho loại sinh vật tuỳ loại đó nếu trái với thiên nhiên sự sống bị thiệt thòi. Vì thế nước trần gian mang lại sự sống nơi trần gian. Nước thiên đàng mang lại sự sống thiên đàng.

Sức nước đi đến đâu tàn phá, quyét sạch mặt đất đến đó. Còn lại là tàn tích của đổ vỡ, điêu tàn và mặt đất nhẵn lớp phù sa. Nước trường sinh có sức mạnh tẩy rửa đời sống bên trong, đời sống nội tâm. Xoá bỏ quá khứ cuộc đời. Đào tận căn mọi gốc rễ tội lỗi của tâm hồn thống hối, ăn năn. Nước trường sinh tẩy xoá mọi tì ố, vết dơ, đố kị, thù hằn. Nước trường sinh quyét sạch tội đời bằng cách tẩy thói hư, rửa tật xấu, xoá ích kỉ, gột kiêu căng. Nước trường sinh làm mềm tâm hồn cứng cỏi, dịu cơn giận, giảm cơn đau. Nước trường sinh sưởi ấm con tim nguội lạnh, san bằng bất công, tiêu diệt áp bức, càn trước, quét sau, dọn sạch tâm hồn cho hạt giống thứ tha nảy mầm, cho tình người nở hoa. Thắt chặt tình thân ái, cảm thông, tình anh em, mở đường dẫn đến ăn năn, thống hối để nhận ơn thứ tha, giao hoà cùng Thiên Chúa và tha nhân.

Nước trường sinh không đến từ giòng sông, không gây nên bởi bão táp, biển khơi lộng gió hay va chạm dưới lòng đất sâu. Nước trường sinh thức tỉnh bởi sóng lòng, rung nhịp con tim, mời lương tâm lên tiếng thúc dục, giúp óc tỉnh ngủ nhận ra lỗi lầm. Tất cả do sức mạnh Lời Chúa vì lời Chúa là đèn soi, chiếu dọi tâm hồn.

Bên bờ giếng

Bên bờ giếng Đức Kitô đối thoại với người phụ nữ thành Samarita. Ngài hỏi xin chị nước uống. Chị thắc mắc ông không phải dân làng sao lại đến đây xin nước. Gây cho chị ngạc nhiên hơn nữa, Đức Kitô, người hỏi xin nước, giờ hứa ban nước cho ai thành tâm xin. Chị phụ nữ thành Samarita tự hỏi gầu không có làm sao có thể lấy nước từ giếng sâu. Thắc mắc bình thường kia là dịp tốt để Đức Kitô giải thích về nước trường sinh. Ngài hứa ban, không phải nước thường, nước giếng, nước sông, nước rạch vì thế không cần gầu để kín, múc. Loại nước đó uống rồi lại khát, cần uống tiếp. Nước đặc biệt mà Đức Kitô ban là nước trường sinh, không cần gầu để múc, kéo.

Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Gn 4,14

Làm sao để có được nước trường sinh.

Đổi tấm lòng

Đức Kitô cho biết nước Ngài ban sẽ thành mạch nước từ tấm lòng vọt lên mang lại sự sống. Như thế muốn nhận lãnh nước trường sinh chỉ có một cách duy nhất là nhìn đến tấm lòng, tìm ra nguồn nước hằng sống. Nguồn nước đó bị bụi đời che khuất, tội đời ngăn cản, thói đời lấp lối và tình đời làm bế tắc ống dẫn nước.

Tìm được nguyên nhân gây bệnh việc chữa trị xem ra có nhiều hy vọng hơn. Phủi sạch bụi đời sẽ tìm thấy nguồn nước. Từ giã tội đời nguồn nước được thông. Đổi đời để có cuộc đời mới. Nối kết tình người sẽ có nguồn sống mới. Dâng hiến cuộc đời sẽ nhận được đời mới. Giã từ lối sống trác táng để nhận lại cuộc sống mới tôn thờ Thiên Chúa.

Thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật c.24

Chúng ta cầu xin biết đổi đời thường lấy đời sống trường sinh. Dâng hiến đời sống trần gian lấy đời sống thiên quốc.

home Mục lục Lưu trữ