Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1375475

NƯỚC THIÊN CHÚA

Nước Thiên Chúa

Nước Thiên Chúa là vương quốc hạnh phúc, ai được vào là có phúc lớn vì Nước Thiên Chúa quý hơn mọi kho báu. Thật diễm phúc cho loài người vì Chúa sẵn sàng ban cho Nước Trời, không giới hạn số lượng, không phân biệt màu da, sắc tộc, thời đại, ai đủ điều kiện đều được nhận vào. Tất cả những ai sống đúng lệnh truyền của Chúa đều được ban cho hạnh phúc vô cùng vô tận bên Ngài.

Thiên Chúa quả là hào phóng và quãng đại với loài người biết bao. Ngài là Đấng quãng đại, giàu lòng thương xót và không tiếc gì với chúng ta: hạnh phúc của Ngài, Ngài cho chúng ta được thông phần vào; tình yêu của Ngài, Ngài thông ban cho, người ngay được Chúa phù trì che chở, thanh luyện cho giống Chúa hơn, ngườI tội lỗi được Chúa bảo ban, cho nhiều cơ hội để ăn năn thống hối...

Thiên Chúa không tính toán với loài người, để đáp lại ơn ấy, chúng ta cũng không tính toán với Chúa. Chúng ta hãy đổi lấy của cải vật chất đời này để Chúa ban cho thửa ruộng có ngọc quý. Nước Trời như ngọc quý thượng thặng, đáng cho chúng ta bỏ hết công sức, của cải để đón lấy. Như vậy, để được Nước Chúa, chúng ta phải biết chọn lựa và từ bỏ. chúng ta không kiệt sức, vì Chúa luôn tìm cách trợ giúp, Chúa đòi tấm lòng chân thành tìm kiếm và tin theo, ai thành tâm tìm thì sẽ gặp được kho báu Chúa chuẩn bị để ban cho. Chúng ta có một niềm hy vọng lớn lao vì không phải chỉ có vài người tìm được Nước Trời nhưng tất cả đều có thể tìm thấy nhờ ơn soi dẫn và sự trợ giúp của Ngài.

Đối với một kho báu nay còn mai có thể mất vì trộm cắp mà còn đáng cho chúng ta bán hết những gì mình có để chiếm lấy, huống chi là Nước Trời. Nếu vào được Nước Chúa, nơi hạnh phúc vô biên và vĩnh tồn thì hy sinh của cải đời này, hy sinh những tham vọng trần thế để đổi lấy cũng là quá lời. Do đó, chúng ta phải lưu ý về cách sống của chúng ta: chúng ta mong Nước Trời nhưng lại muốn tất cả mọi thứ ở đời này: tiền bạc, danh vọng, quyền lực trần thế... chúng ta vừa muốn sở hữu vật chất trần gian vừa muốn có Nước Trời. Tôi có sống phù hợp với Nước Chúa không, tôi có tìm những sự thuộc về Thiên Chúa chưa hay chỉ để lòng tìm của cải vật chất, tôi có tập cho trái tim mình có được tình yêu Agape giống Chúa hay còn ích kỷ, thù ghét, giận hờn, kiêu căng... Nước Chúa mở sẵn rồi nhưng ai mong thực hành niềm vui thanh cao mới xứng đáng sống trong nước hạnh phúc ấy.

Nếu tôi theo Chúa mà lòng còn nặng nề, lệ thuộc vật chất thì làm sao vào ở với Chúa là Đấng Cao Sang siêu vượt thời gian, vượt xa thế giới trần tục này. Như vậy, chúng ta phải biết khôn ngoan, hàng ngày gạt bỏ những cái xấu ra khỏi con người mình và tập tính tốt, làm điều tốt, phục vụ cho Chúa và mọi người. Khi đã thanh lọc con người mình nên giống Chúa ngày một hơn thì việc lên ở với Chúa là điều ở trong tầm tay, nhờ ơn Chúa.

Nếu chúng ta mỗi ngày mỗi khác Chúa, xa Chúa thì mai sau vương quốc của chúng ta sẽ là nơi khóc lóc, hổ ngươi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết bỏ những thói hư tật xấu mỗi ngày và tập những tính tốt bù vào để ngày một xứng đáng là môn đệ Chúa hơn và ngày sau được gia nhập vào hàng ngũ các thánh như Chúa đã hứa.


 

22. Kho báu-ngọc quý-chiếc lưới hãy bán tất cả mà mua

Đức Giêsu rao giảng Nước Trời bằng dụ ngôn: 7 (số 7 ưa dùng của Mt). Chia làm 3 cặp. Số 7 là kết. Chủ ý tượng trưng.

Hai dụ ngôn "Lúa và cỏ lùng" là mới nói kết quả của Lời được gieo vào thế gian. Chỉ nói thoáng về kết cục "mùa gặt".Cỏ lùng thì gom lại và đốt trong lửa. Lúa mới thu vào kho. Hạt cải và men là chỉ kết quả nhiều và tốt. "Kho báu và ngọc quí" trực tiếp chỉ Nước Trời đáng giá "tất cả những gì" con người có, phải "bán tất cả mà mua", không cụ thể cái gì nên có thể hiểu là "gồm cả mạng sống". Số 7 kết là phán xét: chiếc lưới thả xuống biển, gom tất cả mọi thứ cá rồi mới lựa ra: xấu thì bị quăng vào lò lửa, ở đó mà khóc lóc nghiến răng. Không nói tốt. Chủ ý là ngưòi xấu không có cửa nào khác Đừng suy nghĩ vớ vẩn lung tung mà phải hối đời đời..

CHÚ GIẢI

* Nước Trời giống như kho báu chôn giấu trong ruộng: không dễ tìm thấy. Đức Giêsu dùng dụ ngôn để giảng, không dễ hiểu. Nước Trời bị "ẩn giấu" bí ẩn.

- Có người tim được thì liền chôn giấu lại: Mỗi người phải tự bỏ công mà tìm.

- Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua: Tìm được thì vui mừng. Chỉ kẻ tìm được Nước Trời, khám phá ra giá trị liên thành của nó thì mới vui mừng và vui mừng đến nổi bán tất cả những gì mình có mà mua. Tất cả những gì mình có: không kể nhiều ít bao nhiêu mà tuyệt đối là tất cả, bao nhiêu cũng được miễn là tất cả, kể cả mạng sống, dù chỉ là đồng xu bé tí xíu của bà goá nghèo nhưng là tât cả những gì bà có để nuôi thân. Người thanh niên giàu có không dám bán tất cả nên buồn bã bỏ đi. Và người giàu có khó vào Nước Trời biết bao! Chỉ kẻ khám phá được giá trị đích thực vô song của Nước Trời mời "vui mừng" đến nổi dám bán tất cả những gì mình có mà "mua". Phải mua. Còn những kẻ bàng quang, bịt tai nhắm mắt trước lời giảng của Đức Giêsu thì như "thằng bườm có cái quạt mo" dù phú ông dụ đổi ba bò chín trâu, nào ao sâu cá mè, hoặc bè gổ lim hay con chim đồi mồi bườm cũng chẳng màng, mà đổi "nắm xôi bườm cười".

* Nước Trời còn giống chuyện một người thương gia đi tìm ngọc đẹp: Ngọc có đẹp mới cao giá. Chỉ những người có mắt nhìn thấy và biết rõ giá trị của ngọc quí mới thấy quí. Còn như heo chó mà có ném hột xoàng hột trai trước mặt thì chúng cũng chẳng ham. Thằng bườm là hình ảnh chỉ rất nhiều người như con nít thích cục kẹo ăn được còn hột xoàng ngọc quí ăn liền không được nên không ham tí nào. Hay như những người Âu Châu đi thám hiểm Phi Châu đem bi hột chai đổi hột xoàng của mấy đứa trẻ Phi Châu vì chúng thấy hột chai đẹp, tròn bắn đạn ngon còn những cục hột xoàng chưa tròn bắn đạn không ngon. Chúng còn bán khai chưa biết giá trị của hột xoàng nên không quí cũng như những ngưòi không biết Nước Trời thì không quí.

- Tìm được một viên ngọc quí ông liền đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy: Cũng là "đi bán tất cả"...gồm chất và lượng, chiều dài và cả mạng sống. Đức Giêsu bảo ngưòi thanh niên "đi bán tất cả" rồi trở lại "theo Ta". Không hiểu giá trị đích thực của Nước Trời thì không ai dám đi bán tất cả những gì mình có mà bám chặc lấy bằng cả mạng sống "ít ỏi"của mình. Có gan mới làm giàu. Không liều một phen thì không đổi đời được đâu.

Hai dụ ngôn như là lập lại để nhấn mạnh và nhất là câu "liền đi bán tất cả những gì mình có mà mua" thì rõ là nhấn mạnh, cho đủ mạnh.

* Nước Trời còn giống như chiếc lưới thả dưới biển bắt được đủ thứ cá: Lưới trời thưa mà khó lọt. Đừng hòng trốn tránh. Các thiên sứ sẽ đi khắp tứ phương mà gom......

Ngày tận thế, các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ những người tốt: Không để vàng thau lẫn lộn nữa. Không để kẻ xấu cũng kể là tốt. Tốt ra tốt xấu ra xấu.

Rồi quăng chúng vào lò lửa ở đó mà khóc lóc nghiến răng: Hoả ngục. Đau khổ. Hối hận.

Kết phần rao giảng bằng dụ ngôn: Chung cuộc "mỗi người và mọi người sẽ là như là đã là".

Nước Trời không những phải mua mà còn phải mua bằng "tất cả những gì mình có".

Ngưòi ta chỉ muốn xin "không". Một cắt, một xu cũng không chi. Nước trời chẳng bằng một chút vui vẻ, một chút lạc thú, một chút hưỏng thụ.....

Chịu khó một chút cũng không. Bây giờ không muốn nước trời đâu. Chết mới muốn. Người ta rước cha đến giải tội "lòng lành"(sic) (tha hết mọi tội) và ban ơn toàn xá (xá hết mọi phần phạt tạm) thì lên trời một cái ục! Thiên Chúa tốt lành, nhân từ vô cùng. Lời Chúa đâu có nói như vậy hồi nào.Coi chừng mắc lừa.

Rõ ràng: lúa tốt thì mới thu vào kho, cá tốt mới bỏ vào giỏ. Tách biệt kẻ lành ngưòi dữ. Kẻ xấu thì quăng vào lò lửa. Đừng ảo tưởng. Phải tin Lời Đức Giêsu nói vì chính Người và chỉ Người mới phán xét và Người là Đấng phán xét chí công.


 

23. Nước Trời quý giá – Đam. Lê Đức Thiện

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: dụ ngôn kho báu giấu trong ruộng, dụ ngôn viên ngọc quý và dụ ngôn cái lưới đánh cá. Dụ ngôn cái lưới đánh cá, ý nghĩa gần giống như dụ ngôn cỏ lùng, đã được nói tới vào Chúa Nhật tuần trước. Vì thế, ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý. Hai dụ ngôn này có ý nghĩa tương tự nhau.

Trước hết, chúng ta thấy hai dụ ngôn này đều nhằm mục đích diễn tả sự quý giá tột bậc của Nước Trời, không một thứ gì ở trần gian quý giá bằng hay có thể sánh ví được. Tuy nhiên, trong dụ ngôn thứ nhất, Nước Trời quý giá vì đem lại lợi ích vô cùng to lớn, là được hạnh phúc đời đời, còn dụ ngôn thứ hai, Nước Trời quý vì vẻ vinh quang tuyệt vời của nó. Trong dụ ngôn trước, kho báu đến với người nông dân một cách ngẫu nhiên, tình cờ, tức là nhấn mạnh đến hạnh phúc Nước Trời do tình yêu Thiên Chúa ban nhưng không. Còn trong dụ ngôn sau cho biết ông thương gia phải vất vả tìm kiếm viên ngọc quý tức là muốn nói đến thái độ phải cộng tác tích cực vào việc chiếm hữu Nước Trời. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, Nước Trời luôn luôn là điều quý giá nhất, đòi hỏi người ta phải hy sinh tất cả để chiếm đoạt cho bằng được.

Đàng khác, hai dụ ngôn này còn cho chúng ta thấy thái độ khôn ngoan của người tìm được kho báu cũng như của người tìm được viên ngọc quý. Họ bán hết gia tài sản nghiệp để mua, vì họ biết chắc rằng: kho báu kia, viên ngọc quý kia đáng giá hơn gia tài sản nghiệp họ đang có. Và đây cũng chính là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: người nào biết đi tìm Nước Trời trước nhất, dám hy sinh tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để chiếm đoạt cho bằng được, đó là người khôn ngoan. Chúng ta biết, khôn ngoan là một ân huệ, một đức tính cao quý, làm cho trí khôn chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, biết lựa chọn những phương cách tốt hơn để thực hiện, đồng thời biết quy hướng tất cả về mục đích sau cùng.

Tuy nhiên, khôn ngoan cũng có nhiều thứ: khôn ngoan xác thịt, khôn ngoan tự nhiên và khôn ngoan siêu nhiên. Khôn ngoan xác thịt là cái khôn chỉ biết khéo léo tìm mọi cách để thực hiện những ước muốn tội lỗi, để thỏa mãn những khát khao của dục vọng, danh giá và tiền tài. Chẳng hạn vua Đa-vít, sau khi phải lòng và sa ngã với bà Bét-sa-bê, ông đã khôn khéo biết bao: nhà vua đã bày mưu tính kế để cho U-ri-a, chồng bà Bét-sa-bê về thăm nhà và ép ông uống rượu để giấu nhẹm tội ngoại tình của mình. Không thành công ông lại khôn khéo làm cho U-ri-a chết ngoài mặt trận để được tự do thoải mái kết hôn với bà Bét-sa-bê. Chúng ta có thể nói: bao nhiêu mánh lới, bao nhiêu thủ đoạn, bao nhiêu cách thức để đạt được mục đích chơi bời, thỏa mãn bản năng,… bấy nhiêu trường hợp đều cần đến trí óc suy nghĩ, xếp đặt, lừa dối, trá hình khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan ấy là khôn ngoan xác thịt. Cái khôn mang lại những thiệt thòi, đổ vỡ, hối hận. Cái khôn mà người liêm khiết khinh chê, miệng đời đàm tiếu, mai mỉa. Cái khôn mà thánh Phao-lô đã kết án, vì nó đối nghịch lại Thiên Chúa và thiệt hại cho linh hồn.

Tiếp đến, khôn ngoan tự nhiên là cái khôn chỉ khéo léo lựa chọn những phương thế tốt đẹp để đạt mục đích tự nhiên mà không quy về mục đích sau cùng. Chẳng hạn tài khéo trong việc buôn bán, tính toán giỏi trong công việc làm ăn, bặt thiệp trong việc giao tế với mọi người. Đó là sự khôn ngoan để dùng người, khôn ngoan để được vật chất, lợi lộc trần gian. Người phú hộ trong Tin Mừng đã khôn ngoan kiểu này: thấy mùa màng bội thu, không đủ chỗ chứa hoa lợi, nên ông tính toán: phá kho lẫm cũ, xây kho lẫm mới rộng lớn hơn. Bảo đảm rồi, yên chí lớn nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng Chúa đã bảo: “Người khờ dại, chính đêm nay ngươi chết, thì của cải ngươi thu tích để lại cho ai?”. Thánh Mátthêu cũng ghi lại lời Chúa Giêsu kết án thứ khôn ngoan này: “Được lời lãi cả thế gian, mà không được Nước Trời thì ích gì?”.

Sau hết, khôn ngoan đích thực là cái khôn của những người, trong mọi hoàn cảnh, biết lựa chọn những phương cách tốt hơn để thực hiện, đồng thời biết quy hướng tất cả về mục đích sau cùng. Người có khôn ngoan này biết khước từ những khoái cảm chốc lát, vì biết rằng nó sẽ khuấy động lương tâm, làm mất bình an, làm phai nhạt hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn. Họ biết lánh xa nếp sống dễ dãi, đua đòi, vì sợ xác thịt được voi sẽ đòi tiên, sợ lời cảnh cáo: “Ai gieo trong nguy hiểm, sẽ ngã trong hiểm nguy”. Người có thứ khôn ngoan này biết suy rằng: không phải bất cứ cái gì thiên hạ làm được là mình cũng có thể làm được. Họ biết rằng: có nhường nhịn đôi chút thì cũng chẳng mất mát gì, nhưng chắc chắn sẽ được đền bù. Họ biết rằng: có phải ép mình cầu nguyện nửa giờ, dự thánh lễ một tiếng, chỉ là cách đổi công khó nhọc chóng qua để lấy những công phúc to lớn hơn. Người có thứ khôn ngoan này, biết lợi dụng những cái trước mắt để sinh ích lợi sau này, nhưng luôn cảnh giác: không vì cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng.

Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Nước Trời là kho báu vĩ đại nhất, là viên ngọc quý giá nhất, chúng ta phải cố gắng, phải hy sinh để kiếm cho bằng được. Bởi vì đời là một dịp tiện, moi ngày sống là một dịp may, chúng ta có ý chí, tự do và khôn ngoan để lựa chọn. Vì thế, chiếm đoạt được Nước Trời hay không là do chính chúng ta.


 

24. Bán tất cả để mua viên ngọc quý – Đỗ Lực

Hành trình của đời người là một hành trình đi tìm kho báu, nghĩa là đi tìm hạnh phúc. Đó là một mục tiêu chính đáng. Tuy nhiên, như Đức Giêsu đã nói: “Kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34), chúng ta hãy tự hỏi xem hạnh phúc mà chúng ta đang tìm kiếm thực sự là gì? Có phải chăng đó là tiền bạc, là quyền uy, danh vọng và khoái lạc? Chúng có đem lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc thật sự không, hay sự giàu có về của cải vật chất chỉ làm cho con người thêm lo âu, và lối sống hưởng thụ chỉ khiến người ta thêm trống rỗng?

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta biết rằng, kho báu thật sự, hạnh phúc thật sự mà con người cần tìm kiếm chính là Nước Trời. Thật vậy, Nước Trời là một viên ngọc quý, một kho tàng vô giá mà bất cứ ai có được quả là may mắn và hạnh phúc. Đối với Thiên Chúa, họ là những người khôn ngoan và giàu có, cho dù trong con mắt của thế gian, họ có vẻ điên rồ và nghèo khó.

Nước Trời không phải là một ảo tưởng. Nước Trời đem lại cho con người sự bình an trong tâm hồn, niềm vui trong trí tuệ và vẻ đẹp trong cuộc sống này, vì nó giải phóng chúng ta khỏi mọi sự mê hoặc của những kho tàng dưới đất, nhờ một niềm xác tín về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng như nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trọn vẹn trên Quê Trời.

Đời sống chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Thiên Chúa. Mối liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa chính là một kho tàng thật sự. Nhờ đó chúng ta biết mình sẽ đi về đâu, cùng đích của đời sống chúng ta là gì. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta điều chúng ta hằng khao khát kiếm tìm. Có Thiên Chúa là có tất cả, nếu chúng ta tin (Mc 9,23; 10,27).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giống như người nông dân và người buôn ngọc, khi phát hiện được viên ngọc quý giá, họ đã ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua cho bằng được viên ngọc, xin cho chúng con cũng biết can đảm và vui tươi, sẵn sàng ra đi, bán tất cả nhửng gì mình có để mua lấy hạnh phúc Nước Trời.

Xin cho lòng chúng con luôn thanh thoát trước những kho báu phù phiếm ở đời này, biến “bán” đi những đam mê, ích kỷ của mình mà mua lấy kho báu bất diệt trên trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ quay lưng lại trước những lời mời gọi của Chúa; không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ, tránh cái nhìn yêu thương mà Chúa luôn dành cho chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ