Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1367570

NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC CHỐN NÀY

NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC CHỐN NÀY (*) – Suy niệm chú giải của Giáo hoàng Học Viện Đà Lạt

“Nước tôi không thuộc chốn này”: Chữ “chốn này” (enteuthen) tương đương với thế gian này tiếng mà Gioan tránh lặp lại lần thứ ba. Nhóm chữ “thế gian này” gần giống nhóm chữ “bởi đất” (3,31), “có tính cách trần thế” và tương đương với “phàm tục”, “có đặc tính của thế gian”; nên người ta cũng dịch được: “Vương quốc tôi không có tính cách trần thế”. Xin nhớ tiếng Aram rất ít tĩnh từ.

“Để làm chứng cho sự thật”: Tư tưởng Thánh Kinh đã nhận ra mối tương quan giữa khôn ngoan và vương quyền (x. 2 Sm 14,17-20). Vương quyền cánh chung mà Chúa Giêsu khai mạc trong thế gian, ngay lúc này, sẽ không dùng đến bạo lực; theo thánh ý của Cha, Đấng đã giao phó sứ mệnh cho Người. Vương quyền đó sẽ được thể hiện nhờ việc tiếp đón sự thật của Thiên Chúa biểu lộ trong Người, lời nhập thể (x. 14, 6; 3, 11.32; 8, 13-14.46).

“Ai thuộc về sự thật”: So sánh với 7, 17; 1 0, 26 và nhất là với 8, 47 (“Ai bởi Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa”), câu mà chữ bởi Thiên Chúa” đối ứng với chữ “thuộc về sự thật” của chung ta: ai thuộc về sự thật là bạn hữu của sự thật.

KẾT LUẬN

Vương quyền mà Chúa Kitô gián tiếp đòi hỏi khác biệt cách sâu xa với vương quyền mà các mục tiêu và phương tiện đều thuộc phạm vi thế gian; vương quyền Người không cần đến sức mạnh và phương pháp thông thường của hoạt động chính trị. Vương quyền Người, Người nhận từ Thiên Chúa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1/. Trong bản văn này, chúng ta chứng kiến giai thoại sẽ đưa đến việc Philatô kết án tử hình cho Chúa Giêsu. Để quán triệt bản văn, cần nhắc lại rằng Philatô và Chúa Giêsu không đứng trên cùng một bình diện. Khi thốt lên tiếng “vua”, Philatô nghĩ đến một vương quyền chính trị trần thế. Còn lúc tự xưng là vua, Chúa Giêsu nói đến vương quyền thiên sai của Người. Phải xác định rằng Người tự xưng là Vua Messia theo một nghĩa vô cùng rộng lớn hơn ý nghĩa được quan niệm bởi các thủ lãnh dân Do thái, những kẻ chỉ thấy trong Đấng Messia tương lai một vì vua trần tục. Qua câu hỏi “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” Chúa Giêsu muốn cho Philatô biết Người chẳng phải là vua theo cách ông ta tưởng nghĩ, và càng không phải là vua theo cách người Do thái quan niệm. Vì thế, sau câu đáp của Philatô. Chúa Giêsu nói: “Vương quyền không thuộc thế gian này”. Thế rồi ta đi đến diễn tiến kỳ lạ sau đây: người Do thái muốn làm cho Philatô kết án Chúa Giêsu, bởi vì Người tự xưng là đến từ một thế giới khác, nghĩa là từ Thiên Chúa. Vì đó không phải là nguyên do kết án đối với Philatô, nên họ đưa ra một cớ khác, là Người đã tự xưng là một vua trần thế chống lại hoàng đế Rôma, điều mà Chúa Giêsu tuyên bố là không phải. Chúa Giêsu bị kết án do quyền tài phán Rôma dưới danh nghĩa một vương quốc trần thế, trong lúc Philalô biết Người từ chối vương quyền này.

2/. Vương quyền của Chúa Giêsu là một việc làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu không phải là vua thuộc thế gian này nhưng là vua trong thế gian này, và trong thế gian này người làm chứng cho một thực tại thần linh. Quả thế, ở đây cần phải nắm vững ý nghĩa chữ “sự thật”. Sự thật, theo Tin mừng Gioan, không phải là một tri thức thuần lý phù hợp với thực tại đâu. Nó là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Con người cảm thấy nó xâm nhập vào trong tất cả hữu thể mình và trong toàn cuộc sống. Nhưng con người cũng còn phải tiếp nhận. Việc tiếp nhận này không chỉ bằng lý trí: nhưng còn bằng tâm hồn, ý chí, toàn thể con người ta. Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật vì, xét như là kẻ được xâm nhập và biến đổi bởi kinh nghiệm về thần linh, người đề nghị tất cả hãy đi vào sự thông hiệp có sức thần hóa với Người, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vua khi, trong một nhân loại rất thường chống nghịch Thiên Chúa, con người đón tiếp “chứng” của Người, nghĩa là tin Người và hết lòng để cho Người thần hóa.

3/. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Ta…”. Thuộc sự thật là gì? Đó là sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Chúa Giêsu đem đến cho con người. Trong thực tế chúng ta hôm nay, điều này hệ tại thành thật đối với Thiên Chúa Đấng phán bảo qua Thánh Kinh và Giáo Hội, sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mặc khải cho và theo Chúa Giêsu mà ta gặp thấy trong Tin Mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, trong anh chị em.Vương quyền của Chúa Giêsu không giống chút nào với cách thống trị của nhân thế, nhưng nó trở nên hữu hiệu khi con người cá nhân và tập thể, trong cuộc sống thực sự hiểu rằng mình đến từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa, cho nên hết. sức ra công để nhân loại nhận biết sự thật nhờ những nét đẹp nhất của khuôn mặt nó, là những nét của Tình Yêu.

4/. Chúa Giêsu là hiện thân của sự thật vốn tự mặc khải, sự thật của lòng trung thành và thương xót của Thiên Chúa; Chúa Giêsu bị vu cáo, đánh đòn, đội mão gai và bị lưỡi đòng của thế gian này đâm thủng là hiện thân của sự thật, của thực tại Thiên Chúa, của sự thật chấp nhận số phận đớn đau, của sư thật tự mặc khải cách vinh thắng oai hùng khi cam lòng chịu sự chế diễu của thế gian dối trá. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng Vua của chúng ta là một vị vua chỉ có vòng gai làm vương miện, chớ bao giờ quên rằng chúng ta là thần dân của một vương quốc không thuộc về thế gian. Nếu chúng ta có can đảm làm chứng nhân cho một vị vua và một vương quốc như thế trong trần gian này, thì những kẻ “thuộc sự thật” sẽ nghe lời chứng của chúng ta, và Chúa Kitô, Đấng đã bị treo lên trên thập giá, sẽ kéo họ đến cùng Người, và triều đại thanh bình vui tươi của Người sẽ được thiết lập trong tâm hồn chúng ta và trong tâm hồn anh em mãi mãi.

(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B

VUA SỰ THẬT– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.

Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.

Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?

2- Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?

3- Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?

4- Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B

BẤT KHẢ BẠI DÙ PHẢI CHẾT-  Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

 Bị bắt và bị giết, liệu có thể là người chiến thắng không? Tuần trước mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta đã thấy các ngài là những người không bị khuất phục dù phải chết; tuần này chúng ta lại được chiêm ngưỡng Đức Yêsu như vị vua trổi trang trên tất cả cho dù bị giết.

Vua làm chứng cho sự thật

Đức Yêsu bị bắt vì những người lãnh đạo không chấp nhận Đức Yêsu hơn họ, vì Đức Yêsu đã nói sự thật về họ, vì họ tưởng Đức Yêsu tranh giành ảnh hưởng trên dân chúng, làm họ mất uy quyền. Đức Yêsu bị thù ghét đến chết.

Để giết được Đức Yêsu một cách “hợp pháp”, họ đã giải Đức Yêsu tới quan tổng trấn Roma là Philatô, với tội danh “muốn nổi loạn xưng vua”. Chính Đức Yêsu cũng không ngờ mình “được” mang tội danh này: “quan tự ý nói thế, hay người khác đã nói với ngài về tôi?” Với những người ái quốc, khi nước đang bị ngoại bang đô hộ, mà có ai nổi lên chống lại, thì phải cùng cộng tác với người đó mới phải, đằng này lại đi chống lại, đem bắt người đó để nộp cho ngoại bang. Chính vì lẽ này mà Philatô nhận ra Đức Yêsu bị oan, vì thù oán riêng tư mà những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái muốn nộp giết Đức Yêsu: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”.

“Chính ngài nói rằng tôi làm vua. Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật, ai theo sự thật thì nghe tiếng tôi”. Thiên Chúa là sự thật. Sự thật là “Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng”, Thiên Chúa sẵn sàng làm tất cả cho con người, vì yêu thương con người, để con người được sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Cả đời Đức Yêsu là miệt mài làm chứng cho sự thật, ngay cả phải chết.

Vua yêu thương

Vua là người giỏi nhất, chiến thắng những người khác để làm vua. Chẳng hạn ở Việt Nam, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ, đều là những người chiến thắng tất cả rồi xưng vương. Trong các môn thể thao, những nhà vô địch và giỏi thường được gọi là vua, chẳng hạn như Pelé được gọi “vua bóng đá”. Đức Yêsu là vua, vì Ngài đã trổi vượt trong tình yêu, vì không ai yêu bằng Ngài.

Yêu đến độ tự hủy để sống với người mình yêu. Yêu đến độ, bị từ khước vẫn tha thứ vẫn yêu. Yêu đến độ dám chết cho người yêu, sẵn sàng làm tất cả để người yêu được sống và được sống hạnh phúc.

Thiên Chúa là Đấng yêu con người, nên Ngài tin vào con người. Thiên Chúa tin tôi hơn tất cả những ai tin tôi nhất, hơn cả chính tôi tin tôi. Chính vì vậy Ngài vẫn chờ vẫn đợi, vẫn mời gọi tôi trở lại với Ngài, vẫn mong tôi đáp trả tình Ngài dù rằng bây giờ có thể tôi vẫn còn đang từ chối.

Con vua lại được làm vua

“Con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Chúng ta là con Chúa, chúng ta được mời gọi để sống yêu thương như Chúa “hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga.13, 34).

“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình yêu mến” (Rm.13, 8). Ơn gọi của chúng ta, chính là yêu thương. Yêu như Chúa yêu. Hãy để cho người khác hơn chúng ta về tất cả, nhưng cố gắng để không thua họ trong yêu thương. Ai khiêm tốn hơn, ai sẵn sàng tự hủy để đi bước trước trong việc làm hòa, là những người “yêu” hơn, giống Thiên Chúa hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta sống yêu thương theo gương Chúa yêu thương. Tự sức chúng ta, không thể sống yêu thương. Ý thức mình bất lực, xin Chúa giúp. Thiên Chúa có thể làm tất cả cho chúng ta vì Ngài yêu chúng ta vô cùng, Ngài sẽ làm chúng ta yêu Ngài và yêu nhau.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/. Bạn trổi trang nhất về điều gì?

2/. Có thể bạn không thể hơn người khác về nhiều điều, nhưng còn về yêu thương? Bạn có muốn không thua người khác về yêu thương không?

3/. Liệu có thể tập yêu được không? Bằng cách nào?

 

 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B

CHÚA GIÊSU, VUA TÌNH YÊU- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Quốc Vương Thái Lan đã đi vào huyền thoại như người dân kể lại: “nhà vua làm kênh rạch, nên có nước về ruộng đồng. Nguồn nước này đến từ đập Pa Sak Jolasid do chính vua Bhumibol trực tiếp thực hiện.

– Khi mới lên ngôi năm 1950, từ đó năm nào đức vua cũng tự tay lái xe jeep, với hoàng hậu Sikirit bên cạnh, đi tổng cộng 50.000 km, tới những nơi hẻo lánh, xa xôi để quan sát đời sống người dân còn khốn khó. Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe những người nghèo khổ để thay đổi cuộc sống của họ.

Quốc vương lập ra dự án của hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt tân tiến. Năm 1971, nhà vua đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch để trữ nước và phân phối nước cho ruộng đồng.

– Đức vua đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến – nơi nhà vua có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp. Từ đây, hơn 2.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.

– Vào năm 1997, chính đức vua đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến Pháp, theo đó đức vua không còn là người bảo hộ đạo Phật là quốc giáo của Thái Lan. Bản thân đức vua là người Phật Tử nhưng lại bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi Giáo là người thiểu số ở miền nam Thái Lan, nơi thường xảy ra các cuộc xung đột. Điều này đã giúp cho ngài không chỉ được tín đồ Phật Giáo ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.

Anh chị em thân mến,

Quốc vương Thái Lan, đã hy sinh cả cuộc đời để đem lại hạnh phúc ấm no cho người dân Thái, nhưng Chúa Giêsu còn hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên sứ mạng của Chúa Giêsu không giống như sứ mạng của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Chúa không giống như quyền bính của hoàng đế Rôma hay như bất cứ một vị vua chúa nào trên trần gian. Chính vì thế sau khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Chúa đã lẩn trốn, nhưng khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu này, nhưng Chúa đã minh xác rằng: vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Chúa lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Chúa Giêsu đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, con đường của tình yêu. Chính vì tình yêu cao cả này, Chúa Giêsu đã hiến thân hy sinh cho thần dân của mình. Như vậy, qua cuộc hiến tế, chúng ta nhận ra, Chúa Giêsu không chỉ là một vị vua hiền lành, nhân từ, nhưng còn là một vị vua hạ mình đến tận cùng, đến nỗi khi nhìn ngắm sự hạ mình của Chúa trong cuộc hiến tế thương đau, chúng ta chỉ còn biết lặng thinh, chiêm ngắm, thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng, nguyện một lòng trung thành theo Chúa cho đến trọn đời.

Một sự kiện xảy ra cách đây không lâu: những người thợ lặn đã phát hiện ra một con tầu bị chìm cách đây 400 năm ngoài biển khơi vùng phía bắc Ireland. Một trong những kho tàng họ đã tìm thấy trên tầu là một chiếc nhẫn cưới. Khi đánh bóng, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim. Phía dưới có khắc hàng chữ như sau: “anh không còn gì để cho em” (I have nothing more to give you).

Trong tất cả những kho tàng đã tìm thấy trên con tầu, không có sự gì làm cảm động những người thợ lặn cho bằng chiếc nhẫn và những lời cao đẹp đó.

– “Ta không còn gì để cho con” – có thể được đặt trên Thập Giá của Đức Giêsu, vì từ trên Thập Giá đó, Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Ngài cho chúng ta tình yêu và mạng sống. Ngài cho chúng ta tất cả những gì một người có thể trao ban cho người mình yêu: “không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Lạy Đức Giêsu Kitô, là Vua của vũ trụ, là Vua của nhân loại, và là Vua của tâm hồn con. Con xin phó thác tất cả mọi sự trong tay Chúa: mạng sống, tình yêu, hạnh phúc, ý muốn, khát vọng, những người thân yêu của con, hiện tại cũng như tương lai. Con xin phó thác cho Chúa tất cả để Chúa quyết định mọi sự theo thánh ý Chúa. Xin hãy giúp con ngày càng tin vững vào tình yêu và quyền năng của Chúa vì Chúa là Vua của tâm hồn con. Amen.

 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B

VUA SỰ THẬT- Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng OP

Chúa Giêsu có phải là vua thật không? Ngài là vua theo nghĩa nào? bài Tin Mừng trả lời cho chúng ta những câu hỏi đó trong phiên tòa Rô-ma xử án Chúa Giêsu. Người xét xử là tổng trấn Phi-la-tô, là ông quan của đế quốc Rô-ma đặt cai trị ở Do thái, vì lúc ấy dân Do thái đang ở dưới quyền đô hộ của người Rô-ma. Bị cáo là Chúa Giêsu, do người Do thái điệu Chúa đến đây để xin Phi-la-tô xét xử.

Phi-la-tô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Để trả lời, Chúa hỏi lại: “Ngài tự ý hỏi điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Hỏi như vậy là Chúa muốn vạch trần thâm ý của Phi-la-tô. nếu Phi-la-tô tự ý hỏi như vậy tức là Phi-la-tô muốn hỏi: “Anh có phải là tay lãnh tụ chính trị, dám chống lại chính quyền Rô-ma không?. Đối với Phi-la-tô, là vua Do thái chỉ có nghĩa như vậy. Mà nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “không”. Ngài không phải là vua theo nghĩa đó. Còn nếu câu Phi-la-tô hỏi là do các nhà lãnh đạo Do thái nhắc nhở cho, thì có nghĩa là Chúa Giêsu là vị cứu tinh của Do thái như Thiên Chúa đã hứa với dân tộc họ. Nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “có”. Ngài thực sự là vua. Nhưng không phải chỉ là vua của dân Do thái mà còn là vua của mọi người. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu là vua tâm linh, là vua lòng mọi người, chứ không phải là vua theo nghĩa thông thường trần gian. Nước của Chúa bao gồm những tâm hồn tin theo Chúa. Vì thế, vương quyền của Chúa có tính cách thiêng liêng chứ không có tính cách trần thế, không dùng phương tiện, sức mạnh, bạo lực của trần gian. Trái lại, phương tiện thực thi vương quyền của Chúa là nhập thể cứu chuộc và rao giảng sự thật. Chính Chúa đã khẳng định với Phi-la-tô: “Tôi là vua, nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

Như vậy, chúng ta có thể quả quyết: Chúa Giêsu là vua. Ngài là vua sự thật. Sự thật là gì? Chính Phi-la-tô đã hỏi Chúa điều đó. Chúa không đáp lại bằng lời nói mà bằng chính việc Ngài đang thực hiện trước tổng trấn. Việc đó là thực hiện việc của tình yêu cứu độ. Ngài vô tội, nhưng vì yêu thương nhân loại, đã cam lòng chịu chết để đền tội cho nhân loại. Sự thật là như thế. Đó là tình yêu cứu độ. Đó là sự thật mà Chúa muốn làm chứng và muốn nói tới. Và giờ đây, nhìn chung quanh trong nhà thờ này: các ảnh tượng Chúa, chúng ta cũng thấy sự thật cứu độ là như vậy: Chúa Giêsu trên cây Thánh giá, Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh, Chúa Giêsu trong chặng đường thánh giá…Tất cả đều nói lên tình yêu cứu độ.

Tình yêu ấy đã được ban cho con người, chỉ cần con người đón nhận tình yêu ấy bằng một tâm hồn khiêm tốn, khao khát tình yêu cứu độ. Và bằng tâm hồn mở rộng ra, yêu thương bác ái đối với những người chung quanh. Sự thật cứu độ như vậy, nói thì đơn sơ dễ dàng, nhưng thực hiện thật là phức tạp và khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng của chúng ta. Bởi vì cuộc sống tất bật, chật vật, đầu tắt mặt tối, đầy lo toan khốn khổ, dễ đẩy chúng ta vào thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn. Chúng ta không dễ nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau, mà ngược lại, muốn lấn lướt người, muốn được phần hơn, muốn loại trừ nhau, nhiều khi dùng cả những thủ đoạn độc địa, thô bỉ nữa. Như vậy, chúng ta chưa sống sự thật cứu độ, chưa rao giảng sự thật cứu độ, chưa làm chứng cho sự thật cứu độ. Điều đó có đúng không?

Chúng ta tôn xưng Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta tôn xưng Chúa là vua sự thật, thì chúng ta là dân sự thật của Ngài, chúng ta phải làm sáng tỏ sự thật ấy. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều dịp, nhiều lúc phải quyết định chấp nhận hay từ khước, nói có hay không dứt khoát: có thì nói có, không thì nói không. Một khi chúng ta trả lời “có” cho một người, tức là chúng ta trả lời “không” cho người khác. Khi chúng ta trả lời “có” cho Thiên Chúa, là chúng ta trả lời “không” cho ma quỷ cám dỗ. Không thể có trung lập giữa không và có, giữa Chúa và ma quỷ, giữa ánh sáng và bóng tối. Theo Chúa là phải có một quyết định, một lập trường, một triết lý sống thực hành thánh thiện, ngay thẳng, trung thực, chứ đừng ăn không nói có, lật lọng, dối trá, thay trắng đổi đen.

Nói rõ hơn, chúng ta phải tôn trọng sự thật: phải giữ thành thật trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Không được làm chứng dối, thề gian, bỏ vạ, cáo gian, đổ tội cho người khác, vu khống người ta. Không được xét đoán vô căn cứ, kết tội khi chưa đủ bằng chứng, cả khi nói những lời gây thiệt hại danh dự của người khác…cũng đều lỗi phạm sự thật. Can đảm biện hộ cho sự thật khi cần đến và có sự thật buộc chúng ta phải giữ kín.

Chúng ta hãy nhớ: một người sống trung thực, chân thành, bác ái, yêu thương giữa một xã hội đầy dẫy những lừa lọc, gian dối, ích kỷ, ti tiện…có lẽ sẽ bị đánh giá là một người không giống ai, là một người lội ngược dòng nước cuốn, Nhưng chính việc lội ngược dòng, chính việc sống trung thực, yêu thương lại chính là thánh giá mỗi người cần phải vác hằng ngày. Chúng ta phải trở nên muối đất, trở nên ánh sáng thế gian bằng cuộc sống chứng nhân trung thực cho Chúa Giêsu Kitô.

 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- B

BỊ CAN GIÊSU KITÔ VUA-  Lm. Fx. Nguyễn Phạm Hoài Thương

Trong Tin Mừng Gioan, cảnh Chúa Kitô trình diện trước Philatô diễn tiến theo một lược đồ được bố cục cách khéo léo. Ngay từ đầu trình thuật, thánh sử đã nói rõ: người Do thái không vào phủ Philatô để khỏi mắc uế hầu có thể cùng chiều hôm đó cử hành lễ Vượt qua (Ga 18,28); nhưng việc hỏi cung Chúa Kitô phải xảy ra bên trong phủ Philatô, do đấy có một lối dàn cảnh: Philatô phải đi ra để bàn cãi với người Do thái, rồi trở lại phủ để tra hỏi Chúa Giêsu. Vì vậy, trình thuật (Ga 18,28-19,16) chia ra làm bảy phân đoạn, theo các lần ra-vào của Philatô mà thánh sử đề cập rất tỉ mỉ. Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay nằm trong phân đoạn II (Ga 18,33-38), có rất nhiều chỉ dẫn thần học về ý nghĩa đích thực của vương quyền Chúa Kitô. Tuy nhiên để hiểu được nó ta phải đặt nó vào trong văn mạnh của cả trình thuật.

1/. “Nộp” Chúa Giêsu

Nếu chỉ đọc lướt qua Tin mừng, ta có thể kết luận: chính Philatô đã nộp Chúa Giêsu, vì ông đã kết án tử và đã cho đóng đinh Người trên thập giá.

Tuy nhiên, đọc kỹ bản văn ta sẽ thấy: không phải Philatô, nhưng chính người Do thái, đại diện là các thượng tế và Biệt phái, đã muốn giết Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, thánh Gioan không hề nói là Philatô đã kết án tử cho Chúa Giêsu mà còn nhấn mạnh: bởi xác tín Chúa Giêsu vô tội, nên Philatô đã muốn thả Người, và sở dĩ ông phó nộp Người để bị đem đi giết là chỉ vì ông sợ hãi trước áp lực của các thượng tế và Biệt phái mà thôi.

Ba lần Philatô xác quyết là chẳng tìm thấy một lý do nào để lên án tử (Ga 18,38b; 19,4; 19,6c); vì vậy, ông có ý định thả Chúa Giêsu (Ga 18,39; 19, 12). Tuy nhiên lòng yêu chuộng công lý nơi ông không mạnh đủ để đương đầu với các yêu sách của đám đông chuyên môn nổi loạn này. Để thắng những do dự cuối cùng của ông, người Do thái dọa tố cáo ông tại Rôma nếu ông tha bổng một tên đã tự xưng là “vua dân Do thái” (Ga 19,12.15c). Bấy giờ Philatô “phó nộp Người cho họ đóng đinh” (Ga 19,6).

Hơn nữa, một khuôn mặt khác, được chính Chúa Giêsu nhắc đến, nổi lên trên hậu cảnh của bi kịch: “… vì thế, kẻ nộp tôi cho ông đã mắc tội nặng hơn” (Ga 19,11b); Người có ý nói đến Giuđa, kẻ nhân danh Satan mà hành động (Ga 13,2.27). Và đây mới chính là kẻ nộp người: Satan, nhờ trung gian của Giuđa, đã nộp Chúa Giêsu cho Philatô.

Một câu hỏi được đặt ra: suốt thảm kịch này, Thiên Chúa, vị Thẩm phán tối cao đã làm chi? phải chăng Ngài đã không có thể ngăn chặn việc xử tử bất công đó? Chắc chắn là không phải vậy, vì Chúa Giêsu xác quyết trước Philatô: “ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống cho ông” (Ga 19,11). Vậy, nếu Thiên Chúa đã chẳng can thiệp, là vì chính Ngài cũng đã muốn “nộp” Con Một Ngài cho thần chết (Rm 8,6-32).

Nhưng hành vi Chúa Cha “nộp” Con mình mang một nghĩa khác hẳn với hành vi của Satan, Giuđa hay người Do thái. Khi “nộp” Con mình, Chúa Cha tôn trọng tình yêu của Chúa Giêsu: chịu đau khổ vì nhân loại, cũng như tôn trọng sự tự do của con người: Giuđa, Biệt phái và các nhân vật khác trong cuộc Khổ nạn; nghĩa là: Ngài cho phép Chúa Giêsu bị bắt bớ được diễn ra. Như thế, xét trong nghĩa này, Chúa Cha “nộp” Chúa Giêsu, thể hiện một tình yêu vĩ đại. Chúa Giêsu đã tự do và tự nguyện chấp nhận để Chúa Cha và loài người phó nộp: “không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta” (Ga 10,18). Về phía Chúa Giêsu, việc phó nộp Người là một việc tự phó nộp hoàn toàn thuận ý. Nhưng về phía con người, việc phó nộp Người là một sự phản bội. Không thể so sánh hai việc phó nộp này, vì chúng phát xuất từ những “căn do” khác nhau. Đối với Chúa Cha và Chúa Kitô, căn do này là tình yêu và vì thế các Ngài vô cùng đáng ca tụng. Đối với Giuđa, căn do này là lòng tham của; đối với người Do thái, là thói ghen tương; đối với Philatô, là nỗi sợ hoàng đế, và vì thế, họ đáng bị luận phạt.

2/. Vương quyền của Chúa Giêsu Kitô được tỏ lộ

Việc Chúa Giêsu hầu tòa Philatô hoàn toàn bị vấn đề vương quyền của Chúa Giêsu chi phối: câu hỏi đầu tiên Philatô đặt ra cho Chúa Giêsu là: “ông là vua dân Do thái sao?” (Ga 18,33). Chúa Giêsu đáp: “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” (Ga 18,34); cách trả lời này cho thấy nguyên cớ của câu Philatô hỏi là những luận điệu tố cáo của người Do thái. Philalô không đời nào có ý tưởng bắt Chúa Giêsu và lên án Người chiếm đoạt vương quyền nếu người Do thái không tố cáo. Sở dĩ Philatô phó nộp Chúa Giêsu cho người Do thái, là vì người đã tự xưng là “Vua dân Do thái”.

Họ chế giễu vương quyền mạo nhận của Chúa Giêsu. Binh lính Rôma là những kẻ đầu tiên. Được Philatô ra lệnh, họ đã đánh đòn Người: “Đoạn lính tráng, lấy gai tết một triều thiên đặt trên đầu Người và khoác cho Người một áo choàng đỏ; rồi chúng tiến lại bên Người mà nói: Kính chào vua Do thái, và chúng tát vả Người” (Ga 19,2-3). Màu đỏ là màu của vua, và triều thiên chỉ đội trên đầu vua chúa. Vì Chúa Giêsu đã tự xưng là vua, nên người ta cải trang Người thành vua và nhạo báng Người.

Philatô cũng nhảy vào trò chơi và bổ túc cảnh chế giễu, nhưng ý ông là để nhạo báng người Do thái trong con người vị vua Giêsu. Ông truyền dẫn Chúa Giêsu “đến nơi gọi là Nền đá, tiếng Hipri là Gabbatha” (Ga 19,13). Philatô đặt Chúa Giêsu, mặc áo choàng đỏ và đội triều thiên gai, lên ngồi trên một chiếc ghế tượng trưng ngai tòa, và bảo người Do thái: “Đây là vua các ngươi” (Ga 19,14). Màn nhạo báng quả lên tới tột điểm.

Cuối cùng, sau khi đóng đinh, Philatô cho đặt một tấm biển trên đầu Chúa Giêsu, mang giòng chữ “Giêsu Nadarét, vua dân Do thái” (Ga 19,19). Vua đáng thương hại chừng nào! Là vật khinh khi và đồ phế bỏ của nhân loại, là con người đớn đau và khổ sở như kẻ mà ai thấy phải giấu mặt chẳng dám nhìn. Người đã bị khinh khi và không được đếm xỉa tới (Is 53,3).

Tuy nhiên, cảnh bên ngoài đó lại cho thấy: Chúa Giêsu vẫn chiếm hữu vương quốc của Người như Người quả quyết: “Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian” (Ga 18,36). Thành ngữ này trước tiên có nghĩa là vương quyền của Chúa Kitô không thuộc về hạ giới; nó không đặt cơ sở trên sức mạnh hay bạo lực, không dựa trên một quyền lực trần thế nào, nhưng là “từ trên” xuống (Ga 19,11), từ Thiên Chúa mà thôi.

Thành ngữ này cũng có nghĩa là vương quốc của Chúa Kitô mang tính vĩnh cửu, không tồn tại nơi thế gian chóng qua này (1Ga 2,17). Thành ra để chiếm hữu vương quốc Người, Chúa Kitô cần phải từ giã thế gian hiện tại để đi vào cõi vĩnh hằng, phải “qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha” (Ga 13,1), và như thế phải được “giương cao khỏi đất” (Ga 12,32). Chính khi chịu đóng đinh, Chúa Kitô chiếm hữu vương quốc Người.

Thánh Gioan mặc nhiên nhấn mạnh điều đó. Trước hết ông ghi nhận: địa điểm mà Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa, mặc cẩm bào lố lăng, được gọi là “Gabbatha” (Ga 19,13), tiếng Hipri có nghĩa là “nơi cao”. Dưới con mắt của thánh Gioan, hành động của Philatô không còn là một sự nhạo báng, nhưng đã mặc lấy một giá trị biểu tượng: Chúa Giêsu sẽ là vua nhờ việc “được giương cao”; sự kiện Người ngồi ở một nơi cao trên tòa, ăn vận như vua, tiên trưng việc Người được giương cao và ngồi bên hữu Thiên Chúa (Tv 109,1).

Tiếp đến, tấm biển mà Philatô cho đặt trên đầu Chúa Giêsu chịu đóng đinh: “Giêsu Nadarét, vua dân Do thái” (Ga 19,19) cũng có ý nghĩa tương tự. Chỉ khi được “giương cao” trên thập giá, Chúa Giêsu mới thật sự khai mạc vương quốc của Người; Người kéo lên với Người cả nhân loại, trong lúc Satan bị hạ xuống và sự thống trị của nó trên loài người chấm dứt (Ga 12,31-32).

Đấy là huống cảnh nghịch thường được nhấn mạnh qua các chi tiết mô tả cảnh Chúa Kitô hầu tòa Philatô và chịu đóng đinh thập giá: chính lúc mọi sự đều xem ra không thể cứu vãn theo quan điểm loài người, chính lúc Chúa Giêsu phải hiện ra như một vì vua giả tạo, thì đó là lúc Người bắt đầu thống trị nhờ được “giương cao” trên thập giá.

Chúa Giêsu là vua, đó là điều chắc chắn. Chính để làm vua mà Người đã sinh ra và đã đến trong thế gian. Vương quyền của Người mang lại ý nghĩa cho tất cả cuộc đời Người, cho việc đội mão gai, cho cái chết và cho Giờ mà vì đó Người đã đến (Ga 12,17).

3/. Những ai thuộc về vương quyền Giêsu Kitô-vua?

Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu xin: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, thì Con muốn là Con ở đâu, thì chúng cũng ở đó với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thiên lập địa” (Ga 17,24). Khi qua khỏi thế gian này mà về cùng Cha, Chúa Giêsu như một Môisen mới, kéo theo trong một cuộc Xuất hành mới, tất cả những ai muốn tháp tùng Người (Ga 12,25; 13,1). Một khi “được giương cao khỏi đất”, Chúa Giêsu lôi kéo nhân loại lên với Người (Ga 12,32); Người tụ tập tất cả họ trong nhà Cha (Ga 14,2).

Chúa Kitô thực thi vương quyền qua lời ban sự sống: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha, và để nhờ quyền năng mà Cha đã ban cho Người trên mọi xác phàm, Người ban cho những kẻ Cha đã trao cho Người sự sống vĩnh cửu” (Ga 17,1-2). Qua chữ “xác phàm”, Chúa Giêsu muốn ám chỉ: loài người xét như là “tạo vật” và vì thế phải chịu hư nát trong mộ phần. Thiên Chúa ban họ cho Chúa Kitô, họ thuộc quyền Người, để Người thông ban cho họ sự sống vĩnh cửu, là cuộc chiến thắng trên sự chết, trong vinh quang cánh chung (Ga 17,24).

Thiên Chúa đã đặt mọi sự dưới quyền của Con Ngài để Con ban sự sống cho tất cả. Vương quyền của Chúa Kitô được thể hiện nhờ việc trao ban sự sống cánh chung cho loài người: “Cha yêu mến Con, và đã ban mọi sự trong tay Người. Kẻ nào tin Con sẽ được sự sống vĩnh cửu; còn kẻ từ chối tin Con thì sẽ không thấy sự sống” (Ga 3,35-36).

Phải chăng như vậy con người chỉ trở nên “thần dân” của Chúa Kitô-vua khi họ giã từ cuộc sống hạ giới, đi qua thế gian này để về với Cha? Không, giây phút này chỉ đánh dấu một sự hoàn thành, một sự viên mãn, chứ không phải là một khởi đầu.

Để có sự sống vĩnh cửu, thì ngay từ cuộc sống trần gian này, phải “nghe” tiếng Chúa Kitô, nghĩa là vâng phục Người: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống vĩnh cửu; chúng sẽ chẳng bao giờ bị diệt vong và không ai giữ chúng khỏi tay Ta được” (Ga 10,27-28); chỉ những ai “giữ” lời của Chúa Kitô mới không bao giờ thấy sự chết (Ga 8,51-52). Thành thử Chúa Kitô thi thố vương quyền trên những kẻ sống trong thế gian phù hợp với thánh ý Người, thánh ý được biểu lộ trong giới răn duy nhất: “Các ngươi hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các ngươi” (Ga 13,34-35).

Như vậy, chúng ta đã lãnh nhận, ngay từ đời này, một mầm sự sống thần linh: lời Thiên Chúa (Lc 8,11; 1Pr 1,22-23; 1Ga 3,9), nghĩa là chính Chúa Kitô – Ngôi Lời (Ga 1,12-13). Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu cho chúng ta trên trái đất, và việc chúng ta vượt qua thế gian mà về cùng Cha chỉ là sự “biểu lộ” những gì đang được dấu ẩn trong bí mật thánh thiêng này (1Ga 3,1-2).

Vâng! Vương quyền của Chúa Kitô được thi thố qua việc ban sự sống cho loài người, Chúa Kitô-vua ngay từ bây giờ ngự trị trên chúng ta, nhờ sự sống Người đã ban cho chúng ta. Vương quốc của Chúa Kitô không “thuộc thế gian này” (Ga 18,36), vì là một vương quốc cánh chung, nhưng mầm sống của nó đã được gieo trong tâm hồn chúng ta, chờ ngày chúng ta vượt qua thế gian này mà về cùng Cha trên trời.

home Mục lục Lưu trữ