Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1370781

Ở LẠI VỚI CHÚA TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

Ở LẠI VỚI CHÚA TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

(Suy niệm của Huệ Minh)

Tin Mừng Mc 14: 12 -16.22.26; Với Chúa Giêsu Chúng ta lại thấy nó kì kì… nó khác với mọi người lắm! tại sao Chúa lại không hóa thân làm viên kim cương hay là thành một mảnh vàng hay là thành tiền để lại gọi là của hồi môn cho con cháu. Nhưng mà rồi Chúa Giêsu lại để lại cho trần gian này chỉ với tấm bánh...

Chắc có lẽ, mỗi người chúng ta đã hơn một lần nghe cái câu nói mà người ta có thể là đùa, mà có thể là thật:

Tiền là tiên là Phật,

là sức bật của lò xo.

Là sức đo của loài người.

Là tiếng cười của tuổi trẻ,

là sức khỏe của người già,

là cái đà của Danh Vọng

là cái lộng để che thân,

là cán cân của Công Lý.

Mà quả thật, tiền nó gắn bó với đời sống con người ghê lắm! và ai cũng cần tiền hết. Và chúng ta thấy thường thường:

Cha mẹ đi xa, về già, để lại cho con cháu gia tài là tiền bạc. Có thể quý hơn là vàng, có thể quý hơn nữa là kim cương… Thường thường cha mẹ đi xa, hay chết thì để lại cho con cái mình những thứ đó, gọi là vốn liếng để lại cho con cháu mình.

Với Chúa Giêsu Chúng ta lại thấy nó kì kì… nó khác với mọi người lắm! tại sao Chúa lại không hóa thân làm viên kim cương hay là thành một mảnh vàng hay là thành tiền để lại gọi là của hồi môn cho con cháu. Nhưng mà rồi Chúa Giêsu lại để lại cho trần gian này chỉ với tấm bánh. Với tấm bánh rất là nhỏ bé, rất là bình thường, thế nhưng rồi tấm bánh đó lại mang một chiều kích sâu xa, mang một ý nghĩa rất thiết thực trong đời sống của con người.

Bởi lẽ đơn giản, thịt và máu là hai yếu tố làm nên căn bản thân xác của một con người. Thịt và máu cũng là biểu tượng của sự gắn bó và hết sức tinh tế, hết sức nhạy cảm, hết sức ý nhị;

Trong cái bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể, đồng nghĩa rằng: Chúa Giêsu đã làm cho bánh trở nên thịt của Ngài và rượu trở nên máu của Ngài. Và chúng ta vẫn thường gọi đó là bí tích tình yêu, bí tích cao siêu. Chúa Giêsu muốn ở lại với nhân loại với con người, để Ngài cùng với con người chịu đựng cái kiếp người.

Và đặc biệt hơn nữa, qua cái bí tích Thánh Thể, qua cái Bí tích tình yêu này, Chúa cho phép con người được gắn bó với Chúa hơn. Nhờ vào việc con người ăn và uống thịt máu Người, chính là lương thực thần linh để vừa ban sức sống thiêng liêng cho con người ở tại thế, khi Giêsu đã về trời; và vừa bảo đảm cho họ có sự sống đời đời.

Và chúng ta thấy hình ảnh của Tấm Bánh Giêsu đã được loan báo ở trong Cựu Ước. Khi dân đi trong sa mạc đói khát manna chính là hình ảnh của bí tích Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly.

Nếu như người Do Thái còn in đậm trong trí nhớ phép lạ manna, thì Chúa Giêsu quả quyết với họ rằng chính là Chúa Cha ban cho họ lương thực huyền nhiệm đó.

Đồng thời Chúa cũng nêu lên sự khác biệt giữa manna và Bí Tích Thánh Thể. Manna chỉ là lương thực để nuôi dưỡng thân xác, còn Thánh Thể chính là lương thực thần liêng để mà nuôi sống tâm hồn. Manna là lương thực của đời này, mau qua chống tàn, còn Thánh Thể thì bảo đảm cho con người được sự sống đời sau.

Và rồi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cưu mang dân của Ngài và dẫn dân ra khỏi Ai Cập. Để chứng tỏ lòng thành tín của Chúa đối với dân, thì Chúa đã ban Bánh Thiên Chúa làm của ăn cho dân (Xh 16, 16)

Không chỉ làm lương thực đi đường, mà còn qua miệng của Môsê Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại, cho con cái của ngài một thông điệp là Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa đã cho mưa manna từ trời xuống mỗi ngày, để cha ông họ ăn được thỏa thích. Và đó là lý do mà tại sao người ta nói là: “bánh Thiên thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77, 25)

Và rồi, dẫu rằng manna từ trời xuống nuôi dân trong sa mạc hay bánh Thiên thần mang đến cho Elia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm 40 năm nữa... Nhưng rồi những thứ bánh đó cũng qua đi. Và những kẻ ăn cũng phải đói và phải khát.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta, bánh bởi trời xuống chính là Chúa. Chúa đã đến trong trần gian này, để làm no thỏa cái đói tinh thần của con người. Ai ăn chính Người sẽ được sống muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời. Chính Ngài đã xác nhận: “TA là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.”

Thật hạnh phúc, khi mà người Kitô Hữu chúng ta đặc biệt hơn các tôn giáo khác, khi họ tham dự nghi lễ của họ thì họ ra về tay không, còn mỗi người chúng ta khi tham dự thánh lễ chúng ta được cùng ăn, cùng uống: Thịt và Máu Chúa.

Và cái dấu chỉ Mình và Máu Chúa, cho chúng ta thấy cái dấu chỉ của sự hiệp nhất, sự yêu thương. Hiệp nhất với nhau như là máu với thịt.

Mối hiệp thông này có 2 chiều kích, hiệp thông này có chiều dọc, và hiệp thông này có chiều ngang.

Hiệp thông này có chiều dọc đó là gắn bó với Chúa Giêsu để nhờ Người mà ta gặp được Chúa Cha.

Hiệp thông với chiều ngang đó là chúng ta cảm thông, chúng ta liên đới với anh chị em đồng loại của chúng ta. Và đặc biệt, thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô ngài nhắc rằng:

“Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta cùng chia sẻ tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, nhưng chúng ta chỉ là một thân thể” . Qua hình ảnh một thân thể, vị tông đồ muốn nhắc chúng ta sống liên kết và yêu thương với nhau trong cùng một Tấm Bánh Giêsu. Lương thực ấy, kết hợp chúng ta thành một thân thể là Giáo Hội.

Và đặc biệt người Việt Nam chúng ta nói: «Máu chảy ruột mềm». Hình ảnh này muốn nói lên tình tương thân, tương ái giữa mọi thành phần trong Hội thánh với nhau. Và vươn cao hơn nữa, xa hơn nữa, rộng hơn nữa đó là tình đồng loại để cứu giúp những ai hoạn nạn khổ đau.

Và rồi Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được lãnh nhận nơi CHÚA đó. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, cũng trở nên tấm bánh như mọi người, như Chúa Giêsu; nghĩa là chúng ta phục vụ và yêu thương anh chị em đồng loại.

Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên bánh cho vợ của mình. Hãy trở nên bánh cho chồng của mình. Hãy nên bánh cho con của mình, và hãy nên bánh cho cha mẹ của mình.

Không cần đi làm bác ái ở đâu xa! không cần đi làm từ thiện ở đâu xa cả! Ngay trong chính gia đình của chúng ta.

Có khi chúng ta sống với một người mẹ cô đơn, đau khổ nhưng chúng ta có bao giờ biết rằng mẹ của chúng ta cô đơn?

Có khi chúng ta sống với một người bố trong nhà, trầm cảm, bởi vì bố không có khả năng lao động, bởi vì bố không có khả năng làm việc. Nhưng mà ta có cảm thức được sự cô đơn trầm cảm của bố, để sẻ chia yêu thương bố mình hay không?

Hay ngay trong gia đình của chúng ta có đứa em, nó bị khuyết tật, nó bị thiểu năng . Nó cần cái sự chung chia, nó cần cái tình thương của chúng ta lắm! Nhưng rồi chúng ta đã không cảm nhận được cái tình thương đó, và chia sẻ cho người thân trong gia đình của chúng ta.

Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được biến đổi, được kết hợp với Đức Kitô và được biến đổi nên một với Đức Kitô. Sống cái tình yêu đó, và để tình yêu đó, được sống động trong cuộc đời của chúng ta.

Tình yêu mà Chúa mời gọi thiết thực nhất, là chúng ta cũng phải trở nên TẤM Bánh cho anh chị em đồng loại của chúng ta.

Đặc biệt, chúng ta thấy ngày 19 tháng 11 năm 2017, Đức thánh cha Phanxicô đã khởi xướng ngày Thế giới người nghèo lần thứ I và chính Ngài đã mở tiệc để mời những người nghèo. Và nhiều giáo phận khác trong đất nước Việt Nam của chúng ta, cũng hưởng ứng cái lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để mà mở tiệc chia sẻ với những người nghèo. Và rồi Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn từ của ngài, ngài nói rằng: chính người nghèo là thẻ thông hành thiên đàng’ của chúng ta .

Xung quanh chúng ta có thể là người nghèo vật chất, nhưng cũng có thể là người nghèo về tinh thần. Có thể người nghèo về niềm tin. Mà chúng ta là những người may mắn hơn, có thể chúng ta đầy đủ hơn người khác, chúng ta khá hơn người khác. Nhưng mà liệu rằng chúng ta có mở mắt ra để nhìn ra người nghèo ngay trước mắt chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta.

Chúng ta được mời gọi để sẻ chia, để mà chung chia với những người nghèo khổ xung quanh chúng ta. Có thể chỉ bằng một lời nói yêu thương, có thể bằng một lời cầu nguyện. Hay là thiết thực nhất chúng ta có thể chia sẻ một bữa ăn nho nhỏ cùng với những người nghèo chung quanh chúng ta. Có khi chúng ta đi ăn tiệc, chúng ta gặp phải những con người nghèo lê lết bán vé số, xin ăn nhưng mà chúng ta vẫn làm ngơ. Bởi vì chúng ta không cảm thương được người nghèo.

Nói tới đây, con lại nhớ tới cái câu chuyện rất là buồn cười. Nhiều khi mình xài tiền nó buồn cười lắm! Đi vào nhà hàng ăn 5,7 trăm, 1 triệu dư 3, 4 chục ngàn, làm như sang lắm! không lấy lại, bỏ qua. Còn khi đi mua đồ, cái món gì đó, có nhiều khi nó chỉ là vài ngàn đồng thôi, mà mình lại bớt xén với những cái người buôn gánh bán bưng đó! Nhiều khi cái cảnh đó thấy rất nghịch lý và rất là buồn cười.

Bớt đi, bớt đi cái tính toán, bớt đi cái thiệt hơn.

Nhiều khi ăn uống xa hoa phú quý thừa mứa rồi cũng chẳng có ngại rằng là tiền dư tiền thối 5, 7 chục. nhưng mà đối với người nghèo trả giá với họ có đôi khi vài đồng bạc, vài ngàn bạc .

Chúng ta sống yêu thương, chúng ta sống bác ái đi. Những người buôn gánh bán bưng , họ nghèo, họ vất vả lê ở ngoài đường, họ đi kiếm cơm mà trong khi đó, chúng ta cũng hẹp hòi với họ lắm!

Đó là cái nghĩa cử rất là gần với cuộc đời của chúng ta những việc làm rất thật và rất gần với chúng ta.

Chúa Mời gọi chúng ta hãy yêu thương người nghèo. Chúng ta hãy trở nên tấm bánh cho người, khi mà chúng ta càng chia sẻ chúng ta lại càng thấy mình được hạnh phúc.

Có một gia đình kia, trong ngày thế giới người nghèo, hai vợ chồng 3 đứa con dẫn nhau đi xuống thăm mấy cái mái ấm nghèo ở Củ Chi. Tối về anh ta mới nói rằng là: Ồ, khi mà chúng con đưa cho con cái chúng con đi thăm người nghèo. Chúng con cảm thấy mình hạnh phúc hơn, được may mắn hơn, được chia sẻ hơn. Thế đó, tất cả những cái kinh nghiệm sống trong cuộc đời của chúng ta, khi chúng ta biết cho đi như Chúa Giêsu TẤM bánh đã để cho mọi người đến, và mọi người ăn trên cái cuộc đời của Chúa Giêsu, để rồi cảm nhận được cái tình yêu Giêsu đó! Và mang chung chia cái tình yêu đó cho những người chúng ta gặp gỡ.

Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Xin cho chúng ta cảm nghiệm được tính chất thiêng liêng và lương thực thần linh nơi Bí Tích Thánh Thể.

Để mỗi ngày mỗi ngày cố gắng chúng ta đến tham dự thánh lễ , chúng ta rước Chúa vào trong cuộc đời của chúng ta. Và khi chúng ta với Chúa nơi một thì cuộc đời của chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng lắm! Khi chúng ta với Chúa thành một rồi, thì tất cả mọi chuyện của ta đều là của Chúa, mọi chuyện của Chúa đều là của ta.

Và khi đó ta lại được mời gọi lên đường sống, loan báo Tin Mừng tình yêu, bằng cách chung chia hy sinh cho vợ, hy sinh cho chồng, hy sinh cho con. Và đặc biệt, cứ về nhà suy nghĩ đi! Khi chúng ta sống, chúng ta biết sẽ chia, chúng ta cho những người xung quanh chúng ta, thì khi ấy chúng ta lại nhận lại nhiều hơn, nhận lại tình thương của Chúa nhiều hơn.

Xin Chúa đến và ở lại với chúng ta, xin cho chúng ta luôn luôn kết hợp với Đức Giêsu Kitô, trong Bí tích Thánh Thể để chúng ta được nên một với Chúa. Và khi nên một với Chúa, chúng ta cảm thấy cuộc đời của chúng ta thư thái và bình an. Amen.

 

2. Giao Ước Tình Yêu

(Suy niệm của Huệ Minh)

Nhớ lại trong lịch sử cứu độ, thì các lễ hy sinh đền tội là việc sát tế, hiến tế và lễ toàn thiêu được dân dâng lên Thiên Chúa. Tất cả các lễ dân dâng lên Thiên Chúa bằng máu chiên bò chỉ là lễ phẩm chứ không thể nào xóa hết tội lỗi của dân được.

Duy nhất chỉ có sự hiến tế chính Con Một của Thiên Chúa mới thật sự là lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Ta vẫn biết máu chính là nguồn của sự sống. Nếu cơ thể của ta thiếu máu hay máu của ta bị lỗi thì sự sống trong ta sẽ yếu ớt hay sẽ không còn nữa.

Máu của Đức Kitô hiến dâng trên thập giá dù chỉ một lần là đủ cho tất cả công trình cứu độ. Thư gởi tín hữu Do thái viết đã xác tín điều này: Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta (Dt 9,12).

Ta con nhớ của lễ hy sinh mà Thiên Chúa đòi hỏi tổ phụ Abraham là hiến dâng mạng sống chính con một của mình. Của lễ hiến dâng này không phải để đền tội, nhưng để tỏ lòng tin tưởng, lòng tín thác vào Thiên Chúa duy nhất ma ông tin nhận.

Đáp lại lòng tin vào Thiên Chúa, ông Abraham đã tuyệt đối vâng lời và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông Abraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi (St 22, 6).

Có lẽ, lòng tin của Abraham là một lòng tin hết sức đặc biệt. Đến ngày giờ đã được chỉ định, ông và con trai lên đường dâng tiến lễ hy sinh cho Thiên Chúa. Của lễ dâng chính là đứa con trai duy nhất. Ông đã không từ khước đứa con thừa tự yêu quí. Abraham đã dám hy sinh sát tế con của mình. Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt len bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình (St 22, 9-10).

Không còn gì để thử thách lòng tin quá chân thành của ông, Thiên Chúa đã tha chết cho đứa con yêu. Đứng trước lòng tin như vay, Thiên Chúa đã chọn ông làm tổ phụ của tất cả những kẻ tin.

Nhìn lại những lễ nghi của người Do-thái, các Thượng Tế và Thầy Cả đại diện dân giết các con vật làm lễ hiến dâng để đền tội. Vì giá máu là giá của mang sống. Mạng sống của các con vật được dùng để thế mạng sống cho con người. Sách Lêvi đã dậy rằng: Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống (Lv 17, 11).

Thật thế, ta thấy máu là của lễ hiến tế tinh tuyền, nên sách Đệ Nhị Luật dạy rằng không nên ăn tiết cùng với thịt con vật: Tuy nhiên, anh em phải nhất quyết không ăn tiết, vì máu là mạng sống, và anh em không được ăn mạng sống cùng với thịt (Đnl 12, 23).

Và rồi, ta thấy máu là biểu tượng của sự cứu độ và hy sinh.

Trong ngày Lễ Vượt Qua, Thiên Chúa đã cứu dan Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập. Môisen đã ra lệnh cho mỗi gia đình chuẩn bị một con chiên tinh tuyền để sát tế. Máu của chiên sẽ được bôi lên cửa để làm dấu. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, roi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên (Xh 12,6-7).

Dấu chỉ của sự cứu thoát chính là máu được bôi trên các khung cửa. Khung cửa nhà nào có dấu vết máu, thiên thần của Chúa sẽ vượt qua và không sát hại con trai đầu lòng. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập (Xh 12, 13). Máu vượt qua là giao ước Chúa đã lập để đánh dấu sự giải thoát.

Ta nhớ lại hành trình trong hoang địa cũng như khi đã về miền Đất hứa, dân Do Thái tiếp tục tưởng nhơ ngày Thiên Chúa đã đoái thương cứu họ khỏi thân phận nô lệ.

Để ghi nhớ ngày được giải thoát, dân đã cử hành nghi thức giết chiên và lấy máu rẩy trên dân chúng để thanh tẩy được truyền lại từ đời này tới đời kia:Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."(Xh 24, 8).

Và rồi đến thời Chúa Giêsu, các thầy thượng tế vẫn tiếp tục nghi thức giết chiên bò làm hy lễ đền tội. Họ buôn bán chiên bò, đổi chác tiền bạc ngay nơi tiền đình. Họ đã lạm dụng đánh đổi giá cả và làm ô uế nơi cầu nguyện: Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2, 15).

Ta vẫn thấy tiếp nối truyền thống của dân Do-thái, Chúa Giêsu đã lập giao ước mới qua chính máu của Ngài. Chúa không dùng máu chiên bò để hiến tế mà dùng máu thịt của chính mình làm của ăn, của uống và là lễ hy tế đền tội cho nhân loại: Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình (Ga 6,53).

Và, Chúa Giêsu còn hứa ban cho những ai ăn và uống Máu của Ngài sẽ có sự sống đời đời: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga. 6,54-55).

Làm thế nào Chúa Giêsu có thể lấy thịt máu mình mà nuôi dưỡng mọi người. Chúa Giêsu đã chọn cách thế tuyệt hảo nhất là dùng bánh và rượu hiến dâng và thánh hiến trở thành Máu và Thịt của Ngài.

Ắt hẳn chúng ta không thể nào quên được rằng Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa nhập thể.

Trong bữa cuối cùng với các môn đệ, chính Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Chúa: Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26,27-28).

Máu Châu Báu của Chúa không chỉ nuôi dưỡng linh hồn và thần trí của chúng ta, mà còn có hiệu lực tha tội và ban ơn cứu độ. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đã viết: Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Ep 1,7).

Trong giây phút cầu nguyện trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu đã van xin cùng Chúa Cha rằng nếu Cha muốn thì Cha có quyền và có thể cất chén này. Nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã lãnh chịu tất cả hình khổ để đi trọn con đường cứu rỗi. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."(Mt 26, 42).

Tuyệt đỉnh của lễ đền tội là Chúa Giêsu đã hiến chính mạng sống mình trên thánh giá. Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng để hòan tất hy le hiến dâng.

Chúa Giêsu hiến mình chịu chết giang tay trên thập giá để đền tội cho nhân loại. Chúa đã hòa giải và nối kết giữa trời và đất. Chúng ta biết tội nguyên tổ đã đánh mất nguồn ân sủng siêu nhiên và biến mọi người thành tội nhân. Chính nhờ máu Châu Báu của Chúa giao hòa giúp chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhơ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm 5, 19).

Sự hòa giải này phải trả bằng giá máu.

Ta thấy, không ai có thể thay thế của lễ hy sinh đền tội này. Duy chỉ có Con Thiên Chúa nhập thể đền thay tội lỗi của nhân loại.Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật tren trời (Cl 1, 20).

Thư gửi Do Thái đã so sánh rằng máu dê bò rẩy trên mình có thể thánh hóa con người nên trong sạch: Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch (Dt 9,13).

Vậy Máu Thánh của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá có hiệu lực tuyệt đối, sẽ xóa sạch mọi lỗi lầm và ban cho chúng ta có sự sống đời đời: Thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (Dt 9, 14).

Thư gửi tín hữu Do-thái đã tóm tắt tất cả hiệu qủa của lễ toàn thiêu và hiến tế, duy chỉ có hy lễ của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ muôn đời: Thật the, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (Dt 10, 4-7).

Một giao ước tình yêu, một giao ước cứu độ được chính Chúa Giêsu thiết lập để cứu độ con người, để đem con người hư mất về cho Thiên Chúa.

Từ ngày ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, ta được ghi dấu ấn của tình yêu Ba Ngôi trên cuộc đời ta và đặc biệt khi ta được đón nhận Mình và Máu của Chúa vào trong đời ta qua bí tích Thánh Thể. Ước gì dòng máu của Chúa Giêsu - dòng máu của yêu thương đi vào trong cuộc đời ta để ta ngày mỗi ngày kết hiệp mật thiết với Chúa hơn và sống trọn vẹn giao ước tình yêu với Chúa và với anh chị em đồng loại hơn.

 

3. Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta đến tình yêu của Ba Ngôi đối với chúng ta. Lễ Mình và Máu Thánh Chúa đưa chúng ta vào tận chiều sâu của tình yêu đó. Tình yêu đã chấp nhận trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Một điều kỳ diệu không thể hiểu được. Nhưng trước khi là của ăn, Chúa Giêsu là một của lễ.

Những bài Kinh Thánh chúng ta nghe đọc hôm nay đều nhắc đến Máu Giao Ước. Bài trích sách Xuất Hành nhắc đến Máu Giao Ước trên núi Xinai. Bài trích thư Do thái cũng nhắc đến máu Chúa đổ ra, hiệu lực hơn máu chiên bò: “Máu của Chúa thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”. Tất cả các bài tường thuật của các thánh sử cũng đều nói đến Mình thầy sẽ bị nộp, Máu Thầy sẽ đổ ra…

Điều đó cho chúng ta thấy Thánh Thể trước tiên là một hy tế cứu chuộc. Trước khi là của ăn, Thánh Thể mang một chiều kích lớn và quan trọng hơn, đó là chiều kích hiến tế.

Tường thuật của thánh Maccô quá ngắn gọn không ghi đủ lời truyền phép của Chúa, nhưng nhấn mạnh đến tính cách hy tế của phép Thánh Thể. Khi trao chén. Maccô chỉ nói vắn tắt: “Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước đổ ra vì muôn người”. Và Ngài thêm: “ Thầy bảo thật anh em, chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nầy nữa cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Chúa muốn nói gì?

Chắc hẳn Ngài muốn nói đến cái chết của Ngài đang gần kề và cũng muốn nói đến ngày chung thẩm khi Ngài đến lại trong vinh quang.

Chúng ta cũng thấy trong các lời tường thuật của các thánh sử, những cử chỉ của Chúa được kể lại một cách hết sức trang trọng và tỉ mỉ: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông…” “Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông…” Tại sao lại tỉ mỉ như thế, đang lúc những cử chỉ nầy là những cử chỉ thông thường của một ông chủ gia đình Do thái trong bữa ăn?

Những cử chỉ thông thường và hằng ngày nầy hôm nay mang một tầm vóc khác, là tầm vóc hy tế. Đây là động tác của một tư tế trên bàn thờ. Giây phút đó, Chúa Giêsu được nhìn dưới khía cạnh tư tế. Ngài là tư tế và là của lễ: “Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp. Đây là chén Máu Thầy sẽ đổ ra”.

Mình và Máu ở đây không chỉ là một phần mà là toàn vẹn con người. Ngài đã nói đến cái chết đau đớn đang chờ đợi Ngài. Nơi bàn Tiệc Ly, Ngài đã chết rồi trước khi chịu treo trên thập giá. Thánh Gioan-Phaolô II gọi “Thánh Thể là mầu nhiệm vô biên, mầu nhiệm của lòng thương xót. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy thực sự một tình yêu “đến tận cùng”, một tình yêu không còn ranh giới”.

Thánh Thể cũng là một hy tế, vì Chúa Giêsu dâng mình cho Cha Ngài, vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Nhờ đó, chúng ta được cứu thoát.

Thánh Thể là một hy tế, nhưng đồng thời là một của ăn. Chúa Giêsu đã muốn như thế. Ngài đã dùng một tấm bánh, một chút rượu nho và biến chúng thành thịt máu Ngài. Ngài dùng một thực thể vật chất để biến nó thành một thực thể thiêng liêng. Thật kỳ diệu! Chỉ có Thiên Chúa toàn năng mới làm được một việc lạ lùng như thế. Thánh Thể có thể nói là chóp đỉnh của quyền năng Thiên Chúa. Ngài không thể làm một việc gì lạ lùng hơn. Chúng ta có hiểu được không?

Đứng trước điều huyền diệu ấy, chúng ta chỉ có một cách là tôn thờ. Chúa làm công việc nầy để làm gì? Chỉ vì yêu thương chúng ta. Có ai yêu chúng ta và có thể làm được một điều huyền diệu như thế không? Và điều đó không thể gọi bằng từ gì khác mà chỉ gọi là tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu đến như thế vì Ngài chính là Tình Yêu.

Tại sao Ngài muốn trở thành của ăn? Khi chúng ta ăn lấy Chúa, chúng ta nghĩ gì? Có những người ăn lấy Chúa như ăn một miếng bánh mà không hiểu biết gì. Chắc chúng ta không đến nỗi vô tâm như thế, nhưng chúng ta có thực sự biết mình làm gì khi nhận lấy Chúa trong môi miệng chúng ta, trong thân xác chúng ta?

Chúng ta ăn lấy Chúa chúng ta! Thiên Chúa toàn năng đã thành một của ăn! Làm sao có thể hiểu được? Chúng ta chỉ tin thôi, tin tuyệt đối. Chúa đã trở thành nhỏ bé đến độ chỉ còn là một tấm bánh! Đây là một thử thách cho đức tin, đồng thời cũng là một hồng ân vô giá.

Cứ vững tin vì đây là một hành động của Thiên Chúa toàn năng. Ngài làm những điều mà chúng ta không thể hiểu được. Dù xác thịt chúng ta cảm thấy khó tin, tinh thần chúng ta vẫn kiên vững. Xin Chúa giúp chúng ta khám phá ra kho tàng tình yêu vô giá chứa đựng trong tấm bánh nhỏ đó.

Chính Chúa đã có sáng kiến dùng miếng bánh và rượu nho để thực hiện ý định tình yêu của Ngài. Ngài muốn yêu chúng ta đến tận cùng, đến nỗi không ai có thể yêu như Ngài được, nghĩa là nên một xương một thịt với chúng ta. Điều mà tình yêu loài người vẫn ước mơ mà không thể thực hiện: “Ai ăn mình Ta và uống máu Ta, người ấy sống trong Ta và Ta sống trong người ấy”. Ngài muốn sống trong mọi người để yêu mến Cha Ngài trong mọi người, để mọi người yêu mến Cha Ngài như Ngài. Ngài muốn tiếp tục làm việc, phục vụ và đau khổ trong mỗi người chúng ta, sống cuộc sống trần thế của chúng ta, để chúng ta hoàn toàn là một với Ngài như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống , nhưng không phải tôi mà là Chúa Giêsu sống trong tôi”. Ăn lấy Ngài là trở nên một Giêsu mới. Điều nầy không chỉ là một mộng mơ mà là một thực tế. Thánh Phaolô và tất cả các thánh đã thành những Giêsu mới giữa trần gian. Các ngài đã sống mầu nhiệm Thánh Thể đến mức tối đa. Ăn lấy Chúa, chúng ta được thần hóa, hay đúng hơn được Kitô hóa mà chúng ta không hay biết. Phải liên lỉ kết hợp với Ngài, hành động như Ngài, yêu mến như Ngài.

Hơn nữa Chúa Giêsu muốn biến chúng ta thành thân thể của Ngài. Ngài sống trong mọi người và mọi người sống trong Ngài. Như thế, chúng ta trở thành Chúa Giêsu Toàn Thể là Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một nhóm người liên kết với nhau bằng một dây liên kết nào đó, mà là Thân Thể Chúa Kitô, và mỗi người chúng ta là một thành phần. Thánh Thể biến chúng ta thành chi thể của Chúa.

Chúng ta ăn lấy Chúa là để nên một với Ngài thì đồng thời chúng ta cũng nên một với anh em. Bác ái Kitô giáo bắt nguồn từ đó. Chúng ta không xem người khác là một đối thủ hay một người xa lạ, mà là thành phần của Chúa Giêsu. Yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nghĩ đến Ngài mà nghĩ đến mọi người, chúng ta mới đủ can đảm yêu thương, phục vụ. Đó là ước muốn thâm sâu của Chúa. Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho họ nên một như Cha với Con là một”. Điều đó Ngài đã thực hiện bằng chính thịt máu Ngài, bằng cách trở nên của ăn cho chúng ta.

Nhưng chúng ta có thực hiện được ước mơ của Ngài không? Chúng ta vẫn còn ươn ái, chưa biết yêu thương. Chúng ta chưa cố gắng đủ. Vì thế, chúng ta càng phải ăn lấy Chúa thường xuyên, phải tự nuôi mình bằng của ăn thần linh đó vì chúng ta cần được thanh tẩy, được nâng đỡ và đổi mới để từ từ thực hiện ước mơ tình yêu của Ngài.

Hôm nay, chúng ta sẽ ăn Chúa với những tâm tình nào? Tình yêu Chúa đã quá rõ, chỉ có chúng ta không đáp lại với tất cả thiện chí thôi. Chúng ta vẫn còn thiếu sót. Xin Chúa giúp chúng ta càng ngày càng ý thức hơn và đáp trả một cách nhiệt tình hơn. Tình yêu chỉ đáp trả bằng tình yêu. Ăn lấy Ngài, chúng ta nguyện sống với Ngài mật thiết hơn, đậm đà hơn để công ơn Ngài không trở nên vô hiệu.

 

4. Bàn tiệc Thánh Thể

Tin Mừng thuật lại một bữa ăn. Đó là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu, được gọi là bữa Tiệc Ly, lại đúng vào tiệc Vượt qua, kỷ niệm biến cố Chúa giải thoát Israel ra khỏi đất Ai Cập. Trong đời thường, chúng ta đã từng ăn uống. Cơm nhà cơm khách, ăn cưới ăn giỗ. Ăn với gia đình hoặc vò võ một mình, cơm hàng cháo chợ. Cỗ bàn thịnh soạn hay dưa mắm cho qua bữa.

Chúa Giêsu cũng đã ăn uống. Ngài dự tiệc cưới tại Cana. Ngài nhận lời đến ăn cơm tại nhà Matthêu và Giakêu. Ngài dùng bữa với chị em Maria, Martha và Lagiarô tại Bêtania. Và chắc chắn Ngài cũng ngồi ăn với dân chúng trong biến cố bánh hoá nhiều. Tất nhiên, Ngài cũng thường xuyên ăn uống với nhóm 12. Và thậm chí, Ngài còn dùng bữa với những kẻ tội lỗi, khiến cho bọn biệt phái phải lên tiếng: Tại sao thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và phường tội lỗi như vậy.

Ăn để nuôi thân. Cơm rau cá thịt bồi bổ thân xác, tạo sinh lực. Và hơn thế nữa, bữa ăn còn là dịp để gặp gỡ, cảm thông và chia sẻ tâm tình như ăn cưới, ăn khao hay để tưởng nhớ một người đã khuất như ăn giỗ. Trong bữa ăn, thân xác tiếp nhận thực phẩm, còn tinh thần được hưởng niềm vui hội ngộ: cha mẹ con cái gặp nhau, họ hàng bè bạn gặp nhau. Có thức ăn được bày biện cụ thể trên mâm, nhưng cũng có thức ăn vô hình là những vui buồn được mọi người chia sẻ, cảm thông. Và như thế, bữa ăn nào cũng có hai loại thực phẩm. Hữu hình và vô hình. Hữu hình đó là cơm rau cá thịt. Còn vô hình đó là những nỗi niềm, những cảm xúc, những kỷ niệm.

Trong bữa Tiệc Ly cũng có hai loại thức ăn. Thức ăn hưu hình là một ít rau, một ít bánh không men và một ít rượu. Còn thức ăn vô hình đó là kỷ niệm về cuộc vượt qua khỏi kiếp sống nô lệ của dân Do Thái, là giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài, là ký ức về những tháng ngày Chúa Giêsu sống với các môn đệ; là niềm cay đắng khi biết có một môn đệ phải bội Ngài, là cuộc vượt qua do chính Ngài thực hiện qua cái chết.

Mọi bữa ăn trước đây, Ngài đã ngồi đồng bàn và trở thành đồng bạn. Đồng bàn vì cùng ăn uống những thực phẩm được dọn ra. Đồng bạn vì Ngài cùng hiệp thông và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của họ. Còn trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đồng bàn với nhóm 12 và trở nên bạn hữu của họ. Và hơn thế nữa còn trở nên kẻ hầu người hạ khi cúi xuống rửa chân cho họ.

Tình yêu vào giây phút ly biệt này đã thôi thúc Ngài đưa ra lời cam kết bằng chính mạng sống của Ngài, mạng sống của Thiên Chúa làm người. Lời cam kết này được biểu lộ bằng máu sẽ đổ ra ngày hôm sau trên đỉnh đồi Canvê. Đồng thời qua bữa tiệc này Ngài còn bày tỏ ước nguyện của mình: Đó là Ngài sẽ vượt qua mọi giới hạn của thân phận con người để đi vào cõi sâu xa bên trong hầu thông truyền cho con người sự sống của Thiên Chúa bằng cách cho con người được ăn và uống Thiên Chúa.

Như thế con người được nuôi dưỡng bằng chính sự sống của Thiên Chúa. Được Thiên Chúa nuôi dưỡng, con người sẽ đi vào cuộc sống của Thiên Chúa. Ăn uống là để được nuôi dưỡng và gặp gỡ. Cũng vậy nơi bàn tiệc Thánh Thể, Thiên Chúa cũng nuôi dưỡng và gặp gỡ chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống bằng chính cuộc sống của Thiên Chúa.

 

5. Thánh Thể cứu sống, giao hòa và tha thứ

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Năm 1263, một linh mục người Đức cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ kính Thánh Christiana. Lúc bẻ bánh, đột nhiên, linh mục thấy Mình Thánh không còn là hình bánh, mà đã biến thành Thịt và Máu thật. Những giọt máu loang ra thấm ướt tấm khăn Thánh trên bàn thờ. Linh mục vội gấp khăn lại, nhưng gấp tới đâu máu thấm ra tới đó, máu thấm qua 25 lần vải. Vị linh mục vừa cảm động vừa sợ hãi đến mức không tiếp tục Thánh Lễ được. Ngài tới yết kiến Đức Giáo Hoàng Urbanô và kể lại sự kiện ấy. Đức Giáo Hoàng sai một Giám Mục đến rước Mình Thánh cùng tấm khăn đẫm máu về Tòa Thánh đặt ở nhà thờ chánh tòa cho giáo dân thờ kính. Năm sau (1264), vào ngày mồng 8 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Urbanô ra sắc dụ lập lễ kính MÌNH MÁU THÁNH CHÚA trong toàn Giáo Hội như chúng ta mừng kính hôm nay.

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu con người sẽ khó sống. Cho nên, nên khi thiếu máu nhiều cần phải truyền máu từ người khác vào. Vì vậy, mỗi khi cho máu, hiến máu là đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Cho nên, câu khẩu hiệu của chương trình hiếu máu nhân đạo: MỘT GIỌT MÁU CHO ĐI MỘT CUỘC ĐỜI GIỮ LẠI. Thế nhưng, Đức Kitô hôm nay không chỉ hiến máu mà còn cả thân mình Ngài cho chúng ta để cứu sống và làm cho đời sống ta dồi dào phong phú, để tha tội và để giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau.

Trước hết, để cứu sống. Sách Xuất Hành kể rằng để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, hể thấy nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ vượt qua. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái giết chiên mừng lễ, và gọi là lễ Vượt Qua (cái chết). Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi. Vì chưng, Chúa đã khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,53-56). Vì vậy, khi cử hành bất cứ thánh lễ nào, Hội Thánh mời gọi và mong muốn mọi tín hữu cần rước Mình Máu Thánh Chúa là vậy. Và nếu ai không đến tham dự thánh lễ được thì thừa tác viên Thánh Thể đưa Mình Thánh Chúa cho bênh nhân, ngược lại, bênh nhân cần rước Mình Thánh Chúa như của Ăn Đàng, vì “Ai ăn thịt và uống máu Chúa, thì ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong người ấy”, cần là vậy!

Thứ hai, để được giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa và trở nên anh chị em với nhau. Cho nên, bài đọc 2, thư Do Thái quả quyết rằng: “Nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”.

Cuối cùng, ăn thịt và uống Máu Chúa Giêsu để tha tội được. Thời cựu ước, khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên Chúa. Thầy cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì chưng Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta. Cho nên, Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng rước lễ được những ơn ích này: Một là được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu hơn, và củng cố sự hiệp nhất trong Nhiệm Thể Người. * Hai là xoá bỏ tội nhẹ và giúp ta xa lánh tội trọng. * Ba là cảm mến và ước ao đạt tới hạnh phúc Thiên Đàng.

Nhân loại hôm nay đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau vì cuộc sống kinh tế, hưởng thụ. Cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình hay giáo xứ chúng ta cũng không thiếu những ích kỷ, genh ghét gây nhiều nỗi bất hòa và chia rẽ vì thiếu Lời Chúa và Mình Máu Thánh Ngài. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa để được trở nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tư tưởng, lời nói và hành động đầy nhân ái đối với mọi người. Amen.

 

6. Chúa Giêsu trao ban sự sống

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)

Có một vị linh mục, khi được chọn và gọi để tiến lên bàn thánh, ngài đã chọn cho mình câu khẩu hiệu: “Cầm lấy mà ăn”. Trong bài giảng lễ tạ ơn, vị giảng lễ luôn tập trung vào hành động bẻ ra, trao ban của Chúa Giêsu để muốn nói lên một điều quan trọng, đó là: linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, là tấm bánh tình yêu được chia sẻ cho mọi người. Tấm bánh ấy chính là sự cầu nguyện, hy sinh và chấp nhận tiêu hao sức khỏe, khả năng khi thi hành sứ vụ linh mục của mình cho con chiên đã được trao phó.

Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử nhân lành, đã hiến mạng sống vì đàn chiên, đã trở nên của ăn thiêng liêng nuôi sống con người. Đây là một chân lý vô cùng cao trọng trong đời sống của người Tín Hữu Kitô.

1. Chúa Giêsu trao ban chính sự sống của Ngài

“Này là Mình Thầy....Này là chén Máu Thầy”. Đây là lời thật sự đầy xúc động, tâm huyết trong bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi trao hiến thân mình trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại.

Khi tuyên bố: “Này là Mình Thầy....Này là chén Máu Thầy”. Chúa Giêsu đã thực sự trao ban chính sự sống của Ngài cho nhân loại. Ngài đã cho và cho đi tất cả. Đó là một tình yêu tròn đầy, tuyệt đối, trọn vẹn và dứt khoát của một Vị Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Trao ban một lần nhưng đến cùng. Cái "cùng" này của Thiên Chúa chính là “vô cùng”, nên một lần trao ban là ban mãi mãi. Lời tuyên bố: “Này là Mình Thầy....Này là chén Máu Thầy” là một bảo chứng cho một tình yêu vĩ đại bao trùm cả nhân loại, trải dài trong suốt dòng lịch sử.

Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị tiêu hao và trở thành thần lương nuôi sống con người. Nói cách khác, khi trao ban chính Thịt và Máu Ngài để trở thành của ăn của uống nuôi linh hồn ta, thì: Chúa Giêsu đã thuộc về chúng ta. Trong ta và Ngài cùng chung nhau một giòng máu- giòng máu Thần Linh.

2. Bí tích Thánh Thể - thần dược tâm linh

Khi nói về nguồn sống của Bí tích Thánh Thể, nhiều nhà tu đức đã liên tưởng như sau:

Nếu trong đời sống, những người đã từng thám hiểm, du khảo trong sa mạc, hẳn họ sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn ai hết về về lương thực và nước uống! Chỉ có nước và lương thực mới đảm bảo cho họ sống sót trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt của khí hậu và môi trường.

Hay, nếu trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều trắc trở cam go, nhiều cám dỗ buông thả theo lối sống hưởng thụ, trụy lạc, khiến con người bị hư thối trong nhận thức, lối sống và hành động.

Thì Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự trở thành nguồn sống cho mọi người. Trở thành thần dược chữa trị những tâm hồn hư hoại. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống […] Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 51-54). Thánh Inhaxiô thành Antiokia cũng đã khẳng định:“ Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”.

3. Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi cử hành Thánh Lễ và tôn thờ Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy cảm nghiệm được tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Cảm thấu lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu qua việc trao hiến thân mình. Thánh Gioan đã viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Vì thế, chính Ngài đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Hơn nữa, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một lệnh truyền cho hết mọi người, không chỉ riêng cho các linh mục. Mệnh lệnh ấy mang một sứ điệp quan trọng, bởi vì: Thánh Lễ không thể kết thúc ở nhà thờ, mà Thánh Lễ ấy, linh đạo Thánh Thể ấy còn kéo dài cả đời.

Nên khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đã kín múc được nguồn suối thương xót vô biên qua việc lãnh nhận Thánh Thể, thì khi ra khỏi nhà thờ, mỗi người hãy làm cho lòng thương xót ấy được lan tỏa ngang qua đời sống tràn đầy đức tin và đức ái của chúng ta.

Nói cách khác: khi Thánh Lễ trong nhà thờ đã kết thúc, thì Thánh Lễ cuộc đời ngay lập tức được diễn ra.

Tuy nhiên, trong thực tế, Chúa Giêsu đã không tiếc gì chúng ta, kể cả sự sống của chính Ngài, nhưng với bản tính yếu đuối và bản năng vị kỷ của con người, nhiều khi chúng ta so đo tính toán với Chúa từng chút từng chút một. Nhiều khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tôn thờ Thánh Thể, nhưng lòng còn vương vấn biết bao chuyện như: cơm, áo, gạo, tiền. Hay nhiều khi chia sẻ một chút lương thực, tiền bạc cho người nghèo, hay những nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta tính toán thiệt hơn!

Mong sao mỗi khi chúng ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, chúng ta thuộc về Chúa, nên sẵn sàng biết noi gương Chúa. Sống cho đi, sống khiêm tốn – tự hạ để đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã chấp nhận trở thành một tù nhân giữa loài người. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết cảm tạ Chúa không ngừng. Biết noi gương Chúa để sống yêu thương, khiêm tốn và phục vụ. Amen.

 

7. Mình Máu Thánh Chúa

Dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và được đào luyện để trở thành dân riêng của Chúa. Một thứ giao kèo đã được thực hiện giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Thiên Chúa ban cho họ một lề luật quy định thái độ và cách sống của họ đối với Chúa, và của mọi người đối với nhau. Người Do Thái đã đồng thanh thề hứa xin thi hành mọi lời Chúa đã phán. Maisen lập bàn thờ và toàn dan cử hành nghi lễ ký kết giao ước với Thiên Chúa. Người ta giết bê để làm lễ tế. Máu bê một nửa được rưới trên bàn thờ, một nửa được rảy trên dân.

Ở đây lễ ký kết giao ước đã được thực hiện bằng máu bê. Và trong lịch sử của dân Chúa, giao ước này đã không được tuân giữ từ phía dân Ngài. Nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong lòng yêu thương của Ngài. Và Ngài đã thực hiện một giao ước mới.

Nhưng lần này, giao ước được thiết lập không phải trong một nghi lễ, mà là bằng một cuộc sống. Lễ vật giao hoà không phải là chiên bò hay máu của chúng, mà là chính Con Thiên Chúa làm người, đã sống giữa con người, để mạc khải tình thương của Chúa đoi với con người và cuối cùng đã đổ đến giọt máu cuối cùng không phải trên bàn thờ mà trên thập giá.

Tin Mừng của thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Nhưng chúng ta lại cũng có thể thấy được rằng cảnh tượng diễn ra không còn ở trong một nghi lễ mà là ở trong chính cuộc sống. Hay nói cách khác trong chính việc cử hành lễ Vượt Qua này, cái ý nghĩa thâm sâu nhất, cái nội dung đích thực của mọi nghi lễ được cử hành đang trở thành hiện thực.

Chúa Giêsu và các môn đệ đang sống biến cố Vượt Qua, đang sống cuộc giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Cử chỉ của Chúa Giêsu, hãy cầm lấy bánh, hãy cầm lấy rượu, mang ý nghĩa là Mình Máu Ngài, nói lên cái chết của Ngài, một cái chết cho nhiều người mà đại diện là 12 môn đệ, đồng bàn với Ngai, nhưng cũng là những người sẽ chối Chúa, sẽ bỏ Chúa để thoát thân, những con người tội lỗi, yếu đuối như bao con người tội lỗi và yếu đuối khác. Nhưng với bữa tiệc ly trở thành tiệc Thánh Thể này, khi trao cho các môn đệ Mình Máu Ngài, Chúa Giêsu tự báo cho các môn đệ ơn tha thứ, ơn cứu thoát. Khi lãnh nhận Mình Máu Chúa, các môn đệ lãnh nhận cho mình cuộc hy sinh của Chúa Giêsu và ơn cứu rỗi được dành cho con người.

Chính vì vậy mà sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nghĩa là sau khi các môn đệ đã có những cử chỉ bất trung, các ông vẫn có thể đồng bàn với Người. Sự đồng bàn ở đây có ý nghĩa của một sự giao hoà. Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử, đã không ngừng lặp lại cử chỉ này như Chúa Giêsu đã truyền dạy để tưởng nhớ đến Ngài. Nhưng không phải chỉ là một sự tưởng nhớ trong tưởng tượng, trong tình cảm, mà là trong chính cuộc sống bằng cách sống trọn vẹn ý nghĩa, nội dụng của nghi lễ mình làm.

Việc cộng đoàn Kitô hữu họp lại với nhau trong nhà thờ để cử hành thánh lễ phải là điểm khởi đầu và kết thúc của một giai đoạn dấn thân. Nghĩa là thánh lễ được cử hành trong nhà thờ cần phai được nối tiếp trong cuộc sống và cuộc sống cũng cần phải được cử hành trong thánh lễ tại nhà thờ chứ không được tách thánh lễ ra khỏi cuộc sống. Bởi đó chúng ta thực sự kéo dài thánh lễ trong cuộc sống bằng cách thực thi bái ái yêu thương hay chưa. Đồng thời chúng ta có biết gom góp những hy sinh của cuộc sống để dâng tiến trong thánh lễ hay chưa.

 

8. Dâng tiến lễ vật.

Có một mẩu chuyện kể lại rằng: Trước khi từ giã mái nhà Nagiarét để lên đường rao giảng Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hỏi Đức Mẹ: Thưa Mẹ, Mẹ muốn con để lại gì cho Mẹ sau những năm Mẹ đã giúp đỡ và an ủi con? Đức Mẹ đã trả lời: Mẹ chỉ mong được đứng cạnh con dưới chân thánh giá vào ngày thứ sáu hầu kết hiệp với hy lễ của con.

Đúng thế, kết hiệp với hy lễ của Đức Kitô cũng chính là điểm cao đẹp nhất mà người tín hữu chúng ta phải thực hiện. Để hiểu được điều đó, chúng ta hãy nhìn lên bàn thờ va chúng ta sẽ thấy những gì? Trước hết vị linh mục thượng phẩm chính là Chúa Giêsu. Sau khi thiết lập và cử hành thánh lễ đầu tiên vào chiều thứ năm tuần thánh, Ngài còn tiếp tục hiện diện và cử hành trong mỗi thánh le. Bởi vì nếu không có Chúa Giêsu thì cũng chẳng có thánh lễ. Và như sách giáo lý đã dạy, qua bàn tay linh mục chính Chúa Giêsu cử hành thánh lễ và dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền, bởi vì Đức Chúa Giêsu là linh mục đời đời theo dòng Melchisédech.

Bên cạnh Chúa Giêsu là vị linh mục, đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ ngài mà bánh rượu sẽ trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Nhờ ngài mà thánh lễ được cử hành ở khắp mọi nơi trên mặt đất này. Như chúng ta đã thấy trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho các môn đệ, rồi trong dòng thời gian, các môn đệ lại truyền chức cho những người khác, như vậy quyền dâng tiến hy lễ và truyền phép được chuyển thông cho đến tận cùng thời gian. Vị linh mục rao giảng Lời Chúa, tha thứ tội lỗi và nhất là cử hành thánh lễ.

Thế nhưng, trong thánh lễ chúng ta không chỉ dừng lại ở đó để rồi có một thái độ thụ động, mơ mộng hay ngủ gục. Chúng ta không xem lễ như xem một vở kịch, một cuốn phim, nhưng chúng ta thực sự tham dự bằng cách kết hiệp tâm tình với những lời vị linh mục đọc và những việc vị linh mục làm. Và dưới một goc độ nào đó thì trong thánh lễ chúng ta cũng là những người cử hành, những người dâng tiến.

Để chuẩn bị cho con mình trong thánh lễ mở tay, có một bà mẹ đã cẩn thật trồng một đám lúa mì. Sau khi đã thu hoạch, bà xay thành bột rồi làm thành những chiếc bánh. Và trong ngày con bà cử hành thánh lễ đầu tiên, thì chính bà đã đem những tấm bánh ấy đến nhà thờ để dâng tiến.

Hơn thế nữa, trong ngày chịu phép rửa tội, chúng ta cũng đã được xức dầu để thánh hiến cho Thiên Chúa và như thế chúng ta cũng được tham dự vào chức vụ linh mục của Chúa Giêsu, và chúng ta gọi đó là chức linh mục cộng đồng của mọi người tín hữu, khác với chức linh mục thừa tác của những người được tuyển chọn qua bí tích Truyền Chức Thánh. Bởi đó trong thánh lễ chúng ta cũng thi hành chức vụ linh mục, chúng ta cộng tác với Chúa Giêsu, chúng ta góp phần bằng của lễ cuộc đời chúng ta, đó là những lao công vất vả và những hy sinh gian khổ chúng ta gặp phải. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: cử hành thánh lễ là việc của Chúa Giêsu và các linh mục chứ không phải là việc của tôi. Bởi đó tôi có thể nghĩ đến những chuyện khác trong khi tham dự thánh lễ. Có ý thức vai trò của mình, chúng ta mới tham dự thánh lễ một cách sống động và việc tham dự sống động này mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.

 

9. Ta là Bánh – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Chúa Giêsu dùng một ngôn ngữ vừa hình tượng vừa thân quen để diễn tả vai trò hết sức quan trọng của Ngài đối với sự sống của chúng ta, đó là bánh. "Ta là Bánh".

Nếu Chúa Giêsu ở Việt Nam, thì Ngài sẽ nói: "Ta là cơm", vì ở đất nước chúng ta cơm là thực phẩm hàng ngày của mọi người.

Thân phận của bánh, của cơm là phải chịu nghiền, chịu nhai, chịu tiêu tan và phân hủy đi để đem lại sự sống cho người khác.

Để trở thành cơm thành bánh nuoi sống con người, thóc lúa bị phơi ra nắng, kế đó phải bị xay, bị nghiền, bị sàng sảy, chịu trầy vi tróc vảy, rồi mới thành hạt gạo trong ngần. Hạt gạo nầy lại phải chịu ngâm, chịu vò trong nước, chịu bỏ vào nồi nấu sôi roi mới thành cơm. Khi đã thành cơm lại còn bị hàm răng của con người nhai nghiến, chịu co bóp và phân huỷ trong hệ tiêu hoá rồi mới thành chất dinh dưỡng đem lại sức sống cho con người.

Nhưng để được lớn lên thành người, ngoài các loại cơm bánh thông thường, chúng ta còn cần những tấm bánh khác. Xét theo nghĩa rộng, cha mẹ cũng là cơm bánh cho con, vì nhờ cha mẹ chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi, con cái mới có thể lớn lên thành người.

Cha mẹ cũng là cơm bánh

Nhà thơ Kiên Giang có những diễn tả rất thiết tha về tình thương dạt dào của người mẹ, người mẹ hiến mình làm cơm, làm bánh cho con lớn lên:

"Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại

Con đau rên siết mẹ sầu lo

Bán đôi bông cưới mua thang thuốc

Mua bánh tai heo giấy học trò.

Đêm nao con khóc đòi ru ngủ

Mẹ thức mỏi mòn: nhịp võng đưa

Thân lạnh nằm khoanh lòng mẹ ấm

Mẹ ơi! con lớn giữa niềm ru.

Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó

Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy

Đau đớn không hề rên siết khẽ

Sợ con nghe tiếng mà buồn lây"...

Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ thức thâu đêm để cho con say nồng giấc ngủ.

Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ đem bao nhiêu dinh dưỡng trong châu thân hoá thành dòng sữa nuôi con.

Mẹ là cơm bánh cho con khi mẹ phải hao mòn đi cho con được lớn lên từng ngày; mẹ phải gầy guộc đi để cho con lớn mạnh; lưng mẹ ngày càng còng xuống cho con được đứng thẳng hiên ngang.

Mẹ đúng là tấm bánh rất cần thiết cho con. Mẹ chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi để con thành người khôn lớn.

Chúa là Tấm Bánh cho loài người

Chúa Giêsu phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh nầy sẽ được sống đời đời". Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu hoá mình nên như cơm bánh, chịu nghiền tán, chịu tiêu hao đi cho nhân loại được sống còn.

Chúa Giêsu hoá mình nên cơm bánh cho nhân loại khi Ngài gieo mình xuống thế, sống kiếp người lam lũ thấp hèn để đồng hành và khai hoá chúng ta.

Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho nhân loại khi Ngài chịu đau thương mất mát, chịu tiêu hao, chịu nghiền tán... cho chúng ta được hạnh phúc và vinh quang:

Ngài hạ mình xuống làm người phàm để cho chúng ta được tôn lên làm con Thiên Chúa;

Ngài cam chịu vô vàn sỉ nhục cho chúng ta được vinh quang;

Ngài phải mang đầy thương tích cho chúng ta được chữa lành;

Ngài phải chết đi trong đau thương cho chúng ta được sống lại trong vinh hiển;

Ngài xuống tận âm phủ cho chúng ta được lên cõi trời cao;

Và nhất là qua bí tích Thánh Thể, Ngài hiến ban thân mình như tấm bánh cho mỗi người chúng ta được ăn Ngài thực sự, để cho chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Ngài, để Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài, để Thiên Chúa và con người không còn là hai mà chỉ là một xương một thịt: Một sự kết hợp nhiềm mầu và đầy yêu thương...

Hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta hãy ăn Ngài.

Ăn Chúa Giêsu là vâng nghe lời Ngài phán dạy, là học với Ngài, noi gương bắt chước Ngài, là uốn nắn đời sống chúng ta nên giống Ngài... để lớn lên thành ngươi có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, có văn hoá.

Và một khi đã được nuôi dưỡng hằng ngày bằng bánh Giêsu -"các con hãy nhận lấy mà ăn"- thì chúng ta cũng được mời gọi trở thành bánh cho người thân trong gia đình cũng như cho các anh chị em đang sống quanh ta - "các con hãy làm việc nầy (việc Thầy đang làm) để tưởng nhớ đến Thầy".

 

home Mục lục Lưu trữ