Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1366067

PHẢI LÀM GÌ ?

PHẢI LÀM GÌ? (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Gioan Tẩy giả “Rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Chúng ta đã đọc như thế trong Chúa nhật trước. Đám đông người Palestine thời Đức Giêsu gồm có những nông dân, đơn giản và thực tế; họ muốn sống phù hợp với phép rửa của họ. “Chúng tôi phải thay đổi những gì trong cuộc sống? Chúng tôi phải làm gì?”.

Chúng ta đã nhận phép rửa để tha tội trong tình trạng vô ý thức của thời thơ trẻ. Nhưng suốt cuộc đời ý thức trưởng thành, chúng ta phải sống lại “dấu chỉ” này, bí tích hoán cải này. Và chúng ta biết rằng, bí tích rửa tội đúng ra không thể tái diễn được nữa, chúng ta có thể sử dụng điều mà thần học truyền thống gọi là “phép rửa thứ hai”; đó là “bí tích sám hối” mà chúng ta chuẩn bị nhận lãnh để chúng ta cũng đón tiếp Đấng sẽ đến.

Cũng như đám đông Palestine, chúng ta không thể thỏa mãn với những lời nói suông với những nghi lễ. Chúng ta cần phải nhiệt tình đặt câu hỏi với Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì để trở thành Kitô hữu?”.

Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”

Lời rao giảng của Gioan Tẩy giả là rõ ràng, chính xác và cần thực hiện ngay không được chậm trễ. Nó không có gì thuộc phạm vi trí thức hay khó hiểu cả, chính trong cái bình thường nhất hay tầm thường nhất của cuộc sống hằng ngày (ăn, mặc…) mà sự “hoán cải” qua thân xác, sự quay lại của tâm hồn gọi là “métadola” cần được thực hiện.

Để xét xem những cách tuyên xưng đức tin của bạn có đúng hay không, bạn không nên kiểm tra tính xác thực có vẻ lý thuyết của chúng trong sách vở… nhưng tốt hơn hãy nhìn vô tủ áo, tủ chứa đồ ăn, những ngăn kéo và trương mục ngân hàng của bạn. Hãy chia sẻ – Hãy cho một nửa đi- Lạy Chúa, Chúa yêu cầu con những gì?

Chúng con nhận thấy rõ Luca người loan báo Tin Mừng của Chúa sẽ nêu gương cho chúng con qua cử chỉ điên rồ của tên vô lại Da-kêu trưởng ban thu thuế thành Giêrikhô: “Tôi cho người nghèo phân nửa tài sản của tôi” (Lc 19,9). Luca còn kể lại rằng, chính Đức Giêsu đã bảo những người giàu có đương thời sống, chia sẻ, thay vì quá lo lắng đến sự “trong sạch” của họ (Lc 11,41). Luca cũng cống hiến cho chúng ta gương mẫu của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu: “Họ để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44 – 4,32-35). Còn chúng ta thì sao?

Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Từ những đám đông này, Luca rút ra được hai loại người: thu thuế và cảnh sát. Đó là những người bị người ta ghét nhất thời đó, là những người ít tư cách nhất để đón tiếp Đức Giêsu, những người sống ngoài xã hội và bị khinh bỉ, những người tội lỗi nhất, những hạng người “đểu cáng”.

Ở đây chúng ta cũng nhận ra rằng Tin Mừng theo Thánh Luca sẽ cho chúng ta thấy Đức Giêsu “dùng bữa nơi nhà những người tội lỗi” (Lc 5,27-30). Làm cho những người công chính rất bất bình Đức Giêsu, “ngụ tại nhà người tội lỗi” (Cl 19,7) làm cho những “người đàng hoàng” phải bực bội. Đức Giêsu nói rằng Người đến không phải vì những người công chính (Lc 5,32).

Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (Lc 3,6) cả những người thu thuế và những binh lính, cả những người tội lỗi, và cả tôi nữa. Lạy Chúa, Tạ ơn Chúa về lòng từ bi của Chúa.

Đối với những người thu thuế và cảnh sát của quân đội chiếm đóng, Gioan Tẩy giả không yêu cầu họ đổi nghề, nhưng chỉ cần có cung cách sống mới, tôn trọng công lý, không lạm dụng sức mạnh mình có trong tay, bằng lòng với những gì mà quyền lợi và luật pháp đã quy định. Tất cả những lời khuyên trên đây thuộc lãnh vực nghề nghiệp. Chúng nhằm đến những tội lỗi, mà người thu thuế và binh lính thời bấy giờ thường hay vấp phạm: làm giàu bằng cách lợi dụng tư thế bất khả xâm phạm do nghề nghiệp của mình, lợi dụng thế mạnh nhất của mình đang nắm giữ.

Còn tôi thì sao? Tôi thường phạm những tội nào do nghề nghiệp, địa vị của tôi?

Tội của linh mục? Của giáo sư? Của nhân viên văn phòng? Của cô y tá? Của y sĩ? Của công chức? Của chủ xí nghiệp? Của người thợ ăn lương? Của người buôn bán? Của con cái? Của cha mẹ? Của nữ tu sĩ? Xã hội đã đổi mới biết bao, nếu tất cả những người được rửa tội đều cử hành một “phụng vụ sám hối” đích thực.

Còn chúng ta, chúng ta phải làm gì?

Trình thuật của Luca có thể dừng ở đó. Nhu cầu “hoán cải” có thể dừng lại ở phương diện nhân bản, xã hội và luân lý. Thế nhưng, đám đông lại chờ đợi một cái gì khác.

Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!

Ở đây Luca đổi từ ngữ những “đám đông” (tiếng Hy Lạp là ochloi) bây giờ trở thành một “dân tộc” (tiếng Hy Lạp là laos). Khối dân chúng nặc danh đạt được một phẩm giá mới, nhờ tự đặt ra cho mình một câu hỏi: họ không chỉ đợi một cái gì đó nữa, mà là một Đấng nào đó… Khát vọng căn bản của họ, là một ước muốn thầm kín, nằm sâu trong lòng họ, mà họ không biết diễn tả hay không dám diễn tả. Biết bao người ngày nay cũng như thời bấy giờ không biết “gọi tên Đấng – mà họ mong đợi trong lòng”. Có một Đấng Cứu chuộc hay không? Chúng ta có thể trông cậy ở một Đấng Mêsia, một Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát tận căn những khổ đau của chúng ta không?

Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

Bề ngoài, người ta không nghe thấy họ đặt câu hỏi cách rõ ràng, nhưng Gioan Tẩy giả, do một thứ ân sủng ngôn sứ, đã đọc thấy trong lòng họ. Tôi có biết lắng nghe những gì thầm kín trong lòng các bạn đồng nghiệp, người lân cận và bạn bè của tôi không? Từ những vấn đề thuộc nhân quyền, tôi có đi đến chỗ nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa không? Người đã mời họ mở tủ áo, mở tủ đồ ăn của họ. Bây giờ Người mời họ mở lòng họ ra để tiếp gặp một Đấng đang tiến đến phía họ. Hãy lắng nghe! Lắng nghe. Những bước chân của Chúa đang đến với bạn đó.

Đối với Gioan, không chỉ có những diễn viên hiện diện trên sân khấu: đám đông, người thu thuế, binh lính, v.v… Nhưng có một diễn viên chính còn đang ẩn nấp. Còn đối với tôi thì sao?

Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

Đây chính là trung tâm của trình thuật Tin Mừng: Sự can thiệp cần thiết của Thiên Chúa. Hoán cải có thể là một hành vi không thường dễ dàng. Gioan Tẩy giả chỉ đòi hỏi những việc tầm thường. Các bạn hãy thử đi? Những điều Thiên Chúa đòi hỏi, dù có nhiều dạng thức nhưng đều là những gì khó có thể thực hiện: “Hoán cải”, “trở lại”, đổi đời đều khó thực hiện, nếu con người chỉ dùng sức riêng của mình. Cần phải có một hành vi của Thiên Chúa: Mỗi bí tích là một hành vi của Thiên Chúa, bằng và hơn một hành vi của con người.

Để mô tả tác động của Thiên Chúa, Gioan Tẩy giả dùng ba hình ảnh: Sự dìm xuống nước, gió và lửa. Trong tiếng Aramên cũng như trong tiếng Do Thái, cùng một từ là “ruah” có nghĩa vừa là “gió” vừa là “tinh thần”. Lối chơi chữ này muốn cho ta hiểu rằng, Thần khí của Thiên Chúa sẽ lay chuyển chúng ta như một cơn gió bão, một cơn bão táp mà ta bị “nhận chìm”, bị “dìm sâu” trong đó. Và Thần Khí của Thiên Chúa cũng như một ngọn lửa sẽ đốt cháy và thiêu hủy những nhơ bẩn của ta. Quả nhiên, khi Luca mô tả phép rửa trong Thánh Thần, Đấng “hoán cải” các tông đồ, thì trong ngày lễ Ngũ Tuần, sự kiện đó sẽ diễn ra qua một “tiếng gió mạnh” và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2,2-3).

Để giúp bạn tưởng tượng ra bí tích sám hối ngày Giáng sinh (phép rửa thứ hai), bạn hãy thử coi bạn như đang ở trong sức thiêu đốt của một cơn bão lửa… sẽ đổi mới bạn. Ôi, sự thiêu đốt đầy hạnh phúc của Thần Khí Thiên Chúa! Chúng ta có khuynh hướng biến những “chất nổ” Tin Mừng thành những thứ “kẹo bánh” dịu ngọt, tuy nhiên, đâu có hoàn toàn giống như thế!

Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

Ở đây đúng là đang nói về Đức Giêsu: Người đến, tay cầm “nia” như vị thẩm phán ngày cánh chung để thu dọn và quét sạch một lần cuối cùng. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người rê thóc trên sân phơi của anh ta chưa? Vào một ngày có gió lớn, anh ta đứng thẳng, tay cầm chiếc nia lớn chứa thóc lẫn lộn với trấu và bụi bặm… rồi anh ta đổ xuống. Lúc đó, gió sẽ tách rời hạt nặng hơn khiến chúng rơi thẳng xuống, còn rơm trấu thì gió thổi đi xa. Người ta đem lúa vào vựa người ta đốt rơm trong lửa.

Chúng ta chớ lừa gạt chính mình. Chúng ta cũng không thể lừa gạt được Thiên Chúa. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy những gì có giá trị, có trọng lượng trong cuộc sống của mình, và những gì không có giá trị trong lòng dạ con người: Có bao nhiêu thóc? hay chỉ là rơm rác?

Mong sao cho “gió và lửa” của Thần Khí ngay từ bây giờ hãy làm ra sự thật. Nhờ “phép rửa thứ hai” tôi lãnh nhận, nhờ “hành động của Thiên Chúa”, tôi sẽ cố gắng làm nên sự thật, để chọn lựa trong cuộc sống của tôi, giữa ích kỷ và tình thương, giữa đàn áp và công lý, giữa tính ích kỷ làm nhơ bẩn tình yêu của tôi và tình yêu trong sự trong sạch của nó, giữa thái độ thực sự ngóng đợi Thiên Chúa và thái độ lãnh đạm buồn thảm đầy duy vật.

Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

Sự phán xét này không phải là những điều khủng khiếp đáng sợ, mà là một “Tin Mừng”. Chúa phán: “Không đâu, sự ác sẽ không tồn tại luôn mãi. Ta đã cầm nia rồi đấy”. Tạ ơn Chúa.

(*)  Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- C

PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC TRONG LỜI RAO GIẢNG CỦA GIOAN – Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Phương diện đạo đức trong lời rao giảng của Gioan (cc. 10-14) được trình bày dưới hình thức đối thoại. Cả ba lần cũng một câu hỏi được lặp lại: “Phải làm gì?”. Đâu là những thay đổi đời sống cụ thể sẽ diễn tả ra bên ngoài sự hối cải sâu xa? Lời đáp của diễn giả đáng lưu ý ở hai điểm. Một đàng nó bao gồm những hành vi xã hội của con người và không đòi hỏi hy lễ đền tội, cũng như thực hành khổ chế; đàng khác, phải giúp đỡ những người túng thiếu, phải trung thực và công bình trong nghề nghiệp của mình. Đó là những đòi hỏi vượt quá luật Môsê và bắt buộc tất cả mọi người, người không cắt bì cũng như người Do Thái. Sự cần thiết phải hoán cải có tính cánh phổ phát, cũng như ơn cứu độ được trao ban (x. 6); điều có ý nghĩa là chính đám đông hiện diện trong hoạt cảnh này.

Cũng cần ghi chú thêm là những đòi hỏi này không được đặc biệt tô điểm lời rao giảng có tính cánh chung ở các câu 7-9. Gioan không loan báo gì về sự đảo lộn các cơ cấu xã hội (so sánh với Chúa Giesu ở Lc 6,20-26); ông không đòi hỏi các người thu thuế đoạn tuyệt với người Rôma xâm lược mà họ đang cộng tác, cũng không bảo các người lính Do Thái phục vụ trong đạo binh của Hêrôđê phải đào ngũ. Ông không kêu mời ai bỏ tất cả mọi sự để theo ông; điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi một bậc vị vọng ở La 18,22 sẽ triệt để hơn! Đối với Luca, việc chia sẻ trở lại điều này. Ở đây chỉ cần để ý là ông Giakêu – người thu thuế (Lc 19,8) hứa với Chúa Giêsu sẽ đền bù những thiệt hại cho người khác – chính là điều Gioan đòi hỏi những người anh em mình – và dâng tặng cho người nghèo khó phân nửa gia tài của mình – đó là lời đáp của Gioan cho đám đông nghĩa là cho tất cả mọi người.

Cánh cửa chót trong lời rao giảng của vị Tẩy Giả (cc. 15-18) được khai mở bằng một câu hỏi mà mọi người đặt ra: phải chăng Gioan là phẩm phán quan thuộc dòng Đavit sẽ đến thiết lập nền hòa bình và công chính mà dân trông đợi? Rõ ràng khía cạnh cánh chung trong sứ điệp của Gioan kép chú ý thính giả hơn là khía cạnh đạo đức…

Lúc đó vị Tẩy Giả định nghĩa vai trò của mình trong tương quan với Đấng sẽ đến. Việc nhận chìm trong dòng nước khác với phép rửa bằng thần khí và bằng lửa mà Chúa Kitô sẽ ban kể từ ngày Ngũ tuần (Cv 2). Vì vậy, Gioan không xứng đáng với lao dịch chỉ dành cho hàng nô lệ, đó là cởi dép cho Đấng sẽ là người cải cách phong tục một cách quyết liệt khác với kiểu của ông. Cụm từ “Đấng đến sau tôi” (x. Mt, Mc và Ga) xác nhận lúc đầu rằng Chúa Giêsu thuộc nhóm đệ tử của Gioan đã được cẩn thận sửa chữa: Chúa Giêsu chỉ đến sau vị Tẩy Giả theo nghĩa thời gian thôi! Vị sứ giả cuối cùng, theo như Gioan mô tả, trước hết là vị thẩm phán vào thời cuối cùng; Ngài sẽ tẩy sạch dân Ngài khỏi những cáu bẩn để chúng vĩnh viễn biến mất.

Cuối cùng hai động từ tiêu biểu cho diễn từ của vị Tẩy Giả –khuyến dụ– đó sẽ là một hoạt động đặc biệt của các thừa sai Kitô giáo, Cv 2,40; 15,22 – và nhất là loan báo Tin Mừng/Phúc Âm hóa. Như thế, trước cặp mắt của Luca, vị Tiền hô khai mạc việc rao giảng trong thời đại cuối cùng. Nhưng việc Phúc Âm hóa này, về mặt hình thức, không có nội dung, trong khi mà ở thời đại Kitô, Tin Mừng thường quen được xác định rõ: Tin Mừng về Vương Quốc (Lc 4,43; 8,1; 16,16; Cv 8,12) hoặc, sau Phục Sinh, Tin Mừng về Chúa Giêsu như Đấng Kitô và Đức Chúa (Cv 5,42; 11,20). Khi không nói Tin Mừng về Vương Quốc qua môi miệng của vị Tiền hô, Luca chứng tỏ rằng Gioan rao giảng khác với Chúa Giêsu; ông dẫn vào kỷ nguyên mới, không thuộc về lĩnh vực của Chúa Giêsu. Và nếu không có vấn đề đảo lộn các giá trị trong chương trình của vị Tẩy Giả, chính bởi vì việc đảo lộn này được gắn liền cách nội tại với việc Thiên Chúa đến.

 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- C

HÃY VUI LÊN (*)-  Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng này, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui lên, vì Chúa sắp đến rồi. Quả thật, xưa kia, Chúa Nhật III Mùa Vọng này được gọi Chúa Nhật “hãy vui lên”, nhan đề được mượn từ thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật hôm nay.

Xp 3: 14-18

Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Xô-phô-ni-a mời gọi Giê-ru-sa-lem “hãy vui lên”, vì đã được Thiên Chúa sủng ái và sắp được Thiên Chúa viếng thăm.

Pl 4: 4-7

Trong Bài Đọc II, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, chính Ngài là nguồn bình an.

Lc 3: 10-18

Trong Tin Mừng, thánh Lu-ca thuật lại lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả, lời rao giảng này xác định những nét đặc trưng của “Tin Mừng”.

BÀI ĐỌC I (Xp 3: 14-18)

Ngôn sứ Xô-phô-ni-a sống vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, ông thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào những năm 640-625 trước Công Nguyên.

1/. Bối cảnh

Vào lúc đó, vương quốc Giu-đa được cai trị bởi một ấu chúa là Giô-si-gia, lên ngôi lúc tám tuổi. Thời kỳ này được ghi dấu bởi những di hại của một triều đại dài lâu do một vị vua vô đạo là Mơ-na-se: phong tục ngoại giáo, thờ cúng ngẫu tượng, bạo lực, gian lận, bất công xã hội, thói kiêu căng của những kẻ quyền thế, tinh thần hưởng thụ của những người giàu có, v.v… Vị ngôn sứ lớn tiếng phê phán lối sống vô đạo, thiếu tình người này và tiên báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đó sẽ là “Ngày của Đức Chúa”, ngày thịnh nộ. Tuy nhiên, đó sẽ không là ngày tận thế, vì Thiên Chúa sẽ cho sót lại một dân nghèo hèn và bé nhỏ, dân này sẽ không làm những chuyện tàn ác bất công, nhưng tìm nương ẩn nơi Đức Chúa.

Bài hoan ca được trích dẫn hôm nay mời gọi Giê-ru-sa-lem hãy vui lên, và ngay liền sau đó, gợi lên những người công chính thoát khỏi án phạt. Nguyên nhân sâu xa khiến Giê-ru-sa-lem hoan hỉ vui mừng chính là chắc chắn mình đã được Thiên Chúa sủng ái, đã được Thiên Chúa cứu độ, Ngài là Chủ Tể lịch sử và đang ngự giữa dân Ngài.

2/. Niềm vui của dân Ngài cũng là niềm vui của Thiên Chúa

Điều ngạc nhiên nhất của bài hoan ca này đó là vị ngôn sứ thiết lập một sự đối xứng giữa niềm vui của dân thành Giê-ru-sa-lem và niềm vui của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ vui mừng hoan hỉ vì gặp lại dân Ngài.

Chắc chắn không cần thiết phải tìm kiếm xem biến cố nào đã gây nên niềm phấn khởi đầy lạc quan ở nơi vị ngôn sứ. Trước tiên, đây là viễn cảnh thời Thiên Sai. Bài thơ của ông ca ngợi vị Vua Cứu Tinh tiến vào Thành Thánh, Ngài là vị vua chiến thắng và giải thoát: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy xa”, vì thế “Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”. Trong ngôn từ của vị ngôn sứ, sự giải thoát là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa tha thứ: “Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng”.

Thành Thánh Giê-ru-sa-lem hân hoan reo mừng đón tiếp Đức Vua của mình, chính Đức Chúa thân hành ngự giá đến ở giữa dân Ngài, Ngài là vị vua đích thật của Ít-ra-en. Trong một bản văn mang đậm nét Thiên Sai hơn, ngôn sứ Da-ca-ri-a ca ngợi niềm vui của Giê-ru-sa-lem bằng những lời lẽ tương tự: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỹ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Chúa của người đang đến với ngươi…” (Dcr 9: 9). Thành Đô Giê-ru-sa-lem được giải thoát và sống trong cảnh thái bình thịnh trị, bởi vì Chúa “sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” như người yêu lấy tình thương mà biến đổi người mình yêu. Niềm vui của Thiên Chúa chẳng thua kém gì niềm vui của Thành Thánh. Thiên Chúa hạnh phúc được ở giữa những người mà tình thương của Ngài đã cứu thoát. “Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” vì dân Ngài đã thấy ơn cứu độ.

Một vị ngôn sứ khác, I-sai-a đệ tam, cũng thấy Thiên Chúa vui mừng hoan hỉ, nhưng trong viễn cảnh cánh chung, Thiên Chúa liên kết mình vào niềm vui của những người được tuyển chọn: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. Vì Giê-ru-sa-lem Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ chẳng còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la” (I s 65: 17-19). Thật ra bản văn của Xô-phô-ni-a gợi lên quang cảnh Thành Thánh Giê-ru-sa-lem trên trời.

Niềm vui cứu độ thời Thiên Sai là niềm vui mà sứ thần loan báo cho Đức Ma-ri-a, thiếu nữ Xi-on tuyệt vời nhất: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà… Thưa bà, xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”.

BÀI ĐỌC II (Pl 4: 4-7)

Thánh Phao-lô cũng khẩn khoản kêu mời các tín hữu Phi-líp-phê hãy vui lên. Còn hơn cả lời khuyến dụ, lời mời gọi này là nguyên tắc căn bản trong thần học của vị Tông Đồ, đây là niềm vui tâm linh: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”, đó là biểu thức quen thuộc của thánh Phao-lô.

3/. Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa

Tuy nhiên, nhờ bức thư này, chúng ta biết các tín hữu Phi-líp-phê phải chiến đấu cam go vì niềm tin của mình: “Quả thế, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1: 29-30).

Thánh Phao-lô đưa ra một mẫu gương về niềm vui này, vì vào lúc đó thánh nhân đang bị giam cầm, chắc chắn ở Ê-phê-xô. Thánh nhân đã nhận biết những đau khổ của sứ vụ tông đồ (vài người dân Cô-rin-tô đố kỵ vu khống ngài và cản trở sứ vụ của thánh nhân ở Ê-phê-xô), tuy nhiên, thánh nhân vẫn vui trong niềm vui của Chúa.

4/. Sống hiền hòa

“Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi”. “Hiền hòa” là dụng ngữ của khoa khôn ngoan Hy lạp, đức hạnh này đặt nền tảng trên lý trí và mực thước, được thăng hoa ở nơi một cuộc sống hiền hòa. Thánh Phao-lô lập lại đức hiền hòa này trong lời khuyên gởi đến hai môn đệ và là cộng tác viên của ngài là Ti-mô-thê: “Không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, không hay gây sự, không ham tiền” (1Tm 3: 3) và Ti-tô: “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.” (Tt 3: 2) Nếu dân ngoại tìm kiếm đức hạnh như vậy, huống chi là những người Ki-tô hữu. Còn gì tốt đẹp cho bằng các tín hữu phải nêu gương về một cuộc sống hiền hòa. Rõ ràng thánh Phao-lô gởi đến các Ki-tô hữu gốc Hy lạp, họ có thể hiểu được lời khuyên của thánh nhân.

5/. Chúa đã gần đến

 Những người Ki-tô hữu sống vui vẻ và hiền hòa vì họ xác tín ơn cứu độ đang ở trong tầm tay, điều mà các tác giả Tin Mừng diễn tả “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần rồi”. Thánh Phao-lô có một cái nhìn tăng tốc của lịch sử. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su đã thiết lập kỷ nguyên cứu độ; chắc chắn kỷ nguyên này sẽ triển nở viên mãn vào ngày Đức Giê-su quang lâm. Viễn cảnh này phải đem lại niềm vui tròn đầy cho người Ki-tô hữu, tuy nhiên, ngay từ bây giờ viễn cảnh này được khai mở trong một cuộc sống kết hiệp với Đức Ki tô.

6/. Niềm vui, lời khẩn nguyện và bình an

Vui vì tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, do đó chẳng có gì phải lo lắng cả. Chính ở nơi niềm tin tưởng này mà lời khẩn nguyện và tâm tình tạ ơn được liên kết mật thiết với nhau. Mối liên kết này hoàn toàn thuộc truyền thống Kinh Thánh. Các tác giả thánh vịnh dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện và tâm tình cảm tạ tri ân của mình, đồng thời các ngài tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả niềm tin tưởng của mình. Trong những viễn cảnh Ki-tô giáo, lời khẩn nguyện cắm rể sâu vào trong tâm tình cảm tạ và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ. Từ đó sinh ra một sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an không phát xuất từ nỗ lực phàm nhân, nhưng từ lời hứa của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài, một sự bình an vượt quá mọi hiểu biết phàm nhân.

Trong các thư của thánh Phao-lô, chúng ta cũng gặp thấy những lời khuyên tương tự, nhưng thư gởi tín hữu Phi-líp-phê được viết với những lời lẽ thân tình và tràn đầy tin tưởng, qua đó thánh Phao-lô để lộ những bí ẩn đời sống nội tâm của mình.

TIN MỪNG (Lc 3: 10-18)

Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng duy nhất cho nhiều chi tiết xác định về lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Bản văn này cũng dâng hiến một lợi ích lớn lao: thánh ký không rao giảng về những đề tài thần học khó hiểu, nhưng về đời sống.

Bản văn bao gồm hai phần, tương xứng với chuyển động kép của câu chuyện: phát triển sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả, khởi đi từ giáo huấn thực tiễn đến mặc khải về Đấng Mê-si-a; đồng thời phát triển tâm lý của những ai thực tâm muốn thay đổi cuộc đời mình, từ việc mở lòng mình ra thi hành đức ái và sự công chính, cho đến việc vươn mình lên tìm kiếm Thiên Chúa hay ít ra vị sứ giả của Ngài.

1/. Đám đông

Đối với đám đông, những người đến xin được chịu phép rửa và bày tỏ ước nguyện thăng tiến trên con đường đức hạnh, thánh Gioan Tẩy Giả đề xuất nguyên tắc đức ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Việc san sẻ chia sớt cho nhau những hạt cơm manh áo là bước khởi đầu của sự biến đổi tấm lòng. Chúng ta đừng quên, thánh Lu-ca cũng là tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, trong đó thánh ký đã mô tả hành động “tương thân tương ái” giữa các Ki-tô hữu tiên khởi: “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự điều là của chung” (Cv 4: 32).

2/. Những người thu thuế

Những người thu thuế bị quy trách nhiệm là những kẻ tham lam hút máu đồng bào của mình, bởi vì những người thu thuế này ứng trước tiền thuế dân chúng phải nộp cho đế quốc Rô-ma, sau đó, nâng cao tiền thuế của dân chúng để làm giàu cho mình. Hơn nữa, dân chúng khinh bỉ họ vì sự hiện diện của họ nhắc nhớ ách đô hộ của chính quyền Rô-ma trên dân Do thái và buộc tội họ là tay sai của thế lực ngoại bang và đối xử họ như “quân trộm cướp”.

Đức Giê-su thường giao du với “quân trộm cướp” này, những kẻ tội lỗi này; Ngài cũng sẽ đưa ra một người trong số họ làm mẫu gương cầu nguyện (Lc 18: 9-14). Chính họ mà thánh Lu-ca, ngay từ khởi đầu Tin Mừng, giới thiệu họ như những người thành tâm thiện chí muốn được hoán cải: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Thật lạ lùng, trong Tin Mừng Gioan những người Pha-ri-sêu cũng đến hỏi Gioan Tẩy Giả, nhưng với thái độ hiếu kỳ và ngờ vực, vì thế họ từ chối hoán cải. Thói tự cao tự đại làm cho họ trở nên cố chấp trong khi những kẻ bị khinh bỉ, ghét bỏ lại là những người khiêm tốn mở lòng mình ra trước ánh sáng.

Đối với những người thu thuế này, thánh Gioan Tẩy Giả không đòi hỏi họ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Đừng đòi hỏi điều gì quá mức ấn định cho các anh”.

3/. Binh lính

Binh lính cũng đến hỏi thánh nhân: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?”. Những binh lính này là ai? Chắc chắn không phải là binh lính Rô-ma, họ tránh không trà trộn vào đám đông dân chúng, cũng không phải binh lính Do thái, vì Rô-ma không cho các đất nước bị chiếm đóng quyền tổ chức quân đội. Chắc hẳn đây là dân quân tự vệ được chiêu mộ từ các dân tộc chung quanh, họ thường hộ tống những người thu thuế, vì việc thu thuế thường khó khăn. Khi kể họ là binh lính, phải chăng thánh Lu-ca có ý định khoác cho sứ điệp của Gioan Tẩy Giả một chiều kích phổ quát? Dù thế nào, họ cũng là hạng người bị dân chúng ghét cay ghét đắng như bọn người thu thuế.

Đối với những binh lính này, thánh nhân cũng không đòi hỏi họ từ bỏ nghề nghiệp của mình, nhưng thực thi công bình: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.

4/. Dân chúng

Thật có ý nghĩa biết bao, vào lúc này, thánh Lu-ca không còn nói đến “đám đông”, nhưng đến “dân”: “Hồi đó, dân đang trông ngóng”. Như các ngôn sứ xưa kia, thánh Gioan kêu gọi họ hãy hoán cải đừng chần chờ gì nữa vì thời gian sắp đến gần rồi. Thánh nhân nói như một người có uy quyền khiến những ai trông đợi Đấng Thiên Sai tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mê-si-a!”. Qua sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta biết rằng trong suốt nhiều thập niên có những cộng đoàn môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, họ vẫn trung thành lời dạy của thầy mình và tôn kính thánh nhân như Đấng Thiên Sai (Cv 18: 24-25; 19: 1-7).

Lúc đó, thánh Gioan Tẩy Giả công bố cho mọi người biết rằng ông không là Đấng Thiên Sai. Với sự khiêm hạ, thánh nhân gợi lên sự cao cả vô cùng tận của Đấng mà ông chỉ là Tiền Hô của Ngài: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Lời này ám chỉ chính xác đến một truyền thống lâu đời, theo đó các kinh sư cấm không được bắt một người nô lệ Do thái làm một công việc nặng nhọc hay hèn hạ như cởi dày cho chủ hay rửa chân cho chủ. Ngay cả một công việc hèn hạ đến thế, thánh nhân tự nhận mình cũng không xứng đáng đối với Đấng mà ông có nhiệm vụ chuẩn bị con đường cho Ngài đến.

5/. Phép rửa của Đấng Thiên Sai

Thánh Gioan Tẩy Giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa phép rửa của ông và phép rửa mà Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. “Lửa” này phải chăng được hiểu là lửa của Chúa Thánh Thần như các Giáo Phụ đã hiểu, hay phải hiểu lửa theo Kinh Thánh, nghĩa là lửa có chức năng vừa thanh luyện những người công chính vừa tiêu hủy quân vô đạo? Chúng ta không biết chính xác, nhưng một điều chắc chắn, đó là thánh Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là vị Tiền Hô, không chỉ của Đấng Thiên Sai nhưng cũng của Giáo Hội. Chính Giáo Hội sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên Giáo Hội như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 1-4).

6/. Đấng Thiên Sai Thẩm Phán

Khi mô tả chân dung của Đấng Thiên Sai với tư cách là một vị Thẩm Phán, Ngài sẽ tách biệt những người tốt ra khỏi những kẻ xấu, thánh Gioan Tẩy Giả định vị mình vào hàng những đại ngôn sứ, liên kết kỷ nguyên Thiên Sai và kỷ nguyên cánh chung vào trong cùng một viễn cảnh: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Giờ thu hoạch mùa màng sẽ tới, nhưng chậm hơn. Chính Đức Giê-su sẽ là vị Thẩm Phán của ngày Chung Thẩm.

7/. Khởi điểm của Tin Mừng

“Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho  họ”. Cũng như Tin Mừng Mác-cô, Tin Mừng Lu-ca đánh dấu khởi điểm Tin Mừng bằng lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng khoa giáo lý tiên khởi bắt đầu với việc kể ra thánh Gioan Tẩy Giả và lời dạy của thánh nhân. Bản văn của thánh Lu-ca bày tỏ rất rõ nét khoa giáo lý này. Việc thực hành đức ái và công bình được xem như bước khởi đầu của việc hoán cải, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải dẫn đến việc kết hiệp với một con người, Đức Ki-tô. Chính trong Giáo Hội mà sự kết hiệp này sẽ được thực hiện.

Đây là một trong những bài học, một bài học không nhỏ chút nào, của Tin Mừng hôm nay.

home Mục lục Lưu trữ