Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1370758

PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA TÔI

Phần đóng góp của tôi

(Suy niệm của Lm. Louis Kim Nguyen)

 

Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu đã làm một phép lạ cho hơn năm ngàn người no thỏa cơn đói của thể lý; hơn nữa, người ta còn thu lại được 12 thúng bánh dư. Phép lạ kỳ diệu ấy đã thực sự xảy ra qua bàn tay quyền năng của Thiên Chúa.

Trước hết là sự ân cần thương yêu, chăm lo cho đoàn dân của Thiên Chúa được thể hiện qua cái nhìn của Đức Giêsu, ở lúc khởi đầu của phép lạ. Thánh sử Gioan viết: “Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với Ngài”. Chính từ cái nhìn đó Đức Giêsu hiểu những nhu cầu cần thiết của họ, Ngài cảm thông với họ và Ngài hiểu rõ họ cần gì, họ muốn gì. Họ đã đi theo Ngài, lắng nghe Ngài. Ngài đã làm họ no thỏa nơi đời sống tinh thần qua những lời giảng dạy. Giờ là lúc Ngài chăm lo cho đời sống thể lý của họ. Chúng ta thấy lòng nhân từ và sự thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Giêsu thật sâu sắc như thế nào. Đây là lúc chúng ta nhận thức được chân lý Thiên Chúa luôn ưu ái, yêu thương, chăm sóc dân Ngài, từ vật chất lẫn tinh thần.

Có khá nhiều chi tiết thú vị trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Nhưng chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở hai hình ảnh: việc Anrê tiến cử một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, và việc em đã quảng đại trao ban phần mình đang có để Đức Giêsu thực hiện phép lạ vĩ đại ấy. Chúng ta dừng lại để suy nghĩ thêm về sự đóng góp, dâng hiến của mình cho Thiên Chúa để Ngài tiếp tục thực hiện những phép lạ cả thể trong cuộc sống hiện tại.

Đức Giêsu biết chắc các môn đệ không có tiền để mua bánh khoản đãi toàn dân nhưng Ngài vẫn hỏi, một câu hỏi thật tế nhị: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” và với cách đặt vấn đề này, Ngài mời gọi các ông mở lòng để cộng tác với Ngài trong việc thực thi phép lạ. Các môn đệ, cụ thể là Anrê đã tiến cử cho Ngài một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá. Đức Giêsu đã đón nhận và từ đó, qua tay Ngài, chúng đã làm thỏa mãn cơn đói thể lý của đoàn dân.

5 chiếc bánh và 2 con cá thì chẳng có giá trị gì nhiều, chỉ là khẩu phần ăn cho vài người. Tuy nhiên, chính từ những chất liệu ít ỏi ấy, Đức Giêsu đã lam một việc cả thể cho toàn dân, chỉ tính riêng đàn ông thôi cũng đã là năm ngàn người. Tông đồ Anrê hay chính xác hơn là em bé đã trao cho Ngài những gì họ có. Họ đã không giữ lại cho riêng mình. Họ đã trao ban mà không một chút hoài nghi Ngài sẽ làm gì. Họ đã trao ban chỉ vì họ tin tưởng nơi Ngài, và họ biết rằng trong tay Ngài chúng sẽ hữu ích cho toàn dân.

Phép lạ đã thực sự xảy ra. Dân chúng đã được no thỏa cơn đói của thể lý và còn thu lượm được 12 thúng bánh dư. Người ta đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ bất ngờ này đến bất ngờ kia. Họ bắt đầu nhận ra “…hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Nói cách khác, họ có ý nói hẳn vị này mới làm chúng ta mãn nguyện về những thiếu thốn của đời sống tâm linh và thể lý, chỉ trong Ngài chúng ta mới được an lòng, no thỏa.

Phép lạ vẫn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Với con mắt đức tin, chúng ta có thể nhận ra được điều ấy bởi rõ một điều là Thiên Chúa không ngừng yêu thương nhân loại và vẫn âm thầm thực thi lòng thương xót của Ngài cho nhân loại. Phép lạ vẫn xảy nếu chúng ta biết quảng đại dâng hiến và cộng tác với Ngài trong việc thi ân giáng phúc.

Khi tôi chia sẻ quỹ thời gian của tôi qua việc phục vụ cộng đoàn và tha nhân chung quanh, tôi đang đóng góp phần sức của mình trong việc xây dựng và làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt của cộng đoàn mà tôi thuộc về. Chúng chẳng là bao, đôi khi chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng vô cùng hữu dụng.

Khi tôi dâng cúng những đồng tiền tiết kiệm hay hy sinh một chút ít lợi tức của riêng mình cho người nghèo; khi tôi làm những nghĩa cử bác ái yêu thương, nâng đỡ, giúp phần an ủi, xoa dịu những nỗi thống khổ của anh em chung quanh, tôi đang như em bé trong bài Tin Mừng, dâng cúng phần bánh ít ỏi của mình để Thiên Chúa làm nên những phép lạ lớn lao. Phần đóng góp, dâng cúng của tôi chẳng nhiều gì, có khi chỉ là một vài trăm bạc nhưng chắn hẳn chúng có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa và trong tay Thiên Chúa.

Khi tôi hy sinh thơi gian thăm viếng những người đau ốm, những người đang gặp đau khổ, thử thách trong cuộc sống hẳn cũng có giá trị ít nhiều. Qua những lần thăm viếng ấy, tôi chia sẻ đức tin, tôi động viên, tôi khích lệ họ tin tưởng và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự hiện diện của tôi là dấu chứng của sự hiệp nhất, của tình huynh đệ và chắc hẳn Thiên Chúa muốn dùng sự hiện diện ấy để chúc lành và nâng đỡ họ trong đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng.

Chúng ta vẫn cầu nguyện hằng ngày và chúng ta vẫn thường xin cho mình được nhiều ơn lành, bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc. Chúng ta xin cho mình và chúng ta mong đợi những sự kỳ diệu xảy ra, điều mà chúng ta vẫn hay gọi là phép lạ. Phép lạ vẫn xảy ra nếu chúng ta có lòng tin vào lòng nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa, và nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa chứ không khoán trắng tất cả mọi sự cho Ngài, không ngồi yên một chỗ đợi chờ phép lạ xảy ra, không áp đặt Ngài chiều theo ý chúng ta.

Nếu chúng ta trao dâng cho Ngài phần đóng góp nhỏ bé của mình. Chúng có thể là thời gian, là nhiệt huyết, là tình yêu, là những hy sinh vật chất, là tài năng, là công sức thì chắc chắn từ đó Ngài sẽ làm nên những điều kỳ diệu vượt quá trí hiểu của chúng ta.

Chúng ta được mời gọi trở nên như Anrê, người đã giới thiệu cho Chúa em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá, và như em bé đã quảng đại dâng cho Chúa những gì thuộc về em. Chúng ta cũng được mời gọi dâng hiến cho Thiên Chúa thời gian, công sức, của cải vật chất và những gì thuộc về mình để Ngài tiếp tục thi ân lòng nhân từ của mình.

Thiết nghĩ đó là lời mời gọi của Đức Giêsu, của Lời Chúa mà chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Vậy hãy xin cho mình ơn quảng đại để đừng tiếc nuối gì với Chúa, để cộng tác với Chúa trong việc thi ân giáng phúc cho mọi người trong xã hội hôm nay, một xã hội vốn có quá nhiều đau khổ, có quá nhiều thiếu thốn và đói khát về tinh thần lẫn thể xác, một xã hội còn có quá nhiều sự thiếu thốn về tình thương và lòng nhân ái. Phần đóng góp của chúng ta chẳng là gì nhưng Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thích tấm lòng hơn hy lễ, chính Ngài sẽ nhận lấy và làm những phép lạ sinh ích cho muôn người.

 

 

 

 

 

77. Phép lạ bánh và cá hóa nhiều

(Suy niệm của Lm. Khiêm Cung, CMC)

 

Một cựu quân nhân Việt Nam kể như sau:

“Tôi là một chiến sĩ Cộng Hòa, cấp bậc Trung Uý. Tôi bị giải giới sau biến cố 1975. Sau giải ngũ tôi về sống với gia đình ở Long Thành, tỉnh Phước Tuy. Được vài bữa, họ gọi tôi đi khai báo và học tập một tuần cơm gạo mang theo, sau đó họ liệt tôi vào số ngụy quyền cao cấp nguy hiểm, làm việc cho Mỹ nhiều năm. Thế rồi họ chuyển tôi đi trại cải tạo ở Biên Hòa, rồi đưa tôi đi biet giam tại vùng cao nguyên nước độc Yên Bái, Lạng Sơn suốt 12 năm trường, không có thân nhân giúp đỡ. Tôi sống với các bạn tù toàn là thứ gộc từ đại úy, thiếu tá, trung tướng….. Ban ngày công tác lao động trồng mì trồng sắn, ban đêm bị xích lại với nhau trong những dẫy nhà giam khổng lồ. Mỗi bữa được một bát cơm trộn ngô bắp với vài hạt muối. Nhiều bạn tôi đói lả, sinh ra bệnh hoang tưởng, lấy lòng cán bộ, không tin tưởng nhau, cắn xé nhau, hằn thù nhau. Sau cùng, tôi và một người bạn đứng lên lôi kéo anh em, tổ chức những tối cầu nguyện, chia sẻ. Các tù nhân từ từ thống hối, từ 2 đến 3 rồi 5 người, rồi lan ra cả trại. Họ hiểu hoàn cảnh của nhau, thương yêu nhau, chia sẻ với nhau mọi nỗi khổ đau của cuộc sống tù nhân.

Câu chuyện của hai người tiền phong cũng giống như em bé trong Phúc Âm làm điều mình có thể. Em đã dâng Chúa những gì mình có để Chúa làm tất cả. Chúa biến đổi hai con cá và năm chiếc bánh thành nhiều phần ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Từ hai người trong trại tù cải tạo làm men biến đổi cả trại tù thành một đoàn môn đệ nhiệt thành của Chúa Kitô. Chúa cần em bé dâng cho Chúa hai con cá và năm cái bánh cũng như Ngài cần có người giống như qúy vị và tôi dâng cho Ngài tài năng, hy sinh và lời cầu nguyện hàng ngày, để Ngài biến thành của ăn uống thiêng liêng, hữu ích cho dân Ngài đang đói lả dọc đường.

Nếu hằng ngày chúng ta biết dâng “bánh và cá” cuộc đời cho Chúa, thì Ngài sẽ lãnh nhận và biến thành hữu ích cho chính chúng ta và toàn thế giới ngoài sự tưởng tượng của mình.

 

 

 

 

 

78. Hãy cho họ ăn – An Phong, OP

 

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa hóa bánh nuôi 5000 người được ăn no. Đây là một phép lạ có tầm mức quan trọng lớn theo truyền thống Tin mừng và phép lạ này duy nhất được cả Bốn Tin mừng thuật lại. Qua phép lạ này, Đức Giêsu biểu lộ quyền năng của một Đấng Messia, Đấng Cứu nhân Độ thế, và các môn đệ cần tin tưởng vào Ngài.

Ăn uống là một trong những nhu cầu cơ bản của đời sống con người. Tuy đây không phải là nhu cầu duy nhất và đầy đủ; vì người ta không “sống để mà ăn”. Nhưng ăn uống vẫn là nhu cầu đầu tiên của cuộc sống; bởi lẽ, người ta không thể sống nếu không được ăn và trong cuộc đời làm người, con người luôn phải lo toan sao cho có đủ ăn, và xa hơn là ăn ngon. Con người vẫn cần phải “ăn để mà sống”.

Một đứa trẻ thiếu ăn, suy dinh dưỡng, sẽ không thể lớn lên, khỏe mạnh, thông minh, không thể học hành cho đến nơi đến chốn. Quả thật, chuyện ăn uống có dính dáng đến cả sứ mệnh làm người, vì nó chắc chắn ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ. Thử hỏi các bà nội trợ một ngày bỏ ra bao nhiêu thời gian để đi chợ, để nấu nướng, chuẩn bị bữa cơm cho gia đình? Thử hỏi một đời người đã mất bao nhiêu thời giờ cho các bữa ăn?

Như thế, ăn uống là một nhu cầu rất thật và là chuyện rất thực tế của đời người. Thế nên, chẳng lạ gì, Đức Giêsu quan tâm đến “cái ăn” của con người. Hẳn là Người yêu thương và muốn cứu độ trọn vẹn con người. “Chúng ta lấy đâu ra bánh cho từng ấy người đây?”. Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ như thế, và đó cũng là một câu hỏi rất thực tế mà, ngày nay, Người cũng đang hỏi chúng ta.

Tất nhiên, khi nghe câu hỏi này, các môn đệ lo lắng, bối rối. Chúng ta cũng vậy thôi, chúng ta chẳng những phải lo của ăn cho mình, nhưng còn phải nhìn thấy biết bao người đang đói ăn chung quanh mình, trên thế giới. Nhiều lúc chúng ta cũng chẳng biết làm thế nào.

Với lòng tin tưởng, các tông đồ mang đến 5 chiếc bánh và 2 con cá; với chúng ta cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta tin tưởng nơi Người và quảng đại đóng góp phần nhỏ nhoi của mình. Chính Người sẽ làm cho phần nhỏ nhoi ấy có thể trở nên một dấu chỉ giúp người ta nhận ra Chúa Giêsu “hẳn là Vị Ngôn Sứ”.

Lạy Chúa Giêsu,

Nhiều lúc chúng con thấy cả cuộc đời thật vô nghĩa,

vì chỉ để đi kiếm miếng ăn.

Nhiều lúc chúng con muốn thoát nợ áo cơm

để “làm chuyện lớn lao”;

nhưng lại không sao thoát được.

Nhưng chính Chúa đã dạy phải lo đến miếng ăn;

để trong miếng ăn hàng ngày,

chúng con nhận ra Chúa còn nuôi nhân loại

bằng Bánh Hằng Sống bởi trời nữa.

 

 

 

 

 

79. Bánh cho đám đông

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP)

 

Từ chút đóng góp nhỏ nhoi

Chương 6 của Tin Mừng Gio-an được trích đọc trong mấy Chúa nhật liên tiếp, khởi đầu với trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều, tiếp đó là những lời giải thích về đề tài Bánh Trường Sinh.

Trong phần sau này, Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này se được sống muôn đời” (6,51). Lời tuyên bố này là chìa khoá để giải thích phép lạ hôm nay: việc hoá bánh ra nhiều là sự kiện báo trước về bí tích Thánh Thể.

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn. Quanh Đức Giêsu, có các ông Phi-líp-phê, An-rê là anh ông Phê-rô, và có lẽ cả các môn đệ khác nữa. Ngoài ra, lẫn trong đám đông, còn một cậu bé có mang theo năm chiếc bánh và hai con cá; ông An-rê đã giới thiệu cậu bé với Đức Giêsu.

Chắc chắn rằng, nếu không có những chiếc bánh và mấy con cá của cậu bé, Đức Giêsu cũng có thể làm phép lạ để nuôi sống đám đông. Thế nhưng, Đức Giêsu muốn cho thấy một khía cạnh đặc biệt: phép lạ luôn là lời đáp trả trước một đề nghị hay một lời mời.

Như thế, Đức Giêsu muốn tôn trọng trật tự của sự việc: việc hoá bánh ra nhiều không xuất phát từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một cậu bé. Ai mong muốn chính mình trở thành phúc lành cho người khác, thì phải đem đến cho Đức Giêsu điều mình có. Người không yêu cầu người ta điều họ không có, nhưng trong đôi tay thánh thiện và nhân ái của Người, điều người ta chia sẻ sẽ trở thành phép lạ, dư tràn và phong phú.

Về phần mình, cậu bé có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay những người thân quen. Làm như thế, cậu chỉ nuôi sống một vài người, chứ không góp phần làm cho việc hoá nhiều được dễ dàng. Trong hoang địa, một nơi ở xa các làng mạc, thì phần thức ăn dù nhỏ nhoi của cậu cũng là một điều rất quý giá, giúp cậu vượt qua cơn đói. Nhưng cậu đã trao tất cả cho Đức Giêsu, và Người đã dùng quyền năng mà làm cho bánh và cá hoá ra nhiều để nuôi cả đám đông. Không phải chỉ một mình cậu được nuôi sống, mà tất cả mọi người đều được ăn no…

“Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,9). Một đồng bạc là tiền công của một ngày làm việc, thế mà có bỏ ra một số rất lớn cũng chẳng đủ chia cho mỗi người… Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá “với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” Như thế, theo cái nhìn con người, tình trạng này quả là bất lực, không thể nào giải quyết nỗi. Điều này làm rõ lên một chủ đề lớn trong Tin Mừng thứ tư: chỉ có Thiên Chúa mới có kha năng nuôi sống một đám đông như vậy. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đem lại cho mỗi người phần của họ, làm cho họ được no nê, thoả mãn.

Thiên Chúa có thể làm những điều kỳ diệu, lớn lao, nhưng Người lại muốn nhân loại đóng góp phần của mình. Chính từ phần đóng góp ít ỏi ấy, Thiên Chúa lại ban cho họ những hồng ân khác, nhất là sự sống.

Người không muốn làm vua

Những người chứng kiến phép lạ Đức Giêsu đều nhận ra đây là một điều hết sức kỳ diệu. Mọi người đều nhìn nhận Đức Ki-tô có uy quyền của Thiên Chúa: Người đã bày tỏ uy quyền qua việc hoá bánh ra nhiều. Sự kiện này làm cho người ta nhớ ngay đến những kỷ niệm thời xuất hành: ông Mô-sê đa can thiệp và Thiên Chúa đã ban cho dân Do-thái có bánh ăn trong hoang địa. Do đó, dân chúng nghĩ rằng thời gian cứu độ đã đến và Đức Giêsu là “vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Họ tính bắt Người để tôn làm vua, nhưng “Người lánh mặt, đi lên núi một mình”.

Những kỷ niệm thời Xuất Hành

Người ta có thể so sánh ngôn sứ Ê-li-sê trong bài đọc 1 với Đức Giêsu. Tuy nhiên, những chi tiết trong trình thuật Tin Mừng hôm nay có vẻ gần gũi hơn vơi những biến cố thời xuất hành. Từ bờ bên này sang bờ bên kia – đi qua Biển Đỏ; xa khỏi làng mạc; – không còn những của ăn của đất Ai-cập; ông Phi-líp-phê bị thử thách – dân Do-thái bị thử thách; Đức Giêsu cho đám đông ăn no – Thiên Chúa nuôi dân bằng man-na.

Xưa kia, dân Do-thái đã trải qua những biến cố này để tiến đến giao ước; đối với các độc giả đã được nghe nói về mầu nhiệm Phục Sinh, thánh Gio-an nhấn mạnh rằng sự kiện này xảy ra ít lâu trước lễ Vượt Qua. Rõ ràng tác giả muốn các độc giả hiểu rằng dấu chỉ của giao ước chính là bí tích Thánh Thể. Như vậy, con người sẽ trở thành hòm bia, thành căn lều để Thiên Chúa cư ngụ.

Ngôn sứ hay vua

Trong hoang địa, dân Do-thái nhìn nhận ông Mô-sê là thủ lãnh của mình. Họ đi theo ông vì họ đã chứng kiến những dấu lạ ông làm. Giờ đây, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu, vì họ đã thấy Đức Giêsu chữa lành các bệnh nhân và làm nhiều dấu lạ khác. Hôm nay, Đức Giêsu không chỉ chữa lành, Người còn nuôi sống họ. Trước mắt họ, Đức Giêsu là “Vị Ngôn Sứ, là Đấng phải đến thế gian”.

Thế nhưng, thay vì tiếp tục đi theo Đức Giêsu trên con đường Người muốn họ đi – con đường đi đến cái chết và sự phục sinh -, đám đông lại muốn thu nhỏ con người thiên sai này, bằng cách đưa Người vào trong cơ chế của họ. Họ muốn tôn Người làm vua.

Biết được điều đó, Đức Giêsu đã lánh đi. Người là Vua, là Vua ngay từ khi mới sinh (x. Mt 2,2), nhưng Vương quyền của Người phát xuất từ thập giá chứ không do ý thích của người phàm. Con đường của Người vẫn còn dài ở phía trước, chứ không phải là kết qua của những việc đã làm, nên Người đã lánh đi, đã từ chối, như trước đây Người đã từ chối với Xa-tan, và sau này, với Phi-la-tô. Mỗi lần một người hay một thể chế muốn nắm lấy Đức Giêsu để phục vụ những chương trình riêng của mình, Người cương quyết khước từ.

Tôn Đức Giêsu lên làm vua, đó là một sự cắt đứt, bởi vì việc hoá bánh ra nhiều là một dự báo về Nước Trời, nhưng là Nước của Thiên Chúa, chứ không phải nước của loài người đang muốn tái lập quyền lực chính trị của mình.

Do đó, Đức Giêsu đã lên núi một mình…

Hãy đóng góp phần của mình

“Một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”.

Cậu bé đó chính là bạn, là chúng ta, là tất cả cac Ki-tô hữu. Trước nỗi thống khỗ của biết bao người, chúng ta thường nghĩ rằng tài sản của chúng ta chẳng thấm thía gì, quá ít. Điều đó đúng. Thế nhưng, nếu ta trao tặng tài sản đó, thì như một số vốn, lòng quảng đại sẽ kéo thêm lòng quảng đại, sự chia sẻ sẽ thúc đẩy sự chia sẻ, tình yêu sẽ khơi dậy tình yêu. Làm như vậy, ta đã đặt nền móng cho Nước Trời.

Đàng khác, bạn thấy đó, trước khi phân phát bánh, Đức Ki-tô đã dâng lời tạ ơn – tiếng hy-lạp là Eucharistia. Người tạ ơn ai, nếu không phải là Chúa Cha, như Người vẫn quen làm. Nhờ lời tạ ơn của Đức Giêsu, năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi sống cả đám đông, lại còn dư mười hai thúng đầy. Nhờ lời tạ ơn của Đức Giêsu, phần đóng góp nhỏ nhoi của cậu bé trở thành nguồn mạch dồi dào.

Như thế, trình thuật Tin Mừng mời gọi chúng ta: hãy chia sẻ tình yêu để chuẩn bị cho Nước Trời là Tình yêu vĩnh cửu; hãy chia sẻ với lời cảm tạ để bánh trần gian được Đức Ki-tô biến đổi thành bánh bởi trời, thành bánh là chính Người, bánh ban sự sống muôn đời.

“Ngày nay, Thiên Chúa đòi chúng ta làm tăng thêm cho chính chúng ta cũng như người khác những tấm bánh đem lại sự sống, những tấm bánh bao trùm mọi hình thức của cuộc sống, những tấm bánh tròn, những tấm bánh dài, cả những tấm bánh có hình dáng lạ kỳ. Theo nghĩa này, chiếc bánh không chỉ là cung cấp năng lượng cần thiết để sống, nhưng còn là những chiếc bánh tràn đầy Thần Khí, tràn đầy niềm vui.

“Cho dù con người thời nay không diễn tả rõ, nhưng chắc chắn, người ta không chỉ cần bánh ăn, mà cả hoa hồng nữa.

“Chúng ta được dựng nên để hưởng hạnh phúc, để được sung mãn, nhưng chúng ta cũng phải biết rằng hạnh phúc luôn ở bên kia hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là một mục đích, nhưng là một chân trời để hướng tới. Bạn có muốn đi xa hơn nữa không?…” (theo P.Talec.)

 

 

 

 

 

80. Cộng tác

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

 

Có người cho rằng phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều kể lại trong Tin Mừng là chuyện không có thực mà chỉ la tác dụng tâm lý, nghĩa là họ cho rằng: em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đã chia phần ăn của mình cho người bên cạnh, và thế là theo gương em bé này, mọi người chia phần ăn của mình cho nhau, nên ai cũng đủ bánh ăn.

Nhưng sự thật không phải như vậy, vì Tin Mừng đã kể lại những chi tiết rất rõ ràng và cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại, đây là một phép lạ thực sự của Chúa Giêsu. Các nhà chú giải Kinh Thánh đã quả quyết: “Phải chối bỏ cả Tin Mừng thì mới có thể loại bỏ khỏi Tin Mừng sự kiện hóa bánh ra nhiều”. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tìm hiểu phép lạ này có thực hay không mà là tìm hiểu xem Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì khi làm phép lạ này. Có nhiều điều lắm, chúng ta hãy ghi nhận và suy nghĩ hai điều.

Điều thứ nhất Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về lòng thương xót. Trong bối cảnh của phép lạ này, chúng ta thấy có hai thứ thương xót. Cac môn đệ thấy trời đã về chiều và người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ và đã thưa với Chúa: “Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua thức ăn”. Đó là thứ thương xót thứ nhất, thứ thương xót nhập đề, lòng thương xót này cần thiết vì là khởi điểm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ, vì thế, Chúa muốn các môn đệ bước qua thứ thương xót khởi điểm đó, đem thứ thương xót nhập đề vào thứ thương xót thứ hai, thứ thương xót nhập cuộc: “Anh em hãy cho họ ăn”.

Quả thực, có tấm lòng thương xót người khác là một điều tốt rồi nhưng chưa đủ, có những lời nói thương xót người khác cũng là một điều tốt rồi nhưng cũng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, cần phải có hành động thương xót thực sự nữa. Chúa Giêsu đã thể hiện như thế và Ngài dạy chúng ta hãy sống như thế. Cũng vậy, có lòng trắc ẩn hay những lời nói an ủi, khích lệ, cảm thông là thái độ tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là biết chia sẻ, biết san sẻ giúp đỡ. Chúa không đòi chúng ta những việc làm to lớn, nhưng đòi chúng ta phải biết san sẻ, phải biết cho những gì trong tầm tay, trong khả năng của mình, phần còn lại chúng ta sẽ được Chúa tiếp tay thực hiện. Điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều, nhưng là ở chỗ chúng ta có con mắt đức tin đủ để nhận ra những người khác cũng là con Thiên Chúa, cũng là anh em của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của người khác. Xin Chúa tiếp tay trợ giúp chúng ta để tình yêu thương nhân ái được tỏa lan rộng rãi hơn.

Điều thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua phép lạ hóa bánh này là sự cộng tác. Trước hết, chúng ta phải xác nhận chắc chắn rằng: nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá của em bé kia, Chúa Giêsu vẫn có thể làm phép lạ cho hàng người ăn no nê, thoải mái. Cũng vậy, không cần có sự cộng tác của các môn đệ trong việc đi tìm bánh, Chúa Giêsu vẫn có thể làm được phép lạ dễ dàng. Nói tóm lại, một mình Chúa có thể làm được mọi sự, không cần ai cộng tác, không cần vật liệu nào cả, với quyền năng vô biên, Chúa chỉ cần phán một lời là tức khắc có ngay, tức khắc có dư thừa bánh cho mọi người ăn. Nhưng ở đây Chúa muốn cho mọi người thấy: việc hóa bánh ra nhiều không phát xuất từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một em bé. Em có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay cho những người thân quen. Làm như thế thì chỉ một mình em hay một vài người được ăn, nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn. Như vậy, năm chiếc bánh và hai con cá của em bé kia là biểu trưng cho một sự cộng tác cần thiết để Chúa Giêsu làm phép lạ.

Cũng vậy, Chúa muốn các môn đệ cộng tác với Ngài trong việc đi tìm bánh, nên Chúa bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn”, nên chúng ta thấy khi các môn đệ tìm được năm chiếc bánh và hai con cá rồi Chúa mới làm phép lạ. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết: cần có sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta, nghĩa là bên cạnh tình thương và ơn phúc của Chúa, cần có sự cộng tác của chúng ta để xây dựng cuộc đời mình.

Dĩ nhiên với quyền năng vô biên, Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có, kể cả sự dốt nát, hèn kém, vô dụng của chúng ta. Chúng ta đừng chỉ trông mong Chúa làm phép lạ, dĩ nhiên Chúa có thể làm, nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh, không phải chỉ trong đời thường thôi, nhưng cả trong ơn cứu chuộc nữa, như thánh Âu Tinh đã nói: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”.

Trong cuộc sống, chúng ta hãy cộng tác với nhau và nhất là cộng tác với ơn Chúa để hoàn thành trách nhiệm đời mình và cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

 

81. Ngôn Sứ Vĩ Đại

(Suy niệm của Như Hạ, OP)

 

Sau bao nhieu thập niên chờ đợi, cuối cùng mọi người đã thấy tất cả sự thật về bí mật Fatima. Đức Mẹ đã đóng vai ngôn sứ của thế kỷ 20. Mẹ đã đóng vai ngôn sứ tuyệt vời vì Mẹ đã học nơi Đức Giêsu Con Mẹ khi còn sống trên trần gian. Lời Mẹ vang vọng cả một nguồn mạc khải đã được Đức Giêsu truyền đạt cho nhân loại. Kitô hữu vui sướng lắng nghe. Cũng như Mẹ, họ mong trở thành ngôn sứ cho thời đại.

NHẬN DIỆN VỊ NGÔN SỨ

Sau khi chứng kiến “dấu la Đức Giêsu làm”, dân chúng kháo láo: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Dấu lạ đó chính là một hành vi bác ái phát xuất từ một quả tim biết động lòng trắc ẩn trước những nhu cầu quần chúng. Người là một vị ngôn sứ đến thế gian, không phải để “cứu rỗi các linh hồn” mà thôi. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa không làm những dấu lạ thiêng liêng, nhưng toàn là “những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6:3) và cho hàng ngàn người “no nê” cá và bánh. Dĩ nhiên Chúa không dừng lại ở các dấu lạ đó, nhưng hướng tới một mục đích cao hơn. Không dừng lại không có nghĩa là không quan trọng. Trái lại, thân xác giữ một vai trò tất yếu. Nếu không có thân xác không thể đọc ý nghĩa dấu lạ. Nếu không cần thân xác, Chúa đã không mất nhiều thời giờ đi đây đó tìm kiếm những người đau ốm và đói khát. Cứ để hết thời giờ vào việc suy tư cầu nguyện có lẽ sẽ cứu rỗi nhiều linh hồn hơn. Nhưng có lẽ sẽ chỉ làm vui tai mấy nhà trí thức kinh viện mà thôi.

Đức Giêsu không xuống trần gian để cứu rỗi các linh hồn. Đúng hơn, Người đến cứu con người toàn diện. Thứ tự không phải đi từ trên xuống dưới, nhưng từ thấp lên cao. Thực tế, có thực mới vực được đạo. Nếu bỏ tất cả những dấu lạ trong Tin Mừng, chắc chắn Đức Giêsu không thể qui tụ nhiều người và tạo được một thế đứng lớn lao trong lịch sử cứu độ như thế. Dân chúng đã đánh giá Đức Giêsu như “vị ngôn sứ” chỉ vì đã thấy được hành vi bác ái rất cụ thể của Người. Như vậy, đức ái có tính ngôn sứ. Thánh Gioan khẳng quyết: “Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau yếu.” (Ga 6:3)

Người làm được những dấu lạ đó không phải từ hư vô, nhưng từ những chiếc bánh và con cá có sẵn. Những cái có sẵn đó chỉ là một số lượng ít ỏi. Nhưng đó là sự đóng góp của con người. Rất cần thiết. Rất quan trọng. Nhưng phần cần thiết, quan trọng và chính yếu hơn chính là Thiên Chúa. Bởi thế, sau khi các môn đệ gom được “năm chiếc banh lúa mạch và hai con cá” (Ga 6:9) từ chiếc giỏ của một em bé, “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn” (Ga 6:11) Thiên Chúa Cha. Nhờ đó thần lực đã hoạt động mãnh liệt và cấp thời, biến số lượng bánh và cá nhỏ nhoi đó thành những thúng bánh khổng lồ nuôi sống muôn dân giữa cơn đói khát. Thật là ngoài sức tưởng tượng của các môn đệ và dân chúng. Trong cái tính toán bình thường, trước một đám đông dân chúng, các ông chỉ có thể suy nghĩ: “Có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút,” (Ga 6:7) hay “ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9) Đúng là tính toán của con người! Nhưng Thiên Chúa có những tính toán khác hẳn. Người không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, vì Người toàn năng. Tin chắc như thế, nên “Đức Giêsu nói: ‘Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi’.” (Ga 6:9) Việc gì phải đến đã đến. Người đã làm được tất cả những gì Người muốn.

Từ một nhu cầu tầm thường vật chất, Người đã có thể hướng người ta về một điểm cao hơn. Tự lòng đầy khâm phục Chúa, dân chúng đã phải thốt lên: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:15) Thấy Đức Giêsu tài tình như thế, họ tìm cách “tôn làm vua.” (Ga 6:15) Tôn làm vua không phải vì Người, nhưng vì chính tương lai của họ. Mặc dầu đầu óc còn trần tuc khi muốn tôn phong Đức Giêsu làm vua, nhưng ít nhất dân chúng cũng thấy nơi Người dấu chỉ về lòng Chúa xót thương. Chỉ cần được hướng dẫn một chút, tâm trí họ có thể bay cao hơn để nhận ra Người chính là “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Mt 21:9) Nếu Người được tôn làm vua, còn đâu vai trò ngôn sứ?! Bởi thế, Người đã “lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15) để trọn vẹn sống ơn gọi làm ngôn sứ. Ngôn sứ đã ở một vị trí thật đẹp: trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Một vị trí như thế không thể lệ thuộc vào bất cứ cơ chế hay vinh hoa trần gian nào. Có thế, ngôn sứ mới có thể nhân danh Thiên Chúa (Đnl 18:22) nói với những người đang sống bám vào cơ cấu. Chính vì thế thân phận ngôn sứ luôn bị cơ chế bách hại. Cuộc đời Đức Giêsu chứng minh tất cả sự thật về thân phận ngôn sứ.

CHIỀU KÍCH NGÔN SỨ

Đức Giêsu đã không làm dấu lạ một mình. Chung quanh Người có các môn đe, những người trực tiếp góp phần vào việc tạo thành dấu lạ đó. Cảnh tượng dân chúng ồn ào vì hành trình mệt mỏi khiến Thày trò xốn xang. Các môn đệ lo ra mặt khi Thày đề nghị: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6:5) Ông Philipphê đi xục xạo khắp nơi để tìm bánh và cá cho Thày. Cuối cùng các ông cũng tìm được với niềm thất vọng trước nhu cầu lớn lao của quần chúng. “Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9) Tất cả chỉ có thế. Đó lại là phần đóng góp của “một em bé.” (Ga 6:9) Em bé đã sẵn sàng dâng cho Chúa, mặc dầu cũng đang đói khát như mọi người xung quanh. Không ai từ chối đóng góp vào việc tạo dau lạ cho muôn dân nhận ra Đức Kitô là Ngôn sứ. Dĩ nhiên Chúa chẳng cần đến chất liệu cũng như con người để tạo nên những dấu lạ đó, vì Người là Đấng Toàn Năng. Nhưng Người muốn cho mọi người cùng tham gia vào công cuộc cứu độ. Người muốn mọi người “đều là ngôn sứ.” (Ds 11:27)

Nếu đức bác ái mang tính ngôn sứ, thì không ai có thể từ chối trở thành ngôn sứ. Mỗi hành vi bác ái, dù nhỏ bé nhất, đều là một dấu lạ, là một phương tiện cần thiết để “sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban” (Ep 4:1). Nếu không sống bác ái, dù có mọi nhân đức khác, chúng ta không thể hiệp nhất với Thiên Chúa, vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Chính trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và với anh em, chúng ta sẽ làm được những dấu lạ mang tính ngôn sứ, và làm cho mọi người nghe được tiếng nói Thiên Chúa. Có hiệp nhất mới có hi vọng. Bởi thế, thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng” (Ep 4:3-4). Thần Khí là Đấng “đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy” (Kinh Tin Kính). Người cũng đang tiếp tục phán dạy muôn dân qua những hành vi hiệp nhất đầy tính ngôn sứ của các Kitô hữu.

Sức mạnh hiệp nhất các Kitô hữu chính là Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra cho muôn dân. Thánh Thể chính là dấu lạ Chúa đã thiết lập để duy trì và phát triển cộng đoàn Kitô hữu. Chỉ có Kitô hữu mới nhìn ra ý nghĩa và hình bóng dấu lạ này nơi dấu lạ hóa bánh. Nếu dấu lạ hóa bánh đã qui tụ được dân chúng, chắc chắn Thánh Thể còn hiệp nhất được muôn dân hơn nữa, vì nơi Thánh The, sức mạnh Thiên Chúa đang hoạt động để thực hiện giao ước đối với nhân loại. Nơi đây cũng thể hiện sự hiệp nhất với đầu là Đức Kitô và với tất cả những ai là chi thể của Người (Fink 1990:439). Nhờ đó Thiên Chúa được hoàn toàn vinh quang và con người được nên thánh. Dấu lạ tìm kiếm dấu lạ. Dấu lạ Thánh Thể đang kêu mời những dấu lạ tình yêu nơi các Kitô hữu. Bạn có muốn trở thành dấu lạ giữa muôn dân như Thánh Thể đang ở giữa chúng ta không?

 

 

 

 

 

82. Suy niệm của Giuse Đỗ Huy Hoàng, OP

CHÚA LÀM PHÉP LẠ HOÁ BÁNH RA NHIỀU

ĐỂ NUÔI DÂN ĐÓI KHỔ

 

Trình thuật tin mừng theo thánh Gioan, kể lại việc Chúa làm dấu lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Khởi đầu, tác giả miêu tả toàn cảnh trên bãi biển miền Ga-li-lê-a. Ở đó có rất đông dân chúng từ các làng mạc và các vùng phụ cận đi theo Đức Giêsu và nghe Người giảng dạy. Trong khi nghe Chúa nói, họ không cảm thấy mệt mỏi và đói khát, họ không nghĩ đến việc thiếu lương thực và không thể mua khi chung quanh không có làng mạc.

Với tấm lòng của người mục tử nhân lành, Người đã quan tâm đến nhu cầu vật chất của những người đang nghe Người giảng đây, bởi Người đã từng trải qua cái đói khi ở trong hoang địa, cái khát bên bờ giếng. Người muốn cho họ ăn. Vì thế, Người quay lại hỏi ông Phi-líp-phê: “chúng ta có thể mua bánh ở đâu cho họ ăn đây?” (Ga 6,5) Điều Ngài muốn các môn đệ cùng chia sẻ nỗi bận tâm và ưu tư của Ngài.

Có lẽ, đây là bài toán khó đối với các môn đệ, trong khi họ ở cách xa làng mạc. Qua đó, giúp các ông nhận ra giới của con người như cách ông Phi-líp-phê trả lời Đức Giêsu: “thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,7).

Ngay lúc con người bất lực là lúc Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng của Người. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, người đã nuôi sống hơn 5000 người. Qua dấu lạ này, Người muốn nhắn gửi thông điệp tình yêu đến mỗi người chúng ta, và ẩn sâu trong đó, Chúa mời gọi con người cùng cộng tác, cùng cho đi, cùng chia sẻ những gì mình đang có.

Lạy Chúa Giêsu thánh thể, ngày hôm nay, chúng con đang sống trong thế giới mà con người không chỉ đói khát lương thực nhưng còn đói khát tinh thần. Cái đói đã làm cho bao người đánh mất chính mình, vì thế họ đã bán rẻ lương tâm để có cái ăn, cái mặc.

Họ quay quắt với cái đói ăn, đói thuốc men để chữa bệnh, đói nước sạch để dùng và đói cả một bầu khí trong lành để nghỉ ngơi. Tất cả đều diễn ra trước mắt con, con đã làm ngơ và coi như không thấy. Con đã khoanh tay, khi gặp một người anh em vấp ngã bên đường cần con nâng đỡ, và con đã…

Chúa đã cho chúng con thấy tấm lòng quảng đại của Người. Nhưng đôi khi chúng con trách Người tại sao đã tạo ra nghèo khổ, và có lẽ chúng con nên tự trách mình, bởi bất công đang nằm ngay nơi lòng mình, vì thế, xã hội còn nhiều người nghèo đói, bất công… do chúng con không dám chia sẻ những của cải dư thừa. Con biết, Người không cần chúng con chia sẻ cho mọi người những gì vượt quá khả năng, nhưng chỉ những gì chúng con có. Và có thể thế giới này sẽ khác, nếu chúng con dám chạy đến chia sẻ cho người anh em những gì chúng con có?

Lạy Chúa! xin cho con nhận thức rằng, khi con có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà để che đầu và một nơi nghỉ qua đêm là con đã giàu có hơn 75% thế giới.

Khi con có dư thừa vật chất, của cải để chia sẻ với mọi người là con thuộc 8% những người giàu nhất thế giới.

Khi con chưa phải trải qua nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tội hay vật vã của đói khát là con hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới.[1]

Và lạy Chúa, xin cho con nhận thức được tất cả những gì chúng con có là do hồng ân Chúa thương ban, chứ không phải do tài năng và công trạng của mình. Vì vậy, chúng con phải mau mắn chia sẻ với mọi người để thế giới bớt nghèo đói và đau khổ. Amen.

 

 

 

 

 

83. Mua đâu ra bánh cho những người này ăn

(Suy niệm của Noel Quesson)

 

Một toán du khách đi thăm dấu vết của trại Đa-sô (Dachau), một trại giam nổi tiếng của phát xít Đức thời Hitler. Người hướng dẫn khách du lịch hôm đó là một cưu tù nhân của Đa-sô xưa, ông đã bị nhốt lâu năm và may mắn thoát chết. Hôm đó là Chúa nhật, nhiều toán khách du lịch đến thăm di tích lịch sử này. Khắp nơi vương vãi những rác rưởi lẫn với đồ ăn thức uống. Gặp một mẩu bánh mì nằm bên lề đường, người hướng dẫn toán du lịch nhào tới lượm lên, ông nói giọng run run: “Một mẩu bánh mì! Tôi không thể chịu được khi thấy một mẩu bánh mì bị bỏ phí. Mấy năm thoi thóp trong tù, đối với tôi mẩu bánh mì đồng nghĩa với sự sống. Nó là ranh giới giữa sống và chết”.

Trong các bản năng Chúa trao ban cho con người, có lẽ bản năng sinh tồn là tha thiết nhất. Bất cứ ai đã có lần bị xâu xé trong cơn đói thì sẽ ghi nhớ suốt đời. Chắc Chúa Giêsu đã có kinh nghiệm trong bốn mươi ngày đêm ăn chay nơi sa mạc, nên người rất cảm thương những người bị đói. Đám dân lũ lượt đi theo Chúa vào sa mạc, có những người vì tin tưởng muốn nghe lời Chúa, nhưng cũng có người chỉ vì tò mò, vui chân theo bạn bè, họ cứ đi mà không nghĩ đến ăn uống. Giờ này, Chúa biết họ đói bụng, và Chúa nghĩ phải kiếm gì cho họ ăn. Và có lẽ qua niềm cảm thông với tình cảnh đói khát của con người như vậy, Chúa đã nghĩ tới việc lập Bí Tích Thánh Thể. Qua Bí Tích này, Chúa ở lại gần gũi với nhân loại hơn. Đồng thời cũng là để thỏa mãn phần nào sự đói khát tâm linh của tín hữu. Từ lương thực no đủ cho thân xác, con người nghĩ về Chúa như một nhu cầu thiết yếu của linh hồn mình. Chúa đã mở rộng cõi lòng và cái nhìn của ta để ta dễ tiếp nhận mầu nhiệm Thánh Thể bằng một phép lạ vĩ đại: Bánh hóa nhiều. Chúa làm cho 5 ổ bánh hóa nhiều để nuôi 5 ngàn người, cốt cho chúng ta nhớ tới Chúa là bánh thật, bánh trường sinh, là lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Sự đói khát Chúa khó cảm thấy, nhưng cũng gây mệt mỏi cho con người như đói cơm bánh vậy.

Tại sao Chúa phải hỏi Philipphê về việc mua bánh? Ngài có thể phán một lời là có ngay nhiều bánh nhiều cá. Tuy nhiên Chúa muốn thực hiện một phép lạ với sự cộng tác của Tông đồ và thiện chí của một em bé. Đo cũng là một qui luật tự nhiên mà Chúa hằng tôn trọng: do lòng tin mà có phép lạ. Chúng ta còn nhớ phép lạ trong tiệc cưới Cana. Chúa có thể từ không mà làm ra rượu, nhưng Chúa đã đợi người ta đổ nước lã đầy các chum. Những người giúp việc đang mệt mỏi mà phải đi múc nước từ giếng sâu, cũng là một cố gắng, có thể nói được là một hành động biểu lộ đức tin.

Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa đã ban lời Chúa và Thánh Thể làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng con. Xin giúp chúng con hiểu và tin những mầu nhiệm Chúa muốn mạc khải cho chúng con. Chúng con xin tạ ơn Ngài.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ