Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1371755
PHÉP RỬA
Phép rửa
Có hai anh bạn đi mua đồ phế thải. Sau khi xem xét một hồi, anh thứ nhất nói:
- Toàn là đồ “năm vố” không à.
Còn anh kia thì nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ đã han dỉ và nói:
- Thật là khó mà tin được, tôi đã tìm thấy một món đồ quý. Cây thánh giá này được làm bằng chất bạc ngày xưa.
Anh ta mang cây thánh giá về nhà, lau chùi, rồi đưa cho đứa con mới đi học giáo lý về. Nó kính cẩn cầm trong tay, ngắm nghía một hồi rồi bật khóc. Thấy vậy anh liền hỏi:
- Tại sao con khóc.
Nó trả lời:
- Con không thể cầm lòng được khi nhìn vào Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
Và như thế, cả ba người đều nhìn vào cây thập giá, thế mà người thứ nhất chỉ thấy đó là đồ ve chai mủ bể, người thứ hai thì thấy đó là một đồ vật có giá trị. Còn người thứ ba thì nhận ra Chúa Giêsu trên đó. Cách nhìn cây thập giá trên cũng tương tự như cách chúng ta nhìn Phúc âm.
Tất cả chúng ta đều nghe cùng một đoạn Phúc âm, thế nhưng mỗi người lại hiểu và phản ứng một cách khác nhau. Có thể chúng ta chỉ nghe như nghe một câu chuyện bình thường, chẳng có chi đặc sắc. Có thể chúng ta đã lắng nghe và tiến thêm một bước nữa, đó là tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Có thể ngoài việc học hỏi ý nghĩa, chúng ta còn cố gắng áp dụng vào cuộc sống. Đó là ba bước tiếp nhận Phúc âm: lắng nghe, học hỏi và áp dụng.
Đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay về sự việc Chúa Giêsu chịu phép rửa:
Bước thứ nhất, chúng ta lắng nghe câu chuyện và biết rằng: sau khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống và có tiếng từ trời phán ra. Và cũng chỉ có vậy mà thôi.
Bước thứ hai, chúng ta đi xa hơn một chút, bằng cách cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những sự kiện trên. Chẳng hạn hình ảnh trời mở ra cho ta thấy Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của dân Ngài và Ngài đang đến để cứu vớt họ. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống gợi lên cho chúng ta về một kỷ nguyên mới, vũ trụ này được tái tạo để trở nên tốt đẹp hơn, như ngày xưa, khi tạo dựng trời đất, Thánh Thần Chúa cũng đã bay lượn trên nước. Còn hình ảnh thứ ba, có tiếng nói từ trời phán ra:
- Đây là con Ta rất yêu dấu.
Những lời này cho thấy Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Adong mới của cuộc tạo dựng mới, như lời thánh Phaolô:
- Người thứ nhất tức Adong được tạo dựng là con người sống. Nhưng Adong cuối cùng là Đức Kitô, lại là thần khí ban sự sống. Adong thứ nhất bởi đất mà ra. Còn Adong thứ hai thì từ trời mà đến. Như chúng ta đã mang ảnh hưởng của con người bởi đất, tức Adong thứ nhất thế nào thì chúng ta cũng sẽ mang hình tượng con người bởi trời, tức Adong thứ hai là Đức Kitô như vậy.
Ngoài việc lắng nghe, tìm hiểu ý nghĩa, chúng ta còn phải áp dụng ý nghĩa câu chuyện ấy vào cuộc sống chúng ta.
Chẳng hạn, chúng ta có thể nhớ lại rằng: Cuộc sáng tạo mới bắt đầu với phép rửa của Chúa Giêsu và đã trở thành một thực tại gắn bó với mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì một cách nào đó, bầu trời cũng mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta và chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.
Và như thế chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với tước vị cao cả ấy. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã khuyên chúng ta:
- Anh em đã sống lại cùng Đức Kitô, vậy anh em hãy hướng tâm hồn vào những sự trên trời chứ đừng vào những sự vật của trần thế này.
17. Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An
Để được thanh tẩy
Theo sách Xuất Hành, Mosê là con trai của Amram, thuộc chi phái Levite, mẹ là Jochebed. Mosê có một chị gái lớn hơn 7 tuổi tên Miriam, và một anh trai lớn hơn 3 tuổi tên Aaron. Theo Sáng Thế Ký (46: 11) Thân phụ của Amram, Kê-hát, ở trong số 70 người thuộc gia đình Jacob vào ngụ cư ở Ai Cập. Như thế, Moses là thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Ai Cập.
Mosê chào đời khi Pharaon (Vua Ai Cập) ra lệnh sát hại tất cả bé trai Do Thái bằng cách trấn nước chúng tại sông Nile. Cả kinh Torah và sử gia Flavius Josephus đều không nói gì đến tên tuổi và thân thế của Pharaon này. Người ta không rõ đây là vị Pharaon nào trong lịch sử Ai Cập cổ đại, và có những quan điểm cho rằng đây là vua Seti I hoặc là vua Ramesses II của Vương triều thứ 19.
Jochebed, sau khi sinh hạ một con trai, đã tìm cách giấu đứa bé trong ba tháng. Khi biết không thể bảo vệ đứa bé lâu hơn nữa, Jochebed đặt đứa bé vào một cái nôi và thả trôi theo dòng sông Nile. Miriam, chị của cậu bé, dõi theo canh chừng chiếc thuyền con bé tí này cho đến khi nó trôi giạt vào nơi công chúa Thermuthis (Bithiah) đang tắm cùng các nữ tì. Công chúa thấy đứa bé nằm trong nôi bèn ra lệnh vớt lên. Miriam tìm đến và xin công chúa nhận cô làm vú nuôi chăm sóc đứa bé. Về sau, Jochebed thay thế con gái trở thành vú nuôi của đứa bé. Khi lớn lên, Mosê được đem vào cung và được công chúa nhận làm con nuôi. Công chúa đặt tên đứa bé là Mosê, tiếng Do Thái là mashah nghĩa là được "cứu khỏi nước."
Ông Môsê, ngôn sứ lãnh đạo dân Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ Ai Cập, lưu lạc suốt 40 năm trong sa mạc, đến miền Đất Hứa. Hình ảnh được cứu khỏi nước, ông Môsê thoát chết, khiến tín hữu Kitô liên tưởng đến phép thanh tẩy của Đức Giêsu giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Hôm nay, Giáo Hội mửng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa bời ngôn sứ Gioan Tiền Hô. Có thể nhiều người cũng giống thái độ của Gioan, kinh ngạc thấy Đức Giêsu nằng nặc đòi ông Gioan làm phép rửa cho Người, vốn tinh tuyền, trong sạch, hoàn toàn vô tội.
Làm người
Làm sao thấu hiểu được mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta, nếu không xác tín vào Kinh Thánh, Lời Chúa? Thánh Phaolô đã tóm lược công trình cứu độ con người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-7).
Đức Giêsu sẵn sàng rời bỏ địa vị cao quý tột cùng, mặc lấy xác phàm, để cùng sống thân phận yếu đuối, mỏng dòn như nhân loại. Chẳng bao giờ có thần thánh nào khác dám tự hạ làm tiện dân bần cùng đến vậy. Chỉ vì tình yêu nhân loại, mà Người bất chấp gian lao, nguy khó, đe dọa và tước đi cả chính sinh mệnh.
Nghèo khó
Đường lối của Thiên Chúa hoàn toàn khác với đường lối con người, vốn ưa chuộng những điều phù phiếm hư ảo. Đức Giêsu không sinh trong gia đình giàu sang, phú quý, danh giá, nhưng trong cảnh nghèo khó mà công chính, đạo đức, thánh thiện. Máng cỏ Bêlem thô kệch, ngứa ngáy thay cho cái nôi ấm áp, êm ái. Thiếu thốn, bần cùng thay cho dư giả, sung túc tiện nghi. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5, 3) Trong Bát Phúc, thì tinh thần nghèo khó được Đức Giêsu đặt lên hàng đầu.
“Xin Chúa cho con được khó nghèo như Chúa.” Thường con hay cầu nguyện ngược lại. (Đường Hy Vọng, số 419)
Gian truân
Nhờ hơi ấm bò lừa, Hài Nhi bớt run rẩy trong tiết Đông giá lạnh. Hơn nữa, Hài Nhi hiền hòa còn chịu cảnh bôn ba, vất vả vượt biên Ai Cập, trong khi Mẹ Người và Cha nuôi âu sầu, lo lắng đem Người chạy trốn bạo quyền Hêrôđê lăm le sát hại. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (Mt 5, 4 - 5) Người đã nêu gương đích thật về Bát Phúc, tỏa sáng chan hòa cho những ai muốn bước theo Người.
Trong gian khổ có ba điều con nên tránh:
- Đừng điều tra ‘Tại ai?” Hãy cám ơn dụng cụ nào đó, Chúa dung thánh hóa con.
- Đừng than thờ với bất cứ ai. Chúa Thánh Thế, Đức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.
- Khi đã qua, đừng nhắc lại trách móc, hận thù. Hãy quên đi, đừng nhắc lại bao giờ và nói: “Alleluia!” (Đường Hy Vọng, số 700)
Khiêm hạ
Thánh Gioan kinh ngạc thấy Đức Giêsu xếp hàng cùng với tội nhân khắp nơi tuôn đến, xin ngài ban phép rửa. Ai cũng đều không khỏi ngạc nhiên thấy vậy. Đấng Cứu Thế chí tôn, chí nhân, chí thánh lại tự hạ cùng cực, khi hòa mình vào đám đông tội lỗi. Bởi vì Người yêu thương con người, gánh trên mình tất cả tội lỗi gian trần, chịu phép rửa, đồng thời tiên báo cuộc tử nạn và phục sinh hầu cứu độ loài người.
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1, 52) Đức Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu sắc đức khiêm nhường, mà Chúa hằng yêu chuộng.
“Trong cuộc đời Chúa Giêsu, Người yêu thương cách riêng những kẻ khiêm nhường, và quên hết tội lỗi của họ, không bao giờ nhắc lại:
Phêrô
Mađalêna
Giakêu…
Chúa thân hành đến nhà họ, và đành chịu mang tiếng: “Bạn với quân thu thuế và tội lỗi.” (Đường Hy Vọng, số 521)
Vâng phục
“Người đi cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài.”(Lc 2, 51) Ba mươi năm sau, Đức Giêsu vẫn tiếp tục vâng theo Thánh Ý Cha, khiêm nhường cúi đầu chịu phép rửa của ông Gioan, toàn tâm, toàn ý trung thành với sứ vụ cứu độ loài người. Người đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.” (Mc 1, 11)
“Vâng phục trong thinh lặng, sự thật sẽ giải thoát con. Thinh lặng trong năm năm, mười năm, cả đời con. Thinh lặng trong sự chết… Chúa biết con đủ rồi, và ngày tận thế nhân loại cũng sẽ biết. (Đường Hy Vọng, số 405)
Lạy Chúa Giêsu, xin thức tỉnh chúng con trở về với Chúa, chừa thói kiêu căng, tự cao tự đắc, tự mãn, mà biết cúi mình, đấm ngực, ăn năn, sám hối, ý thức thân phận tội lỗi, mà canh tân đổi mới cuộc đời, hầu được Chúa giải thoát cứu rỗi.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con sống tự hạ, khiêm tốn, khó nghèo và vâng phục theo Mẹ, để được Chúa thương dẫn về sự sống. Amen.
18. Lên khỏi nước
Trong cuốn sách “Aqua Church”, Leonard Sweet đã đưa ra một thống kê như sau: “Không có nước thì bạn sẽ chết về cả thể lý lẫn tinh thần. Nếu bạn thiếu 1% số lượng nước trong cơ thể sẽ làm bạn khát nước. Nếu thiếu 5% sẽ gây nên sốt nhẹ. Nếu thiếu 8% sẽ làm cho các tuyến hạch ngưng sản xuất nước miếng và da trên cơ thể sẽ tái ngắt. Một người sẽ không thể bước đi nổi nếu thiếu 10% số lượng nước trong cơ thể, và nếu thiếu tới 12% sẽ chết. Mỗi ngày có khoảng 9500 trẻ em chết vì thiếu nước uống hay chết vì những bệnh gây ra do nước bị ô nhiễm”.
Nước mang lại sự sống đời này. Chúa Giêsu cũng dùng nước làm biểu tượng mang lại ơn “tái sinh và được đổi mới trong Chúa Thánh Thần”. Theo linh mục Eugene Laverdiere, trong Phúc âm của Luca và Matthêu, căn tính của Chúa Giêsu được mạc khải qua các biến cố Truyền Tin, Giáng Sinh và các nhà đạo sĩ đến thờ lạy. Thánh Gioan trình bày là Lời Hằng Sống mặc lấy xác thịt để mạc khải về Thiên Chúa Cha. Còn thánh Máccô đã dùng phép rửa của Gioan để nhận Chúa Giêsu là ai: “Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Theo cha Laverdiere, Chúa Giêsu không phải là người tội lỗi, Ngài không cần phải chịu phép rửa của Gioan. Nhưng vì Ngài muốn kết hợp chính bản thân của mình với nhân loại tội lỗi để cứu rỗi họ. Phép rửa của Chúa Giêsu đã công bố Ngài, một con người trong sự liên kết với toàn thể loài người, và điều này đã chứng tỏ ý muốn của Ngài mang lấy gánh nặng của tội lỗi chúng ta trên đôi vai vô tội của Ngài. Trong ý nghĩa này, xin dùng hai hình ảnh cụ thể để minh hoạ cho phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa tội của chúng ta: cuộc chạy đua marathon và cây nến sáng.
1. Cuộc chạy đua Marathon:
Tháng 7 năm 1996, những cuộc tranh tài thể thao Olympic được tổ chức tại Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Khi nghe tiếng súng khởi sự, 25 vận động viên chạy đua marathon bắt đầu khởi động cho cuộc chạy thi 10 ngàn mét. Mười ngàn mét là 10 cây số, tức 6 dặm. Trước khi nói về vận động viên Stefano Baldini, tôi xin nói về một chi tiết đáng lưu ý của cuộc thi này như sau. Trong số 25 vận động viên chạy thi lần này, có 7 người chưa bao giờ hoàn tất được cuộc thi, nghĩa là chưa bao giờ chạy về đến đích cho dù mất bao nhiêu thời gian. Họ bỏ cuộc vì chuột rút bắp vế, vì đau chân, kiệt sức… nên họ có tên là DNF – Did Not Finish – Đã Không Hoàn Tất.
Stefano Baldini trong cuộc thi này đã cố chạy về tới đích điểm, cho dù hết người này tới người khác vượt qua mặt anh. Họ vượt qua mặt anh không những một vòng chạy mà tới những hai vòng chạy! Một người Ethiopy đã về tới đích trước, đoạt hạng nhất. Rồi người khác về nhì, người về ba. Dần dần tất cả thứ hạng nhất nhì ba đã được công bố, họ đang nghỉ mệt, chúc mừng và sẵn sàng leo lên bệ đài lãnh huy chương. Nhưng anh Stefano Baldini vẫn còn đang chạy. Anh không bỏ cuộc, cứ tiếp tục chạy.
Khi anh về đến đích, xướng ngôn viên của ban tổ chức loan báo cho tất cả hội trường biết rằng anh chỉ về sau người hạng nhất có 2 phút, và tốc độ chạy ở dặm cuối cùng nhanh hơn thời gian anh chạy ở dặm thứ nhất. Khi anh về tới đích thì toàn thể hội trường đều đứng lên vỗ tay chúc mừng và hoan hô anh. Anh đã không chỉ hoàn tất cuộc chạy đua cách can trường mà còn kết thúc nó một cách xứng đáng.
Qua phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu ba năm mục vụ để rao giảng tình yêu và ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ngài bắt đầu cuộc chạy đua marathon. Theo thánh Máccô, ngay sau phép rửa, Chúa Giêsu vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỷ cám dỗ. Cuộc hành trình của Ngài là cuộc hành trình gian khổ giống như mọi người. Ngài giảng dạy, chữa lành, kể dụ ngôn, ngay cả khi nhiều người không chịu nghe! Ngài không bao giờ bỏ cuộc. Đang khi chết trên thập giá, Ngài giống như là kẻ thua cuộc nhất trên thế gian này. Nhưng lại là lúc Ngài chiến thắng. Đó là phần tốt nhất của Ngài trong cuộc đua. Vì sự vinh quang của thập giá mà bây giờ các Kitô hữu đang vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, chúc mừng Ngài là Đấng Cứu Độ Trần Gian.
Đời sống Kitô hữu cũng giống như một cuộc chạy đua marathon. Nó vừa dài, vừa khó khăn, lại vừa đòi hỏi. Phép rửa tội đưa chúng ta vào khởi động. Đang khi chạy, chúng ta dễ bị nản chí, bỏ cuộc, bởi yếu đuối, cám dỗ… mà quên rằng đích điểm của cuộc chạy đua là sự sống đời đời và sự liên hệ với Chúa Giêsu Kitô. Nhiều khi đích điểm đó đã trở nên mờ nhạt! Chúng ta muốn bỏ cuộc, muốn mang tên DNF – Did Not Finish – Đã Không Hoàn Tất.
Mẹ Têrêsa Calcutta, người đã ăn bánh mì chấm với nước lã, chưa bao giờ cân nặng hơn 100 pounds. Tuy nhiên, hãy nhìn vào cuộc chạy đua marathon Kitô hữu của Mẹ! Vào ngày Mẹ chết, mùng 5 tháng 9, 1997, toàn thể thế giới vỗ tay reo mừng. Xưa kia, một phóng viên đã hỏi Mẹ, “Thưa Mẹ, làm thế nào Mẹ có thể làm được như vậy? Làm thế nào Mẹ có sức mạnh để tiếp tục sống như vậy?” Mẹ đã trả lời: “Tôi nhìn vào khuôn mặt của người nghèo mà thấy mặt Chúa Giêsu”.
Trong Chúa Giêsu, Mẹ Têrêsa đã tìm thấy sức mạnh để tiếp tục cuộc chạy đua đường trường marathon. Tình yêu mến Chúa Giêsu là động lực để phục vụ tha nhân và sống bác ái.
2. Cây nến sáng.
Một hình ảnh khác cũng mang ý nghĩa sâu xa của đời sống Kitô hữu, đó là cây nến sáng. Ngày chúng ta chịu phép rửa tội, người đỡ đầu đã đại diện chúng ta đón nhận lấy ánh sáng của Chúa Kitô từ cây nến Phục Sinh. Cây nến Phục Sinh là biểu tượng của Chúa Kitô: “Ta là ánh sáng thế gian”. Chúng ta chấp nhận bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô và làm chứng nhân cho Ngài nên được gọi là người Kitô hữu. Cây nến sáng là hình ảnh cuộc đời của người Kitô hữu.
Cây nến được làm nên bởi sáp ong. Sáp ong là kết quả công trình làm việc rất kiên nhẫn của những con ong thợ. Chúng bay từ bông hoa này sang bông hoa khác để hút lấy phần tinh túy của nhụy hoa, rồi tiết thành sáp ong. Sáp ong giúp cho ngọn lửa cháy sáng. Sáp ong cũng là hình ảnh của thân xác con người. Con người là tinh hoa của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một tạo vật hoàn hảo và đẹp đẽ nhất trong vũ trụ. Không có thân xác, con người không thể hiện hữu trên trần gian được.
Cây nến cháy sáng lên với ngọn lửa. Ngọn lửa tạo ra ánh sáng và hơi ấm. Anh sáng và hơi ấm làm cho phần sáp ong của cây nến có ý nghĩa và mục đích. Ngọn lửa là hình ảnh của đời sống tinh thần nơi thân xác, là đức tin của người Kitô hữu, là mục đích và ý nghĩa của cuộc đời. Chính đức tin vào Chúa Giêsu Kitô tạo nên ánh sáng hy vọng và hơi ấm tình người trong cuộc đời của người Kitô hữu.
Ngọn lửa luôn cháy thẳng đứng, bất kể cây nến sáp ong ở vào vị trí nào. Dù nghiêng sang bên trái, bên phải, hay ngã đổ xuống, ngọn lửa vẫn luôn cháy thẳng lên. Đức tin Kitô giáo luôn mang tính cách hướng thượng. Nó phản ảnh lòng khát khao sự sống vĩnh cửu, tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa Toàn Năng. Dù cuộc đời người Kitô hữu có nghiêng ngả, chao đảo, đôi khi đổ ngã, nhưng đức tin và đời sống ân sủng của Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn hiện diện.
Ngọn lửa càng cháy sáng và hơi nóng càng ấm áp thì cây nến sáp ong càng bị mất mát, ngắn dần và bị tiêu thụ đi bấy nhiêu. Đời sống đức tin của người Kitô hữu đòi hỏi sự hy sinh, quên mình để làm chứng cho Đức Kitô.
John Ruskin, một văn sĩ người Anh sống vào thế kỷ thứ 18, đã kể lại câu chuyện sau đây. Khi về già, ông thường đến thăm nhà của một người bạn rất thân, và đứng ở cửa sổ phía trước nhà nhìn xuống mặt đường. Vào mỗi buổi chiều tối, người thắp đèn đường phải đi đốt đèn dọc theo hai bên đường. Từ cửa sổ của một ngôi nhà, một người chỉ có thể nhìn thấy những ánh đèn đã được đốt lên rồi, và ngọn lửa mà người thắp đèn đang mang đi đốt từ cột đèn này tới cột đèn khác. Chính người thắp đèn cũng không thể được ai nhìn thấy.
Nhà văn Ruskin đã lưu ý rằng người thắp đèn là một hình ảnh rất đúng của người Kitô hữu chân chính. Con đường của người Kitô hữu bước đi rực sáng ánh đèn mà chính người đó đã thắp lên với ngọn lửa đang cháy sáng trong tay để đốt lên các ngọn đèn khác, mặc dù chính người đó có thể không được ai biết đến hay được ai trông thấy.
Trong cuốn “Như Tiếng Chim Ca” của cha Anthony de Mello, SJ., kể câu chuyện “Thiền Sư Và Kitô Hữu” cũng nói lên lý tưởng của người Kitô hữu như sau:
Một Kitô hữu đến thăm một vị thiền sư và nói: “Xin thầy cho phép tôi đọc thầy nghe Bài Giảng Trên Núi”. Thiền sư đáp: “Tôi rất thích nghe”. Người Kitô hữu đọc một câu rồi ngước mắt lên nhìn. Thiền sư mỉm cười nói: “Đấng đã phán những lời đó chắc chắn phải là một vị Giác Ngộ”. Kitô hữu cảm thấy khoái trá. Ông tiếp tục đọc. Thiền sư ngưng lại rồi nói: “Những lời đó phải phát xuất từ Đấng Cứu Thế của nhân loại”. Người Kitô hữu cảm thấy thích thú. Ông tiếp tục đọc cho đến hết. Lúc bấy giờ thiền sư tuyên bố: “Người đã rao giảng như thế phải là Thiên Chúa”. Nỗi vui mừng của người Kitô hữu thật vô bờ bến. Ông ra về, cương quyết sẽ trở lại một ngày khác để thuyết phục thiền sư trở thành Kitô hữu.
Trên đường về nhà, ông gặp Chúa Giêsu đứng bên vệ đường. Ông đã thưa với Chúa một cách khoái trá: “Lạy Chúa, con đã làm cho người đó xưng ra Chúa là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu mỉm cười và nói: “Con đã làm gì hay đâu, ngoại trừ việc con thổi phồng cái tôi Kitô hữu của con mà thôi?”
Đời sống đức tin của người Kitô hữu là một “chứng nhân không nhân chứng” cho Chúa Kitô, vì họ không phải là Chúa Kitô, nên cũng dễ bị phản chứng. Đời sống đức tin của người Kitô hữu là một cuộc chạy đua marathon, vì là cuộc chạy đua chưa về tới đích điểm, nên cũng dễ bị mang tên DNF – Did Not Finish – Đã Không Hoàn Tất.
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, noi gương Mẹ Têrêsa, nếu chúng ta luôn giữ vững niềm tin nơi Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hoàn tất cuộc đua. Chúng ta có thể sẽ bị người khác vượt qua. Có thể bị đau chân, chạy cà nhắc vài dặm. Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ hoàn tất và có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính”. Và các thiên thần cùng các thánh sẽ vỗ tay hoan hô ngày chúng ta hoàn tất cuộc đua marathon Kitô hữu về tới đích điểm là Nước Thiên đàng.
19. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA: ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI
Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau 30 năm sống âm thầm với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa: Giáng sinh và Thường niên. Giáo Hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng Sinh và Hiển Linh. Hôm nay Chúa Nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Người qua các biến cố của đời rao giảng.
1. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Khởi đầu cuộc sống công khai, lúc đã 30 tuổi, tức là đã trưởng thành trọn vẹn như người Á Đông vẫn quan niệm “tam thập nhi lập”, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Để “chu toàn thánh ý Thiên Chúa"(Mt 3,15), Chúa Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Chúa Giêsu đã đi vào mầu nhiệm “tự hạ” (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu là “Con Chí Ái” của Ngài (Mt 3,16-17).
Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn Bí Tích Rửa Tội cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như “một Phép Rửa” Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới (x.1Ga 5,6-8); từ giây phút ấy, chúng ta có thể “sinh ra nhờ nước và Thánh Thần” để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).
Bí Tích Rửa Tội là cánh cửa phân chia tách bạch đời sống, một đàng là khép lại quá khứ của bóng tối, tội lỗi, chết chóc, và đàng khác là mở ra tương lai của ánh sáng, thánh ân, sự sống. Bí Tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu rỗi, nên bí tích này cũng là khởi đầu cho một sự hiện diện mới: từ kẻ ngoại đạo trở thành người đã tòng giáo; từ một lương dân trở nên tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Quả là một hồng ân vô cùng lớn lao cho những ai đón nhận trong lòng tin.
2. Ân Sủng của Bí Tích Rửa Tội
Khi ban Bí Tích Rửa Tội, Thừa tác viên Giáo Hội đổ nước trên đầu thụ nhân và đọc công thức “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đơn giản trong cung cách cử hành, nhưng hiệu quả ơn thánh lại phong phú bội phần. Bằng những hình ảnh do Thánh Kinh gợi ý, người ta trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Con người mới chính là con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống.
Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG 1213).
Bí Tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hoá, nhờ ơn công chính hoá giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG 263).
Như vậy, có hai hiệu quả chính yếu của Bí Tích Rửa Tội là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).
a. Được tha thứ tội lỗi
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.
Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như: đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối... và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là “cái nôi của tội”. “Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu. Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, “không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5) (x. CĐ Trentô: DS 1515).
b. “Trở nên thụ tạo mới”
Bí Tích Rửa Tội không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).
Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó:
- Có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần.
- Có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân.
- Ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.
Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội.
Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, “bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Bí Tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).
Những người đã được rửa tội trở nên “những viên đá sống động... để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh” (1 Pr 2,5). Nhờ Bí Tích Rửa Tội ,họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền” (2 Pr 2,9).
Bí Tích Rửa Tội cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ “không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x.Ep 5,21;1Cr 16,15-16) và phục vụ nhau (x.Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x.Dt 13,17) với lòng kính trọng và quý mến (x.1Tx 5,12-13). Bí Tích Rửa Tội đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh:được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng. (x.LG 37).
3. Bí Tích Rửa Tội, hồng ân cao đẹp và kỳ diệu
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô,vị ngôn sứ của thời kỳ mới.Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này,Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao.Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với cuộc sống công khai, chính thức rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Lời Người nói là Lời chân lý khai quang tâm hồn, dẫn người người về đường ngay nẻo chính Nước Trời, và việc Người làm là việc giải thoát đem lại ơn cứu rỗi, đưa toàn thể nhân loại vào trong tình nghĩa thiết ngàn đời với Thiên Chúa tình thương. Chúa Giêsu khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.
Thánh Phaolô gọi Bí Tích Rửa Tội là tắm trong Chúa Thánh Thần, để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5). Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh (x.LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x.LG 17; AG 7,23).
Thánh Giúttinô gọi Bí Tích Rửa Tội là ơn soi sáng, vì những người được đạo lý giáo huấn thì tâm trí được soi sáng. Người chịu phép rửa, vì đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “đã được soi sáng” (Dt 10,32), họ trở thành “con cái sự sáng” (1 Tx 5,5) và là “ánh sáng” (Ep 5,8).
“Bí Tích Rửa Tội là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa...Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng, mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi. Dìm xuống,vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa” (Thánh Grêriô Nadien, Bài giảng 40,3-4).
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
20. Tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Nếu phép rửa của ông Gioan tẩy giả không có công hiệu tha tội thì tại sao Ðức Giêsu là Ðấng vô tội lại đến xin chịu phép rửa ở sông Gio-đan? Ðây chính ông Gioan đã trả lời cho câu hỏi này:
Tôi chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần (Mc 1:8). Như vậy phép rửa của Gioan chỉ là nghi thức, một tác động sám hối để sửa soạn cho người ta đón nhận Ðấng Cứu thế. Bằng việc chịu phép rửa, Ðức Giêsu muốn xác nhận sứ mệnh và phê chuẩn việc làm của ông Gioan. Chúa còn tỏ cho nhân loại thấy tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội mà Người sẽ thiết lập sau này.
Mặc dù không phải là bí tích rửa tội, phép rửa mà Ðức Giêsu lãnh nhận bởi ông Gioan cũng đánh dấu quyết liệt trong đời sống của Người. Khi Chúa chịu phép rửa, có tiếng phê chuẩn từ trời: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con (Mc 1:11). Với tiếng phán từ trời, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha công nhận là người đến để cứu chuộc nhân loại. Tiếng từ trời phán có liên hệ rất gần gũi với lời ngôn sứ Isaia về người đầy tớ đau khổ: Ðây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quí mến (Is 42:1). Từ ngữ Con trong Phúc âm thánh Mác-cô được thay thế vào từ ngữ tôi trung trong sách ngôn sứ Isaia ám chỉ Chúa Giêsu là tôi tớ đau khổ của Ðức Giavê. Và đó là điều mà Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Ðức Kitô: Ðây chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian (Ga 1:29).
Phép rửa mà Đức Giêsu lãnh nhận nhắc nhở cho ta về phép Rửa tội của mỗi người, đánh dấu việc khởi đầu của đời sống đức tin. Ðời sống đức tin của người tín hữu bắt đầu khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Trong nước rửa tội, ta trở nên người mới với đời sống mới. Bí tích Rửa tội vừa là việc kết thúc vừa là việc khởi đầu. Bí tích Rửa tội kết thúc đời sống trong bóng tối tội lỗi và bắt đầu đời sống mới trong ơn nghĩa với Chúa. Bí tích Rửa tội là việc tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, nghĩa là người chịu phép Rửa tội phải chết đi cho tội lỗi, để được sống lại với Chúa trong ơn thánh. Ðó là ý nghĩa của lời Chúa nói với ông Nicôđêmô: Không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thánh thần (Ga 3:5). Và rồi Chúa thiết lập Bí tích Rửa tội: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh thần (Mt 28:19).
Bí tích Rửa tội không phải là giấy thông hành để được vào nước Trời. Người ta có thể chứng minh có tất cả các giấy chứng chỉ về đạo giáo như: chứng chỉ rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức, cưới hỏi.. Tuy nhiên chưa chắc người ta đã sống đức tin và trưởng thành trong đức tin. Người ta có thể chịu Phép rửa tội lâu năm, nhưng đời sống vẫn không có gì thay đổi, vẫn khô khan, nguội lạnh và làm biếng việc lành. Tại sao lại như vậy? Có lẽ tại vì người ta làm việc đạo một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ, hay mặc cả với Chúa để được hưởng giá rẻ trong việc giữ đạo.
Khi chịu Phép Rửa tội, người tín hữu phải tỏ ra tâm tình sám hối đi kèm. Tuy nhiên làm sao trẻ thơ có thể giục lòng sám hối? Ở đây, cha mẹ và người đỡ đầu và toàn thể dân Chúa thay thế cho con trẻ khi chịu phép rửa tội để giục lòng sám hối mà nhận lãnh đức tin. Để nhắc nhở cho người tín hữu về những ơn ích của Bí tích Rửa tội, hằng năm vào lễ Phục sinh, Giáo hội cho ôn lại lời hứa khi chịu Phép Rủa tội là: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ Xatan và những quyến rũ gian tà. Giáo hội còn nhắc nhở cho người tín hữu tin vào Thiên Chúa là Cha, tin Chúa Giêsu Kitô và tin Chúa Thánh thần. Ngươòi tín hữu còn được nhắc nhở để đặt niềm tin vào Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu nữa.
Bí tích Rửa tội là một biến cố lớn trong đời sống người tín hữu. Hoặc được rửa tội khi còn tuổi măng sữa, hay khi đã lớn khôn, người ta cần đem ý nghĩa vào việc rửa tội. Nếu được rửa tội khi đã khôn lớn, người ta phải xác tín về đức tin và về đạo. Nếu được rửa tội lúc còn nhỏ dại, khi lớn lên, người ta phải tự phê chuẩn đức tin mà ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Ta không thể cậy dựa và tuỳ thuộc vào đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu mãi mãi. Ta phải tập đi tập đứng trong đức tin. Khi mà hạt giống đức tin được vun trồng trong đời sống, ta phải nuôi dưỡng, chăm sóc, nếu muốn cho đức tin được tăng trưởng và sinh hoa kết quả thiêng liêng.
Lời nguyện xin cho được ơn nhận ra tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội.
Lạy Chúa Giêsu! Đấng thiết lập Bí tích Rửa tội.
Bằng việc chịu phép rửa sám hối,
Chúa đã muốn phê chuận sứ mệnh của thánh Gioan.
Chúng con cầu nguyện cho những người tin Chúa
mà không nhận phép rửa tội.
Xin cho họ nhận thức được
tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội.
Còn những người đã được sinh lại trong nước và Thánh thần,
xin cho họ được tiếp tục đi tìm kiếm nước Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam