Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 34

Tổng truy cập: 1371561

Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình

Cập nhật : 27-12-2013
 

Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Giáo hội hoàn vũ đang nhắm đến việc phúc âm hóa đời sống gia đình. Chúng ta mừng Chúa Cứu Thế đã đến trần gian cách đây 2013 năm, đã sống trong một gia đình, gia đình Nagiarét, để cứu các gia đình trong nhân loại. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là mừng Thánh Gia Thất, nơi Ngài sinh sống.

Chúng ta có thể hòa mình với các mục đồng ở Belem, vừa khi nhận được lời loan báo của thiên sứ, liền vội vã đến hang đá và họ gặp thấy "Mẹ Maria và thánh Giuse cùng với hài nhi nằm trong máng cỏ" (Lc 2,16). Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm quang cảnh một gia đình bé nhỏ: một bà mẹ, một người cha và môt trẻ sơ sinh. Thiên Chúa đã muốn tỏ mình bằng việc sinh ra trong một gia đình nhân loại, và vì thế gia đình trở nên bức hình của Chúa.

Thiên Chúa, Đấng đã đến thế gian trong một gia đình, để chỉ cho thấy rằng gia đình là một tổ chức an toàn để gặp gỡ và hiểu biết, và Ngài mời gọi chúng ta không ngừng kiến tạo sự hiệp nhất trong tình yêu. Gia đình được thiết lập dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Gia đình hết sức quan trọng cho hiện tại và tương lai của nhân loại. Vì gia đình là trường học tốt nhất để học cách sống các giá trị nhân phẩm con người và làm cho con người trở nên vĩ đại. Trong đó, mọi thành viên trong gia đình chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn, tất cả chúng ta đều cảm thấy được sự bảo vệ bởi tình cảm tồn tại trong gia đình.

Quả thật, người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhờ hôn nhân đã trở nên một thể xác (St 2,24), nghĩa là một sự thông hiệp tình yêu phát sinh sự sống mới. Gia đình nhân loại, theo một nghĩa nào đó, là bức hình của Chúa Ba Ngôi nơi tình yêu giữa ngôi vị và là nơi phát sinh tình yêu. Vinh dự thay cho các gia đình.

Nhưng hỡi ôi, gia đình trên thế giới hơn bao giờ hết, đang đứng trước bao thay đổi nghiêm trọng, đe dọa gia đình đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giời tính mà được một số quốc gia chấp thuận.

Lời Chúa hôm nay thật tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Trước hết là Đức Hiếu. Bài trích sách Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ : "Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống", cùng với những phần phúc cho những người con biết tôn kinh mẹ cha là : "Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng", nhất là được trường thọ : "Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài."

Để giữ cho gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn thứ Bốn trong Mười Điều răn: "Thứ Bốn thảo kính cha mẹ",

Có nhiều kẻ làm con đã hỏi: Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để con cái phải tôn kính. Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có?

Để có một cuộc sống đích thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã hội không thể có được, và phải đi tới nguyên tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính. Vì thế, kẻ làm con, người làm bề dưới phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là vì thấy trong trật tự ổn định là quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ, học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy ở nhà cầm quyền. Phải, quyện lực của cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra.

Chúa dạy: "Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi." Và Thánh Phaolô khuyên: "Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự," (Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân, song đối với cha mẹ, phải tôn kính. Đó là điều mà phận làm con, kẻ bề dưới ngày nay không muốn biết nữa. Tôn kính có nghĩa là khi cha mẹ nói, dạy điều gì, con cái phải im lặng, lập tức thi hành, dù là ước muốn nhỏ nhất: "Vì đó là đẹp lòng Chúa" (Cl 3, 20). " Hãy tôn kính cha con và mẹ con"-" Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì phải chết" ( Xh 20;21)

Giới răn thứ Bốn này có hai chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng, yêu mến con cái : "Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt" (Cl 3, 21)..

Hỡi các ông các bà! Hãy quí mến con cái. Con cái trước hết không thuộc về các ông các bà mà thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho, một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả lẽ. Vậy, hãy yêu quí, tôn trọng sự sống con cái, ngày từ khi còn trong lòng mẹ, chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái từ lúc còn thơ, đến tuổi trưởng thành...

Tôn trọng thân xác con cái, nhất là linh hồn, vì trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo. Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo luật.

Lời của Thánh Phaolô sau đây như là kim chỉ nam cho lẽ sống của cac thành viên trong gia đình: "Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện."

Chúng ta hãy phó thác gia đình chúng ta cho Thánh Gia Thất che chờ phù trì. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Nguồn : gxta

home Mục lục Lưu trữ