Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 66
Tổng truy cập: 1367541
PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ BẰNG VIỆC SỐNG KINH MÂN CÔI
PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ
BẰNG VIỆC SỐNG KINH MÂN CÔI
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại biến cố các Tông đồ cùng với Mẹ Maria cầu nguyện mong chờ Chúa Thánh Thần đến. Lúc này, Đức Mẹ Maria vẫn còn ở với các Tông đồ, chứng tỏ rằng Mẹ giữ trọn tiếng Fiat mẹ thưa khi xưa. Dù nay Mẹ đã về cùng Thiên Chúa, Mẹ vẫn không bỏ Giáo hội. Mẹ đồng hành và cùng với Giáo hội đón chờ Chúa Thánh Thần đến. Và hôm nay cùng với Mẹ Giáo hội vững bước trên hành trình đức tin. Có Mẹ dìu dắt, che chở gìn gìn, Giáo hội sẽ vượt qua những phong ba bão tố của cuộc đời với lòng yêu Chúa sắt son, lòng cậy tin vững vàng vào Chúa và đến bến bình an.
Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng lễ Mẹ Mân côi. Lễ này có gốc tích như sau: Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, trong cuốn “Bí Mật Kinh Mân Côi”, thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Vào thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong việc chống tà thuyết Anbi, thuyết cho rằng đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác. Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa-Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác. Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.
Rồi năm 1917, trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Và sự kiện cuối cùng, ngày Chúa nhật 07/10/1571, hải quân Công Giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lepante. Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mân Côi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, Đức Giáo Hoàng Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, Đức Giáo Hoàng Ghê-go-ri-ô XIII đặt tên cho lễ này là lễ Mân Côi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément XI truyền cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, Đức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng: “Chuỗi mân côi là bảng tóm lược toàn bộ Phúc Âm, với trung tâm là mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, trong đó lặp đi lặp lại lời ngợi khen Đức Kitô”. Qủa thế, kinh Mân côi là bạn đồng hành của biết bao nhiêu con người từ bình dân đến thông thái. Kinh Mân côi là một lời cầu nguyện ngõ hầu đem lại sức mạnh cho đức tin đồng thời giúp chúng ta sống đạo lý Chúa một cách trọn hảo và tốt đẹp. Qủa thế, 20 mầu nhiệm Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng, trình bày cho chúng ta những giai đoạn chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến lúc về trời, cao điểm của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước. Với một nội dung như thế, Giáo hội dạy ta khi đọc kinh Mân Côi vừa suy niệm các biến cố lịch sử cứu độ của Chúa Giêsu vừa rút ra bài học luân lý giúp ta sống theo Tin Mừng của Chúa trong đời sống thường nhật. Chẳng hạn, mầu nhiệm thứ nhất của Mùa Thương, chúng ta suy ngắm Chúa Giêsu chịu đánh đòn, rồi xin cho ta được hãm mình chịu khó bằng lòng với những khó khăn đớn đau trong cuộc sống để cùng với những đớn đau Chúa chịu xưa mà dâng lên Thiên Chúa Cha làm của lễ đẹp lòng Chúa nhất thay vì chúng ta trách móc và tuyệt vọng. Hay mầu nhiệm thứ nhất của Mùa Vui, chúng ta suy ngắm việc Thiên Thần truyền tin, và rồi xin cho ta được sống tinh thần khiêm nhường như Đức Mẹ trong cuộc sống vì chỉ có khiêm nhường thì mọi người trong giáo xứ tôn trọng nhau, phục vụ nhau, yêu thương nhau và giúp nhau nên hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn một cách dễ dàng. Cụ thể hơn nữa, với mầu nhiệm thứ ba của Mùa Vui, chúng ta suy ngắm việc Đức Mẹ thăm viếng bà Ê-li-sa-bet, ta xin cho được lòng yêu người. Lòng yêu người đó không chỉ qua việc cầu nguyện mà còn ở hành động là bác ái, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an và chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật trong giáo xứ mình như Đức Maria đã đến viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Ê-li-sa-bét. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo Mẹ. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau, nói với nhau những lời an ủi, chia sẻ tinh thần cũng như vật chất, chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa. Vì vậy, những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.
Ước gì hôm nay và mãi mai chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Mẹ Mân Côi, Người Mẹ gần gũi và nhân hậu của Giáo hội. Xin Mẹ Mân Côi giúp mỗi người trong giáo xứ và gia đình chúng ta nên chứng nhân cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và yêu thương người nghèo khổ một cách quảng đại để niềm vui Tin Mừng chạm đến cõi lòng của mọi người. Amen.
2. Hiệu năng của chuỗi Mân Côi
(Suy niệm của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy)
Tin Mừng Lc 1: 26-38: Hôm nay ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi theo lời Mẹ dặn, vì kinh Mân Côi sẽ mang đến cho chúng ta một kho tàng ân phúc của Chúa.
Hôm nay ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi theo lời Mẹ dặn, vì kinh Mân Côi sẽ mang đến cho chúng ta một kho tàng ân phúc của Chúa. Kinh Mân Côi chính là chìa khóa vạn năng để chúng ta mở kho ân sủng vô biên của Chúa. Chân Phước Alan nói rằng: “Sau Hy Tế trong Thánh Lễ, một Hy Tế cao trọng nhất, cùng những kỷ niệm sống động của những đau khổ của Chúa Kitô, thì không còn loại sùng kính nào tốt hơn, đem ích lợi nhiều cho các linh hồn bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng nhắc lại những kỷ niệm và diễn lại cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô”.
Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội số 67 viết: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một Đức Tin chân thật. Đức Tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta”. Chính vì vậy, Đức Mẹ đã nói với thánh Mechtilđê: “Mẹ muốn con biết rằng không ai có thể làm đẹp lòng Mẹ bằng đọc lời thiên sứ chào Mẹ mà Chúa Ba Ngôi chí thánh gửi xuống cho Mẹ và nâng Mẹ lên chức phẩm Mẹ Thiên Chúa.” Thánh Anphongsô còn cho biết: “nhờ kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân Côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh” như câu truyện “chuỗi hạt Mân Côi với vua Galicia”:
Alphonso từ ngày được tôn lên làm vua nước Galicia, đã tỏ ra rất oai phong lẫm liệt. Nhà vua đi đâu cũng có các quan văn võ tả hữu theo hầu. Thần dân của vua hầu hết là những người công giáo ngoan hiền đạo hạnh. Biết thế nên muốn lấy lòng dân, vua luôn tỏ ra mình là người đạo đức, có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi, để triều đình và thần dân bắt chước. Cho nên dụng ý nhà vua là làm thế nào cho thần dân biết mình là người năng lần chuỗi Mân Côi. Vua cho đặt một cỗ tràng hạt thật dài để quấn vào thắt lưng, mỗi khi vua đi ra ngoài. Dân chúng ai cũng trầm trồ khen ngợi nhà vua rất ngoan đạo. Cho nên để lấy lòng vua, các quan cũng như thần dân, ai cũng mang tràng hạt, và cũng bắt chước vua năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhưng than ôi, thực tế phũ phàng thay! Vua chỉ giả hình vậy thôi, chứ chẳng bao giờ ông đọc kinh cầu nguyện gì cả, chỉ lo ăn chơi trác táng .
Một ngày kia, vua lâm bệnh nặng, trong một thị kiến vua thấy mình bị đưa đến toà phán xét. Ma quỷ vây chung quanh tố cáo vua các tội tầy đình, và chúng chực sẵn để đầy vua xuống hoả ngục. Đang lúc Chúa Giêsu Đấng Thẩm Phán Tối Cao, sắp sửa luận phạt vua, thì Đức Mẹ xuất hiện biện hộ cho vua. Mẹ nói với Chúa Giêsu: Con hãy thư thả để Mẹ xem xét lại vụ này.
Đức Mẹ liền truyền cho các thiên thần đem các tội vua đã phạm khi còn sống để trên một bàn cân, và cỗ tràng hạt vua luôn luôn đeo bên mình, cùng các kinh Mân Côi đã được đọc do gương sáng đeo tràng hạt của vua, trên một bàn cân khác. Kết quả là cỗ tràng hạt nặng hơn các tội vua đã phạm.
Rồi Đức Mẹ nhìn vua một cách trìu mến và nói: để tưởng thưởng một chút công của con đã dành cho Mẹ, bằng cách đeo tràng hạt Mân Côi, Mẹ đã xin Con Mẹ cho con được ơn rất lớn lao là khỏi sa hỏa ngục. Con sẽ được sống thêm mấy năm nữa để làm việc đền tội. Nhà vua tỉnh lại kêu lên: “Ngợi khen chuỗi hạt Mân Côi của ĐứcTrinh Nữ Maria ! Nhờ đó trẫm được giải thoát khỏi sa hoả ngục”. Sau khi bình phục, nhà vua đã sốt sắng truyền bá kinh Mân Côi, và lần chuỗi Mân Côi suốt ngày.
Anh chị em thân mến,
Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược, nhưng chuỗi Mân Côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã, Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
– Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có.
– Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay.
– Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”.
Kinh Mân côi là một kinh quý báu của Giáo Hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
3. Mẹ tuyệt vời
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)
Mẹ vẫn thường cầu nguyện, và cầu nguyện mọi nơi mọi lúc như Mẹ cùng cầu nguyện với các tông đồ sau biến cố Đức Yêsu lên trời (Cv.1, 12-14).
Mẹ được tổng lãnh thiên thần Gabriel chào là người “được Thiên Chúa thương”, “được đầy ân phúc”, vì Mẹ luôn vâng phục Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa vào đời mình. Với lời thưa “xin vâng” trong biến cố thiên thần chuyển đạt Ý Thiên Chúa (Lc.1, 38), Đức Mẹ đã đón nhận Lời Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng mình.
Kể từ khi đón nhận Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng mình, Đức Maria vẫn nghèo như thuở nào, không được sung túc về vật chất. Không chỉ vậy, cuộc đời của Mẹ gian nan hơn, vất vả hơn; chẳng hạn, Mẹ đã bôn ba đi thăm bà Isave, phải chấp nhận sinh Đức Yêsu trong chuồng chiên cừu, bị lạc mất con ở Yêrusalem, khi Đức Yêsu đi rao giảng Mẹ đã phải tự sinh sống, khi Đức Yêsu bị chống đối lúc Ngài rao giảng, khi Mẹ theo Đức Yêsu trên con đường thập giá và đặc biệt dưới chân thập giá.
Mẹ Maria như luôn âm thầm, không làm gì to lớn trước mặt người đời. Mẹ vẫn luôn cưu mang Lời Chúa trong lòng, ngay cả khi đã sinh hạ Thiên Chúa nhập thể cho con người “ai là anh chị em và mẹ Ta? Đó là người nghe và giữ Lời Thiên Chúa”.
Thiên Chúa đã dùng con đường rất “bình thường” để đến với con người, để ở mãi với con người, để yêu mến và phục vụ con người, đó là “nhập thể”. Nhập thể là tự hủy, là chấp nhận trở thành con người, và vĩnh viễn là người. Thiên Chúa đã làm người, để giúp con người trở nên con Thiên Chúa. Đức Maria đã sống “âm thầm khiêm hạ” theo cách thức của Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Xin bạn liệt kê những điều mà một người phụ nữ nổi tiếng nhất đã làm được?
(Mỗi bạn có thể chọn một người nữ nổi tiếng nào đó trên thế giới, và kể những gì người đó đã làm được).
- Đức Maria đã làm được điều gì mà người khác không làm được?
- Dựa vào Ga.17, 23, giữa bạn và Đức Maria, Thiên Chúa yêu ai hơn?
- Bạn cũng có thể là anh chị em và mẹ Đức Yêsu (Lc.8, 19-21), vậy Đức Maria hơn chúng ta ở điểm nào?
4. Suy niệm của Lm. Trầm Phúc
HÃY NĂNG ĐỌC KINH MÂN CÔI
Khi chúng ta đọc “Kinh Kính Mừng”, chúng ta dâng lên Mẹ trên trời những hoa hồng nhỏ của tâm hồn con thảo. Chắc Mẹ sẽ vui mừng đón nhận lòng hiếu thảo của chúng ta. Không phải vì Mẹ thích được ngợi khen ca tụng, nhưng vì Mẹ thương chúng ta nên Mẹ vui khi thấy chúng ta chạy đến với Mẹ, để tỏ lòng yêu mến của chúng ta. Nhiều lần trong lịch sử, Mẹ đã nói với những người Mẹ chọn như đã nói với thánh Eulalia vào thế kỷ thứ IV ở Tây-Ban-Nha: “Khi con chào Mẹ với lời chào của thiên sứ, Mẹ cảm thấy vui mừng khôn tả”.
Nhiều lần Mẹ đã hiện ra tại Lộ-Đức, Fatima… Mẹ chỉ khuyên chúng ta lần chuỗi Mân Côi. Tại sao?
Kinh Mân Côi là lời kinh có từ thế kỷ thứ IV, đơn sơ chỉ có phần đầu, phần thứ hai được thêm vào độ thế kỷ thứ mười bốn. Lịch sử của kinh Mân Côi rất dài dòng vì từ từ qua một thời gian rất lâu mới hình thành thể thức hiện nay. Chúng ta không nói đến điều đó. Rất nhiều tài liệu đã được viết về vấn đề này.
Mẹ bảo chúng ta lần chuỗi Mân Côi, vì đó là dấu hiệu của tình yêu Chúa đối với Mẹ và với chúng ta. Chính Mẹ nói: “Chúa đã nhìn đến thân phận nữ tỳ của Chúa… đã làm cho tôi những điều kỳ diệu… Chúa hằng xót thương những ai kính sợ Người…”
Lần chuỗi Mân Côi không phải chỉ hướng về Mẹ mà hướng về Chúa. Chúa là tất cả, vì “tình thương của Ngài luôn bền vững muôn năm.”
Chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại trang Tin Mừng của thánh Luca về việc thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, chúng ta có thấy nhàm chán không? Hãy khám phá không ngừng biến cố duy nhất tuyệt vời ấy. Hãy nhìn thấy tình yêu Chúa và khuôn mặt đáng yêu của Mẹ chúng ta.
Thật thế, mỗi khi đọc lại trang Tin Mừng này, ai là con cái Đức Mẹ phải cảm thấy vui mừng và tri ân, vì đây là một biến cố quyết định hạnh phúc của chúng ta, của toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đã đến trần gian đang ngập chìm trong tăm tối mịt mù. Dân Do Thái đã chờ đợi qua bao nhiêu thế kỷ và hôm nay, ngày hạnh phúc đã đến. Thiên sứ báo cho Mẹ một tin vui mà từ từ Mẹ mới khám phá. Tin vui đó chính là Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một mình cho trần gian. Điều đó không tạo nên một niềm vui rộn ràng trong lòng chúng ta sao? Đức tin chính là nhảy mừng trong Chúa.
Trình thuật của Luca rất sống động và mỗi khi chúng ta nghe đọc lại đoạn Tin Mừng này, chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt đáng yêu của Mẹ chúng ta.
Đọc đi đọc lại, chúng ta càng thấy Mẹ chúng ta đáng yêu như thế nào?
Thiên thần vào nhà trinh nữ…Thánh Luca không nói rõ thái độ của thiên sứ, chỉ nói là vào nhà, thế thôi và cung kính chào trinh nữ bằng những lời lạ lùng đến nỗi Maria ngạc nhiên và như sợ sệt và tự hỏi lời chào như thế có ý nghĩa gì.
Làm sao không hoảng sợ khi một người thanh niên bước vào nhà, trân trọng bái chào mình! Chúng ta nên chú ý đến chi tiết này. Thiên thần vào nhà trinh nữ như thế nào? Đây là một vấn đề mà nhiều nhà chú giải Kinh Thánh không đồng ý với nhau.
Xã hội Do Thái rất khắc khe về vấn đề liên lạc nam nữ, có thể nói là chủ trương “nam nữ thọ bất thân”. Vì thế nếu nói rằng thiên thần vào nhà trinh nữ vào lúc ban ngày thì không thể chấp nhận được. Người hàng xóm sẽ nghi ngờ về sự đứng đắn của Maria. Vậy thiên thần vào nhà trinh nữ như thế nào? Hay thánh Luca dùng một hình ảnh cụ thể để nói đến cuộc đối thoại của Maria với thiên thần? Hay đây chỉ là một thị kiến hoàn toàn bên trong, nhưng thánh Luca tường thuật như một việc xảy ra bên ngoài? Bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời. Theo ý kiến của một số nhà chú giải thì, có lẽ thiên thần đã hiện ra trong nhà vào lúc ban tối. Vậy đây là một lần hiện ra giống như thiên thần đã hiện ra với Dacaria trong Đền thờ. Giải pháp này xem ra phù hợp hơn.
Chúng ta không quá chú tâm đến những chi tiết đó, nhưng sẽ suy nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa thiên thần và Maria hơn.
Thiên thần chào Maria với những lời làm Maria ngạc nhiên và sợ hãi: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng; Đức Chúa ở cùng bà.”
“Maria bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì?”
E sợ nhưng không mất bình tỉnh, Maria vẫn tự hỏi… Nhưng thiên thần đã nhanh chóng đánh tan sự bối rối của Maria: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và đặt tên nó là Giêsu…” Maria càng ngạc nhiên hơn và trả lời: “Việc này xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
Thánh Luca đã nói trước, Maria đã đính hôn với một người thanh niên tên là Giuse, trong giờ phút này Maria lại nói rằng sẽ không biết đến việc lấy chồng, thế nghĩa là sao? Chúng ta thường không để ý đến vấn đề này mà chỉ xem như đã biết rồi. Đây mới là vấn đề. Đã đính hôn rồi thì sớm hay muộn người ta cũng rước về nhà, hơn nữa trong xã hội Do Thái, người nữ không có quyền quyết định, chỉ có bên nam có quyền mà thôi. Sao Maria dám quả quyết rằng tôi sẽ không có chồng?
Maria chỉ có một quyền duy nhất là năn nỉ. Bên đàng trai có thể trả tự do cho thiếu nữ đã đính hôn với mình. Có lẽ Maria tin cậy rằng Giuse là người tốt có thể chấp nhận chuyện này dễ dàng.
Thiên thần cho Maria biết, tất cả mọi sự không do nàng mà do chính Thiên Chúa. Ngài sẽ che chở nàng… Maria đã hiểu và đã tuân phục: “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Thái độ của Maria thật dễ thương. Nàng bình thản, đắn đo và sau cùng chấp nhận, hoàn toàn tín thác vào Chúa, không bận tâm.
Khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi là lúc chúng ta lặp lại những lời thiên thần chào và ngợi khen Mẹ “đầy ơn phúc”, không có gì tươi sáng hơn, không có gì êm đềm hơn. Mẹ được Chúa trên trời đoái đến và mời gọi mang Chúa Con đến với chúng ta. Mẹ thay chúng ta đón nhận hồng ân trên các hồng ân là Con của Chúa Cha.
Chúng ta cùng với Mẹ đi suốt quảng đường của Con Chúa, Đấng xuống thế làm người vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, và cùng với Mẹ, sống lại trong vinh quang. Như thế, chúng ta sẽ có Mẹ đi cùng chúng ta suốt quảng đường cuộc đời chúng ta. Như thế có phải là hạnh phúc không?
Tại sao có nhiều người không muốn lần chuỗi Mân Côi, viện đủ thứ lý lẽ, chỉ vì họ không hiểu được tình yêu của Mẹ và hồng ân họ lãnh được nơi Mẹ. Mẹ là phần thưởng Chúa ban cho những ai thành tâm sống trong tình yêu Chúa, tin vào tình yêu Chúa. Mẹ là quả tim đón nhận Chúa Giêsu, thì Mẹ cũng đón nhận chúng ta, vì Mẹ đã được trao phó làm Mẹ chúng ta. Giây phút đau thương nhất trên thập giá cũng là giây phút tuyệt hảo nhất vì trong giây phút đó, chúng ta đón nhận hồng ân êm đềm nhất là chính Mẹ Maria.
Mẹ là nguồn sống cho Ngôi Hai ra đời, Mẹ cũng là nguồn sống cho chúng ta là kẻ có tội. Ai cảm thấy mình yếu đuối, phạm tội, hãy tin vào Mẹ. Mẹ yêu Chúa Giêsu thế nào thì Mẹ cũng yêu chúng ta như thế.
Giáo Hội luôn thúc giục chúng ta yêu mến Mẹ, vì chỉ có Mẹ mới là nguồn suối tình yêu, giúp chúng ta yêu mến Chúa.
Hôm nay mừng Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy nhờ Mẹ dẫn dắt chúng ta trên con đường yêu mến vì chúng ta chưa bao giờ có thể yêu Chúa đủ. Chúa Giêsu đến nơi bàn thờ này để nhập thể lại trong mỗi người chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Ngài như Mẹ: “Con là tôi tớ Chúa, xin Chúa thực hiện nơi con những gì Chúa muốn”.
5. Suy niệm của Lm. Alfonso
Thánh Anphong: Nhờ kinh Mân côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh.
Suy niệm:
Nếu như Kinh Lạy Cha là lời kinh trực tiếp mà Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta, thì kế đó, phải kể tới kinh Kính Mừng, lời kinh quen thuộc với lòng đạo đức bình dân nơi bổn đạo. Kinh Kính Mừng xuất thân chính từ lời Kinh Thánh. Đó là lời sứ thần Gabriel, khi truyền tin cho Đức Maria về việc Trinh nữ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa, đã chào rằng “Kính mừng Maria đầy ơn phước Ðức Chúa Trời ở cùng bà”. Đó còn là lời của Isave người chị họ tràn đầy Thánh Thần, cùng với người con đang nhảy mừng trong lòng khi Đức Maria đem Chúa đến viếng thăm rằng “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phước lạ”. Và với lời định tín “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…” tại Công đồng Êphêsô năm 431, toàn thể Hội Thánh tôn vinh Đức Trinh nữ Maria khi tuyên xưng đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa nơi Mẹ.
Như chúng ta biết, điểm chính yếu mà thánh sử Luca muốn trình bày trong đoạn Tin Mừng trên đây là chính Ðức Giêsu Kitô, Đấng Messia, Con Ðấng Tối Cao, và là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Để chuẩn bị cho con Thiên Chúa nhập thể làm người, Ngài cần phải chọn cho Người Con sinh ra nơi một tâm hồn xứng đáng, một người phụ nữ tuyệt hảo, người được Chúa ưu ái và là người đầy tràn ơn sủng của Chúa để làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Thế nhưng, lời mời gọi của Thiên Chúa cũng làm đảo lộn hết của dự tính nơi thiếu nữ Nazaréth ấy. Nếu như Đức Maria muốn khấn dâng mình cho Thiên Chúa thì Ngài lại muốn cô làm mẹ và sinh con. Còn nếu Maria muốn sống bậc hôn nhân với Giuse như bao con người “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”, thì Thiên Chúa lại muốn cô cưu mang một người con không phải từ nơi người nam như Giuse, mà là thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần ban xuống. Thiên Chúa luôn thực hiện điều mà còn người không bao giờ nghĩ tới. Cho nên, chỉ bằng lòng tin, Đức Maria mới có thể đáp lại lời sứ thần “Nếu Chúa muốn, không có việc gì mà Ngài không làm được” để dấn thân cho Thiên Chúa và để Ngài hoạch định trên cuộc đời mình.
Mẹ còn vâng phục Thánh ý đón nhận các tín hữu làm con cái khi Chúa Giêsu trao nhân loại lại cho Mẹ, mà Gioan là đại diện “Đây là con Bà”. Vì thế, Mẹ đã đồng hành với các môn đệ ngay từ những giây phút đầu tiên Giáo hội được thành lập. Bài đọc I cho chúng ta biết tất cả các Tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Chúa Giêsu, và với anh em của Người. Gia đình Thiên Chúa giờ đây mở rộng ra bao gồm những ai lắng nghe lời Chúa và chuyên cần cầu nguyện cùng một sự hợp nhất với nhau, và với Đức Maria làm Mẹ Hội Thánh.
Đời sống đạo của các tín hữu qua dòng thời gian cũng được Mẹ đồng hành, và có những lúc Mẹ còn hiện ra để an ủi con cái. Mẹ thường khuyên nhủ hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. “Mân Côi” phát xuất từ tiếng Latinh Rosarium, có nghĩa là vườn hoa hồng. Sở dĩ người Việt gọi là Mân Côi là vì tiếng Hán là “méi gùi”, và tiếng Hán Việt được đọc là Mân Côi, và có khi trại ra thành Môi Khôi, Mai Khôi. Hoa hồng lại là biểu tượng của lòng mến, của tình yêu. Những lời kinh Kính Mừng được kết thành tràng Chuỗi tượng trương cho vòng hoa hồng thiêng dâng kính Đức Mẹ.
Như Đức Giáo hoàng Piô XII khẳng định: “Chuỗi Mân Côi là một bản tóm lượt toàn bộ Tin Mừng”, phác hoạ lại toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu, mà Mẹ đã gắn bó cách mật thiết với Người. Để rồi, trước sự sẵn sàng xin vâng theo Thánh ý, Đức Maria càng làm đẹp lòng Chúa, nên mọi đều Mẹ khấn xin đều được Chúa đáp lời. Vì thế, chúng ta là con cái của Mẹ, hãy nhờ Mẹ dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa ngay trong giây phút hiện tại cuộc sống của chúng ta cũng như trong giờ lâm tử nguy khốn.
Lịch sử Giáo hội đã ghi lại những cuộc chiến thắng oanh liệt của nhờ lời việc lần chuỗi Mân côi:
Chẳng hạn, đầu thế kỷ XII bè rối Albigensê nổi lên ở miền Nam nước Pháp, gieo lầm than và đau khổ cho nhân dân. Thánh Đaminh đứng ra khấn xin Đức Mẹ soi sáng cách nào để cứu vớt những tâm hồn sai lạc. Đức Mẹ đã hiện ra, tay cầm một chuỗi Mân côi, và dạy thánh Đaminh cách đọc Kinh Mân côi, đồng thời truyền cho ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc. Quả nhiên, hơn 100.000 kẻ rối đạo đã từ bỏ sự sai lạc, và rất nhiều người được thêm phấn khởi sốt sắng đọc kinh Mân côi.
Hơn thế nữa, vào thế kỷ XVI quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đe doạ xâm chiến toàn vùng đất Công giáo Âu châu. Và trong lúc thuỷ quân của Hồi giáo xuống vịnh Lépante để tràn sang Âu châu, đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công giáo ra nghinh chiến. Lúc ấy, thánh Giáo hoàng Piô đệ V truyền lệnh cho các giáo phận tổ chức một nghi thức “cầu nguyện 40 giờ” gồm cuộc rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ và đọc kinh Mân côi cầu cho các chiến sĩ Công giáo thắng trận. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm Công giáo ào ạt tấn công đánh chìm các chiến hạm quân Thổ vào ngày Chúa nhật 7/10/1571. Sau cuộc thắng trận nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, thánh Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ.
Ngày nay, các tín hữu còn tiếp tục được khuyến khích dùng lời kinh Mân Côi giúp nâng tâm hồn lên tới Chúa. Nhưng không phải bởi số lượng lời kinh mà là bởi sự chú tâm sốt sắng chất lượng miệng đọc lòng suy. Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm mầu nhiệm, kinh Mân Côi sẽ chỉ có xác mà không có hồn. Phần kinh đọc gồm: Một lời nguyện bắt đầu một ngắm. Sau đó đọc Kinh Lạy Cha, mười Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, và kết thúc mỗi chục bằng lời xin ơn: “Lạy Đức Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần nhờ đến lòng Chúa thương xót hơn”. Và tiếp theo đến lời nguyện ngắm thứ hai…, cứ như vậy đến hết ngắm thứ năm của một mùa Vui, Sáng, Thương hay Mừng.
Lạy Mẹ Maria, chúng con là những người con thảo, xin quyết tâm làm thành một tràng chuỗi Mân Côi dâng lên Đức Mẹ trong tháng Mười Mân Côi này, hợp với lời chúc tụng Đức Mẹ là lời xin ơn của chúng con: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”. Vâng, vì thân phận phải chết của chúng con, và vì chúng con tin tưởng đời sống của Mẹ đẹp lòng Chúa, nên lời cầu xin của Mẹ cũng rất hiệu nghiệm. Mẹ còn là thụ đạo đầu tiên được Chúa ban thưởng phúc Thiên đàng cả hồn lẫn xác. Vậy xin Mẹ giúp chúng con là con cái của Mẹ biết chạy đến nương ẩn nơi Mẹ để Mẹ chở che cho chúng con giữa biển hiểm nguy trần thế này và trong giờ sau hết, để ngày sau chúng con được vào hưởng vinh phúc Thiên đàng với Mẹ và Con của Mẹ là Vua muôn đời. Amen.
***
THẦN LỰC KINH MÂN CÔI
Ngoài những ơn lạ Đức Mẹ ban nhờ thần lực của kinh Mân côi về phần hồn cũng như phần xác, * Mẹ Maria phán dạy Chân phước Alanô: “Bất cứ ai trung thành đọc kinh Mân côi và suy ngắm những mầu nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết. Điều đó rất dễ đối với Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vua Trời và Người gọi Mẹ là Đấng đầy ơn. Và vì đầy ơn, Mẹ có thể ban phát ơn phúc cho các con cái dấu yêu của Mẹ”.
– Thánh Đaminh: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân côi.
– Chân phúc Alanô: Kinh Kính mừng là một cầu vòng trên trời, là một dấu chỉ lòng thương xót và ân sủng Thiên Chúa ban cho thế giới. Mẹ muốn dân chúng có lòng sùng kính kinh Mân côi được ơn thánh và phúc lành của Con Mẹ torng cuộc sống và trong giờ họ chết. Mẹ muốn họ thoát khỏi mọi ràng buộc, để họ nên giống các vua đội triều thiên, cầm phủ việt và hưởng phúc vinh quang vĩnh cửu.
– Thánh Anphong: Nhờ kinh Mân côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh.
– Đức Gioan XXIII: Chớ gì kinh Mân côi gia đình là một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Đức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Đức Nữ Trinh.
– Đức Phaolô VI: Kinh Mân côi đạo đức và phổ cập hiện ra như một chuỗi cứu độ treo trên cánh tay Chúa Cứu Thế và Mẹ Thánh Người, và do đó phát ra mọi ơn lành cho chúng ta và mọi niềm hy vọng đến với chúng ta.
– Đức Gioan Phaolô II: Trong những chục kinh Mân côi, tấm lòng chúng ta có thể hái lượm được những sự kiện làm thành đời sống cá nhân, gia đình, dân tộc, giáo hội và thế giới. Đó là những vấn đề cá nhân hay người thân cận, người thân quyến chúng ta. Như vậy, kinh Mân côi hoà nhịp đời sống con người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam