Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 31
Tổng truy cập: 1374664
PHỤC SINH LAGIARÔ
PHỤC SINH LAGIARÔ
"Có một người ốm liệt, ông Lagiarô”: Chúng ta chẳng biết nhân vật này ở nơi nào khác nữa, và hình như các độc giả Tin Mừng cũng không, vì ông được gọi như là em của Matta và Maria. Tuy nhiên, ông mang một cái tên tiền định mà trong tiếng Hy bá có nghĩa: "Thiên Chúa đến cứu giúp", và, đàng khác ông là bạn của Chúa Giêsu.
"Người Bêtania": Chắc chắn đây là ngôi làng mà ngày nay vẫn còn tồn tại với mỹ danh "El Azarich" (tiếng rút từ chữ Lagiarô), cách Giêrusalem quãng 2km, và là nơi người ta còn thấy ngôi mộ của Lagiarô đục sâu trong đá.
"Làng của Maria và Matta chị bà": Vì tác giả không nói gì đặc biệt về hai phụ nữ này, nên phải giả thiết là độc giả đã biết nhiều về họ. Người ta đã sớm đồng hóa họ với hai phụ nữ được nhắc đến trong lúc 10,38-42. Hình như họ có cùng một tính tình: Matta hoạt động, lanh lẹ, chủ gia đình; Maria trái lại trầm tư, chiêm niệm hơn, thường bị chị xỏ mũi. Luca không nói tên nơi xảy ra cảnh đó; cũng có thể là Bêtania lắm, nhưng chẳng có gì cho phép ta đồng hóa một cách chắc chắn nhân vật của hai câu chuyện.
"Maria là người đã xức dầu thơm cho Chúa": Hành động này được kể lại ở thì quá khứ, vì tác giả nhìn từ thời gian biên soạn, nên sự kiện này là một sự kiện đã qua. Nhưng ông lại tường thuật việc xức dầu ở chương 12, khi Chúa Giêsu sẽ trở về Bêtania, sau một thời gian rút vào sa mạc Ephraim. Không có gì cho phép quả quyết đây là người đàn bà tội lỗi mà Luca kể lại trong 7, 36tt.
"Chúa Giêsu yêu mến Matta cùng em bà và Lagiarô": Câu này đính chính một lối giải thích sai lầm có thể có, dựa trên sự kiện Chúa Giêsu hãy còn nán lại thêm hai ngày nơi Người đang ở, dù đã nghe tin Lagiarô đau liệt.
“Ngày không phải có 12 giờ sao": Dù có vẻ tượng hình và hai bí nhiệm, câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng. Bao lâu chưa đến giờ hoàng hôn? bấy lâu chưa có gì phải sợ; người ta có thể an toàn bước đi cho đến hết thời hạn 12 giờ của ngày. Nói cách khác, Người phán cùng các môn đồ vốn đang kinh hãi khi thấy Người lên Giêrusalem đáng sợ trước, chưa đến giờ nguy hiểm đâu!".
"Và chúng ta cũng hãy đi qua để chết với Người": Ngược lại với lối giải thích thông thường, hình như chữ với “Người" ám chỉ Lagiarô, vì người ta vừa mới nói trong câu trước đó là Lagiarô đã chết và Chúa Giêsu đã kết luận: chúng ta hãy qua gặp ông ấy. Trong trường hợp này, Tôma nói cách đơn sơ: nếu Người muốn đi bất cứ giá nào, thì chúng ta hãy tháp tùng theo để chung số phận với Lađarô là kẻ đã chết.
“Đã được chôn 4 ngày rồi ”: Vì khí hậu ở phương đông, nên người chết được chôn trong cùng ngày chết (Ga 11, 39; Cv 5, 6). Chữ "4 ngày" có một tầm quan trọng trong trình thuật người Do thái thời Chúa Giêsu tin rằng trong 3 ngày đầu tiên, hồn vía hãy còn lảng vảng bên thây ma; chỉ từ ngày thứ tư, lúc thây ma bắt đầu thối rữa, chúng mới bỏ mà di. Ngày thứ 4 là ngày chết thực sự.
"Ta là sự sống lại". Mấy chữ "và là sự sống" bị P45 cũng như một số thủ sao của truyền thống latinh và syria-sinai cũ xóa bỏ, cả Origène và Cyprien thỉnh thoảng cũng thế. Nhưng tất cả các thủ sao và các bản dịch khác đều giữ lại. Thành ra không có lý do gì để duy trì lối đọc vắn của BJ.
“Hãy cởi ra cho ông ấy". Đối với Lagiarô, phải lăn hòn đá, cởi dải liệm; còn khi Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ nhận định một sự kiện đã rồi: đá được lăn đi, các cuộn băng nằm dưới đất, còn khăn liệm được xếp lại ở một nơi riêng (20, 1-7). Các thiên sứ chỉ đứng đó để giúp các môn đồ ý thức sự kiện mà thôi.
"Nhiều người Do thái...đã tin vào Người”: Gioan không bảo bấy giờ Lagiarô thế nào, cũng chẳng nói đến sự thán phục của các chứng nhân. Ông đưa ta đến điểm cốt yếu: nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng mời gọi ta.
KẾT LUẬN
Chúng ta đã ghi nhận việc nhấn mạnh đến đức tin trong Tin Mừng thứ tư, sự căng thẳng tăng dần theo các chương giữa Chúa Giêsu, Đấng tự mặc khải chính mình trong các việc làm, và lòng cứng tin của người Do thái. Giai thoại hôm nay thường xuyên nhắc đến đức tin. Động từ “tin" được dùng 8 lần để chỉ việc con người đáp trả khi thấy vinh quang Thiên Chúa. Lagiarô đã chết và được an táng từ 4 ngày rồi. Người Do thái hình như hoài nghi quyền năng của Chúa Giêsu. Matta và Maria thì nói với Người: “nếu Thầy đã ở đây...". Chứng cớ dứt khoát và không thể chối cãi mà người Do thái đòi hỏi (10, 24) giờ đây được ban cho họ. Ai có quyền trên sự sống, nếu không phải là chỉ mình Thiên Chúa? Chúa Giêsu làm phép lạ "để họ tin" rằng Chúa Cha đã sai Người. Như thế chấm dứt sứ vụ của Chúa Giêsu giữa người Do thái. Dấu chỉ này mặc khải một lần thay cho tất cả Chúa Giêsu là ai. Vì thế người Do thái đã lên án tử hình Người. Đối với Gioan, cuộc Tử nạn bắt đầu ngay sau phép lạ này với cuộc nhóm họp của hội đồng Công tọa và việc xức dầu ở Bêtania, dấu chỉ khâm liệm Chúa Giêsu. Chính phép lạ chuẩn bị điều đó. "Bệnh này... phải được nhằm để tôn vinh Con Thiên Chúa". Việc phục sinh Lagiarô là dấu chỉ của thực tại sẽ diễn ra trong các chương kế tiếp vậy.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Trong thời đại chúng ta, nhan nhản những dấu chỉ của sự sống và sự sống lại, chẳng hạn việc hồi sinh con người mà chúng ta đã từng mục kích nhiều lần qua các cuộc chúa bệnh thành công, là những dịp cho thấy cơ thể nhân loại có một sinh lực mãnh liệt chừng nào. Và ta phải nói gì về cuộc chiến thắng lạ lùng của sự sống trên sự chết như là việc sinh sản, rồi việc phát triển con người nên vóc trưởng thành? Trong các thành công về kỹ thuật, nhà bác học đã vượt qua nhiều khó khăn mà trước đây không thể khắc phục. Trong các lựa chọn dứt khoát, mỗi người chúng ta đều đã lướt thắng các cám dỗ bi quan, thất vọng. Tất cả chỉ vì trong con người có một khát vọng sống, có một động lực không ngừng thúc đẩy đi lên. Nhưng đồng thời trong nhân tính chúng ta có một cái gì đó đã bị đổ vỡ. Cái chết bắt chúng ta đương đầu với một giới hạn có thể bẻ gãy chúng ta. Gioan gợi lên nỗi thất vọng, sự ê chề của kinh nghiệm, các giới hạn của con người. Những câu Chúa trả lời: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra" mời gọi tất cả lướt thắng các giới hạn đó. Bằng giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự sống lại của mình, Chúa Giêsu cho thấy Người có thể khơi dậy sinh lực nào trong con người. Nhưng Người chỉ hành động trong những ai, khi đối diện với sự chết, biết để cho sức mạnh Thần khí đến “lay tỉnh" mình dậy.
2. Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng vô biên xa vời, dửng dưng với tạo vật. Thiên Chúa đã nhập thể trạng một trái tim con người, Ngài cũng muốn có khả năng cảm xúc, bồi hồi, xót dạ? "Chúa Giêsu xao xuyến tâm thần". Ngài cho thấy mình cũng chạnh lòng trước số mệnh thế nhân. Người yêu thương các bạn hữu với tình âu yếm. Bởi đấy Người ra tay uy quyền cho Lagiarô sống lại.
3. Hãy lưu ý đến lời Matta đáp trả câu hỏi của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Con có tin điều đó không?” nghĩa là có tin rằng kẻ tin vào Ta sẽ sống mãi và không bao giờ chết chăng. Người hỏi Matta về một điều gì có, về niềm xác tín được sống của bà. Matta đã trả lời nhắm vào con người Chúa Giêsu. Bà không đáp: “Vâng, con tin rằng con sẽ không chết, nhưng "Con tin Thầy là Chúa Kitô, Con 'Thiên Chúa". Chắc hẳn vì lời tuyên xưng đức tin đó (mà các môn đồ từng nghe) mà Chúa Giêsu tuyên bố với các sứ đồ của Người, khi đến Bêtania, rằng Người đã vui mừng hoan lạc. Chúa Giêsu đã muốn có giai thoại phục sinh Lagiarô để các chứng nhân tin Người là Đấng được Chúa Cha sai đến. Điều đó cho ta thấy niềm tin của Kitô hữu không phải là niềm tin vào các sự vật, dù là vào một thế giới được tái lập trong sự công chính nguyên thủy, nhưng là niềm tin vào con người Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Niềm tin vào Chúa Giêsu tuyệt đối ưu tiên, sau mới đến những điều khác.
4. Sở dĩ Chúa Giêsu phục sinh Lagiarô, là vì người là Lời sáng tạo của Thiên chúa Tuy nhiên Người cũng sắp chết. Chúa tể sự sống sắp lụy phục tử thần... và đối thủ của người sẽ không quên nhấn mạnh nét mâu thuẫn đó trong sự nghiệp của Người: “Nó đã cứu được kẻ khác mà không thể cứu nơi chính mình". Nhưng Chúa Kitô đã chẳng muốn cứu lấy một mình mà thôi. Khi mặc lấy thân phận con người chúng ta cho đến cái chết, lời sự sống của Người không còn ở ngoài chúng ta nữa. Người chiến thắng tử thần qua cái chết. Như thế, Người đã cứu rỗi tất cả nhân loại cùng với chính bản thân Người.
5. Hoạt động của con người bị hạn chế và thượng thất bại. Song các giới hạn và thất bại này không thể triệt hạ sự tự do của kẻ tin vào Chúa Kitô. Cái chết đặt một giới hạn rõ rệt cho sự sống của con người, nhưng đức tin của Kitô hữu vượt qua giới hạn đó. Người Kitô hữu đã ở bên kia cái chết. Chắc chắn, sự chiến thắng cái chết mà Chúa Kitô đạt được cho ta không miễn cho ta chết như Người. Kitô hữu không phải là kẻ giảm thiểu hay đánh bóng sự chết. Đối với họ cũng như đối với Lagiarô, cái chết không thơm tho gì. Và chẳng có hương thơm (thánh thiện hay đạo đức nào) có thể ru ngủ sức kháng cự của con người đối với cái chết. tuy nhiên Kitô hữu tin tưởng vào Thiên Chúa như Chúa Kitô đã tin tưởng vào Chúa Cha, vì biết rằng Ngài luôn nhận lời mình xin. Ngài là vị Thiên Chúa hằng yêu con người và muốn con người sống để tôn vinh Ngài. Tin vào tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện trong Chúa Kitô tức là đã phục sinh và đã được bảo chứng sẽ sống mãi.
58. Sự sống đời đời
Ga. 11, 1-45: Ta là sự sống lại và là sự sống...
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu nói với bà Matta: "Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống." Qua câu nói này, chính Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng ban sự sống và sự sống lại cho tất cả những ai tin nơi Người. Chúng ta thấy chưa từng có vị sáng lập đạo nào tự xưng mình là Sự Sống lại và là Sự Sống. Thực tế, người công giáo không hề đề cao Chúa Giêsu, hay vì kính trọng mà tâng bốc Thầy mình. Phép lạ cho Ladarô sống lại, chính là để chứng tỏ cho mọi người thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên sai và cũng là Thiên Chúa nữa...Đây chính là điều mà Hội thánh muốn chúng ta suy niệm trong ngày Chúa nhật 5 Mùa Chay này.
a/. Trước hết xin tìm hiểu một vài câu:
* Phép lạ cho Ladarô sống lại xảy ra lối tháng 3 năm 30, gần cuối đời Chúa Giêsu. Chúa đã giảng dạy tại Giêrusalem từ tháng 10 đến tháng 12 năm 29, nhưng tình hình căng thẳng quá, nên Chúa phải sang làm việc ở miền Pêrê, bên kia sông Giodan. Lúc đó, Chúa được tin Ladarô từ trần.
* Gia đình của Ladarô, quê ở Bêtania, cách Giêrusalem hơn 3 km. Ladarô có hai người chị là Matta và Maria. Đây là một gia đình rất thân quen với Chúa. Mỗi khi lên Giêrusalem, Chúa hay đến trú ngụ tại gia đình này.
* Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Người là nguyên nhân của việc sống lại và cả của sự sống của muôn loài trên trái đất, trong đó có thân xác của chính Chúa nữa.
b/. Con người trên đời này rất tò mò về chuyện tương lai, nhất là chuyện người chết rồi sống lại; vì thế có một số truyền thuyết nơi một số bộ lạc, nhất là bộ lạc thiểu số. Bộ lạc Vaudou, miền Trung châu Mỹ, có truyền thuyết Zombie: đó là người chết sống lại, đi ra khỏi mồ, bị một phù thủy quản chế, phải làm theo ý ông ta. Ở Trung Hoa cũng có truyền thuyết Cương Thi, cũng tương tợ như Zombie: một phù thủy hay đạo sĩ có tài sẽ điều khiển các thây ma ra khỏi mồ để làm việc cho mình.Vài bộ tộc da đen ở Châu Phi, cũng có truyền thuyết, con người trước khi chết, được cho uống vào một loại lá cây tương tợ như ngãi, họ sẽ không chết hẳn, nhưng sẽ tồn tại một thời gian, sau đó sẽ sống lại như người trần...
Những truyền thuyết nói trên cho đến hôm nay, cũng chỉ là truyền thuyết vì không có tính khoa học, cũng không phải là một thực tại và nhiều khi mang tính hoang đường nhiều hơn. Bài Tin mừng hôm nay trình bày câu chuyện Ladarô đã chết 4 ngày, lại được sống lại. Ladarô một con người có thực, lịch sử, vì đau bệnh đã chết 4 ngày. Cái chết của ông không phải là một cái chết giả tạo, mà là một sự thật được nhiều người làm chứng. Vậy mà sau 4 ngày, Ladarô đã chết, được Chúa Giêsu cho sống lại. Dĩ nhiên sau này Ladarô cũng sẽ chết lần nữa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên Người chính là nguyên lý của sự sống và sự sống lại. Muốn cho Ladarô sống lại, Chúa không nhờ bất cứ ai hay nhờ quyền năng nào. Chính Chúa Giêsu dùng quyền năng của chính mình mà làm cho Ladarô sống lại; Chúa không mượn tay hay cậy nhờ quyền năng của người khác như thày phù, thày pháp...Thiên Chúa chính là chủ của sự sống, thử hỏi Người muốn điều gì lại không được?
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Chúa Giêsu là Sự Sống lại và là Sự Sống, vì chính Chúa đã chết sau 3 ngày, đã tự mình sống lại, ta có tin không?
Trên trần gian hay chết này, chúng ta tìm đâu ra sức sống để mà sống? Có phải ta đi tìm trong tiền bạc, lạc thú, rượu chè và những lý thuyết đưa tới sự chết, thực ra chúng ta tìm cái gì? Tìm Chúa hay tìm những thứ đó?
59. Ta là sự sống lại
Phép lạ lớn nhất: Cho Lazarô chết chôn bốn ngày sống lại.
Ta là nước sự sống.
Ta là ánh sáng thế gian.
Ta là sự sống.
Cứu độ là cứu cho sống. Phép lạ nầy là đỉnh của các phép lạ Sự sống là đỉnh của công trình cứu độ. Ta là sự sống là đỉnh của giáo lý cứu độ của Đức Giêsu. Được sống lại là được biến đổi như Đức Giêsu biến hình vinh quang. Điều kiện:
- Người Thầy thương mến: là nghĩa thiết, thân tín với Đức Giêsu.
- Đức Giêsu yêu mến Matta và hai em là Maria và Lazarô. Người thường đến trọ nhà Bêtania.
- Lazarô, bạn của chúng ta (các môn đệ). Có ý kiến cho rằng Lazarô là"môn đệ Đức Giêsu yêu mến".
- Đức Giêsu khóc - Kìa xem Người thương anh ấy dường nào.
Câu chuyện:
Hai cô cho người đến nói với Đức Giêsu: Người Thầy thương mến đang đau nặng. Chắc là Đức Giêsu sẽ đến ngay vì Lazarô là "bạn của chúng ta". Nhưng Đức Giêsu bảo: bệnh nầy không đến nổi chết, nhưng để vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện và Con Thiên Chúa được tôn vinh. Hai ngày sau Người nói: Lazarô bạn chúng ta đang yên giấc, chúng ta đi đánh thức anh ấy. Khi đến nơi thì Lazarô đã được chôn bốn ngày rồi. Matta ra đón Người và nói: nếu có Thầy ở đây thì em con không chết. Lời trách nhẹ "nếu Thầy đến sớm hơn"vì lẽ ra Đức Giêsu đã phải đến trước "vì Người thương mến nhà nầy". Nhưng lại là một mạc khải "có Chúa là sự sống thì không có sự chết". Nhân đó Đức Giêsu mạc khải thêm: Em cô sẽ sống lại. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Ta thì muôn đời sẽ không phải chết. Cô có tin thế không? Thưa Thầy: Có. Con vẩn tin Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Maria ra gặp Đức Giêsu cũng nói: Nếu có Thầy ở đây thì em con không chết (cũng trách "sao Thầy không đến sớm hơn"). Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người khóc. Đức Giêsu là người thật, có những tình cảm tự nhiên như mọi người. Người hỏi:Chôn anh ấy ở đâu? Mời thầy đến xem. Hãy cất tản đá ra.Matta nói: Thưa Thầy: thối rồi vì đã bốn ngày. Đức Giêsu ngước mắt lên, cầu nguyện cùng Chúa Cha rồi kêu lớn: Lazarô hãy ra đây. Người chết liền đi ra.
Phép lạ lớn nhất dành cho "người thầy thương mến", không cho ai khác mặc dù là để " vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện và Con Thiên Chúa được tôn vinh". Hãy là nhà Bêtania được Đức Giêsu yêu mến. Hãy là Lazarô "người Thầy thương".
Lazarô được sống lại nhưng rồi cũng chết. Không là bao vì sống lại trong xác phàm. Xác phàm là phải chết. Đức Giêsu cũng phài cởi bỏ xác phàm để mặc lấy vinh quang Thiên Chúa là sự sống vỉnh cữu. Sống vỉnh cữu mới là sống. Sống tạm, phải chết thì không là sống.
Việc cho Lazarô sống lại ngoài việc"tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa và tôn vinh Đức Giêsu " không nói gì nhiều hơn. Không báo truớc sự Phục Sinh vinh quang của Đức Giêsu như thường hiểu vì sự phục sinh nầy không"vinh quang".
Người ta muốn xin cho người chết của họ sống lại như Lazarô và nếu được thì thích lắm còn nói sự sống lại vinh quang ngày sau thì không gây ấn tượng bao nhiêu, chỉ lờ mờ, không hâm hở mấy.
Hãy động tâm, động nảo một tí. Cái nào lớn hơn và hãy muốn cái lớn hơn, muốn nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, bằng mọi giá, sẳn sàng đổi tất cả, cả mạng sống của thân xác vì cái đuợc lại là sự sống đời đời.
Để được vào trong vinh quang của Thiên Chúa Đức Giêsu cương quyết "lên Giêrusalem" vì sau thập giá mới có Phục Sinh vinh quang. Phải cởi bỏ thân xác phàm tục, biến đổi nó thành "Phục Sinh vinh quang". Noi gương Đức Giêsu đã có biết bao nhiêu người, tử đạo, hiển tu..đã từ bỏ, đã chấp nhận không ngại, không quản dù là gian nan khốn khó thế nào để bảo đảm cho được Phục sinh vinh quang với Đức Giêsu. Họ đã đúng. Chúng ta hãy nối bước theo họ mà tiến bước mạnh mẽ, vửng vàng như họ để được như họ và chắc chắn. Đức Giêsu đã mở đường và đang dẩn đường. Cùng Người bước đi trên con đường Người đi thì lo gì.
60. Sự sống mới – Lm Trần Bình Trọng
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khơi dậy trong ta cái cảm giác hy vọng ngay trong Mùa Chay khi ta suy niệm về sự thương khó và tử nạn của Chúa. Ta biết điều đó phải đến như vậy vì đời sống và sứ vụ của Chúa không thể nào chỉ được kết thúc trong cảnh tử nạn mà thôi. Trung tâm điểm của Mùa Chay không phải là Thứ Sáu Chịu Nạn mà là Chúa Nhật Phục Sinh khi ta đón mừng cái tiêu điểm của sứ điệp Kitô giáo: Chúa đã sống lại như Lời Người đã phán hứa. Tuy nhiên trong lễ nghi phụng vụ Giáo Hội nhắc nhở cho ta trong Mùa Chay về cuộc khổ hình và tử nạn của Chúa Kitô hầu giúp ta tìm ra ý nghĩa cho đời sống. Vì thế ta có thể có cái nhìn lệch lạc, nghĩa là chỉ nhìn đến những đau khổ của Chúa, mà quên đi cuộc phục sinh khải hoàn của Người. Do đó ta cần nhận thức rằng những mầu nhiệm trong đời sống và sứ vụ của Chúa, không phải chỉ kết thúc ở cuộc tử nạn mà thôi. Trong lễ nghi phụng vụ, ta cần nhắc nhở cho mình về cuộc phục sinh của Chúa. Ta cần ghi nhớ lại mỗi biến cố trong cuộc đời cứu chuộc: khổ giá, tử nạn và phục sinh của Chúa là một phần của toàn bộ chương trình cứu chuộc.
Cái chết của Lazarô và việc ông được cho sống lại trong Phúc âm hôm nay tiên báo cái chết và phục sinh của Chúa. Mặc dầu có những điểm tương đồng giữa hai cái chết và hai cuộc phục sinh, ta vẫn thấy có một sự khác biệt lớn. Cái phẩm chất của sự sống mới được phục sinh nơi Lazarô không thể nào được so sánh với cuộc phục sinh nơi Chúa Kitô, vì chính Người là sự sống lại và là sự sống.
Việc Lazarô bước ra khỏi mồ chưa phải là lúc có thể chia sẻ cuộc sống sung mãn với Chúa. Cuộc sống sung mãn dành cho người Kitô giáo là cái chìa khóa giúp ta hiểu cuộc đối thoại giữa hai chị em Marta và Maria trong Phúc Âm hôm nay về cuộc sống vĩnh cửu. Do đó Lazarô phải chết đi một lần nữa mới có thể tiến tới cuộc sống vĩnh cửu và sung mãn. Cái cuộc sống mới vĩnh cửu mà Chúa nói với Marta và Maria là cuộc sống siêu việt và sung mãn không bị ảnh hưởng bởi tử thần. Cuộc phục sinh của Chúa phải hướng dẫn tư tưởng hằng ngày của ta trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa là Đấng từ ngày này qua ngày khác thấm nhuần đời sống ta bằng sức sống mới. Cuộc phục sinh của Chúa phải đánh dấu cái việc khởi đầu cho cuộc biến đổi của tất cả những ai coi cuộc sống đời này là khó khăn, vất vả, nặng nhọc. Cuộc sống phục sinh không phải là cái gì ta có thể nhìn lại vì ta chưa có kinh nghiệm đạt tới, nhưng là cái gì ta đang nhìn tới với niềm hi vọng. Chính niềm hy vọng đó mà ngay cả với những ngày xuống tinh thần sẽ đem lại niềm vui và ý nghĩa cho đời sống.
Con người ta sinh ra để mà chết. Nhưng con người cũng sinh ra với cái ước muốn gọi là hy vọng. Đối với người tín hữu, Chúa Kitô là hy vọng của ta. Đưa cái tư tưởng hi vọng vào lúc gặp khó khăn thử thách không phải chỉ dành riêng cho người Kitô giáo mà thôi. Như ta học biết trong bài Thánh Kinh Cựu Ước hôm nay, Tiên Tri Ê-dê-ki-en cũng đã nhắc nhở cho người Do Thái trong cuộc lưu đầy là họ sẽ được sinh tồn như là một dân tộc và một quốc gia mặc dầu với những khó khăn thử thách họ phải đương đầu. Lời Tiên Tri Ê-dê-ki-ên cho họ niềm hi vọng là họ sẽ được phục hồi sau cuộc lưu đầy, nghĩa là họ sẽ được giải phóng và cứu thoát. Tin vào điều đó có nghĩa là có hi vọng. Và cái hi vọng đó không phải chỉ hạn chế ở đời này mà thôi. Đó là điều mà Thánh Phaolô nhắc nhở người tín hữu: Còn anh em, anh em không thể sống cho xác thịt, nhưng la sống theo thần trí (Rm 8,9). Sống theo thần trí có nghĩa là mở rộng tâm hồn mong mỏi đến một đời sống sung mãn và vĩnh cửu của Chúa Kitô. Và cái đời sống vĩnh cửu sung mãn này có tính cách vượt qua thời gian và không gian. Cái niềm hi vọng vào cuộc sống sung mãn vĩnh cửu sẽ tạo cho người tín hữu cái niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống, mặc dầu phải trải qua những ngày đen tối. Niềm hi vọng hay cậy trông là một nhân đức đối thần. Cũng như đức tin và đức ái, đức cậy trông phải thấm nhập vào tất cả đời sống của người tín hữu. Đức cậy trông phải được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù với những bệnh tật, đau khổ, thất vọng, chán chường, người tín hữu có đức cậy trông vẫn giữ vững niềm cậy trông vào Chúa. Người tín hữu được kêu gọi sống trong cậy trông bất chấp những thăng trầm của cuộc sống. Với niềm cậy trông, người tín hữu đi tìm Chúa và phụng sự Chúa với hi vọng rằng Chúa sẽ không bỏ rơi họ. Đức cậy trông theo Thánh Phaolô đưa dẫn ta đến đời sống trường sinh.
61. Ta là sự sống lại và là sự sống – Lm Đan Vinh
HỌC LỜI CHÚA
Ý CHÍNH:
Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a thì La-da-rô đã chết và chôn được bốn ngày. Gặp Mác-ta và Ma-ri-a là chị người chết đang khóc thương em, Đức Giê-su đã trấn an họ rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (25). Khi ra thăm mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha rồi truyền cho La-da-rô ra khỏi mồ (43) và người chết liền trỗi dậy đi ra ngoài. Qua phép lạ phục sinh La-da-rô này, Đức Giê-su đã mặc khải Người chính là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống. Người sẽ ban sự sống và sự sống lại muôn đời cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người.
CHÚ THÍCH:
- C 1-5: + La-da-rô: là tên của người bạn thân với Đức Giê-su, ở làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,3). Ngoài La-da-rô này, cũng còn một người khác làm nghề ăn xin cũng tên là La-da-rô trong Tin Mừng Lu-ca (x. Lc 16,20). + Bê-ta-ni-a: Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu, cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số (x. Ga 11,18). Đức Giê-su thường đến trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, còn một Bê-ta-ni-a khác là nơi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 16,20). + Mác-ta: là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính tình năng nổ hướng ngoại, thể hiện khi đón tiếp Đức Giê-su (x. Lc 10,38-42). + Ma-ri-a: là em của Mác-ta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (x. Ga 12,1-8). Theo phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh: Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với nhiều người khác cũng tên Ma-ri-a như: người đàn bà tội lỗi (x. Lc 7,36-50), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,3-11), nữa Ma-ri-a Ma-đa-lê-na được trừ khỏi bảy quỷ ám (x. Lc 8,2).
- C 6-16: + Mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy: Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý thức nguy hiểm: Thầy có thể bị kẻ thù giết hại tại Giê-ru-sa-lem. + Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?: Đức Giê-su quyết tuân theo chương trình Chúa Cha đã truyền. + La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây: Đức Giê-su dùng chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,39). Thánh Phao-lô cũng coi cái chết chỉ là một giấc ngủ (x. 1 Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (x. Ep 5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin: Đức Giê-su mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người truyền cho La-da-rô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27: + Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi: Theo phong tục người Do thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (x. Cv 5,6). Người Do thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói La-da-rô đã chết thật sự. + Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết: Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (x Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,23). Đến thời Đức Giê-su, nhóm Pha-ri-sêu cũng tin như vậy, nhưng nhóm Xa-đốc thì không tin (x Cv 23,8). Riêng Mác-ta tuy tin kẻ chết sẽ sống lại trong ngày tận thế như nhóm Pha-ri-sêu, nhưng vẫn muốn Đức Giê-su làm phép lạ cho em được sống lại ngay lúc này. + Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống: Đức Giê-su là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (x. Ga 5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày cánh chung, dù xác của họ có bị tiêu hủy cũng sẽ được sống lại (x. Ga 5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian: Mác-ta tuyên xưng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,19).
- C 28-37: + Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến: Theo thói tục của người Do thái, khi có khách đến viếng xác, thì người nhà bật khóc to, và khách cũng tự nhiên phát khóc lên theo.
- C 38-44: + Đức Giê-su thổn thức trong lòng: Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giê-su có thái độ cảm thông đầy tình người. Nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa khiến Đức Giê-su khóc một phần còn vì sự cứng lòng tin của những người Do thái hiện diện (37) và còn vì niềm tin nửa vời của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a nữa (39). + Đem phiến đá này đi: Phần mộ của người Do thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa, xác chết được xức thuốc thơm, cột lại bằng giây băng vài và phủ khăn liệm, đưa vào mồ chôn cất rồi lấp ngòai cửa mồ bằng một tảng đá lớn, như hai môn đệ đã an táng Đức Giê-su sau này (x Ga 19,40-42). + Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày: Tuy Mác-ta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ Ngừơi có thể làm cho La-da-rô sống lại. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?: Vinh quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho La-da-rô từ cõi chết sống lại. + Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con": Người Do thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Còn ở đây Đức Giê-su lại ngước nhìn lên trời. Đây sẽ là lối cầu nguyện của các Ki-tô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!": Đức Giê-su ra lệnh cho người chết sống lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. + Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi: La-da-rô sau khi sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Trái lại, Đức Giê-su sau khi phục sinh, những băng vải vẫn còn để lại trong mồ và khăn che đầu Người cũng được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (x. Ga 20,5-7).
CÂU HỎI:
1) Ma-ri-a Bê-ta-ni-a có phải là người đàn bà tội lỗi, người phụ nữ ngoại tình sắp bị ném đá hay bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na hay không? 2) Đức Giê-su nói La-da-rô đang yên giấc là muốn ám chỉ điều gì? Hai trường hợp khác tương tự là những trường hợp nào? 3) Theo phong tục Do Thái thì người chết được chôn vào thời điểm nào? Ở đây việc La-da-rô được chôn bốn ngày rồi mang ý nghĩa gì? 4) Thời Đức Giê-su, niềm tin về việc kẻ chết sống lại giữa hai phái Xa-đốc và Biệt phái khác nhau ra sao? 5) Tại sao Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Mác-ta và người đi theo cô khóc? 6) Khi nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày" Mác-ta có hòan tòan tin vào quyền năng phục sinh kẻ chết của Đức Giê-su không? 7) Ngày nay các tín hữu hướng về đâu khi cầu nguyện? Tại sao? 8) Tình trạng của La-da-rô sau khi được Đức Giê-su cho sống lại khác với tình trạng sống lại của Đức Giê-su thế nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
2. CÂU CHUYỆN: SỐNG LẠI THẬT VỀ PHẦN LINH HỒN:
SI-TA ĐE-LI vốn là một kẻ chuyên quậy phá kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội phá phách cướp giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau: “Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng về anh”. Vào tù lần này, ĐE-LI lại ngựa quen đường cũ: có những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn mình, nên anh đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi đang phải nằm thu mình trong một căn hầm chật hẹp tăm tối, nằm trên nền đá ẩm mốc hôi hám, ĐE-LI đã có dịp suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã phạm. Vốn là con một trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho đi học, nhưng anh lại lười biếng và ăn cắp tiền của cha mẹ rồi sau đó bỏ nhà đi hoang. Từng được nhà trường đánh giá là một học sinh thông minh giàu sáng kiến và chỉ có thói xấu ham vui. Vậy tại sao anh lại không sử dụng những tài năng đó để làm việc tốt hữu ích cho tha nhân, mà lại bỏ nhà ra đi và phải mang thêm tội đàn áp bóc lột kẻ khác? Rồi sau đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giê-su, mà anh đã từng biết khi theo học khóa giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy Đức Giê-su đang âu yếm nhìn anh và mời anh đi theo Người. Rồi hình ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt hiện ra trong tâm trí anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt với họ. Chính tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm hồn sơ cứng của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giê-su. Sau hai tuần lễ, ĐE-LI được ra khỏi ngục biệt giam và trở lại phòng giam thường phạm. Anh không còn thái độ bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù”. Khi nói về anh, cha tuyên úy nhà lao đã nói: “Si-ta Đe-li là một phép lạ sống động mới xảy ra: Không những anh là một tội nhân được ơn sám hối, mà còn thực sự trở nên một tạo thành mới, một tín hữu tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su”.
3. SUY NIỆM:
1) “Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống”:
La-da-rô và hai người chị Mác-ta, Ma-ri-a là bạn thân của Đức Giê-su tai làng Bê-ta-ni-a. Nhà của họ là nơi Đức Giê-su và các môn đệ của Người ở trọ mỗi lần các ngài đi lên Giê-ru-sa-lem. Với tình bạn thâm giao ấy, khi La-da-rô bị bệnh nặng, Mác-ta đã vội sai người nhà đi báo tin cho Đức Giê-su biết. Nhưng Đức Giê-su lại cố ý trì hoãn không đến ngay vì Người muốn dùng sự kiện này để chứng minh Người “là sự sống lại và là sự sống”, nên đã nói với các môn đệ: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11,14-15).
2) Về đức tin của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a:
Qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy về hai cách biểu lộ đức tin như sau:
- Về đức tin tuyên xưng ngoài môi miệng của Mác-ta: Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Cô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian (Ga 11,20-27). Tuy nhiên đức tin thể hiện bằng lời nói của Mác-ta vần chưa phải đức tin vững mạnh: Khi đến trước mộ của La-da-rô, Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11,39-40).
- Về đức tin cậy trông tín thác vào Đức Giê-su của Ma-ri-a: Cô Ma-ri-a thì tin mạnh mẽ vào Đức Giê-su thể hiện qua như sau: Nghe tin Thầy đến, cô Ma-ri-a “vội đứng lên và đến với Đức Giê-su”. Vừa thấy Người, cô liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11,29.32). Đức tin của Ma-ri-a thể hiện qua thái độ cậy trông vào quyền năng và tình thương của Thầy nên không nói nhiều mà chủ yếu là thái độ yên lặng, hoàn toàn tin tưởng phó thác để Thầy toàn quyền định liệu. Chính nhờ biết ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người đã giúp Ma-ri-a đạt tới đức tin cậy trông tín thác vào Chúa Giê-su (x. Lc 10,38-40).
3) Sống đức tin cụ thể hôm nay:
- Hãy trở thành ngôn sứ của sự sống, tình thương và niềm vui: Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Gio-an Phao-lô II đã khuyên các bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, si-đa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự Sống”. Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Người, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống, tình thương và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giê-su xưa đã trả lại sự sống cho La-da-rô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a… Ki-tô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang mong chờ được đáp ứng”.
- Đức tin thực sự phải thể hiện qua hành động cậy trông yêu mến: Thánh Gia-cô-bê đã đề cao đức tin tín thác và hành động chia sẻ như sau: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được không? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,14-17).
4. THẢO LUẬN: Chúng ta cần phải làm gì để trở thành Ngôn Sứ của Sự Sống, sẵn sàng chia sẻ sự sống của Chúa cho đồng bào Việt Nam, cho những người bệnh tật đau khổ đang sống chung quanh chúng ta?
5. NGUYỆN CẦU:
- Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay chúng con chưa chết nên không xin Chúa cho sống lại về phần xác, nhưng chúng con xin Chúa ban cho chúng con sống lại thật về phần linh hồn: để không những chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết, mà còn tiêu diệt những nguyên nhân dẫn tới cái chết như tham lam tiền bạc, ham mê rượu chè, chích hút và những đam mê bất chính khác… Xin cho chúng con thắng vượt sự thất vọng, buồn chán, sống không lý tưởng…
- Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết tôn trọng sự sống nơi bản thân và gia đình con. Xin cho chúng con biết bảo vệ môi trường sống, và luôn sống kết hiệp với Chúa Thánh Thể là Nguồn Sống Mới. Xin cho chúng con biết siêng năng đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể mỗi ngày để chúng con luôn có sự sống của Chúa nơi chúng con, và ngày sau chúng con cũng được sống mãi trong cuộc sống vĩnh hằng.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam