Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 73
Tổng truy cập: 1371185
QUYỀN HÀNH VÀ TRÁCH NHIỆM
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành, là Cửa cho chiên ra vào (Ga 10:7), ai qua cửa đó thì được cứu và gặp được đồng cỏ xanh rì (Ga 10:7), Ngài đã xác nhận: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Ngài là Chủ Chiên, là Mục Tử Nhân Lành, nên Ngài có quyền đối với đoàn chiên, nhưng quyền của Ngài là “quyền hy sinh” và “quyền yêu thương” – đặc biệt là “yêu thương đến cùng” (Ga 13:1).
Xã hội loài người có nhiều loại quyền, cơ bản nhất là nhân quyền – quyền của con người. Mọi người đều bình đẳng, vì ai sinh ra cũng có nhân phẩm và nhân vị. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, nhóm có nội quy. Mỗi quốc gia có ba quyền cơ bản: Quyền lập pháp, quyền tư pháp, và quyền hành pháp.
[1] Quyền lập pháp là quyền làm luật, xây dựng luật và ban hành những văn bản luật được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. [2] Quyền tư pháp pháp là quyền bảo vệ luật pháp, do Tòa án và Viện Kiểm sát tiến hành, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện và chống lại các hành vi phạm pháp. Theo luật học, cơ quan tư pháp hay hệ thống tư pháp là hệ thống tòa án nhân danh quyền tối cao hoặc nhà nước để thực thi công lý, một cơ chế giải quyết các tranh chấp. [3] Quyền hành pháp do các cơ quan hành chính Nhà Nước thực thi để đảm bảo hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình, bao gồm hai quyền: quyền lập quy và quyền hành chính.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-12-1948 tại Palais de Chaillot (Paris, Pháp). Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ.
Có CHỨC thì có QUYỀN, có QUYỀN nên dễ HÀNH người khác, và có QUYỀN rồi thì chỉ muốn có LỢI. Quyền hành hoặc quyền lực như con dao sắc bén, như chiếc kéo nhọn, phải rất cẩn thận kẻo tác hại. Chính mình bị tác hại đã đành, nguy hiểm nhất là tác hại người khác, làm khổ người khác – tức là ỷ thế cậy quyền mà “hành” người khác. Có điều “lạ” là người ta THÍCH có quyền hành nhưng lại KHÔNG MUỐN có trách nhiệm!
Bác học lừng danh Albert Einstein (1879-1955, người Đức) nói: “Quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ kém đạo đức – Force always attracts men of low morality”. Một cách nhận xét nhẹ nhàng mà “đau điếng”.
Chúa Giêsu có mọi quyền hành – trên trời và dưới đất, nhưng Ngài lại không muốn dùng quyền để hành hạ người khác, mà Ngài chỉ muốn phục vụ, yêu thương và tha thứ. Ngài xác định: “Tôi là mục tử tốt lành, Tôi biết các chiên của Tôi, và các chiên của Tôi biết Tôi” (Ga 10:14). Chủ chiên thật thì phải yêu thương chiên, nếu không thì chỉ là “thợ chiên”, là “kẻ chăn thuê” mà thôi – điều mà Phúc Âm hôm nay có đề cập. Thật vậy, những kẻ có chức quyền mà tránh né trách nhiệm, chỉ muốn dùng quyền mà hành người khác, Chúa Giêsu đã nguyền rủa là “đồ khốn” (Mt 23:13-30; Mc 12:40; Lc 11:39-48; Lc 20:47) và “đồ mãng xà” (Mt 23:33-36; Lc 11:49-51). Đáng sợ thật!
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, ông Phêrô được đầy Thánh Thần và mạnh dạn nói: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4:8-10). Phêrô hôm nay khác hẳn Phêrô hôm qua, không còn khiếp đảm, dám bênh vực sự thật, dám bảo vệ công lý. ĐGH Phanxicô cũng đã mạnh mẽ lên tiếng nói rằng Giáo Hội phải “nói thẳng, nói thật”.
Dùng ý Thánh Vịnh 118:22, ông Phêrô cho biết: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:11-12).
Chết đi để sống lại. Chúa Giêsu đã trải qua “hành trình kỳ diệu” đó. Chúng ta chỉ là tội nhân nhưng lại được hưởng ơn tha thứ và được quyền sống, không chỉ sống ở đời tạm này mà còn được sống đời đời. Đặc quyền quá lớn, phàm nhân chúng ta có mơ cũng không thấy, nhưng đó lại là sự thật hiển nhiên, không chút mơ hồ, không là chiếc bánh vẽ. Vì thế, tác giả Thánh Vịnh tha thiết nhắn nhủ chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1 và 29).
Thật là khôn ngoan nếu biết tạ ơn Chúa, vì đó là điều minh nhiên: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118:8-9). Mỗi lần ngủ là chúng ta “chết lâm sàng”, giống như “chết giả” để có thể trải nghiệm sự chết vậy. Do đó, mỗi khi thức dậy, chúng ta lại trải nghiệm sự sống lại. Thật là kỳ diệu, vì thế hãy hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa: “Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ; lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh” (Tv 118:28).
Là con người của tình yêu, thích nói về tình yêu và nhìn theo lăng kính tình yêu, Thánh Gioan cho biết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (1 Ga 3:1). Nếu có hỏi “Bạn là ai?”, liệu chúng ta có mạnh dạn nói ngay rằng “Tôi là con (của) Thiên Chúa” hay không? Cũng dễ mà cũng không dễ đâu!
Không nhiều thì ít, chúng ta cũng có “máu” Tào Tháo hoặc dòng dõi của ông “đá xanh” Tôma. Con người yếu đuối thế đấy, nói tin mà vẫn “hình như…”, chưa tin thật 100% đâu. Thánh Gioan nói thêm: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2). Quả là điều vô cùng lạ. Hiện nay chúng ta không thể nào tưởng tượng ra nổi. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nhiều người được thấy Ngài mà không thể nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn là Ngài như khi chưa chịu chết. Quen mà lạ, lạ mà quen.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay chỉ có 8 câu do chính Chúa Giêsu nói chứ không có lời dẫn, ngắn gọn nhưng đầy đủ chi tiết cần thiết. Chúa Giêsu xác nhận và phân tích rạch ròi: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:11-15). Hai lần Chúa Giêsu xác nhận Ngài là Mục Tử nhân lành, và hai lần đề cập sự “hy sinh mạng sống”, cho thấy tầm quan trọng của việc dấn thân và quên mình. Hạnh phúc thay Việt Nam chúng ta có một tấm gương sáng về mục tử, đó là Lm Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897-1946).
Chúa Giêsu “mở rộng” hơn về vấn đề chức quyền và trách nhiệm truyền giáo: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10:16-18). Ngài nhắc lại hai quyền của Ngài, khác hẳn các quyền chúng ta muốn. Ngài nói đến QUYỀN nhưng Ngài không nói đến LỢI, hoàn toàn khác hẳn với “sở thích” của chúng ta. Nghiêm túc xét mình thì thấy rằng chúng ta thật đáng xấu hổ vô cùng, vì chỉ nói hay mà làm chẳng ra gì!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con can đảm chân nhận các nhược điểm của mình để khả dĩ được biến đổi nhờ ân sủng thương xót của Ngài, biết phục vụ chứ không muốn hưởng thụ (Mt 20:28; Mc 10:45). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng phục sinh cứu độ chúng con. Amen.
42. Trục nhìn của chúng ta.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúng ta khó biết được mức sâu đậm của chất “thực” ẩn dưới hình ảnh “chủ chiên” trong sự so sánh của Chúa Giêsu. Ngày nay khong còn thấy cảnh những mục đồng hòa mình với đàn chiên nữa. Đám đông nghe Chúa giảng dạy có một não trạng thấm nhuần lịch sử tổ tiên họ. Abraham và những tổ phụ khác sống một đời du mục bị chi phối bởi sự tìm kiếm đồng cỏ gia súc, các ông sống giữa đàn chiên mình, biết rõ từng chiên một, và chiên cũng biết rõ chủ của chúng. Khi xưng mình là Chúa chiên lành, Chúa Giêsu biết rằng đám đông hiểu Người. Chúa đưa ra một sự so sánh hoàn toàn phù hợp với tâm lý thính giả. Nền văn mình chúng ta biết đến một loại bầy lũ khác, đó là bầy xe hơi vô trật tự, là lũ người đông như kiến trong các thành thị. Giả sử Chúa sống ở thế gian ngày nay, chắc hẳn là Người sẽ dùng một hình ảnh so sánh khác để nói với chúng ta, nhưng giáo huấn của Nguòi cũng sẽ như xưa mà thôi. Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?
1) Trước hết, dạy chúng ta biết đến một sự hiện diện. Chúa hiện diện giữa thế giới như người chủ chăn sống lẫn với đàn chiên mình. Một trong những đặc tính của chủ chăn là tham gia đời sống đàn chiên, chủ và chiên nên như một: Chủ chiên không đứng ngoài đàn, nhưng dẫn đầu đàn chiên. Xuyên qua sự so sánh Chúa muốn cho người ta hiểu rằng Người có mặt trong nhân loại và dẫn dắt nhân loại. Không một ai ở bất cứ thời nào lọt ra ngoài cặp mắt cảnh giác chăm nom của Đấng muốn chăn dắt y tới chốn mà y sẽ tìm ra lương thực và an toàn. Lương thực cho tâm trí, cho trí tuệ và ý chí, cho cơ thể nữa –đó là mối quan tâm chiếu cố luôn luôn sẵn sàng của Chúa đối với con người ngày nay. Tuy nhiên muốn được chăm nom thì phải thỏa mãn một điều kiện: con người phải chấp nhận làm thành viên, nhất là do đức tin, của “bày chiên” mà Đức Kitô là Chúa chiên lành.
2) Ta biết chiên Ta… như Cha biết Ta. Ở đây chúng ta vào một lĩnh vực của linh hồn trong đó ẩn náu cái nhu cầu sâu kín nhất của con người. Thật vậy, bởi đâu con người đau khổ nhất? Đau khổ vì cảm thấy mình cô đơn: Không một tình thương mến nào, không một trực giác nào, không một sự chăm sóc nào có thể đi vào tâm kham của bản thể chúng ta. Trong lương tri chúng ta có một trung khu, nơi đây không một ai (kể cả chính ta nữa) được quyền vào sâu, và ở trong trung khu đó, chúng ta cảm thấy lẻ loi cô quạnh. Những ngành khoa học nhân văn, nhat là khoa tâm lý học, cố gắng tìm hiểu những cơ chế âm u của vô thức. Cho dù những khoa đó đạt được kết quả thì vẫn còn đó cái lối cá biệt không sao phân tích được, trong cái nhân ấy con người cảm thấy vấn đề của mình –với số mệnh mình. Con người đau khổ và không được ai hiểu biết mình đến tận cùng nội tâm.
Thế mà, này đây Chúa nói Chúa hiểu biết con người như Cha hiểu biết Con. Như Cha biết Ta, nghĩa là Chúa biết rõ con người bằng một sự hiểu biết trực tiếp vào sâu tới chỗ tận cùng tâm khảm giữa Cha và Con có một sự hiểu biết tương giao toàn diện, hiểu tới tận cùng. Chúa hiểu biết tới đáy lòng con người. Chúa làm cho con người hết lẻ loi. Nếu toi tự hỏi lòng thì tôi biết rằng có một Đấng biết rõ tâm khảm tôi, vào sâu trong tôi, hiểu tôi, và –đây là một niềm an tâm tuyệt đỉnh- Người xét đoán tôi, không phải để lên án, nhưng là để cứu vớt tôi, vì Người thương tôi.
Có một hệ quả (trong số biết bao hệ quả): chúng ta có nhậy cảm không, đối với nỗi cô đơn của những người anh em ở quanh ta? Họ sẽ cảm thấy được chúng ta hiểu biết họ đôi chút, do đó thấy vơi đi được một ít nỗi buồn lẻ loi cô quạnh. Nếu như chúng ta cố hiểu họ như Chúa hiểu họ, nghĩa là nếu chúng ta đứng vào đúng trục nhìn của đôi mắt yêu thương Chúa Giêsu hướng thẳng về họ.
43. Hiến mạng cho chiên.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tháng 3 năm 1980 Đức cha Rômêrô, Tổng Giám Mục San Salvador ở Trung Mỹ đã cương quyết lên tiếng phản đối chính phủ vi phạm nhân quyền, vì đã ủng hộ giới địa chủ và đại tư sản áp bức bóc lột nông dân. Người dân ở đây tuyệt đại đa số là người Công Giáo (98%). Đức cha đã đứng về phía nông dân để bênh vực quyền lợi cho họ, dù biết rằng hành động của ngài có thể đưa ngài đến chỗ bị cầm tù và cái chết nữa. Nhưng, giống như Chúa Giêsu, Người Mục Tử nhân lành, Ngài sẵn sàng hiến mạng sống cho đàn chiên được sống và sống dồi dào, vì tin rằng đó là thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
Ngày 24/3/1980, một tay súng bắn thuê đã hạ sát Đức cha Rômêrô trong lúc ngài đang cử hành Thánh Lễ với giáo dân, đàn chiên của Giáo phận ngài chăm sóc.
Ngày xưa, ở Palestin, đề tài người mục tử xả thân cho đàn chiên là một nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Kinh Thánh, khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Mục Tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử, vì thế tác giả Thánh Kinh đã hát lên:
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn gì…
Dầu qua lũng âm u,
Tôi sợ gì nguy khốn,
Vì có Chúa ở cùng..”
Từ đó các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Tiếc thay, theo thời gian, vai trò lãnh đạo tôn giáo của Israel đã bị thoái hoá. Vào thời kỳ ấy, Ngôn sứ Ezekiel đã nhân danh Chúa cảnh cáo các vị mục tử này: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi: các người chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến đàn chiên. Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh tật, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lạc đường, hoặc tìm kiếm hững con lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, Vị Chủ Tế Tối Cao, Ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách đàn chiên ra khỏi các ngươi… Ta sẽ giao đàn chiên cho một Vị Vua, giống như Đavít, tôi tớ Ta để làm Mục Tử và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc cho đàn chiên” (Ez 34,2-4,9-10.23).
Chúng ta phải đọc Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh này. Chúa Giêsu nói: “Tôi chính là người mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên… Chúng sẽ nghe tiếng Tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là nhân vật mà Ngôn sứ Ezêkiel đã tiên báo. Giống như Đavít, người Mục Tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con chiên yếu đuối, bơ vơ, chữa lành những con bệnh tật và tìm kiếm những con lạc đường. Hơn nữa, Ngài hiến mạng sống cho đàn chiên của Ngài. Lại còn hơn thế nữa, Ngài đã sống lại từ cõi chết và chia sẻ sự sống Phục Sinh của Ngài cho đàn chiên. Đây chính là điều Thánh Gioan đã nói trong bài đọc 2 hôm nay: “Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, không những chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi, được cứu thoát mà còn được nên giống như Thiên Chúa, được đồng vinh quang với Thiên Chúa nữa”. Và trong bài đọc 1, Thánh Phêrô cũng quả quyết trước công nghị: “Không có Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giêsu. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, vì dưới bầu trời này, ơn cứu độ không gặp được ở một ai khác”.
Như thế, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn người Mục Tử nhân lành một cách sâu xa hơn: Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, ngài đã cứu chúng ta là đàn chiên của Ngài khỏi phải chết. Ngài đang hiện diện giữa thế giới chúng ta để tập họp chúng ta lại thành một đàn chiên của Ngài và ban cho chúng ta sự sống đời đời, để chiên của Ngài nghe tiếng Ngài, đi theo Ngài, thì “không bao giờ phải diệt vong, không ai có thể giựt khỏi tay Ngài được” (Ga 10,28).
Chúa Nhật hôm nay được chọn làm ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ. Cầu nguyện và hoạt động để có nhiều, có thêm số các mục tử. Làm mục tử là chăn dắt với Chúa Kitô, phụ một tay cho Chúa Kitô, chia sẻ công việc chăn dắt của chính Chúa Kitô. Chỉ có Chúa Kitô là Mục Tử nhân lành duy nhất, còn các mục tử khác chỉ là thay mặt Ngài mà chăn dắt đàn chiên của Chúa. Hơn nữa người mục tử vẫn là chiên của Chúa Kitô, cũng phải được chính Chúa Kitô chăn dắt. Như thế, không phải chỉ có các giám mục, linh mục mới là mục tử, nhưng mọi tín hữu cũng là “mục tử” theo gương người Mục Tử nhân lành là Chúa Kitô, vì Ngài đã trao phó trách nhiệm chăn dắt đàn chiên cho chúng ta, cho từng người tín hữu trong phạm vi, trong lãnh vực của mình. Dù là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ hay giáo dân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về những người chung quanh, và do đó, chúng ta là “mục tử” trong mức độ trách nhiệm của chúng ta: cha mẹ có trách nhiệm với lợi ích thể xác và tinh thần của con cái; các thành viên trong gia đình có trách nhiệm với nhau. Các thầy, cô có trách nhiệm với các học sinh ở trường, lớp. Các viên chức từ xã đến chủ tịch hay tổng thống đều có trách nhiệm nặng nề với nhân dân. Cũng thế, cha sở có trách nhiệm với mọi người trong họ đạo, gồm cả người chưa tin, người trễ nãi, người bỏ đạo. Các tu sĩ nam nữ phụ trách các cộng đoàn lớn nhỏ đều có trách nhiệm với các thành viên của cộng đoàn và các thành viên của cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, cũng có trách nhiệm với nhau. Đức Giám Mục cũng có trách nhiệm với mỗi người trong giáo phận của ngài. Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm trên toàn thế giới. Trách nhiệm vô cùng nặng nề!
Và vì là mục tử, chúng ta phải biết đến nhu cầu của người khác. Biết nhìn, biết chăm lo, biết dấn thân phục vụ đến độ sẵn sàng thí mạng sống cho anh em theo gương người Mục Tử nhân lành, như Đức Tổng Giám Mục Rômêrô đã hiến mạng sống cho giáo dân trong Giáo phận San Salvador của ngài. Với ý thức trách nhiệm mục tử, người tín hữu không còn sống cho riêng mình nữa, không còn được phép mưu lợi cho cá nhân mình nữa. Là Kitô hữu, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tôi phải là mục tử, tôi phải chăn dắt đàn chiên Chúa giao phó cho tôi: gia đình tôi, cộng đoàn tôi, giáo xứ tôi, giáo phận tôi, đồng nghiệp, đồng bào tôi. Có hoàn thành trách nhiệm chăn dắt theo ý Chúa, tôi mới tìm được hạnh phúc đích thực hoàn toàn.
Anh chị em hiệp ý với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hãy cầu xin cho các Kitô hữu thực sự là đàn chiên của Chúa, đồng thời là mục tử theo gương Chúa Kitô, trong khi thi hành chức vụ của mình, và cho Giáo Hội có thêm nhiều người biết dấn thân theo lời mời gọi của Chúa, trở nên những mục tử nhiệt thành, biết quên mình phục vụ đàn chiên. Với tâm tình này, chúng ta dâng Thánh Lễ như tiến vào đồng cỏ xanh tươi, suối nước mát trong, để được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Chúa Kitô và được hạnh phúc sống dưới sự chăn dắt chở che của Ngài.
44. “Ta Là Mục Tử Tốt Lành” – Noel Quesson.
“…Người mục tử tốt lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”.
Trên một tờ báo y học ở Achentina, bác sĩ Gioan Coóctê (Jean Cortez) đã kể một trường hợp đặc biệt chính ông chứng kiến. Ông chữa bệnh cho một bé gái tên là Angien. Bé Angien bị ung thư bao tử, một bệnh ít khi xảy tới cho người trẻ tuổi. Sau mấy lần giải phẫu và điều trị đủ cách, ông đành báo tin buồn cho bà mẹ rằng ông chịu bó tay, bé Angien đã chết.
Mẹ em bé, bà Maria gần như hoá điên trước tin này. Bà không cho ai đụng tới thi thể con gái và quì cầu nguyện lâu giờ bên giường em. Bác sĩ Cortez nghe bà cầu xin Chúa để bà chết thay cho con. Ông rất cảm động, làm hiệu cho mọi người ra ngoài để bà mẹ một mình với con. Lúc trở lại, ông bỡ ngỡ thấy em Angien đứng bên giường, dáng vẻ rạng rỡ khoẻ mạnh. Còn bà mẹ gục đầu trên giường và thều thào với bác sĩ Cortez: Thưa bác sĩ, Chúa đã nhận lời tôi. Bác sĩ Cortez cho làm mọi loại thử nghiệm và thấy em Angien đã hoàn toàn khoẻ mạnh không còn dấu vết đau ốm nào. Còn bà Maria thì đang hấp hối vì bệnh ung thư bao tử, căn bệnh mà con gái bà đã mắc từ hai năm nay. Các thân nhân xúm quanh bà mẹ, an ủi bà và hứa chăm sóc bé Angien chu đáo. Vài giờ sau, bà tắt thở. Bác sĩ Gioan Coóctê kết luận: “Tôi không thể giải thích chuyện này vì rõ ràng em bé đã chết. Một nguồn lực siêu nhiên đã chứng giám và can thiệp vào tình mẫu tử mạnh mẽ của bà mẹ”.
Tình mẫu tử khiến bà Maria sẵn sàng chết thay con. Người ta lý giải cường độ mạnh mẽ của tình mẫu tử là vì chính bà mẹ đã chia sẻ cuộc sống cho con. Hai mẹ con dường như chỉ có một sự sống duy nhất. Và Chúa Giêsu đã muốn dùng hình thức sự sống này để diễn ta mối liên kết giữa Chúa với mọi người chúng ta. Người diễn tả ý này bằng nhiều cách: “Ta là bánh sự sống; Ta là ánh sáng thế gian; Ta là cửa; Ta là Mục tử nhân lành; Ta là cây nho; Ta là sự sống lại và là sự sống”. Còn chúng ta là con người được nuôi dưỡng bằng bánh sự sống, chúng ta là chiên, là cành nho, được thông ban sự sống của Chúa. Vì thế, Người sẵn sàng chết để cứu độ chúng ta.
Lời lẽ của Chúa hoàn toàn khác biệt với bất cứ một người sáng lập học thuyết, tôn giáo nào. Kiểu nói làm ta nghĩ tới Thiên Chúa, Đấng mạc khải tên mình cho Môi-sê; Đấng đã phán từ bụi gai bừng cháy; Ta là Đấng tự hữu.
Danh hiệu Người Mục tử đã thành cổ điển trong mọi nền văn hoá Đông phương. Chúa là Mục tử chân chính, khác hẳn những người chăn thuê, làm mướn. Vì chỉ có Mục tử chân chính mới sẵn sàng hiến mạng vì chiên. Chúa đã thực hiện điều này để chúng ta thấy rõ Tình Yêu của Người, thấy rằng Chúa là Mục tử duy nhất chân thực, vị Mục tử nhân lành đã hy sinh mọi thứ vì đàn chiên, kể cả tài sản quý hoá nhất, đó là mạng sống mình, nhất nữa đó lại là mạng sống của Chúa, mạng sống mà Chúa tự nguyện hy sinh. Cái chết của Chúa không phai bất ngờ, không phải chịu thua bạo lực, nhưng là một hiến ban hoàn toàn ý thức và tự do. Chúa chết như một hành động yêu thương… Một Tình Yêu tột đỉnh (Ga 13,1; 15,13)
Chúa là Mục tử thực, Chúa biết rõ các chiên và các chiên biết Chúa. Hiểu biết này không phải chỉ là nhận thức, nhưng là thấu hiểu, là chia sẻ cuộc sống. Một hiểu biết ở mức độ chặt chẽ nhất, cao thượng nhất: Như Cha biết Ta và Ta biết Cha. Tình thân giữa Chúa với những người được Chúa cứu chuộc bằng cái chết của Người cũng chính là tình thân mật giữa các ngôi vị Thiên Chúa, và chúng ta được thông hiệp trong sự sống, trong tình yêu của Thiên Chúa cao cả.
Kinh Thánh dùng từ ngữ đoàn chiên để nói về dân Israel: Chúa Giêsu đã mở rộng từ này tới một giới hạn vô tận: Ta còn nhiều chiên khác ngoài đàn, Ta phải đem tất cả về, và sẽ chỉ còn một đoàn chiên, một Mục tử. Chúng ta có sứ mệnh cùng Chúa thưc hiện mục tiêu của tình yêu lớn lao cao cả đó.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con là những người cộng tác với Chúa, được chu toàn nghĩa vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho cả những chiên ngoài đàn như lòng Chúa ước mong.
45. Làm sao nghe được tiếng Chúa?
(Suy niệm của Lm. Tạ Duy Tuyền)
Cuộc sống luôn náo nhiệt. Ồn ào trong mọi nơi mọi lúc. Con người như lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ồn ào. Có đôi khi chúng ta không còn nghe được tiếng gọi của sự thật hay tiếng nói của lương tâm.
Anh A đã từng nhiều lần vào tù vì tội tham lam trộm cắp nhưng anh nói giữa cuộc đời bon chen anh không bao giờ nghe được tiếng nói của lương tâm mà chỉ nghe những thét gào của tranh giành, lừa đảo và bon chen… Anh bảo rằng mình không biết phải sống thế nào cho đúng với lương tâm, vì lương tâm đồng nghĩa thua thiệt và mất mát.
Chị B cũng từng ngụp lặn trong biển tình say đắm. Với chị có sắc đẹp là có tiền, có tình. Chị chỉ nghe thấy tiếng gọi của đồng tiền và thú vui xác thịt. Chị được người đời đeo đuổi réo gọi vì chị có nhan sắc trời cho. Cuộc đời chị cần tiền để bồi dưỡng thân xác và được cung phụng. Thế giới của chị luôn phải chạy theo tiếng gọi của đồng tiền và sắc đẹp.
Cậu C bảo rằng giữa một thế giới chạy theo tiếng gọi của danh lợi thú làm sao nghe được tiếng Chúa. Tiếng gọi của tình, tiền, và quyền luôn hấp dẫn, lôi cuốn khiến con người luôn bị lạc lối một trong ba tiếng gọi ấy!
Điều đáng buồn là con người dường như mất định hướng trong thế giới náo nhiệt hôm nay. Con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong danh lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen giành giựt để sống. Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới náo nhiệt này?
Người ta kể rằng một lần đội vệ binh đang đứng làm thành hàng chào một vị quan lớn tới thăm. Đúng lúc vị quan lớn gần tới thì một đàn cừu ở đâu hiên ngang đi ra. Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu chiếm lĩnh. Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:
– Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường.
Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường nhưng vô vọng!
Một người lính liền nói: xin mọi người yên lặng. Và từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng đang réo gọi. Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo. Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.
Giữa muôn vàn tiếng ồn ào của đám đông, chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt. Thế giới chúng ta đang sống cũng có quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng nói của lương tâm của sự thiện, và càng không thể lắng lòng để nghe được tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành.
Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng, nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người? Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử”.
Hôm nay lễ Chúa chiên lành, là dịp để chúng ta tạ ơn vì Ngài luôn yêu thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách. Dù cuộc đời có biết bao cám dỗ mời mọc chúng ta vào con đường tội lỗi. Có biết bao đam mê khiến chúng ta lầm đường lạc lối. Có biết bao con đường dẫn chúng ta xa lìa sự sống đời đời. Nhưng Chúa luôn ở bên và kêu gọi chúng ta ra khỏi bến mê tội lỗi. Xin cho chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Vì ở nơi Ngài mới có hạnh phúc bền vững còn những danh lợi thú chỉ là phù vân mau qua và chẳng bao giờ đem lại niềm vui trường cửu cho ta. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam