Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 36
Tổng truy cập: 1376279
QUYỀN PHÉP
Quyền phép.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, như vậy chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ, vạn vật, muôn loài, vì thế Ngài có toàn quyền trên thiên nhiên. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để chúng ta quả quyết điều trên: Chúa đi trên mặt biển nổi sóng và gió yên lặng ngay khi có lệnh của Ngài hoặc khi có sự hiện diện của Ngài. Hoàn cảnh của phép lạ: Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, dân chúng phấn khởi quá muốn suy tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa thì không đồng tình như vậy, nên Ngài bảo các môn đệ xuống thuyền ra khơi đi trước và đợi Ngài ở phía bên kia Biển Hồ, Ngài giải tán dân chúng rồi một mình lên núi cầu nguyện. Các môn đệ ra đi được khoảng vài cây số thì gặp sóng to gió lớn. Thánh Luca ghi lại: gió ngược thổi mạnh dữ dội, thánh Matthêu cho biết: lúc ấy vào khoảng canh tư, nghĩa là vào khoảng ba giờ sáng, như vậy lúc đó các môn đệ đã rất mệt mỏi sau mấy tiếng đồng hồ chèo chống. Giữa lúc ấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, hình như Ngài muốn đi ngang qua các ông. Vừa mệt mỏi, vừa đêm tối, các môn đệ thấy có bóng người đi trên mặt biển, tưởng là ma quái hiện hình, nên hoảng sợ, nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng Chúa: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.
Qua bài Tin Mừng này, chúng ta ghi nhận được ba bài học: Bài học thứ nhất, việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa. Đối với Chúa, việc này không có gì là khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, Ngài quyền phép vô cùng. Chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Ngài đi trên sóng nước không có gì là phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy được chứng kiến tận mắt và ghi nhận sự kiện tỏ tường Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng, truyền cho chúng yên lặng. Vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: Chúng ta phải tin Chúa Giêsu tuyệt đối và thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống theo những lời Chúa dạy, bởi vì như thánh Giacôbê nói: đức tin không có việc làm là đức tin chết.
Bài học thứ hai, đang khi các môn đệ gặp bão táp, sóng gió thì Chúa xuất hiện để cứu giúp họ. Trong khoảnh khắc mọi sự đều thay đổi vì có Chúa. Điều này cho chúng ta biết: Ở đâu có Chúa là có bình an. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có giông tố bão táp, có thử thách khó khăn, nhưng chúng ta đừng bao giờ thất vọng nghĩ rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, Chúa ở xa chúng ta hay không để ý gì đến chúng ta. Không, Chúa luôn ở với chúng ta, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Chúa luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Chúng ta có thể nói: trong những giờ phút khó khăn, nguy hiểm, khổ đau, chẳng những Chúa đi bên cạnh chúng ta, mà Chúa còn bồng bế chúng ta trên cánh tay toàn năng của Ngài.
Bài học thứ ba, thánh Phêrô thấy Chúa đi trên sóng nước ngon lành nên đã phản ứng khá mau lẹ, có thể nói quá vội vàng trước khi kịp suy nghĩ, là xin Chúa cho ông cũng đi trên sóng nước như Chúa. Chúa bằng lòng ngay, nhưng vì yếu lòng tin, lo sợ nên Phêrô đã bị chìm xuống. Ông lại vội vàng kêu xin Chúa và Chúa cũng cứu giúp ngay. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: một quyết định hay một hành động vội vàng thường dễ sai lầm và gặp khó khăn. Vì thế, cần suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định một điều gì hay làm một việc gì, cần phải xác định được nên làm hay không nên làm và làm lúc nào. Đó là hai vấn đề: chúng ta phải cầu nguyện nhiều trước khi làm, một khi đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn. Nếu chẳng may thất bại thì cố gắng làm lại, đừng chán nản thất vọng. Thánh Phêrô đã làm như thế: đã tin cậy Chúa, rồi càng yêu mến Chúa hơn trước và được Chúa tín nhiệm nhiều hơn.
38. Cam kết cho đến chết.
"Đấng Cứu Thế? -- Ai Cần Đấng Cứu Thế?" chính là tựa đề của một chương trong cuốn "Những Dụ Ngôn của Peanuts”. Chương bao gồm những mảnh hoạt họa mà trong đó Linus và Lucy đang theo dõi một em bé đang bò trên sàn nhà. "Mày nghĩ coi còn bao lâu nữa thì Sally mới biết đi?" Linus hỏi. "Lạy Chúa tôi!" Lucy nói, "vội vàng làm gì? Cứ để nó bò vòng vòng một thời gian nữa! Đừng thúc nó làm gì! Nó còn có nhiều ngày giờ mà." Lucy ngừng để suy tư trong giây lát. Rồi cô nói: "Một khi mà mày đứng dậy, và khởi đầu bước đi, thì mày đã phải cam kết cho đến chết!"
Hành động trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay khởi đầu liền ngay sau khi Chúa Giêsu đã nuôi 5 ngàn ăn no nê qua phép lạ hóa mấy chiếc bánh và mấy con cá ra nhiều. Giờ đây, Chúa Giêsu nói các môn đệ hãy xuống thuyền trước Ngài sang bên kia bờ hồ Galilê. Thế nhưng sóng gió nổi lên trong khi họ vượt hồ. Rồi họ thấy một hình bóng đang đi trên mặt nước. Đấy chính là Chúa Giêsu, đang tiến đến để giúp họ. Các môn đệ thì đang khiếp sợ. Mặc dầu họ mới được chứng kiến "Phép Lạ của Bánh và Cá" của Chúa Giêsu, đức tin chưa hoàn toàn cam kết và ngay cả trí óc nhỏ nhen hẹp hòi sẽ không thừa nhận trình trạng có thể rằng Chúa Giêsu có thể làm được việc này. Đi trên mặt nước? Họ nói: "Ma đấy!" và họ "hoảng hốt la lên." Ngay cả sau khi Chúa Giêsu trấn tĩnh sự sợ hãi của họ, thế mà đức tin của Phêrô vẫn còn quá nhỏ nhen. Chúa Giêsu ra lệnh cho ông đi trên mặt nước. "Ông Phêrô liền từ thuyền bước xuống đi trên mặt nước mà đến với Chúa Giêsu", Matthêu nói với chúng ta. Thế nhưng ngay khi ông cảm thấy sóng gió nổi lên, ông đã run sợ và cảm thấy mình bị chìm xuống. "Thầy ơi, xin hãy cứu con," ông la lên (Mt 14, 30). Ông bị chìm xuống bởi vì ông từ chối tin rằng Chúa Giêsu có quyền tạo dựng các kinh nghiệm ngoại thường này trong cuộc sống của ông. Chúa Giêsu muốn Phêrô thôi "bò quanh" với đức tin của ông. Chúa Giêsu muốn Phêrô đứng dậy trong đức tin, và tập đi. Chúa Giêsu muốn Phêrô hoàn toàn cam kết với Ngài, trong đức tin, cho đến chết!
Có nhiều lúc khi mà nỗ lực của bạn để làm việc đúng, làm tốt bất kể việc gì mà bạn được kêu gọi để thi hành, dù khó khăn và thất vọng như là đi trên mặt nước: cố là người cha hay người mẹ tốt; cố làm cho cha mẹ hiểu mình; cố không giữ lòng thù hằn; cố loại trừ đi những tập tục xấu; cố không uống miếng rượu đầu tiên đấy hay hút điếu thuốc đầu tiên đấy; cố tiếp tục kiêng cữ ăn uống cần thiết; cố chấm dứt sự cô đơn và buồn rầu sau khi mất đi người thân yêu. Đấy giống như cố đi trên mặt nước vậy. Bạn cảm thấy không có gì vững chắc dưới chân cả. Bạn có cảm giác khủng khiếp như bị hút vào hố sâu đen tối.
Phêrô đã cảm nghiệm cảm giác này trong khi ông đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Phêrô đã để chính ông bị chìm vào vực sâu bởi vì ông đã mất lòng tin. Khi mọi sự dường như hợp với ý hướng của ta, và khi gánh nhẹ nhàng, thì Hành Vi Đức Tin chính là lúc dễ dàng nhất. Thế nhưng khi sự thể bắt đầu đi ngược ý ta, khi gánh trở nên nặng nề, và chúng ta cảm thấy tinh thần sa sút, thì Hành Vi Đức Tin đi đến chỗ khó khăn nhất. Các môn đệ đã học biết thực thi những công tác dường như bất khả mà Thiên Chúa trao cho họ để thực hành, dưới ánh sáng Đức Tin. Họ phải học biết rằng họ không bao giờ cô đơn lẻ loi, không bao giờ bị ruồng bỏ, dù tình thế khủng khiếp cảm thấy đến đâu, dù cái chết vì chính Chúa Giêsu đã chết cho ta.
Có những người nói với ta rằng thật vô ý nghĩa khi nói về cái chết của Chúa Giêsu. Có phải sự sống của Ngài mới là quan trọng đấy sao? Nó chả có nghĩa lý gì bao lâu chúng ta nhận thức rằng chính trong sự chết, trong Cuộc Đóng Đinh, tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta được tỏ rõ nhất, mạnh liệt nhất, nồng nhiệt nhất, và trực tiếp nhất. Đấy chính là vì sao Thập Giá trở nên trung tâm cho Đức Tin Kitô Giáo từ ngay lúc khởi đầu. Đấy chính là tột đỉnh của mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm để mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.
Có một người đàn ông bị lôi cuốn bởi Phúc Âm Chúa Giêsu và ông đã đi Nhà Thờ trong vòng vài tháng nay. Khi ông được hỏi là tại sao ông chưa tiến bước nữa để chịu phép Rửa Tội, ông nói rằng toàn bộ kinh nghiệm đi Nhà Thờ cũng giống như lên tàu lửa và hỏi ông tài xế: "Bao nhiêu tiền?" Và ông tài xế trả lời: "Cuộc sống của ông." "Khi tôi nghe thấy điều đó, tôi cảm thấy run sợ và tôi đã trốn cho đến giờ." Chúa Giêsu kêu mời chúng ta lên xe và tiến vào sứ mệnh mục vụ của người Kitô hữu đã chịu phép Thánh Tẩy.
Trong đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu và Phêrô lên thuyền và gió bão liền ngừng. Chúa Giêsu làm lặng biển cả. Các môn đệ phủ phục trước Ngài, và tuyên xưng, "Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 33).
39. Hành trình đức tin – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Chuyện kể rằng: Một gia đình quý tộc nước Anh đưa con về nghỉ mát ở miền quê. Trong khi nô đùa, cậu con trai ngã xuống một suối nước sâu.
Nghe tiếng kêu thất thanh, một chú bé lem luốc, con bác nông dân, đã chạy đến tiếp cứu. Và số phận của cậu bé thượng lưu, không biết bơi kia tưởng như ngàn cân treo sợi tóc, giờ đã được cứu sống.
Nhà quý tộc vô cùng biết ơn chú bé nhà quê nghèo. Ông hỏi chú có mơ ước gì không. Chú trả lời: “Cháu muốn được đi học để trở thành bác sĩ cứu người”.
Sau này, cậu bé ngày xưa không biết bơi đã được cứu sống, nay trở thành vĩ nhân của thế giới, thủ tướng nước Anh, Winston Churchill. Và chú bé nhà quê, nhờ sự giúp đỡ của nhà quý tộc, cha của Churchill bây giờ đã là bác sĩ danh tiếng, và là ân nhân của cả nhân loại, người đã tìm ra thuốc Penicilin. Tên của ông Fleming.
Có ai ngờ, khi thủ tướng nước Anh lâm trọng bệnh, các bác sĩ nổi tiếng đều bó tay, thì chính Fleming, lại cứu sống ông một lần nữa.
Fleming đã cứu vớt sinh mạng của Churchill khỏi dòng nước oan nghiệt, để rồi sau này Churchill trở thành thủ tướng lừng danh, niềm hãnh diện và tự hào của cả nước Anh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã cứu thoát các môn đệ khỏi cơn cuồng phong của biển cả, đã kéo ông Phêrô lên khi ông đang chìm xuống dòng nước sâu.
Đức Giêsu đi trên mặt biển, kéo Phêrô lên khỏi mặt nước, và dẹp yên sóng gió không phải là để làm trò biểu diễn cho vui mắt, nhưng là để bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa trên biển cả, bão tố, tượng trưng cho thế lực của sự dữ. Đồng thời, để củng cố niềm tin của các môn đệ, nhất là Phêrô, để sau này Người sẽ trao cho ông làm thủ lãnh con thuyền Giáo Hội.
Thực vậy, con thuyền Giáo Hội ngay từ đầu, đã không giương cao cánh buồm đức tin mà lao thẳng về phía trước, nhưng cũng phải vật lộn với phong ba bão táp, “bị sóng đánh vì ngược gió”.
Các môn đệ, cột trụ của Giáo Hội cũng hốt hoảng, sợ hãi, phải có Đức Giêsu bên cạnh để trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.
Phêrô thủ lãnh số một của Giáo Hội, năng nổ, hăng hái, liều lĩnh xin “đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm. Ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với”.
Cho dù là đá tảng, Phêrô cũng đã bị Đức Giêsu mắng: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”.
Đó là hành trình Đức tin của Phêrô, của các môn đệ, và của mỗi người tín hữu chúng ta. Đức tin ban đầu nhỏ bé, kém cõi, nhưng nhờ lời khích lệ của Đức Giêsu “cứ đến”, mà chúng ta bước đi trên vực thẳm, sóng gió. Rồi hoài nghi làm chúng ta chao đảo, sợ hãi làm chúng ta hụt chân. Để cuối cùng, chính Đấng nắm lấy tay chúng ta kéo lên sẽ củng cố đức tin của chúng ta thêm vững mạnh.
Có một điều đáng làm mẫu mực cho những kẻ tin, là chính khi lòng tin bị chao đảo theo sóng gió, thì Phêrô đã cầu nguyện: “Thưa Ngài, xin cứu con với”.
Có một thước phim mà người xem chớ vội bỏ qua, là “Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay”. Chính Đức Giêsu và Phêrô đã cứu con thuyền trong cơn sóng gió.
Có một lời tuyên xưng mà người tín hữu Kitô không ngừng thốt lên trong các cơn giông tố của cuộc đời: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.
Người tín hữu như chiếc thuyền nan chông chênh giữa cơn lốc cuộc đời, khó khăn nối tiếp khó khăn. Muốn đưa đời mình về với trùng khơi hãy xác tín như thánh Phanxicô Salêsiô: “Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.
***
Lạy Chúa, sóng gió cuộc đời luôn làm chúng con chao đảo, vực thẳm lòng đời luôn làm chúng con sợ hãi.
Xin cứu lấy chúng con khi chúng con sắp chìm, xin nắm tay chúng con lúc chúng con hụt chân. Xin cùng lên thuyền với chúng con, vì thuyền đời chúng con có Chúa là có bình an. Amen.
40. Lạy Thầy, xin cứu con.
Khi thấy ai gặp nhiều gian nan khốn khó, người ta nói: “Đời anh sóng gió nhiều quá” hay nói: “anh phong trần quá” - phong là gió, trần là cát bụi. Thực ra, cuộc đời con người ở trần gian, không nhiều thì ít, ai cũng gặp sóng gió bão táp. Những cơn lốc của thiên tai gây sập nhà nát cửa như lụt lội, hạn hán, giông tố, động đất...
Những cơn lốc của hận thù, tham lam bất công, bóc lột đàn áp con người còn gây ra những tai họa như chiến tranh, khủng bố ma túy, cờ bạc, đàng điếm, sida...
Những cơn lốc của chính mình, của lười biếng, kiêu căng, mù quáng, bệnh tật, cố chấp gây ra cho mình bao nhiêu thảm họa. Đến nỗi Napôlêon đã thắng hàng vạn quân địch, nhưng lại bị thua chính mình: Ông đã thua tính kiêu căng và tính mê đắm giai nhân.
Lời Chúa hôm nay nêu rõ ba nguyên nhân đã làm cho con người phải điêu đứng.
Nguyên nhân thứ nhất là thiên nhiên như sóng gió, lụt lội, động đất, các môn đệ hầu hết là dân chài lưới, thế mà giữa biển khơi sóng gió đã làm các ông hoảng hồn đến nỗi thấy bóng Thầy đi trên mặt biển, các ông đã la hét sợ hãi tưởng thủy quái.
Nguyên nhân thứ hai là người khác: Người khác đây là dân tộc Do thái. Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được thấy vinh quang Chúa, được ban tặng Lời Chúa là chính Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người là Đức Giêsu Kitô cùng huyết thống nòi giống với họ, là anh em, là đồng bào của họ (Bài II) thế mà họ không đón Người, không đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Điều đó làm Phaolô vô cùng đau khổ, đau khổ đến nỗi Phaolô dù phải gian truân, khốn khổ, đói rách, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo không thể tách Phaolô ra khỏi tình yêu Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ Phaolô sẵn sàng chịu nguyền rủa, xa lìa Đức Kitô để cho anh em đồng bào ông trở về với Đức Kitô (Rm. 8, 35 và 9, 1-5).
Êlia cũng chịu đau khổ như thế vì đồng bào ông. Ông đã phải liều mạng đến kéo họ về với Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi gông cùm tà thần, dù một mình phải thách thức với cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Dù thắng cuộc và sư sãi thần Baal bị tiêu diệt, ông vẫn phải trốn thoát tay hung tàn của hoàng hậu lùng bắt (Bài I).
Nguyên nhân thứ ba là chính mình gây nên khốn khó cho mình. Phêrô được Chúa cho đi trên mặt biển đến với Ngài, khi đang được hưởng ơn lạ như thế;ông lại hoài nghi, đâm lo sợ, thế là ông bị biển cả nhận chìm ông. May mắn ông đã vội vã kêu lên: Lạy Thầy, xin cứu con.
“Lạy Thầy, xin cứu con”. Chính con nhiều lần cũng bị nhận chìm trong biển trần gian do nhiều hoàn cảnh éo le của cuộc đời và do chính con đã gây ra...
Lời cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin cứu con” phải là lời cầu nguyện liên tục của con hàng ngày, từng giây từng phút trong đời con. Xin cho con biết luôn luôn kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con” vì từng giây từng phút không có Thầy cứu giúp, không có ơn Thầy gìn giữ, không có ơn Thầy soi sáng, không có ơn Thầy cứu độ, chắc chắn con bị nhận chìm dưới đáy vực thẳm tội lỗi, dưới đáy địa ngục tử thần. “Lạy Thầy, xin cứu con”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam