Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 38
Tổng truy cập: 1376043
RA KHỎ ĐÓ ĐỨC GIÊSU LUI VỀ
Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về - Noel Quesson.
Chúng ta đã nhận thấy, vào cuối cuộc đời Người, Đức Giêsu "rút lui", "lánh mặt" ở vùng đất của dân ngoại. Đã hẳn có nhiều lý do được đưa ra. Dẫu sao, đây là một khúc quanh trong sứ vụ của Người. Từ khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu cảm nhận một cách xót xa sự hiểu lầm của dân chúng. Thật ra họ không biết sứ mạng thật của Người.
Từ nay, Người tránh họ, để chuyên tâm đào tạo nhóm nhỏ các môn đệ. Vả lại, như mỗi người trong chúng ta, Người không tránh khỏi sự mệt mỏi thể xác và tâm lý, và Người cảm thấy nhu cầu được yên tĩnh, nghỉ ngơi, cầu nguyện, xa khỏi các đám đông.
Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng...
Vậy để được yên tĩnh, Đức Giêsu phải vượt qua một biên giới. Và này Người đi dọc theo bờ biển tuyệt đẹp miền nam xứ Libăng với những vách đá màu vàng chạy xuôi ra Địa Trung Hải, và những vườn cây ăn trái xum xuê.
Vùng đất này, lẽ ra là một ốc đảo bình yên lại thường bị các cuộc chiến huynh đệ tương tàn làm xáo động. Tại đây, Đức Giêsu gặp tôn giáo ‘thờ thần’ của dân ngoại. Tia và Xiđon không còn nằm trong phần đất của Israel. Đó là hai thành phố cảng thương mại lớn, có cư dân hỗn hợp. Nhưng danh tiếng của Đức Giêsu đã vượt qua biên giới. Và đây là một phụ nữ mà Matthêu giới thiệu rõ ràng là "người đàn bà Canaan" để nhắc chúng ta nhớ lại những kẻ thù đầu tiên của Israel đã tiến vào Đất Thánh. Người đàn bà ấy đang kêu lên...
“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi? Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
Theo thói quen thường có, Matthêu cho lời cầu xin của người đàn bà một phong cách hoàn toàn "phụng vụ”: Lạy Ngài, xin rủ lòng thương tôi" dịch chính xác ra tiếng Hy-lạp là: "Kyrie éléisòn mé". Về chữ "Con vua Đavít" đây rõ ràng là một tước hiệu của Đấng Mêsia.
Vậy quả là một nghịch lý đáng kinh ngạc: Đức Giêsu vừa có một cuộc tranh luận, khi còn ở trên đất Israel, với các kinh sư và Pharisêu từ Giêrusalem đến (Mt 15,1-20); và chính trong vùng đất ngoại bang này, Người nhận được một lời cầu nguyện của đức tin do một người đàn bà. Đức Giêsu sẽ đón nhận lời cầu nguyện tốt đẹp, chân thành và cảm động ấy như thế nào, Người đã từng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7).
Nhưng Người không đáp lại một lời.
Lạy Chúa Giêsu, tại sao Người không đáp lại lời cầu xin của một người mẹ đáng thương trong cảnh khốn khố? Tuy nhiên đó là một lời cầu xin rất tinh tuyền: bà xin Ngài "cứu con gái bà khỏi bị quỷ ám”. Lạy Chúa tại sao Ngài dường như rất hay im lặng khi chúng con cầu xin sự giải thoát chúng con, và giải thoát những người mà chúng con yêu mến?
Tạm thời trong lúc chờ đợi lịch sử chấm dứt sẽ soi sáng thêm cho chúng ta, có lẽ chúng ta nhớ lại ràng Đức Giêsu thường rất dè dặt trong việc làm phép lạ. Người không muốn bị coi như một người chuyên làm các phép lạ.
Một cách bình thường, Thiên Chúa để cho các quy luật của vũ trụ diễn ra và Người không muốn làm ngược lại bất cứ lúc nào. Những lần chữa bệnh hay làm phép lạ nào đó mà Đức Giêsu đã thực hiện thì không nhiều và trước tiên luôn luôn là những "dấu chỉ". Nhưng mọi “dấu chỉ" đều mơ hồ và đều phải được giải thích. Nhiều người Pharisêu khinh thường những phép lạ của Đức Giêsu bằng cách cho rằng các phép lạ ấy thuộc quyền lực của ma quỷ (Mt 12,24)... còn với các đám đông, các phép lạ ấy thường chỉ ở trong bình diện của thầy trị bệnh và thầy pháp, điều này khiến Người phải chạy trốn (Mt 14,22) đến nỗi. Đức Giêsu thường cấm người ta nói ra những phép lạ Người làm (Mc 1,34-44; 7,36; 8,26; 9,9).
Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”.
Rõ ràng đây là một giải pháp dễ dãi. Nhưng như thế chẳng phải là làm ngưng mọi cuộc đối thoại đó sao? Người ta thoát khỏi sự phiền phức. Thế là xong. Rồi người ta được yên tĩnh.
Chúng ta cũng thế, như các Tông đồ, chẳng phải chúng ta cũng thường đi đến một thái độ cuối cùng như thế, và do đó cắt đứt mọi dự định trao đổi đó sao?
Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”.
Người bắt đầu không đáp một lời. Rồi giờ đây một sự từ khước dứt khoát. Lạy Chúa, tại sao vậy? Tại sao Chúa nói không với người đàn bà đang cầu xin Chúa? Tuy nhiên, chúng con biết rằng Chúa có trái tim nhân hậu và hay chạnh lòng thương xót. (Mt 9,36; 14,14; 15,32).
Nhưng rõ ràng, trước sự khắt khe này của Đức Giêsu chúng ta cảm thấy bị tổn thương.
Khi chúng ta biết được sự dịu dàng của Đức Giêsu đối với những người nghèo, chúng ta không thể nghĩ rằng những sự từ chối bề ngoài này không bao hàm một ý nghĩa. Chúng ta hãy thử vượt qua cảm tưởng ban đầu để khám phá ý nghĩa bao hàm trong công thức: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi". Bởi công thức này, Đức Giêsu nói lại với chúng ta tình yêu của Người theo thánh ý Chúa Cha: Người đã được Chúa Cha sai đến vì một nhiệm vụ chính xác và hạn chế. Mọi đời sống con người được đóng khung trong không gian và thời gian. Người ta không thể ở khắp nơi và làm mọi việc.
Đức Giêsu không tự mình quyết định sứ mạng của Người: Người đã được sai đi. Chính Chúa Cha đã giới hạn môi trường hoạt động trong phạm vi mà một con người có thể hoàn thành trong một cuộc đời ngắn ngủi. Chúng ta cũng thế, thay vì bám víu những mơ ước của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận thân phận con người có giới hạn, bị gắn chặt vào một nơi nào đó ngõ hầu làm tròn nhiệm vụ riêng của mình và chỉ có chúng ta mới có thể làm được. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ mơ mộng đến một đời sống khác... đời sống của những người khác?
Thật vậy Đức Giêsu, ngoại trừ những cuộc du hành ít ỏi (và rất có ý nghĩa), hiếm khi Người ra khỏi biên giới của xứ Palestine, Người dành phần chính của sứ vụ cho những người đồng hương Do Thái của Người. Những người khác, các môn đệ, sẽ đi khắp thế gian (Mt 28,19), nhưng chỉ sau khi Người đã dược trao toàn quyền trên trời tức là sau cái chết và sự sống lại của Người (Mt 28,18).
Trong lúc này, Đức Giêsu bằng lòng đảm nhận một cách khiêm tốn nhiệm vụ "nhỏ bé" giới hạn đã được trao cho Người, và Người định nghĩa sứ mạng của Người khi tóm tắt lời tiên tri tuyệt vời trong đó Thiên Chúa tự giới thiệu như một Mục Tử Nhân Từ, đích thân đến để quy tụ và chữa lành những con chiên lạc (Ed 34,1-31). Nhưng dù bà mẹ đáng thương có hiểu biết viễn cảnh lịch sử ấy… bà có bằng lòng không?
Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”
Ôi quả là một lời khẩn nài tuyệt diệu!
Thêm vào những lời đáp lại trước đó, câu này há chẳng phải là một lời đáp lại lý do tại sao của chúng ta đó sao?
Những thử thách của đức tin, những thử thách của việc cầu nguyện há chẳng phải là một sự thanh luyện đức tin và làm tăng giá trị của sức mạnh cho sự cầu nguyện chân thực. Giữa người đàn bà Canaan và Đức Giêsu có một quan hệ mầu nhiệm gây ngạc nhiên trong giây phút ấy: theo vẻ bề ngoài, đó là mối quan hệ bị phá vỡ, một lời từ chối, một sự bỏ rơi... nhưng bên trong những tấm lòng, chính những kh6 khăn của hoàn cảnh lịch sử làm nẩy mầm một quan hệ sâu xa nhiều hơn giữa hai người. Cũng như thế, trên núi; một đập nước dường như chận dòng nước lại… nhưng gây ra sự dâng lên cho đến lúc tạo ra những điều kỳ diệu.
Còn chúng ta? Chúng ta có biết giải thích những thử thách của chúng ta không? Thay vì để chúng ta bối rối bởi những khó khăn, chúng ta có biết "nâng cấp" mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không? Trước sự bền đỗ tuyệt diệu này của người đàn bà ngoại giáo, Thầy chúng ta sẽ đáp lại gì?
Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.
Quả là khắc nghiệt! Lạy Chúa, Chúa vừa hóa bánh ra nhiều. Thế mà Chúa từ khước mẩu bánh nhỏ mà người đàn bà nghèo khổ ấy cầu xin. Không thể như thế. Hãy đọc cho đến phần cuối của câu chuyện này…
Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống".
Không để cho mình chán nản, người đàn bà đã nắm lấy trái bóng và với sự hóm hỉnh, trả trái banh lại cho Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu thực ra đã chẳng muốn cứu giúp người đàn bà ấy hay sao? Ở Phương Đông gọi một người nào đó là con chó là một sự nguyền rủa nặng nề. Nhưng khi dùng chữ chó con Đức Giêsu muốn gợi ra tính chất của thú nuôi trong nhà, chúng hoàn toàn thuộc về những thành viên trong nhà như các con cái.
Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
Rõ ràng đây là chỗ mà câu chuyện phải đi đến. Một niềm hy vọng to lớn được mở ra xuyên qua Tin Mừng này nhờ đức tin của người đàn bà ngoại giáo ấy. Nếu Đức Giêsu khiêm nhường giới hạn mình nơi những con chiên lạc của nhà Israel thì ở đây, Người cho thấy rằng sứ điệp và ơn cứu độ của Người là dành cho tất cả mọi người. Và chúng ta phải để cho chính Tin Mừng tra vấn chúng ta. Tại sao tôi may mắn có được đức tin? Tại sao tôi là một người có đặc ân, được ăn "bánh của con cái Thiên Chúa"? Có phải tôi không quên, mà quên thì rất thường xảy ra, đám đông nhiều vô kể đang chờ những mảnh vụn từ bàn ăn của Thiên Chúa? Mọi sự tuyển chọn của Thiên Chúa cũng là một sứ mạng hoàn vũ…
Nếu Thiên Chúa chọn "một số người", chính là để sai họ đi đến với mọi người khác. Israel là dân tộc đầu tiên được chọn, phải là dân tộc đầu tiên tiếp nhận sự trung tín tuyệt vời của Thiên Chúa với những lời Người hứa, không quên mục đích sau cùng: Mọi người phải được cứu chuộc! “Toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế"... cho những người khác (Xh 19,5-6).
51. Chú giải của Lm. FX. Vũ Phan Long.
NGƯỜI PHỤ NỮ CANAAN
1.- Ngữ cảnh
Trong các bản văn trước, ta thấy, sau khi Đức Giêsu bị dân Nadarét loại trừ và Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, Đức Giêsu đã hoàn toàn tập trung vào việc giáo huấn các môn đệ; Người có chữa bệnh, nhưng không còn ngỏ lời với đám đông nữa. Tuy nhiên, các tranh luận với người Pharisêu vẫn còn, ngày càng gay gắt hơn. Đức Giêsu trách họ là đã thêm quá nhiều quy tắc vào Luật Môsê khiến cho Luật này trong thực tế không còn giá trị nữa; cùng lắm chỉ một số chuyên viên rất rành các truyền thống tiền nhân mới giữ được mà thôi. Đức Giêsu phản ứng bằng cách đưa Luật Môsê trở lại với sự đơn giản ban đầu, để toàn dân có thể tuân giữ.
Trong bản văn đi trước sát đoạn văn của chúng ta, Đức Giêsu còn đi xa hơn. Trong một dịp tranh luận với người Pharisêu về món ăn trong sạch và không trong sạch, dường như Người gợi ý là người ta có thể ăn mọi thức mà chính Luật Môsê cấm! Thế mà điều này đã từng là một trong những lý do gây chia rẽ Do Thái và Dân ngoại. Vậy Đức Giêsu dường như đang quay về với một thái độ mềm dẻo hơn đối với Dân ngoại. Chính trong khung cảnh này mà ta đọc được truyện "Người phụ nữ Canaan". Tác giả Mt trình bày cho thấy Đức Giêsu đã làm một phép lạ theo lời thỉnh cầu của một phụ nữ ngoại giáo. Đứng trước sự cứng lòng tin của dân Người và sự chống đối ngày càng gia tăng của giới lãnh đạo tôn giáo, phải chăng Đức Giêsu đã quyết định bỏ mạc Israel mà quay sang hẳn với người ngoại?
2.- Bố cục
Bản văn được bố trí thành những đoạn đối thoại với Đức Giêsu, như những bậc đi lên tới một cao điểm:
* Mở: Hoàn cảnh (15,21);
1) Đoạn một: Đức Giêsu và người phụ nữ: Đức Giêsu làm ngơ = từ chối (15,22-23a);
2) Đoạn hai: Đức Giêsu và các môn đệ: Đức Giêsu trả lời = từ chối (15,23b-24);
3) Đoạn ba: Đức Giêsu và người phụ nữ: Đức Giêsu trả lời = từ chối (15,25-26);
4) Đoạn bốn: Đức Giêsu và người phụ nữ: Đức Giêsu khen ngợi = đồng ý (15,27-28).
3.- Vài điểm chú giải
- Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn (21): Ghi chú về nơi chốn này có tính cách thần học. Tác giả Mt cho thấy Đức Giêsu tiếp xúc với Dân ngoại cư ngụ trong vùng này. Cụm từ "Tia và Xiđôn" thường được dùng để gọi vùng Dân ngoại cư ngụ ở về phía biên giới tây bắc Paléttina; nơi này cũng còn được gọi là Phênikia. Dân Phênikia tự gọi mình là "dân Canaan", và Cựu Ước cũng như Tân Ước đã lấy lại tên gọi đó.
- ở vùng ấy đi ra (22): Giải thích như BJ (1998) rằng "ân huệ cuối cùng được Đức Giêsu ban cho người phụ nữ ngoại giáo này rất có thể sẽ là trong đất Israel", hay như Bd CGKPV (2004): "Mátthêu hình như muốn ngụ ý rằng, sở dĩ người đàn bà ngoại giáo biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Con vua Đavít là vì bà đã đi ra khỏi miền dân ngoại và chỉ trong đất Israel bà mới được Chúa thi ân" dường như có phần ép nghĩa. Nhưng c. 21 lại cho hiểu rằng chính Đức Giêsu mới đi ra khỏi đất Israel để đi vào vùng Dân ngoại. Trong thực tế, các biên giới địa lý, chính trị và dân tộc giữa Galilê, Xyri và Phêniki cũng chẳng rõ ràng gì. Đàng khác động từ "đi ra" (exelthousa) và giới từ apo cũng rất có thể chỉ liên hệ đến xuất xứ ngoại giáo của bà ấy mà thôi. Vì thế, giáo sư Guillemette đề nghị dịch là "... thì này có một người đàn bà Canaan của vùng ấy...". Dịch như thế, thì hài hòa với câu trước (c. 21). TOB (1994) dịch là "này đây một người đàn bà Canaan đến từ đó...".
- Con vua Đavít (23): Vì danh tiếng Đức Giêsu đã lan tới các vùng này, người ta biết các tên của Người. Do đó, không chắc là khi gọi Người như thế, người phụ nữ đã tin Người là Đấng Mêsia. Rất có thể bà gọi Người như thế là chỉ bắt chước người Do Thái. Tuy nhiên, lời kêu của bà cũng vẫn là một lời trách gửi đến cho dân Do Thái vì họ đã không biết nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
- Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi (24): "Chỉ được sai đến" là một thái bị động thay tên Thiên Chúa (= Thiên Chúa chỉ sai Thầy đến với...). Đức Giêsu nhắc lại một bài sai rất phù hợp với các sấm ngôn nói rằng sẽ đến một ngày Yhwh đuổi các mục tử giả hiệu ra khỏi Israel và trao nhiệm vụ chăn dắt cho Đấng Mêsia (x. Ed 34,23). Nay Người loan báo rằng giờ đó đã đến. Người có vai trò tái lập Israel thành một đoàn chiên duy nhất, trung thành với Yhwh. Khi dân Israel đã được quy tụ lại rồi, khi họ đã lại đi theo vị mục tử chân thật của Thiên Chúa rồi, chỉ khi ấy các dân trên thế giới mới có thể được quy tụ lại quanh Thiên Chúa chân thật. Nhưng giai đoạn hai này của chương trình cứu độ không trực tiếp liên hệ đến sứ mạng của Người là Mêsia. Về chú giải, "những con chiên lạc nhà Israel" (ta probata... oikou Israêl) cũng có thể là một thuộc-cách giải nghĩa (epexegetical genitive), và có nghĩa là "những con chiên lạc là nhà Israel".
- Chó con (26): Từ Hy Lạp kynarion ("chó con") là dạng giảm nhẹ của từ kyôn ("chó"). Người Do Thái thường gọi Dân ngoại là "chó" (Híp-ri keleb). Phải chăng Đức Giêsu dùng từ ở dạng giảm nhẹ để giảm bớt tính khinh bỉ trong từ "chó"? Không chắc, bởi vì: 1) Trong Hy Lạp koinê (bình dân), không chắc là dạng giảm nhẹ ấy có giá trị là một sự giảm thiểu; 2) Ngôn ngữ A-ram không có dạng từ tương ứng với "chó con". Do đó, hẳn là Đức Giêsu đã dùng từ A-ram truyền thống là kalơbâ' (chó) để gọi Dân ngoại.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Phải chăng Đức Giêsu đã quyết định bỏ mạc Israel mà quay sang hẳn với người ngoại? Bản văn Mt đọc hôm nay trả lời với chúng ta rằng đấy không phải là ý định của Đức Giêsu. Quả thế, Đức Giêsu đã chỉ chấp nhận làm phép lạ sau khi đã từ chối lâu dài, y như thể Người đã chấp nhận cực chẳng đã. Chúng ta tìm hiểu bản văn.
Người phụ nữ đã thưa với Đức Giêsu: "Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi" (c. 22). Khi nói" Xin rủ lòng thương tôi", bà đã dùng ngôn ngữ Kinh Thánh lấy từ các Thánh vịnh (Tv 6,3; 9,14; 26,7; 30,10; 40,56; 85,.3; 122,3; v.v.). Đây là ngôn ngữ quen thuộc với Hội Thánh. "Ngài/Chúa, kyrie", là danh hiệu các môn đệ và những người cầu xin thường dùng để thưa với Đức Giêsu. Khi gọi Người là "Con vua Đavít", cho dù đức tin của bà chưa rõ ràng, bà cho thấy bà đang quay về với Đấng Mêsia của Israel, Đấng đã chữa lành nhiều người đau ốm trong dân. Như vậy, bà biết rằng Đức Giêsu được gửi đến với con cái Israel; độc giả thấy được đức tin của bà ở chỗ là, dù biết như thế, bà vẫn kêu cầu Người.
Các môn đệ tìm cách đuổi bà ấy đi. Các ông đóng một vài trò tiêu cực, giống như ở 14,15; 19,13. Các ông giải thích xấu tiếng kêu la của người phụ nữ; các ông không nghe ra được nỗi cùng quẫn của bà, mà chỉ thấy là bà đang đi theo nhóm và làm phiền bằng tiếng kêu la. Lời đáp của Đức Giêsu nằm trong ngữ cảnh này: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi" (c. 24); Người tuyên bố như vậy trước mặt các môn đệ và trong hoàn cảnh dân Do Thái khép lòng lại trong thái độ cứng tin. Điều này, chính Người đã một lần nói lên khi sai phái Nhóm Mười Hai (x. 10,6). Như thế Người hỗ trợ cho việc dứt khoát từ chối người phụ nữ và còn cho thấy điều này thuộc về lịch sử cứu độ. Nếu vậy, sau này khi Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ đi đến với muôn dân (28,18-20), điều này có nghĩa là có một sự thay đổi căn bản trong chương trình của Thiên Chúa. "Các con chiên lạc của nhà Israel" không phải chỉ là "các con chiên đen" tại Israel, nhưng có thể hiểu là toàn thể dân Thiên Chúa mà Đức Giêsu được gửi tới. Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy Người không dành cho người phụ nữ một chút quan tâm nào nữa. Thế nhưng bà vẫn quay về Đức Giêsu và bái lạy Người (x. 8,2; 9,18). Một lần nữa, bà gọi Người là "Ngài/Chúa, kyrie", và một lần nữa, bày nài xin Người với những lời lấy từ các Thánh vịnh (Tv 43,27; 69,6; 78,9; 108,28). Một lần nữa, Đức Giêsu từ chối bằng lời lẽ rất mạnh: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (c. 26). Người muốn nói rằng Tin Mừng chỉ được nhắm phân phát cho "con cái", tức là dân tộc Do Thái, những người thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Không chắc người phụ nữ hiểu được ý này, khi bà trả lời: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (c. 27). Có lẽ phải nói rằng bà tự gọi mình là "chó" không phải là một sự khiêm nhường, nhưng là để bẻ lại Đức Giêsu: Trong gia đình, nhưng con chó cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống. Dù bị từ chối nhiều lần, người phụ nữ vẫn không nản chí, bà vẫn tiếp tục cầu xin. Thế là Đức Giêsu chấp nhận lời bà thỉnh cầu.
Đức Giêsu mô tả sự tin tưởng vô điều kiện của người phụ nữ, được diễn tả bằng những lời xin được lặp lại liên tục, là "lòng/đức tin" (x. 8,10.13; 9,22.29). Đức tin có nghĩa là người ta không có bất cứ điều gì ngoại trừ sự tin tưởng đặt nơi Đức Giêsu. Câu truyện kết thúc giống như truyện viên sĩ quan ở Caphácnaum. Lời thỉnh cầu không ngơi nghỉ của bà đã được chấp nhận. Con gái bà được khỏi (c. 28).
Việc Đức Giêsu chấp nhận lời thỉnh cầu của bà trở thành một lời gián tiếp kết án sự công chính và sự an toàn mà dân Do Thái nghĩ là họ đang có, dựa trên truyền thống và tư cách thừa kế lời Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Abraham: họ không còn biết đón nhận ơn Thiên Chúa tuyển chọn trong đức tin nữa. Còn bà Canaan, bà đã đạt được điều bà muốn có, là bởi vì bà ở trước nhan Thiên Chúa trong tư thế chờ đợi khiêm tốn như những người được nói đến trong các Mối Phúc. Bà đã tỏ ra như là một người hành khất dưới chân Đức Giêsu, cứ không ngừng cầu xin, cứ hy vọng ngược lại mọi hy vọng, giống như Abraham, như bà góa trong dụ ngôn Lc (Lc 18,1-8), như những người biết dùng sức mạnh mà vào Nước Trời (Mt 11,12). Lời bà cầu xin chính là hình thái cụ thể và sống động của niềm tin bà. Đức Giêsu thấy "lòng tin của bà mạnh thật" (c. 28), bởi vì lòng tin của bà là trọn vẹn, nó cho thấy một con tim không chia sẻ đang chờ đợi được no lòng thỏa dạ từ sự hào phóng của Thiên Chúa, từ ý muốn của Chủ. Đồng thời, chính đức tin này càng cho thấy là sự mù quáng và định kiến của dân Do Thái đối với Đức Giêsu thật thê thảm, vì họ đã từ khước nhìn nhận Người là Đấng Mêsia, trong khi "con chó" ngoại giáo này đã biết nhận ra Người là "Con vua Đavít" (c. 22). Sự tin tưởng vô điều kiện đặt nơi Đức Chúa và Con vua Đavít cũng hàm chứa kinh nghiệm cụ thể về sự chữa lành.
+ Kết luận
Truyện người phụ nữ Canaan hàm chứa hai khẳng định bề ngoài mâu thuẫn nhau: sự tuyển chọn Israel làm dân riêng của Thiên Chúa và Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc thực hiện chương trình cứu độ. Ta vẫn có thể đọc truyện bà Canaan để ghi nhận sứ điệp cứu độ và hy vọng, nhưng cũng phải luôn đề phòng xu hướng duy tín hoặc cuồng tín. Nếu bà ấy cuối cùng đã được Đức Giêsu lắng nghe, tác giả vẫn không có ý nói rằng bất cứ ai có đức tin y như đức tin của bà thì luôn luôn đạt được thành công như thế. Các mầu nhiệm của Thiên Chúa không phải bao giờ cũng trở nên minh bạch khi con người thỉnh cầu Ngài.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Bản văn hôm nay cho hiểu rằng tư cách của chúng ta là người đã được rửa tội không phải là một quyền để chúng ta có thể phê phán hoặc khinh bỉ người khác. Tư cách này thật ra là một ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta. Riêng Ngài, Thiên Chúa không hề bị ràng buộc vào bất cứ cấu trúc tôn giáo nào hay bất cứ tư cách nào của con người cả. Ngài vẫn đang thấy có "lòng tin mạnh thật" nơi những người mà chúng ta coi thường. Ngài vẫn có thể làm dấy lên một dân mới cho Ngài.
2. Bà Canaan này đã vượt qua được mọi trở ngại, bằng sự kiên trì, bằng khả năng thuyết phục riêng của phái nữ: nhẹ nhàng, bình thản, nhưng cương quyết. Bà đã vượt qua được các trở ngại bằng trí thông minh đầy khiêm tốn, chứ không phải bằng sự ngạo mạn khiêu khích, hoặc bằng thái độ quỵ lụy, hạ mình, cầu cạnh. Để làm được như thế, trước tiên bà phải rất thương yêu đứa con của bà. Bà thương yêu đứa con nhỏ yếu đuối, không có thể tự làm gì để cứu mình. Bà trở thành đại diện cho nó; bà cũng trở thành đại diện cho những người không thể tự mình diễn tả ra vấn đề của họ. Bà là phát ngôn viên của những người cô thế cô thân, những người yếu đuối. Bà hiểu vụ việc của bà, bà xác tín bà có lý, bà chắc chắn là bà có quyền xin được cứu giúp. Không phải bà chỉ muốn bày tỏ nguyện vọng của mình, còn đáp ứng thế nào thì tùy Đức Giêsu; bà đã có cách xin khiến Đức Giêsu không thể từ chối được.
3. Không biết là bà có linh cảm được rằng Đức Giêsu thế nào cũng chấp nhận lời bà thỉnh cầu chăng. Không biết là bà có đã nghe biết nhiều về Đức Giêsu chưa. Không biết là bà có hiểu biết phần nào nhân cách của Người chăng. Nhưng cách bà xin cho thấy là bà biết là bà có thể cậy dựa vào Đức Giêsu. Dù sao người phụ nữ cũng có linh cảm sắc bén hơn về con người, có cảm thức rất chính xác về từng con người họ gặp gỡ. Chắc chắn bà này đã được hỗ trợ bằng sự linh cảm rất nữ tính này. Khi biết rằng bà xin không phải cho bà, khi biết rằng con người mà bà đến gặp để thỉnh cầu là con người có lòng nhân ái, thì bà chẳng có gì để sợ mất. Bà đã xin, xin mãi. Ta có thể nhớ đến dụ ngôn Đức Giêsu kể về bà góa nhất định xin ông quan toà bất nhân cứu xét cho vụ việc của mình ở chương 18 của Tin Mừng Luca. Dường như sự kiên trì là một đức tính chủ yếu của phái nữ.
4. Dường như tôi dễ buông xuôi trước một khó khăn dù bé nhỏ. Dường như tôi không có xác tín mãnh liệt về ơn gọi của tôi để sống cho đến mức độ cuối cùng. Dường như tôi không có cảm thức rằng số phận của người khác liên hệ đến cách tôi sống ơn gọi của tôi. Quả thật, tôi lùi bước tức khắc khi vừa bị từ chối. Có mấy khi tôi kiên trì cầu xin Chúa cho một người đã cậy nhờ tôi cầu nguyện cho đâu. Dường như tôi chẳng dám lên tiếng cho những người cô thế cô thân, vì tôi sợ liên lụy đến tôi, tôi sợ mất quyền lợi, mất chỗ đứng, mất sự tín nhiệm... Có khi chỉ nguyên nghĩ rằng tôi chẳng đạt được kết quả gì đâu, là tôi đã cảm thấy tê liệt, chân tôi không sao nhúc nhích được nữa rồi. Người phụ nữ Canaan này, một người ngoại, cho tôi thấy rằng kiên trì là một nhân đức, bởi vì nó lay chuyển được lòng của Thiên Chúa! Bà ý thức rằng bày tỏ nguyện vọng tốt lành, nhất là để trợ giúp kẻ khác, thì không phải là chuyện xấu để phải cả nể, để phải giữ kẽ, để phải nổi tự ái lên.
5. Hội Thánh sống giữa Dân ngoại có nhiệm vụ công bố sứ điệp của Đức Giêsu cho họ: Đức Giêsu không giam hãm Thiên Chúa bên trong biên cương của Israel, nhưng đã để chính mình được đánh động bởi lòng tin của người phụ nữ ngoại giáo. Đối với cộng đoàn đã tách khỏi Israel, giai thoại này cho thấy các tín hữu có thể tìm được một cuộc sống mới và một vùng dấn thân mới giữa các Dân ngoại.
52. Đức tin cần được tôi luyện qua thử thách
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Lời tiên báo về tiên tri Giêrêmia thời Cựu Ước: “Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”(Gr 1,5) và niềm hy vọng mà muôn dân đặt nơi danh Người (x. Mt 12, 21) hôm nay đã được ứng nghiệm qua sự hiện diện của Đức Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến ý định cứu độ phổ quát của Đức Giêsu, tức là ơn cứu độ của Ngài không chỉ dành riêng cho dân Israel, mà là cho cả dân ngoại qua hình ảnh người đàn bà góa thành Canaan. Mặt khác, qua sự xuất hiện của bà và niềm tin mà bà đặt nơi Đức Giêsu, Ngài đã khen ngợi đức tin của bà, đồng thời mời gọi chúng ta noi gương bà, vượt qua mọi thử thách để tiến bước trên hành trình theo Chúa.
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về ơn cứu độ phổ quát và đức tin qua hình ảnh người phụ nữ thành Canaan.
1. Ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu và niềm niềm tin nơi người đàn bà dân ngoại
Khi nói về sứ mạng truyền giáo, chúng ta sẽ khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi về trời: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19); và khi đề cập đến tính phổ quát của ơn cứu độ, chúng ta thấy Đức Giêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Rồi trong hành trình loan báo Tin Mừng của chính Đức Giêsu, Ngài đã nhiều lần đích thân đến với dân ngoại như: câu chuyện người đàn bà Samaria bên bờ giếng Giacóp; hay như hôm nay, Ngài tiếp xúc với người đàn bà thành Canaan.
Như vậy, chúng ta hiểu: Thiên Chúa không muốn dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc, một thế hệ, hay một thành phần nào, mà là dành cho hết mọi người. Vì thế, ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi không phân biệt màu da, ngôn ngữ, hay chức vị…
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu rời khỏi nơi mà các Pharisêu và mấy kinh sư chất vấn Ngài về việc các môn đệ không giữ truyền thống của tiền nhân khi ăn uống. Nhưng họ đã bị Đức Giêsu khiểm trách vì sự giả hình của họ. Sau đó, Ngài và các môn đệ đi sang thành Tia và Xiđôn.
Tưởng cũng nên nhắc lại, theo truyền thống thì đây là vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới bắc - đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn gọi là xứ Phênixia.
Vì thế, dân ở vùng này bị coi là dân ngoại. Vào thời điểm đó, dân ngoại bị coi là một lớp người bị Thiên Chúa nguyền rủa và không được cứu độ. Họ bị khinh miệt đến nỗi, trong lối suy nghĩ của người Dothái, họ là “lũ chó”. Đây là ngôn ngữ mang tính miệt thị.
Tại sao vậy? Thưa, vì từ xa xưa, người ta vẫn hiểu dân Dothái là dân riêng, được Thiên Chúa ưu tuyển. Các vùng phụ cận khác không thuộc về lãnh thổ Dothái thì đều bị khinh miệt, coi thường và nguyền rủa.
Khi Đức Giêsu dùng từ “chó con” để ám chỉ về người đàn bà, Ngài không có ý miệt thị, nhưng mục đích của Ngài là xem lòng tin của bà như thế nào! Ngài đã thử thách bà tận căn khi nói: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (Mt 15, 26). Đây là thử thách mang tính quyết định về lòng khiêm nhường.
Nhưng người đàn bà đã không xấu hổ và tủi nhục, ngược lại, bà đã can đảm, mạnh dạn để tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu. Vì thế, bà đã thưa: "Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (Mt 15, 27)
Dù là bị khước từ, miệt thị , nhưng với tình yêu và lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, bà đã hoàn toàn khiêm tốn chấp nhận tất cả, kể cả sự ưu tiên cho dân Do Thái và sự miệt thị của dân Do Thái. Chính vì vậy, bà đã được Đức Giêsu khen ngợi và ra tay cứu giúp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật" và hẳn nhiên là Chúa phán "Bà muốn sao thì sẽ được vậy" (x. Mt 15, 28).
Qua biến cố này, chúng ta thấy: trật tự cứu rỗi được tôn trọng, nhưng khi Đức Giêsu đến, Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới từ những kẻ có lòng tin như vậy. Vì ơn cứu rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái đất.
2. Khám phá sứ điệp Lời Chúa
Sứ Điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học về sự kiên trì khi gặp thử thách, đồng thời trung thành trong đức tin thì sẽ được Thiên Chúa ân thưởng.
Thật vậy, trong cuộc sống, rất nhiều khi ta bị thất bại. Sự thất bại này có thể đến từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta, khiến công việc trở nên thất bại. Nhưng nhiều khi lại đến từ chính Thiên Chúa. Tức là Thiên Chúa để cho chúng ta thất bại và rơi vào tình trạng cùng khốn. Đôi khi những thử thách đó lên đến mức khủng khiếp. Câu chuyện của ông Gióp, tiên tri Hôsê hay của người đàn bà Canaan là một thí dụ.
Tuy nhiên, như người đàn bà trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, dù bị thử thách, bà vẫn nhận ra tình thương của Thiên Chúa với mình, mặc dù bà không xứng.
Thật vậy, Thiên Chúa như người cha, Ngài không bao giờ nỡ để con cái của mình phải đi vào ngõ cụt. Nhưng Ngài muốn chúng ta được sống và sống dồi dào. Tuy nhiên, để được hưởng trọn niềm sung mãn, hạnh phúc... thì đôi khi cần phải có thử thách từ phía người ban ơn và sự cảm nghiệm của người lãnh nhận. Có thế thì món quà của người trao ban mới trở nên cao trọng và người nhận mới trân quý.
Trong đời sống đức tin cũng vậy. Nếu không có thử thách, thì đức tin ấy vẫn chỉ là đức tin trong “giấy khai sinh”, nơi “sổ rửa tội” mà thôi. Như thế, thử hỏi, chúng ta đang sống trong một xã hội với những tiến bộ vượt trội và rất nhiều cạm bẫy, thì liệu đức tin non nớt kia có đủ vững để đối diện với những thực tại của cuộc sống không? Thưa, hẳn là không.
Vì thế, trong đời sống siêu nhiên, đôi khi Chúa phải thử thách để đức tin của chúng ta được lớn lên ngay trong thử thách, hầu chúng ta mới can đảm, trung thành với niềm tin của mình ngay trong một thế giới đang tìm mọi cách lôi kéo chúng ta xa dần Thiên Chúa và niềm hy vọng của chúng ta đặt để nơi Ngài.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sống sứ điệp Lời Chúa là chúng ta sống định luật: vĩnh biệt, chia ly:
Vĩnh biệt – chia ly sự nghi ngờ, kiêu ngạo, tự phụ để kết duyên với lòng mến, cậy trông, trung thành, kiên trì, tín thác nơi Chúa.
Vĩnh biệt – chia ly sự hiếu tri thuần lý, tức là chỉ dùng lý trí để suy luận những chân lý đức tin, thay cho lòng khiêm tốn trong tâm tình của người biết lắng nghe và mau mắn thi hành.
Vĩnh biệt – chia ly sự tự tin quá dáng vào bản thân, đến nỗi ân sủng của Thiên Chúa đến với ta không thể thẩm thấu vào trong tâm hồn được vì chúng ta đã dùng cái “tôi” ích kỷ đậy lại.
Vĩnh biệt – chia ly lối sống đạo hình thức bên ngoài, vụ luật, cứng ngắc để thay vào đó là sống đạo của niềm tin, yêu thương và cảm thông.
Vĩnh biệt – chia ly cung cách coi thường, miệt thị những người kém may mắn, không cùng niềm tin, để thay vào đó là lời cám ơn Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương chúng ta vô bờ, đến lượt mình cũng phải sống sự yêu thương như Chúa.
Vĩnh biệt – chia ly thái độ “đèn nhà ai nấy rạng”, chỉ biết sống cho riêng mình, để thay vào đó là tinh thần liên đới và khao khát cho mọi người cũng được hạnh phúc như mình.
Cuối cùng, vĩnh biệt – chia ly sự hờ hững, nông nổi, thiếu sự kiên trì, và thất trung, thành một con người kiên tâm, vượt lên trên những thử thách để đạt được mục đích cuối cùng là Nước Trời.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vì: trong mọi gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ, khích lệ mặc dầu chúng ta không trông thấy. Đồng thời, khi đã được Thiên Chúa yêu thương, hẳn chúng ta cũng phải yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương mình.
Mong sao, trong mọi cảnh huống của cuộc đời, chúng ta luôn hướng về Chúa như người mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nếu thử thách có đến thì cũng như là người mẹ hiền đang tập cho con bước đi để vững bước tiến vào đời trong tương lai.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con có thể kiên trung trong mọi thử thách. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam