Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1373861

RA KHỎI ĐÓ, ĐỨC GIÊSU LUI VỀ

RA KHỎI ĐÓ, ĐỨC GIÊSU LUI VỀ(*) Chú giải của Noel Quession

Chúng ta đã nhận thấy, vào cuối cuộc đời Người, Đức Giêsu “rút lui”, “lánh mặt” ở vùng đất của dân ngoại. Đã hẳn có nhiều lý do được đưa ra. Dẫu sao, đây là một khúc quanh trong sứ vụ của Người. Từ khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu cảm nhận một cách xót xa sự hiểu lầm của dân chúng. Thật ra họ không biết sứ mạng thật của Người.

Từ nay, Người tránh họ, để chuyên tâm đào tạo nhóm nhỏ các môn đệ. Vả lại, như mỗi người trong chúng ta, Người không tránh khỏi sự mệt mỏi thể xác và tâm lý, và Người cảm thấy nhu cầu được yên tĩnh, nghỉ ngơi, cầu nguyện, xa khỏi các đám đông.

Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng…

Vậy để được yên tĩnh, Đức Giêsu phải vượt qua một biên giới. Và này Người đi dọc theo bờ biển tuyệt đẹp miền nam xứ Libăng với những vách đá màu vàng chạy xuôi ra Địa Trung Hải, và những vườn cây ăn trái xum xuê.

Vùng đất này, lẽ ra là một ốc đảo bình yên lại thường bị các cuộc chiến huynh đệ tương tàn làm xáo động. Tại đây, Đức Giêsu gặp tôn giáo ‘thờ thần’ của dân ngoại. Tia và Xiđon không còn nằm trong phần đất của Israel. Đó là hai thành phố cảng thương mại lớn, có cư dân hỗn hợp. Nhưng danh tiếng của Đức Giêsu đã vượt qua biên giới. Và đây là một phụ nữ mà Matthêu giới thiệu rõ ràng là “người đàn bà Canaan” để nhắc chúng ta nhớ lại những kẻ thù đầu tiên của Israel đã tiến vào Đất Thánh. Người đàn bà ấy đang kêu lên…

“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi? Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Theo thói quen thường có, Matthêu cho lời cầu xin của người đàn bà một phong cách hoàn toàn “phụng vụ”: Lạy Ngài, xin rủ lòng thương tôi” dịch chính xác ra tiếng Hy-lạp là: “Kyrie éléisòn mé”. Về chữ “Con vua Đa-vít” đây rõ ràng là một tước hiệu của Đấng Mêsia.

Vậy quả là một nghịch lý đáng kinh ngạc: Đức Giêsu vừa có một cuộc tranh luận, khi còn ở trên đất Israel, với các kinh sư và Pharisêu từ Giêrusalem đến (Mt 15,1-20); và chính trong vùng đất ngoại bang này, Người nhận được một lời cầu nguyện của đức tin do một người đàn bà. Đức Giêsu sẽ đón nhận lời cầu nguyện tốt đẹp, chân thành và cảm động ấy như thế nào, Người đã từng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).

Nhưng Người không đáp lại một lời.

Lạy Chúa Giêsu, tại sao Người không đáp lại lời cầu xin của một người mẹ đáng thương trong cảnh khốn khố? Tuy nhiên đó là một lời cầu xin rất tinh tuyền: bà xin Ngài “cứu con gái bà khỏi bị quỷ ám”. Lạy Chúa tại sao Ngài dường như rất hay im lặng khi chúng con cầu xin sự giải thoát chúng con, và giải thoát những người mà chúng con yêu mến?

Tạm thời trong lúc chờ đợi lịch sử chấm dứt sẽ soi sáng thêm cho chúng ta, có lẽ chúng ta nhớ lại ràng Đức Giêsu thường rất dè dặt trong việc làm phép lạ. Người không muốn bị coi như một người chuyên làm các phép lạ.

Một cách bình thường, Thiên Chúa để cho các quy luật của vũ trụ diễn ra và Người không muốn làm ngược lại bất cứ lúc nào. Những lần chữa bệnh hay làm phép lạ nào đó mà Đức Giêsu đã thực hiện thì không nhiều và trước tiên luôn luôn là những “dấu chỉ”. Nhưng mọi “dấu chỉ” đều mơ hồ và đều phải được giải thích. Nhiều người Pharisêu khinh thường những phép lạ của Đức Giêsu bằng cách cho rằng các phép lạ ấy thuộc quyền lực của ma quỷ (Mt 12,24)… còn với các đám đông, các phép lạ ấy thường chỉ ở trong bình diện của thầy trị bệnh và thầy pháp, điều này khiến Người phải chạy trốn (Mt 14,22) đến nỗi. Đức Giêsu thường cấm người ta nói ra những phép lạ Người làm (Mc 1,34-44; 7,36; 8,26; 9,9).

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”.

Rõ ràng đây là một giải pháp dễ dãi. Nhưng như thế chẳng phải là làm ngưng mọi cuộc đối thoại đó sao? Người ta thoát khỏi sự phiền phức. Thế là xong. Rồi người ta được yên tĩnh.

Chúng ta cũng thế, như các Tông đồ, chẳng phải chúng ta cũng thường đi đến một thái độ cuối cùng như thế, và do đó cắt đứt mọi dự định trao đổi đó sao?

Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”.

Người bắt đầu không đáp một lời. Rồi giờ đây một sự từ khước dứt khoát. Lạy Chúa, tại sao vậy? Tại sao Chúa nói không với người đàn bà đang cầu xin Chúa? Tuy nhiên, chúng con biết rằng Chúa có trái tim nhân hậu và hay chạnh lòng thương xót. (Mt 9,36; 14,14; 15,32).

Nhưng rõ ràng, trước sự khắt khe này của Đức Giêsu chúng ta cảm thấy bị tổn thương.

Khi chúng ta biết được sự dịu dàng của Đức Giêsu đối với những người nghèo, chúng ta không thể nghĩ rằng những sự từ chối bề ngoài này không bao hàm một ý nghĩa. Chúng ta hãy thử vượt qua cảm tưởng ban đầu để khám phá ý nghĩa bao hàm trong công thức: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Bởi công thức này, Đức Giêsu nói lại với chúng ta tình yêu của Người theo thánh ý Chúa Cha: Người đã được Chúa Cha sai đến vì một nhiệm vụ chính xác và hạn chế. Mọi đời sống con người được đóng khung trong không gian và thời gian. Người ta không thể ở khắp nơi và làm mọi việc.

Đức Giêsu không tự mình quyết định sứ mạng của Người: Người đã được sai đi. Chính Chúa Cha đã giới hạn môi trường hoạt động trong phạm vi mà một con người có thể hoàn thành trong một cuộc đời ngắn ngủi. Chúng ta cũng thế, thay vì bám víu những mơ ước của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận thân phận con người có giới hạn, bị gắn chặt vào một nơi nào đó ngõ hầu làm tròn nhiệm vụ riêng của mình và chỉ có chúng ta mới có thể làm được. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ mơ mộng đến một đời sống khác… đời sống của những người khác?

Thật vậy Đức Giêsu, ngoại trừ những cuộc du hành ít ỏi (và rất có ý nghĩa), hiếm khi Người ra khỏi biên giới của xứ Palestine, Người dành phần chính của sứ vụ cho những người đồng hương Do Thái của Người. Những người khác, các môn đệ, sẽ đi khắp thế gian (Mt 28,19), nhưng chỉ sau khi Người đã dược trao toàn quyền trên trời tức là sau cái chết và sự sống lại của Người (Mt 28,18).

Trong lúc này, Đức Giêsu bằng lòng đảm nhận một cách khiêm tốn nhiệm vụ “nhỏ bé” giới hạn đã được trao cho Người, và Người định nghĩa sứ mạng của Người khi tóm tắt lời tiên tri tuyệt vời trong đó Thiên Chúa tự giới thiệu như một Mục Tử Nhân Từ, đích thân đến để quy tụ và chữa lành những con chiên lạc (Ed 34,1-31). Nhưng dù bà mẹ đáng thương có hiểu biết viễn cảnh lịch sử ấy… bà có bằng lòng không?

Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Ôi quả là một lời khẩn nài tuyệt diệu!

Thêm vào những lời đáp lại trước đó, câu này há chẳng phải là một lời đáp lại lý do tại sao của chúng ta đó sao?

Những thử thách của đức tin, những thử thách của việc cầu nguyện há chẳng phải là một sự thanh luyện đức tin và làm tăng giá trị của sức mạnh cho sự cầu nguyện chân thực. Giữa người đàn bà Canaan và Đức Giêsu có một quan hệ mầu nhiệm gây ngạc nhiên trong giây phút ấy: theo vẻ bề ngoài, đó là mối quan hệ bị phá vỡ, một lời từ chối, một sự bỏ rơi… nhưng bên trong những tấm lòng, chính những kh6 khăn của hoàn cảnh lịch sử làm nẩy mầm một quan hệ sâu xa nhiều hơn giữa hai người. Cũng như thế, trên núi; một đập nước dường như chận dòng nước lại… nhưng gây ra sự dâng lên cho đến lúc tạo ra những điều kỳ diệu.

Còn chúng ta? Chúng ta có biết giải thích những thử thách của chúng ta không? Thay vì để chúng ta bối rối bởi những khó khăn, chúng ta có biết “nâng cấp” mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không? Trước sự bền đỗ tuyệt diệu này của người đàn bà ngoại giáo, Thầy chúng ta sẽ đáp lại gì?

Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.

Quả là khắc nghiệt! Lạy Chúa, Chúa vừa hóa bánh ra nhiều. Thế mà Chúa từ khước mẩu bánh nhỏ mà người đàn bà nghèo khổ ấy cầu xin. Không thể như thế. Hãy đọc cho đến phần cuối của câu chuyện này…

Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.

Không để cho mình chán nản, người đàn bà đã nắm lấy trái bóng và với sự hóm hỉnh, trả trái banh lại cho Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu thực ra đã chẳng muốn cứu giúp người đàn bà ấy hay sao? Ở Phương Đông gọi một người nào đó là con chó là một sự nguyền rủa nặng nề. Nhưng khi dùng chữ chó con Đức Giêsu muốn gợi ra tính chất của thú nuôi trong nhà, chúng hoàn toàn thuộc về những thành viên trong nhà như các con cái.

Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Rõ ràng đây là chỗ mà câu chuyện phải đi đến. Một niềm hy vọng to lớn được mở ra xuyên qua Tin Mừng này nhờ đức tin của người đàn bà ngoại giáo ấy. Nếu Đức Giêsu khiêm nhường giới hạn mình nơi những con chiên lạc của nhà Israel thì ở đây, Người cho thấy rằng sứ điệp và ơn cứu độ của Người là dành cho tất cả mọi người. Và chúng ta phải để cho chính Tin Mừng tra vấn chúng ta. Tại sao tôi may mắn có được đức tin? Tại sao tôi là một người có đặc ân, được ăn “bánh của con cái Thiên Chúa”? Có phải tôi không quên, mà quên thì rất thường xảy ra, đám đông nhiều vô kể đang chờ những mảnh vụn từ bàn ăn của Thiên Chúa? Mọi sự tuyển chọn của Thiên Chúa cũng là một sứ mạng hoàn vũ…

Nếu Thiên Chúa chọn “một số người”, chính là để sai họ đi đến với mọi người khác. Israel là dân tộc đầu tiên được chọn, phải là dân tộc đầu tiên tiếp nhận sự trung tín tuyệt vời của Thiên Chúa với những lời Người hứa, không quên mục đích sau cùng: Mọi người phải được cứu chuộc! “Toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế”… cho những người khác (Xh 19,5-6).

(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- A

ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

*1) Một cử chỉ tượng trưng xảy ra ở ngoài biên giới…

Đám đông dân chúng theo Chúa trong hoang địa Đức Giêsu đã nhân 5 ổ bánh và 2 con cá lên nhiều đến dư dật (Chúa nhật thứ l8). Rồi Người bắt buộc các môn đệ lên thuyền và chèo sang bờ bên kia trước. Trong khi đó Người rút lui lên núi cầu nguyện một mình. Rồi sau đó Người đã đến nhập bọn với họ, bằng cách đi trên mặt biển, lúc thuyền của họ đang bị sóng gió dập vùi (Chúa nhận 19). Giờ đây, các biệt phái và ký lục đến từ Giêrusalem chất vấn Người về chuyện các môn đệ Chúa không giữ luật thanh sạch, pbá tục lệ của tổ tiên. Đức Giêsu đặt lại các lề thói của tổ tiên vào đúng chỗ, nghĩa là các tục lệ đó phải phục vụ các giới răn của Thiên Chúa. Đức Giêsu quả quyết rằng sự thanh sạch của một người không lệ thuộc vào những thực hành, cho dù nó hợp pháp và theo truyền thống đến đâu chăng nữa, nhưng chỉ lệ thuộc vào hành động, phản ảnh nội tâm sâu xa nhất của người đó, phản ánh con tin của họ. Điều đó dẫn đến việc gặp gỡ người đàn bà Canaan ngoài giáo.

Sau cuộc tranh luận về chuyện “sạch” và “dơ”, Đức Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, ngày nay thuộc miền nam Liban, đó là miền giáp ranh với đất của dân ngoại. Một phụ nữ từ miền đó tiến đến gặp Chúa. Một phụ nữ mà tác giả Matthêu đã cố ý gọi là người đàn bà Canaan, để chỉ rõ ý nghĩa cái hố sâu không thể vượt qua giữa họ và thế giới Do Thái. Địa danh cổ kính này dùng để chỉ miền đất mà dân Hipri đã đánh chiếm làm lãnh thổ của mình. Người phụ nữ ấy thuộc về “kẻ ngoại” những kẻ “dơ”, những dân mà dân Do Thái coi khinh như những “con chó”. Còn tệ hơn nữa, bà thuộc một dân tộc mà người Do thái chính thống tránh xa hơn các dân khác, mà từ thời cha ông họ đã thề nguyền giữ mối thù truyền kiếp. “Lạy Chúa, xin thương xót tôi” bà ấy van xin, trong khi kêu Đức Giêsu bằng danh hiệu “con vua Đavit”. Trước hết Đức Giêsu làm thinh. Nhưng rồi bị các môn đệ nài ép đuổi người đàn bà vẫn đeo đẳng kêu van ấy Người nhắc đến sứ mạng của Người là chỉ được sai đến với những “chiên lạc của nhà Israel” mà thôi. J. Radmakers giải thích: “Câu đáp của Đức Giêsu am hạp hoàn toàn với bài diễn từ khai mạc sứ mạng của Người (câu 10,6). Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải đi theo con đường lịch sử và địa lý trước, sau đó mới tới toàn thể các dân nước và lan rộng ra tới tận cùng thế giới” (“Au fil de Evangile selon St Matthieu”, trang 211).

“Lạy Ngài, xin hãy đền cứu giúp” người phụ nữ một lần nữa sấp mình trước mặt Chúa và kêu cầu theo lời kinh phụng vụ. Đức Giêsu bấy giờ nói trắng ra rằng: Người không thể lấy bánh của con cái – là của dân Do Thái, dân của Lời hứa – để ném cho con chó nhỏ. Tuy câu nói “chó nhỏ” thì đã nhẹ bớt ý khinh dể, nhưng câu nói vẫn còn mang vẻ sỗ sàng. Người phụ nữ không phật lòng trước câu nói đó, bà còn dùng chính lời đó để đáp lại Chúa một cách tinh tế. “Đúng vậy thưa Ngài, nhưng những con chó nhỏ cũng được ăn những miếng bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn của chủ”. Cl. Tassin giải thích: Bà ấy nhìn nhận rằng dân Israel theo lịch sử thánh được ưu tiên, họ là “chủ”, còn bà là dân ngoại, bà chỉ cầu được những “miếng bánh vụn” trong sự tuyển chọn mầu nhiệm của Thiên Chúa (L’evangile de Matthieu Centurion, trang 167).

Đức tin mãnh liệt ấy đã gây nên sự ngỡ ngàng nơi Đức Giêsu. “Bánh” Lời Chúa bị người Do Thái khước từ, vậy mà người đàn bà này, một người ngoại giáo, một người xa lạ, một người “dơ” đối với con mắt Do Thái, đã chấp nhận và chấp nhận với đức tin vững vàng. Chúa liền kết luận “Hỡi bà, đức tin của bà thật to lớn bà muốn sao thì được vậy. Đức Giêsu đả phá mọi cấm cản, dẹp tan mọi loại trừ để ban cho bà điều bà ta xin, đó là con bà được lành.

*2) Báo hiệu một Tin Mừng không biên giới

Tác giả Matthêu thuật lại câu truyện người đàn bà Canaan này có ý nhắm những người Kitô hữu gốc Do Thái. Những người này tuy bị người đồng bào ruồng rẫy, nhưng họ cũng vẫn cảm thấy lòng nghi kỵ mãnh liệt đối với những Kitô hữu gốc dân ngoại, những người đón nhận Tin Mừng và gia nhập Hội Thánh ngày càng đông.

Đặt cuộc gặp gỡ này vào trong khung cảnh “bẻ bánh”, tác giả như muốn làm sáng tỏ giáo lý Tin Mừng về sự cách biệt giữa người “sạch” và người “dơ” từ nay không còn nữa. Từ nay điều kiện duy nhất để được ngồi vào bàn tiệc Hội Thánh đề ra cho dân ngoại, và nhận “bánh của con cái” là lòng tin vào Đức Giêsu.

Từ một thái độ ban đầu của Đức Giêsu xem ra Ngài chỉ chịu chết để cứu chuộc những người thuộc dân tộc tuyển chọn, Matthêu đà dẫn đến bài học về phái độ cởi mở trong truyền giáo. Cl. Tassin viết: “Đức Giêsu thật đã thi hành sứ vụ cứu thế đối với dân Israel cách trung thành, tuy nhiên Người đã mềm lòng trước lòng tin mạnh mẽ của người phụ nữ ngoại đạo… Ngày nay, nếu những người ngoại giáo cũng chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ như thế đối với Đấng Cứu Thế, lẽ nào Hội Thánh lại có thể đóng cửa không cho họ vào. Lẽ nào Hội Thánh lại có thể đặt giới hạn cho Đức Kitô, ngăn cản người chiếu sáng cho dân ngoại.” (sđd trang 167-168).

Cuộc tranh luận giữa nhưng Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc dân ngoại đã tắt từ lâu. Nhưng trong Hội Thánh vẫn còn âm ỉ cơn cám dỗ đối nghịch giữa những người thuộc các chủng tộc khấc nhau: cám dỗ giả điếc làm ngơ trước những kêu gọi đến từ những nước xa xôi; cám dỗ cuộn tròn trong vỏ ốc của mình; cám dỗ trốn tránh mạo hiểm và khước từ mở rộng cửa để đón những cơ may. Do đọc lại đoạn Tin Mừng Matthêu hôm nay câu truyện người phụ nữ Canaan mời gọi Hội Thánh hãy tìm ra trong lịch sử của mình niềm hứng khởi và sức mạnh cần thiết để trung thành với sứ mạng toàn cầu và liên tục tự vượt thắng chính mình.

BÀI ĐỌC THÊM:

*1/ “Đức tin phá đổ mọi rào cản”.

Người ta không biết tên bà, người ta gọi bà là “người phụ nữ Canaan”. Tuy nhiên bà giữ một vai trò độc đáo Đức Giêsu và các môn đệ vừa vượt ranh giới, bởi vì tình hình căng thẳng ở Galilê: Dĩ đào vi thượng mà. Họ đi về hướng Bắc, đến Tyr và Sidon, ngày nay là miền nam Liban. Đã từ nhiều thập kỷ, người Do Thái giừ một khoảng cách đối với dân chúng miền này, tôn giáo của người Canaan bị người dân trung thành với Thiên Chúa Israel khinh miệt. Một phụ nữ của xứ này đến kêu xin Đức Giêsu chữa con gái bà. Chúa làm thinh. Khi các môn đệ nài xin Chúa ban phép lạ để thoát khỏi người đàn bà quấy rầy, thì Chúa trả lời rằng Người chỉ được sai đến kiếm những chiên lạc nhà Israel. Rồi khi người đàn bà sấp mình dưới chân Chúa, thì Người còn tỏ ra cứng cỏi hơn: “Không nên lấy bánh của con cái là ném cho chó con. Và đây chính là lúc sự việc diễn ra. Một người phụ nữ chộp lấy cách gọi khinh bỉ đó và đối đáp lại bằng câu ví: “Thât đúng vậy, nhưng chó con được ăn những miếng bánh vụn từ bàn ăn của chủ rơi xuống. Bà ấy không phản đối, không chống lại. Bà chỉ kêu mời Đức Giêsu đi tới cùng. Đức Giêsu ngạc nhiên: “lòng tin của bà quá lớn…”. Và đứa con được lành bệnh. Đức Giêsu vừa bước qua một ranh giới, ranh giới nội tâm. Chúa mở rộng tâm hồn cách quyết liệt. Câu đối đáp của người phụ nữ ngoại này có chiều kích nhân đạo và tôn giáo vô hạn. Đối với các Kitô hữu đến từ các dân tộc và tôn giáo khác – người ta thường kêu là “dân ngoại” – đoạn Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu đến với người ngoại quốc, được coi là quý hoá. Bởi vì họ có thể đồng hoá với viên đại đội trưởng, với người phụ nữ Canaan. Khi có cuộc tranh luận xem có cần phải theo đạo Do Thái để theo chân Đức Giêsu không, thì người ta nhắc lại kỷ niệm này. Tại sao Đức Giêsu khen ngợi người phụ nữ Canaan? Chính là vì đức tin kiên trì của bà. Nhìn bà, chúng ta cùng khám phá ra rằng chúng ta cần phải học hỏi người khác, đôi khi cần chúng ta phải bỏ đi cái nhìn hẹp hòi của ta, và nhận ra rằng Thiên Chúa Cha đến từ nơi khác.

*2/ “Đức tin của môt người phụ nữ ngoại

Người phụ nữ Canaan tuy biết rằng những người Do Thái mà bà đang khẩn cầu này nhìn bà cách kinh tởm vẫn cứ nài nỉ dai dẳng. Các môn đệ, những người rất tôn trọng truyền thống, gợi ý với Thầy mình: Xin Thầy làm phép lạ cho bà ấy đi, để chúng ta được yên. Đây là cuộc gặp gỡ do Chúa quan phòng xếp đặt. Vì lòng kiên trì của người phụ nữ sẽ thắng thái độ thinh lặng “theo luật” của Đức Giêsu. Nào Người sẽ giữ thái độ khép kín trong bốn bức tường định kiến của dân tộc Người chăng? Nhưng vị tiên tri Nagiarét đã phản ứng một cách bất ngờ và gây sốc biết bao. Bằng chỉ một lời, Đức Giêsu đã quét sạch mọi cấm kỵ, mọi luật lệ, mọi quy ước do những con người nhỏ nhen tạo ra, và bắt đầu một cuộc đổi đời mà sẽ trở thành cuộc hiệp thông giữa mọi người.

Đứng trước nhóm biệt phái tức tối và nhóm môn đệ bàng hoàng, Đức Giêsu đã trân trọng lời của một phụ nữ, trân trọng đức tin của một người ngoại đạo, thái độ chứng tỏ cho mọi người thấy tâm hồn cao thượng và lòng tin tương sâu xa của bà. Bà nhận được phép lạ như lòng mong ước, đồng thời nhận được tình bạn của vị tôn sư, điều mà bà không dám nghĩ tới.

Giờ đây, người “dơ” trở nên mẫu mực cho người “sạch”. Người mà dáng lẽ phải bị ruồng bỏ giờ đây được đón tiếp, người đáng lẽ bị nguyền rủa giờ đây được chúc mừng. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ khinh bỉ, giờ đây được sư phụ của họ tôn vinh. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và “con chó nhỏ” được ngồi vào bàn ăn của Chúa. Sát bên Người. Chúng ta cũng có những phụ nữ Canaan, những con chó nhỏ. Tinh thần Ghetto (pháo đài) về giai cấp, địa vị luôn rình rập ta. Tính tự cao tự đại khiến ta nghi kỵ ra mặt, khinh bỉ người khác không giấu giếm, hoặc kiêu căng nghĩ mình là trên hết. Nhưng nhiều khi những “con chó nhỏ” giúp ta nhảy qua rào cản của bè phái để mở ra đón nhận sự phong phú từ người khác, và mở ra đón nhận tình huynh đệ toàn cầu. Đâu là những “người khách lạ” khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể?

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- A

MỘT ĐỨC TIN TRẢI QUA THỬ THÁCH(*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A dâng hiến một chủ đề chung: đón tiếp muôn dân nước, bất cứ những ai bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Is 56: 1, 6-7

Bài Đọc I là sứ điệp loan báo ơn cứu độ phổ quát: mời gọi cộng đoàn Giê-ru-sa-lem đón nhận vào lòng cộng đoàn mình những kiều cư tôn kính Thiên Chúa Ít-ra-en.

Rm 11: 13-15, 29-32

Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc lại rằng ngài là Tông Đồ dân ngoại: vì dân Do thái từ chối nên lời loan báo cứu độ được gởi đến cho muôn dân.

Mt 15: 21-28

Đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tường thuật câu chuyện người đàn bà xứ Ca-na-an. Cuối cùng, Đức Giê-su đáp trả lời khẩn cầu kiên vững nhưng khiêm tốn của người đàn bà ngoại giáo nầy và ca ngợi đức tin của bà.

BÀI ĐỌC I (Is 56: 1, 6-7)

Đoạn trích nầy mở ra phần thứ ba của sách I-sai-a. Phần nầy, xét toàn bộ, được gán cho vị ngôn sứ biệt danh là I-sai-a đệ tam (ch. 56-66), vì người ta không biết tên ông. Cũng như vị tiền nhiệm của ông, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55) kín đáo ẩn mình dưới danh nghĩa của vị ngôn sứ I-sai-a vĩ đại, được gọi là I-si-a đệ nhất (ch. 1-39).

Ngôn sứ I-sai-a đệ tam thực hiện sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem, trong những thập niên sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về, và nhất là vào thời kỳ tái thiết Đền Thờ (521-515 tCn).

Ngay đầu tác phẩm của mình, vị ngôn sứ công bố sứ điệp phổ quát của ơn cứu độ.

*1.Những kiều cư.

Chắc chắn vào lúc nầy có một số lượng khá lớn ngoại kiều ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Chúng ta nghĩ đến những ngoại bang đã đến định cư ở đây trong khi một phần dân cư bị đưa đi lưu đày tại Ba-by-lon.

Đối với kiều cư được gọi là gérim, tức là những ngoại kiều đến định cư lập nghiệp dài lâu trên đất Do thái, luật dự kiến một quy chế thuận lợi; họ được hưởng một số quyền lợi được luật qui định. Sách Lê-vi đồng hoá họ với “những người thân cận” và đòi hỏi phải “yêu thương họ như chính mình” (Lv 19: 33-34).

Vì thế, “nhân danh đức công chính và điều chính trực”, vị ngôn sứ tố cáo những kỳ thị đối với những kiều cư này:

“Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực,

thực thi điều công minh, vì ơn cứu độ của chúng ta đã gần tới,

và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ” (Is 56: 1)

 Diễn ngữ: “Vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới”, muốn nói rằng Đức Chúa sẵn sàng can thiệp bởi vì Ngài là Đấng bảo vệ những người đơn côi yếu hèn.

*2.Yêu mến Thánh Danh.

Ngôn sứ liệt kê những điều kiện khái quát về việc đón nhận những kiều cư vào lòng cộng đoàn Ít-ra-en:

“Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa

để phụng sự và yêu mến Thánh Danh,

cũng trở nên tôi tớ của Người ” (56: 6).

Theo văn hóa Do thái, tên chính là người mang tên ấy, vì thế, “Yêu mến Thánh Danh” không gì khác là “yêu mến chính Thiên Chúa”. Kiểu nói: “Yêu mến Thánh Danh” không gặp thấy nơi nào khác ngoài đoạn văn Cựu Ước nầy. Nhưng thật có ‎ý nghĩa khi vị ngôn sứ đòi hỏi trước tiên lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Kiểu nói: “Để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh” không phân biệt các tín hữu thuộc bất kỳ tôn giáo nào, miễn là có lòng yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Kiểu nói: “tôi tớ”, chỉ chung các tín hữu.

“Hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm”: Điểm nhấn được đặt trên “ngày sa-bát” rất có ý nghĩa. Trong thời lưu đày, việc tuân giữ ngày sa-bát đã mang lấy một tầm quan trọng lớn lao. Ngày sa-bát đã trở nên dấu chỉ biệt phân, qua đó người Do thái bị tản mác ở giữa dân ngoại khẳng định căn tính của mình.

“Cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta”: Câu nầy tóm gọn những đòi hỏi ở trên. Trong số những đòi hỏi nầy, phép cắt bì không được kể ra. Vả lại, phép cắt bì chỉ đòi hỏi những tân tòng, tức là những ai muốn trở thành dân Chúa chọn, chứ không “những người kính sợ Thiên Chúa”, tức là những người có thiện cảm với Do thái giáo. Sau này, thánh Phê-rô công bố chiều kích phổ quát tại nhà viên quan chức Rô-ma, ông Co-nê-li-ô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10: 34-35).

*3.Sứ điệp phổ quát.

Nhân danh Đức Chúa, vị ngôn sứ công bố: Phục hồi quyền lợi của những kiều cư, tháp nhập họ vào dân Thiên Chúa là sáng kiến của Thiên Chúa:

“Đều được Ta dẫn lên Núi Thánh,

và cho hân hoan nơi nhà cầu nguyện của Ta” (56: 7)

Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp thấy niềm vui được phụng thờ Thiên Chúa. Các “Thánh Vịnh lên đền” đều ca ngợi tâm tình hân hoan tôn giáo nầy, ví dụ như Thánh Vịnh 43:

“Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa,

tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con” (Tv 43: 4).

Vị ngôn sứ loan báo rằng mọi hiến lễ mà muôn dân dâng lên trên bàn thờ Thiên Chúa đều được Ngài chấp nhận:

“Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận,

những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,

vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”:

Đây là biểu thức có cung giọng đặc biệt, một trong những cung giọng mang chiều kích phổ quát nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giê-su sẽ lập lại biểu thức nầy khi Ngài đuổi những người buôn bán súc vật để làm hiến lễ và những người đổi tiền ra khỏi Đền thờ, nơi lương dân mong ước đến cầu nguyện với Thiên Chúa Ít-ra-en. Hành vi của Đức Giê-su không chỉ muốn nói rằng tất cả những gì làm tục hóa Đền Thờ rồi sẽ sớm biến mất, nhưng nơi thánh thiêng nầy phải được dành cho mọi dân tộc.

BÀI ĐỌC II (Rm 11: 13-15, 29-33)

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma hôm nay hòa hợp với các bài đọc khác của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy: cả ba bài đọc đều nói về việc rộng mở cửa đón nhận muôn dân.

Việc rộng mở cửa đón nhận muôn dân nầy càng cần thiết hơn khi dân Do thái, nói chung, cố chấp trong sự mù quáng của mình. Đó là nguyên do ưu phiền của thánh Phao-lô. Thánh nhân ngỏ lời với các tín hữu Rô-ma, những người xuất thân từ ngoại giáo: “Tôi xin nói với anh em là những người gốc dân ngoại.”

Thánh Phao-lô tự đặt mình lần lượt vào trong hai viễn cảnh: viễn cảnh của chính ngài, vị Tông Đồ dân ngoại, và viễn cảnh của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.

*1.Viễn cảnh của vị Tông Đồ dân ngoại.

Khi mới đọc đoạn thư này lần đầu, chúng ta có thể nghĩ rằng thánh Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ tông đồ dân ngoại với một hậu ý: để sinh lòng ghen tức ở nơi đồng bào của mình trước việc dân ngoại mỗi ngày mỗi đông đúc được dự phần vào kế hoạch của Thiên Chúa, thay thế cho dân Chúa chọn. Chắc chắn đây không là mục đích hàng đầu trong hoạt động truyền giáo của thánh nhân, nhưng chỉ là ý định kèm theo của thánh nhân. Ở đây thánh nhân bày tỏ nỗi lòng của mình: ơn cứu độ của dân Ít-ra-en ám ảnh thánh nhân. “Một ích người” mà thánh nhân mong muốn cảm hóa đức tin của họ, xem ra như mầm mống và bảo chứng cho cuộc hoán cải của tất cả những người khác.

Nếu việc dân Do thái bị gạt ra ngoài đã là cơ hội cho thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, tức là cuộc hoán cải của dân ngoại, giai đoạn đầu tiên của ơn cứu độ phổ quát cho muôn người, thì giai đoạn thứ hai sẽ là tuyệt vời biết mấy, khi toàn thể dân Ít-ra-en tái sáp nhập vào cộng đồng tin: đó sẽ được ví như các vong nhân sống lại từ cõi chết.

*2.Viễn cảnh của Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

Đối với vị Tông Đồ dân ngoại, Thiên Chúa không thể bỏ rơi dân riêng của Ngài: ân ban và ơn gọi bất khả đổi thay. Cả dân ngoại lẫn dân Do thái đều đã “không vâng phục Thiên Chúa”. Ở đầu bức thư của mình, thánh nhân đã cho thấy rằng dân ngoại đã đón nhận đủ ánh sáng ngõ hầu cư xử với nhau một cách chính trực và từ tâm, nhưng họ đã lún sâu vào sự bất chính và thờ ngẫu tượng, theo nghĩa nầy, họ đã không vâng phục Thiên Chúa. Dân Do thái, đến giờ Thiên Sai, đã không thấy ánh sáng, đến phiên mình họ cũng đã không vâng phục Thiên Chúa.

Vị Tông Đồ thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc bất phục tùng của dân Ít-ra-en và sự hoán cải của dân ngoại. Chắc chắn đây là quan hệ nhân quả lịch sử. Trước việc người Do thái chống đối có hệ thống, thánh Phao-lô, Ba-na-ba và các tông đồ khác đã cương quyết quay về phía dân ngoại. Nhưng, còn sâu xa hơn, thánh nhân cho thấy mối quan hệ nhân quả thuộc trật tự tâm lý trong ‎ ý định Thiên Chúa. Lúc đó, theo thể loại đối xứng đặc thù Sê-mít, thánh nhân mô tả chuyển động kép của lòng Chúa xót thương: lòng xót thương mà dân ngoại đã có được khi trở về cùng Thiên Chúa, lòng xót thương mà dân Ít-ra-en sẽ được hưởng khi trở lại cùng Thiên Chúa. Cuối cùng, thánh nhân tóm lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trong một biểu thức thấm thía: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

TIN MỪNG ( Mt 15: 21-28)

Câu chuyện người đàn bà xứ Ca-na-an được định vị trong bối cảnh đặc thù: kể từ phép lạ hóa bánh ra nhiều và việc đám đông dân chúng không nhận ra sứ điệp của Ngài, Đức Giê-su đã quyết định hướng sứ vụ của mình hơn nữa về việc đào tạo các môn đệ của mình. Vì thế, “Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn”. Lúc này, Ngài đang ở miền đất dân ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới phân chia giữa miền Ga-li-lê và xứ Phê-ni-xi, xa khỏi đám đông Do thái và những luật sĩ, những người đã đặt ra nhiều câu hỏi để quấy nhiểu Ngài. Trong bầu khí yên tỉnh của miền đất dân ngoại này, Ngài dành hết thời gian cho các môn đệ mà Ngài muốn chuẩn bị sứ mạng tương lai của họ.

*1.Sự xuất hiện của một người đàn bà xứ Ca-na-an:

“Thì nầy có một người đàn bà xứ Ca-na-an…”. Ca-na-an là tên cổ xưa của Phê-ni-xi, như trong cùng một câu chuyện thánh Mác-cô xác định rõ nguồn gốc của người phụ nữ này: “Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri” (Mc 7: 26). Khi sử dụng kiểu nói: “người đàn bà Ca-na-an”, thánh Mát-thêu không quan tâm đến tên gọi cổ xưa, nhưng gợi lên quá khứ thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Ít-ra-en, cũng như thánh Gioan nói “người đàn bà Sa-ma-ri” để hàm chứa ở nơi tên gọi nầy những ký ức thù nghịch không đội trời chung giữa hai dân tộc nầy (Ga 4: 9). Thêm nữa, khi nói “người đàn bà Ca-na-an”, thánh Mát-thêu muốn khẳng định rằng bà không phải dân Do thái đến lập nghiệp ở đây, nhưng thật sự là dân ngoại.

Người đàn bà Ca-na-an trước đây đã nghe nói về Đức Giê-su. Vì thế, khi nghe biết Đức Giê-su hiện đang có mặt ở trong miền, bà đến khẩn khoản van xin Ngài, không phải cho bà nhưng cho đứa con gái bệnh hoạn khốn khổ của bà: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rũ lòng thương tôi! Đức con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”. Bengel đã nói về bà: “Bà đã xem nỗi bất hạnh của con bà như của chính bà”. Còn William Barclay thì xoáy sâu vào tình mẫu tử ở nơi người đàn bà ngoại giáo nầy: “Chính bởi tình yêu khiến bà đến gần người ngoại quốc nầy, chính tình yêu khiến bà cam chịu sự nín lặng, lạnh nhạt của Ngài mà vẫn tiếp tục kêu xin, chính tình yêu mà bà cam chịu đau khổ vì lời từ chối tàn nhẫn, chính tình yêu mà đã khiến bà có thể thấy được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Chúa Giê-su”.[1]

Khi đặt trên môi miệng của người phụ nữ ngoại giáo này lời khẩn cầu với tước hiệu thiên sai đặc thù của dân Do thái: “Lạy Ngài (kurie) là Con vua Đa-vít”, phải chăng thánh Mát-thêu muốn nhấn mạnh sự bạo dạn của người đàn bà Ca-na-an nầy? Hay đúng hơn thánh nhân muốn ghi nhận ở nơi người đàn bà nầy một tấm lòng tin tưởng không hề lay chuyển ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu? Chúng ta lưu ý rằng trong câu chuyện này những lời khẩn cầu của người phụ nữ nầy vang lên cung giọng phụng vụ: “Lạy Ngài (“Kurie”) là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”, “Lạy Ngài (“Kurie”), xin cứu giúp tôi!”, như “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con” (“Kyrie Eleison”).

Với lời khẩn cầu này, thánh Mát-thêu chuẩn bị cho chúng ta tham dự vào chiều kích vĩ đại trong phần tiếp theo của câu chuyện.

*2.Thái độ thinh lặng kỳ lạ của Đức Giê-su.

Để khơi dậy đức tin ở nơi người đàn bà xứ Ca-na-an, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm có thể được gọi phương pháp thử thách. Phương pháp nầy bao gồm hai giai đoạn: trước hết, thinh lặng: “Người không đáp một lời nào”; đoạn, từ chối thẳng thừng. Người đàn bà vẫn bám riết theo Ngài mà kêu xin đến mức các môn đệ cảm thấy động lòng nên xin Đức Giê-su: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”.

*3.Một đức tin trải qua thử thách.

Đức Giê-su đáp lại các ông bằng lời từ chối thẳng thừng, nhưng thật ra Ngài muốn người đàn bà nghe được: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi”. Vào lúc sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo, Đức Giê-su đã chỉ thị cho họ theo cùng một cách như vậy: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (Mt 10: 5-6).

Quả thật, Đức Giê-su đặt ưu tiên “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” cho sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã động lòng xót thương trước lời khẩn cầu của viên quan ngoại giáo tại Ca-pha-na-um cho người đầy tớ đau nặng. Có biết bao nhiêu việc tương tự như thế giữa câu chuyện của viên quan ngoại giáo và câu chuyện người đàn bà Ca-na-an. Ngài không đóng kín lòng mình đối với dân ngoại. Họ là hoa trái đầu mùa sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, đó là thời gian của các môn đệ Ngài, các ngài sẽ thực hiện tất cả mọi chiều kích rộng mở cho muôn dân nước.

Lời từ chối thẳng thừng của Đức Giê-su cũng không làm cho người phụ nữ này nao núng, bà đến sụp lạy mà van xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Đức Giê-su đáp lại cách dứt khoát khi viện dẫn rằng bà không thuộc dân của Ngài: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dân Do thái thường khinh bỉ dân ngoại là “Đồ lũ chó dân ngoại”. Tuy nhiên, trong lời nói của Đức Giê-su “lũ chó con” từ Hy lạp Kunaria gợi lên chó nuôi trong nhà, là con vật cưng đối lập với chó hoang lang thang kiếm ăn ngoài đường. Vì thế, thánh Mác-cô, trong cùng một câu chuyện, đặt hoạt cảnh nầy “vào trong một nhà nọ” (Mc 7: 24). Câu trả lời của Đức Giê-su và câu đáp trả của người đàn bà rất đối xứng với nhau theo từng từ và được định vị vào bối cảnh trong nhà: bánh, chó con, bàn ăn, những mảnh vụn.

*4.Niềm tin kiên vững nhưng khiêm tốn của người đàn bà Ca-na-an.

Người đàn bà Ca-na-an trả lời với tất cả tấm lòng khiêm cung của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà nhìn nhận rằng sứ điệp của Đức Giê-su gởi đến ưu tiên cho dân Do thái và tất cả phép lạ Ngài đã thực hiện trước hết trên quê hương của Ngài: “Thưa Ngài, đúng thế”. Nhưng với một ‎trực giác tuyệt vời, bà tin rằng lòng Chúa xót thương chắc hẳn vượt ra bên ngoài dân Do thái, vì thế, bà cũng có thể đón nhận những mảnh vụn của lòng Chúa xót thương.

Đức Giê-su thán phục đức tin của người đàn bà Ca-na-an như Ngài đã thán phục đức tin của viên quan ngoại giáo. Vì thế, Ngài nhận lời khẩn cầu của bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”.

*5.Dấu chỉ của bánh.

Trong cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ ngoại giáo này, từ “bánh” được lập đi lập cả trong lời tuyên bố của Đức Giê-su lẫn trong lời đáp trả của bà. Thật khó mà nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Theo lời Đức Giê-su, bánh trước hết được dành riêng cho “con cái”, nghĩa là cho dân Do thái, dân Chúa chọn, đám đông nầy mà Đức Giê-su đã nuôi ăn no nê bằng bánh vật chất, nhưng tiên báo bánh siêu nhiên, như bánh man-na trong sa mạc loan báo những thiện hảo của thời thiên sai.

Từ bánh nầy mà người đàn bà xứ Ca-na-an đã đón nhận những mảnh vụn. Bà đã nhận được bảo chứng của những phúc lộc Nước Trời mà các môn đệ sau biến cố Phục Sinh nhận được chỉ thị phân phát trọn vẹn cho muôn dân. Thật có ý nghĩa biết bao, sau câu chuyện này, thánh Mát-thêu kể cho chúng ta câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” lần thứ hai cho đám đông dân chúng trong vùng đất ngoại giáo này (Mt 15: 32-39).

home Mục lục Lưu trữ